Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật III Thường Niên, Năm B (Mc 1,14-20)

0
4007

GỌI HAI CẶP ANH EM

♦ Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Bản văn và dịch sát nghĩa

Hy Lạp Việt
 14 Μετὰ δὲ τὸ παραδοθῆναι τὸν Ἰωάννην ἦλθεν ὁ Ἰησοῦς εἰς τὴν Γαλιλαίαν κηρύσσων τὸ εὐαγγέλιον τοῦ θεοῦ

15 καὶ λέγων ὅτι πεπλήρωται ὁ καιρὸς καὶ ἤγγικεν ἡ βασιλεία τοῦ θεοῦ· μετανοεῖτε καὶ πιστεύετε ἐν τῷ εὐαγγελίῳ.

16 Καὶ παράγων παρὰ τὴν θάλασσαν τῆς Γαλιλαίας εἶδεν Σίμωνα καὶ Ἀνδρέαν τὸν ἀδελφὸν Σίμωνος ἀμφιβάλλοντας ἐν τῇ θαλάσσῃ· ἦσαν γὰρ ἁλιεῖς.

17 καὶ εἶπεν αὐτοῖς ὁ Ἰησοῦς· δεῦτε ὀπίσω μου, καὶ ποιήσω ὑμᾶς γενέσθαι ἁλιεῖς ἀνθρώπων.

18 καὶ εὐθὺς ἀφέντες τὰ δίκτυα ἠκολούθησαν αὐτῷ.

19 Καὶ προβὰς ὀλίγον εἶδεν Ἰάκωβον τὸν τοῦ Ζεβεδαίου καὶ Ἰωάννην τὸν ἀδελφὸν αὐτοῦ καὶ αὐτοὺς ἐν τῷ πλοίῳ καταρτίζοντας τὰ δίκτυα,

20 καὶ εὐθὺς ἐκάλεσεν αὐτούς. καὶ ἀφέντες τὸν πατέρα αὐτῶν Ζεβεδαῖον ἐν τῷ πλοίῳ μετὰ τῶν μισθωτῶν ἀπῆλθον ὀπίσω αὐτοῦ. (Mk. 1:14-20 BGT)

14 Rồi, sau khi Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến, vào vùng Galilê rao giảng Tin Vui của Thiên Chúa

15 và nói rằng: “thời kỳ đã hoàn thành và Nước Thiên Chúa đã đến gần, ‘Anh chị em hãy hoán cải và tin vào Tin Vui”.

16 Và khi đang đi dọc theo biển Galilê, Người thấy các ông Simon và Anrê, người anh em của Simon đang quăng (lưới) trên biển vì họ là những người đánh cá.

17 Và Đức Giêsu nói với họ: “Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ chài lưới con người”

18 Lập tức, sau khi bỏ lưới lại, họ đi theo Người.

19 Và khi tiếp tục đi về phía trước một chút nữa, Người thấy hai ông Giacôbê và Gioan, người anh em của ông. Họ đang vá lưới trong thuyền.

20 Và ngay lập tức Người gọi họ và sau khi bỏ cha của họ là ông Dêbêđê lại trong thuyền với những người làm thuê, họ đi theo Người.

 

Bối cảnh: Đoạn văn Mc 1,14-20 được trích ra từ trình thuật về khởi đầu của sứ vụ của Đức Giêsu tại Galilê. Sứ vụ ấy được tiếp tục ngay sau khi Gioan Tẩy Giả bị nộp. Sự tiếp nối này làm rõ lời bộc bạch của Gioan rằng ông chỉ là kẻ “làm phép dìm trong nước”, còn Đức Giêsu mới chính là Đấng làm “phép rửa với Thánh Thần” (Mc 1,8). Đoạn này được kết nối bởi hai đoạn nhỏ. Đoạn Mc 1,14-15 được xem như là đoạn chuyển tiếp và giới thiệu tổng quát về hoạt động rao giảng cũng như thông điệp chính của Đức Giêsu và đoạn Mc 1,16-20 trình thuật về việc Đức Giêsu gọi 4 môn đệ đầu tiên. Rao giảng và tuyển chọn môn đệ, rồi tiếp sau đó là huấn luyện môn đệ để các ông tiếp tục sứ vụ là những hoạt động cho thấy dây chuyền trong cách thức truyền rao Tin Mừng của Đức Giêsu.

Cấu trúc

Bối cảnh (14): Sau khi Gioan bị nộp – Đức Giêsu đến rao giảng Tin Mừng

Thông điệp Tin Mừng (15):

–       Thời kỳ đã hoàn thành

–       Nước Thiên Chúa đã đến gần,

–       Anh chị em hãy hoán cải và tin vào Tin Vui

Những con người hoán cải (16-20)

Cặp Simon và Anrê (16-18)

–       Nhìn thấy – nói: “Hãy đi theo tôi”

–       Bỏ lưới lại – đi theo

Cặp Giacôbê và Gioan (19-20)

–       Nhìn thấy – gọi

–       Bỏ cha lại trong thuyền với người làm thuê – đi theo

 

Một số điểm chú giải:

  1. Sau khi Gioan bị nộp: Trạng từ thời gian “sau khi” cho thấy rõ là hoạt động rao giảng của Đức Giêsu chỉ tiếp nối sau khi sứ mạng của người dọn đường kết thúc. Điều đáng nói ở đây là động từ nộp (παραδίδωμι). Động từ này nối kết cách chặt chẽ Giêsu với Gioan. Động từ này chỉ dùng cho Gioan một lần nhưng lại dùng cho Đức Giêsu rất nhiều lần. Giuđa Ítcariốt được định nghĩa là “kẻ nộp Người” (Mc 3,19). Người cũng nói ám chỉ đến Giuđa rằng: “Khốn cho kẻ nộp Con Người” (14,21). Đức Giêsu thông báo hai lần rằng Người sẽ “bị nộp” vào tay người ta (9,31); rồi “vào tay các thượng tế và các luật sĩ” (10,33). Và cuối cùng “Con Người bị nộp vào tay những người tội lỗi”, bởi chính người môn đệ Giuđa Ítcariốt (14,41). Nghĩa là, khi Máccô đề cập đến chi tiết Gioan bị nộp không đơn giản chỉ để thông tin qua loa, nhưng là nói đến số phận một người ngôn sứ bị nộp và bị giết bởi người đời. Đó là báo trước cho số phận “bị nộp” của Đức Giêsu.[1] Gioan dọn đường cho Chúa ngay cả trong cách thức ông bị nộp bởi vì hình ảnh ông bị nộp cho thấy trước Đấng ông giới thiệu cũng sẽ bị nộp. Đức Giêsu bị nộp một cách thê thảm hơn bằng chính nụ hôn của người môn đệ thân tín. Số phận bị nộp của Đức Giêsu cũng là số phận của các môn đệ của Người và tất cả những tín hữu (Mc 13,9.11.12).
  2. Galilê: Đây là vùng đất quê hương của Đức Giêsu và của các môn đệ.[2] Galilê thuộc miền Bắc của nước Ítrael. Đây chính là vùng đất Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ và trải qua hầu hết thời gian rao giảng của mình, theo Tin Mừng Nhất Lãm. Galilê thời Chúa Giêsu được chia làm hai vùng là Galilê trên và Galilê dưới. Trong khi Galilê trên (thượng) hầu hết là những vùng đồi núi khô cằn thì Galilê dưới (hạ) là vùng đất trù phú có nhiều đồng bằng thuận lợi cho việc trồng trọt và chăn nuôi. Galilê có đại lộ Đông-Tây nổi tiếng, là đường giao thương buôn bán qua lại giữa các vùng. Đặc biệt Galilê dưới có hai thành phố giàu có và nổi tiếng Sêphoris và Tibêria. Đây là hai thành phố được Hêrôđê Antipa thành lập. Thành phố Tibêria nằm ngay bên biển hồ Galilê. Chính vì thế mà biển hồ Galilê còn được gọi là biển hồ Tibêria (Ga 6,1). Caphacnaoum nằm ngay bên bờ biển hồ Galilê. Bétsaiđa, Nadarét, núi Tabo, Mácđala, Cana đều nằm trong vùng Galilê. Muốn đi từ Galilê lên Jêrusalem người ta phải băng qua miền trung Samari. Tại sao Đức Giêsu lại bắt đầu sứ vụ của Người tại Galilê và Galilê có phải là vùng đất của dân ngoại? là hai câu hỏi mà các nhà chú giải vẫn còn nhiều tranh luận. Có thể Galilê là vùng đất của dân ngoại nên Đức Giêsu dành nhiều thời gian tại đây để rao giảng Tin Vui. Hoặc cũng có thể vì Đức Giêsu là người Nadarét nên Người quen thuộc Galilê hơn vùng kinh thành Jêrusalem. Có một điều khá lạ lùng là Thánh Kinh chẳng có một tường thuật nào ghi lại Người vào một thành phố lớn nào như Sêphoris hay Tibêria để rao giảng. Người ưa thích miền quê, ven biển và miền núi, vùng dân ngoại ngoài Galilê. Jêrusalem cũng chỉ là nơi Người trải qua cuộc Thương Khó và bị giết chết. Máccô nhắc đến địa danh Galilê 11 lần. Đó là nơi Đức Giêsu chịu phép rửa (1,9); là nơi Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng (1,14); là nơi Người chọn 4 môn đệ đầu tiên (1,16); nơi mà tin tức về Người lan tỏa khắp vùng một cách nhanh chóng (1,28); nơi Người tới lui để rao giảng trong các hội đường (1,39)… và cũng là điểm hẹn của Người với các môn đệ sau khi Người Phục Sinh (14,28; 16,7).
  3. Rao giảng: Động từ rao giảng cũng là động từ nối kết Gioan Tẩy Giả với Đức Giêsu. Gioan xuất hiện, làm phép dìm trong hoang địa và rao giảng một phép dìm của lòng hoán cải để được ơn tha tội (Mc 1,4). Đức Giêsu cũng rao giảng nhưng nội dung rao giảng của Đức Giêsu là “Tin Mừng của Chúa” chứ không phải là “phép dìm của lòng hoán cải”.[3] Động từ này cũng nối kết sứ vụ rao giảng của Đức Giêsu với sứ vụ của các môn đệ. Người chọn nhóm Mười Hai với mục đích là để họ ở với Người và Người sai họ đi rao giảng (Mc 3,14). Điều này chứng tỏ rằng sứ vụ của Đức Giêsu có tính liên tục. Các tông đồ không chỉ rao giảng thông điệp của Chúa Giêsu nhưng còn rao giảng về Đức Giêsu, nhất là Đức Giêsu Phục Sinh.
  4. Tin Vui của Chúa (τὸ εὐαγγέλιον τοῦ θεοῦ): Danh từ Tin Mừng, Tin Vui gợi nhớ đến lời giới thiệu của Máccô vào đầu sách Tin Mừng của ông: Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa (Mc 1,1). Tuy vậy, Tin Mừng ở đây là Tin Mừng do Đức Giêsu rao giảng về Thiên Chúa. Còn Tin Mừng trong Mc 1,1 là Tin Mừng về Đức Giêsu, đặc biệt là biến cố tử nản và Phục Sinh. Theo J. Marcus, Máccô rất ý thức sự khác nhau giữa Tin Mừng tiền-Phục Sinh và hậu-Phục Sinh.[4] Danh xưng Thiên Chúa ở thuộc cách có thể hiểu là “Tin Mừng về Thiên Chúa” (thuộc cách vị ngữ) cũng như Tin Mừng của (từ) Thiên Chúa (thuộc cách chủ ngữ). Đức Giêsu đến và mang theo Tin Mừng của Thiên Chúa. Sứ vụ của Người là làm cho Tin Vui này được lan rộng và được nhiều người đón nhận. Danh ngữ “Tin Mừng của Chúa” chỉ xuất hiện trong tác phẩm của Máccô và của thánh Phaolô (1Tx 2,2.9; 3,2; Rm 1,1; 15,6; 2Cr 11,7).[5]
  5. “Thời kỳ đã tròn đầy”: Đây chính là nội dung Đức Giêsu rao giảng. Nó gồm một câu chỉ bối cảnh, hay lý do, và một câu mệnh lệnh mang tính chỉ dẫn là phải làm gì. Danh ngữ “thời kỳ đã mãn” được R. Guelich hiểu là “thời gian ấn định đã đến”. Danh từ thời gian được dùng với mạo từ xác định rõ ràng ám chỉ đến một khoảng thời gian xác định chứ không phải bất cứ thời gian nào. Thời gian ở đây có thể là khoảng thời gian có bối cảnh mang tính ngôn sứ-khải huyền ứng với sự mong chờ của ngôn sứ Daniel: “Cho đến những ngày Xưa Củ đến và công bố cuộc xét xử ủng hộ cho dân thánh của Đấng Tối Cao và thời điểm đến khi họ thừa hưởng Vương Quốc” (Đn 7,22); hay của Êdêkiel: “Thời gian đã đến, ngày đã đến, hãy để người mua không vui mừng và kẻ bán cũng không đau buồn vì sự phẫn nộ của ta trút xuống trên đám đông” (Ed 7,12; 9,1). Động từ “πεπλήρωται” có ý nghĩa mang tính lịch sử cứu độ của sự đang hoàn trọn hay sẽ xảy ra hơn là sự đã hoàn thành.[6] Động từ được dùng ở thì hoàn thành cho thấy hành động đã xảy ra và có ý nghĩa kéo dài. Thể bị động của động từ thường được gọi là bị động thần linh, cho thấy rằng Chúa chính là chủ thể của hành động.
  6. “Nước Thiên Chúa đã đến gần”: Tin Mừng của Thiên Chúa song song với Nước của Thiên Chúa. Việc Nước Thiên Chúa đã đến gần có thể là một phần của thời kỳ đã mãn, cũng có thể là một thông điệp Tin Mừng song song với “thời kỳ ấn định đã mãn”. Danh từ “ἡ βασιλεία” trong tiếng Hy Lạp vừa có nghĩa là vương quốc (một nơi chốn, một lãnh địa nơi mà đức vua cai trị), vừa có nghĩa là triều đại (thời gian cai trị của một đức vua). Sự rao giảng về vương quốc (triều đại) Thiên Chúa chung chung được chấp nhận như là trọng tâm của lời rao của Đức Giêsu. Thánh Kinh Cựu Ước, tuy không dùng khái niệm “nước Thiên Chúa”, nhưng ý niệm Đức Chúa là vua lại được nhấn mạnh trong suốt lịch sử (Xh 15,11-13.18; Ds 23,21-23; Tv 2; 72; 89; 110; 145,11-12- những thánh vịnh hoàng gia; Tv 95-100 – có thể là Thánh Vịnh đăng quang) cũng như vào thời kỳ lịch sử đã mãn khi sự cai trị của Thiên Chúa sẽ được thiết lập (Mc 2,12-13; 4,5-7; Is 44,1-8; Dcr 9.9-11; Dn 2,44; 7, 11-14).[7] Như vậy, Đức Giêsu dường như lồng ghép ý tưởng về một thời kỳ tươi sáng khi Thiên Chúa cai trị vào ý tưởng “Nước Thiên Chúa hay triều đại Thiên Chúa” của Người. Đức Giêsu muốn ngụ ý rằng, tất cả những điều các ngôn sứ Cựu Ước mong mỏi và nói trước, nay đã ứng nghiệm rồi. Có một số những điểm chính liên quan đến “vương quốc” mà Đức Giêsu rao giảng: (1) Nó đã đến gần (Mc 1,15), ở giữa họ (Lc 17,21); (2) Đức Giêsu vẫn nói về nó như là tương lai. Các môn đệ của Người phải cầu nguyện xin cho “triều đại Cha mau đến” (Mt 6,10); Người sẽ không uống sản phẩm từ cây nho cho đến khi Vương Quốc Chúa đến (Lc 22,18); (3) Nó liên kết cách mật thiết với chính con người của Đức Giêsu. Chính trong các hoạt động của Người mà người ta nhận ra sự hiện diện của Nước Thiên Chúa (Mt 12,28=Lc 11,20). Chính bởi vì Đức Giêsu ở giữa họ mà Nước Trời cũng ở giữa họ (Lc 17,21). Chính trong lời nói và hành động của Người mà vương quốc đã đến.[8]
  7. “Anh chị em hãy hoán cải và tin vào Tin Vui”: Mệnh lệnh, hay lời mời gọi của Đức Giêsu bao gồm hai phần: “Hoán cải” và “tin vào Tin Vui”. Tin Vui, hay Tin Mừng này có thể mang hai nghĩa. Đó vừa là thông điệp, lời nói và hành động của Đức Giêsu vừa là chính con người của Đức Giêsu. Tin Mừng Nhất Lãm nhấn mạnh hơn về lời giảng và hành động (chữa bệnh, trừ quỷ, các dấu lạ) của Đức Giêsu trong khi đó Tin Mừng Gioan, dầu không bỏ qua những dấu lạ, nhưng nhấn mạnh đến niềm tin vào chính Đức Giêsu (Ga 3,16.18.36; 6,35.40). Tin vào Tin Vui, nghĩa là tin vào những lời giảng và hành động của Đức Giêsu hay tin vào chính con người của Đức Giêsu. Nó có thể được xem như là một biểu hiện của “sự hoán cải”. Theo nghĩa này, tin vào Đức Giêsu không chỉ có nghĩa là không nghi ngờ những gì Người nói và Người làm, cũng như nghi ngờ về thân phận, căn tính của Người. Hành động “tin” phải có nghĩa tích cực và năng động hơn. Đó chính là sự “tin theo”. Nghĩa là tin bằng hành động, tin bằng cách rập khuôn đời mình theo Đức Giêsu. Động từ “μετανοέω” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là sự thay đổi về trí lòng, hoán cải, hối hận, cảm thấy có lỗi… nghĩa là nó không chỉ có nghĩa là một thái độ hối hận về lỗi lầm của mình và chừa bỏ nó, nhưng hơn thế nữa là một sự thay đổi tận căn về trí và lòng theo gương mẫu của Đức Giêsu. Nó có nghĩa là quay ngược lại khỏi lối sống trước đây của một con người, được xác quyết bởi một loạt những cam kết, thực hành, quay về và chấp nhận khởi đầu của thần linh qua tác nhân là Đức Giêsu.[9]
  8. Thấy … nói cùng… thấy … gọi: Đoạn Mc 1,16-20 có thể được chia ra làm 2 đoạn nhỏ với sự phân biệt ơn gọi dành cho hai cặp anh em khác nhau: cc-16-18 dành cho Simon và Anrê; cc. 19-20 dành riêng mô tả ơn gọi của Giacôbê và Gioan.[10] Tuy nhiên, có thể thấy là các mẫu thức diễn tả sự chọn gọi hai cặp anh em khá giống nhau. Nó đều được bắt đầu bằng những hành động chủ động từ phía Đức Giêsu. Đức Giêsu đi ngang qua, Người thấy (nhìn), và nói cùng (trường hợp sau là gọi). Hành động đi ngang qua của Đức Giêsu tưởng chừng như là một hành động bình thường của đời thường. Ai cũng có lúc đi ngang qua một nơi nào đó vào một lúc nào đó. Nhưng không phải thế, Đức Giêsu đi ngang qua nơi ấy bởi vì Người muốn nhìn thấy hai cặp anh em nơi ấy vào lúc ấy. Hành động đi ngang qua này của Đức Giêsu cũng gợi nhớ đến việc Êlia đi ngang qua Êlisa trước khi trao sứ vụ cho ông (1 V 19,19). Nó cũng gọi nhớ đến việc Chúa đi ngang qua Êlia trước đó (1 V 19,11).[11] Biển hồ Galilê chính là không gian sống và làm việc của bốn môn đệ đầu tiên: Simon, Anrê, Giacôbê, Gioan. Họ đang làm những hành động khác nhau nhưng cũng không ngoài những hoạt động mưu sinh của đời thường. Simon và Anrê đang quăng lưới trên biển trong khi Giacôbê và Gioan đang vá lưới trong thuyền. Cả bốn người đều được Đức Giêsu nhìn thấy. Động từ “ὁράω” trong Hy ngữ không chỉ có nghĩa đơn giản là nhìn thấy, nhìn vào mà còn có nghĩa là nhận thức, kinh nghiệm, nhận ra, tìm thấy, biết. Cái nhìn của Đức Giêsu chắc chắn không đơn giản chỉ là nhìn thấy nhưng còn thấu hiểu, biết và tìm thấy. Người đi đến để tìm thấy các ông trong cuộc sống lao động thường ngày, trong chính không gian, thế giới quen thuộc của các ông. Hai động từ dùng diễn tả sự mời gọi dành cho hai cặp anh em là khác nhau. Với Simon và Anrê, Đức Giêsu “nói cùng” (εἶπεν) còn với Giacôbê và Gioan, Người “gọi” (ἐκάλεσεν). Động từ “gọi” xem ra chuyên môn hơn là động từ “nói cùng”. Tuy nhiên, có lẽ Máccô chỉ muốn tránh lặp lại một động từ dành cho hai cặp anh em khác nhau chứ không hẳn là ông muốn phân biệt cách mời gọi dành cho hai cặp anh em này. Sự đáp trả và hiệu quả của lời mời gọi là như nhau. Hơn nữa, đối với hai anh em Simon và Anrê Máccô trích dẫn lời mời gọi của Đức Giêsu (hãy theo tôi-δεῦτε ὀπίσω μου) còn với anh em Giacôbê và Gioan, Máccô không trích lại lời mời gọi này. Có lẽ vì thế mà động từ “gọi” phải được dùng với ngụ ý rằng họ cũng được nghe cùng lời mời gọi như hai anh em Simon và Anrê.
  9. “Hãy theo tôi” (δεῦτε ὀπίσω μου). Trong văn chương Rabbi một học trò thỉnh thoảng “đi theo sau” thầy của mình, gia nhập thầy mình trên hành trình của ông và duy trì khoảng cách một cách tôn trọng phía sau ông ấy. Như thế, sự theo biểu thị sự kính trọng của người học trò dành cho thầy mình, cam kết cá nhân cho ông ta, và mong muốn của người học trò muốn học từ cách thức mà người thầy giải quyết những vấn đề cụ thể trong cuộc sống.[12]
  10. “lập tức bỏ lại” (εὐθὺς ἀφέντες) …… “đi theo” (ἠκολούθησαν, ἀπῆλθον ὀπίσω). Sư từ bỏ được đánh dấu tô đậm bởi trạng từ “εὐθὺς” (ngay lập tức). Sự từ bỏ là bước đầu tiên và tất yếu của “sự đi theo”. Động từ “từ bỏ” được chia ở lối phân từ (participle) đóng vai trò như là một mệnh đề thời gian cho mệnh đề chính là “đi theo”. Có thể hiểu là sau khi từ bỏ, họ đi theo Đức Giêsu. Hai cặp anh em có hai sự từ bỏ khác nhau. Căp Simon-Anrê thì bỏ lưới lại. Bỏ lưới trong bối cảnh này có thể hiểu như là bỏ nghề nghiệp, bỏ đi cần câu cơm, bỏ những cơ hội vật chất, cơ hội kiếm tiền, kiếm ăn ổn định, thường ngày. Bởi vì khi Đức Giêsu thấy họ, họ đang đánh cá trên biển hồ. Cặp Giacôbê-Gioan không chỉ bỏ lưới lại nhưng còn bỏ gia đình mình, bỏ cha, bỏ mẹ, anh chị em và những người làm công. Chi tiết những người làm công cho thấy những người này không chỉ đánh bắt nhỏ lẻ cách thủ công nhưng có một phương tiện khai thác và buôn bán cá khá lớn. Họ có thể thuộc tầng lớp cao chứ không phải tầng lớp nghèo hèn.[13] Cũng như ý tưởng “kêu gọi” được sử dụng bằng hai động từ khác nhau (nói cùng và gọi), ý tưởng “đi theo” cũng được Máccô chuyển tải bằng hai động từ khác nhau. Động từ “theo sau” (ἠκολούθησαν) được sử dụng cho hai anh em Simon và Anrê. Động từ ἀπῆλθον (đi ra) cùng với giới từ ὀπίσω (phía sau) được dùng cho hai anh em Giacôbê và Gioan. Hai cách dùng này cũng không mang nhiều sự khác biệt về ý nghĩa. Có lẽ, Máccô chỉ muốn thay đổi động từ cho khỏi lặp lại. Sự lặp lại giới từ “ὀπίσω” của lời mời gọi của Đức Giêsu trong động từ này, cho thấy rằng Máccô muốn ngụ ý rằng Đức Giêsu dùng cùng một mệnh lệnh cho cả hai cặp và họ cùng đáp lại như nhau. Sự từ bỏ khác nhau của hai nhóm người cũng không ngụ ý sự phân biệt cho bằng sự chia sẻ cùng một sự từ bỏ cho cả hai nhóm. Nghĩa là, Simon và Anrê từ bỏ lưới không có nghĩa là họ không từ bỏ cha mẹ và gia đình. Cũng vậy, Giacôbê và Gioan từ bỏ cha và người làm công không có nghĩa là họ không từ bỏ chài lưới. Từ bỏ sự nghiệp và người thân là sự từ bỏ chung cho cả hai nhóm.
  11. “Những kẻ chài lưới con người”: lời hứa hẹn của Đức Giêsu chỉ có vậy. Đức Giêsu chơi chữ cách khéo léo. Máccô đã cho biết rằng họ là “những ngư phủ” và Đức Giêsu lại hứa hẹn sẽ làm cho họ trở thành “những ngư phủ của người ta”. Đây là một lời hứa hẹn khá lạ kỳ. Đức Giêsu không hứa một sự nghiệp vững chắc, một đời sống sung túc giàu có, hay một địa vị cao quý. Chỉ là một sự chuyển đổi đối tượng mà các ông phải đánh bắt. Thay vì cá, các ông sẽ đánh bắt người ta. Hình ảnh này gợi nhớ đến Gr 16,16, trong đó, Đức Chúa nói rằng Ngài “sẽ gửi cho nhiều ngư phủ” trong bối cảnh sự phán xét cánh chung. Trong Mt 13,47-50, dụ ngôn “chiếc lưới cá” cũng trong bối cảnh của sự phán xét.[14] Nếu đoạn văn này của Máccô ám chỉ đến tinh thần của Gr 16,16, thì lời nói của Đức Giêsu có nghĩa là các môn đệ sẽ mang tội nhân đến cuộc phán xét.[15]

Bình luận

Sứ vụ Đức Giêsu được tiếp nối ngay sau khi Gioan bị nộp như một tất yếu. Kẻ dọn đường lui vào bóng tối và người được dọn đường bước ra ánh sáng. Cái cách mà Gioan lui vào bóng tối (bị nộp) cũng kịp để lại dấu ấn rõ ràng cách thức mà ông chuẩn bị cho Đấng Mêsia. Bởi lẽ, Đấng Mêsia rồi đây cũng sẽ bị nộp như là kẻ dọn đường. Không những thế, những kẻ tin theo Đấng Mêsia cũng chịu một số phận tương tự.

Vùng đất mà Đức Giêsu rao giảng không đâu xa lạ chính là vùng quê của Người. Galilê có thể có nhiều dân ngoại, hoặc là dân Do Thái ngoại lai cần được nghe Tin Vui. Galilê cũng chính là điểm hẹn giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Sứ vụ của họ cũng sẽ phản ánh sứ vụ của Đức Giêsu và cũng phát xuất từ Galilê.

Tin vui mà Đức Giêsu rao giảng là Tin Vui của Thiên Chúa, hay Tin vui đến từ Thiên Chúa và cũng là Tin Vui về Thiên Chúa. Chúa chính là căn nguyên và nguồn gốc của Tin Vui. Tin vui đó là gì? Thưa Tin Vui đó là thời kỳ cánh chung, thời kỳ cứu độ đã và đang hoàn thành. Nước Chúa đã đến ngay bên và Đức Chúa sẽ ngự trị và điều hành đất nước này. Đề tài Nước Thiên Chúa sẽ được Đức Giêsu khai triển và giải thích trong suốt sứ vụ rao giảng của Người. Điều mà chúng ta cần làm là: “Hoán cải và tin vào Tin Mừng”. Đây chính là thông điệp chính yếu của Tin Mừng mà Đức Giêsu rao giảng. Hoán cải là quay ngược và hướng về Thiên Chúa. Đó không chỉ là sự chừa bỏ tội lỗi, thói hư, tật xấu nhưng là để cho trí và lòng mình được biến đổi nên giống trí lòng của Chúa. Đâu là ý muốn của Chúa cho cuộc đời từng cá nhân. Một phần của hoán cải chính là tin vào Tin Mừng. Đó là tin vào con người của Đức Giêsu và tin vào những lời Người nói, những việc Người làm.

Kết quả, bằng chứng của một sự hoán cải triệt để được thể hiện nơi bốn môn đệ đầu tiên. Đức Giêsu đã tìm đến Simon-Anrê-Giacôbê-Gioan. Người tìm thấy họ, nhìn họ, biết họ và gọi họ. Tiếng gọi quyền năng, uy lực của Người đã lay động con tim và khối óc của bốn ngư phủ này. Họ đã đáp trả một cách quảng đại bằng cách bỏ lưới bỏ thuyền, bỏ cha, bỏ người làm công để theo Đức Giêsu rày đây mai đó. Nghĩa là họ phải từ bỏ tất cả những cơ hội làm ăn, kiếm sống, môi trường quen thuộc, mái ấm gia đình, và người thân để theo Đức Giêsu. Từ bỏ gia đình, người thân, quê hương chưa phải là từ bỏ tất cả vì họ sẽ được mời gọi từ bỏ chính mình nữa. Từ bỏ hết mọi sự và cả chính mình để rồi đi theo Đức Giêsu trọn đời. Đi theo Đức Giêsu không chỉ là đồng hành với Người trên hành trình rao giảng mà còn phải đi theo Người trên con đường thập giá đau thương nữa (Mc 8,34; Mt 16,24; Lc 9,23). Lời hứa hẹn là họ sẽ được huấn luyện để trở nên ngư phủ lưới người. Không gian làm việc của họ từ nay không còn là biển cả nhưng là biển thế gian. Đối tượng mà họ đánh bắt không còn là cá nữa nhưng là con người. Phương tiện làm việc của họ không còn là lưới nữa nhưng là lưỡi và con tim. Họ sẽ học cách làm sao để thuyết phục người khác tin vào Tin Mừng. Cha mẹ và người thân của họ không còn bị giới hạn trong phạm vi máu mủ ruột rà. Người thân của họ mở rộng ra cho Thiên Chúa và nhân loại. Đức Giêsu chính là anh cả và mọi người đều là anh chị em với nhau. Quê hương của họ không còn là Galilê, Bếtsaiđa nữa nhưng là thế giới và Nước Trời.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch SVD

Chú thích

[1] J.R. Edwards, The Gospel According to Mark (PNTC; Grand Rapids – Leicester 2002) 44.

[2] R.A. Guelich, Mark 1-8:26 (WBC 34A; Dallas 2002) 42.

[3] A.Y. Collins – H.W. Attridge cho rằng câu 14: Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng của Chúa song song với câu 4: Gioan rao giảng phép rửa của lòng sám hối [A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia; Minneapolis 2007) 153.

[4] J. Marcus, Mark 1-8. A New Translation with Introduction and Commentary (AYBC; New Haven – London 2008) 172.

[5] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2005) 70.

[6] R.A. Guelich, Mark 1-8:26, 43.

[7] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 71.

[8] C.E.B Granfield, The Gospel According to Saint Mark (CGTC; Cambridge 1959) 66-67.

[9] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark, 155.

[10] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark, 155.

[11] J. Marcus, Mark 1-8, 179.

[12] J. Marcus, Mark 1-8, 180.

[13] R.A. Guelich, Mark 1-8:26, 50.

[14] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 74.

[15] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark, 159.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Sáu, Tuần 2 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 2 TN)