Mùa Giáng Sinh – Tuần II

0
373

CHÚA NHẬT NGÀY 1 THÁNG 1

CHÚA NHẬT CUỐI TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

THÁNH MARIA, MẸ THIÊN CHÚA – Lễ trọng (Tr)

Bài đọc 1 : Ds 6,22-27

Bài đọc 2 : Gl 4,4-7

Tin Mừng : Lc 2,16-21

Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bêlem. Họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ. Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

NOI GƯƠNG ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Thìn, SVD

Hôm nay, ngày đầu tiên của Năm Mới Dương lịch, Giáo Hội mừng kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Qua Mẹ, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mỗi người trong thế giới ngày nay.

Thế giới hôm nay đầy dẫy những bất công, bạo lực, hận thù… Chỉ vì một chút lợi lộc hay một chút xung đột mà người ta sẵn sàng chà đạp và loại trừ lẫn nhau. Điều đó cho thấy xã hội đang vắng bóng tình thương, thiếu chiều sâu nội tâm… Đức Maria trong bài Tin Mừng hôm nay là mẫu gương cho mỗi người chúng ta. Từ sau biến cố truyền tin cho đến khi sinh hạ Hài Nhi, Mẹ đã phải đối diện và trải qua biết bao khó khăn và khổ cực, nhưng Mẹ đã không một lời phàn nàn hay phản ứng. Mẹ đã đón nhận tất cả với một trái tim rộng mở và một tấm lòng biết suy đi nghĩ lại, để một lòng tin tưởng và sống theo lời mời gọi của Chúa.

Noi gương Mẹ, mỗi người chúng ta cũng phải biết mở rộng trái tim, đón nhận mọi người và biết suy đi nghĩ lại trước mọi biến cố của cuộc sống. Qua đó, chúng ta nhận ra đâu là thánh ý Chúa, để có hành vi và thái độ ứng xử phù hợp và mang đầy tình yêu thương, đặc biệt là trong Năm Mới này. Có như vậy chúng ta mới góp phần sưởi ấm lòng người và làm cho cuộc sống thêm tốt đẹp hơn.

Lạy Chúa, con xin phó thác mọi biến cố trong cuộc đời con vào tay Chúa, vì con tin Chúa luôn đồng hành và hướng dẫn con.   

THỨ HAI, NGÀY 2 THÁNG 1

MÙA GIÁNG SINH – TUẦN II

Thánh Basiliô Cả và Grêgôriô, giám mục, tiến sĩ Hội thánh – Lễ nhớ (Tr)

Bài đọc : 1 Ga 2,22-28

Tin Mừng : Ga 1,19-28

… Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói. Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ?” Ông Gioan trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa.

KHIÊM TỐN ĐỂ NHẬN RA CHÚA

Tu sĩ Phanxicô X. Nguyễn Du Trí. SVD

Khi cuộc chất vấn của những người được sai đến từ Giêrusalem dành cho ông Gioan về tư cách làm phép rửa của ông, Đức Giêsu vẫn chưa bắt đầu sứ vụ công khai. Điều đáng ngạc nhiên là ông Gioan không trả lời trực tiếp họ rằng Đấng Kitô đang ở giữa họ mà chỉ nói: “…có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26). Phải chăng ông muốn họ tự đi và khám phá về Đấng ấy?

Hẳn là khi những người Do Thái ở Giêrusalem phái các sứ giả đi tìm hiểu sự việc ông Gioan làm phép rửa, họ rất muốn có được thông tin về Đấng Kitô mà bấy lâu họ và toàn dân vẫn trông đợi. Chỉ tiếc là họ đã không nhận ra Ngài khi Ngài đến rao giảng và làm phép lạ trong khắp đất nước mình, thậm chí họ đã kết án và đóng đinh Ngài. Câu hỏi đặt ra là tại sao một dân tộc thông minh ưu tuyển, nhất là những nhà lãnh đạo Do Thái được xem là xuất sắc, lại không nhận ra Đấng Kitô hiện diện giữa họ, trong khi phần lớn những người tin nhận Ngài lại là những người bình dân và bé mọn?

Trong đời sống hàng ngày, đôi khi chúng ta quá thành kiến để không nhận ra và tôn trọng điều tốt đẹp nơi những người chúng ta sống với. Hẳn là ai cũng có những khuyết điểm nhưng ngược lại ai cũng có điều tốt điều đẹp Chúa ban. Và đôi khi chúng ta quá đam mê sự đời đến độ không nhận ra Chúa hiện diện âm thầm trong cuộc đời mình để lắng nghe và học tập nơi Ngài. Nhiều khi chúng ta trách than sự đời nhưng lại không cho Chúa một cơ hội để an ủi, để chỉ bảo, và trợ lực chúng ta. Lắm khi chúng ta quá ba phải và an phận để không đọc thấy dấu chỉ thời đại, để tiến bước trên đường Chúa muốn, để hành động theo cách Chúa dạy, để đưa con người thời nay về với Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết tìm gặp Ngài trong thinh lặng và cầu nguyện, biết khiêm nhường để tìm gặp Ngài trong anh em và trong các dấu chỉ thời đại.

THỨ BA, NGÀY 3 THÁNG 1

MÙA GIÁNG SINH – TUẦN II

Danh Thánh Chúa Giêsu (Tr)

Bài đọc : Ga 2,29-3,6

Tin Mừng : Ga 1,29-34

Hôm sau, khi ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ítraen, tôi đến làm phép rửa trong nước.” Ông Gioan còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”

PHỤC VỤ TRONG YÊU THƯƠNG

Tu sĩ Giuse Lê Văn Tuấn, SVD

Mỗi lần tham dự Thánh Lễ, chúng ta đều được nghe lời của thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu về Con Chiên của Thiên Chúa (Ga 1,29). Đó là hình ảnh Con Chiên Vượt Qua trong Cựu Ước và cũng là Tấm Bánh Trường Sinh trong Tân Ước.

Đức Giêsu chính là Đấng đến để giải thoát nhân loại khỏi tội và ban cho nhân loại sự sống đời đời. Nhờ Người mà nhân loại được gặp gỡ, giao hòa cùng Thiên Chúa. Thánh Bônaventura nói rằng: Chúa Giêsu là đường đưa ta đến cùng Chúa Cha, thì Ngài cũng là đường để Chúa Cha đến với ta.

Chiều thứ Sáu hằng tuần, tôi đến bệnh viện Ung Bứu để cho bệnh nhân rước lễ. Phần lớn những người trong số họ đều đã hết hy vọng được khỏi bệnh. Họ xin lãnh nhận Mình Thánh Chúa không phải là để được lành bệnh về thể lý nhưng họ muốn được giao hòa cùng Thiên Chúa, được bình an trong tâm hồn và họ đặt niềm trông cậy vào Đấng sẽ ban cho họ sự sống mai sau. Đức tin đã cho họ biết, tấm bánh nhỏ bé mà họ sắp lãnh nhận là Mình, là Múa và là chính Đức Giêsu, Đấng ban sự sống. Khi đã lãnh nhận, họ tin rằng Thiên Chúa đang hiện diện và đồng hành với họ trong những đau khổ về thể xác mà họ đang phải chịu đựng. Tôi cảm thấy có chút gì đó xúc động và vui tươi khi chính tôi là người đang mang Chúa đến với họ. Tôi tin rằng, Mình Thánh là chính Đức Kitô ngự nơi tâm hồn sẽ thánh hóa và nâng đỡ họ.

Lạy Chúa Giêsu! Xin cho con biết noi gương thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa là Con Chiên xóa tội trần gian cho mọi người. Xin giúp con biết dâng lên Chúa những công việc bé nhỏ của con để tìm mưu ích cho tha nhân và cho các linh hồn.

THỨ TƯ, NGÀY 4 THÁNG 1

MÙA GIÁNG SINH – TUẦN II

Bài đọc : 1 Ga 3,7-10

Tin Mừng : Ga 1,35-42

Khi ấy, ông Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Rápbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười. Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simôn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simôn và nói: “Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (tức là Phêrô).

HÀNH TRÌNH GẶP CHÚA

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Quốc Hưng, SVD

Người ta thường nói “vô tri bất mộ”, không biết thì không yêu mến, nhưng “vô mộ bất tri” – không yêu mến thì không có sự hiểu biết. Khám phá Đức Giêsu, không phải ngày một ngày hai, nhưng là một quá trình đầy kiên nhẫn. Quả đúng với trường hợp hai môn đệ trong Tin Mừng Gioan hôm nay.

Nghe thầy mình là Gioan Tẩy Giả giới thiệu về Đức Giêsu: Đây là Chiên Thiên Chúa (Ga 1,36), hai ông Gioan và Anrê đã đi theo Người. Lời giới thiệu gợi mở cho một khao khát tìm kiếm Thiên Chúa bấy lâu nay cất giấu trong lòng của các ông và các ông đã gặp được Người. Không dừng lại ở việc biết Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”, các ông muốn dấn thân thêm một bước nữa, một sự đột phá trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc vĩnh cửu của mình khi đáp lại lời mời: Đến mà xem (Ga 1,39). Và không chỉ xem, các ông còn ở lại với Đức Giêsu hôm đó.

“Đến mà xem”, nghĩa là ở lại với Đức Giêsu, là sống với Chúa, là giai đoạn quan trọng để quyết định yêu mến hay ghét bỏ. Khi đã khám phá ra rằng Đức Giêsu đích thực là Đấng Mêsia, là Chiên Thiên Chúa, họ càng yêu mến, càng nhận ra chọn lựa của mình là đúng đắn và càng gắn bó với Ngài. Họ càng biết càng yêu mến hơn. Và khi biết rồi, họ muốn chia sẻ niềm vui này, bằng cách giới thiệu với người khác điều mình đã khao khát kiếm tìm, đã gặp, đã sống, để rồi thúc đẩy người khác đến với Đức Giêsu. Ước gì đây cũng là kinh nghiệm sống trong hành trình thiêng liêng và tìm kiếm Nước Trời của mỗi người.

Lạy Chúa, xin cho con biết khao khát kiếm tìm – gặp – sống – và chia sẻ niềm hạnh phúc với tha nhân khi đã gặp được Đức Kitô trong cuộc sống.

THỨ NĂM, NGÀY 5 THÁNG 1

MÙA GIÁNG SINH – TUẦN II

Thứ Năm đầu tháng

Bài đọc : 1 Ga 3,11-21

Tin Mừng : Ga 1,43-51

…Ông Nathanaen liền bảo: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Philípphê trả lời: “Cứ đến mà xem!” Đức Giêsu thấy ông Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ítraen, lòng dạ không có gì gian dối.” Ông Nathanaen hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giêsu trả lời: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Ông Nathanaen nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ítraen!” Đức Giêsu đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.”…

ĐẾN – XEM – TUYÊN XƯNG

Tu sĩ Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD

Đọc, so sánh và đối chiếu bài Tin Mừng hôm nay với các trình thuật khác về việc kêu gọi các môn đệ, tôi nhận ra một điều khá thú vị, đó là một sợi chỉ chung trong việc Đức Giêsu mời gọi các môn đệ đi theo mình. Vậy sợi chỉ chung đó là gì? Nó giúp gì cho tôi trong việc tìm ra được vinh quang của Thiên Chúa trong Tin Mừng Thứ Tư hay không?

Trong bài Tin Mừng hôm nay, ông Nathanaen được ông Philiphê mời gọi để đến – xem. Các ông Anrê, Nathanaen hay bất kỳ môn đệ nào khác cũng đều trải qua hành trình đó. Để rồi chính việc đến – xem đã giúp các ông khám phá ra điều mà các ông đang khao khát kiếm tìm, dù nhìn bề ngoài Đức Giêsu mang dáng vẻ khá bình thường, nếu không muốn nói theo kiểu ông Nathanaen: “Từ Nadarét có thể có cái gì hay được” (Ga 1,46)? Tuy nhiên, chính trong dáng vẻ ấy mà ông Nathanaen đã khám phá ra được vinh quang Thiên Chúa. Việc khám phá ra vinh quang là tột đỉnh của việc đến – xem. Và vinh quang đó cũng là sự đúc kết tất cả những gì các ông đã cảm nhận được qua việc đến – xem để rồi chính các ông phải tuyên xưng. Dù rằng, cấp độ tuyên xưng có khác nhau nhưng đó là tất cả những gì các ông đã cảm nhận về Đức Giêsu. Việc nhận ra Đức Giêsu không dựa vào thời gian trước sau, dài ngắn nhưng nó nhờ vào chiều kích riêng tư của mỗi người. Nếu xét về thời gian thì ông Anrê là người đầu tiên đến – xem chỗ Người ở nhưng ông chỉ dừng lại ở việc tuyên xưng Người là Đấng Mêsia, giống như bao người dân khác. Còn nếu xét về chiều kích sâu xa thì lời tuyên xưng của ông Nathanaen được coi như là lời tuyên xưng đầy đủ nhất, gói trọn những gì mà tác giả muốn trình bày về Đức Giêsu (Ga 1,49).

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra được vinh quang thực sự của Ngài sau khi đã được đến – xem. Xin cho vinh quang ấy luôn đồng hành với chúng con trong mọi biến cố của cuộc đời để chúng con có thể hưởng vinh phúc cùng với các môn đệ của Ngài.

THỨ SÁU, NGÀY 6 THÁNG 1

MÙA GIÁNG SINH – TUẦN II

Thứ Sáu đầu tháng

Bài đọc : 1 Ga 5,5-13

Tin Mừng : Mc 1,7-11

Khi ấy ông Gioan rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.” Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nadarét miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”

TIN MỪNG LÒNG THƯƠNG XÓT

Tu sĩ Gioan Trần Nam Phong, SVD

Sau thời gian sống ẩn dật nơi làng quê Nazarét khoảng gần 30 năm, Đức Giêsu đã bắt đầu sứ vụ cứu chuộc nhân loại bằng việc đến và lãnh nhận phép thanh tẩy của ông Gioan Tẩy Giả tại sông Giođan thuộc miền Galilê.

Việc Đức Giêsu đến với ông Gioan Tẩy Giả để lãnh nhận phép thanh tẩy đã làm cho ông Gioan hết sức ngạc nhiên. Ông ngạc nhiên vì ông nhận thức rõ Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” là “Đấng Emmanuel” và Ngài là “Con Thiên Chúa”, “Đấng quyền thế” hơn ông. Chính vì vậy, Đức Giêsu không cần lãnh nhận phép thanh tẩy của ông, một hình thức sám hối, dù Ngài là người thật, giống với mọi người trong mọi sự nhưng ngoại trừ tội lỗi. Đức Giêsu có quyền không lãnh nhận phép thanh tẩy của ông Gioan

nhưng Ngài lại hành động theo cách khác là đến với ông Gioan và xin được lãnh nhận. Quyết định này của Đức Giêsu

có nghĩa rằng Ngài đã sẵn sàng bắt đầu đời sống sứ vụ của mình bằng cách hòa mình vào với nhân loại, những tội nhân đang chờ Ngài cứu thoát. Số đông những người đến với ông Gioan đã ý thức mình là tội nhân theo như lời mời gọi của ông: “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”, sẵn sàng mở tâm hồn ra đón nhận Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Đức Giêsu hiện diện cách sống động nơi những tội nhân có lòng sám hối và đặc biệt hơn nữa Ngài cũng đã cùng với các tội nhân được dìm mình dưới dòng sông Giođan.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn nhận thức con người tội lỗi của chúng con và biết đặt niềm hy vọng vào tình thương và sự tha thứ của Ngài.

 THỨ BẢY, NGÀY 7 THÁNG 1

MÙA GIÁNG SINH – TUẦN II

Thánh Raimunđô Penyaford, linh mục (Tr)

Thứ Bảy đầu tháng

Bài đọc : 1 Ga 5,14-21

Tin Mừng : Ga 2,1-11

Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” Đức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người

Dothái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giêsu bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu…

RƯỢU MỚI THIÊN CHÚA BAN

Tu sĩ Antôn P. Nguyễn Tất Bính, SVD

Có thể nói rằng, trình thuật tiệc cưới Cana là một trong những trang đẹp nhất của Tin Mừng Gioan. Trình thuật này nói về dấu lạ đầu tiên được Chúa Giêsu thực hiện. Thông qua dấu lạ này, một thông điệp mới được gửi tới đó là Đức Giêsu thiết lập giao ước mới trên tình yêu.

Tác giả đã dùng một sự kiện xảy ra bình thường trong cuộc sống là đám cưới để trình bày một thông điệp sâu xa. Đám cưới là biểu hiện của giao ước, trong đó Chúa như chàng rể và dân Chúa chính là cô dâu. Trong đám cưới, rượu là yếu tố không thể thiếu vì rượu là dấu hiệu của niềm vui, là biểu tượng của tình yêu. Ở đây có thể hiểu rượu được nói đến như biểu tượng của Tình Yêu Thiên Chúa với dân của Người, như chú rể với cô dâu và như cô dâu với chú rể. Bây giờ chuyện đó hết rồi: “họ hết rượu rồi”. Thiếu rượu là cạn kiệt tình yêu. Vì thế, thân mẫu Đức Giêsu đã can thiệp. Tại sao thân mẫu Đức Giêsu không trình bày với ông quản tiệc mà lại trình bày với con mình, một vị khách mời? Bởi vì Bà biết chỉ có Đức Giêsu mới đem lại giải pháp cho tình cảnh. Giải pháp này không phải cho đôi tân hôn mà cho cả một thiết chế đã cạn kiệt tình yêu với Thiên Chúa. Chúa Giêsu không khôi phục thiết chế cũ được thiết lập trên lề luật ấy nữa. Ngài thiết lập một giao ước mới trên tình yêu. Rượu mới là tình yêu trong giao ước mới. Rượu mới là Tình Yêu Thiên Chúa ban.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tình yêu của Ngài, và cho chúng con biết đem tình yêu ấy đến cho mọi người.

Bài trướcVideo Nhìn lại những chuyến tông du trong năm 2016 của Đức Thánh Cha Phanxicô
Bài tiếp theoThánh lễ Tạ ơn Tân Linh mục SVD tại Cộng đoàn Học viện Ngôi Lời

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.