Lời Chúa + Bài giảng Lễ Giáng Sinh – Lễ Ban Ngày

0
1405

LỄ GIÁNG SINH – LỄ BAN NGÀY

Bài Ðọc I: Is 52, 7-10

“Khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðẹp thay chân người rao tin trên núi, người rao tin thái bình, người rao tin mừng, người rao tin cứu độ, nói với Sion rằng: Thiên Chúa ngươi sẽ thống trị!

Tiếng của người canh gác của ngươi đã cất lên. Họ sẽ cùng nhau ca ngợi rằng: Chính mắt họ sẽ nhìn xem, khi Chúa đem Sion trở về. Hỡi Giêrusalem hoang tàn, hãy vui mừng, hãy cùng nhau ca ngợi! Vì Chúa đã an ủi dân Người, đã cứu chuộc Giêru-salem. Chúa đã chuẩn bị ra tay thánh thiện Người trước mặt chư dân; và khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn xem ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4. 5-6

Ðáp: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta (c. 3c).

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. – Ðáp.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. – Ðáp.

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca! – Ðáp.

4) Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với cây đàn cầm với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 1, 1-6

“Chúa đã phán dạy chúng ta qua người Con”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ. Nguyên vốn là phản ảnh sự vinh quang và là hình tượng bản thể Ngài, Người Con đó nâng giữ vạn vật bằng lời quyền năng của mình, quét sạch tội lỗi chúng ta, và ngự bên hữu Ðấng Oai Nghiêm trên cõi trời cao thẳm. Tên Người cao trọng hơn các thiên thần bao nhiêu, thì Người cũng vượt trên các thiên thần bấy nhiêu.

Phải, vì có bao giờ Thiên Chúa đã phán bảo với một vị nào trong các thiên thần rằng: “Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã hạ sinh Con”? Rồi Chúa lại phán: “Ta sẽ là Cha Người, và Người sẽ là Con Ta”. Và khi ban Con Một mình cho thế gian, Chúa lại phán rằng: “Tất cả các thiên thần Chúa hãy thờ lạy Người!”

Ðó là lời Chúa.

Alleluia:

Alleluia, alleluia! – Ngày thánh đã dọi ánh sáng trên chúng ta. Hỡi các dân, hãy tới thờ lạy Chúa, vì hôm nay ánh sáng chan hoà đã toả xuống trên địa cầu. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 1, 1-18 {hoặc 1-5. 9-14}

“Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta”.

Bắt đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.

Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng.

Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.

Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.

Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: “Ðây là Ðấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi, nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi”.

Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác. Bởi vì Chúa ban Lề luật qua Môsê, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Ðức Giêsu Kitô. Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Ðấng ngự trong Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: Ga 1, 1-5. 9-14

“Ngôi Lời đã làm Người và ở cùng chúng ta”

Bắt đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.

Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.

Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.

Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

Lm. Giuse Vũ Thiên Trường, SVD

Trong thế giới hôm nay, Noel có lẽ là lễ kỷ niệm lớn duy nhất trên trái đất được đón mừng gần như ở mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội, mọi hoàn cảnh. Từ núi cao, trong rừng sâu, xuống đồng bằng, vào thành thị… Qua đủ mọi hình thức: nhóm vài cây củi trên rừng, thắp ngọn nến đơn sơ trong ngôi nhà nguyện bé nhỏ miền quê hẻo lánh, hay trăm ngàn ánh đèn muôn màu rực rỡ chốn đô hội tráng lệ.

Các Kitô hữu lại đón mừng Mầu Nhiệm Giáng Sinh. Chúng ta không phải kỷ niệm một biến cố đã xảy ra trong quá khứ, mà đây là dịp để chúng ta làm cho Mầu Nhiệm Giáng Sinh và ơn Cứu Chuộc của Thiên Chúa thực sự sống động và sinh hoa kết trái trong cuộc đời chúng ta, để cho bình an đích thực của Ngôi Lời lan toả đến mọi tâm hồn thế nhân.

Vinh danh Thiên Chúa trên trời.

Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương’’ (Lc 2,14).

  1. Một Thiên Chúa đến với con người

Trong cảnh ồn ào náo động và trống rỗng của cuộc sống, thánh Gioan mời gọi chúng ta chiêm ngắm và lắng nghe chính Lời của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã có sáng kiến tuyệt vời, để thể hiện tình yêu của Ngài đối với con người. Đó là Ngài đã trở nên con người thực sự và đích thân đến với con người. Sáng kiến tình yêu này không phải là một sự ngẫu nhiên hay bồng bột, cũng không phải “tình yêu sét đánh”,nhưng đã được ấp ủ, chuẩn bị trong một thời gian dài.

Trong thư gởi tín hữu Hípri, tác giả đã tóm lược diễn tiến của Lời Thiên Chúa ngỏ với con người: “Thuở xưa nhiều lần, nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con” (Hr 1,1-2).Đó chính là một tình yêu cao cả mà Thiên Chúa đã ban cho toàn thể nhân loại.

Nhưng khác với lối nhìn của Cựu Ước vốn coi Thiên Chúa là “Đấng Tối Cao”, nên muốn tả về Ngài người ta chỉ thêm chữ “vô cùng” vào sau mỗi phẩm tính muốn dành cho Ngài. Và cũng khác với lối nhìn của ngày xa xưa, vốn coi Thiên Chúa là “Đấng đáng sợ”, nếu lơ mơ đến gần Ngài sẽ phải mất mạng như chơi. Đàng này, vị Thiên Chúa được chờ mong lại đến thật sát thật gần. Ngài đã hóa thân làm người ở giữa chúng ta. Một Thiên Chúa quyền năng vô biên, không bị lệ thuộc vào không gian và thời gian, Ngài có quyền trên hết vạn vật, thế mà hôm nay, Ngài lại đi vào trong thời gian, bị lệ thuộc vào thân xác mỏng manh của phận người. Thiên Chúa vốn dĩ vô hình, mà nay lại trở nên hữu hình: Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Hôm nay, Lời của Thiên Chúa đã sinh ra và làm cho mọi sự đều thay đổi. Người đã đến chia sẻ bản tính con người của chúng ta; để chúng ta sẽ không cảm thấy cô đơn hay bị bỏ rơi nữa. Bởi vì “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14), Ngài là khởi đầu của cuộc sống mới, là Ánh sáng đã đến soi chiếu trong bóng tối cuộc đời của chúng ta.

Nhưng có lẽ trong mắt con người, tình yêu này quá nhỏ bé, quá khiêm tốn, đến nỗi chúng ta không dám nhận ra, hay không dám chấp nhận. Chúng ta không chấp nhận để cho Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến mức Ngài đến gặp chúng ta trong mầu nhiệm Nhập Thể của Ngài, khi sinh ra cách đơn sơ, khiêm tốnnơimáng cỏ bò lừa.

Thế nhưng, Tình Yêu khiêm tốn đó đã không làm chúng ta bị choáng ngợp, không ban bố một cách “cha chú”, nhưng chỉ biết gõ cửa và chờ đợi. Ngài đã chia sẻ tất cả nhân tính của chúng ta, để chúng ta cũng được mời gọi tham gia vào thần tính của Ngài như Công Đồng Vatican II quả quyết: “Người bày tỏ cho con người thấy bản chất đích thực của chính mình và khám phá ra ơn gọi cao cả của mình”.

  1. “Và cư ngụ giữa chúng ta”

Thiên Chúa đã làm người để cho con người nên người hơn và trở nên con Thiên Chúa. Tiếc rằng ngay khi tin vui Giáng Sinh được loan báo thì vẫn còn đó những người đang ngủ mê, những kẻ đóng kín cửa lòng trước Tin Mừng trọng đại. “Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Họ đâu dám đi ra ngoài vì sợ trời lạnh, họ không dám đến những khu nhà tối tăm, bẩn thỉu vì sợ dơ quần áo. Họ giống như những người giàu thời đại chúng ta chỉ muốn ở yên trong nhà, tự mãn với những nệm êm, chăn ấm, với những bữa tiệc, những cây thông đủ ánh đèn màu, với những chương trình tivi hấp dẫn. Thế nhưng, Ngài vẫn tiếp tục chờ đợi với sự kiên nhẫn trước những hờ hững của con người và các dân tộc.

Trong một xã hội đã bị tiêm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ và lạc thú, say mê của cải và sa hoa, ưa chuộng vẻ bên ngoài và tự mãn, Hài Nhi ấy vẫn kêu gọi chúng ta phải sống tiết độ, hay nói cách khác, sống đơn giản, quân bình, kiên định. Trong một thế giới đã quá thường xuyên không tỏ lòng thương xót người có tội nhưng lại dễ dãi với tội lỗi, Hài Nhi ấy tiếp tục mời gọi chúng ta vun trồng một ý thức mạnh mẽ về công chính, phân định và thực thiý Chúa. Trong một nền văn hóa vô cảm thường dẫn đến chỗ tàn nhẫn, chúng ta được mời gọi sống vị tha, cảm thông và thương xót, được kín múc nơi nguồn suối của mầu nhiệm Nhập Thể.

 Nếu qua Hài Nhi ấy, Thiên Chúa đã liên lụy với con người cho tới nỗi trở thành như một người trong chúng ta, thì có nghĩa là bất cứ điều gì chúng ta sẽ làm cho một người anh chị em, là chúng ta làm cho Chúa. Chính Chúa Giêsu đã nhắc cho chúng ta nhớ điều đó: ai cho ăn, lắng nghe, thăm viếng, yêu thương một trong những người bé nhỏ và nghèo nàn nhất là đã làm cho chính Con Thiên Chúa. Trái lại, ai khước từ, quên lãng, không biết tới một trong các người bé nhỏ và nghèo nàn nhất là đã bỏ quên và khước từ chính Thiên Chúa. Như câu chuyện có thật được tác giả kể lại trên trang Bestchristmasstories.

Bước đến gian hàng mùa Giáng Sinh, tôi nhìn thấy một cậu bé chừng 5 tuổi đang cầm một con búp bê rất xinh xắn. Người bán hàng nói với cậu bé rằng cháu không có đủ tiền mua con búp bê đó đâu, song em vẫn tiếp tục ôm nó. 

Tôi đi tới và hỏi xem cậu định mua búp bê cho ai. Cậu bé nói: “Đây là con búp bê em gái cháu rất thích. Nó tin ông già Noel sẽ mang đến cho nó”. Khi được hỏi em gái đang ở đâu, cậu bé với đôi mắt buồn rười rượi: “Em đã về với Chúa rồi và mẹ cũng sắp sửa đến nơi có em gái cháu”. Cậu bé nhìn tôi lần nữa và nói: “Cháu muốn mẹ mang theo bức ảnh này, để mẹ không bao giờ quên cháu. Cháu yêu mẹ nhiều lắm. Cháu ước mẹ đừng đi, nhưng bố bảo mẹ phải đi với em”. Rồi cậu khoe với tôi một bức ảnh của cậu vừa được chụp trước cửa hàng.

Lựa lúc cậu bé không để ý, tôi đưa tay vào ví của mình và lôi ra một nắm tiền lẻ. Tôi bảo: “Vậy chúng ta cùng đếm lại tiền lần nữa nào”. Sau khi đếm xong chỗ tiền đã được tôi kín đáo luồn thêm vào một ít, cậu bé thì thầm nói: “Cảm ơn Chúa đã cho con đủ tiền”. Rồi cậu bảo với tôi: “Cháu xin Chúa cho cháu có đủ tiền mua búp bê để gửi cho em và Chúa đã nghe. Cháu thầm ước có đủ cả tiền mua cho mẹ một bông hồng trắng nữa. Cháu không xin Chúa, vậy mà Người vẫn nghe thấy. Mẹ cháu yêu hồng trắng lắm”. 

Bỗng dưng, có điều gì đó như vụt qua trí óc tôi. Tôi nhớ lại mẩu tin đọc trên báo vài hôm trước: “Chiếc xe tải đâm phải xe hơi, làm thiệt mạng một bé gái. Mẹ của cô bé bị thương rất nặng”.

Mấy ngày sau, báo lại đưa tin, người phụ nữ trẻ trong vụ tai nạn trên đã chết. Không nén nổi tò mò, chiều muộn ngày hôm đó, tôi mua một ít hồng trắng đến nhà tang lễ. Ở đó, tôi nhìn thấy ảnh người phụ nữ với một bông hồng trắng và con búp bê trên tay. Bên cạnh là ảnh cậu bé chụp trước cửa hàng.Tôi rời khỏi nhà tang lễ với đôi mắt đẫm nước. Cuộc đời tôi đã thay đổi mãi mãi. Tôi quá xúc động trước tình cảm của cậu bé dành cho mẹ và em gái. Nhưng chỉ trong vài giây, người tài xế xe tải đã xé tan cuộc sống của cậu ra hàng trăm mảnh.[1]

Khi biết đón nhận Hài Nhi Giêsu vào tâm hồn và vào cuộc đời mình, chúng ta sẽ học được tình yêu Thiên Chúa, để biết chia sẻ và trao tặng cho người khác những món quà chúng ta có. Cảm nghiệm được tình Chúa và niềm vui chân thật của ngày Lễ Giáng Sinh như thế thì chỉ cần một nụ cười, một cái bắt tay, một cử chỉ thân thiện cảm thông,… chúng ta cũng đã trao cho nhau những hành động giá trị hơn muôn vàn thứ khác. Và chính lúc ấy người ta mới cảm nhận được sự bình an thật sự của lời ca: “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

Tâm hồn chúng ta đã mừng vui khi chờ đợi giây phút này, giờ thì niềm vui ấy lại càng chan chứa, vì lời hứa cuối cùng đã được thực hiện. Niềm vui ấy là dấu chỉ chắc chắn rằng sứ điệp trong mầu nhiệm đêm naythực sự từ Thiên Chúa mà đến. Không có chỗ cho sự nghi ngờ; hãy dành mối nghi ngờ cho những kẻ hoài nghi là những kẻ chỉ biết đi tìm nguyên do mà chẳng bao giờ gặp được chân lý. Không có chỗ cho sự thờ ơ đang thống trị trong tâm hồn của kẻ không thể yêu thương vì họ sợ mất đi điều gì đó. Mọi nỗi buồn đau phải tiêu tan, vì Hài Nhi Giêsu mang đến niềm an ủi đích thực cho mọi tâm hồn.

Vinh danh Thiên Chúa trên trời.

Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương’’

[1]http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/chuyen-cam-dong-mua-giang-sinh-duoc-trieu-nguoi-chia-se-3118856.html – truy cập ngày 18/10/2016.

 

 

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Lễ Giáng Sinh – Lễ Đêm
Bài tiếp theoTỈNH DÒNG NGÔI LỜI – GIUSE VIỆT NAM CHÚC MỪNG GIÁNG SINH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây