Thường Niên – Tuần XXXIV – Năm B

0
335

Chúa Nhật – Ngày 25 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIV

ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Lễ trọng (Tr).

Bài đọc 1 : Đn 7,13-14

Bài đọc 2 : Kh 1,5-8

Tin Mừng : Ga 18,33b-37

Khi ấy, ông Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” Đức Giêsu đáp: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Ông Philatô trả lời: “Tôi là người Do Thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?” Đức Giêsu trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.” Ông Philatô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giêsu đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”

NƯỚC TÔI KHÔNG THUỘC VỀ THẾ GIAN NÀY

Cựu Ước cho chúng ta biết Thiên Chúa hứa với vua Đavít là vương quyền của dòng dõi vua sẽ tồn tại mãi mãi (2 Sm 7,16).

Nhưng ít năm sau đó dân Chúa đã chối bỏ Ngài và hậu quả là dân rơi vào cảnh mất nước. Các ngôn sứ Giêrêmia và Êdêkien tuyên sấm rằng Đấng Cứu Thế sẽ được Thiên Chúa sai đến để giải phóng dân khỏi cảnh lầm than. Vậy mà khi Đấng Cứu Thế là Đức Giêsu Kitô đến với họ thì lại bị bắt và nộp cho quan Philatô.

Dù Cựu Ước loan báo về một vị vua sẽ đến và “quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong” (Đn 7,14). nhưng khi Đức Giêsu đến Người khẳng định là vương quốc của Người không giống như vương quốc trần gian, “Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Còn sách Khải Huyền diễn tả Người sẽ đến vào thời cánh chung rằng, “Ta là Alpha và Ômêga, là Đấng hiện có và đang đến, là Đấng toàn năng”.

Vậy phải chăng vương quốc của Đức Giêsu chỉ được tỏ lộ vào ngày Người lại đến trong vinh quang? Thưa không! Vương quốc ấy đã được thiết lập rồi và ngay lúc này khi Người trả lời ông Philatô: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật”. Vậy ra, Đức Giêsu đã thiết lập một vương quốc của sự thật. Và chỉ những ai lắng nghe và sống theo sự thật thì mới thuộc về vương quốc của Người.

Tôi có thuộc vương quốc của Đức Giêsu? Tôi có sống theo sự thật để được thuộc về vương quốc của Người?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn số theo sự thật để được mãi thuộc về vương quốc của Ngài. Và xin cho vương quốc sự thật ngày càng được mở rộng mãi. Amen.

Phó tế Gioan Trần Nam Phong, SVD

Thứ Hai – Ngày 26 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIV

Bài đọc : Kh 14,1-3,4b-5

Tin Mừng : Lc 21,1-4

Khi ấy, Đức Giêsu đang giảng dạy trong Đền Thờ. Ngước mắt lên nhìn, thì thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. Người cũng thấy một bà goá túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Người liền nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”

TRAO BAN TẤT CẢ

Lời Chúa hôm nay cho ta một hình ảnh đẹp về bà guá nghèo dâng cúng tiền vào đền thờ. Quan sát những người bỏ tiền vào đền thờ, Đức Giêsu thấy có lắm người bỏ những tiền dư, bạc thừa, nhưng  cũng có bà góa nghèo lại bỏ tất cả những gì mình có để dâng cho Chúa.

Hai đồng tiền kẽm là số tiền không nhiều, nhưng đó là tất cả những gì bà có được bằng chính mồ hôi, nước mắt để nuôi sống mình. Chúa Giêsu thấu hiểu và khen ngợi cho tấm lòng quảng đại dâng hiến, cho đi mà không giữ lại bất cứ thứ gì cho bản thân mình. Vì thế, đồng tiền bà dâng tuy nhỏ, nhưng được Chúa Giêsu cho là nhiều hơn ai hết. Đây là một hình ảnh rất đẹp và đáng cho chúng ta bắt chước noi gương.

Sống trong một thế giới mà ai cũng muốn thu vén cho bản thân thì bất kỳ sự trao ban nào cũng đều có giá trị. Tuy nhiên, sự cho đi càng giá trị nếu đó là sự cho đi cả tấm lòng, cho đi những điều quý giá nhất, cho đi mà không tính toán hơn thiệt. Là tu sĩ dâng hiến cuộc đời để phụng sự Chúa và tha nhân, sự cho đi càng phải quyết liệt và triệt để, vì đó là sự cho đi và trao hiến chính bản thân. Vì thế, sự cho đi trong đời sống dâng hiến phải là sự cho đi cách tự nguyện và hoàn toàn vô vị lợi.

Lạy Chúa, trong cuộc sống trần thế, nhiều lúc chúng con còn so đo tính toán với Chúa. Chúng con dâng cho Chúa, nhưng cũng muốn Chúa ban lại một điều gì đó cho cân xứng, hoặc hơn của lễ chúng con dâng. Chúng con chưa biết trao phó tất cả, tin tưởng tất cả, ngay cả phó thác cả mạng sống chúng con cho Chúa. Xin Chúa, qua bài Tin Mừng hôm nay, thức tỉnh lòng chúng con, để chúng con biết rộng rãi cho Chúa mà không cần đền đáp. Xin cho chúng con biết noi gương lòng tin tưởng tuyệt đối và quảng đại cho đi của bà góa nghèo để biết dâng tất cả những gì mình có  cho Chúa. Amen.

Tu sĩ Phaolô Nguyễn Phước Hiền, SVD

Thứ Ba – Ngày 27 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIV

Bài đọc : Kh 14,14-19

Tin Mừng : Lc 21,5-11

Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: “Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá”. Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?” Người phán: “Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối: vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: “Chính ta đây và thời gian đã gần đến”, các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ: vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu”. Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: “Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi, sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể”.

HƯỚNG ĐẾN THỰC TẠI NƯỚC TRỜI

Mọi sự vật dưới ánh sáng mặt trời chẳng có gì là vĩnh viễn, là sống mãi với thời gian. Thậm chí cả những công trình thế kỷ, tưởng chừng như chẳng bao giờ hư hại, cũng sẽ có lúc sụp đổ. Đến như đền thờ Giêrusalem nguy nga lộng lẫy, đền thờ mà người Do Thái vẫn luôn tự hào, tưởng chừng như sẽ mãi tồn tại, thì năm 70 cũng bị quân đội Rôma phá bình địa, đúng như lời tiên báo của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay.

Vạn vật đều nằm trong định luật biến đổi của vũ trụ. Chúa Giêsu là vua của vũ trụ, tất nhiên Ngài hiểu rõ quy luật này nên nhân việc người ta nói về đền thánh Giêrusalem nguy nga tráng lệ, Ngài đã tiên báo về sự sụp đổ của thành sau này và Ngài mời gọi các môn đệ và cũng mời gọi chúng ta hướng đến những thực tại bền vững hơn là chính Nước Trời.

Bên cạnh đó, Chúa Giêsu biết con người chúng ta dễ bị lung lay đức tin trước những biến đổi lớn của vũ trụ như động đất, sóng thần, ôn dịch, đói kém, chiến tranh… nên Ngài mời gọi hãy vững tâm và tin vào Ngài, vì đó chưa phải là chung cuộc. Ngài mời gọi tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, sống tỉnh thức, sẵn sàng, và suy niệm để khám phá ý Chúa trong mọi biến cố cuộc đời. Quả vậy, bên cạnh sự nhắc nhở về tính tạm bợ của vạn vật, tính tạm bợ của quê hương trần thế, Ngài mọi gọi chúng ta đọc dấu chỉ thời đại và hướng về quê hương đích thực trên trời.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết hướng về thực tại cao siêu trên trời chứ đừng bám víu vào những thực tại trần thế chóng qua. Và xin Chúa giúp chúng con, khi gặp những tai ương hoạn nạn, biết một lòng tin tưởng sắt son vào Chúa, luôn bình tâm, nhẹ nhàng, thanh thoát và bình an tiến bước trong cuộc lữ hành về nhà Chúa.

Phó tế Phêrô Hán Duy Hạp, SVD

Thứ Tư – Ngày 28 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIV

Bài đọc : Kh 15,1-4

Tin Mừng : Lc 21,12-19

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy: các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con.

“Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con cũng sẽ giữ được linh hồn các con”.

LÀM CHỨNG CHO GIÊSU

Giáo Hội, ngay từ giai đoạn hình thành đến nay, vẫn luôn bị bắt bớ, tra tấn và giết hại. Vậy làm sao chúng ta có đủ can đảm để làm chứng cho Thầy Giêsu?

Đức Giêsu đã báo trước về những sự ghen ghét, đau khổ, giết chóc… mà mỗi người Kitô hữu sẽ phải gánh chịu khi dấn thân làm chứng cho Người. Cái giá phải trả để làm chứng cho Chúa còn đắng cay gấp bội khi chúng ta còn bị chính người thân, gia đình, bạn bè chúng ta bắt nộp và ghen ghét. Và Chúa Giêsu cũng đã đề cập đến những công trạng mà chúng ta sẽ được hưởng nếu chúng ta trung thành làm chứng cho Chúa đến cùng.

Trong thời đại hưởng thụ ngày nay, khi mà vật chất đang lên ngôi, thì việc làm chứng cho Danh Chúa Kitô càng khó khăn. Thực tế cuộc sống cho thấy rằng những người giàu sẽ có một thế đứng vững chắc trong xã hội; còn những người nghèo khó chắc chắn sẽ bị coi thường và bị gạt ra ngoài xã hội. Thế nên để trở thành người làm chứng cho Chúa, chấp nhận đau khổ, ghét ghen, khinh bỉ là điều khó cho chúng ta – những Kitô hữu. Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời dứt khoát cho chúng ta rằng: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”, như một cách nào đó nói lên phần thưởng Nước Trời mai sau cho chúng ta khi chúng ta can đảm giữ đức tin của chúng ta. Nếu chúng ta thật sự yêu Chúa, yêu Giáo Hội của Ngài thì việc làm chứng cho Chúa sẽ trở nên dễ dàng với chúng ta hơn.

Lạy Chúa, xin cho con trở nên như những chứng nhân thật sự của Chúa giữa trăm chiều thử thách của cuộc sống hôm nay.

Tu sĩ Giuse Trần Văn Huyến, SVD

Thứ Năm – Ngày 29 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIV

Bài đọc :  Kh 18,1-2.21-23; 19,1-3.9a

Tin Mừng : Lc 21,20-28

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi các con thấy Giêrusalem bị các đạo binh bao vây, các con hãy biết rằng đã gần đến lúc thành ấy bị tàn phá. Bấy giờ những ai ở trong đất Giuđa, hãy chạy trốn lên núi, những ai ở trong thành, hãy rời xa, và những ai ở vùng quê, chớ có vào thành; vì những ngày ấy là những ngày báo oán, để ứng nghiệm mọi lời đã ghi chép. “Khốn cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ phải bắt đi làm tôi trong các dân, và Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt. “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn, chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến”.

VỮNG TIN

Con người ngày nay phải đối diện với những rủi ro từ nhiều phía: từ thiên nhiên như bão tố, động đất, sóng thần, núi lửa phun trào; và từ con người như nạn phá rừng, ô nhiễm không khí, nguồn nước… là những hệ quả của cuộc cách mạng công nghiệp và khoa học. Đứng trước những thực tại đó, con người thấy cuộc sống thật mong manh và tự hỏi, thế giới này sẽ đi về đâu?

Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta suy tư về ngày cánh chung. Có vẻ như những gì Đức Giêsu diễn tả trong bài Tin Mừng đã và đang xảy ra trên thế giới chúng ta đang sống. Thành Giêrusalem thì đã bị quân đội Rôma san bằng “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”; nạn đói và chiến tranh, khủng bố vẫn tiếp tục xảy ra tại lục địa đen Châu phi và Trung Đông; những trận bão, sóng thần, động đất liên tục xảy ra và ngày càng có xu hướng mạnh hơn so trước đây. Chúa muốn nói gì với chúng ta qua những biến cố đó?

Tất cả những dấu chỉ đang xảy ra từng ngày là một thông điệp của Thiên Chúa cho con người, rằng thế giới này sẽ có ngày kết thúc; rằng không có gì vĩnh cửu trong cuộc sống này; rằng tất cả những ai vững tin vào Chúa Kitô và Tin Mừng của Người thì không phải hoang mang, lo sợ, nhưng hy vọng vì Người đã hứa sẽ trở lại.Và tất cả những ai đặt trọn niềm tin vào Người thì có thể “đứng thẳng và ngẩng đâu lên” vì giờ cứu rỗi đã gần đến.

Lạy Chúa, giữa những dấu chỉ của cuộc sống xin cho chúng con nhận ra Ngài vẫn luôn hiện diện giữa chúng con. Xin ban cho chúng con một đức tin mạnh mẽ để qua những biến cố xảy ra trong cuộc sống chúng con vẫn luôn xác tín rằng Ngài vẫn luôn đồng hành với mỗi người chúng con trong mọi giây phút của cuộc sống. Amen.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Quốc Đại, SVD

Thứ Sáu – Ngày 30 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIV

THÁNH ANRÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính. (Đ).

Bài đọc : Rm 10,9-18

Tin Mừng : Mt 4,18-22

Khi ấy, Đức Giêsu đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

HUYỀN NHIỆM ƠN GỌI

Thánh Anrê và các môn đệ đầu tiên, khi nghe Chúa Giêsu mời gọi, đã lập tức bỏ những phương tiện sinh sống, bỏ cả những người thân để theo Chúa Giêsu. Tại sao các môn đệ lại theo Chúa Giêsu cách nhanh chóng và dứt khoát như thế?

Bài Tin Mừng không đề cập rõ ràng lý do các môn đệ đầu tiên đi theo Chúa Giêsu, nhưng có lẽ các ông đã được đụng chạm vào mầu nhiệm của tình yêu Giêsu, nhờ đó các ông chọn lựa mãi mãi thuộc về Ngài. Nếu chưa một lần được đụng chạm, chắc chắn sẽ khó cảm nghiệm được điều mà Chúa Giêsu dành cho những kẻ thuộc về Ngài. Còn ai đã được một lần chạm đến thì sẽ vẫn còn khao khát mãi. Đó là huyền nhiệm ơn gọi.

Tin Mừng hôm nay để lại cho tôi nhiều ấn tượng, cảm xúc và suy tư. Tôi vừa nghĩ đến ơn gọi của mình, vừa nghĩ đến hồng ân mà Chúa đã dành cho tôi. Tình yêu của Chúa giúp cho tôi cảm nhận rõ được sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời mình không phải bằng lý trí nhưng với tất cả con tim. Tôi đã cảm nghiệm được rất nhiều và rất thật khi chạm vào trái tim của Chúa trong suốt quãng đường Chúa dẫn tôi đi.

Ơn gọi thật kì lạ và khó hiểu vì ơn gọi như là một huyền nhiệm và chỉ có thể cảm nghiệm bằng một sự tin tưởng phó thác. Nhìn lại những gì tôi trải qua, tôi cảm nhận được hạnh phúc và biết ơn về cuộc sống. Tôi xác tín rằng một khi Chúa đã chọn tôi thì bằng mọi cách Chúa sẽ giữ gìn và ban ơn để tôi được chia sẻ sứ mạng “lưới người như lưới cá”.

Lạy Chúa, xin cho con luôn được cảm nếm tình Chúa thương con; xin giúp con mau mắn đáp lời mời gọi của Chúa như thánh Anrê.

Tu sĩ Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD

Thứ Bảy – Ngày 01 – Tháng 12

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIV

Bài đọc : Kh 22,1-7

Tin Mừng : Lc 21,34-36

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”

ĐỨNG VỮNG

Trong cuộc chạy trốn các thảm họa thiên nhiên như động đất, núi lửa, lũ lụt, có hai nguyên nhân chính làm cho người ta không chạy thoát được: hoặc do họ không biết trước về các thảm họa đó, hoặc biết trước, nhưng phản ứng quá chậm chạp. Những nguyên nhân đó làm cho người ta trở thành nạn nhân, mà nhiều khi nếu biết đề phòng từ trước, thì họ đã có thể thoát được lưỡi hái của tử thần.

Các thảm họa thiên nhiên thường có tính chất bất ngờ của nó; và tính chất đó cũng chính là của những biến cố mà Đức Giêsu nói đến trong bài Tin mừng hôm nay. Nó sẽ ập xuống bất cứ lúc nào trên mọi cư dân trên mặt đất. Vậy để đối phó với những biến cố đó, chúng ta phải làm gì?

Thứ nhất, chúng ta phải tỉnh thức. Sự tỉnh thức không những là để ý, quan sát để nhìn ra dấu hiệu của những biến cố đó. Sự tỉnh thức còn là một sự biến đổi. Biến đổi hành lý của mình từ to lớn, cồng kềnh trở nên nhỏ gọn, nhẹ nhàng. Những sự cồng kềnh, nặng nề của “chè chén say sưa”, “lo lắng sự đời” đều cần phải loại bỏ. Một người mà trên mình mang bao nhiêu hành lý, đồ đạc thì khi tai ương ập đến làm sao mà chạy thoát được.

Thứ đến, chúng ta phải cầu nguyện luôn. Tự sức mình, chúng ta không đủ sức để chạy thoát những tai ương đó. Chính vì thế, chúng ta cần đến sức mạnh của Chúa. Lời nguyện cầu là một phương thế tuyệt vời để qua đó, Thiên Chúa sẽ ban sức mạnh cho ta, giúp ta đủ sức vượt qua những biến cố bất ngờ đó.

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã cảnh tỉnh chúng con về những biến cố sẽ ập xuống trong những ngày sau hết. Xin cho chúng con luôn tỉnh thức sẵn sàng và cầu nguyện luôn, để chúng con có thêm sức mạnh, nhờ đó chúng con vượt qua được những tai ương đó và đứng vững trước mặt Chúa. Amen.

Tu sĩ Phaolô Trần Khắc Công,SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 34 Thường Niên – Năm B (Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ)
Bài tiếp theoLogo Năm Mục vụ Gia đình 2019

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.