Thường Niên – Tuần XXVI – Năm C

0
352

Chúa Nhật – Ngày 29 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVI

Bài đọc 1 : Am 6,1a.4-7

Bài đọc 2 : 1Tm 6,11-16

Tin Mừng : Lc 16,19-31

Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Pharisêu dụ ngôn sau đây: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ y trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

“Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!’ […]

SỰ ĐỐI LẬP

Tin Mừng hôm nay kể về người đàn ông giàu có và anh Ladarô nghèo khó. Dụ ngôn cho thấy sự đối lập giữa hai con người, hai thế giới cả khi sống và chết. Lúc còn sống: người đàn ông giàu có mặc toàn lụa là gấm vóc, yến tiệc linh đình; người nghèo khó Ladarô thì mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng, thèm những thức ăn thừa và mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc. Lúc chết: người giàu có ở dưới âm phủ, chịu cực hình; còn anh Ladarô được thiên thần đem vào lòng Ápraham. Vậy sự đối lập này có ý nghĩa gì? Phải chăng cứ nghèo khó, khổ cực ở đời này thì sẽ được sung sướng ở đời sau?

Khi kể dụ ngôn này, Đức Giêsu không có ý mời gọi mọi người sống khổ, sống cực ở đời này để có thể hưởng nếm hạnh phúc mai sau. Tuy nhiên, thông qua ông nhà giàu và anh Ladarô, Đức Giêsu muốn cho thấy sự khác biệt, khác biệt đến đối lập về cách chọn lựa của hai con người này.

Ông nhà giàu đã chọn tiền bạc. Tiền bạc như mục đích đầu tiên và duy nhất của ông. Ông cố gắng kiếm tiền, ông hưởng dùng của cải mình làm ra, ông chẳng quan tâm đến người chung quanh, mà cũng chẳng cần đến Thiên Chúa. Trái lại, anh Ladarô không chọn sự nghèo hèn nhưng chọn sống tín thác nơi Chúa. Dù nghèo đến độ thèm ăn những mảnh vụn trên bàn rơi xuống, nghèo đến độ chấp nhận sống chung với bệnh ghẻ lở, nhưng anh không than trách Chúa, không thờ ơ hay xua đuổi những con chó đến gần mình.

Lạy Chúa, xin cho mỗi chúng con cũng biết nhận ra đâu là điều Chúa muốn trong cuộc sống để từ đó chúng con biết cho đi, biết san sẻ và quan tâm đến mọi người.

Lm. Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD

Thứ Hai – Ngày 30- Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVI

Thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Dcr 8,1-8

Tin Mừng : Lc 9,46-50

Khi ấy, một câu hỏi chợt đến với các môn đệ: trong các ông, ai là người lớn nhất? Đức Giêsu biết điều các ông đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình và nói với các ông: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.” Ông Gioan lên tiếng nói: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy.” Đức Giêsu bảo ông: “Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!”

ĐỪNG NGĂN CẢN NGƯỜI TA

Trong một xã hội kinh tế phát triển như ngày nay, chúng ta thường nghe thấy những thuật ngữ như “sở hữu trí tuệ”, “sản phẩm độc quyền”… Người ta giữ quyền sáng tạo trên sản phẩm mình làm ra để thu lợi nhuận lâu dài.

Ông Gioan và các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay cũng muốn “độc quyền” danh Chúa. Ông không muốn quyền năng của Chúa bị người ta lợi dụng, ngay cả khi “danh” ấy được sử dụng vào mục đích tốt là trừ quỷ (Lc 9,49). Các môn đệ muốn Chúa là riêng của các ông, nên không muốn cho người khác được chia sẻ quyền năng và danh của Ngài.

Ngày nay ta vẫn còn bắt gặp điều này phảng phất đâu đó khi có người muốn giữ độc quyền ban phát lòng thương xót của Thiên Chúa mà quên mất rằng ơn cứu độ được Thiên Chúa ban cho toàn thể nhân loại ngang qua Đức Kitô. Ơn cứu độ này là phổ quát, nghĩa là cho tất cả mọi người mà không trừ một ai.

Sống trong một thế giới cạnh tranh không ngừng, người ta cũng dễ có xu hướng cạnh tranh để “gom” tiếng tăm về cho mình. Người ta cố gắng chứng tỏ hội, nhóm, đoàn thể của tôi “ngon” hơn của những người khác. Hơn nữa, điều này cũng có thể xảy ra ngay trong chính bản thân tôi. Đó là khi tôi tỏ ra khó chịu khi thấy người khác tốt hơn tôi, tài giỏi hơn tôi, đạo đức hơn tôi. Thay vì tạ ơn Chúa vì danh của Người được tôn vinh hơn, thì trong thâm tâm tôi lại có thái độ coi thường, tìm cách dèm pha, hay hạ thấp những điều tốt đẹp nơi anh chị em tôi.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì đã cho con được mang danh của Chúa. Xin giúp con cũng biết hết lòng ủng hộ những ai làm danh Ngài ngày càng được nhận biết, yêu mến và tôn thờ.

Tu sĩ Phêrô Đỗ Văn Năng, SVD

Thứ Ba – Ngày 1 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVI

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu,

trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh.

Bổn mạng các xứ truyền giáo. Lễ kính (Tr).

Bài đọc : Is 66,10-14c

Tin Mừng : Mt 18,1-5

Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

“Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.

TRỞ NÊN NHƯ TRẺ NHỎ

Bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rằng các môn đệ vào thời của Chúa Giêsu cũng có những băn khoăn, trăn trở rất con người. Các ông muốn biết rằng trong Nước Trời ai là người lớn nhất: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” (Mt 18,1). Và đây là câu trả lời của Chúa Giêsu: “Vậy ai tự hạ mà coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18,4).

Quả thật, trẻ nhỏ là một trong những đối tượng mà Chúa Giêsu yêu thương cách đặc biệt. Tại sao vậy? Bởi vì trẻ em thì đơn sơ, ngay thật, chưa có khả năng để phòng vệ hay tự vệ, mà chỉ biết đón nhận mọi thứ từ người lớn. Đó là một tinh thần phó thác hoàn toàn mà không có sự tính toán, ganh đua hay do dự. Trong đầu của trẻ nhỏ không tồn tại những khái niệm về cao trọng – thấp hèn, khôn ngoan – khờ dại, hùng mạnh – yếu kém… Bởi vậy, Chúa Giêsu đã hứa ban Nước Trời cho những ai sống tinh thần của trẻ nhỏ.

Vấn đề ở đây là làm sao để chúng ta có thể trở nên như trẻ nhỏ? Đây thực sự là một đòi hỏi khó, có điều gì đó nghịch lý. Tục ngữ có câu: “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”. Trong mắt người lớn, trẻ nhỏ xem ra bị coi thường, không đáng để ý và không mấy quan trọng. Tuy nhiên, điều mà Chúa Giêsu đòi hỏi ở đây là tinh thần sống của chúng ta. Để đạt được Nước Trời không cách nào khác là hãy sống một tinh thần đơn sơ, ngay thật trước mặt Thiên Chúa, phó thác hoàn toàn vào sự quan phòng của Thiên Chúa như trẻ em tin tưởng vào sự bảo vệ của bố mẹ chúng.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nỗ lực bỏ đi cái tôi, sự kiêu căng của bản thân và học sống nhân đức khiêm nhường. Có như thế, chúng con mới có thể sống được tinh thần mà Chúa mong muốn, là hãy trở nên như trẻ nhỏ.

Tu sĩ Antôn Chu Văn Nhật, SVD

Thứ Tư – Ngày 2 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVI

Các thiên thần hộ thủ. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Xh 23,20-23

Tin Mừng : Mt 18,1-5.10

Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.

“Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.

SỐNG TINH THẦN TRẺ THƠ

Sau thời gian rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã kêu gọi được rất nhiều môn đệ và Người còn chọn ra Nhóm Mười Hai sống thân cận với Người. Trong số các Tông đồ thì lại có những người được Đức Giêsu ưu ái cách đặc biệt bằng việc cho đi theo Người vào những dịp đặc biệt. Chính vì vậy, có một số môn đệ thắc mắc là ai sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.

Phải chăng các ông muốn Đức Giêsu đưa ra tiêu chuẩn của một người lớn nhất trong Nước Trời để cho các ông nhận biết và ra sức phấn đấu để có được vị trí đó? Dù các môn đệ hỏi với ý nào chăng nữa, thì câu trả lời của Chúa Giêsu làm các ông ngạc nhiên. Thật vậy, Đức Giêsu đã đưa ra một tiêu chuẩn mà ắt hẳn các môn đệ phải bất ngờ rằng ai tự hạ mình, sống tinh thần của trẻ thơ thì người ấy là người lớn nhất trong Nước Trời.

Trẻ em vào thời Đức Giêsu không được coi trọng và không có một vị trí nào trong xã hội và ngay cả đặc quyền cũng không. Chính vì vậy, trẻ em không được xếp vào hạng nào cả. Nhưng Đức Giêsu đã đặt một trẻ nhỏ giữa các môn đệ và bên cạnh Người. Đây là một hình ảnh trân trọng trẻ nhỏ của Đức Giêsu. Và Đức Giêsu mời gọi các môn đệ sống tinh thần của trẻ thơ để được xếp vào hạng người lớn nhất trong Nước Trời.

Trở nên như trẻ thơ không phải là trở lại như một em nhỏ và đây là điều không thể và vô lý. Nhưng trở nên như trẻ thơ hay sống tinh thần trẻ thơ là biết tự hạ như trẻ nhỏ, loại bỏ thái độ kiêu căng, tự cao tự đại, chỉ biết quy về bản thân, loại bỏ kẻ yếu thế. Biết tự hạ là biết tin tưởng phó thác hoàn toàn vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sống tự hạ, cậy dựa vào Ngài mà thôi.

Lm. Gioan Trần Nam Phong, SVD

Thứ Năm – Ngày 3 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVI

Bài đọc : Nkm 8,1-4a.5-6.7b-12

Tin Mừng : Lc 10,1-12

Khi ấy, Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông…

TRUYỀN GIÁO

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca thuật lại cho chúng ta cuộc hành trình lên Giêrusalem của Đức Giêsu. Để chuẩn bị hành trình này, Ngài sai phái Nhóm Mười Hai ra đi rao giảng và chữa lành (Lc 9, 1-6). Sau đó, Ngài tiếp tục sai phái nhóm bảy mươi hai đi trước để dọn đường cho Ngài.

Chúa Giêsu cho chúng ta thấy một viễn cảnh về cánh đồng truyền giáo rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Cánh đồng ấy thật bao la, bát ngát, nhưng thợ gặt thì quá thiếu thốn. Chúa Giêsu thao thức, mong muốn có thêm nhiều thợ gặt để thu lượm lúa đã chín vàng. Và Ngài mời gọi các môn đệ cộng tác với Ngài trong công việc truyền giáo bằng nhiều phương thế khác nhau.

Trước tiên, các ông cần phải cầu nguyện, xin chủ mùa gặt gửi thợ đến. Thiên Chúa là chủ mùa gặt, Người làm chủ công cuộc truyền giáo. Sau đó, các ông ra đi để thực hiện sứ vụ mà Chúa Giêsu mời gọi: “Anh em hãy ra đi.” Sứ vụ này có nhiều khó khăn, như “chiên con đi vào giữa bầy sói”, nhưng không vì thế mà các ông phải chuẩn bị cho mình nhiều thứ hành trang. Ngài muốn các ông tập một lối sống đơn sơ và nghèo khó: không túi tiền, giày dép, bao bị… Điều cấp thiết là Tin Mừng được loan báo, còn những thứ khác Thiên Chúa sẽ ban cho. Sau nữa, hành trang mà các môn đệ cần mang theo chính là sự bình an của Chúa, để đi đến đâu, và nơi nào xứng đáng thì bình an sẽ ở lại trong nhà người ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn can đảm đáp lời “xin vâng” trước sứ vụ truyền giáo mà Chúa đang mời gọi chúng con cộng tác.

Tu sĩ Giuse Vũ Xuân Sơn, SVD

Thứ Sáu – Ngày 4 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVI

Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Br 1,15-22

Tin Mừng : Lc 10,13-16

Khi ấy, Đức Giêsu nói: “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi. Vì thế, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xiđôn sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Caphácnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!

“Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.”

KHỐN CHO CÁC NGƯƠI…

Nguyền rủa vốn là điều chẳng dễ nghe chút nào, đằng này, những lời nguyền rủa lại xuất phát từ chính miệng Chúa Giêsu. Phải chăng đây là một sự ráo riết và quyết liệt của Ngài để muốn cùng với các môn đệ kiện toàn lề luật và chỉnh đốn dân chúng đi vào nề nếp; nhưng họ vẫn chứng nào tật nấy?

Chung qui lại, người ta thường nói, “Thuốc đắng đã tật, sự thật mất lòng.” Ba thành phố bị điểm mặt vạch tên (Khoradin, Bếtxaiđa và Caphácnaum) vì họ đã đi quá xa con đường Chúa muốn, và cũng không có dấu hiệu hoán cải.

Sự băng hoại xã hội trên bình diện lớn có thể nguy hiểm đến nền đạo đức chung và xâm phạm nhân phẩm con người. Chẳng hạn, phá thai là một tội ác giết người nhưng nhiều nơi đã âm thầm hoặc công khai để bỏ phiếu theo số đông và cho phép tội ác này diễn ra cách “hợp pháp”!? Hoặc, dùng thuốc bảo quản trộn vào thực phẩm là cách đầu độc người khác từ từ, nhưng vì lợi nhuận và vì ai cũng làm nên nhiều người không ngần ngại “nhắm mắt” làm theo. Chuyện “lương tâm không bằng lương tháng,” là câu chuyện cổ tích nhức nhối thời hiện đại đang chờ hồi kết…

“Khốn cho các ngươi…” không đơn giản là lời chúc dữ của ai đó; nó là tiếng kêu ai oán của lương tâm đang bị dìm sâu trong cuộc chơi trần thế; nó có thể là tiếng rên không nên lời trong sự kìm kẹp bất công.

Ai sẽ là người tiếp tục chào đón thông điệp của Tin Mừng trong xã hội hôm nay? Ai dám mang Lời Chúa đi vào cuộc sống cho dù bị xua đuổi và bị bách hại?

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin ban cho chúng con đức tin can trường để làm chứng cho chân lý Tin Mừng—chân lý cần đi vào lòng của con người nhân thế.

Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD

Thứ Bảy – Ngày 5 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXVI

Bài đọc : Br 4,5-12.27-29

Tin Mừng : Lc 10,17-24

Khi ấy, Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.” Đức Giêsu bảo các ông: “Thầy đã thấy Xatan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.”

Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”

Rồi Đức Giê-su quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”

NIỀM VUI LỆCH LẠC

Trước một thành quả đạt được, ai cũng vui mừng, nhưng lý do khiến người ta vui mừng có thể khác nhau và không thiếu những niềm vui lệch lạc cần được uốn nắn.

Sau thành công trong việc truyền giáo, bảy mươi hai môn đệ vui mừng nói với Đức Giêsu: “Nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.” Các ông vui vì ma quỷ khuất phục các ông chứ không phải khuất phục vì danh Đức Giêsu. Các ông vui vì thành công ấy như thể đến từ khả năng của mình chứ không phải quyền năng của Chúa. Các ông quên mất rằng quyền năng để đạp trên rắn rết và mọi thế lực kẻ thù là do Chúa ban. Một niềm vui lệch lạc! Đức Giêsu hiểu niềm vui mà các môn đệ đang có và Người cho thấy đâu là lý do đáng vui mừng: “Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được được ghi trên trời.”

Trong công việc tông đồ, một cám dỗ mà người thi hành sứ vụ dễ mắc phải là coi những thành quả đạt được là do khả năng, nỗ lực của bản thân mà có, chứ không phải do ơn Chúa ban.

Sai một ly, đi một dặm. Cần phải điều chỉnh niềm vui lệch lạc, vì sự lệch lạc nhỏ có thể dẫn đến những sự lệch lạc lớn hơn.

Xin Chúa giúp những người nhiệt tâm trong công việc tông đồ luôn ý thức làm mọi công việc vì sáng danh Chúa.

Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Tuấn Thể, SVD

 

 

 

 

 

 

 

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 26 Thường Niên – Năm C
Bài tiếp theoGx Kim Cương Khai giảng Chương trình Học Giáo Lý, Niên khóa 2019 – 2020

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.