Thường Niên – Tuần XXIX – Năm C

0
490

Chúa Nhật – Ngày 20 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIX

CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

Bài đọc 1 : Xh 17,8-13

Bài đọc 2 : 2Tm 3,14-4,2

Tin Mừng : Lc 18,1-8

Khi ấy, Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.’ Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.’”

Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ.” […]

KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trao cho chúng ta “chìa khóa vạn năng” trong đời sống đức tin, đó là sự kiên trì cầu nguyện: “Anh em hãy cầu nguyện luôn, không được nản chí sờn lòng” (Lc 18,1).

Trong đời sống cầu nguyện, Chúa Giêsu tha thiết mời gọi chúng ta cứ kiên trì tìm thì sẽ được thấy, và cứ kiên trì gõ cửa thì sẽ được mở cho (x. Mt 7,7). Nhân vật bà góa trong tin mừng ngày hôm nay là một minh chứng tỏ tường cho chúng ta. Bà đã nhờ kiên trì mà được ông quan tòa đáp ứng theo thỉnh cầu. Sự kiên trì trong đời sống cầu nguyện là điều cần thiết để được Thiên Chúa nhậm lời.

Tại sao sự kiên trì lại cần thiết trong đời sống cầu nguyện? Ta biết rằng thành công không tự nó đến. Muốn thành công, cần phải có sự kiên trì trong suốt một thời gian dài. Kiên trì trong cầu nguyện thật là một sự thách đố vì ta phải kiên tâm để phân định giữa việc tìm và thực thi ý Chúa với việc mong muốn theo ý mình. Chỉ có kiên tâm cầu nguyện, ta mới nhận biết ý Chúa trên cuộc đời ta.

Nhờ sự kiên trì, nhiệt tâm, và cả sức lực, rùa đã về đích trước thỏ trong câu chuyện “thỏ và rùa”. Với ý nguyện tha thiết, kiên trì, liên lỉ cho đứa con trai đầy tham vọng và đi hoang, thánh Monica đã được Thiên Chúa nhậm lời… Sự kiên trì không biết mệt mỏi trong đời sống cầu nguyện sẽ dẫn người tin đến chân lý toàn thiện là chính Thiên Chúa.

 Lạy Chúa, xin chỉ dạy chúng con biết ý thức được tầm quan trọng của sự kiên trì cầu nguyện để chúng con có thể chiến thắng được sự yếu đuối của bản thân trong những lúc khó khăn nhất.

Tu sĩ Phaolô A Hóa, SVD

Thứ Hai – Ngày 21 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIX

Bài đọc : Rm 4,20-25

Tin Mừng : Lc 12,13-21

Khi ấy có người trong đám đông nói với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’ Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’ Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

LÀM GIÀU TRƯỚC MẶT CHÚA

“Làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,21) là lời đã đánh động tôi trong đoạn Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay.

Làm việc để sinh lời của cải là nhu cầu chính đáng của con người. Nhờ lao động không ngừng, con người đã có những bước tiến dài trong hành trình lịch sử. Vì vậy, chắc chắn Chúa không hề muốn con người đừng làm giàu, nhưng cách làm giàu bền vững nhất vẫn là làm giàu trước mặt Chúa.

Tôi có dịp tiếp xúc với những người tuy chẳng mấy khấm khá nhưng tấm lòng quảng đại lại có dư. Đó là bà cụ bán tạp hóa, là mấy cô chú phải tìm cách cân bằng việc gia đình và nhà thờ hay bạn trẻ hàng ngày kiếm nguồn trang trải cho học tập và cuộc sống. Thậm chí là chút tiền ăn sáng trước khi vào lớp của mấy cô bé, cậu bé. Nhưng khi được kêu gọi thiện nguyện, những con người đó sẵn sàng góp phần mình dù có thể là nhỏ bé.  Họ là những người biết làm giàu trước mặt Thiên Chúa.

Còn tôi thì sao? Dù sống đời thánh hiến với những giờ thiêng liêng là trên hết, thế nhưng nhiều khi tôi chây lười, chểnh mảng; lại còn những lo lắng vì việc này việc kia hơn là chăm sóc cho sứ vụ của mình. Vậy sao mà làm giàu trước mặt Thiên Chúa, khi bản thân còn chưa chu toàn? Đó là điều tôi tự vấn mình mỗi ngày, để làm sao bản thân luôn khôn ngoan trong mỗi suy nghĩ, việc làm.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là gia nghiệp đời con. Xin giúp con mỗi ngày sống thêm tín thác nơi Chúa và hăng say hơn trong sự dấn thân phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em để làm giàu trước mặt Chúa.      

Tu sĩ Giuse Tạ Quang Duy, SVD

Thứ Ba – Ngày 22 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIX

Thánh Gioan Phaolô II, Giáo Hoàng.

Bài đọc : Rm 5,12.15b.17-19.20b-21

Tin Mừng : Lc 12,35-38

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.”

TỈNH THỨC

Người ta thường nói, chỉ cần tỉnh thức hơn một chút trong cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ thấy cuộc đời này dễ chịu và đáng sống hơn nhiều. Sự tỉnh thức nuôi dưỡng lòng tri ân, giúp ta sống rộng lượng và nhân ái hơn với mọi người. Chính điều này mang lại cho chúng ta hạnh phúc.

Thật vậy, tỉnh thức là tỉnh táo, là khôn ngoan trong sự hiểu biết. Sự khôn ngoan này ám chỉ đến sự hiểu biết của tri thức, dùng lý trí để soi chiếu và phân định trong cách chọn lựa của cuộc sống. Hơn thế nữa, tỉnh thức theo Kitô giáo còn nói lên sự khôn ngoan trong việc đợi chờ Chúa của mình đến. Hành động đợi chờ này đòi hỏi không chỉ vận dụng sự hiểu biết của trí khôn mà còn vận dụng cả lý trí, ý chí và con tim. Không chỉ tỉnh thức để chọn cho mình cái nào đúng cái nào sai để thực hiện, mà hơn thế nữa, phải tỉnh thức để sống bằng cả con người của mình trong từng khoảnh khắc và nhịp điệu của con tim, để làm sao khi Chúa đến, thì hân hoan và hãnh diện mà đón Người.

Thế nên, chúng ta phải luôn sẵn sàng và trong tư thế chủ động, phải tỉnh thức vì không biết khi nào Chúa của mình tới. Ngày Chúa tới ám chỉ ngày mà trời đất này sẽ qua đi và trời mới đất mới sẽ xuất hiện. Ngày đó sẽ là ngày kinh hoàng cho những ai không tin và sẽ là ngày vui mừng cho những ai có niềm tin và sẵn sàng. Ngày đó cũng có thể là ngày mà mỗi người chúng ta phải kết thúc cuộc sống trên trần thế này, ngày mà chúng ta phải bỏ lại sau lưng tất cả để sẵn sàng thuộc trọn về Chúa hay vĩnh viễn lạc mất Ngài. Điều này phụ thuộc vào thái độ tỉnh thức của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang bám quá chặt vào cuộc sống tạm bợ này, khiến chúng con không còn sự khôn ngoan và tỉnh thức như Chúa muốn. Xin giúp chúng con biết nhìn lại đời sống của mình mỗi ngày để luôn sẵn sàng chờ đợi Chúa.

Tu sĩ Giuse  Mai Văn Dương, SVD

Thứ Tư – Ngày 23 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIX

Bài đọc : Rm 6,12-18

Tin Mừng : Luca 12,39-48

… “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Chủ ta còn lâu mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.”

NGƯỜI QUẢN GIA

Người quản lý giỏi là người luôn biết cách sinh hoa lợi cho gia chủ và những gia nhân khác. Tin Mừng hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta là những người “quản lý các ân huệ của Thiên Chúa” cần phải luôn “tỉnh thức” để biết quản lý cách khôn ngoan những ân huệ đó.

Trước hết, Chúa muốn chúng ta phải là những người trung tín, tức là người luôn trung thành và không để những ân huệ đó trở thành vô hiệu. Điều này cũng buộc chúng ta phải biết chu toàn bổn phận cũng như trách nhiệm của mình với Chúa và tha nhân.

Nhưng chỉ trung tín thôi thì vẫn chưa đủ. Người còn muốn chúng ta phải khôn ngoan nữa. Khôn ngoan ở đây không phải là “khôn lỏi” chỉ biết đến bản thân, nhưng là biết sinh ích lợi cho tha nhân và làm hiển vinh danh Chúa. Người khôn ngoan cũng là người luôn “tỉnh thức” không để mình rơi vào những cám dỗ và biết “đúng thời, đúng buổi” dùng những ân huệ mà Chúa ban để “sinh hoa lợi gấp trăm” cho bản thân, tha nhân và Nước Trời.

Chúng ta tự hỏi: Liệu tôi có là người quản gia trung tín và khôn ngoan của Chúa? Tôi có tỉnh thức để biết phân phát ân huệ của Thiên Chúa đúng thời, đúng buổi, đúng người? Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta không những phải tỉnh thức trước những cám dỗ mà còn phải biết làm chứng cho Nước Chúa, và chia sẻ những ân huệ đã lãnh nhận từ Chúa cho tha nhân.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì những ân huệ mà Chúa ban cách nhưng không cho con. Xin Chúa cho con luôn biết sử dụng ân huệ ấy đúng như điều Chúa muốn nơi con.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Đạt, SVD

Thứ Năm – Ngày 24 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIX

Thánh Antôn Maria Claret, Giám mục.

Bài đọc : Rm 6,19-23

Tin Mừng : Lc 12,49-53

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất! “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”

NGỌN LỬA TÌNH YÊU

Trong truyền thống văn hóa Ấn Độ cổ đại và trong kinh dịch Trung Quốc, lửa là biểu tượng cho sức mạnh, cho tinh thần nhiệt huyết, cho sự khát mong cháy bỏng.

Chúa Giêsu cũng dùng biểu tượng ngọn lửa để nói về sứ mệnh của Ngài: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”. Phải chăng lửa mà Đức Giêsu mang đến là thứ lửa từ trời tiêu diệt Sôđôma, lửa mà hai tông đồ Giacôbê và Gioan định sai xuống để thiêu hủy một ngôi làng Samari hay lửa của ngày phán xét? Trong cái nhìn của thánh Luca thì lửa mà Đức Giêsu muốn làm bùng lên trên mặt đất này là thứ lửa của Phép Rửa trong Thánh Thần, thứ lửa của tình yêu làm nóng lại tâm hồn con người đang lạnh giá, thứ lửa để thiêu hủy những cằn cỗi nơi lòng mỗi người và là lửa được thắp lên để trên giá nhằm chiếu tỏa ánh sáng của niềm vui Tin Mừng.

Ngọn lửa mà Đức Giêsu “ném” vào trần gian này đã hơn hai ngàn năm, nhưng thế giới hôm nay vẫn chưa cháy bừng lên như Chúa muốn; bóng tối của tội lỗi còn bao phủ nhiều ngõ ngách của cuộc sống. Đâu đó trên thế gian này vẫn còn nhiều tâm hồn thờ ơ lạnh lùng với nhau. Con người sống được là nhờ hơi ấm của tình yêu chia sẻ, của ánh sáng từ lửa tin yêu, nhưng lửa đó nơi các tín hữu lại chưa đủ mạnh, đủ ấm để lan toả.

Mỗi chúng ta phải có trách nhiệm đáp lại khát mong của Chúa Giêsu, ngõ hầu, hơn một tỉ Kitô hữu trên thế giới này có thể trở thành hơn một tỷ ngọn lửa của niềm vui Tin Mừng.

Lạy Chúa, xin ban ngọn lửa Thánh Linh xuống tràn ngập tâm hồn chúng con, để chúng con chiếu tỏa sức sống của Ngài cho con người trong thế giới hôm nay.

Tu sĩ Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đồng, SVD

Thứ Sáu – Ngày 25 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIX

Bài đọc : Rm 7,18-25a

Tin Mừng : Lc 12,54-59

Khi ấy, Đức Giêsu nói với đám đông rằng: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: ‘Mưa đến nơi rồi’, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: ‘Trời sẽ oi bức’, và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét? “Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải? Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng.”

ĐỌC DẤU CHỈ THỜI ĐẠI

Khi nói về dấu chỉ của thời tiết, ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”. Thật thế, ngày xưa, khi khoa học và kỹ thuật chưa phát triển, con người thường quan sát các dấu chỉ của trời đất để đoán biết về những điều sắp xảy ra về thời tiết. Bài Tin Mừng hôm nay lại muốn đi xa hơn khi mời gọi đọc dấu chỉ của Thiên Chúa.

Từ dấu chỉ thời tiết, Đức Giêsu nói đến việc đọc ra những dấu chỉ thời đại mà Thiên Chúa gởi đến cho con người. Qua đó, Ngài trách những người Do Thái có mắt mà như mù khi không đọc ra các dấu chỉ của thời đại Mêsia là chính Đức Giêsu, Đấng đang hiện diện giữa họ, đang thực hiện những điều đã được các ngôn sứ tiên báo. Thế nhưng, họ không nhận ra Ngài, không nhận ra thời kỳ Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài.

Lời mời gọi đọc ra các dấu chỉ thời đại của Đức Giêsu vẫn luôn cấp bách. Chính vì thế, Công Đồng Vatican II đã nói: “Giáo Hội lúc nào cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ thời đại và giải thích dưới ánh sáng Tin Mừng, như vậy mới có thể giải đáp một cách thích ứng với từng thế hệ, những thắc mắc muôn thuở của con người và ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai hậu… Do đó, cần phải biết và hiểu thế giới chúng ta đang sống với những chờ đợi, mong ước và cả tính chất, thường là bi thảm của nó” (GS 4).

Trong cuộc sống thường ngày của mỗi người, Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta suy gẫm về những biến cố lớn nhỏ xảy ra trong đời sống, để nhận ra tình thương và sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng làm chủ và thực hiện việc cứu độ con người. Để rồi, chúng ta biết phải sống thế nào, phải làm gì để xứng đáng với tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Việc làm tối cần thiết nhất là mỗi người chúng ta cần phải thay đổi lối sống của mình theo những giáo huấn của Đức Giêsu hầu đáng được hưởng hạnh phúc tròn đầy trong ân nghĩa của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đọc ra những dấu chỉ thời đại mà Ngài đã gửi đến để sống sao cho xứng hợp.

Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD

Thứ Bảy – Ngày 26 – Tháng 10

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIX

Bài đọc : Rm 8,1-11

Tin Mừng : Lc 13,1-9

Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao  Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

Rồi Đức Giêsu kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất ?’ Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.’”

SINH HOA TRÁI

Dụ ngôn “cây vả không ra trái” trong đoạn Tin Mừng hôm nay đã khiến tôi suy nghĩ về bản thân trong đời sống ơn gọi của mình.

Tin Mừng cho chúng ta biết, suốt ba năm, ông chủ không thu được trái của cây vả mà ông đã vun trồng. Cây vả thiếu chút nữa bị ông chủ cho người làm vườn chặt bỏ, bởi vì nó không sinh trái.

Còn tôi, một người đang bước trên con đường tu trì mà không “sinh” được những hoa quả thiêng liêng đẹp lòng Chúa thì tôi có xứng đáng với ơn gọi của mình chăng? Tôi đi tu nhưng lại ham mê của cải vật chất và tiền bạc thì làm sao tôi có được những thành quả tốt trong đời sống ơn gọi của mình?

Việc sống tinh thần cầu nguyện, không ngừng nỗ lực học hỏi và rèn luyện bản thân để ngày một thăng tiến sẽ giúp ích cho đời sống ơn gọi của tôi “trổ sinh” nhiều trái ngọt. Qua đó, tôi thấy đời tu của mình có giá trị và ý nghĩa nhờ những ân lộc Chúa đã ban.

Lạy Chúa, xin cho con biết biết đón nhận những ân huệ Chúa ban để qua đó, con có thể làm được nhiều việc tốt và ý nghĩa cho ơn gọi của bản thân, cho cộng đoàn và cho Giáo Hội.

Tu sĩ Giuse Phạm Minh Hoàng, SVD

 

 

 

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật tuần 29 Thường Niên – Năm C
Bài tiếp theoTỉnh Dòng Ngôi Lời – Giuse Việt Nam mừng lễ Khánh Nhật Truyền Giáo 2019

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.