Thường Niên – Tuần XII – Năm C

0
380

Chúa Nhật – Ngày 23 – Tháng 6

LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA – Lễ trọng (Tr)

Bài đọc 1 : St 14,18-20

Bài đọc 2 : 1Cr 11,23-26

Tin Mừng : Lc 9,11b-17

Khi ấy, Đức Giêsu nói với đám đông về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa. Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giêsu thưa Người rằng: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng”. Đức Giêsu bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá. Trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này.” Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một.” Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống. Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, để các ông dọn ra cho đám đông. Mọi người đều ăn và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.

CHÍNH ANH EM HÃY CHO HỌ ĂN

Tin Mừng Luca trình thuật cho chúng ta thấy một bữa tiệc “Nước Trời” nơi trần thế, một bữa tiệc do Chúa Giêsu làm chủ và các môn đệ là “những người phục vụ”.

Dân chúng cũng như các môn đệ của Chúa Giêsu đang ở một nơi hoang vu, vắng vẻ, trong tay các ông vỏn vẹn chỉ có năm cái bánh và hai con cá. Với ngần ấy còn chưa đủ cho Đức Giêsu và các ông, huống gì cho năm ngàn người đàn ông. Nhưng Chúa Giêsu đã biết công việc của mình phải làm, Người chỉ muốn các ông ý thức rằng, chính họ phải là những người đem lương thực Lời Chúa đến với muôn dân. Đó mới chính là thứ lương thực thần linh mà Người muốn nhắm tới.

Là người đang sống cuộc đời dâng hiến, bổn phận của một người tu sĩ không chỉ đến hiện diện như là một chủ chiên, nhưng còn đem Lời Chúa đến cho mọi người; đó là thứ lương thực nuôi sống của Chúa Giêsu, vì “Lương thực nuôi sống Thầy là thi hành ý muốn Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34). Hình ảnh của người chủ chiên là chứng nhân hơn thầy giảng như Đức Giáo hoàng Phaolô VI viết trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 41.

Câu nói của Chúa Giêsu: “Chính anh em hãy cho họ ăn”, một lần nữa thức tỉnh mỗi người trong chúng ta; chính chúng ta là những người ra đi và trao ban những gì chúng ta đón nhận từ Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin soi sáng và song hành cùng con trong mọi nẻo đường và sứ vụ mà con được sai đi, để con biết cộng tác với Chúa mà giới thiệu Lời Chúa như lương thực cho con người.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Khiêm, SVD

Thứ Hai – Ngày 24 – Tháng 6

SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ – Lễ trọng (Tr)

Bài đọc 1 : Is 49,1-6

Bài đọc 2 : Cv 13,22-26

Tin Mừng : Lc 1,57-66.80

Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlisabét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã rộng lòng thương xót bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không được, phải đặt tên cháu là Gioan.” Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gioan.” Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđê. Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em. Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ítraen.

SINH NHẬT & SỨ VỤ

“Nó sẽ gọi tên là Gioan.” Một cái tên được đặt đi ngược với truyền thống của người Do Thái (đặt tên con theo tên cha và họ hàng). Gioan theo Tiếng Do Thái nghĩa là “Thiên Chúa đã tỏ lòng thương, đã ban đặc ân.” Quả thực, sự khác thường này dẫn đến những khác thường của một con người dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Mừng sinh nhật không chỉ đơn giản là đánh dấu ngày chào đời, nó còn là mốc khởi đầu của một sứ vụ làm người và làm con Thiên Chúa.

Sứ vụ của Gioan là “dọn đường” với tất cả sự dấn thân và phó thác để dám đi ngược lại với lề thói xã hội, chỉ ra những khuất tất của thời thế, và chỉ ra ánh sáng cứu độ đang đến. Thật vậy, Gioan đã rất khiêm tốn, giản dị và phó thác trong cách sống và sinh hoạt (Mt 3,4); ông kêu gọi mọi người hoán cải bằng phép rửa tại sông Giođan (Mt 3,2.6); ông biết mình là ai và đến để làm gì: dọn đường (Mt 3,11), và trên hết là làm chứng cho lẽ phải và sự thật bằng cái chết của mình (Mc 6,17-29). Gioan là tiếng nói ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước vẫn đang bị bóp nghẹt trong thời thế chuyển giao của lịch sử Dân Chúa; và dần dần, muôn dân sẽ được thấy ánh sáng (Is 9,2-4.6-7). Họ sẽ nhận ra đặc ân của Thiên Chúa từ sự hy sinh của các chứng nhân trung thành.

Sinh nhật là một bước ngoặt của sứ vụ (và ơn gọi làm người) mà món quà sự sống thách đố chúng ta tiếp tục tiến bước: tìm trật tự trong hỗn loạn, tìm chân lý giữa bất công, tìm an vui trong đau khổ, “miễn là Đức Kitô được rao giảng” (Pl 1,18).

Xin Thánh Gioan Tẩy Giả chuyển cầu cho chúng con biết quý trọng và làm thăng hoa món quà sự sống bằng đời sống sứ vụ mỗi ngày.

Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD

Thứ Ba – Ngày 25 – Tháng 6

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XII

Bài đọc : St 13,2.5-18

Tin Mừng : Mt 7,6.12-14

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em. “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó. “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.”

HÃY QUA CỬA HẸP MÀ VÀO

Trong bài Tin Mừng ngày hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra những bài học rất quý giá và Ngài mời gọi chúng ta hãy học và thực hành trong cuộc sống thực tế. Ở đây, tôi xin suy niệm một trong số các bài học đó: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến sự diệt vong” (Mt 7,13).

Hình ảnh hai con đường, hai cửa rộng hẹp rất trái ngược nhau. Để đi con đường hẹp, cần phải có sự từ bỏ, khước từ những quyến rũ bất chính của cuộc sống dễ dãi, thụ hưởng để thực hiện việc tu luyện, khổ chế. Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta khi Ngài chấp nhận trải cuộc khổ nạn của thập giá để bước vào vinh quang phục sinh. Ngược lại, con đường rộng là sự hưởng thụ, tự do phóng túng, tận hưởng những đam mê trước mắt mà bỏ quên cái lợi lâu dài. Đó là con đường dẫn đến diệt vong nhưng lại có nhiều người chọn cách sống đó.

Ở đời này ai cũng muốn giàu sang và sung túc; đó không phải là điều xấu nhưng làm giàu cách bất chính hay tham lam hưởng thụ sự sung túc cách ích kỷ mà không biết chia sẻ, hay bỏ quên những người nghèo khổ, bất hạnh, thì sự sang giàu lại là nguy cơ của con đường dẫn tới diệt vong. Trái lại, những người đi con đường hẹp, con đường dẫn tới Chúa và tha nhân, là những người biết quý trọng những gì mình đang có, dù giàu sang hay nghèo hèn, và ý thức đó là những ân huệ Chúa ban để biết sống tâm tình tạ ơn, biết sẻ chia với lòng nhân ái cho những người thiếu thốn và biết quảng đại thứ tha vì Chúa và anh chị em mình.

Lạy Chúa, xin soi sáng lòng trí chúng con để chúng con có thể nhận ra đâu là con đường tốt, xấu và xin cho chúng con can đảm để dám chọn con đường hẹp vì chúng con biết rằng Chúa đang đợi chúng con ở cuối con đường đó.

Tu sĩ Phaolô A Hóa, SVD

Thứ Tư – Ngày 26 – Tháng 6

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XII

Bài đọc : St 15,1-12.17-18

Tin Mừng :  Mt 7,15-20

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.”

NGÔN SỨ

Ngôn sứ là người được sai đi để nói lời của Thiên Chúa. Chúa Kitô là vị đại ngôn sứ của Chúa Cha. Người đã đến thế gian, dùng lời nói và đời sống mà loan báo cho mọi người biết Tin Mừng Nước Trời. Cuối cùng, Người đã sống trọn vai trò của một vị ngôn sứ bằng cách chấp nhận cái chết đớn đau trên thập giá. Cũng vậy, từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta cũng được Thiên Chúa ban cho chức vụ ngôn sứ. Vậy, ta đã sống chức năng ngôn sứ đó như thế nào?

Chúng ta đang sống trong một xã hội tục hoá, một xã hội mà sự thật đang bị bóp méo và sự giả dối đang lên ngôi. Quả thật, giữa một xã hội đầy loạn lạc và dối gian, việc sống vai trò ngôn sứ quả là một thách đố lớn lao. Nó đòi hỏi ta phải can đảm nói lên sự thật và sống cho sự thật. Và để làm chứng cho sự thật, thì sự thật phải phát xuất từ lòng chân thật của chúng ta.

Tuy nhiên, nhìn lại cuộc đời của mỗi người chúng ta, đã bao lần ta không dám cất lên tiếng nói của ngôn sứ; đã bao lần vì sợ hãi mà ta đã không dám đứng về phía sự thật; đã bao lần vì cái lợi cá nhân, vì sợ bị liên luỵ mà ta đã im lặng trước sự bất công. Chưa dừng lại ở đó, lắm lúc trong cuộc sống, ta giảng rất hay, nói rất giỏi, nhưng lối sống của ta lại quá xa so với những gì ta dạy. Tất cả những điều đó, đang biến ta trở nên một ngôn sứ giả mà Chúa Giêsu đã đề cập trong đoạn Tin Mừng hôm nay: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em” (Mt 7,15). Quả vậy, nếu không biết khiêm nhường suy xét lại bản thân thì ta có thể trở thành ngôn sứ giả lúc nào không hay.

Lạy Chúa, Chúa đã gọi và chọn con làm ngôn sứ cho Chúa để làm chứng cho sự thật, xin ban cho con ơn can đảm để con dám sống và chết cho sự thật. 

Tu sĩ Antôn Hà Thừa Lực, SVD

Thứ Năm – Ngày 27 – Tháng 6

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XII

Thánh Cyrillô Alexandria, tiến sĩ Hội Thánh (Tr)

Bài đọc : St 16,1-12.15-16

Tin Mừng :  Mt 7,21-29

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa ! lạy Chúa !’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao ?’ Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ : Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!

“Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành.” […]

THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Lời Chúa không phải để nghe suông, nhưng phải đem ra thực hành. Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta như thế: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy”.

Đức tin phải đi đôi với việc làm, chỉ tin mà không hành động thì chẳng khác nào một đám mây không mưa, một nụ hoa không bao giờ nở, hay như một cái xác không hồn. Trong suốt hành trình rao giảng Nước Trời, Chúa luôn lên án những người Pharisêu và kinh sư là những kẻ đạo đức giả. Bởi họ chỉ đến với Chúa bằng môi miệng nhưng lòng họ lại xa Chúa.

Lời Chúa nói với người Do Thái năm xưa cũng chính là Lời đang nói vói chúng ta hôm nay. Quả vậy, mỗi ngày chúng ta cũng tin Chúa, nghe Lời Chúa, đón rước Mình Thánh Chúa, đọc kinh lâu giờ…nhưng nhiều khi chúng ta không thực hành Lời Chúa trong cuộc sống. Môi miệng của chúng ta vẫn rao giảng mến Chúa và yêu người, nhưng thực tế ta lại đang oán ghét, hận thù, chia rẽ và sống thiếu bác ái với nhau.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con vẫn thường được nghe câu nói: “Khoảng cách xa nhất trong đời người chính là khoảng cách từ môi miệng đến bàn tay”. Dưới ánh sáng của bài Tin Mừng hôm nay, xin Chúa giúp chúng con biết rút ngắn khoảng cách ấy lại bằng cách luôn lắng nghe và thực hành Lời Chúa mỗi ngày.

Lm. Phêrô Hán Duy Hạp, SVD

Thứ Sáu – Ngày 28 – Tháng 6

THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU – Lễ trọng (Tr)

Bài Ðọc I : Ed 34,11-16

Bài Ðọc II: Rm 5, 5-11

Tin Mừng : Lc 15, 3-7

Khi ấy, Đức Giêsu kể cho những người Pharisêu và các kinh sư dụ ngôn này: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng

hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ Vậy, tôi nói cho các ông hay: Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”

THÁNH TÂM CHÚA – NGUỒN MẠCH XÓT THƯƠNG

Khi bị thất lạc một thứ gì đó, dường như người ta thường để tâm về điều đó nhiều hơn những gì đang có nơi hiện tại. Họ muốn đi tìm và mong tìm lại được cái mà họ đã đánh mất.

Dụ ngôn con chiên lạc trong bài Tin Mừng hôm nay làm nổi bật lòng thương của người chủ chiên khi ông ưu tiên tìm con chiên lạc. Lòng trí người chủ luôn hướng về con chiên bị lạc đến nỗi ông quyết định để chín mươi chín con kia lại mà đi tìm nó về. Qua dụ ngôn con chiên lạc, Đức Giêsu muốn nói với các kinh sư và người Pharisêu về lòng thương xót vì thấy họ tỏ ra khó chịu khi Ngài thể hiện sự quan tâm đối với những người tội lỗi.

Thật vậy, Đức Giêsu không muốn mất đi một ai trong chúng ta. Ngài muốn tìm cho kỳ được khi ta lầm đường lạc hướng. Trái tim nhân hậu của Ngài không đành bỏ mặc khi ta gặp nguy hiểm. Nơi trái tim ấy đã tuôn trào lòng thương xót để con người được yêu thương và thứ tha. Ngài không muốn mất một ai nên ngày đêm Ngài vẫn đi tìm chúng ta.

Còn đối với ta thì sao? Nơi cuộc sống bon chen, công việc xô bồ dường như ta không hay biết Thiên Chúa vẫn đang đi tìm để đưa ta trở về với lòng thương xót của Ngài, qua thừa tác vụ của Hội Thánh.

Ý thức được lòng thương xót của Chúa, chúng ta cần một thái độ biết ơn và tỏ lòng biết ơn. Đức Giêsu vác con chiên trên vai là một hình ảnh sống động và trung thực nhất về Thánh Tâm dịu hiền của Ngài, Đấng xót thương đi tìm và dịu dàng đưa chúng ta về trong trái tim đầy yêu thương.

Lạy Chúa, xin cho con nhạy cảm nhận ra tình thương của Chúa dành cho con và xin cho quả tim con đừng khép lại nhưng biết thể hiện lòng quảng đại với mọi người như Chúa đã nêu gương.

Tu sĩ Giuse Hoàng Quốc Phán, SVD

Thứ Bảy – Ngày 29 – Tháng 7

THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ – Lễ trọng (Đ)

Bài đọc 1 : Cv 12,1-11

Bài đọc 2 : 2 Tm 4,6-8.16b.17-18

Tin Mừng : Mt 16,13-19

Khi ấy, Đức Giêsu đến miền Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô,

nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”

ANH THẬT LÀ NGƯỜI CÓ PHÚC

Sau khi tuyên xưng “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Phêrô đã được Chúa khen ngợi là có “phúc” và trao cho ông đặc ân quý giá là được Chúa Cha mặc khải và được làm con cái Ngài.  Đó là chuyện của Phêrô, còn chúng ta, đâu là “phúc” của chúng ta?

“Phúc” và “hoạ” là hai khía cạnh của đời sống con người. Lẽ thường, sinh ra trên đời, ai cũng cầu, cũng mong cho mình luôn gặp được chữ phúc, và tìm cách tránh xa tai hoạ. Thế nhưng, duyên nợ của một kiếp người lại luôn gắn liền với hai chữ “phúc” và “hoạ”.

Trong cuộc sống, để có được chữ phúc, nhiều khi chúng ta cứ mải mê đi tìm những thứ cao sang vì lầm tưởng rằng có chúng, ta sẽ được kể là người có phúc. Chẳng hạn như: gia đình phải sinh được một người con trai, trong họ hàng phải có người đi tu làm linh mục… Chúng ta quên mất rằng, cũng giống như Phêrô, điều tuyệt vời trước nhất mà chúng ta có được là được làm con cái Chúa và được Chúa yêu thương. Thứ đến, còn phúc nào cho bằng việc vợ chồng yêu thương nhau, con cái chăm ngoan học giỏi, biết vâng lời cha mẹ, hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”… Đó là những thứ phúc bình dị, giản đơn mà con người có thể tạo ra và trao ban cho nhau. Nếu làm được những điều đó, cuộc sống này sẽ thêm ý nghĩa và tròn đầy chữ “phúc” hơn. Và quan trọng hơn hết là chữ “phúc” do cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, hạnh phúc không nằm ở đâu xa. Nó ở ngay trong tầm tay của con. Xin cho con luôn biết Chúa là hạnh phúc của đời con và xin cho con cũng biết sống hy sinh và quảng đại để đem hạnh phúc đến cho mọi người.

Tu sĩ Antôn Pađôva Trần Khắc Phúc, SVD

Bài trướcHĐGMVN: Thư gửi Cộng đồng Dân Chúa về một số lưu ý trong đời sống đức tin
Bài tiếp theoKhóa Thường Huấn Ban Đào Tạo Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam, năm 2019

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.