Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXVII Thường Niên – B (Mc 10,1-16)

0
479

CẢ HAI SẼ TRỞ NÊN MỘT “SARS”

Bản văn và dịch sát nghĩa (Mc 10,1-16)

Hy Lạp Việt
1Καὶ ἐκεῖθεν ἀναστὰς ἔρχεται εἰς τὰ ὅρια τῆς Ἰουδαίας [καὶ] πέραν τοῦ Ἰορδάνου, καὶ συμπορεύονται πάλιν ὄχλοι πρὸς αὐτόν, καὶ ὡς εἰώθει πάλιν ἐδίδασκεν αὐτούς.

2 Καὶ προσελθόντες Φαρισαῖοι ἐπηρώτων αὐτὸν εἰ ἔξεστιν ἀνδρὶ γυναῖκα ἀπολῦσαι, πειράζοντες αὐτόν.

 3 ὁ δὲ ἀποκριθεὶς εἶπεν αὐτοῖς· τί ὑμῖν ἐνετείλατο Μωϋσῆς;

 4 οἱ δὲ εἶπαν· ἐπέτρεψεν Μωϋσῆς βιβλίον ἀποστασίου γράψαι καὶ ἀπολῦσαι.

 5 ὁ δὲ Ἰησοῦς εἶπεν αὐτοῖς· πρὸς τὴν σκληροκαρδίαν ὑμῶν ἔγραψεν ὑμῖν τὴν ἐντολὴν ταύτην.

 6 ἀπὸ δὲ ἀρχῆς κτίσεως ἄρσεν καὶ θῆλυ ἐποίησεν αὐτούς·

 7 ἕνεκεν τούτου καταλείψει ἄνθρωπος τὸν πατέρα αὐτοῦ καὶ τὴν μητέρα [καὶ προσκολληθήσεται πρὸς τὴν γυναῖκα αὐτοῦ],

 8 καὶ ἔσονται οἱ δύο εἰς σάρκα μίαν· ὥστε οὐκέτι εἰσὶν δύο ἀλλὰ μία σάρξ.

 9 ὃ οὖν ὁ θεὸς συνέζευξεν ἄνθρωπος μὴ χωριζέτω.

 10 Καὶ εἰς τὴν οἰκίαν πάλιν οἱ μαθηταὶ περὶ τούτου ἐπηρώτων αὐτόν.

 11 καὶ λέγει αὐτοῖς· ὃς ἂν ἀπολύσῃ τὴν γυναῖκα αὐτοῦ καὶ γαμήσῃ ἄλλην μοιχᾶται ἐπ᾽ αὐτήν·

 12 καὶ ἐὰν αὐτὴ ἀπολύσασα τὸν ἄνδρα αὐτῆς γαμήσῃ ἄλλον μοιχᾶται.

 13 Καὶ προσέφερον αὐτῷ παιδία ἵνα αὐτῶν ἅψηται· οἱ δὲ μαθηταὶ ἐπετίμησαν αὐτοῖς.

 14 ἰδὼν δὲ ὁ Ἰησοῦς ἠγανάκτησεν καὶ εἶπεν αὐτοῖς· ἄφετε τὰ παιδία ἔρχεσθαι πρός με, μὴ κωλύετε αὐτά, τῶν γὰρ τοιούτων ἐστὶν ἡ βασιλεία τοῦ θεοῦ.

 15 ἀμὴν λέγω ὑμῖν, ὃς ἂν μὴ δέξηται τὴν βασιλείαν τοῦ θεοῦ ὡς παιδίον, οὐ μὴ εἰσέλθῃ εἰς αὐτήν.

 16 καὶ ἐναγκαλισάμενος αὐτὰ κατευλόγει τιθεὶς τὰς χεῖρας ἐπ᾽ αὐτά. (Mk. 10:2-16 BGT)

1 Và sau khi đứng dậy Đức Giê-su đi khỏi đó vào những vùng lãnh thổ của Giu-đê và bên kia sông Gio-đan và đám đông lại đến cùng Người và như thói quen Người cứ dạy dỗ họ.

2 Và sau khi những người Pha-ri-sêu đến, họ cứ hỏi Người, nhằm thử Người, rằng liệu có hợp luật cho người đàn ông để cho vợ mình ra đi tự do.

3 Để trả lời, Người nói cùng họ: Ông Mô-sê đã ra lệnh cho các ông điều gì?

4 Họ nói ông Mô-sê đã cho phép viết chứng thư và cho phép để trả tự do

5 Đức Giê-su nói cùng họ rằng: Đối lại với sự cứng lòng của của các ngươi mà ông ta đã viết cho các ngươi mệnh lệnh ấy,

6 từ thuở ban đầu của tạo dựng Người đã làm nên họ có nam có nữ.

7 Vì lẽ đó, Người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ của anh ta và [sẽ được kết hợp với vợ của mình]

8 và cả hai sẽ là một thịt, vì thế họ không còn là hai nhưng là một thịt.

9 Theo đó, điều Thiên Chúa kết hợp con người không được phân ly.

10 và khi vào nhà các môn đệ lại cứ hỏi Người về điều ấy

11 Người nói cùng họ: Ai trả tự do cho người phụ nữ của anh ta và cưới một người khác thì phạm tội ngoại tình với người ấy.

12 Và nếu cô bỏ chồng mình và cưới một người khác, thì phạm tội ngoại tình.

13 Và người ta cứ đem những đứa trẻ đến cho Người để Người chúc lành (chạm) cho chúng, nhưng các môn đệ la rầy chúng.

14 Sau khi thấy thế, Đức Giê-su đã giận dữ và nói cùng họ: hãy để những trẻ em đến với Ta, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng

15 Thật, thầy bảo thật anh em, nếu người nào không đón nhận Nước Thiên Chúa như đứa trẻ, thì sẽ không được vào trong đó.

16 Và sau khi ôm lấy chúng, Người cứ chúc lành cho chúng bằng cách đặt tay trên chúng.

Bối cảnh bản văn

Tin Mừng Mác-cô được cho thành hai phần khá rõ rệt. Phần I (1,1 – 8,26): Sứ vụ cứu chữa và rao giảng tại Ga-li-lê; Phần II (8,27 – 16,8): Những lần tiền báo về khổ nạn-chết-phục sinh, hiện thực hóa lời tiền báo (khổ nạn-chết-phục sinh).[1] Đoạn văn Mc 10,1-16 nằm ở phần sau của Tin Mừng Mác-cô. Đức Giê-su đã tiền báo về cuộc khổ nạn-chết-phục sinh hai lần (8,31-32; 9,30-32) và đang hướng đến lần tiền báo thứ ba (10,32-34). Bối cảnh đoạn văn (Mc 10,1) cho thấy Người đã rời Ga-li-lê và đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem. Người đã đến lãnh thổ vùng Giu-đê, miền Nam của đất Pa-lét-tin – Ít-ra-el, nơi có thủ phủ là Giê-ru-sa-lem. Nơi đây, Đức Giê-su tiếp tục có những tranh luận với những người Pha-ri-sêu, những người đã xuất hiện sớm trong Mc 2,24 để tranh luận về luật ngày Sa-báttrong 7,1 để tranh luận về truyền thống của tiền nhân (rửa tay trước khi ăn). Họ kéo đến tranh luận với Đức Giê-su và đòi một dấu lạ từ trời (Mc 8,11). Nơi đây là câu chuyện về luật ly hôn, một điều luật rất quan trọng cho đời sống gia đình. Mác-cô ghi chú rằng, họ làm như vậy là để thử Người (Mc 10,2). Những người Pha-ri-sêu thường đưa ra vấn đề để thử Đức Giê-su kiểu như thế (x. 8,11; 12,13). Lý chứng mà Đức Giê-su đưa ra cho sự gắn bó suốt đời giữa chồng và vợ có nền tảng trong Cựu Ước (St 1 – 2). Thánh Phao-lô cũng nhắc lại lời dạy: Không được ly hôn trong thư thứ nhất gửi các tín hữu Cô-rin-tô (1 Cr 7,10-12). Chuyện Đức Giê-su đón nhận và chúc lành cho trẻ em ngược lại với thái độ nghiêm khắc của các môn đệ đối với chúng, gợi nhớ đến lời dạy trước đó về việc đón nhận trẻ em (9,37: Đón nhận một trẻ em là đón nhận Đức Giê-su và đón nhận Đức Giê-su là đón nhận Đấng đã sai Người). Chủ đề Nước Thiên Chúa (Mc 10,14-15) là chủ đề quan trọng và xuyên suốt trong giáo huấn của Đức Giê-su. Chủ đề này vừa được nhắc đến trong đoạn nói về những cớ vấp ngã trước đó (9,42-50) và sẽ được nhắc đến sau đó qua hình ảnh người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa (Mc 10,23); và phần thưởng sự sống vĩnh cửu đời sau cho những ai bỏ mọi sự mà theo Chúa (Mc 10,30).

Cấu trúc

Đoạn Tin Mừng Mc 10,1-16 có thể chia làm hai phần. Phần I: Là cuộc tranh luận về luật ly hôn và hệ quả của nó. Phần I cũng bao gồm hai phân đoạn: Phân đoạn (A) Tranh luận giữa những người Pha-ri-sêu và Đức Giê-su, là một cấu trúc đảo đối (Chiasmus: abb’a’); Phân đoạn (B) Phần giải thích của Đức Giê-su cho những thắc mắc của các môn đệ. Phần II: Tạm gọi là trẻ em và Nước Trời. Phần này là một cấu trúc đảo đối (Chiasmus: abb’a’)

 Bối cảnh chung: Không gian và nhân vật: Giu-đê, sông Gio-đan (10,1)

I. Tranh Luận về luật ly hôn

(A) Pha-ri-sêu và Đức Giê-su (10,2-9)

(a) Ly dị có hợp luật không? (10,2)

(b) Hợp luật vì Mô-sê cho phép (10,3-4; x. Đnl 24,1-4)

(b’) Mô-sê cho phép: Vì sự cứng lòng (10,5)

(a’) Ly dị là không hợp luật (10,6-9; x. St 1,27; 2,24)

(B) Đức Giê-su và các môn đệ (10,10-12)

(a)Thắc mắc của các môn đệ (10,10)

(b) Đức Giê-su giải thích: Người tái hôn là phạm tội ngoại tình (10,11-12)

II.   Trẻ em và Nước Trời

(a) Đem trẻ em đến để chúc lành: (10,13a)

(b) Các môn đệ không đón nhận: La rầy (10,13b)

(b’) Đức Giê-su đón nhận vì giá trị của đứa bé liên quan đên Nước Trời (10,14-15)

(a’) Ôm lấy trẻ em và đặt tay chúc lành (10,16)

Một số điểm chú giải

    1. Những vùng của Giu-đê và bên kia sông Gio-đan: Đất nước Ít-ra-el thời Đức Giê-su được chia làm ba miền (khá giống với Việt Nam): Miền Bắc Ga-li-lê, miền trung Samari và miền Nam Giu-đê. Ga-li-lê có lẽ là nơi yên bình nhất cho cuộc đời của Đức Giê-su. Người khai mạc sứ vụ ở vùng Ga-li-lê và trải qua phần lớn thời gian rao giảng ở đó. Samari cũng là vùng mang lại cho Người nhiều hoa trái, khi mở rộng vùng rao giảng (x. Lc 10,33; 17,11-19; Ga 4,40. Chỉ một lần Luca ghi lại chi tiết một làng Samari không đón tiếp Đức Giê-su, vì Người đang tiến về Giê-ru-sa-lem (x. Lc 9,53). Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan là nơi được liệt kê trong số những vùng có dân chúng kéo đến với Đức Giê-su (Mt 4,25; Mc 1,5; 3,7; 10,1). Tuy nhiên, đó chỉ là đám đông dân chúng. Đối với các nhà cầm quyền cả tôn giáo và chính trị, Đức Giê-su như là cái gai trong mắt phải nhổ cho được. Giu-đê xem ra là vùng nguy hiểm cho cuộc đời Đức Giê-su từ lúc Người sinh ra cho đến lúc chết. Lúc Người sinh ra ở Bê-lem, miền Giu-đê (x. Mt 2,1.5), Người đã bị vua Hê-rô-đê đuổi giết và phải cùng gia đình bỏ chạy thoát thân qua mãi bên Ai Cập (x. Mt 2,13-15). Khi trở về từ Ai-cập, Người lại bị Ác-khê-lao, người kế nhiệm vua Hê-rô-đê cả đe dọa, nên phải cùng với gia đình lánh về Na-gia-rét. Cuối cùng, Người bị kết án và bị xử tử bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem, miền Giu-đê vào thời quan tổng trấn Phi-la-tô. Theo truyền thống Tin Mừng Nhất Lãm, lên Giê-ru-sa-lem miền Giu-đê đồng nghĩa với tiến về hành trình khổ nạn-chết-phục sinh (x. Mt 20,17-18; Mc 10;32-33; Lc 9,51; 18,31). Bối cảnh đoạn Tin Mừng này, Đức Giê-su đang trên hành trình này.
    2. Người cứ dạy dỗ họ: Độc giả lại gặp lại hành động dạy dành cho dân chúng. Lần này động từ “dạy” được dùng ở thì vị hoàn (chưa hoàn thành, ἐδίδασκεν) diễn tả một hành động đang tiếp tục. Mệnh đề bắt đầu bằng liên từ bổ trợ – “như” (ὡς), cộng với một động từ diễn tả thói quen – “đã quen làm” (εἰώθει), thêm một trạng từ diễn tả sự lặp lại – “lại” (πάλιν), được đặt ngay trước động từ dạy để khắc họa sự thường xuyên kéo dài trong hành động giảng dạy của Đức Giê-su: “Người lại giảng dạy họ như vẫn xảy ra theo thói quen” (10,1). Thói quen giảng dạy này có thể tìm thấy lần đầu tiên trong hội đường Ca-phác-nao-um (Mc 1,21; Cf. Mt 4,23; 7,28; 9,35); Dọc biển hồ Ga-li-lê (Mc 2,13); Trước khi bắt đầu loạt bài giảng bằng những dụ ngôn (Mc 4,2). Trong bối cảnh thứ nhất, Người đang giảng dạy cho các môn đệ về mầu nhiệm khổ nạn-chết-phục sinh (Mc 9,31; x. 8,31). Có thể thấy Người vẫn giảng dạy đám đông ở Ga-li-lê, trên đường lên Giê-ru-sa-lem (vùng Giu-đê và bên kia sông Gio-đan)[2] và tại Giê-ru-sa-lem (x. Mt 21,23; 26,1.55; Mc 11,18; 12,35.38). Thính giả của Đức Giê-su thường là đám đông dân chúng; còn những người Pha-ri-sêu và kinh sư thường là những đối thủ chất vấn, tranh luận và chống đối Người.
    3. Những người Pha-ri-sêu: Là một nhóm tôn giáo sùng đạo Do Thái. Pharisaios trong tiếng Hy Lạp có nguồn gốc từ động từ “paras” trong tiếng Do Thái có nghĩa là “tách ra”, “phân chia ra”. Đây là một nhóm những người đạo đức giữ luật một cách chặt chẽ, tách ra khỏi những người vô luật lệ và vô thần. Luật lệ là trung tâm của những suy nghĩ của họ và đời sống thực hành của họ. Sử gia Josephus tường thuật rằng “những người Pha-ri-sêu đã đưa ra cho người dân một loạt những luật lệ, mà họ tiếp nối truyền thống cha ông của họ, những điều không được chép trong Luật Mô-sê”. Chính vì thế mà người Sa-đốc phản đối những người Pha-ri-sêu, vì họ chỉ giữ những gì được viết ra trong Luật Mô-sê.[3] Thời Đức Giê-su, ước tính có khoảng 6000 người thuộc phái Pha-ri-sêu. Phái này gồm có các kinh sư (Mc 2,16), các tiến sỹ luật và cả một số tư tế nữa. Những ưu điểm của những người Pha-ri-sêu: Nhiệt tâm truyền giáo (Mt 23,15); Niềm ưu tư về đời sống trọn lành, công chính (Mt 5,20)[4]; Chay tịnh (Mc 2,18; Mt 12,14; Lc 5,33). Họ ngồi trên tòa Mô-sê mà giảng dạy dân chúng những lời đúng đắn (Mt 23,2). Họ quan tâm đến ngày giờ mà Triều Đại Thiên Chúa đến (Lc 17,20). Đức Giê-su cũng từng dùng bữa tại nhà một người pha-ri-sêu (Lc 7,37; 11,37; 14,1). Phao-lô cũng là một người pha-ri-sêu (23,36); Ông Ni-cô-đê-mô cũng là một người pha-ri-sêu. Ông đã đến gặp Đức Giê-su ban đêm (Ga 3,1); Đứng ra bảo vệ Đức Giê-su trước các lãnh đạo Do Thái (7,50) và cuối cùng táng xác Đức Giê-su (Ga 19,39). Công vụ Tông Đồ nhắc đến một người Pha-ri-sêu nổi tiếng có uy tín, đã đứng ra bảo vệ cho ông Phê-rô và các Tông Đồ trước Thượng Hội Đồng Do Thái. Đó là ông Gamaliel (Cv 5,34-39) (Gamali-el: Chúa là phần thưởng của tôi). Nói như thế để độc giả có một cái nhìn quân bình hơn, về những người Pha-ri-sêu trong bối cảnh Tân Ước. Các tác giả Tin Mừng rất nhiều lần mô tả Pha-ri-sêu như là đối thủ tranh luận với Đức Giê-su nhiều vấn đề (thanh sạch, Sa-bát, ăn chay, ly dị…), có những âm mưu gài bẫy Đức Giê-su (Lc 11,54; Mt 22,15; Mc 12,13). Họ được mô tả như những người giả hình, sống đạo hình thức (Mc 7,6; Mt 23; Lc 12,1); tham lam tiền bạc (Lc 16,14). Gay gắt nhất, là họ có ý định giết Đức Giê-su (Mc 3,6). Trong bối cảnh này, họ tranh luận với Đức Giê-su về luật ly dị. Họ không hề có thiện chí học hỏi, họ chỉ muốn thử Đức Giê-su mà thôi.[5] Họ chỉ muốn Đức Giê-su đưa ra quan điểm “không chính thống” về vấn đề này.[6]
    4. Có hợp luật: Động từ “hợp pháp” trong tiếng Hy Lạp (ἔξειμι) là một động từ không ngôi, một động từ ghép được tạo nên từ một giới từ “ra khỏi” (ἐκ) và động từ diễn tả bản tính hay sự tồn tại (εἶμι) (giống như động từ “to be” trong Anh ngữ). Có thể hiểu động từ này là “đi ra khỏi”, “khởi hành”. Nó thường được dùng không ngôi để diễn tả “sự có thể”; “hợp pháp”; “được phép”: Một người đàn ông có thể ly dị vợ không? Việc người đàn ông ly dị vợ có hợp pháp không? Người đàn ông có được phép ly dị vợ không? Đây là cách nói rất thường được sử dụng trong những chất vấn và tranh luận giữa Đức Giê-su và giới lãnh đạo người Do Thái về ngày Sa-bát (Mc 2,24.26; 3,36); Về luật ly hôn (Mc 10,2); Nộp thuế cho Kai-sar (12,14).
    5. Ông Mô-sê: Luật trong bối cảnh này ngụ ý là Luật của Mô-sê. Nghĩa là, tất cả những điều khoản được ghi lại trong năm cuốn sách đầu tiên của bộ Sách Thánh Do Thái, thường được gọi là Torah, Ngũ Thư, Sách luật hay đơn giản là Mô-sê. Chúng ta thường nghe nhắc đến trong các sách Tin Mừng thành ngữ “Mô-sê đã dạy” (Ga 7,22); “Mô-sê đã ra lệnh” (Mt 8,4; 19,7; Mc 1,44; Mc 10,7); “Mô-sê đã nói” (Mt 22,24; Mc 7,10); hay đơn giản là “Luật” (Mt 22,36; Rm 2,12.14). Tất cả chỉ để diễn tả cùng một nội dung. Đó là nội dung những điều Thiên Chúa dạy, và những chỉ dẫn của Mô-sê trong năm cuốn đầu tiên của Sách Thánh Cựu Ước (Sáng Thế, Xuất Hành, Lê-vi, Dân Số; Đệ Nhị Luật). Sở dĩ những “lời dạy” này được được gắn với ông Mô-sê vì ông chính là vị ngôn sứ đã lãnh nhận Mười Điều Răn trên núi Si-nai trực tiếp từ Chúa. Ông cũng là vị ngôn sứ vĩ đại nhất, không còn xuất hiện mộn ngôn sứ nào trong Ít-ra-el như ông (Đnl 34,10; Cf. Xh 33,11). Hơn nữa, cho đến thời Đức Giê-su và thậm chí mãi cho đến thế kỷ 17, sau Đức Giê-su người ta vẫn tin rằng “Ngũ Thư” (Sáng thế, Xuất hành, Lê-vi, Dân số, Đệ Nhị Luật) là do ông Mô-sê soạn thảo. Đức Giê-su đã có lần nói với giới lãnh đạo Do Thái rằng “không phải ông Mô-sê đã ban Luật cho các ông đó sao? Tuy nhiên, không ai trong các ông giữ Luật” (Ga 7,19). Chúng ta cũng thường nghe thành ngữ như “Mô-sê (hay Luật) và các ngôn sứ”: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật và các ngôn sứ” (Mt 5,17; Cf. Mt 7,12); “Họ đã có Mô-sê và các ngôn sứ” (Lc 16,29.31; Cf. Lc 24,27; Ga 1,45). Đây là cách nói tóm gọn ám chỉ toàn bộ Sách Thánh Do Thái, gồm có 3 phần (Torah; Neviim; Ketuvim). Đức Giê-su đề cập đến ông Mô-sê trong bối cảnh này, với ngụ ý rằng, Mô-sê chính là nhà ban hành Luật thay cho Chúa qua Ngũ Thư.
    6. Cho phép viết chứng thư và cho phép trả tự do: Dữ liệu này được những người Pha-ri-sêu lấy ra từ sách Đệ Nhị Luật. Theo đó, “Nếu một người đàn ông lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó cô không tìm thấy sự ưa thích trong mắt anh ta nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có hành động đáng xấu hổ [trong tiếng Do Thái עֶרְוַת דָּבָר, sự lõa lồ của hành động], thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay rồi đuổi ra khỏi nhà” (Đnl 24,1). Điều này ngụ ý rằng chỉ có người đàn ông mới có quyền bỏ vợ và đó là quyền của riêng người chồng chứ không phải quan tòa hay cơ quan tôn giáo nào.[7] Dựa theo từ nguyên ngữ Do Thái, một số nhà làm luật trường phái Shammai[8], thế kỷ I, nhấn mạnh từ “lõa lồ” như là sự không thủy chung (ngoại tình).[9] Cách hiểu này có thể suy ra từ thực tế rằng để xử vấn đề này một hình phạt xử tử được ban hành: Một người đàn ông bị bắt gặp ngủ với vợ của một người khác thì cả hai đều chết (Đnl 22,22). Tuy vậy, đây là án xử tử, chứ không phải là chuyện viết thư ly dị. Vì thế, nên hiểu là “điều không đứng đắn” (đáng xấu hổ).[10] Rõ ràng những người Pha-ri-sêu đã có sẵn câu trả lời trong sách Luật. Chính vì thế, người thuật chuyện với ghi chú, họ “cứ hỏi Người nhằm thử Người”. Đây là vấn đề khó và mang tính nền tảng trong đời sống gia đình. Đức Giê-su đương nhiên biết câu trả lời này và biết cả ý muốn “thử”. Người cũng muốn dùng dịp này để đưa luật bất khả phân ly về đúng với vị trí của nó.
    7. Sự cứng lòng: Danh từ “sự cứng lòng” trong tiếng Hy Lạp được ghé bởi hai danh từ “Skleros” (σκληρός, cứng) và “kardia” (καρδία, trái tim). Nghĩa của từ ghép này là trái tim bị xơ cứng; Cứng đầu không thể lay chuyển. Sự cứng lòng là một chủ đề quen thuộc của Thánh Kinh (Đnl 10,16; Gr 4,4; Ed 3,7). Theo nhân học Thánh Kinh, trái tim là nguồn của sự hiểu biết và phán đoán cũng như cảm xúc. Do vậy, sự “cứng lòng” bao gồm sự đóng kín trí óc và cảm xúc khỏi sự thật. Sự cứng lòng của Pha-ra-oh là một ví dụ.[11] Theo Đức Giê-su đây là lý do mà ông Mô-sê đã cho phép ly dị. “Sự cứng lòng” cũng có thể hiểu là “sự đầy tội lỗi của nhân loại”.[12] Những nhà giải thích Thánh Kinh đôi khi lấy lại những lối giải thích kỳ lạ, ví dụ như một số cho rằng: Ông Mô-sê sợ rằng một số ông chồng nóng tính sẽ giết chết vợ, nếu họ cứ phải sống với người vợ họ không ưa, nên tốt hơn nên cho họ ly hôn để cứu người vợ.[13] Sự “cứng lòng” còn có thể hiểu như là sự khó chấp nhận và giữ một điều luật khắt khe quá, nên Mô-sê đành giảm luật xuống. Có khá nhiều bản văn song song của Do Thái cho ý tưởng rằng những đoạn cụ thể trong Torah là một thỏa hiệp với yếu đuối của loài người.[14] “Sự cứng lòng” được Đức Giê-su gắn với đại từ sở hữu, ngôi thứ hai, số nhiều, (“các ông”), chỉ những người Pha-ri-sêu đang tranh luận với Đức Giê-su: “Đối lại với sự cứng lòng của các ông”. Luật xưa được ban ra do sự cứng lòng của muôn thế hệ, cụ thể là những người Pha-ri-sêu là những người vẫn tin và áp dụng tính hợp pháp của luật ly hôn.
    8. Có nam có nữ … một thịt: Đức Giê-su lấy lại bản văn nền tảng của Sáng Thế và Người lưu ý về yếu tố thời gian: “Ngay từ thuở ban đầu của sự tạo dựng”. Dấu chỉ về thời gian này nhấn mạnh đến điều có trước và là nguồn gốc của những điều khác. Đức Giê-su kết hợp cả hai bản văn trình thuật về sự sáng tạo con người: “Thiên Chúa đã làm nên con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Người đã làm nên họ có nam và có nữ” (St 1,27); “Vì thế, một người đàn ông sẽ lìa bỏ cha và mẹ mình, mà hiệp nhất với vợ của mình và họ sẽ trở nên một thịt” (St 1,24). Sau khi trích dẫn hai bản văn của Sáng Thế, Đức Giê-su thêm vào: “Và hai sẽ trở nên một, như thế, họ không còn là hai nhưng là một thịt” (Mc 10,8). Đức Giê-su rõ ràng nhấn mạnh đến sự “nên một”. Điều này rất quan trọng, vì nó là nền tảng cho sự không thể phân ly. Danh từ “thịt” trong tiếng Hy Lạp là “sarz” (σάρξ). Âm của nó giống như tiếng âm của Tiếng Việt “xác”. “Sarz” có nghĩa là thịt đối lại với xương (osteon, ὀστέον). Tuy nhiên, “sarz” cũng là phần thể lý, toàn bộ thân thể, đối lại với linh hồn, hay tinh thần (pneuma). Vậy thì, nên một phần xác thôi sao? Còn phần hồn thì sao? Hồn ai nấy giữ? Với sự nhấn mạnh của Đức Giê-su về đặc tính “nên một”, xem ra sự hiệp nhất này là toàn thể con người, chứ không đơn giản chỉ là thể xác.
    9. Thiên Chúa kết hợp: Ngoài việc nhấn mạnh đến sự hòa làm một giữa người vợ và người chồng, Đức Giê-su còn mặc cho sự kết hợp này một đặc tính thánh thiêng. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa là tác nhân của sự kết hợp này. Động từ “kết hợp” (kết dính) trong câu “Người đàn ông kết hợp với vợ mình” được chia ở thể bị động. Thể bị động ngụ ý một tác nhân thần linh đã làm hành động này. Cách dùng này phù hợp với khẳng định của Đức Giê-su: “Điều mà Thiên Chúa kết hợp, con người không được phân ly”. Nói rằng Thiên Chúa là tác nhân của sự kết hợp giữa các đôi vợ chồng, không có nghĩa là Thiên Chúa đã định cho ai phải lấy ai từ khi họ sinh ra. Chắc chắn mỗi người phối ngẫu đều có đầy đủ chọn lựa sáng suốt với đầy đủ tự do và lý trí của mình. Thiên Chúa chỉ đoái thương “xác nhận, chuẩn nhận sự ưng thuận của hai người”. Đây có thể được xem là câu chốt lại quan điểm của Đức Giê-su về vấn đề ly hôn, mà sau này thánh Phao-lô áp dụng lại khi giải thích cho cộng đoàn Cô-rin-tô: “Người vợ không được tách ra khỏi chồng nàng… Người chồng không được ly dị vợ mình” (x.1 Cr 7, 10-11). Thánh Phao-lô còn thêm vào (nhấn mạnh là chính tôi nói chứ không phải Chúa) người chồng có vợ ngoại thì đừng rẫy vợ và người vợ có chồng ngoại cũng thế (1 Cr 7,12-13). Khác với Đức Giê-su của Mác-cô, Đức Giê-su của Mát-thêu có nêu lên một luật trừ: “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp” (Mt 19,9, CGKPV); “Trừ phi nó là dâm bôn” (NTT). Danh từ “πορνεία” có nghĩa là “gian dâm”, “ngoại tình”, “quan hệ không hợp pháp”; “hành động thiếu khiết tịnh”.[15] Trong bài giảng trên núi, Đức Giê-su đã dạy về ly dị và ngoại tình. Người nói rằng: “Ngoại trừ vấn đề gian dâm (πορνεία), ai bỏ vợ là làm cho vợ ngoại tình; Và ai cưới người phụ nữ bị bỏ cũng phạm tội ngoại tình” (Mt 5,32). Rất khó để hiểu “luật trừ” này trong Mát-thêu. Có tác giả cho rằng nghĩa của danh từ πορνεία có lẽ “không phải là trường hợp loạn luân” nhưng là “ngoại tình” – một cách giải thích biện minh cho hành động dự tính của Giu-se “công chính” trong Mt 1,18-25. Tác giả Sigal ghi chú thêm rằng trong Gr 3,1-10 Thiên Chúa là cung cấp chứng thư ly dị cho Ít-ra-el vì tội ngoại tình.[16] Tương tự, có tác giả cho rằng có lẽ Đức Giê-su của Mát-thêu ảnh hưởng bởi trường phái Shammai (một trường phái Rabbi Do Thái), những người cho phép ly dị chỉ trong trường hợp “dâm ô”. Bởi vì sự “không chung thủy” của người vợ đã tự nó phá vỡ sự hiệp nhất “một thịt” của St 2,4. Gia đình đã bị phá vỡ bởi hành động của người phụ nữ.[17]
    10. Phạm tội ngoại tình: Các môn đệ cũng lấy làm khó hiểu trước những giải thích của Đức Giê-su, vì có lẽ họ cũng có chung quan điểm với những người Pha-ri-sêu, cũng như thực hành của bao người Do Thái khác. Giải thích của Đức Giê-su cho thấy Người có quyền giải thích Luật một cách khác hơn Mô-sê. Tuy nhiên, điều quan trọng là lý chứng của Người vẫn không nằm ngoài lời dạy nguyên thủy của Chúa. Hay nói đúng hơn, Người đưa luật “một vợ một chồng” trở về đúng với quỹ đạo của nó. Động từ “hỏi” của các môn đệ (10,10), cũng như của những người Pha-ri-sêu trước đó đều ở thì vị hoàn (ἐπηρώτων) – Một hành động kéo dài. Họ cứ “hỏi” Người hoài. Ly hôn đã là một vấn đề, vì đã cắt đứt mối tương quan vợ chồng, mà tự bản chất là không thể cắt. Tuy nhiên, Đức Giê-su còn đi xa hơn để giải thích về thực tiễn cuộc sống. Nếu người ta tái hôn thì sao? Theo Đức Giê-su, bất cứ người chồng hay người vợ tái hôn đều phạm tội chết. Theo đó, ai bỏ vợ hoặc bỏ chồng mà cưới một người khác thì phạm tội ngoại tình. Hình phạt áp dụng cho tội này là cả hai đều bị ném đá chết (x. Ga 8,5; Lv 20,10; Đnl 22,22-24). Cũng nên biết thêm là theo sách Lê-vi và Đnl: Tội ngoại tình là tội giữa một người đàn ông với vợ của một người hàng xóm, chứ không phải với bất kỳ người con gái nào. Mác-cô nói “cưới người khác” (ἄλλην) ngụ ý là lấy bất cứ người con gái nào. Trong Mát-thêu (Mt 19,1-9) đoạn nói về tội ngoại tình vẫn nằm trong cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và những người Pha-ri-sêu, chứ không phải dành riêng cho các môn đệ. Trong Mác-cô, sau khi nói điều này với các môn đệ, thì trình thuật tranh luận về ly hôn kết thúc. Trong Mát-thêu, sau khi Đức Giê-su nói điều này (với những người Pha-ri-sêu) các môn đệ mới thưa rằng: “Nếu đó là trường hợp của chồng đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn” (Mt 19,10). Sau đó, Đức Giê-su mới dạy các ông về đời sống độc thân.
    11. Các môn đệ la rầy … ngăn cấm: Đề tài liên quan đến trẻ em được nhắc đến trước đó. Trong bối cảnh các môn đệ tranh cãi với nhau “ai là kẻ lớn hơn cả”, Đức Giê-su đã mang một em nhỏ đến đặt giữa các ông và nói: “Ai đón tiếp một em nhỏ như em này là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy, thì không phải là đón tiếp Thầy mà đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (9,37). Mặc cho Đức Giê-su đã có thái độ trìu mến với đứa trẻ và dùng nó để đạy các môn đệ phải đón tiếp những đứa trẻ, thật ngạc nhiên, ở đây các môn đệ dường như không nhớ gì đến lời dạy đó. Họ “la rầy” tỏ ý “ngăn cấm” những đứa trẻ đến với Đức Giê-su. Điều này đã làm cho Đức Giê-su giận dữ (ἠγανάκτησεν). Có lẽ Người đã bực mình, vì các môn đệ đã không thay đổi suy nghĩ sau khi nghe Người dạy. Họ vẫn giữ quan điểm xem thường những đứa trẻ, những người bé mọn. Người giận dữ, vì các môn đệ không hiểu quà tặng của vương quốc và những người đón nhận nó.[18] Sự phản đối kịch liệt của các môn đệ đối với trẻ em, nằm trong dòng chủ đề về sự hiểu lầm và khuynh hướng thống trị.[19]
    12. Nước Thiên Chúa”: Nước Thiên Chúa là một chủ đề rất quan trọng trong giáo huấn của Đức Giê-su. Đây là chủ đề được Đức Giê-su giới thiệu ngay từ lời rao giảng đầu tiên của Đức Giê-su: “Thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần, anh chị em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Đó là nơi chốn mà các môn đệ phải tìm kiếm trước hết (Mt 6,3: Trước hết phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người). Đức Giê-su dùng rất nhiều dụ ngôn để giải nghĩa về Nước Thiên Chúa: “Người gieo giống” (Mc 4,1-9; 13-20); “Hạt giống tự mọc lên và sinh hoa trái” (Mc 4,26-29); “Cây cải” (Mc 4,30-32). Mục đích của Đức Giê-su được sai đi là “loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành” (Lc 4,43; Mt 9,35). Các môn đệ cũng chung sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa như Đức Giê-su vậy (Lc 9,2). Trong bài giảng về các mối phúc, có hai lần phần thưởng Nước Trời[20] được Đức Giê-su nói đến:(i) Cho những người có tinh thần nghèo khó (Mt 5,3); (ii) Cho những người bị bách hại vì sống công chính (Mt 5,10). Sự công chính của các môn đệ phải vượt trên sự công chính của các kinh sư và Pha-ri-sêu thì mới vươn tới Nước Trời (Mt 5,20).[21] Trước trình thuật này, trong trình thuật về “những cớ vấp ngã” và giải pháp tốt hơn để tránh cớ vấp ngã và được “vào Nước Thiên Chúa” hay “vào sự sống” (x. Mc 9,42-50). Trong trình thuật này, thật lạ lùng là Đức Giê-su tuyên bố Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như những đứa trẻ (Mc 10,14-15; Lc 18,16). Ý nghĩa của cụm từ “những ai giống như chúng” có thể là “những đứa trẻ khác giống như chúng” hoặc những đứa trẻ là tượng trưng cho những tín hữu có những phẩm tính giống như chúng:[22] Bé mọn, không địa vị, phụ thuộc, tín thác, đơn sơ, thật thà.[23]R. Donahue – D.J. Harrington, nhấn mạnh đến đặc tính “quà tặng” của Nước Thiên Chúa. Theo họ, Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như những đứa trẻ, vì chúng đón nhận mọi thứ như là một quà tặng.[24]
    13. Đón nhận Nước Thiên Chúa như một đứa trẻ: Cách nói này gợi nhớ đến lời hứa của Đức Chúa sẽ ban đất hứa cho những kẻ “bé nhỏ” và “những đứa trẻ không biết đúng sai” (Đnl 1,39). Còn những người thuộc thế hệ xấu xa thì sẽ không được vào đất hứa (Đnl 1,35). Trong cùng một trình thuật, Đức Giê-su của Mát-thêu không mời gọi “đón nhận” một trẻ em vì danh Người, nhưng lại đưa ra điều kiện là: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3). Trở nên như trẻ nhỏ trong bối cảnh của Mát-thêu là mầu nhiệm tự hạ: “Ai tự hạ, xem mình như em nhỏ này, người ấy là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18,4). Cả hai lần các môn đệ xuất hiện cùng với trẻ nhỏ, đều là là những lần các ông thể hiện khuynh hướng thống trị. Lần thứ nhất, các ông đang tranh dành ai là kẻ lớn nhất (Mc 9,34.36-37). Lần thứ hai, tức là lần này, các ông ra uy (la rầy) trẻ nhỏ và những người mang chúng đến ngay trước mặt Thầy của mình. Đức Giê-su công bố Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng, và mời gọi phải đón nhận Nước Thiên Chúa như chúng. Đó hẳn là một thân phận không có địa vị và phụ thuộc hoàn toàn vào Chúa, không tham mê quyền lực và thống trị kẻ khác. Hơn nữa, người môn đệ phải tự xem mình là người nhỏ nhất và là kẻ phục vụ người khác. Trong xã hội hiện đại, những người vị thành niên luôn cần một vị giám hộ, bởi vì chúng chưa đủ trưởng thành để chịu những trách nhiệm về pháp lý. Chúng phụ thuộc vào cha mẹ hoặc những người giám hộ. Phụ thuộc là một hành vi tiêu cực, tín thác lại là một hành động tích cực hơn. Người lớn mà cư xử như trẻ con là ấu trĩ, không trưởng thành. Tuy nhiên, trong tương quan với Chúa, con người vẫn mãi là những đứa trẻ con trong tay Người, vì họ vẫn phải cần sự dạy dỗ, nâng đỡ của Người để lớn lên từng ngày.

Bình luận tổng quát

Đức Giê-su đang trong hành trình lên Giê-ru-sa-lem. Người vẫn tiếp tục dạy dỗ đám đông những điều hay lẽ phải, như Người vẫn thường quen làm trên vùng Ga-li-lê. Giu-đê, đặc biệt Giê-ru-sa-lem không phải là nơi thuận lợi cho cuộc đời rao giảng của Người, thậm chí có thể nói là vùng nguy hiểm cho tính mạng của vị ngôn sứ Giê-su. Đây là nơi Người đã bị đuổi cùng giết tận ngay từ lúc mới sinh. Cuộc truy đuổi gắt gao đến nỗi Người phải bỏ xứ mà đi qua Ai-cập. Lúc trở về lại náu mình ờ miền quê Na-gia-rét. Tuy vậy, khi đến kỳ, đến hạn, Người cũng phải lên Giê-ru-sa-lem. Vừa bước đến vùng Giu-đê, Người đã gặp đối thủ truyền kiếp. Đó là nhóm người Pha-ri-sêu. Lúc Người còn giảng ở Ga-li-lê, họ đã từng lặn lội đến từ Giê-ru-sa-lem để chất vấn Người về luật “rửa tay trước khi ăn” (Mc 7,1). Lần này, Đức Giê-su đến vùng của họ rao giảng. Số phận nhiều rủi ro hơn, không chết thì cũng la lết. Họ chất vấn Người về luật ly hôn trong truyền thống Do Thái. Họ muốn thử Người, để biết đâu Người lỡ lời thì họ có dịp tấn công Người. Họ hỏi “có hợp pháp cho người đàn ông ly hôn vợ không”. Thực ra, họ đã có sẵn câu trả lời: Được phép, vì Mô-sê đã cho phép người chồng viết chứng thư và trả tự do cho người vợ (Đnl 24,1-4). Họ mong chờ nơi Đức Giê-su một lời đáp trả đi ngược lại với truyền thống này. Đức Giê-su quả thực đã đi ngược lại với truyền thống này, nhưng Đức Giê-su không chống lại điều khoản được ghi lại trong sách Đệ Nhị Luật (vốn được gọi là Luật Mô-sê). Nếu Đức Giê-su chống lại điều luật này thì nguy to, vì không ai không biết Mô-sê có thế giá như thế nào trong truyền thống dân Ít-ra-el. Đức Giê-su trong mắt họ chỉ là một vị ngôn sứ mới nổi mà thôi. Căn tính Ki-tô và tư cách Con Thiên Chúa của Người vẫn còn mờ nhạt trong đầu họ. Đức Giê-su giải thích lý do có phép ly hôn, là do sự cứng lòng của họ qua muôn thế hệ. Sự cứng lòng làm cho họ không thế đón nhận Luật Chúa ngay từ buổi sơ khai. Theo đó, người đàn ông lìa bỏ cha mẹ của mình và kết hiệp với vợ của mình. Cả hai trở thành một thịt. Đức Giê-su nhấn mạnh, họ không còn là hai nhưng là một thịt. Người còn còn chốt thêm một câu nói đến đặc tính thánh thiêng của mối dây nối kết vợ chồng: “Điều mà Thiên Chúa nối kết, loài người không được phân ly”. Thiên Chúa nối kết theo nghĩa rằng Người chuẩn nhận, chúc lành, và ban ơn nâng đỡ cho chọn lựa tự do nên một của đôi vợ chồng. Không thể phân ly, vì họ không còn là hai nữa nhưng là một. Là một thịt thì không thể phân đôi, vì nếu thế người ta sẽ phân đôi chính thân thể của mình. Vì không có bất kỳ một sự ly hôn bất hợp pháp nào, nên ly dị và tái hôn thì sẽ phạm tội ngoại tình, một tội mang đến khung hình phạt cao nhất. Đó là tử hình cho cả nam và nữ.

Thật hợp lý khi bố trí đoạn văn về những đứa trẻ (10,13-16) ngay sau đoạn nói về gia đình (10,1-12) bởi vì phụ nữ và trẻ em thường là những thành phần dễ bị tổn thương trong xã hội cổ xưa.[25] Chuyện ngoài đường với những người Pha-ri-sêu (10,1-12), được xếp song song với chuyện trong nhà với những người môn đệ (10,13-16). Đề tài về sự đón tiếp trẻ em ở chương chín (9,36-37) được tiếp nối bởi sự chúc lành cho những đứa trẻ ở chương mười (10,13-16). Dĩ nhiên, đây không chỉ là những câu chuyện quan tâm đến trẻ con trong xã hội. Nó là chuyện liên quan đến sự tử tế của một người môn đệ, trong cách đối xử với người khác. Đó cũng là chuyện liên quan đến điều hệ trọng nhất; là chuyện có được vào Nước Thiên Chúa và có sự sống đời đời hay không. Các môn đệ đã được dạy phải đón tiếp những đứa trẻ nhân danh Đức Giê-su, trong bối cảnh họ đang tranh chấp quyền lực trong nhóm của họ. Đối với họ, vị trí lớn nhất là điều hệ trọng, đáng quan tâm bậc nhất trong khi Đức Giê-su dạy họ phải trở nên người nhỏ nhất và làm người phục vụ người khác. Đón nhận và phục vụ một người không chút địa vị trong xã hội như là đứa trẻ, là đón nhận chính Chúa Cha. Đón nhận Chúa Cha đồng nghĩa với việc được chia sẻ vương quốc với Người. Trong đoạn Tin Mừng này, trẻ em được được xem như là hình mẫu để các môn đệ noi theo, nếu muốn vào Nước Thiên Chúa. Nếu thế, Nước Thiên Chúa hẳn là toàn trẻ con hay sao? Thưa! Không phải thế, Nước ấy thuộc về những ai xem Thiên Chúa là Cha và xem mình như là những đứa con cần được sự chúc lành của Cha. Những thành viên Nước Trời, là những người biết đón nhận vương quốc như một món quà của Chúa Cha. Những đứa trẻ có thể tin tưởng cách tuyệt đối vào những gì Cha của mình nói, không chút nghi ngờ. Những người “như những đứa trẻ” là những người dễ giận nhưng lại mau quên, không mang trong lòng sự thù oán quá lâu. Những trẻ nhỏ là những người vô tội, hồn nhiên, vui tươi. Những đứa trẻ là những người vô tư, trước những tranh giành vị trí lớn nhỏ trong xã hội. Những đứa trẻ, những người thiếu thốn phụ thuộc vào người lớn, dễ vào Nước Thiên Chúa bao nhiêu, thì những người giàu có, sở hữu nhiều tiền tài, khó vào Nước Thiên Chúa bấy nhiêu (10,23). Có quá nhiều đặc tính tốt nơi những đứa trẻ mà người lớn đánh mất và có nguy cơ đánh mất cả Nước Thiên Chúa.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Chú thích:

[1] X. R.E. Brown, An Introduction to the New Testament (New York – London – Toronto – Sydney – Auckland 1997) 127.

[2] Tác giả Luca là tác giả ghi lại nhiều nhất những trình thuật rao giảng của Đức Giê-su trên đường lên Giê-ru-sa-lem: từ 9,51 – 18,27)

[3] H. Bietenhard, The New International Dictionary of New Testament Theology Vol.2 (ed. C. Brown) (Grand Rapids 1976) “Pharisee”, 811.

[4] X. Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh (Phân Khoa Thần Học Học Viện Piô X Đà Lạt – Việt Nam dịch từ nguyên bản “Vocabulaire de Théologie Biblique”) (Hà Nội, 1973,1974,1975) “Pha-ri-siêu”, 1039-140.

[5] J.P.D. Thạch, “Bàn Tay Ô Uế hay Lòng Người Không Thanh Sạch” [LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: BÀN TAY Ô UẾ HAY LÒNG NGƯỜI KHÔNG THANH SẠCH. Chú Giải Tin Mừng CN XXII TN B (Mc 7,1-8.14-15.21-23) (josephpham-horizon.blogspot.com)] (truy cập 28/09/2021).

[6] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2002) 295.

[7]J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2002) 294.

[8] Trường phái Hillel giải thích lý do “một điều đáng xấu hổ” theo nghĩa rất rộng “ngay cả khi nàng làm hư món ăn nấu cho chàng” và Rabbi Aqiba cho rằng “thậm chí anh ta tìm thấy một phụ nữa khác đẹp hơn” (J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 296); C.A. Evans, Mark 8:27-16:20 (WBC; Dallas 2002) 34B, 84.

[9] J.H. Tigay, Deuteronomy (The JPS Torah Commentary; Philadelphia 1996) 221.

[10] S.R. Driver, A critical and exegetical commentary on Deuteronomy (ICC; Edinburgh 1902) 271.

[11] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2002) 193.

[12] C.A. Evans, Mark 8:27-16:20 (WBC; Dallas 2002) 34B, 84.

[13] J. Marcus, Mark 8–16. A New Translation with Introduction and Commentary (AYB; New Haven – London 2008) XXVII A,702.

[14] Ibid.

[15] A Greek-English lexicon of the New Testament and other early Christian literature (W. Arndt et al.) (Chicago – London 2000) 854.

[16] W.D. Davies – D.C., Jr. Allison, A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew (ICC; London – New York 2004) III, 16.

[17] R.T. France, The Gospel of Matthew (NICNT: Grand Rapids 2007) 721; C.S. Keener, The Gospel of Matthew. A Socio-Rhetorical Commentary (Grand Rapids – Cambridge 2009) 466.

[18] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2002) 299.

[19] J. Marcus, Mark 8–16. A New Translation with Introduction and Commentary (AYB; New Haven – London 2008) XXVII A, 715.

[20] Thánh Mát-thêu hay dùng Nước Trời thay vì Nước Thiên Chúa như Mác-cô và Luca.

[21] X. J.P.D. Thạch, “Bị ném vào Ghe-hen-na hay đi vào Nước Thiên Chúa”, [LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: BỊ NÉM VÀO GHE-EN-NA HAY ĐI VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA. Chú giải Tin Mừng CN XXVI TN B (Mc 9,38-48) (josephpham-horizon.blogspot.com)] (truy cập 29/09/2021).

[22] J. Marcus, Mark 8–16. A New Translation with Introduction and Commentary, 715.

[23] J. Marcus, Mark 8–16. A New Translation with Introduction and Commentary, 718.

[24] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 300.

[25]J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 300.

Bài trướcSINH THÁI TOÀN VẸN | Arnoldus Nota 10/2021 (tiếng Việt)
Bài tiếp theoSỰ GÌ THIÊN CHÚA KẾT HỢP, LOÀI NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC PHÂN LY (CN XXVII TN – B)