Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật V Phục Sinh, Năm C (Ga 13,31-35)

0
248

“ĐIỀU RĂN MỚI” CÓ GÌ MỚI?

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

 

Bản văn và dịch sát nghĩa (Ga 13,31-35)

Hỵ Lạp Việt
31 Ὅτε οὖν ἐξῆλθεν, λέγει Ἰησοῦς· νῦν ἐδοξάσθη ὁ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου καὶ ὁ θεὸς ἐδοξάσθη ἐν αὐτῷ·

32 [εἰ ὁ θεὸς ἐδοξάσθη ἐν αὐτῷ], καὶ ὁ θεὸς δοξάσει αὐτὸν ἐν αὐτῷ, καὶ εὐθὺς δοξάσει αὐτόν.

33 τεκνία, ἔτι μικρὸν μεθ᾽ ὑμῶν εἰμι· ζητήσετέ με, καὶ καθὼς εἶπον τοῖς Ἰουδαίοις ὅτι ὅπου ἐγὼ ὑπάγω ὑμεῖς οὐ δύνασθε ἐλθεῖν, καὶ ὑμῖν λέγω ἄρτι.

34   Ἐντολὴν καινὴν δίδωμι ὑμῖν, ἵνα ἀγαπᾶτε ἀλλήλους, καθὼς ἠγάπησα ὑμᾶς ἵνα καὶ ὑμεῖς ἀγαπᾶτε ἀλλήλους.

35 ἐν τούτῳ γνώσονται πάντες ὅτι ἐμοὶ μαθηταί ἐστε, ἐὰν ἀγάπην ἔχητε ἐν ἀλλήλοις. (Jn. 13:33-35 BGT)

31 Khi anh ta [Giuđa] đã đi ra, Đức Giêsu nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa được tôn vinh trong Người.

32 [nếu Thiên Chúa được tôn vinh trong Người], Thiên Chúa sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và [Thiên Chúa] sẽ tôn vinh Người ngay lập tức.

33 Các con thân mến, Thầy còn ở với các con ít lâu nữa, các con sẽ tìm Thầy, nhưng như Thầy đã nói cùng những người Do Thái rằng: “Nơi tôi đi, các ông không thể đến”, giờ đây Thầy cũng nói với các con.

34 Thầy ban cho các con một điều răn mới rằng các con phải yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con, các con cũng phải yêu thương nhau.

35 Qua điều này tất cả mọi người biết rằng các con là môn đệ của Thầy, nếu các con có lòng yêu thương nhau.

 

Bối cảnh

Trong bối cảnh rộng Ga 13,31-35 nằm trong phần thứ ba của Tin Mừng Gioan thường được gọi là “Sách của sự vinh quang” (13,1 – 20,29).[1] Nội dung căn bản của “sách của sự vinh quang” là Đức Giêsu đi về với Chúa Cha. Con đường đi về với Chúa Cha của Đức Giêsu gồm có ba chặng: Đau khổ, chết và phục sinh. Trong bối cảnh hẹp hơn, bản văn này nằm trong diễn từ từ biệt của Đức Giêsu, những lời tâm tình của Đức Giêsu với các môn đệ trước lúc chia tay (13,1 – 16,33). Trong bối cảnh trực tiếp, bản văn này nằm ngay sau trình thuật về việc Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ và tiền báo Tông Đồ Giuđa sẽ phản bội (Ga 13,1-30). Tiếp theo sau đoạn văn này là lời tiền báo về việc ông Phêrô sẽ chối Chúa (Ga 13,36-38). Nghĩa là, bản văn nằm giữa hai lời tiền báo buồn: Trước là lời báo trước ông Giuđa sẽ nộp Thầy, sau là lời báo trước ông Phêrô sẽ chối Thầy. Nếu kết hợp với trình thuật “Rửa Chân” toàn bộ đoạn văn Ga 13,1-38 sẽ có cấu trúc xen kẽ giữa tình yêu và sự chối từ: Tình yêu thể hiện qua việc rửa chân (13,1-20) – ông Giuđa sẽ nộp Thầy (13,21-30) – Điều răn yêu thương (13,31-35) – ông Phêrô chối Thầy (13,36-38).

Cấu trúc

Bối cảnh: Khi Giuđa đã đi ra (31a)

Mặc khải giờ tôn vinh (31b-32)

Mặc khải nơi Người sẽ đi (33)

Ban điều răn mới (34) 

Người ban: Đức Giêsu

Người nhận: Các môn đệ.

Nội dung: Các con phải yêu thương nhau,

Điểm quy chiếu của tình yêu: yêu như Đức Giêsu

Dấu chỉ đặc trưng của người môn đệ: Yêu thương nhau (35)

 

Các điểm chú giải

  1. Khi Giuđa đã đi ra: Mệnh đề thời gian “khi Giuđa đã đi ra khỏi rồi” nối kết chặt chẽ với câu chuyện trước đó, câu chuyện nói về kế hoạch nộp Thầy của ông Giuđa. Câu chuyện đó được kết thúc bằng: “Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra, lúc đó trời đã tối”. Động từ “đi ra khỏi” (13,31) cũng chính là động từ được dùng để mô tả hành động “rời khỏi” của môn đệ Giuđa trong 13,30. Động từ “đi ra khỏi” bỏ ngõ một túc từ chỉ nơi chốn. Địa điểm mà môn đệ Giuđa rời khỏi, theo không gian thể lý, có thể hiểu là “phòng Tiệc Ly” (x. Lc 22,7-13; Mc 14,12-16). Tuy nhiên, theo không gian thần học, môn đệ Giuđa không chỉ “rời khỏi” phòng Tiệc Ly, mà còn rời khỏi vòng tay của Đức Giêsu, rời khỏi cộng đoàn nhóm Mười Hai. Hành động “rời khỏi” của ông như là một sự cắt đứt tương quan Thầy-trò, rời khỏi vòng tay yêu thương của Đức Giêsu, bẻ gãy mối tương quan huynh đệ của Nhóm Mười Hai. Hành động của ông có đầy đủ suy tính và chọn lựa. Hơn nữa, mặc dù ông đã được chính Đức Giêsu nhắc nhở, ông vẫn quyết định đi vào đêm tối. Dưới sự chỉ dẫn của ma quỷ, ông đã nộp Thầy, và không bao giờ quay trở lại với Nhóm Mười Hai nữa. Khoảng thời gian “khi Giuđa rời khỏi” được đặt làm bối cảnh cho tất cả diễn từ từ biệt, Đức Giêsu tâm tình cùng các môn đệ từ 13,30 – 16,33. Đây là khoảng thời gian khủng hoảng của nhóm các môn đệ. Họ đang đối diện với sự phản bội của người anh em Giuđa. Họ sẽ đối diện với lời tiền báo về ba lần “chối Thầy” của vị Tông Đồ trưởng, và họ trở nên bơ vơ hụt hẫng trước sự ra đi của Thầy Giêsu.
  2. Con Người được tôn vinh … Thiên Chúa được tôn vinh trong Người: Trong bối cảnh “phải lìa bỏ thế gian mà đi về cùng Chúa Cha”, và môn đệ Giuđa đang toan tính nộp Người, Đức Giêsu lại mặc khải về sự tôn vinh của Người.[2] Trong Tin Mừng Gioan, danh xưng “Con Người” (con trai của con người, 12 lần) được dùng trong bối cảnh vinh quang và thập giá trong cuộc đời của Đức Giêsu. Trong bối cảnh vinh quang: “các thiên thần của Thiên Chúa đi lên, đi xuống trên Con Người” (Ga 1,51); “Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13); “Con Người có quyền xét xử” (Ga 5,27); “Con Người là Đấng Thiên Chúa đã ghi dấu xác nhận” (Ga 6,27); “Con Người lên nơi đã ở trước kia” (Ga 6,62); “Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23; 13,31). Trong bối cảnh đau khổ: “Được giương cao như ông Môsê giương cao con rắn trong sa mạc” (Ga 3,14; 8,28; 12,34); “Ăn thịt và uống máu Con Người” (Ga 6,53).

Sau dấu lạ đầu tiên Đức Giêsu làm tại Cana, người thuật chuyện đã ghi chú rằng “đó là dấu lạ đầu tiên Đức Giêsu làm và bày tỏ vinh quang của Người, các môn đệ đã tin vào Người (Ga 2,11).  Động từ “tôn vinh” được dùng ở thể bị động, cho thấy Thiên Chúa là tác nhân của sự tôn vinh này. Nhìn vào cấu trúc, độc giả có thể thấy rõ Thiên Chúa tôn vinh Đức Giêsu [(a): Con Người được tôn vinh // (a’): Thiên Chúa sẽ tôn vinh Người nơi chính mình]. Đức Giêsu không cần “sự tôn vinh của con người” (Ga 5,41). Đức Giêsu cũng không tự tôn vinh chính mình vì Người cho biết rằng nếu Người tôn vinh chính mình thì vinh quang của Người chẳng là gì cả. Ở nơi khác, Đức Giêsu đã nhiều lần cho thấy tác nhân của hành động tôn vinh là Chúa Cha: “Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông” (Ga 8,54). Sự vinh quang của Đức Giêsu là điểm quy chiếu quan trọng để cho các môn đệ hiểu lời Thánh Kinh nói về sự kiện Đức Giêsu đi vào thành Giêrusalem trong tiếng reo hò: “Hoan hô, hoan hô, chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa, chúc tụng vua Ítrael” (Ga 12,13-16). Giờ vinh quang của Đức Giêsu chính là giờ mà Người trao ban sự sống vì yêu nhân loại: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Amen, Amen, Thầy bảo các con, nếu hạt lúc mì gieo xuống đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi nó mới sinh được nhiều bông hạt khác” (Ga 12,24).[3] Trong Tin Mừng Nhất Lãm, cả hai biến cố quan trọng qua đó, Chúa Cha tôn vinh Đức Giêsu như là “Người Con yêu dấu”, đều liên quan đến mầu nhiệm tự hạ và chết. Biến cố thứ nhất là biến cố Đức Giêsu chịu Phép Rửa (Mc 1,9-11; Mt 3,13-17; Lc 3,21-22), trong đó, Người hạ mình, hòa mình vào dòng người tội lỗi để đồng hành và cứu độ họ. Biến cố thứ hai là biến cố “biến hình trên núi cao” (Mc 9,2-8; Lc 9,28-36; Mt 17,1-8), trong đó, Người thảo luận với hai nhân vật của Cựu Ước về cuộc xuất hành mà Người sẽ hoàn tất tại Giêrusalem. Đức Giêsu nói điều này trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn. Tuy vậy, Người lại dùng một động từ quá khứ để diễn là sự “được tôn vinh của Người”: Giờ đây, Con Người đã được tôn vinh. Có thể nói vinh quang của Người bắt đầu từ khi môn đệ Giuđa ra đi để tính toán cho buổi nộp Người. Đó là thời điểm bắt đầu cả tiến trình mà qua đó Người được tôn vinh.[4]

Khi Đức Giêsu chấp nhận đi con đường khổ nạn – chết – phục sinh[5] như là một hành trình, qua đó Người được tôn vinh, thì cũng là lúc Chúa Cha được tôn vinh. Nhiều lần trong Tin Mừng thứ tư, Đức Giêsu nói rằng Người không tìm vinh quang cho chính mình nhưng là vinh quang cho Chúa Cha (Ga 7,18; 8,50; 11,4.40).[6] Câu “Thiên Chúa được tôn vinh trong Người” được lặp lại hai lần trong hai câu văn liên tục. Chúa Cha được tôn vinh khi Người Con hoàn thành công trình cứu độ qua cái chết và sự phục sinh của Người: “Con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con” (Ga 17,4; cf. Ga 4,34). Việc Đức Giêsu tôn vinh Chúa Cha cũng được thể hiện qua nhiều cách diễn tả: “Bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh trong Người Con” (Ga 14,13); “Điều làm cho Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15,8). Trong lời cầu nguyện hiến tế, Đức Giêsu xin “Chúa Cha tôn vinh” Người Con để Người Con tôn vinh Chúa Cha (Ga 17,1). Theo tác giả F.X.V.P. Long (trích lại trong R. Brown, The Gospel According to John), cách nói “Thiên Chúa được tôn vinh trong Người Con” có thể hiểu theo bốn nghĩa: (1) Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa được loài người tôn vinh; (2) Thiên Chúa được Đức Giêsu tôn vinh bằng sự vâng phục của mình; (3) Thiên Chúa đã nhận được danh dự cho mình trong Đức Giêsu; (4) Thiên Chúa đã mặc khải vinh quang của Ngài nơi Đức Giêsu.[7]

(a) Con Người được tôn vinh

(b) Thiên Chúa được tôn vinh trong Người

(b’) Nếu Thiên Chúa được tôn vinh trong Người

(a’) Thiên Chúa sẽ tôn vinh Người nơi chính mình

  1. Các con thân mến (τεκνία): Danh từ “τεκνία” có nghĩa là đứa trẻ, con cái. Đức Giêsu xem các môn đệ như con của mình. Người tỏ lòng thương cảm đối với những môn đệ của Người khi Người phải ra đi.[8] Trong cách gọi này, người ta có thể mường tượng sự non nớt, bơ vơ, lạc lõng, của nhưng người môn đệ ở lứa tuổi trưởng thành, trước biến cố to lớn trong cuộc đời họ, biến cố họ bị lạc mất Chúa. Sự lạc lõng, bơ vơ, đau khổ của những người tìm kiếm Thầy, nhưng không thể đến với Thầy. Danh xưng này rất quen thuộc trong thư thứ nhất của Gioan (1Ga 2,1.12.28; 3,18; 4,4; 5,21). Tác giả xem những con chiên trong cộng đoàn như những đứa con của mình. Có bằng chứng cho thấy rằng trong truyền thống Do Thái các thầy dạy gọi các môn đệ của mình là “các con” (StB, II, 559).[9]
  2. Thầy còn ở với các con ít lâu: Tính từ “ít lâu” là một tính từ đặc trưng của Tin Mừng thứ tư. Đức Giêsu dùng rất nhiều lần tính từ này để diễn tả khoảng thời gian ngắn ngủi Người còn ở với cách môn đệ cách thể lý. Trước đó, Đức Giêsu đã đề cập đến khoảng thời gian này khi nói cùng những vệ binh, thuộc hạ của những người Pharisêu, đến để bắt Người: “Tôi còn ở lại với các ông một ít lâu nữa, rồi tôi sẽ đi về cùng Đấng đã sai tôi” (Ga 7,33). Khi ví mình như ánh sáng Đức Giêsu nói cùng dân chúng rằng: “Ánh sáng còn ở giữa các ông ít lâu nữa thôi. Các ông hãy bước đi bao lâu còn trông thấy ánh sáng, kẻo bóng tối bắt chợt các ông” (Ga 12,35). “Ít lâu nữa” cũng là khoảng thời gian mà sau đó, các môn đệ được thấy Chúa, vì Người sống và các môn đệ cũng sống (Ga 14,19). Thực tế là các môn đệ đã gặp lại Đức Giêsu sau Phục Sinh. Tuy nhiên, cách nói “Thầy sống và anh em cũng sống” diễn tả một sự gặp gỡ lâu dài hơn trong đời sống các môn đệ hoặc là ám chỉ các môn đệ sẽ được sống mãi với Chúa trên quê trời. Trong Ga 16,16, Đức Giêsu ghép hai khoảng thời gian “môt ít lâu” lại với nhau: “Một ít lâu nữa, anh em sẽ không thấy Thầy nữa, rồi một ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy”. Các môn đệ đã lấy làm khó hiểu về khoảng thời gian “ít lâu”: “Ít lâu có nghĩa là gì? Chúng ta không biết điều Người đang nói” (Ga 16,18). Để đáp trả, Đức Giêsu đã cho các ông biết là trong hai khoảng thời gian đó, họ sẽ có hai thái độ trái ngược nhau: “Anh em sẽ khóc lóc và than van còn thế gian sẽ vui mừng; Anh em sẽ đau buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ thành niềm vui” (Ga 16,20). Cách gián tiếp Đức Giêsu nói về cái chết và sự phục sinh của Người. Thực tế, cái chết của Người đã làm cho các ông đau khổ, nhưng sự phục sinh của Người đã làm cho các ông vui mừng. Khoảng thời gian “ít lâu” trong bối cảnh này là khoảng thời gian, Đức Giêsu còn hiện diện với các môn đệ trước khi bước vào cuộc khổ nạn. “Ít lâu” ở đây diễn tả sự tiếc nuối, vì giờ chia tay sắp đến. “Ít lâu” trong câu “ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy” diễn tả sự tích cực, nghĩa là, không bao lâu nữa, các môn đệ sẽ lại được gặp Chúa.
  3. Các con sẽ tìm Thầy… “Nơi tôi đi, các ông không thể đến”: Khi Đức Giêsu đi rồi, nghĩa là bước vào cuộc khổ nạn,[10] các môn đệ sẽ tìm Người trong sự tuyệt vọng. Tuy nhiên, họ sẽ không thể đến được với Người, bởi họ chưa hiểu và chưa sẵn sàng cho mầu nhiệm tử nạn. Trong đêm Tiệc Ly, sau đoạn văn này, khi ông Phêrô hỏi Đức Giêsu “Thầy đi đâu vậy, Đức Giêsu đã trả lời rằng “nơi Thầy đi, bây giờ con không thể đi theo được, nhưng sau này con sẽ đi theo” (Ga 13,36). Câu trả lời này đánh động lòng tự ái của ông Phêrô và ông đã khẳng định rằng “thưa Thầy! sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy” (Ga 13,37). Trước tuyên bố mạnh mẽ của ông Phêrô, Đức Giêsu đã công bố một sự thật bẽ bàng: “Amen, Amen, Thầy bảo con, gà chưa gáy, con đã chối Thầy ba lần” (Ga 13,38). Quả thực, các môn đệ không thể cùng Đức Giêsu bước vào cuộc khổ nạn, nhưng sau khi Đức Giêsu phục sinh, họ cũng sẽ đi theo con đường khổ giá và chịu chết như Người.
  4. Điều răn mới, có gì mới?

Trong Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giêsu đã nói đến điều răn quan trọng nhất, khi nhà thông luật hỏi Người: “Trong Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” (Mt 22,36). Đức Giêsu đã kết hợp giữa một đoạn trong sách Đệ Nhị Luật và một đoạn trong sách Lêvi để đưa ra một điều răn “hai trong một” (Mt 22,37-39): (i) Phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi (Đnl 6,4-5); (ii) Phải yêu mến người thân cận như chính mình (Lv 19,18). Và khái niệm “người thân cận” được Đức Giêsu mở rộng ra là tất cả mọi người, đặc biệt là những người đau khổ (Lc 10,29-37). Đây là điều cốt lõi, là trung tâm của đời sống luân lý của Do Thái giáo.

Tác giả Tin Mừng thứ tư không ghi lại câu chuyện tương tự, liên quan đến điều răn yêu thương trong Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng ông lại nói đến việc Đức Giêsu ban cho các môn đệ một điều răn mới mà Tin Mừng Nhất Lãm không nói đến. Đâu là cái mới ở điều răn này? Cái mới thứ nhất là người ban điều răn. Nếu như điều răn yêu thương trong Cựu Ước được Chúa ban qua ông Môsê, thì điều răn mới được Đức Giêsu trực tiếp ban ra. Người nhận điều răn này là các môn đệ, cụ thể là Nhóm Mười Hai, trong khi điều răn yêu thương trong Cựu Ước được ban cho toàn dân. Điều răn “mới” không đề cập gì đến khía cạnh “yêu kính Chúa”. Đức Giêsu nhấn mạnh đến tình yêu dành cho Thiên Chúa chỉ vì đó là điều hiển nhiên. Hay nói như tác giả của thư thứ nhất thánh Gioan: “Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét người anh em của mình, người ấy lả kẻ nói dối, vì ai không thể yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20). Đối tượng mà các môn đệ phải yêu thương theo điều răn mới là “lẫn nhau” chứ không phải là “người thân cận”. Điểm quy chiếu, hay mức độ yêu thương mà các môn đệ phải dành cho nhau là “như Thầy đã yêu thương”. Nghĩa là, yêu đến hy sinh thân mình vì người khác.[11] Đây là tình yêu ở mức cao nhất, hoàn hảo nhất, vì đó là tình yêu chính Đức Giêsu dành cho nhân loại. Tình yêu ấy được thể hiện cách cụ thể trước đó bằng việc Người cúi xuống rửa chân cho từng người trong Nhóm Mười Hai, kể cả ông Giuđa kẻ nộp Người, hay ông Phêrô, kẻ chối Người.[12] Nhất là, tình yêu được thể hiện ở mức độ cao nhất qua cái chết trên thập giá. Mức độ cao nhất của tình yêu mà Đức Giêsu dành cho các môn đệ đã được tác giả giới thiệu ngay từ đầu chương 13: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Đức Giêsu đã ban “điều răn mới” cho các môn đệ, để bảo đảm rằng tinh thần của Người vẫn tiếp tục tồn tại giữa họ, dẫu cho bao khó khăn, thất vọng phía trước.[13] Điểm quy chiếu tình yêu không dừng lại ở tình yêu của Đức Giêsu dành cho các môn đệ, mà sau đó Đức Giêsu còn cho thấy rằng nó vươn tới tận tình yêu mà Chúa Cha dành cho Đức Giêsu: “Như Chúa Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng đã yêu các con” (Ga 15,9). Tình yêu của Đức Giêsu dành cho các môn đệ cũng là tình yêu của Chúa Cha.[14]

Ngữ động từ “yêu thương nhau” (ἀγαπᾶτε ἀλλήλους) được lặp lại với mật độ dày đặc trong trong hai câu 34-35, cho thấy mức độ quan trọng của lệnh truyền này. Trong chương Ga 15,12-17, ngữ động từ này được lặp lại hai lần nữa. Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ “ở lại trong tình yêu của” Người bằng cách giữ điều răn của Người. Người nhắc lại điều răn của Người là: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (ἀγαπᾶτε ἀλλήλους καθὼς ἠγάπησα ὑμᾶς) (Ga 15,12). Đức Giêsu đã yêu thương các môn đệ như thế nào? Thưa, Người yêu thương họ đến mức chết cho họ. Đó là tình yêu ở mức độ cao nhất: “Không ai có tình yêu vĩ đại hơn tình yêu này là ai đó hy sinh mạng sống của anh ta vì người yêu của mình” (μείζονα ταύτης ἀγάπην οὐδεὶς ἔχει, ἵνα τις τὴν ψυχὴν αὐτοῦ θῇ ὑπὲρ τῶν φίλων αὐτοῦ) (Ga 15,13). Cuối cùng, Đức Giêsu chốt lại một lần nữa về điều răn của Người: “Điều Thầy truyền cho các con là các con phải yêu thương nhau” (Ga 15,17). Tác giả thư thứ nhất của thánh Gioan cũng nhiều lần lặp lại “điều răn mới”, nhưng ông cũng nói là “đây không phải là một điều răn mới… nhưng là điều răn cũ mà anh em đã có ngay từ lúc đầu … nhưng đó cũng là một điều răn mới … đó là: Chúng ta phải yêu thương nhau” (1 Ga 2,5.7.8).

Thầy ban … một điều răn mới (Ἐντολὴν καινὴν)

rằng các con phải yêu thương nhau (ἀγαπᾶτε ἀλλήλους),

như Thầy đã yêu thương các con (καθὼς ἠγάπησα ὑμᾶς),

các con cũng phải yêu thương nhau,

tất cả sẽ biết rằng các con là môn đệ của Thầy,

nếu các con có lòng yêu thương nhau.

  1. Tất cả sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy”: “Yêu thương lẫn nhau” chính là căn tính, là nhãn hiệu của cộng đoàn các môn đệ, vì qua hành vi yêu thương mà tất cả mọi người nhận ra họ chính là môn đệ của Đức Giêsu, không lẫn vào đâu được. Dĩ nhiên, vị ngữ “lẫn nhau” của động từ yêu thương không có ý giới hạn tình yêu của các môn đệ chỉ dành cho nhau mà thôi. “Lẫn nhau” là những đối tượng khởi đầu và căn bản của tình yêu mà các môn đệ sẽ mở rộng ra cho cộng đoàn lớn hơn và cho cả nhân loại theo hành trình truyền giáo của họ. Cũng nên nhớ rằng, điều răn mới được ban trong bối cảnh giao ước mới, được lập bằng máu Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly. Chính vì thế, điều răn mới có thể được xem như luật lệ dành cho dân giao ước mới đáp lại với hành vi cứu độ của Chúa và sự yêu thương chọn lựa của Người, để họ thành dân mới của Người.[15] Thực tế, một tình yêu thương huynh đệ, hiệp nhất, chia sẻ, không có ai thiếu thốn thứ gì đã được triển nở trong cộng đoàn Kitô hữu sơ khai (Cv 4,32-35). Thánh Phaolô đã chuyển tải tình yêu này cho cả cộng đoàn tín hữu Rôma: “Anh chị em đừng mắc nợ ai điều gì, ngoại trừ tình yêu thương lẫn nhau; (τὸ ἀλλήλους ἀγαπᾶν) vì ai yêu thương người khác là hoàn tất Lề Luật” (Rm 13,8). Ông cũng khuyên các tín hữu Galát là “hãy phục vụ nhau vì tình yêu” (διὰ τῆς ἀγάπης) (Gl 5,13) hay khẳng định với cộng đoàn Côlôxê rằng “trên hết tất cả, tình yêu là mối dây liên kết hoàn hảo” (Cl 3,14). Thánh Phêrô cũng căn dặn các tín hữu là “hãy có tình huynh đệ” (1 Pr 3,8); “trên hết mọi sự, hãy yêu thương nhau cách nồng nhiệt, vì tình yêu che phủ muôn vàn tội lỗi” (1 Pr 4,8).

Bình luận tổng quát

Khi môn đệ Giuđa bước ra khỏi phòng Tiệc Ly để bước vào trong bóng đêm, Đức Giêsu bắt đầu nói về giờ Người được tôn vinh. Sự kiện tông đồ Giuđa ra đi tự nó không làm cho Đức Giêsu được tôn vinh. Điều khiến Người được tôn vinh là giờ tự hiến của Người đã bắt đầu và trong mầu nhiệm tự hiến ấy, môn đệ Giuđa tham gia cách tiêu cực không nhỏ. Đức Giêsu đã chấp nhận chịu nộp bởi người môn đệ thân tín. Hơn nữa, Người cũng sẵn sàng đón nhận sự chối từ ba lần của người môn đệ thân tín khác. Sự bạc bẽo và sự phũ phàng của lòng người không ngăn cản tình yêu của Thiên Chúa được tỏ bày và tiếp diễn trong cộng đoàn các môn đệ. Xen kẽ giữa hai tin buồn về sự phản bội và về sự chối từ, là tình yêu cao đẹp Đức Giêsu dành cho các môn đệ của mình và lời mời gọi các môn đệ kéo dài thiên tình (tình yêu Thiên Chúa) trong cộng đoàn của họ. Tình yêu đến cùng mà Đức Giêsu dành cho các môn đệ được thể hiện bằng cách cúi xuống rửa chân cho từng môn đệ. Sự hạ mình để phục vụ cho các môn đệ cũng là dấu hiệu báo trước cho sự hạ mình cho đến chết và chết trên thập giá ít lâu nữa. Tình yêu vâng phục Chúa Cha và chết cho người mình yêu chính là căn nguyên cho vinh quang của Đức Giêsu và của Thiên Chúa. Tình yêu ấy cũng chính là nền tảng vững chắc và là điểm quy chiếu cho tình yêu của những thành viên cộng đoàn các môn đệ dành cho nhau. Đây là đặc tính mới mẻ trong điều răn mới mà Đức Giêsu ban cho các môn đệ. Tình yêu của con người dành cho nhau dù cao sâu đến mấy đi nữa cũng mang tính tương đối. Tình yêu của Đức Giêsu, được đặt nền tảng trên tình yêu của Chúa Cha dành cho Người, mới là tuyệt đối, hoàn hảo nhất. Một khi các môn đệ biết yêu thương nhau với tình yêu mà Đức Giêsu dành cho họ, tất cả mọi người sẽ nhận ra họ là môn đệ của Đức Giêsu. Điều răn yêu thương được ban trong bối cảnh của giao ước mới với dân mới, được lập trong đêm Tiệc Ly, cũng là điều răn dành cho cộng đoàn các Kitô hữu sơ khai và cộng đoàn các tín hữu qua mọi thời đại.

Trong xã hội con người, xưa nay luôn tồn tại hai loại tình yêu rõ rệt. Loại tình yêu thứ nhất được gọi là “tình yêu vị kỷ”. Nghĩa là, người ta yêu người khác vì chính mình. Rất nhiều người trên trần gian này có khuynh hướng yêu vị kỷ. Khuynh hướng này được thể hiện khi một người yêu một ai đó vì người này mang lại cho mình lợi ích nhất định nào đó, hoặc tiền bạc, hoặc danh vọng, địa vị xã hội, hoặc niềm vui, hạnh phúc. Một cô gái yêu chọn một chàng trai làm chồng bởi vì anh này có thể bảo đảm cho cô một sự ổn định, sung túc về vật chất, “bằng chị bằng em” trong xã hội. Một người đàn ông chọn yêu một người phụ nữ vì cô này xinh đẹp, có “nhà ở phố, bố làm to”. Sắc đẹp của cô gái làm cho anh ta hãnh diện mỗi khi đi bên cạnh. Tiền bạc và quyền lực của bố cô gái có thể mang lại cho anh ta địa vị và cơ hội tiến thân. Một vị linh mục chọn yêu Chúa vì Chúa mang lại cho ông một địa vị xã hội đáng kể trong lòng giáo dân, cùng với những lợi lộc trần thế đi kèm với chức linh mục. Tình yêu như thế, cách nào đó, chỉ là một sự trao đổi qua lại, không hơn không kém. Loại tình yêu thứ hai được gọi là “tình yêu vị tha”. Nghĩa là, người ta yêu người khác vì chính đối phương. Thánh Phaolô đã xác tín về tình yêu của Đức Ki-tô như thế này: “Khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo kỳ hạn Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta. Rất hiếm khi có một ai đó chết vì người công chính, có thể có một ai đó chết vì một người tốt. Vậy mà, Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi. Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,6-8). Tình yêu của Thiên Chúa chính là nền tảng và căn bản cho “tình yêu vị tha”. Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi trao ban chính Con Một. Đức Giêsu yêu nhân loại đến nỗi trao ban chính thân mình để cho nhân loại được sống. Người yêu nhân loại không phải vì nhân loại đẹp, thánh thiện, dễ thương, hay nhân loại mang lại cho Người bất cứ lợi lộc gì. Người trao ban tất cả cho nhân loại bởi vì bản chất của Người là tình yêu và bản chất của tình yêu đích thực là sự trao ban vô vị lợi. Người ta có thể tìm thấy phần nào tình yêu của Thiên Chúa nơi tình yêu của người cha, người mẹ, hay của các thánh nhân. Người cha, người mẹ đúng nghĩa phải yêu thương những người con của mình hết lòng, sẵn sàng hy sinh thân mình vì con, mà không đòi hỏi bất kỳ một lợi ích nào từ người con. Các thánh nhân luôn thi hành việc bác ái cách vô vị lợi. Các đôi tình nhân cũng có thể vươn đến tình yêu vị tha khi cả hai người đều biết nghĩ đến người yêu của mình, biết hy sinh cho người yêu của mình hơn là chỉ nghĩ cho bản thân mình và đòi hỏi đối phương phải hy sinh cho mình. Là những môn đệ của Đức Kitô, mỗi kitô hữu đều được mời gọi làm cho tình yêu tuyệt hảo, vô vị lợi, của Đức Giêsu tiếp tục lan tỏa mọi lúc, mọi nơi, trên thế gian này.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích:

[1] Tin Mừng thứ tư được chia thành bốn phần chính; (1) Lồi Tựa (1,1-18); (2) Sách các dấu (1,19 – 12,50); (3) Sách của sự vinh quang (13,1 – 20,29); (4) Phần kết (21,1-25 [F.J. Moloney, “John”, The Paulist Biblical Commentary (ed. J.E.A. Chiu e al.) (New York, 2008) 1110-1111].

[2] “This glorification involves his return to his Father and therefore, his departure from his disciples” [The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) 29A, 609].

[3] “The love of God, which involves the sacrifice of self, is most visible and at its apex on the cross and not on Easter morning” [E. Haenchen – R.W. Funk – U. Busse, John. A commentary on the Gospel of John (Hermeneia; Philadelphia 1984) 117.].

[4] “Bultmann himself recognizes, the theme of glory that dominates the second half of the Gospel (The Book of Glory) is past, present, and future, since the whole process is viewed from an eternal viewpoint (perhaps produced by mixing the viewpoint of the night before Jesus died and the viewpoint of the later period of Gospel composition)” (R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes, 610).

[5] “The passion, death, resurrection, and ascension are looked on as one brief action” (R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes, 606).

[6] M.L. Coloe, “Johannine Literature”, The Jerome Biblical Commentary for the Twenty-First Century (ed. J.J. Collins e al.) (London – New York – Oxford – New Delhi – Sydney 2020) 1426; “the association of jesus death with glorification d, a ref1ectinn of the final stages in the Johannine community’s theological development” (F.J. Moloney, The Gospel of John (SP4; Collegeville 1997) 389.

[7] F.X.V.P. Long, Các Bài Tin Mừng Gioan Dùng trong Phụng Vụ (Biên Hòa 2021) 317.

[8] “My little children,” gives the verse a tone of tenderness; and certainly Jesus’ words in 36 interpret the statement of 33 as a promise of ultimate happiness (“you will follow me later”)” (R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes, 612).

[9] G.R. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 246; R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes, 607.

[10] Trước đó Đức Giêsu đã mặc khải rằng Người sẽ ra đi và, những lãnh đạo Do Thái sẽ tìm Người nhưng họ không thể đến được (7,32-36). Bây giờ Đức Giêsu lặp lại với các môn đệ. Trong cả hai trường hợp, Đức Giêsu đều tiền báo về cái chết của Người (M.L. Coloe, “Johannine Literature”, 1427).

[11] “In the context of “the hour,” Jesus’ demonstrable love included the laying down of his life and taking it up again” … “Yet because the generosity of God’s love could not be fully known until He had given His own Son, in another way the Christian concept of love stemming from Jesus is new”(R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes, 607, 614); “Its “newness” would appear to consist in its being the Law of the new order, brought about by the redemption of God in and through Christ, intimated in vv 31–32 (G.R. Beasley-Murray, John, 247).”

[12] “The love with which Jesus has loved them and has just exemplified in the footwashing” (E. Haenchen – R.W. Funk – U. Busse, John,117).

[13] “The command to love (34–35) is Jesus’ way of ensuring the continuance of his spirit among his disciples” (R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes, 609).

[14] “Yet love is more than a commandment; it is a gift, and like the other gifts of the Christian dispensation it comes from the Father through Jesus to those who believe in him” (R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI), 612).

[15] G.R. Beasley-Murray, John, 247.

Bài trướcGẠN ĐỤC KHƠI TRONG
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (14/5, Thánh Mátthia, Tông đồ, Lễ kính)