Mùa Chay – Tuần III – Năm C

0
355

Chúa Nhật – Ngày 24 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN III

Bài đọc 1 : Xh 3,1-8a.13-15

Bài đọc 2 : 1 Cr 10, -6.10-12

Tin Mừng : Lc 13,1-9

Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”. […]

HÃY SÁM HỐI

Nhân hai sự kiện xảy ra thời đó, thay vì lên án những nạn nhân, Chúa Giêsu lại nói đến sự cần thiết phải sám hối.

Theo quan niệm của người Do Thái, những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết và mười tám người bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, là những người tội lỗi. Khi nghe đến hai biến cố này, Đức Giêsu

nói cho họ biết rằng những nạn nhân đó không nhất thiết có tội mà phải chết. Nếu như vì tội lỗi mà họ bị chết, chẳng lẽ những người còn sống ở Galilê hay ở thành Giêrusalem đều là những người công chính hay sao! Đức Giêsu nói cho họ biết “không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y hệt như vậy”. Đối với Đức Giêsu, điều cần thiết là phải sám hối. Những người còn sống là còn có cơ hội mà Thiên Chúa dành cho họ để kịp sám hối.

Khi nhìn vào thế giới hôm nay, chúng ta thấy còn rất nhiều nơi chiến tranh vẫn đang xảy ra; những thường dân vô tội bị giết chết, cuộc sống bị đảo lộn và nhiều người phải chạy qua những quốc gia khác xin tị nạn. Những cuộc khủng bố đẫm máu hay những cuộc xả súng vô lương tâm đã và đang giết chết hay làm bị thương nhiều người vô tội. Hay hằng năm chúng ta thấy hàng trăm người bị giết chết do lũ lụt, động đất, sóng thần. Đứng trước những dấu chỉ đó, Thiên Chúa muốn nói gì với chúng ta? Phải chăng Ngài đang cho chúng ta cơ hội để thay đổi và chờ đợi chúng ta sám hối?

Lạy Chúa, trong Mùa Chay thánh này xin cho mỗi người chúng con nhận ra thánh ý của Ngài qua các biến cố trong cuộc sống để nhận ra tình yêu quan phòng của Ngài và mau mắn sám hối trở về với Ngài.

Lm. Gioan Trần Nam Phong, SVD

Thứ Hai – Ngày 25 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN III

LỄ TRUYỀN TIN.

Lễ Trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Tr).

Bài đọc 1 : Is 7,10-14

Bài đọc 2 : Hr 10,4-10

Tin Mừng : Lc 1,26-38

[…] Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

XIN VÂNG

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại biến cố truyền tin cho Đức Maria. Để thực hiện kế hoạch nhập thể cứu độ, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Con của Người một người mẹ là Đức Maria. Nhưng kế hoạch ấy chỉ bắt đầu thành hiện thực khi Đức Maria thưa “xin vâng” với sứ thần Gabrien. Với tự do của mình, hẳn Đức Maria có quyền từ chối lời mời gọi cộng tác với Thiên Chúa, nhưng Mẹ đã chọn lựa vâng theo thánh ý của Thiên Chúa để thế gian nhận được ơn cứu độ.

Trong cuộc sống này, tôi tin rằng Thiên Chúa vẫn không ngừng yêu thương và muốn cứu chúng ta khỏi tình trạng tội lỗi. Tuy nhiên ơn đó có thành toàn hay không còn phụ thuộc vào sự đáp trả của mỗi người chúng ta. Thánh Augustinô đã nói rằng: “Khi tạo dựng nên con người Chúa không cần hỏi ý kiến họ, nhưng khi cứu chuộc con người, Ngài cần sự đồng ý của họ.”  Đó là mầu nhiệm truyền tin với mỗi chúng ta trong thế giới hôm nay. Thiên Chúa cũng đang mời gọi chúng ta cùng cộng tác với Ngài trong chương trình cứu độ bằng gương sáng, bằng những việc làm của mỗi người và bằng đời sống chứng tá, chúng ta giới thiệu khuôn mặt yêu thương của Chúa cho anh chị em của mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn can đảm đáp lời “xin vâng” như Mẹ Maria trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Xin cho chúng con được trở nên những khí cụ trong tay Chúa, không phải là những khí cụ vĩ đại, nhưng là những khí cụ đơn sơ để thực hiện kế hoạch cứu độ vĩ đại theo thánh ý Chúa.

Tu sĩ Giuse Vũ Xuân Sơn, SVD

Thứ Ba – Ngày 26 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN III

Bài đọc : Đn 3,25.34-43

Tin Mừng : Mt 18,21-35

Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu  mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ […]

SỰ THA THỨ

Sống trong một cộng đoàn, một tập thể hay một xã hội nào đi chăng nữa, sự va chạm và mâu thuẫn là điều không thể tránh được. Vì mỗi người mỗi tính cách khác nhau, chắc chắn sẽ gây ra những điều phiền toái và phật lòng nhau. Dù vô tình hay hữu ý, chúng ta có thể trở thành gánh nặng cho nhau, nhưng chính nhờ sự tha thứ, chúng ta đem lại cho nhau sự bình an và hiệp nhất trong đời sống.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải biết yêu thương và tha thứ cho nhau; tha thứ không phải bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy. Trong tương giao với mọi người, chúng ta vừa là người bị xúc phạm, vừa là người xúc phạm đến người khác. Vì vậy, Chúa dạy chúng ta phải biết tha thứ cho người khác khi họ xúc phạm đến ta; cũng vậy, khi chúng ta xúc phạm đến người khác, chúng ta cũng cần sự tha thứ của họ.

Con người học biết tha thứ khi có kinh nghiệm được thứ tha. Sự tha thứ thật sự mà con người học được là từ Thiên Chúa, Đấng hằng thứ tha mỗi khi con người biết sám hối. Con người chỉ có thể tha thứ cho nhau khi cảm nhận tình thương yêu và tha thứ vô bờ bến đến từ Thiên Chúa; Ngài đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta không giới hạn như thế nào thì chúng ta cũng phải làm như thế với anh em của mình.

Thực tế cuộc sống cho chúng ta biết rằng đón nhận sự tha thứ thì dễ nhưng thực hành thứ tha là một thách đố. Nhiều lần chúng ta dễ dàng đón nhận sự tha thứ của Chúa và của người khác, nhưng lại không sẵn sàng tha thứ cho anh chị em mình.

Lạy Chúa, cuộc sống của chúng con đong đầy tình thương tha thứ của Chúa, xin cho chúng con luôn biết học theo mẫu gương của Chúa để biết yêu thương và tha thứ cho anh chị em mình.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Trung Tâm, SVD

Thứ Tư – Ngày 27 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN III

Bài đọc : Đnl 4,1.5-9

Tin Mừng : Mt 5,17-19

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.”

KIỆN TOÀN

Bài Tin Mừng hôm nay nói về thái độ của Đức Giêsu đối với Lề Luật: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê và lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” Kiện toàn ở đây được hiểu theo nghĩa nào?

Bộ Luật thánh thiện của Thiên Chúa ban cho dân qua trung gian là ông Môsê. Theo thời gian, các kinh sư và những người Pharisêu đã biến luật thành gánh nặng cho dân mà chính họ cũng không mang vác nổi (x. Mt 23,4). Vì thế, người ta mong mỏi Đức Giêsu đến như một người cải cách tôn giáo để thay đổi Lề Luật. Nhưng Đức Giêsu khẳng định Người đến không phải để hủy bỏ Luật, nghĩa là Người không hủy bỏ quá khứ, vì thời Cựu Ước cũng là một chặng đường trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Trong chặng đường ấy, “Luật Môsê và lời các ngôn sứ” là kim chỉ nam giúp dân đi đúng đường lối Chúa và hướng niềm hy vọng về Đấng cứu độ sẽ xuất hiện. Khi Đức Giêsu đến, tất cả những lời đã tiên báo trong Sách Thánh liên quan đến bản thân Người đã được kiện toàn. Như thế, Đức Giêsu là trung tâm và cùng đích của Kinh Thánh; Người cũng chính là Luật Mới. Theo nghĩa đó, Đức Giêsu không hủy bỏ Luật Môsê nhưng kiện toàn Luật ấy bằng cách mặc cho chúng một tinh thần mới: Luật như cái ách yêu thương chứ không phải là cái gì cứng nhắc, bó buộc và cản trở sự sống con người. Ai yêu thương thì đã chu toàn những gì Luật dạy (x. Rm 13,10).

Luật lệ và những quy tắc trong cộng đồng đôi khi làm chúng ta khó chịu, nhưng chúng lại có những giá trị nhất định. Chúng ta đừng dùng luật để bắt chẹt nhau nhưng hãy mặc cho luật một tinh thần mới: tinh thần vì yêu thương, vì sự sống con người.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Luật Mới: luật yêu thương và tôn trọng sự sống, xin cho con cũng biết kiện toàn đời mình trong tình yêu.

Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Tuấn Thể, SVD

Thứ Năm – Ngày 28 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN III

Bài đọc : Gr 7,23-28

Tin Mừng : Lc 11,14-23

Bấy giờ Đức Giêsu trừ một tên quỷ, và nó là quỷ câm. Khi quỷ xuất rồi, thì người câm nói được. Đám đông lấy làm ngạc nhiên. Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bêendêbun mà trừ quỷ.” […] Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia. Nếu Xatan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được? … bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bêendêbun mà trừ quỷ. Nếu tôi dựa thế Bêendêbun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông. Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được. “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.”

QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA

Chúng ta còn nhớ một biết cố lịch sử về sự sụp đổ của một cường quốc xã hội chủ nghĩa hùng mạnh nhất thế giới. Thể chế độc tài xã hội chủ nghĩa Liên Xô bị sụp đổ không phải bởi thế lực bên ngoài, nhưng là chính từ trong nội bộ gây chia rẽ. Cuộc nội chiến của Liên Xô năm 1991, bị chính các thế lực trong nội bộ thể chế này đứng lên đảo chánh. Ngày 25/12, Mikhail Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng thống Liên Xô. Vào tối hôm đó, lá cờ Xô viết tại Kremlin bị kéo xuống và thay bằng quốc kỳ Nga. Tất cả các thể chế Liên Xô ngừng vận hành vào cuối tháng 12/1991.

Khi chứng kiến Chúa làm phép lạ, một số người đố kỵ cho rằng Ngài dựa thế quỷ vương Bêendêbun mà trừ quỷ. Qua đó, Chúa giải thích rất thực tế rằng: quỷ không dại để tự chia rẽ. Quỷ không trừ quỷ, vì như vậy nước nó sẽ bị tiêu diệt. Đồng thời, Chúa mạc khải rõ cho chúng ta thấy rằng, phép lạ chữa lành đến từ lòng thương xót và quyền năng của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu.

Bằng những hình thức khác nhau, ma quỷ vẫn tiếp tục hoạt động trong thế giới này. Chúng không dại dột chia rẽ, nhưng quỷ quyệt đánh lừa con người bằng những âm mưu thâm độc. Con người không thể chiến thắng ma quỷ nếu không dựa vào quyền năng của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho cộng đoàn chúng con luôn hiệp nhất trong đức tin, đức cậy và đức mến, dưới sự che chở quan phòng của quyền năng Chúa, để không sức mạnh nào của ma quỷ có thể chiến thắng chúng con.

Tu sĩ Phaolô Nguyễn Hữu Thiện, SVD

Thứ Sáu – Ngày 29 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN III

Bài đọc : Hs 14,2-10

Tin Mừng : Mc 12,28b-34

Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giêsu và những người thuộc nhóm Xađốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giêsu đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu ?” Đức Giêsu trả lời: Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” Ông kinh sư nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” Đức Giêsu thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo : “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

MẾN CHÚA VÀ YÊU NGƯỜI

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác định cho chúng ta điều quan trọng nhất trong đời sống Kitô hữu, đó là mến Chúa và yêu người.

Nhìn thoáng qua, xem ra không quá khó để “mến Chúa và yêu người”, nhưng khi suy xét cách thấu đáo thì giới răn ấy quả là thử thách thật sự cho mỗi người. Vì nó liên hệ đến thực tế cuộc sống mà chúng ta phải thực hiện một cách liên lỉ.

Điều răn thứ nhất đòi hỏi ta phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực nghĩa là yêu mến cách triệt để, đến nỗi từ bỏ chính cái tôi và mọi ý riêng để chỉ làm theo điều Chúa muốn. Đây quả là thách đố cho người Kitô hữu, vì những gì thuộc về Thiên Chúa thì thường nghịch lại với suy nghĩ và ước muốn thông thường của con người. Với phận người yếu đuối, chúng ta lại dễ dàng chiều theo cái tôi và sẵn sàng biện hộ cho ý riêng của mình.

Yêu người thân cận ở đây không chỉ dừng lại ở những mối tương quan thân thiết, nhưng phải mở rộng ra với tất cả mọi người, ngay cả khi họ là kẻ thù. Luật đòi ta phải yêu tất cả họ như yêu chính bản thân mình. Quả thật, yêu người thân cận như yêu bản thân là một thách đố rất lớn. Chỉ khi ta cảm nhận được tình yêu vô điều kiện mà Thiên Chúa dành cho ta khi ban chính Con Một để ta được sống viên mãn, thì ta mới biết đáp đền tình Chúa và tình người sao cho xứng hợp.    

Lạy Chúa, xin ban ơn Thánh Thần trợ lực, giúp chúng con vượt qua những giới hạn của phận người để biết mến Chúa và yêu người.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Thìn, SVD

Thứ Bảy – Ngày 30 – Tháng 3

MÙA CHAY – TUẦN III

Bài đọc : Hs 6,1-6

Tin Mừng : Lc 18,9-14

Khi ấy, Đức Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: trộm cắp, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không”. […]

TRỞ NÊN CÔNG CHÍNH

“Ơn công chính” trước mặt Thiên Chúa, tự thân không ai có thể đạt tới nếu không được Thiên Chúa ban cho, bởi lẽ, phận người vốn bất toàn và khiếm khuyết, thiếu trung tín và đầy tội lỗi.

Quan sát trong phân đoạn Lời Chúa hôm nay, chúng ta bắt gặp hai con người mang trong mình hai thái độ và hai tâm tình hoàn toàn khác nhau nhưng cùng chung một hành động là đều lên đền thờ để cầu nguyện. Thái độ của người Pharisiêu kiêu hãnh và tự phụ cho mình là công chính và khinh chê người khác. Ông ta đến với Chúa với sự tự tin và đắc thắng bằng một tư thế đứng thẳng để nói với Chúa về những thành tích của mình. Ông ta ngỡ rằng những thành tựu nhân đức mà ông ta kể ra sẽ được Thiên Chúa khen thưởng và chứng thực cho ông là người công chính. Thế nhưng, lời phán quyết của Thiên Chúa hoàn toàn đi ngược lại lối suy nghĩ của ông ta.

Khác hẳn với thái độ của người Pharisêu, người thu thuế mặc trong mình một thái độ chân thành và khiêm hạ thực sự. Ông nhận ra mình là kẻ tội lỗi và không dám đến gần Chúa, cũng chẳng dám ngước mặt lên trời để cầu nguyện, mà chỉ đứng xa xa với động thái “đấm ngực” thầm thì nguyện cầu: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13a). Với tâm tình sám hối chân thành và một thái độ khiêm hạ thẳm sâu, người thu thuế được Thiên Chúa nhậm lời và ban thưởng ơn công chính cho anh ta.

Nhìn lại chính bản thân mình, rất nhiều lần trong đời sống, tôi cũng mặc trong mình thái độ tự phụ và vênh váo như người Pharisêu vậy. Cứ ngỡ là mình chu toàn mọi việc bổn phận thiêng liêng, giữ kỹ những giới răn và giáo huấn Chúa dạy là mình đã được trở nên công chính và thánh thiện hơn người khác rồi. Đó là một sự ngộ nhận nguy hiểm vì ơn công chính không tự thân mà có mà là ân ban nhưng không từ Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con luôn có một tấm lòng chân thành và thái độ khiêm hạ khi diện kiến nhan Chúa và khi cầu nguyện.

Lm. Antôn P. Nguyễn Phi Tiến, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 3 Mùa Chay – Năm C
Bài tiếp theoĐTC sẽ ký và công bố Tông Huấn về giới trẻ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây