Tin mừng: Lc 13, 1-9
1 Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.
2 Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao ?
3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.
4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao ?
5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7 nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất ?’
8 Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.
9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.’”
—– SUY NIỆM —–
ĂN NĂN SÁM HỐI (Tu sĩ Phêrô Nguyễn Hữu Hào, SVD)
Mùa Chay là thời gian thuận tiện để mỗi người ý thức hơn về tâm tình đền tội và sám hối để đón nhận ơn tha thứ. Đó là một lời mời gọi tha thiết và không ngừng thúc giục chúng ta mau mắn có những sự thay đổi quan trọng trong cuộc sống để bước theo Đức Giêsu trong cuộc lữ hành trần thế này.
Qua câu chuyện về hai thảm họa và dụ ngôn cây vả không ra trái trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn cảnh tỉnh những người Do Thái xưa và mỗi người chúng ta ngày nay về thân phận yếu đuối tội lỗi của phận người. Đồng thời, Người tha thiết mời gọi chúng ta hãy biết ăn năn sám hối tội lỗi của mình mà trở về với Chúa để nhận được ơn tha thứ và được sống. Chúa Giêsu nói rất rõ điều đó trong Tin Mừng hôm nay, nhân có mấy người đến kể cho Người nghe chuyện của những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết: “Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn những người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy” (Lc 13,2-4). Điều này được Chúa Giêsu lặp lại hai lần trong Tin Mừng hôm nay. Thật vậy, nếu chúng ta không sám hối ăn năn tội lỗi của mình mà trở về cùng Chúa thì chúng ta cũng sẽ chịu chung số phận như họ, chết mà không kịp sám hối ăn năn.
Điều may mắn cho nhân loại là Thiên Chúa luôn yêu thương, kiên trì chờ đợi chúng ta trở về. Dụ ngôn cây vả không ra trái cho thấy sự kiên trì chờ đợi của Thiên Chúa. Người luôn cho chúng ta cơ hội để trở về, sinh hoa kết quả nhưng nếu chúng ta từ chối trở về, không sinh hoa kết quả thì “cái rìu đã đặt sát gốc cây” (Mt 3,10a).
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa và can đảm trở về với Ngài qua việc ăn năn sám hối tội lỗi của mình và xin cho chúng con biết nhận tình thương yêu tha thứ của Chúa để biết sinh nhiều hoa trái trong mùa Chay Thánh này. Amen.
ĐỐI THOẠI (Giuse Phạm Minh Hoàng)
Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, hình ảnh về cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ Samari đã đánh động và gây ấn tượng trong tôi, mặc dầu giữa hai nhân vật có những khác biệt về địa vị, chủng tộc, quan niệm thờ phượng, … Nhưng đó vẫn là một hình ảnh đầy tính biểu tượng trong công cuộc truyền giáo cho dân ngoại.
Thời bấy giờ, người Do Thái có cái nhìn kì thị và xem thường người Samari vì họ là những người dân ngoại. Thế nhưng Chúa Giêsu đã không bị ảnh hưởng bởi những đánh giá như thế. Do đó, khi thấy người phụ nữ Samari, Đức Giêsu đã chủ động tiến đến và mở lời bằng những câu đối đáp thật thân tình và cùng thái độ lắng nghe. Qua cuộc gặp gỡ và đối thoại, Đức Giêsu đã mạc khải chính Người là Nước Hằng Sống, thứ nước mà người phụ nữ này đang khao khát và kiếm tìm. Nhận được thứ nước hằng sống là chính Người, người phụ nữ xứ Samari như được giải toả cơn khát thiêng liêng dai dẳng từ lâu trong sâu thẳm lòng cô. Từ đó, đời sống của cô như được biến đổi; lòng nhẹ nhàng thanh thoát hơn; niềm vui, hạnh phúc và bình an dần hé mở; đời sống của cô bước sang trang sử mới.
Vâng, Đức Giêsu đã chủ động đến, gặp gỡ, đối thoại với người phụ nữ Samari và nhờ đó, người phụ nữ dân ngoại tin nhận Chúa và hoàn toàn được biến đổi. Còn thời nay, chúng ta đang sống giữa những người chưa biết Chúa, thử hỏi chúng ta làm được gì để đem Chúa đến với họ? Hẳn là có nhiều cách thế để đem Chúa đến với người khác như qua những hoạt động thiện nguyện, qua những hành động giúp đỡ và sẻ chia, sự đồng cảm, … nhưng tiên quyết chúng ta vẫn được mời gọi chủ động lên đường đến, gặp gỡ và đối thoại với họ.
Lạy Chúa, xin Ngài soi sáng và ban ơn can đảm để chúng con có thể dễ dàng dấn thân lên đường, tìm đến và sẵn sàng đối thoại với những người chưa biết Chúa hầu đem Chúa đến với họ. Amen.