Thường Niên – Tuần XV – Năm C

0
500

Chúa Nhật – Ngày 14 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XV

Bài đọc 1 : Ðnl 30,10-14

Bài đọc 2 : Cl 1,15-20

Tin Mừng : Lc 10,25-37

[…] Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giêsu rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” Đức Giêsu đáp: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc dường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ầy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh  qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu  xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền , trao cho chủ quán và nói: ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.’ Vậy theo ông nghĩ. Trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời : “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi , và cũng hãy làm như vậy.”

NGƯỜI THÂN CẬN

Để có sự sống đời đời, chúng ta không chỉ phải yêu mến Đức Chúa, nhưng còn phải “yêu người thân cận như chính mình”. Thế nhưng người thân cận là ai? Theo cách hiểu thông thường, đó chính là những người mà ta quen biết, ví như: anh em, bạn bè, bà con lối xóm…Những ai xa lạ thì không phải là người thân cận. Hiểu như thế liệu đã đúng chưa?

Khi xét các mối tương quan, chúng ta hay có lối nghĩ “quy ngã”: đặt mình làm trung tâm, người khác phải quy chiếu về ta. Theo đó, người thân cận chỉ là những ai được ta quen biết; hợp “gu”, có cùng sở thích, tính tình với ta. Tóm lại, ta đặt ra những tiêu chuẩn cho người khác. Những ai không nằm trong tiêu chuẩn đó đều không phải là người thân cận đối với ta.

Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đã cho ta một lối nhìn khác. Trước câu hỏi của nhà thông luật: ai là người thân cận của tôi, Chúa lại đưa ra một câu hỏi khác: ai đã tỏ ra là người thân cận với người bị cướp kia? Chúa đã đảo ngược thứ tự. Thay vì lấy mình làm trung tâm, thì tha nhân phải trở nên trung tâm. Chính họ đánh giá mức độ thân cận của ta, chứ không phải là ta đưa ra tiêu chuẩn cho họ. Nói khác đi, chính ta phải trở nên thân cận cho người khác, chứ không phải bắt người khác trở nên thân cận với chính ta.

Lối nhìn mới mẻ về người thân cận như thế đòi ta phải thay đổi lối sống. Ta phải chủ động ra đi, đến với người khác, nâng đỡ, ủi an họ; băng bó, chữa lành những vết thương cho họ. Ta phải trở nên người thân của họ. Đó chính là hình ảnh của người thân cận đích thực, như hình ảnh của người Samaria nhân hậu được thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay.

Lạy Chúa, xin cho con biết trở nên thân cận cho tất cả mọi người, nhất là những người nghèo khổ, bất hạnh mà con gặp gỡ trong cuộc sống.

Tu sĩ Phaolô Trần Khắc Công, SVD

Thứ Hai – Ngày 15 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XV

Thánh Bônaventura, giám mục,

tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Xh 1,8-14.22

Tin Mừng : Mt 10,34-11,1

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà. “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được […]

GÂY CHIA RẼ ?

Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu gây ngỡ ngàng khi khẳng định Người không đến để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Chúng ta tự hỏi lời này của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì? Phải chăng Người đến để gây chia rẽ giữa những người thân trong gia đình với nhau?

Trước hết, ngay từ bài giảng đầu tiên, bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã dạy rằng: “Phúc cho những ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9); Người căn dặn các môn đệ khi vào nhà nào thì chào chúc bình an cho nhà ấy (x. Mt 10,12). Người còn đi xa hơn khi đòi buộc người ta phải yêu thương cả kẻ thù của mình (x. Mt 5,44). Vậy nên Chúa Giêsu không thể là người đến để mang gươm giáo và gây chia rẽ.

Trái lại, đặt trong bối cảnh chương 10 của Tin Mừng Mátthêu, Chúa Giêsu đang dạy các môn đệ về sứ mạng loan báo Tin Mừng. Người báo trước về những khó khăn và bách hại khi thực hiện sứ mạng đó (x. Mt 10,17-25); đồng thời, Người khích lệ các môn đệ hãy nói cách công khai và không sợ hãi (x. Mt 10,26-33), nên sự chia rẽ mà Chúa Giêsu nói đến là thái độ chọn lựa của người ta khi đứng trước sứ điệp Tin Mừng. Người ta có thể chia rẽ nhau khi đón nhận hay từ chối Tin Mừng. Điều đó xảy ra ngay trong gia đình giữa những người thân với nhau.

Sứ điệp Tin Mừng đặt người ta trước sự chọn lựa nên họ có quyền đón nhận hay chối từ. Nếu Tin Mừng là nguồn bình an, thì chối từ Tin Mừng là khước từ sự an bình. Nếu Tin Mừng là nguồn vui thì chối từ Tin Mừng là khước từ niềm vui. Nếu Tin Mừng là sự nối kết, hiệp nhất thì chối từ Tin Mừng là đứng ngoài sự hiệp thông vậy!

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết đón nhận Chúa là Tin Mừng, là niềm vui và bình an cho cuộc sống của con. Xin cho con biết chọn Tin Mừng để hiệp thông với anh chị em con.

Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy, SVD

Thứ Ba – Ngày 16 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XV

Đức Mẹ núi Carmêlô (Tr)

Bài đọc : Xh 2,1-15a

Tin Mừng : Mt 11,20-24

Khi ấy, Đức Giêsu bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối: “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xiđôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Caphácnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơđôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơđôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.”

TIN HAY KHÔNG TIN

Các ngôn sứ thường hoài niệm lối sống và tinh thần sa mạc của dân Israel, tuy gian khổ nhưng gắn bó với Thiên Chúa của mình. Vì thế, các ngài cũng kỵ bầu khí vô đạo nơi các thành thị, tự cao tự đại, thờ quấy, vô luân… Cũng thế, trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu lên án những người cùng thời với Người.

Người Do Thái từng khinh dễ những người ngoại giáo và lên án người ta không nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa; nhưng chính lòng họ lại chai đá, cứng lòng tin hơn, dù được chứng kiến những phép lạ mà Chúa Giêsu đã thực hiện nhân danh Thiên Chúa.

Trong thế giới hôm nay, con người dễ tin vào tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Người ta sống thực dụng hơn, dễ tin vào những gì thuộc trần tục, tranh thủ lối sống hưởng thụ như không có ngày mai. Lối sống này che khuất tầm nhìn về niềm tin cuộc sống mai hậu; “thượng đế” đối với họ chính là cuộc sống trần thế này. Lại có những người tuy có niềm tin vào Thiên Chúa, nhưng cách sống lại xa rời Thiên Chúa. Quả đúng như lời Chúa đã phán: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt 15,8).

Tin Mừng hôm nay là lời khuyến cáo mà Chúa Giêsu nhắm vào những người cùng thời với Người, nhưng cũng là lời cảnh báo cho con người hôm nay. Tuy không còn được tận mắt chứng kiến những phép lạ Chúa Giêsu làm, nhưng ngày nay những phép lạ đó vẫn còn in dấu trong Kinh Thánh, trong Giáo Hội, qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, nơi có Chúa Giêsu đang hiện diện.

Lạy Chúa, giữa thế giới hôm nay đức tin chúng con thật chông chênh trước biết bao cám dỗ, xin cho chúng con vững tin vào Chúa qua Kinh Thánh, qua các bí tích, qua các dấu chỉ thời đại mà Chúa gởi đến trong cuộc đời mỗi người chúng con.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Dũng, SVD

Thứ Tư – Ngày 17 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XV

Bài đọc : Xh 3,1-6.9-12

Tin Mừng : Mt 11,25-27

Khi ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”

 NHỮNG NGƯỜI BÉ MỌN

Đức Giêsu chúc tụng Thiên Chúa vì Ngài đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người đơn sơ, bé mọn theo cái nhìn của người đời. Đó là ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa trong công trình cứu độ.

Thật vậy, khởi đầu cuộc đời nơi dương thế, Thiên Chúa cũng chỉ chọn một trinh nữ hèn mọn nơi làng quê Nadarét để nhập thể.  Trong đêm giáng sinh, Đức Giêsu phải sinh ra trong máng cỏ hang lừa, không có chăn ấm nệm êm. Ngài mặc lấy thân phận khó nghèo trong tiếng khóc của một trẻ thơ. Trong đêm đông lạnh lẽo giá rét ấy, không phải vua chúa hay những bậc thông thái trong dân chúng biết về Đấng Cứu Thế đã sinh ra, mà chỉ có những mục đồng mới được các thiên thần báo tin trước. Chính vua Hêrôđê và những bậc kỳ lão trong dân Do Thái đã bối rối trước câu hỏi của những nhà đạo sĩ từ Phương Đông đến để bái lạy Hài Nhi Giêsu.

Trong sứ vụ công khai của mình, Đức Giêsu cũng chỉ chọn những người bình dân nhất trong xã hội để làm môn đệ. Họ có thể đến từ nhiều miền khác nhau, với những công việc không giống nhau, nhưng họ đều không phải là những người có địa vị cao và được xã hội trọng vọng. Tuy nhiên, những con người xem ra đơn sơ, ít học đó lại được Chúa Giêsu chọn gọi và được mặc khải cho mầu nhiệm Nước Trời, nước của tình yêu và phục vụ.

Trên tinh thần đó, là những môn đệ của Đức Kitô trong thời đại hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi không phải vì chúng ta là những người thông thái, khôn ngoan theo kiểu người đời. Chúng ta được chọn để sống đơn sơ, khiêm nhường, phó thác cho Thiên Chúa và công trình cứu độ của Ngài. Điều Ngài cần nơi chúng ta không hẳn là làm những chuyện lớn lao, mà là làm những chuyện nhỏ với một tình yêu lớn lao.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống tâm tình phó thác, đơn sơ và khiêm nhường để tìm ra thánh ý Chúa. Vì chúng con biết rằng, “Nước Trời chỉ mặc khải cho những ai bé mọn” như Ngài đã phán dạy.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Quốc Đại, SVD

Thứ Năm – Ngày 18 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XV

Bài đọc : Xh 3,13-20

Tin Mừng : Mt 11,28-30

Khi ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

HÃY MANG LẤY ÁCH CỦA TÔI

“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Hình ảnh “ách” của Chúa Giêsu ở đây là một đạo lý Tin Mừng, “mang lấy ách” của Chúa là con đường giúp vượt thắng mọi gian nan thử thách để tìm được niềm an vui trong tâm hồn. Vậy đạo lý Tin Mừng ở đây là gì?

Trước hết, đó là hành động “tin”. Tin theo Chúa và trở thành môn đệ của Chúa là điều kiện cơ bản mà mỗi người Kitô hữu trước tiên cần phải có. Tin Chúa là đến với Chúa để học lấy cách sống của Người, để sống như Người dạy, để đón nhận tình thương của Người. Chúa Giêsu cũng tạo ra mối tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa với những kẻ theo Người qua hành động “hãy học cùng tôi”.

Thứ đến là sự khiêm nhường trong thái độ đối với Thiên Chúa. Chúa là Đấng khiêm nhường khi chịu hạ mình để xuống thế làm người, chấp nhận là một tội nhân trong mắt của người đời để chịu phỉ báng… Sống khiêm nhường với Chúa là ý thức được thân phận mỏng giòn yếu đuối của mình và thấy được nhu cầu cấp thiết của việc đến với Chúa trong mọi nơi mọi lúc.

Hơn nữa, đó còn là lòng hiền hậu đối với tha nhân. Thiên Chúa là tình yêu và là Đấng giàu lòng thương xót. Người đã yêu thương đến nỗi chấp nhận hy sinh cả mạng sống của mình vì tội lỗi của nhân loại. Học theo gương của Chúa Giêsu để sống yêu thương, thực thi giới luật quan trọng nhất của đời sống Kitô hữu: “Mến Chúa yêu người”. Noi gương Chúa để sẵn sàng đón tiếp và phục vụ những người bé mọn.

Lạy Chúa, xin cho con biết mang lấy ách của Chúa, thao thức tìm đến Chúa trong mọi lúc, mọi nơi để tìm  được niềm an vui trong tâm hồn. Xin Chúa luôn ở bên con để giúp con có thêm niềm tin và nghị lực để chống chọi với mọi nghịch cảnh của cuộc đời.

Tu sĩ Giuse Trương Vĩnh Tường, SVD

Thứ Sáu – Ngày 19 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XV

Bài đọc : Xh 11,10-12,14

Tin Mừng : Mt 12,1-8

Khi ấy, vào ngày sabát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Người Pharisêu thấy vậy, mới nói với Đức Giêsu: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sabát!” Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông Đavít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sabát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sabát mà không mắc tội đó sao? Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày sabát.”

LUẬT TÂN ƯỚC

Thầy Giêsu băng qua cánh đồng lúa cùng với các môn đệ và việc các ông vì đói mà bứt lúa ăn là điều dễ hiểu, nếu như hôm đó không rơi vào ngày sabát, ngày mà người Do Thái mộ đạo không chấp nhận việc bứt lúa ăn. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để Chúa Giêsu giới thiệu luật Tân Ước.

Đối với người Do Thái, ngày sabát là ngày nghỉ ngơi, ngày linh thánh, ngày dành để thờ phượng Thiên Chúa. Đó là ngày mà Thiên Chúa ra lệnh cho dân Israel phải tuân giữ. Tuy vậy, vì lòng sốt sắng quá mức mà những người Pharisêu  đã đặt ra những đòi hỏi khắt khe hơn trong việc giữ ngày sabát, mà một trong số đó là qui định không được phép bứt lúa ăn.

Nhân cơ hội này, Đức Giêsu đã giới thiệu một cách giữ luật mới mẻ hơn, luật của Tân Ước, luật đặt nền tảng trên tình thương. Ngài dẫn lại lời của ngôn sứ Hôsê: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (x. Hs 6,6; Mt 12,7), nhằm  nhấn mạnh rằng luật yêu thương, mến Chúa yêu người, là luật vượt trên mọi khoản luật. Mọi lễ tế, dù dâng với tất cả lòng thành kính, mà thiếu tình thương thì lễ tế đó vẫn không đẹp lòng Thiên Chúa.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về mối tương quan giữa chúng ta với Chúa và với nhau. Dù luật lệ là thứ cần thiết để duy trì các mối tương quan trong trật tự và công bằng, nhưng luật lệ chỉ là thứ vô hồn, cứng nhắc nếu không có Chúa là Tình Yêu. Chính Chúa mới là Chủ của mọi luật lệ.

Lạy Chúa, xin cho con biết tôn trọng luật lệ của Giáo Hội và xã hội, nhưng trên hết xin cho con biết dùng luật yêu thương trong các mối tương quan với nhau.

Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD

Thứ Bảy – Ngày 20 – Tháng 7

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XV

Thánh Apôllinarê, giám mục, tử đạo.

Bài đọc : Xh 12,37-42

Tin Mừng : Mt 12,14-21

Khi ấy, nhóm Pharisêu ra khỏi hội đường, bàn bạc để tìm cách giết Đức Giêsu. Biết vậy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai. Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói: Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.

NGƯỜI TÔI TRUNG

Tin Mừng hôm nay nhắc lại bài ca rất đẹp và đầy ý nghĩa của ngôn sứ Isaia về người Tôi Trung của Đức Chúa. Người Tôi Trung mang sứ mạng loan báo công lý trong Cựu Ước là hình ảnh tiên trưng về người Tôi Trung loan báo Tin Mừng Nước Trời.

Người Tôi trung hôm nay được thánh Mátthêu nói tới chính là Đức Giêsu Kitô. Người đã thực thi sứ mạng cứu độ một cách khiêm tốn, đầy tình thương, thành tín và hay thương xót: “Cây lau bị dập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng” (Mt 12,20).

Noi gương người Tôi Trung Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa bằng lối sống khiêm nhường, thành tín và yêu thương với những ai chúng ta gặp gỡ, cách riênng những em mồ côi, bất hạnh đang cần tình thương và lòng nhân ái của ta. Trong cung cách phục vụ khiêm tốn, bác ái, nhẫn nại và từ tâm, ta sẽ làm cho Nước Chúa thu lượm được mùa gặt bội thu, và Giáo Hội có thêm nhiều người biết và tin vào đạo thánh Chúa. Qua đó, ơn cứu độ của Chúa có thể được tỏa lan khắp nơi.

Lạy Chúa, bài ca về người Tôi trung hôm nay là bài học chúng con mãi khắc ghi và quyết tâm thực hiện qua lối sống khiêm tốn, từ tâm và bác ái của chúng con. Xin Chúa cũng thắp lên cho chúng con ngọn lửa mến yêu, ngọn lửa của lòng bác ái, khiêm tốn phục vụ anh chị em, những mảnh đời bất hạnh đang cần chúng con giúp đỡ.

Tu sĩ Phaolô Nguyễn Phước Hiền, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 15 Thường Niên – Năm C
Bài tiếp theoVIDEO: Thánh Lễ Tuyên Khấn Trọn Đời, Tỉnh Dòng Ngôi Lời – Giuse Việt Nam (Ngày 14/06/2019)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây