Chúa Nhật – Ngày 08 – Tháng 7 – Năm 2018
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIV
Bài đọc 1 : Ed 2,2-5
Bài đọc 2 : 2 Cr 12,7-10
Tin Mừng : Mc 6,1-6
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người. Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.
VƯỢT QUA THÀNH KIẾN
Vinh qui thì bái tổ, đỗ trạng thì về làng. Còn nếu có ai đó “đỗ cụ” thì chắc cờ xí giăng khắp ngõ xứ nhà. Khi người ta xa quê và tạo lập được danh tiếng nhất định, ai cũng muốn về quê để trình làng, trình họ, để làm rạng danh gia tộc, để báo công trạng và để cho làng nước được thơm lây. Có lẽ khi người thành đạt về quê hương, họ không chỉ về để khoe cho mọi người thành tích của mình nhưng còn về để thăm quê và mong muốn đóng góp điều gì đó cho quê nhà.
Có thể Đức Giêsu về quê cũng mang tâm trạng của một người con xa xứ muốn đóng góp gì đó cho quê hương, cho bà con chòm xóm. Ấy thế mà sự háo hức, niềm vui được gặp gỡ đồng hương của Đức Giêsu lại bị người cùng làng mình làm cho tiêu tan. Niềm mong chờ được về thăm quê của Chúa lại biến thành sự bẽ bàng ra đi. Ý muốn làm phúc, chữa lành, giảng dạy cho dân chúng tại quê nhà của Chúa lại trở thành sự hụt hẫng.
Việc Chúa không được chào đón ở quê nhà chẳng gây thiệt hại gì cho Chúa cả nhưng nó lại ngăn cản mối lợi đến với người dân Nadarét. Vì thành kiến về Đức Giêsu mà chính người dân Nadarét đã khước từ hồng ân của Thiên Chúa. Vì hiểu biết chưa đầy đủ về Đức Giêsu mà họ coi thường Người.
Những thông tin như: “con của người này”, “anh em của người kia”, “từng làm cái nghề nọ” chỉ là những thông tin ít ỏi về một người. Chính sự thiếu thông tin khiến ta có thành kiến với ai đó, và ta dễ ngăn chặn họ đến với ta. Càng không đến gần, ta lại càng thiếu thông tin.
Lạy Chúa, xin cho con có trái tim của Chúa, biết đến với tha nhân bằng tấm lòng yêu thương chứ không phải thành kiến để con có thể đón nhận mọi người và coi họ như hồng ân Chúa gởi đến.
Tu sĩ Tađêô Đào Duy Thiện, SVD
Thứ Hai – Ngày 09 – Tháng 7 – Năm 2018
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIV
Thánh Augustinô Zhao Rong, linh mục, và các bạn, tử đạo.
Bài đọc : St 28,10-22a
Tin Mừng : Mt 9,18-26
Khi ấy, Đức Giêsu còn đang nói với các môn đệ ông Gioan, thì bỗng một vị thủ lãnh đến gần bái lạy Người và nói: “Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống.” Đức Giêsu đứng dậy đi theo ông ấy, và các môn đệ cũng đi với Người. Bỗng một người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo của Người, vì bà nghĩ bụng: “Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu!” Đức Giêsu quay lại thấy bà thì nói: “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.” Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa. Đức Giêsu đến nhà viên thủ lãnh; thấy phường kèn và đám đông xôn xao, Người nói: “Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Nhưng họ chế nhạo Người. Khi đám đông bị đuổi ra rồi, thì Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi dậy. Và tin ấy đồn ra khắp cả vùng.
NHƯ NHỮNG NGƯỜI CON
Lương y như từ mẫu. Câu nói này muốn nhắn nhủ các thầy thuốc phải mặc lấy tinh thần phục vụ, cứu chữa người bệnh như cứu chữa con cái mình. Có tình thương, người ta mới tận tình cứu giúp. Phải coi bệnh nhân là người thân, thầy thuốc mới để cái tâm mình vào việc cứu chữa.
Khi con cái đau, cha mẹ cũng đau theo. Ngoài việc chăm sóc thuốc thang, cha mẹ còn phải bên cạnh trấn an con cái. Chắc ai trong chúng ta, ít nhiều cũng có kinh nghiệm về việc ngã bệnh và được bố mẹ chăm sóc khi còn bé. Được bố mẹ chăm sóc, dù cho bệnh có nặng hay nhẹ, ta vẫn thấy yên tâm.
“Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.” Đức Giêsu đã gọi người phụ nữ bị băng huyết là “con” khi bà sờ vào tua áo của Người để được lành bệnh. Lời nói ngọt ngào của Người như là lời mà bậc cha mẹ dành cho con cái vậy. Người không chỉ chữa cho người phụ nữ kia lành bệnh thể xác nhưng còn muốn trấn an bà và cho bà biết rằng mình là con cái trong nhà bằng cách thể hiện tình thương phụ mẫu đối với bà.
“Lòng tin của con đã cứu con”. Lòng tin của con trẻ vào cha mẹ là tuyệt đối. Và tình thương mà cha mẹ dành cho con cũng vượt lên trên tất cả.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhớ mình là con cái Chúa. Chúng con có quyền làm nũng, có quyền đòi hỏi với Chúa mỗi khi chúng con bệnh tật hay mệt mỏi. Khi đó, không phải chúng con trở nên những đứa trẻ yêu sách, nhõng nhẽo nhưng là để thể hiện quyền làm con cái trong gia đình và thể hiện sự tín thác của mình vào Chúa. Và chúng con tin Chúa luôn dành cho chúng con tình thương lớn lao nhất. Amen.
Tu sĩ Tađêô Đào Duy Thiện, SVD
Thứ Ba – Ngày 10 – Tháng 7 – Năm 2018
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIV
Bài đọc : Hs 8,4-7.11-13
Tin Mừng : Mt 9,32-38
Khi ấy, người ta đem đến cho Đức Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Ítraen, chưa hề thấy thế bao giờ!” Nhưng người Pharisêu lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.” Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”
CHÂN THẬT
Khi Chúa Giêsu chữa cho người câm nói được, dân chúng xung quanh kinh ngạc và nhìn nhận điều kỳ diệu Chúa làm: “Ở Israel, chưa hề thấy thế bao giờ!” Nhưng người Pharisêu lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”
Những người bình dân ít học đã đón nhận Thiên Chúa một cách dễ dàng. Trong khi đó, những bậc tri thức, thầy dạy muôn dân lại dùng luận điệu xuyên tạc thậm chí là ác ý để hạ thấp Chúa cùng những việc Chúa làm. Những người Pharisêu thua Chúa Giêsu trong việc được lòng dân chúng. Thay vì nhìn nhận yếu kém của mình, lại bôi nhọ Chúa bằng cách nói Chúa dựa thế quỷ vương. Họ muốn làm mờ sự thật rằng họ đang thất thế.
Người Pharisêu nói Chúa dựa thế quỷ vương nhưng họ không hề có bằng chứng để xác minh lời họ nói. Trong khi những lời gian tà họ nói ra lại là bằng chứng cho thấy họ đang bị quỷ vương điều khiển.
Trong cuộc sống, đôi lúc tôi không tránh khỏi những hành động và lời nói như những người Pharisêu kia. Khi tôi không thích ai hay khi tôi thấy ai đó hơn mình, tôi không nhìn nhận thành quả của họ nhưng tìm cách làm giảm giá trị của họ xuống bằng những lời đầy ác ý. Khi đó, tôi để cho thế lực xấu thống trị mình.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết chấp nhận giới hạn của bản thân và đón nhận người xung quanh mình bằng thái độ khiêm nhường. Nếu không như vậy, chúng con dễ để cho bản thân mình bị điều khiển bởi ma quỷ. Khi đó, những giá trị chân thật bị che lấp đi và chính chúng con cũng sẽ dần chìm sâu trong sự dữ.
Tu sĩ Tađêô Đào Duy Thiện, SVD
Thứ Tư – Ngày 11 – Tháng 7 – Năm 2018
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIV
Thánh Bênêđictô, viện phụ. Lễ nhớ (Tr).
Bài đọc : Hs 10,1-3.7-8.12
Tin Mừng : Mt 10,1-7
Rồi Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Dêbêđê và ông Gioan, em của ông; ông Philípphê và ông Batôlômêô; ông Tôma và ông Mátthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; ông Simôn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Ítcariốt, là chính kẻ nộp Người. Đức Giêsu sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng: Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.
SỨ GIẢ TIN MỪNG
Thánh Mátthêu tường thuật lại việc Chúa Giêsu tìm kiếm, chọn và gọi Nhóm Mười Hai, hay còn được gọi là nhóm Tông Đồ để làm sứ giả của Ngài trong trần gian này.
Trước hết, Chúa Giêsu ban năng quyền trừ quỷ và chữa lành bệnh tật cho các sứ giả tình yêu của Ngài. Theo quan niệm của người Do Thái xưa, người ta đau ốm, bệnh tật là do bị Xatan và tội lỗi thống trị. Mà Đức Giêsu ban cho các Tông Đồ quyền trừ quỷ, nên các ông có cả quyền trừ quỷ và chữa lành bệnh tật. Họ đã được sai đi để thực thi sứ mệnh mà Chúa Giêsu giao phó.
Hơn nữa, điều gây sự chú ý đặc biệt trong đoạn Tin Mừng này là việc thánh Mátthêu ghi lại chỉ thị của Chúa Giêsu: “Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen”. Tại sao lại có sự phân biệt như vậy? Có phải Người chỉ muốn rao giảng cho dân Ítraen mà thôi? Thưa không! Sứ mạng rao giảng của Chúa khởi đi từ dân Ítraen, nhưng sứ mạng đó hướng đến tất cả mọi người, như lời Chúa Giêsu Phục Sinh căn dặn các môn đệ: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).
Là thành viên của Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, mỗi người chúng ta đều được gọi và chọn để trở thành sứ giả của Chúa, không chỉ giới hạn ở một quốc gia, dân tộc hay văn hóa nào mà sẵn sàng đi đến tất cả những nơi nào mà Bề trên sai chúng ta đến, “cho dù việc bổ nhiệm này đòi phải rời bỏ quê hương xứ sở, tiếng mẹ đẻ cũng như nền văn hóa của mình. Sự sẵn sàng này là đặc điểm chính của ơn gọi truyền giáo của chúng ta” (HP SVD, số 102).
Lạy Chúa Giêsu, truyền giáo là một lệnh truyền mà Chúa truyền lại cho chúng con. Xin cho mỗi người chúng con biết làm chứng cho Tin Mừng của Chúa giữa cuộc sống hôm nay, hầu giới thiệu Chúa đến với mọi người xung quanh.
Tu sĩ Giuse Vũ Xuân Sơn, SVD
Thứ Năm – Ngày 12 – Tháng 7 – Năm 2018
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIV
Bài đọc : Hs 11,1.3-4.5c.8ac-9
Tin Mừng : Mt 10,6-15
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy đi rao giảng rằng “Nước Trời đã gần đến”. Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Các con chớ mang vàng bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc, vì thợ thì đáng được nuôi ăn.
“Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: “Bình an cho nhà này”. Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy. Nhưng nếu ai không tiếp rước các con và không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi nhà hay thành ấy và giũ bụi chân các con lại. Thật, Thầy bảo các con: Trong ngày phán xét, đất Sôđôma và Gômôra sẽ được xét xử khoan dung hơn thành ấy”.
DẤN THÂN VÀ YÊU THƯƠNG
Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho chúng ta hình ảnh của một nhà truyền giáo với hai đặc tính quan trọng: dấn thân và yêu thương.
Trước hết, Đức Giêsu trao cho các môn đệ sứ mạng rao giảng và dặn các ông đừng mang theo hành trang cồng kềnh mà không thật sự cần thiết cho sứ vụ của người môn đệ. Như những người thợ gặt trên cánh đồng của Chúa, các môn đệ sẽ “được nuôi ăn” và như thế là đủ. Lời mời gọi của Chúa đòi hỏi người môn đệ một thái độ từ bỏ và chỉ những ai thật sự dấn thân thì mới có thể chu toàn sứ mạng được giao phó.
Tiếp đến, Chúa Giêsu còn căn dặn các môn đệ chữa lành những người đau yếu, bệnh tật. Điều này thật quan trọng không chỉ thời Đức Giêsu, mà ngay trong thời đại ngày nay, vì còn quá nhiều người đang đau khổ, bệnh tật, sống trong tội lỗi… cần đến cánh tay nối dài của chúng ta, ngõ hầu thông ban ân sủng của Thiên Chúa cho họ. Sứ mạng này cần những môn đệ biết thể hiện lòng bác ái yêu thương qua cách sống của mình.
Trước lời mời gọi của Chúa Giêsu, tôi nhận thấy mình còn quá nhiều thiếu xót, còn chểnh mảng, còn quá chú tâm đến chính mình mà quên đi vai trò và trách nhiệm của người môn đệ loan báo Tin Mừng. Lời Chúa hôm nay một lần nữa mời gọi và hối thúc tôi sửa mình để xứng đáng hơn với sứ mạng cao cả.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn sẵn sàng với sứ mạng được trao phó là làm chứng nhân cho Chúa và rao truyền ơn cứu độ của Ngài.
Tu sĩ G.B. Đinh Dương Minh Quân, SVD
Thứ Sáu – Ngày 13 – Tháng 7 – Năm 2018
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIV
Bài đọc 1 : Hs 14,2-10
Tin Mừng : Mt 10,16-23
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ítraen, thì Con Người đã đến”.
KHÔN NGOAN VÀ ĐƠN SƠ
Sống ở đời, không ai muốn mình là một người dại, lại càng không muốn người khác coi mình là một kẻ khờ. Khi sai các môn đệ đi rao giảng, Chúa Giêsu cũng căn dặn các ông “phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu”.
Vì sứ mạng Chúa trao được ví như “chiên đi vào giữa bầy sói”, nghĩa là có những rủi ro, nguy hiểm, nên người môn đệ cần phải “khôn như rắn”, nhưng đồng thời, cái khôn của người môn đệ cần đi kèm với tinh thần “đơn sơ như bồ câu”.
Rắn là loài được xem là khôn ngoan, biết cách làm sao để đạt mục đích của nó (x. St 3,1-7). Khôn như rắn để làm sao đạt được mục đích cuối cùng là Tin Mừng được rao giảng; khôn như rắn để biết dựa vào sức mạnh của Thần Khí khi cần mở miệng để làm chứng trước vua chúa quan quyền và dân ngoại (10,18-20); khôn như rắn để biết “trốn sang thành khác” thay vì đối đầu cách thiếu khôn ngoan trước những cuộc bách hại (10,23).
Bồ câu là loài hiền lành, ngây thơ và rất mực trung thành. Cần đơn sơ như bồ câu để khi gặp những bách hại, ghen ghét biết bền bỉ sống tinh thần phó thác vào một Thiên Chúa yêu thương và quan phòng vì xác tín rằng “ai bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (10,22). Đơn sơ như bồ câu là khi gặp những hoàn cảnh khó khăn biết kiên nhẫn và tin tưởng chờ đợi cho đến khi “Con Người đến” (x. 10,23), chứ không dễ dàng bỏ cuộc theo kiểu khôn ngoan loài người. Đơn sơ như bồ cầu là luôn sống tinh thần chân thật, trong sáng và trung thành trong sứ mạng loan báo Tin Mừng dù đôi khi gặp phải những trở ngại.
Lạy Chúa, xin cho con biết khôn ngoan như rắn và đơn sơ như bồ câu, để những khi gặp khó khăn, hiểm nguy, bách hại, luôn biết dựa vào sự khôn ngoan và sức mạnh của Chúa để sứ điệp Tin Mừng luôn được rao giảng cho mọi người. Amen.
Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Duy, SVD
Thứ Bảy – Ngày 14 – Tháng 7 – Năm 2018
MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XIV
Bài đọc : Is 6,1-8
Tin Mừng : Mt 10,24-33
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Môn đệ không hơn thầy, và tôi tớ không hơn chủ mình. Môn đệ được bằng thầy, tôi tớ được bằng chủ mình thì đã là khá rồi. Nếu họ đã gọi chủ nhà là Bêelgiêbul thì huống hồ là người nhà của Ngài. Vậy các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà. “Các con đừng sợ kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn. Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần. “Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời”.
CÁC CON ĐỪNG SỢ
Đứng trước những khó khăn và bắt bớ, Đức Giêsu trấn an các môn đệ và khích lệ các ông, “trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ.”
Đức Giêsu là Chúa mà còn phải chịu thách đố và bách hại, thì người theo Chúa không thể tránh được những gì đã xảy ra cho thầy mình. Vì chính khi chịu bách hại thì tông đồ mới càng trở nên giống Thầy của mình. Chúa Giêsu khích lệ để tăng thêm lòng tin và lòng mến cũng như củng cố sức mạnh và lòng nhiệt huyết cho các môn đệ của mình hầu có thể đương đầu với những khó khăn và đối diện với những bách hại trên hành trình truyền giáo.
“Các con đừng sợ kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn.” Dù có phải đối diện với sự bách hại, các tông đồ vẫn giữ được sự an tâm và can đảm. Vì Chúa đã trấn an và bảo đảm cho phần linh hồn khi phần xác đã đổ máu để làm chứng. Quả thật, khi phó thác vào sự quan phòng trong tay Thiên Chúa, người tông đồ thi hành sứ vụ bất chấp những đe dọa về tính mạng. Họ tín thác vào Chúa mà tuyệt đối dấn thân hoàn toàn cho sứ vụ loan báo Tin Mừng và làm chứng cho đức tin.
Là người tín hữu khi làm việc tông đồ bằng đời sống hy sinh phục vụ hằng ngày hoặc bằng chính việc rao giảng Tin Mừng, chúng ta có thể bị thiệt thòi và mất mát trong nhiều lãnh vực, kể cả phải đánh đổi mạng sống vì Tin Mừng. Nhưng tin tưởng vào tình yêu nơi lòng nhân ái và sự quan phòng của Thiên Chúa qua sự bảo đảm của Đức Giêsu, người tín hữu dám dấn thân cho việc vui sống Tin Mừng và làm chứng tá cho Nước Trời.
Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con luôn ý thức mình chính là môn đệ trung tín của Chúa, không lo sợ và sẵn sàng tuyên xưng danh Chúa trong mọi cơn gian nan thử thách. Xin Mẹ Maria nên gương mẫu cho cuộc đời chúng con.
Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD