Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật, Tuần 30 Thường Niên – Năm C

0
479

Bài Ðọc I: Hc 35, 15b-17. 20-22a

“Lời cầu nguyện của người khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây”.

Trích sách Huấn Ca.

Chúa là quan án, Người không xem sao vinh quang loài người. Chúa không vì nể kẻ nghịch với người nghèo khó, và Người nhậm lời kẻ bị áp bức kêu cầu. Người không khinh rẻ kẻ mồ côi khẩn nguyện, cũng không khinh rẻ người goá bụa, khi nó bày tỏ lời than van.

Nỗi hồn đắng cay, của lễ được nhận, và tiếng kêu oan kíp thấu tầng mây. Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây: nó sẽ không yên lòng cho đến khi lời nguyện nó đến nơi, và nó chẳng rút lui cho đến khi Ðấng Tối Cao đoái nhìn. Chúa sẽ không trì hoãn, Người sẽ xét đoán những người công chính và sẽ ra lời phán quyết.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 17-18. 19 và 28

Ðáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe (c. 7a).

Xướng: 1) Tôi chúc tụng Thiên Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Thiên Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. – Ðáp.

2) Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Người cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. – Ðáp.

3) Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương giập nát. Thiên Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Người, và phàm ai tìm đến nương tựa nơi Người, người đó sẽ không phải đền bồi tội lỗi. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 2 Tm 4, 6-8. 16-18

“Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Ðấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy; nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện.

Lần đầu tiên cha đứng ra biện hộ cho cha, thì chẳng ai bênh đỡ cha, trái lại mọi người đều bỏ mặc cha: xin chớ chấp tội họ. Nhưng Chúa đã phù hộ cha và ban sức mạnh cho cha, để nhờ cha mà lời rao giảng được hoàn tất, và tất cả các Dân ngoại được nghe: vậy cha đã thoát khỏi miệng sư tử. Chúa đã giải thoát cha khỏi mọi sự dữ và cứu lấy cha để đưa vào nước Người trên trời. Nguyện chúc Người được vinh quang muôn đời! Amen.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 18, 9-14

“Người thu thuế ra về được khỏi tội”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi’. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội’. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

CHÚA THƯƠNG NGƯỜI BIẾT HẠ MÌNH

Phó tế Phanxicô Xaviê Nguyễn Du Trí, SVD

Để dẫn vào dụ ngôn của Tin Mừng hôm nay, thánh Luca nêu rõ đối tượng mà Đức Giêsu muốn nhắm tới là “một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” (18,9). Hai nhân vật tương phản nhau lên đền thờ cầu nguyện. Một người đại diện cho giới Pharisêu, đồng thời cũng là đại diện cho những người tự cho mình là đạo đức và thánh thiện. Trong khi người kia, thuộc giới thu thuế, đại diện cho những kẻ tội lỗi công khai. Thế rồi, thật bất ngờ, vào cuối dụ ngôn, Đức Giê-su khẳng định rằng khi ra về người thu thuế sẽ được nên công chính, còn người kia thì không (x. 18,14a). Bởi đâu có sự lạ lùng như vậy?

Đầu tiên, ta hãy nhìn vào nhân vật Pharisêu. Những gì người này kể ra khi ông đứng thẳng và cầu nguyện đều là những điều tốt đẹp: ăn chay hai lần một tuần, làm phúc bố thí, dâng Chúa một phần mười thu nhập, và xa lánh những việc làm xấu xa như trộm cắp, ngoại tình, hay bất chính. Và ông tạ ơn Chúa vì điều đó. Chúng ta cũng sẽ đồng ý rằng những gì ông ta làm được quả phi thường và do đó xứng đáng để tạ ơn Chúa. Vậy thì vấn đề của ông nằm ở đâu? Có lẽ nằm ở hai nguyên do này: trước hết, ông ta không nhìn lên Chúa với tư cách là một người tôi tớ của Người nhưng là tư cách của một người thầm mang yêu sách, rằng ông đã làm bao việc tốt và xứng đáng được Chúa thưởng công. Quả là kiêu ngạo! Kế đến, ông đã ngang nhiên coi khinh người thu thuế, dù tự nhận mình là người công chính.

Hẳn là không ai trong chúng ta từng dám đứng thẳng trước bàn thờ Chúa và tự hào về những điều tốt đẹp mình đã làm. Quả thật, tất cả những gì chúng ta có thể làm được đều là nhờ ơn Chúa (x. Ga 15,2b) và đồng thời cũng là bổn phận của người tôi tớ vô dụng mà thôi (x. Lc 17,10). Vậy chúng ta lấy gì để kể công với Chúa, để tự hào với Chúa? Giá như đó là sự tự hào trong Chúa như thánh Phaolô dạy thì tốt rồi (x. 1 Cr 1,31). Ấy thế mà chúng ta lại rất thường và rất dễ có thái độ xem thường hoặc kết án người khác. Có một sự thật chúng ta hay quên đó là, trước mặt Chúa chúng ta cũng chỉ là kẻ có tội. Và biết đâu, khi rơi vào hoàn cảnh của người anh em mình, tội mình phạm còn trầm trọng hơn người đó. Ngoài ra, khi tự nhận mình tốt hơn người khác, dù trong thực tế ai cũng có điểm mạnh và yếu của mình, chúng ta rất dễ đánh mất đi sự sáng suốt và nhạy bén trước người khác. Nhìn đâu ta cũng chỉ thấy điểm hạn chế của họ mà điểm tốt thì không thể nhìn ra. Đây là những khởi đầu cho sự khúc mắc và đổ vỡ trong tương quan huynh đệ và thất bại trong việc làm việc chung với nhau.

Thế còn người thu thuế, điều gì khiến anh được nên công chính? Theo Tin Mừng, tất cả những gì anh ta làm chỉ là dám nhìn nhận sai lỗi của mình và kêu xin lòng thương xót của Thiên Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Anh nhận mình bất lực trước sức nặng và hậu quả của tội; anh chỉ còn biết kêu xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Tin Mừng không nói gì đến việc anh ta hứa hẹn sửa đổi hay làm việc đền bù do tội mình gây ra, giống như ông Dakêu làm (x. Lc 19,8). Vậy mà lúc ra về, anh ta được nên công chính. Chi tiết này càng cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa lớn lao biết dường nào. Điều Chúa cần nơi người tội lỗi lắm khi chỉ là sự nhìn nhận tội lỗi và cậy trông nơi Chúa mà thôi. Lòng thương xót này của Chúa cũng được diễn tả trong những lời đầy thương cảm trong bài đọc thứ nhất, sách Huấn Ca, dành cho những ai khiêm tốn chạy đến cùng Người: “Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người goá bụa. Nước mắt quả phụ lại không giàn giụa trên gò má, và tiếng bà kêu lại chẳng cáo tội kẻ làm bà phải khóc sao?” (Hc 35,14-15).

Là Kitô hữu, ai trong chúng ta cũng nhận mình có tội. Thế nhưng, không phải lúc nào chúng ta cũng sẵn sàng để cho Thiên Chúa chữa lành chúng ta. Ngay cả khi chúng ta đi xưng tội, được Chúa tha thứ rồi, thế mà, chúng ta lại không thể tha thứ cho chính mình. Chúng ta không cho Chúa cơ hội để chữa lành triệt để thương tật trong tâm hồn chúng ta. Liệu đây có phải là một hình thức tự phụ kín đáo hay không? Nếu chúng ta đã quyết chọn cho mình con đường chiến đấu đến cùng trong cuộc chiến chính nghĩa, như thánh Phaolô đã nói về cuộc chiến của Ngài (x. 2 Tm 4,7-8), thì hẳn thái độ thu mình trong những thương tích của tâm hồn là một sự bỏ cuộc rõ ràng, vì chúng ta khước từ lao về phía trước để hướng về sự hoàn thiện và thăng tiến đức tin. Vì ngay cả khi người thu thuế được nên công chính sau khi lên đền thờ cầu nguyện, hẳn là Tin Mừng hôm nay cũng không khuyến khích chúng ta học theo người thu thuế, để cũng “an tâm” mà phạm tội và rồi cứ đến nhà thờ “đứng xa xa” để đấm ngực. Chúng ta chỉ nên học thái độ thành tâm của anh ta mà thôi.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của mình và biết chạy đến với Chúa để được chữa lành. Đồng thời xin Ngài giúp chúng ta biết tôn trọng người khác, trong tư cách là con cái Chúa và là anh chị em với nhau.

 

 

 

Bài trướcHội đồng Giám mục Ba Lan xin Đức Thánh Cha phong Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II làm tiến sĩ Hội Thánh
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần XXX – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.