LỜI SỐNG (22/2, Lập Tông tòa Thánh Phêrô)

0
781

Tin Mừng: Mt 16,13-19

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”.

—– SUY NIỆM —–

LỄ LẬP NGAI TÒA THÁNH PHÊRÔ (Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD)

Trong Vương Cung Thánh Đường thánh Phêrô có một nhà nguyện nhỏ nằm ngay phía sau bàn thờ chính, được gọi là nhà nguyện Ngai Tòa thánh Phêrô. Trung tâm của nhà nguyện này là một Ngai Tòa được điêu khắc gia G. L. Bernini chế tác vào năm 1666. Phía dưới Ngai Tòa là bốn bức tượng của bốn tiến sỹ Giáo Hội: Bên trái là hai thánh Amrôsiô và Athanasiô và bên phải là hai thánh Gioan Kim Khẩu và Augustinô, ngụ ý rằng các vị tiến sĩ này bảo tồn các tư tưởng thần học với giáo huấn của các Tông Đồ. Trên chiếc ghế là ba bức phù điêu liên quan đến ba đoạn Tin Mừng: Trao chìa khóa; lời mời gọi hãy chăm sóc chiên của Thầy”; Và rửa chân cho các môn đệ.

Đoạn Tin Mừng trong Thánh Lễ được gọi là Lập Ngai Tòa thánh Phêrô, kể về khoảnh khắc Đức Giêsu trao chìa khóa Nước Trời cho thánh Phêrô. Đây chính là nguồn gốc Ngai Tòa thánh Phêrô và các Đức Giáo Hoàng qua mọi thời đại. Việc trao chìa khóa cùng với quyền tháo cởi và cầm buộc cho thánh Phêrô chỉ diễn ra sau khi ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Để thực thi vai trò này, trách nhiệm giảng dạy, lãnh đạo và thánh hóa Hội Thánh, thánh Phêrô còn phải học cho biết ý nghĩa đích thực của danh xưng mà ông vừa tuyên tín. Đó là một Đấng Kitô quyền năng trên bệnh tật, thiên nhiên, quỷ dữ và sự chết, nhưng cũng là Đấng Kitô chịu khổ nạn, chết và phục sinh. Không chỉ hiểu rõ hai khía cạnh vinh quang và thập giá nơi vai trò của Đấng Kitô, thánh Phêrô còn phải trải qua hành trình thập giá với Chúa, để trở thành một chứng nhân mẫu mực, giống như Thầy của mình.

Nhờ lời cầu bầu của thánh Phêrô, xin Chúa ban nhiều ơn lành hồn xác cho Đức Giáo Hoàng, cũng như các vị lãnh đạo của Giáo Hội, để họ có thể dẫn dắt Giáo Hội theo đường lối khôn ngoan và tình yêu Chúa. Xin cho mỗi thành phần dân Chúa cũng biết nhiệt tâm cộng tác với công việc xây dựng Giáo Hội và rao giảng Tin Mừng, để Giáo Hội ngày càng thánh thiện và có nhiều người đón nhận Tin Mừng Nước Trời hơn nữa. Amen.


 

CON NGƯỜI LÀ AI? (Tu sĩ Giuse Nguyễn Quang Thoại, SVD)

Phêrô, một con người bộc trực, thẳng tính; vì quá tự tin nên ông đã sa ngã, chối Chúa. Bất chấp những yếu đuối và giới hạn đó, Chúa Giêsu vẫn chọn ông đứng đầu Nhóm Mười Hai và làm nền tảng cho Hội Thánh của Người. Vậy bởi đâu mà ông Phêrô lại được đón nhận đặc ân cao trọng đó? Chắc hẳn là do thánh ý của Chúa Cha khi Người đã tỏ cho Phêrô biết Đức Giêsu là ai qua việc ông mạnh dạn tuyên xưng rằng: “Thầy là Đấng Kitô, con Thiên  Chúa hằng sống” (Mt 16,16).

Vậy đối với chúng ta, Đức Kitô là ai? Quan sát trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã trao cho ông Phêrô chìa khóa Nước Trời, cùng với đó là quyền “cầm buộc” hay “tháo cởi” bất kỳ điều gì thuộc quyền bính của mình. Điều này như một lời khẳng định đanh thép: Đức Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha và là Thiên Chúa hằng sống. Quả thật, chính những điều này đã giúp củng cố đức tin còn yếu kém và giúp ta nhận ra và mạnh dạn tuyên xưng rằng: Ngài là con Thiên Chúa.

Bên cạnh đó, Đức Giêsu còn là một người cha nhân lành, một người cha luôn yêu thương, lo lắng cho con cái; một người cha sẵn sàng đáp ứng mọi lời cầu xin của con cái mình: “Các con cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7,7). Hơn thế nữa, Người còn là một người bạn hữu thật sự vì ở bên Người chúng ta sẽ luôn cảm nhận được sự bình an. Đến với Người, chúng ta có thể yên tâm chia sẻ mọi tâm tư sâu lắng, mọi tình cảm thầm kín mà không có gì phải đắn đo, do dự vì Người chính là người thân tín nhất của chúng ta.

Lạy Chúa, giữa những thăng trầm của cuộc sống trần thế, xin cho con luôn nhận ra rằng: Chúa là Thiên Chúa toàn năng, là Người Cha nhân lành, là người bạn kiên trung để rồi từ đó chúng con biết một lòng cậy trông, phó thác vào quyền năng và tình thương của Ngài. Amen.


 

CÓ PHÚC (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

CHÌA KHÓA NƯỚC TRỜI (Tu sĩ P.X. Nguyễn Trung Tuyến, SVD)

Ngang qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn nói với chúng ta rằng, không chỉ riêng thánh Phêrô đã lãnh nhận chìa khóa Chúa trao; mà qua Ngài, qua Giáo Hội, hết thảy mọi tín hữu cũng đều nhận được chìa khóa ấy khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội.

Chìa khóa Nước Trời không gì khác hơn là tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và đồng thời tin tưởng chúng ta cũng là con Thiên Chúa. Chìa khóa chính là hạt giống đức tin từ ngày được dìm mình vào trong làn nước Thánh Tẩy, là lúc giúp chúng ta mở cửa bước vào kho tàng ân đức của Chúa ngang qua Bí tích Rửa Tội. Chịu phép Thanh Tẩy, nghĩa là chúng ta nhận được “Ơn làm con Thiên Chúa”, đó là chìa khóa Nước Trời mà Thiên Chúa trao cho mỗi người tín hữu. Ngoài ra, chìa khóa nước trời còn là Lời Chúa, là Thánh Thể, là các Bí tích và là sống đức ái. Chìa khoá mở lối vào Thiên Quốc Vĩnh Hằng có “độ rắn” của lòng trung thành, liên lỉ trong cầu nguyện; có “độ bền” của sự hiền hậu, khiêm nhường; có cấu trúc đẹp của lòng bao dung, tha thứ.

Trong ngày đại lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô, chúng ta noi theo gương các ngài để biết cách sử dụng chìa khóa mà Chúa trao. Vì các ngài đã dùng hai đường lối khác biệt để quy tụ một gia đình duy nhất cho Đức Giêsu. Các ngài đã chấp nhận sự đa dạng, nhưng hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin và lòng mến. Dù đã từng sa ngã và lầm lạc nặng nề như bao nhiêu tội nhân khác, hai thánh Phêrô và Phaolô đã biết trỗi dậy, đứng lên và theo gương Chúa Giêsu nên đã trở thành hai trụ cột của Hội Thánh và là hai vì sao sáng trong bầu trời đức tin.

Lạy Chúa, xin biến đổi con xin cho con mỗi ngày biết cầm chìa khóa để mở lòng con, mở mắt con, mở tai con để con đón nhận mọi người với trái tim nhỏ bé nhưng tràn đầy yêu thương. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Tư tuần 1 Mùa Chay)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Sáu Tuần 1 Mùa Chay)