LỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 4 MC)

0
433

Tin Mừng: Ga 7,1-2.10.25-30

1 Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ Giuđêa, vì người Do Thái đang tìm giết Người.

2 Lúc đó gần đến lễ Trại của người Do Thái.

10 Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng không đi cách công khai, mà lại đi cách kín đáo.

25 Có một số người ở Giêrusalem nói: “Đây không phải là người họ đang tìm giết sao?

26 Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Đấng Kitô?

27 Tuy nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Đấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu”.

28 Vậy lúc bấy giờ Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, Người lớn tiếng nói rằng: “Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Đấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài.

29 Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta”.

30 Bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người.

————

SUY NIỆM

BIẾT CHÚA (Tu sĩ  Phêrô Nguyễn Hữu Hào, SVD)

Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu được miêu tả là Đấng đến từ Chúa Cha và đang trở về cùng Chúa Cha. Chúa Giêsu mạc khải Chúa Cha và làm cho nhân loại biết tình yêu của Chúa Cha qua Người. Người chính là Ngôi Lời mang lại sự sống, và là ánh sáng cho nhân loại (x. Ga 1,3-4).

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật về việc Chúa Giêsu đang bị người Do Thái tìm giết. Người Do Thái khẳng định rằng họ biết rõ Người xuất thân từ đâu. Nhưng đó chỉ là những sự hiểu biết theo cách thế gian như: Người sinh ra ở đâu? Mối quan hệ gia đình? làm công việc gì?… Cũng có thể đó chỉ là một sự cố ý chối bỏ căn tính của Chúa Giêsu trong mắt những nhà cầm quyền lúc bấy giờ. Vì những lời Người giảng dạy chính là mối đe dọa cho lợi ích của họ. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã quả quyết rằng: “Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi” (Ga 7,29). Đó là việc Người đến để dẫn con người về với Thiên Chúa hằng sống và chân thật.

Làm thế nào để chúng ta có thể chân nhận Chúa một cách sâu xa hơn? Làm thế nào để chúng ta đối phó với những thách thức trên con đường theo Chúa trong thế giới hiện tại? Cách chúng ta liên hệ với Chúa có biến đổi chúng ta để trở nên có sức sống hơn không? Những điều đó đòi hỏi chúng ta phải chuyên cần học hỏi, gặp gỡ Người ngang qua Thánh Kinh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Hơn thế nữa, chúng ta nhận biết Thiên Chúa qua những việc Người làm trong cuộc đời chúng ta, nơi người khác và nơi lời mời gọi tin vào Đức Giêsu. Thực sự, biết Chúa Giêsu là được biến đổi, bằng cách yêu như Người đã yêu và phục vụ như Người đã phục vụ.

Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần để Ngài hướng dẫn và dạy chúng con biết Ðức Kitô để bước theo Người. Qua Ðức Kitô, chúng con đến được với Thiên Chúa là Cha và là cùng đích của chúng con. Nguyện xin trái tim Chúa Giêsu luôn sống trong tâm hồn chúng con và tất cả mọi người. Amen.


GIỜ CỦA NGƯỜI CHƯA ĐẾN (Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Căn, SVD)

Giờ của Người chưa đến và giờ đó cũng không được xác định cách cụ thể. Đó là lý do khiến chúng ta phải biết tận dụng mọi thời giờ để đi theo chương trình của Thiên Chúa, cũng như chờ đợi với một tâm thế đầy hy vọng và sẵn sàng.

Người đời thường có thái độ thụ động khi đợi chờ. Họ coi thời gian chờ đợi là khoảnh khắc tạm bợ, là khoảng thời gian chết. Nhưng ngược lại, chúng ta cần phải có thái độ chờ đợi một cách chủ động và tích cực. Chúa ban thời gian để chúng ta chọn lựa cho mình một lối đi để đến với Người. Chỉ có hai con đường để đến với Chúa: con đường thanh sạch hoặc con đường hoán cải. Thật may mắn cho chúng ta vì Chúa luôn đợi chờ và giúp đỡ mỗi hối nhân lên đường trở về với Ngài. Tội lỗi vẫn ở đó, vẫn cám dỗ ta mãnh liệt nhưng ơn tha thứ của Chúa còn mạnh thế hơn. Ơn đó luôn ở trong tầm tay của mỗi người. Quả thật, bao lâu còn có lòng sám hối thì bấy lâu còn có ơn tha thứ. Bởi vì, Chúa tạo dựng chúng ta có một lần nhưng Ngài tái tạo chúng ta trong ơn tha thứ muôn ngàn lần và hầu như là mỗi ngày.

Vậy, giờ của Người chưa đến không phải là Người không làm gì, không lắng nghe lời cầu nguyện của đàn chiên, không đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của đàn chiên. Nhưng giờ của Người chưa đến là để mỗi người chúng ta có thêm cơ hội để sửa sai, để tân trang lại cuộc đời của mình. Cho nên, chúng ta cần phải đổi mới chính mình, hành động đổi mới phải khởi phát từ nội tâm và đổi mới là để nên giống Đức Giêsu hơn.

Lạy Chúa Giêsu, giữa một cuộc sống bộn bề lo toan, chúng con thường chạy đua với thời gian để đạt được những giá trị vật chất hữu hạn, nhưng lại không có giá trị cho phần rỗi của chúng con. Xin giúp chúng con biết vội vàng mà chuẩn bị cho bản thân những hành trang cần thiết với một thái độ sẵn sàng cho giờ Chúa đến. Amen.


 

BIẾT CHÚA GIÊSU Ư? (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

BIẾT MÀ KHÔNG BIẾT (Tu sĩ Phêrô Phan Thái Hiền, SVD)

Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta tự hào về việc chúng ta biết được nhiều chuyện và hiểu được nhiều người. Nhưng thực chất chúng ta lại chẳng biết gì hoặc biết chưa tới đâu. Cũng thế, Tin Mừng hôm nay, những người tại Giêrusalem đã tự xưng là họ biết rõ về Đức Giêsu, nhưng thực chất, họ chỉ biết con người lịch sử của Người mà thôi. Còn nguồn gốc thần linh của Người thì họ không biết.

Trong khung cảnh Lễ Lều, Đức Giêsu lên đền thánh Giêrusalem và giảng dạy tại đó. Nơi đây, dân chúng đã mơ hồ về Đức Giêsu. Cũng có thể họ thắc mắc rằng “Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Đấng Kitô?” Vì họ cho rằng Đức Giêsu không thể là Đấng Cứu Thế được. Họ biết rằng Người xuất thân từ Nagiarét. Điều đó nói lên rằng họ chỉ biết về thân phận làm người của Đức Giêsu mà thôi, còn thân phận thần linh của Người thì họ không biết. Đây chính là điều “biết mà không biết” của những người tại Giêrusalem về Đức Giêsu. Trước sự mơ hồ đó, Đức Giêsu đã tự mình khẳng định rằng Người xuất thân từ Chúa Cha, chính Chúa Cha đã sai Người xuống trần gian. Nhưng họ đã không tin mà còn tìm cách bắt giết Người.

Là người Kitô hữu, chúng ta cũng tự hào biết về Đức Giêsu vì được học giáo lý và đọc Kinh Thánh. Nhưng sự hiểu biết đó chưa thực sự trọn vẹn vì chúng ta chưa thực hành đủ những giới luật của Người. Đó chính là điều “biết mà không biết” về Đức Giêsu của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, được nhận biết Chúa là điều quan trọng nhưng hành động ngay sau việc nhận biết này thì quan trọng hơn. Hành động đó là thực hành và yêu mến những gì Ngài dạy. Xin Ngài dạy chúng con biết nhận biết Ngài mỗi ngày và luôn thực hành lời Ngài hướng bảo chúng con. Amen.

 

 

Bài trướcHãy để cho Thiên Chúa được tự do
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 4 MC)