LỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 30 TN)

0
461

Tin Mừng: Lc 14,1-6

Một ngày sabát kia, Đức Giêsu  đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. Và kìa trước mặt Đức Giêsu, có một người mắc bệnh phù thũng. Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pharisêu: “Có được phép chữa bệnh ngày sabát hay không?” Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về. Rồi Người nói với họ: “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sabát?” Và họ không thể đáp lại những lời đó.

 —– o0o —–

Suy niệm

BẢN CHẤT TỐT (Tu sĩ G. B. Nguyễn Văn Thuyên, SVD)

Cuộc sống thường nhật, con người thể hiện mối tương giao với nhau ngang qua những hành vi nhân ái. Qua việc trao ban tình thương, con người sẽ dễ dàng xích lại gần nhau hơn. Bởi vậy, việc tốt xuất phát từ cái tâm tốt sẽ không thể bị ngăn cản bởi bất cứ điều gì.

Tin Mừng hôm nay, thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người mắc bệnh trong ngày Sabát. Với truyền thống và luật của người Do Thái, thì ngày Sabát là ngày nghỉ ngơi, không được làm việc. Lúc này đây, Chúa Giêsu đang phải đối diện với những người lãnh đạo, những kẻ giữ luật một cách cứng nhắc. Họ lên án Chúa Giêsu vì đã vi phạm luật, một người trở thành cái gai trong con mắt mà họ cần loại bỏ. Thế nhưng, dù lề luật có hà khắc, và lòng người có chai đá như thế nào, thì Chúa Giêsu vẫn ưu tiên việc cứu người.

“Có được phép chữa bệnh ngày sabát hay không?”. Chúa Giêsu muốn đánh thức tâm hồn và trái tim của người Do Thái về tầm quan trọng của tình thương. Ngày Sabát là để phục vụ con người, bởi vì con người làm chủ ngày Sabát.

Hình ảnh Chúa Giêsu bị chống đối xưa kia cũng rất giống với nhiều người trong chúng ta ngày nay. Chúng ta cũng đã, đang và sẽ phải đối diện với tình cảnh bị người khác chống đối, lên án trong việc bác ái của mình. Chúng ta bị đặt vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, làm việc tốt thì sợ bị nghi ngờ, mà không làm thì lương tâm cắn rứt. Trong hoàn cảnh ấy, sẽ có người bị đánh gục bởi sự sợ hãi. Tuy nhiên, với người Kitô hữu, chúng ta luôn được mời gọi sống tốt, sống với bản chất nhân ái mà Thiên Chúa đã ban tặng và Chúa Giêsu đã nêu gương.

Lạy Chúa, chúng con được tạo dựng nên cho Chúa, là khí cụ để trao ban tình thương của Ngài. Xin Chúa cho chúng con sẵn sàng đương đầu với những khó khăn để đến với người khác; xin ban thêm sức mạnh cho chúng con biết can đảm trước những bách hại của thế gian. Amen.


 

CÓ ĐƯỢC PHÉP (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

GIỮ LUẬT VÌ TÌNH YÊU (Phêrô Trần Nhật Trường)

“Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày Sabát?”.

Câu chuyện Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabát khiến chúng ta nghiệm ra một điều rằng: việc giữ luật phải xuất phát từ đức mến và lòng nhân ái.

Việc Chúa Giêsu chữa bệnh cho người mắc bệnh phù thũng trong ngày Sabát đã mang đến cho ta sự giải phóng về ý nghĩa thực sự của ngày này. Sabát là ngày Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu, thương xót, ban ơn cứu độ cho những người nghèo khổ, bất hạnh và cả những tội nhân. Đối với Chúa Giêsu, chỉ có một luật phải giữ là luật của tình thương. “Thiên Chúa là Tình yêu: ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong họ.” (1Ga 4,16). Vì thế, yêu thương tha nhân chính là cách ta hiệp nhất và phụng sự Ngài.

Câu hỏi Chúa Giêsu dành cho những người Pharisêu không chỉ là sự đòi hỏi quyền chữa bệnh trong ngày Sabát nhưng còn là sự chất vấn lương tâm của những người quá câu nệ vào luật lệ mà bóp nghẹt lòng trắc ẩn. Lần thứ nhất họ làm thinh không đồng thuận với Đức Giêsu bởi sự cứng nhắc trong việc giữ luật. Nhưng sự thinh lặng lần thứ hai chính là sự đuối lý trước ý nghĩa cứu độ của ngày Sabát mà Đức Giêsu đã giãi bày. Con người trong đời sống mưu sinh đôi khi cũng trở nên “Pharisêu” như thế. Có bao lần ta nhân danh Thiên Chúa giữ gìn lề luật nhưng lại đối xử lạnh lùng, vô cảm với người khác? Mỗi người cần suy ngẫm lại chính mình: Chúng ta giữ luật ngày Chúa Nhật theo tinh thần bác ái, vị tha hay tinh thần vị luật, vị danh để rồi xa cách với Thiên Chúa và tha nhân?

Xin Chúa soi sáng để chúng con biết phụng sự Chúa nơi anh chị em của mình. Xin Ngài nâng đỡ chúng con biết vượt qua bản tính yếu đuối, tội lỗi để giữ luật Chúa trong đức mến và lòng vị tha. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (2/11: Các Đẳng Linh Hồn, lễ nhớ)
Bài tiếp theoChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXXI Thường Niên, Năm A (Mt 23,1-12)