Thường Niên – Tuần XXX – Năm C

0
471

Chúa Nhật – Ngày 27 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXX

Bài đọc 1 : Hc 35,12-14.16-18

Bài đọc 2 : 2Tm 4,6-8.16-18

Tin Mừng : Lc 18,9-14

[…] “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: trộm cắp, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

HAI CON NGƯỜI – HAI THÁI ĐỘ

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta về thái độ cầu nguyện. Thiên Chúa luôn chờ đợi con người đến và cầu khẩn danh Ngài và Ngài cũng mong muốn một thái độ phù hợp để nhận được ân sủng.

Chúa Giêsu đưa ra hai hình ảnh khác nhau tượng trưng cho hai thái độ cầu nguyện khác nhau: Người biệt phái với thái độ tự kiêu tự mãn và người thu thuế với thái độ sám hối chân thành. Người biệt phái đến với Chúa để báo cáo bảng thành tích của mình. Ông ta giữ luật một cách khắt khe chỉ để tự tôn mình hơn người khác. Ông tỏ thái độ khinh thường đối với người thu thuế đứng đàng sau mình. còn người thu thuế đến với Chúa với sự khiêm tốn và lòng sám hối thực sự. Nhận thức được lầm lỗi của mình, ông cầu xin đến lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Thánh Augustinô đã nói: “Sự khiêm hạ làm cho tâm hồn thăng hoa và sự kiêu ngạo lại khiến cho tâm hồn thấp kém.” Hai con người phản ánh hai thái độ cầu nguyện khác nhau. Điều sai lầm mà người biệt phái mắc phải là ông ta đã quá tự mãn khi cho rằng mình được công chính nhờ chính bản thân của mình, đặt mình làm trung tâm và phủ nhận vai trò hoạt động của Thiên Chúa trong cuộc sống, không cần đến lòng thương xót của Ngài. Trái lại, Thiên Chúa lại mong mỏi con người đến với Ngài trong sự đơn sơ, khiêm nhu, vì trước mặt Ngài, tất cả phàm nhân đều bất xứng. Chính thái độ khiêm tốn sám hối thật lòng mà người thu thuế nhận được ân sủng lòng thương xót của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhận biết rằng trước mặt Thiên Chúa tất cả chúng con đều là tội nhân và cần đến ân sủng của Ngài. Xin Chúa ban cho chúng con tâm hồn hèn mọn và khiêm nhường để chúng con biết đón nhận và yêu thương tha nhân.

Tu sĩ Carôlô Nguyễn Đình Giá, SVD

Thứ Hai – Ngày 28 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIX

THÁNH SIMON VÀ THÁNH GIUĐA, TÔNG ĐÒ. Lễ kính. (Đ).

Bài đọc : Ep 2,19-22

Tin Mừng : Lc 6,12-19

Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Đó là ông Simôn mà Người gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là các ông Giacôbê, Gioan, Philípphê, Batôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Simôn biệt danh là Quá Khích, Giuđa con ông Giacôbê, và Giuđa Ítcariốt, người đaỵ trở thành kẻ phản bội. Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

LÊN NÚI – XUỐNG NÚI

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy những việc làm của Chúa Giêsu: lên núi cầu nguyện và xuống núi để thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Trước khi chọn lựa các tông đồ, những người rồi đây sẽ tiếp nối sứ vụ của Người, Chúa Giêsu đã lên núi để “thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa”, Người đã “hỏi ý kiến” Chúa Cha để từ đó chọn ra mười hai tông đồ để cùng “đi xuống núi” với Người.

Cầu nguyện là một nhu cầu thiết yếu của đời sống đức tin. Nhờ cầu nguyện, Thiên Chúa ban ơn soi sáng để giúp ta biết phân định và chọn lựa ơn gọi một cách tự do. Chúa Giêsu là mẫu gương cầu nguyện tuyệt hảo nhất. Là một người đang bước theo Đức Kitô, tôi cần họa lại tấm gương của Ngài, không chỉ trước những biến cố quan trọng của cuộc đời mà còn mỗi giây phút trong cuộc sống hàng ngày. Tôi cũng cần đến gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện để trò chuyện với Chúa, cắm rễ sâu trong Chúa và tìm kiếm thánh ý Ngài.

Sau khi cầu nguyện với Chúa Cha và chọn lựa mười hai tông đồ, Chúa Giêsu đã xuống núi để “rao giảng và chữa lành bệnh tật” cho hết thảy mọi người. Cũng thế, tôi phải luôn tìm đến với Chúa để được bồi bổ tâm hồn, để được Thần Khí sự thật hướng dẫn và để múc lấy sức mạnh ân sủng của Ngài. Từ đó, tôi sẽ có đủ can đảm để cùng xuống núi với Ngài để ra đi truyền rao Tin Mừng.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết “lên núi” để kết hiệp với Chúa qua đời sống cầu nguyện và can đảm “xuống núi” để thi hành sứ vụ Chúa trao phó.

Tu sĩ Phêrô Đặng Hữu Khanh, SVD

Thứ Ba – Ngày 29 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXX

Bài đọc : Rm 8,18-25

Tin Mừng : Lc 13,18-21

Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.”

Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

MEN VÀ HẠT GIỐNG

Đôi khi chúng ta đặt câu hỏi rằng: Trần thế có Nước Trời hay không? Và “Nước Trời trần thế” ở đâu?

Chúa Giêsu ví Nước Trời như là hạt cải, như là nắm men. Hạt cải và nắm men là những hình ảnh khá quen thuộc đối với mọi người, nhưng tại sao Nước Trời lại được ví với hạt cải và nắm men? Bởi lẽ, hạt cải là hạt giống nhỏ nhất trong tất cả hạt giống và khi nó lớn lên thì chim trời có thể làm tổ; nắm men tuy nhỏ bé nhưng cũng làm cho tất cả bột dậy men. Sự dậy men tuy diễn ra chậm rãi và âm thầm nhưng khi đã dậy men thì đem lại một kết quả to lớn.

Lời Chúa là men, là hạt giống, được gieo vào chính mỗi người chúng ta và khi ngày tháng qua đi, chính chúng ta sẽ dậy men và trổ cây để mỗi chúng ta là phần tử trong “Nước Trời” nơi trần thế. Đồng thời, thông qua chúng ta, Thiên Chúa muốn tiếp tục gieo hạt giống và men Tin Mừng trong lòng tất cả mọi người nhờ đời sống của mỗi chúng ta. Sự hiện diện của chúng ta giữa cuộc đời này phải nên như nắm men âm thầm làm biến đổi thúng bột, như hạt cải bé nhỏ mọc lên thành cây lớn, để những giá trị của Tin Mừng được lan toả. Đó chính là “Nước Trời” được khởi sự ngay từ cuộc sống trần thế này.

Thánh Phaolô xác tín rằng: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,6).  Để Lời Chúa được lớn lên, để những giá trị của Tin Mừng được lan toả, cần sự cộng tác của nhiều người. Nhưng yếu tố then chốt lại ở nơi Thiên Chúa là Đấng làm cho Nước Trời lớn lên.

Lạy Chúa, xin cho đời sống của mỗi người chúng con giữa trần thế này như nắm men làm dậy cả thúng bột, như hạt cải bé nhỏ trở thành cây cao lớn, để những giá trị Tin Mừng được lan toả và Nước Trời bắt đầu từ cuộc sống trần thế này.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Khiêm, SVD

Thứ Tư – Ngày 30 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXX

Bài đọc 1 : Rm 8,26-30

Tin Mừng : Lc 13,22-30

Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không ?” Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.

“Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!’ Bấy giờ anh em mới nói: ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.’ Nhưng ông sẽ đáp lại: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!’

“Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.” […]

QUA CỬA HẸP

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?”, nhưng Người bảo: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (Lc 13,23-24).

Chúng ta biết rằng, Chúa Giêsu nhất quyết tiến về Giêrusalem để thực hiện sứ vụ cứu chuộc con người bằng con đường hy sinh. Người đã chấp nhận cái chết bi thảm trên thập giá. Qua đó, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy noi gương Người, tức chấp nhận khổ đau để có thể đạt tới vinh quang (x. Mt 7,13-14). Dẫu biết rằng, con đường này chẳng mấy ai đi vì nó gồ ghề, chật hẹp, nhưng nó đem lại ơn cứu độ.

Chính vì thế, muốn bước vào cõi sống vinh phúc, cần đi qua cửa hẹp, nghĩa là chúng ta phải nỗ lực, phải vất vả gian nan, phải hy sinh từ bỏ, phải tập luyện, chiến đấu. Thánh Phaolô đã ví cuộc hành trình đức tin của chúng ta với một cuộc chạy đua. Muốn đạt được huy chương, hẳn người lực sĩ nào cũng phải dày công luyện tập, phải qua cửa hẹp: “Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng” (1Cr 9,24).

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết can đảm đi qua cửa hẹp để được hưởng sự sống đời đời hơn là đi qua cửa rộng, thoải mái mà dẫn chúng con đến sự diệt vong. 

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Bảo Lộc, SVD

Thứ Năm – Ngày 31 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXX

Bài đọc : Rm 8,31b-39

Tin Mừng : Lc 13,31-35

Một hôm, tại Giêrusalem, có mấy người Pharisêu đến thưa Đức Giêsu rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!” Người bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: ‘Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được.’

“Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!”

NGÔN SỨ

Là Kitô hữu, không ít lần chúng ta tự hỏi: “Ngôn sứ là ai? Họ có những đặc điểm và phẩm chất nào?” Bài Tin Mừng hôm nay gợi lên cho ta ý tưởng để trả lời các câu hỏi trên.

Ngôn sứ trong tiếng Hipri có nghĩa là “người được gọi, người loan báo.” Người gọi họ là Thiên Chúa. Vậy, theo Thánh Kinh, ngôn sứ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đi loan truyền Lời Chúa cho dân của Người.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tự nhận là vị ngôn sứ đang thực thi sứ mạng của mình, và sẵn sàng chấp nhận chết vì sứ mạng ấy: “Hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thánh Giêrusalem thì không được”. Cuộc đời của Chúa Giêsu là bằng chứng sống động về một vị ngôn sứ dám sống và chết vì sứ mạng loan báo Lời Chúa.

Những lời khẳng định của Đức Giêsu về chính Ngài, trong tư cách một ngôn sứ, cho chúng ta thấy được đặc điểm của các ngôn sứ mọi thời. Họ là những người kiên trì, bền bỉ để thực hiện sứ vụ của mình, cho dù có bị khước từ, xua đuổi, hay bắt bớ. Nói cách khác, họ là người luôn đặt sứ mệnh Chúa trao phó trên hết mọi sự và thực hiện chúng tới cùng.

Khi chịu phép Rửa Tội, chúng ta, những Kitô hữu, được trao cho sứ mạng làm ngôn sứ. Chính chúng ta phải biết nói lên tiếng nói ngôn sứ trong cuộc sống, tiếng nói của sự thật, của công bằng, của lòng nhân ái Kitô Giáo. Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong một bài giảng đã khẳng định: “Ngôn sứ là người dám nói sự thật, biết khóc thương dân và mở ra hy vọng.”

Lạy Chúa Giêsu là vị ngôn sứ tối cao, xin cho chúng con luôn biết sống như một ngôn sứ: dám nói lên sự thật, biết đau nỗi đau của mọi người và mang niềm hy vọng tới mọi người.

Tu sĩ Giuse Vũ Tiến Lợi, SVD

Thứ Sáu – Ngày 1 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXX

CÁC THÁNH NAM NỮ. Lễ trọng. (Tr).

Bài đọc 1 : Kh 7,2-4.9-14;

Bài đọc 2 : 1Ga 3,1-3

Tin Mừng : Mt 5,1-12a

Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

KHÓ NGHÈO PHÚC ÂM

 Người ta thường quan niệm: Hạnh phúc là khi giàu sang phú quý, khi có xe hơi nhà lầu và vợ đẹp con khôn. Nhưng liệu những thứ đó có thật sự mang lại cho con người hạnh phúc không? Chúa Giêsu qua Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta một con đường dẫn đến hạnh phúc viên mãn mà không phụ thuộc vào những giá trị vật chất kia.

Chúng ta đang sống trong thời đại kinh tế thị trường, ai cũng cố gắng tìm mọi cách để làm giàu, nhằm thoát ly khỏi cái nghèo, cái khổ. Vậy, lời dạy của Chúa Giêsu có đi ngược lại với nỗ lực của con người và có còn hợp với thời đại nữa hay không? Thực ra, Chúa Giêsu không phủ nhận những giá trị vật chất bởi Ngài cũng cần cơm ăn áo mặc, cần tiền của cho những nhu cầu chi tiêu của mình. Tuy nhiên, Ngài muốn mỗi người chúng ta không lệ thuộc vào nó. Nghĩa là chúng ta phải làm chủ được những của cải, chứ đừng để nó trở thành ông chủ của ta. Người cũng không muốn chúng ta vì nó mà bất chấp tất cả và dùng mọi thủ đoạn để đạt được nó.

Khó nghèo mà Chúa muốn nói ở đây cũng chính là tinh thần khiêm hạ và phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Đồng thời, khó nghèo là sự sẵn sàng mở rộng con tim để chia sẻ những thứ ta có cho người khác khi họ cần. Như thế, ta sẽ được Nước Trời làm gia nghiêp. Các thánh đã sống trọn vẹn tinh thần đó và đang chờ đợi chúng ta noi theo.

Lạy Chúa, xin giúp con luôn ý thức sống tinh thần khó nghèo của Phúc Âm, ngõ hầu tâm hồn con không còn dính bén vào một tạo vật nào ngoài Chúa.  

Tu sĩ Antôn Hà Thừa Lực, SVD

Thứ Bảy – Ngày 2 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXX

CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI

Bài đọc :

Lễ Nhất: Rm 5,5-11; Ga 6,37-40

Lễ Nhì: Kn 3,1-9; Lc 23,33.39-43

Lễ Ba: Rm 6,3-9; Ga 17,24-26

Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

HỘI THÁNH THÔNG CÔNG

Tôi tin Hội Thánh thông công! Đây là niềm tin mà chúng ta vẫn tuyên xưng mỗi khi đọc Kinh Tin Kính. Có nghĩa là giữa Hội Thánh Lữ Hành trần gian với Hội Thánh Khải Hoàn trên trời cũng như Hội Thánh Thanh Luyện nơi luyện ngục luôn có sự hiệp thông, và chuyển cầu cho nhau.

Hôm nay Giáo Hội cử hành lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời. Đây là những con người đã một đời tin Chúa và theo Chúa, nhưng có thể vì yếu đuối mỏng dòn của kiếp người, hay vì một lý do nào đó mà khi chết, họ còn vương mắc một số tội, nên cần được thanh luyện một thời gian trước khi vào Thiên Đàng. Thời gian này dài hay ngắn, nhiều hay ít còn tùy thuộc ở tội lỗi và công trạng của mỗi người.

Nếu như mừng lễ Các Thánh, chúng ta nhìn lên các ngài, noi gương các ngài, và xin các ngài cầu bầu cùng Chúa để chúng ta có thể sống đức tin của mình cách sắt son, thì ngày lễ Các Đẳng Linh Hồn, chúng ta lại được mời gọi cầu nguyện và làm các việc lành phúc đức và nhường lại công trạng cho các linh hồn nơi luyện ngục, để xin Chúa xót thương và giải thoát họ, trong đó không thiếu những linh hồn là người thân yêu của chúng ta khi còn sống. Đây chính là điều nói lên sự hiệp thông trong Hội Thánh, hay là Hội Thánh thông công. Đây cũng chính là truyền thống và đạo lý tốt lành mà con cháu là chúng ta phải nhớ về tổ tiên, là những người đã ra đi trước chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa sẽ không loại ra ngoài những ai tin Chúa, xin thương đến những người đã qua đời mà vẫn mang theo hy vọng được cứu chuộc.

Lm. Phêrô Hán Duy Hạp, SVD

 

 

 

 

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật, Tuần 30 Thường Niên – Năm C
Bài tiếp theoĐức Hồng y Turkson: Vấn đề truyền chức linh mục cho người có gia đình cần nghiên cứu thêm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây