LỜI SỐNG (Thứ Năm Tuần 7 TN)

0
390

Lời Chúa: Mc 9,41-50

41“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu. 42“Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.

43Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. 44[ ]45Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. 46[ ]

47Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, 48nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt. 49Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối. 50Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau.”


—– SUY NIỆM —–

BÁC ÁI VỚI NHAU (Tu sĩ Giuse Trần Minh Kiểm, SVD)

Một người chịu tháo khớp vì bị tai nạn hay mắc bệnh tiểu đường, chúng ta chẳng ngạc nhiên mấy. Mất đi một phần cơ thể mà kéo dài được sự sống thì còn hơn là giữ lại mà phải chết. Người ta chấp nhận cắt bỏ một phần thân thể bị hư hoại, để mong giữ lại được cả mạng sống. Tuy việc cắt bỏ luôn đi kèm với đau đớn và mất mát suốt đời, nhưng người ta vẫn vui vì thấy mình còn sống.

Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm ta ngạc nhiên và không vui vì có cần phải chặt tay, chặt chân hay móc mắt không? Có cần phải hiểu các câu này của Chúa theo nghĩa đen không? Nếu hiểu theo nghĩa đen thì chắc hẳn không có một Kitô hữu nào lành lặn.

Điều Đức Giêsu muốn nhấn mạnh, chúng ta phải có một lòng bác ái với nhau, đừng vì điều này điều kia để ghét bỏ và loại trừ nhau. Bác ái không chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ, mà còn phải tha thứ và đừng làm gương mù, giương xấu để người khác phải vấp phạm, vì Ngài nghiêm khắc lên án: “Thà nó bị cột cối đá vào cổ nó mà xô xuống biển còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn này vấp ngã”. Thực ra, gương mù, gương xấu mà Đức Giêsu nhấn mạnh ở đây không chỉ lời nói hay hành động mà thôi, nhưng cả những việc “bỏ sót” không làm hoặc điều phải làm mà không làm cũng có thể là một gương xấu, vì đó là dịp để cho người khác vấp phạm. Chẳng hạn, người có quyền, có trách nhiệm vì sợ mà im lặng không dám lên tiếng trước một tình trạng bất công thì đó cũng là một gương xấu cho người khác. Hoặc Kitô hữu không dám nói sự thật về đạo của mình, hay không dám nói sự thật về một hành động hay sự việc nào đó thì cũng là làm gương xấu… Qua bài Tin Mừng hôm nay xin cho mọi người trong chúng ta ý thức hơn về vai trò tông đồ của mỗi người chúng ta. Để từ đó chúng ta làm cho Nước Chúa được mọi người biết đến và yêu mến.

Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con, xin giúp chúng con biết tha thứ cho nhau và xin dạy chúng con hãy biết sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ. Amen.


CỚ VẤP PHẠM (Tu sĩ  F. X. Nguyễn Tuấn Kiệt, SVD)

Cớ vấp phạm là điều có trước, là nguyên nhân của sa ngã. Loại bỏ những cớ vấp phạm có thể ví như việc phòng ngừa bệnh tật. Tin Mừng hôm nay nói về cớ vấp phạm cho người khác và cho chính mình.

Thứ nhất là cớ vấp phạm cho tha nhân, đặc biệt là những người bé mọn: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây mà phải sa ngã, thì thà buộc cối đá vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” Kẻ bé mọn ở đây có thể hiểu là những trẻ nhỏ, tâm hồn ngây thơ; hoặc cũng có thể là những người “bé mọn” trong tri thức. Nói chung họ đều là những người có khả năng phân định kém và dễ bị tổn thương. Đức tin của họ còn ở tình trạng “bé nhỏ”. Vì thế những hành động không tốt, những gương mù gương xấu rất dễ gây ảnh hưởng mạnh nơi họ, làm họ phải sa ngã. Thứ hai là cớ vấp phạm cho chính mình. Những bộ phận trên cơ thể tuy rất quan trọng với con người nhưng nếu nó đem lại cớ vấp phạm, ta cũng không ngần ngại vứt bỏ nó đi. Trong Tin Mừng, những từ ẩn dụ miêu tả hành động như chặt tay, chặt chân, móc mắt… đã nói lên tính chất hệ trọng mà cớ vấp phạm có thể gây ra. Vì vậy ta phải cảnh giác và dứt khoát với những dịp tội. Dù biết rằng từ bỏ những thứ đó không hề dễ dàng, có khi cũng đau đớn không kém việc phải chặt mất một chi thể.

Bản tính con người vốn yếu đuối và mỏng dòn. Vì thế, ai trong chúng ta cũng từng kinh nghiệm những lần phạm phải lỗi lầm, những lần đấu tranh và dằng co nội tâm trước những ý muốn không ngay lành. Đức Giêsu muốn chúng ta hãy dứt khoát dẹp bỏ những cớ vấp phạm để tránh rơi vào hố thẳm của tội lỗi.

Lạy Chúa, chúng con đã nhiều lần cố gắng đấu tranh với cám dỗ, và cũng nhiều lần phải gục ngã trước tội lỗi. Xin Chúa cho chúng con thêm sức mạnh và luôn cố gắng chiến đấu không ngừng để vươn tới sự thiện hảo như lòng Chúa muốn. Amen.


 

LÀM CỚ (Tu sĩ Carôlô Lê Văn Toàn, SVD)

Ca dao Việt Nam có câu: “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa; tiếng lành tiếng dữ đồn ba ngày đường”. Người tốt lành thì được nhiều người biết, ngưỡng mộ và noi theo nhưng kẻ dữ thì cũng gây ảnh hưởng không kém gì.

Với tội nhân, Chúa không ghét bỏ nhưng Người còn quyết đi tìm cho được và tha thứ mang về. Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu lại gay gắt với những kẻ làm cớ cho người khác mắc lỗi, đào hố để người khác rớt xuống: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9,42). Người làm cha mẹ mắc lỗi thì rất nhiều nhưng có lẽ là chuyện thường tình vì là phận người. Nhưng nếu cha mẹ nào làm cớ, gương mù, gương xấu khiến con mình hư hỏng, phạm tội thì sẽ được nhắc đời. Người có chức vị, danh vọng càng cao thì tầm ảnh hưởng càng lớn đến người khác.

Mỗi người có thể hiểu được sự nguy hiểm của việc làm cớ cho người khác nhưng nhiều lúc mình cũng không biết đang làm cớ cho người khác thì sao. Bởi nhiều lúc dù hành động hay lời nói của mình vô ý nhưng lại gây hiểu lầm, gây cớ cho người khác. Điều đó thật là nguy hiểm! Bởi vậy, việc học hỏi, sửa đổi để hiểu và trưởng thành bản thân mỗi ngày là điều cần thiết, để mình không vô ý làm gương xấu cho kẻ khác. Gương xấu thì quá tai hại, nhưng nếu là gương sáng thì cũng sẽ giúp ích được cho nhiều người. Bởi thế, khi nghĩ gì, nói gì, làm gì cũng nên nghĩ tới những người xung quanh để hành động cho đúng.

Lạy Chúa, đã biết bao lần, con vô tình hay cố ý làm cớ cho người khác vấp ngã, xin Chúa thương thứ tha cho con, cũng xin giúp con sống đúng Tin Mừng để con làm gương sáng cho người khác. Amen.


 

Bài trướcCÁC ĐOẠN KINH THÁNH QUAN TRỌNG NHẤT ĐỐI VỚI CHA THÁNH ARNOLD JANSSEN
Bài tiếp theoMột Hành Trình Để Nhớ