Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXIX Thường Niên, Năm C (Lc 18,1-8)

0
400

TỪ BÀ GÓA ĐẾN NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHỌN

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Bản văn và dịch sát nghĩa (Lc 18,1-8)

Hy Lạp Việt
1Ελεγεν δὲ παραβολὴν αὐτοῖς πρὸς τὸ δεῖν πάντοτε προσεύχεσθαι αὐτοὺς καὶ μὴ ἐγκακεῖν,

2  λέγων· κριτής τις ἦν ἔν τινι πόλει τὸν θεὸν μὴ φοβούμενος καὶ ἄνθρωπον μὴ ἐντρεπόμενος.

3  χήρα δὲ ἦν ἐν τῇ πόλει ἐκείνῃ καὶ ἤρχετο πρὸς αὐτὸν λέγουσα· ἐκδίκησόν με ἀπὸ τοῦ ἀντιδίκου μου.

4  καὶ οὐκ ἤθελεν ἐπὶ χρόνον. μετὰ δὲ ταῦτα εἶπεν ἐν ἑαυτῷ· εἰ καὶ τὸν θεὸν οὐ φοβοῦμαι οὐδὲ ἄνθρωπον ἐντρέπομαι,

5  διά γε τὸ παρέχειν μοι κόπον τὴν χήραν ταύτην ἐκδικήσω αὐτήν, ἵνα μὴ εἰς τέλος ἐρχομένη ὑπωπιάζῃ με.

6  Εἶπεν δὲ ὁ κύριος· ἀκούσατε τί ὁ κριτὴς τῆς ἀδικίας λέγει·

7  ὁ δὲ θεὸς οὐ μὴ ποιήσῃ τὴν ἐκδίκησιν τῶν ἐκλεκτῶν αὐτοῦ τῶν βοώντων αὐτῷ ἡμέρας καὶ νυκτός, καὶ μακροθυμεῖ ἐπ᾽ αὐτοῖς;

8  λέγω ὑμῖν ὅτι ποιήσει τὴν ἐκδίκησιν αὐτῶν ἐν τάχει. πλὴν ὁ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου ἐλθὼν ἆρα εὑρήσει τὴν πίστιν ἐπὶ τῆς γῆς;

(Lk. 18:1-8 BGT)

1 Người nói cùng họ một dụ ngôn về việc cần thiết phải cầu nguyện luôn và không nản chí.

2 Người nói rằng: “Có một quan tòa nọ trong một thành nọ, người không sợ Thiên Chúa và không tôn trọng người ta.

3 Có một bà góa trong thành nọ và bà ấy cứ đến cùng ông ta nói rằng: ‘Hãy phân xử cho tôi trước đối thủ của tôi’

4 Ông ấy cứ không muốn trong một khoảng thời gian. Nhưng sau đó, ông ta tự nhủ: ‘Mặc dù tôi không sợ Thiên Chúa cũng không kính trọng ai.

5 Nhưng vì bà góa này gây phiền toái cho ta, nên ta sẽ phân xử cho bà ta để bà khỏi đến làm phiền ta nữa.

6 Và Chúa nói rằng: “Anh em hãy nghe điều vị quan tòa bất chính ấy nói,

7 Thiên Chúa không phân xử cho những kẻ Người chọn, kêu lên Người ngày và đêm và trì hoãn với họ?

8 Thầy nói cùng anh em rằng Người sẽ phân xử cho họ cách  nhanh chóng. Tuy nhiên, khi Con Người đến, Người còn tìm thấy lòng tin trên mặt đất hay không?”

 

Bối Cảnh

Trong bối cảnh trực tiếp Lc 18,1-8, với đề tài cầu nguyện, được đặt ngay trước câu chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện (người Pha-ri-sêu và người thu thuế, Lc 18,9-14), được kết thúc với việc người thu thuế được nên công chính còn người kia thì không. Đề tài liên quan đến lòng tin ở cuối câu chuyện này có mối liên hệ đến lòng tin được nói đến trong câu chuyện mười người mắc bệnh ngoài da trước đó (17,11-19) và câu chuyện người mù ở Giêrikhô sau đó (18,35-43). Đề tài “Con Người đến” nối kết gần gũi với trình thuật về “ngày của Con Người” ngay trước đó (17, 22-37).[1] Lời dạy bằng dụ ngôn “về sự cần thiết phảu cầu nguyện luôn và không nản chí” có thể xem như là phần chop đỉnh của phần dài hơn về lòng trung thành trong khi chờ đợi ngày của Con Người đến (17,20 – 18,8).[2] Trong bối cảnh rộng hơn, đề tài kiên trì cầu nguyện của câu chuyện này khác giống với đề tài trong câu chuyện được gọi là “bà góa quấy rầy” (Lc 11,5-8), tiếp theo với lời dạy: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy và cứ gỏ thì mở ra cho” (Lc 11,9; Mt 7,7). Tin Mừng Luca và Công Vụ Tông Đồ nhấn mạnh không chỉ lời cầu nguyện của Đức Giêsu mà của các môn đệ nữa (Lc 3,21; 6,28; 11,1-2; 22,40.46; Cv 1,14; 2,42; 3,1; 6,4.6; 10,4.9.30-31; 12,5.12; 16,13.16.25; 20,36; 21,5; 22,17; 28,8).[3] Chủ đề “bà góa” là một chủ đề nổi bật trong Tin Mừng thứ ba: Bà góa Anna (2,36-38); Bà góa thành Xarépta (4,25-26); Bà góa thành Nain (7,11-17); Các kinh sư nuốt hết nhà cửa của các bà góa (20,47); Bà góa dâng cúng cách rộng rãi (21,1-4). Sách Công Vụ, cùng tác giả Luca, quan tâm đến việc phân phát thức ăn cho các bà góa Hy Lạp (Cv 6,1-6), dẫn đến thành lập nhóm Bảy phó tế.

 

Cấu trúc

Bối cảnh: Dụ ngôn về việc thiết phải cầu nguyện luôn (1)

Dụ ngôn:

A. Một quan tòa không sợ Thiên Chúa và không tôn trọng ai (2)

B. Bà góa cứ đến xin phân xử (3)

 B1. Phân xử vì ngại phiền toái, dù không muốn, cũng không sợ (4-5)

Áp dụng:

A’. Nghe quan tòa bất chính ấy nói (6)

B’. Thiên Chúa sẽ không phân xử cho người kêu lên ngày và đêm? (7)

B1’. Người sẽ phân xử cho họ cách nhanh chóng (8a)

Kết luận: Có còn niềm tin trên mặt đất nữa hay không? (8b)

 

Một số điểm chú giải

  1. Cầu nguyện … kêu lên: Luca là tác giả Nhất Lãm duy nhất kể ba dụ ngôn khác nhau đều liên quan đến việc cầu nguyện. Hai dụ ngôn có nét gì đó giống nhau là “dụ ngôn người bạn quấy rầy lúc nửa đêm” (11,5-8) và dụ ngôn “quan tòa bất chính” (18,1-8). Dụ ngôn còn lại nói về thái độ cầu nguyện: “Hai người cầu nguyện trong đền thờ” (18,9-14). Trong ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, Luca nhấn mạnh nhiều hơn đến đời sống cầu nguyện của Đức Giêsu. Dường như trong mỗi biến cố quan trọng Đức Giêsu đều được mô tả trong bầu khí cầu nguyện. Luca là tác giả ghi lại số lần Đức Giêsu cầu nguyện nhiều hơn so với các tác giả Mátthêu và Máccô (Lc: 9 lần, Mt: 6 lần và Mc: 4 lần). Điều này cho thấy Luca rất để ý đến thói quen cầu nguyện của Đức Giêsu. Nhiều lần ông đặt cùng câu chuyện với tác giả khác vào trong bối cảnh cầu nguyện. Trước khi chọn Nhóm Mười Hai, Luca cho biết, Đức Giêsu đã cầu nguyện và thức suốt đêm ấy (Lc 6,12). Trước khi hỏi các môn đệ về căn tính của Người: “Người ta nói Con Người là ai? … Còn anh em nói Thầy là ai?”, Đức Giêsu cũng cầu nguyện (Lc 9,18). Cuộc biến hình của Đức Giêsu trên núi cũng diễn ra trong bối cảnh Đức Giêsu đang cầu nguyện (Lc 9,28.29). Kinh Lạy Cha (hay lời cầu nguyện của Chúa) cũng được ban ra trong bối cảnh Đức Giêsu đang cầu nguyện một nơi kia (Lc 11,1).[4] Trong bối cảnh này, tác giả cho biết dụ ngôn Đức Giêsu kể là về sự cần thiết của hành động cầu nguyện không ngừng. Trạng từ “luôn luôn” (πάντοτε) được đặt trước động từ cầu nguyện để nhấn mạnh tần xuất của hành động cầu nguyện.[5] Hơn nữa, động từ không ngôi “phải” (δεῖν) đặt trước động từ “cầu nguyện” nhằm nhấn mạnh mức độ cần thiết của hành động này. Hành động “cầu nguyện” sau đó được diễn tả cách khác là “kêu lên Người” (βοώντων αὐτῷ) và trạng từ “luôn luôn” được thay bằng cụm từ chỉ thời gian “ngày và đêm” (ἡμέρας καὶ νυκτός), cũng diễn tả mức độ liên lỉ của hành vi cầu nguyện.
  2. Quan tòa … quan tòa bất chính: Danh xưng quan tòa, người xét xử được dùng cho cả con người (Mt 5,25; Lc 12,14.58; 18,2.6), Thiên Chúa và Đức Kitô (Hr 12,23; Gc 4,12; 2 Tm 4,8). Cho Đức Kitô hay Thiên Chúa: Người phán xét người sống và người chết (Cv 10,42).[6] Trong câu chuyện này danh xưng “quan tòa” (ὁ κριτὴς τῆς ἀδικίας) được dùng hai lần. Lúc đầu, ông được nhắc đến cách chung chung “một vị quan tòa nọ”. Lần thứ hai ông bỗng trở thành vị “quan tòa bất chính” (ὁ κριτὴς τῆς ἀδικίας). Danh từ “ἀδικία” có nghĩa là không ngay thẳng, không công bằng, xấu xa. Sự bất chính của người quan tòa này có thể thể hiện ở chỗ ông không “kính sợ” và không “tôn trọng” người ta.[7] Nó cũng có thể thể hiện ở việc ông trì hoãn, không mang lại công lý cho bà góa này ngay (18,4). Mặc dù cuối cùng ông cũng phân xử cho bà góa nhưng không mau mắn, và không coi trọng. Điều này ngược lại với thái độ của Thiên Chúa-quan tòa: “Đấng phân xử công minh cho cô nhi quả phụ, và yêu thương ngoại kiều, cho họ bánh ăn” (Đnl 10,18). Không kính sợ Chúa, không làm như Chúa làm, không thương cảm đến bà góa đâu khổ là biểu hiện của sự bất chính.[8]
  3. Bà góa[9]: Hình ảnh bà góa được nói đến nhiều trong Thánh Kinh cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Trong một xã hội nông nghiệp, chăn nuôi, nơi những người đàn ông là lao động chính và làm trụ cột gia đình, số phận của họ thường bấp bênh, khó khăn, nghèo khổ.[10] Khi chồng chết, các bà gòa thường không có tài sản hỗ trợ. Nếu những ông chồng để lại tài sản, họ không được thừa kế, mặc dù lương thực để sống thì vẫn được bảo đảm. Nếu họ ở lại nhà chống thì thường sẽ có vị trí thấp kém, lệ thuộc. Nếu họ trở về gia đình, số tiền trao đổi tại đám cưới phải được trả lại.[11] Hình ảnh người “quả phụ” thường đi kèm với “cô nhi” và “những người ngoại kiều”. Số phận của những người này khốn khổ như nhau. Họ là những người “không được hưởng phần đất hay gia nghiệp, nên cần sự nâng đỡ, của những người khác (Đnl 14,29). Sách Đệ Nhị Luật có rất nhiều quy định liên quan đến cách thức đối đãi những người quả phụ: “Khi anh em gặt lúa trong ruộng mình, mà bỏ quên lại một bó lúa trong cánh đồng, thì anh em không được quay lại lấy, vì nó sẽ dành cho ngoại kiều, cô nhi và quả phụ, nhờ đó Chúa là Thiên Chúa có thể chúc lành cho anh em trong tất cả công việc của tay anh em” (Đnl 24,29; cf. Lv 23,22; R 2,2); “khi hái trái ô liu, anh em không được trở lại tìm trái sót lại vì những trái đó dành cho ngoại kiều, cô nhi và quả phụ” (Đnl 24,20);  quy định tương tự với việc hái trái nho (Đnl 24,21). Một phần mười hoa lợi của năm thứ ba (ba năm một lần: Đnl 14,28), được đưa cho thầy Lê-vi, ngoại kiều, cô nhi và quả phụ (Đnl 26,12). Kẻ nào làm thiệt hại đến quyền lợi của những người này bị coi là đáng nguyền rủa: “Đáng nguyền rủa thay kẻ làm ngơ trước công lý cho ngoại kiều, cô nhi và quả phụ” (Đnl 27,19). Chúa cảnh báo hình phạt nặng nề dành cho những ai lạm dụng cô nhi và quả phụ: “Các ngươi không được lạm dụng bất cứ quả phụ hay cô nhi nào. Nếu các ngươi lạm dụng họ, họ kêu cầu lên Ta, Ta chắc chắn sẽ nghe tiếng kêu của họ. Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ, và Ta sẽ giết các ngươi bằng gươm, những người vợ ngươi sẽ thành các quả phụ và các con ngươi thành cô nhi” (Xh 22,22-24). Thiên Chúa được mệnh danh là Đấng thi hành công lý cho cô nhi và quả phụ và thương người ngoại kiều, cho họ thức ăn và áo mặc (Đnl 10,18). Các vịnh gia cũng cầu xin Chúa trả oán cho những kẻ giết quả phụ, khách ngoại kiều và cô nhi (Tv 94,1-2.7). Ngôn sứ Isaiah ghi lại lời dạy của Chúa về cách làm điều thiện: “Hãy họa làm điều thiện, tìm kiếm công lý, giải cứu kẻ bị áp bức, mang lại công lý cho cô nhi và bênh vực quả phụ” (Is 1,17). Sách Cựu Ước nói đến hai người quả phụ, thân phận bi đát nhưng sống rất đẹp lòng Chúa. Đó là bà Rút (x. sách Rút), bà cố của vua Đavít và bà Tama (x. St 38). Cả hai bà góa đặc biệt này được kể tên trong gia phả của Đức Giêsu (Mt 1,3.5). Trong Tân Ước, Đức Giêsu lên án những kinh sư là những người “nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn giả vờ cầu nguyện lâu giờ” (Mc 12,40; Lc 20,47). Người ca ngợi bà góa nghèo dâng cúng rộng rãi, dâng tất cả những gì bà có đề sống qua ngày (Mc 12,44; Lc 21,4). Đức Giêsu chạnh lòng thương, phục sinh con trai bà góa thành Nain (Lc 7,11-17).
  4. Phân xử: Khái niệm “phân xử” được dùng bốn lần trong đoạn văn này. Dường như tác giả cố tình dùng hai động từ khác nhau cho hai nhóm nhân vật khác nhau. Một động từ được dùng cho bà goá và quan toà (ἐκδικέω); một cụm động từ được dùng cho riêng Thiên Chúa (ποιήσῃ τὴν ἐκδίκησιν: “Thực thi công lý”). Trong khi động từ dùng cho quan toà và bà goá có nghĩa chung chung là xét xử, phân xử công bằng, thì cụm động từ dùng cho Thiên Chúa nghiêng nhiều hơn đến việc “thực thi công lý”, bênh vực người yếu thế. Quan toà, phân xử cho bà goá vì bà cứ đến hoài. Hành động “phân xử” của ông không phát xuất từ trách nhiệm của một quan toà hày lòng thương cảm gì đối với người đang chịu bất công, mà chỉ để giải quyết phiền toái.[12] Thái độ miễn cưỡng phân xử của vị quan toà nhấn mạnh đến hiệu quả của lòng kiên trì của của bà goá. Lòng kiên trì của bà goá làm vị quan toà không sợ Chúa và không coi ai ra gì, phải thực thi công lý cho bà. Nếu như vị quan tòa bất chính mà còn phân xử vì lý do bị quấy rầy, thì Thiên Chúa không có lý do gì mà không chủ trì công đạo, trả lại công bằng cho những người ngày đêm kêu xin Người. Hành động “thực thi công bằng” của Chúa đi kèm theo với cụm giới từ “với sự nhanh chóng” (ἐν τάχει) diễn tả sự nhanh nhạy trong hành động của Thiên Chúa. Mức độ hành động nhanh chóng của Chúa, đồng nghĩa với việc “không trì hoãn”, và trái ngược với hành động “không muốn (phân xử) trong một thời gian” của vị quan tòa. Người thực thi công lý vì Người là quan toà công chính và đầy lòng thương xót, chứ không phải vì sợ bị quấy rầy. Hành động “thực thi công lý” của Chúa được đặt trong bối cảnh cánh chung (khi Con Người đến), là một cuộc xét xử mang lại ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu cho những người tin tưởng, kêu xin Người.
  5. Những người được chọn: Có nhiều dữ liệu Thánh Kinh liên quan đến khái niệm “người được chọn” phần nhiều liên quan đến thời cánh chung: “Nhiều người được gọi, nhưng ít người được chọn” (Mt 22,14); “Trừ khi những ngày ấy được cắt ngắn, không có xác phàm nào được cứu, nhưng vì những người được chọn những ngày này sẽ được cắt ngắn” (Mt 24,22; Mc 13,20); “Ai sẽ kết án chống lại những người được chọn của Thiên Chúa? Thiên Chúa là Đấng phân xử” (Rm 8,33). Trong Cựu Ước dân Quả phụ là những người Chúa chọn (Đnl 4,37; 7,7; 10,15; 14,2; Tv 88,4; 104,6.43; Is 65,9.15.23). Trong Tân Ước, những người được chọn có thể hiểu là những người tin theo Đức Giêsu. Yếu tố “lòng tin” được Đức Giêsu nói đến sau khi nói đến khái niệm “những người được chọn”. “Những người được chọn kêu cầu” – “liệu Người còn tìm thấy lòng tin trên mặt đất này nữa không?”. “Lòng tin” là đặc tính của “những người được chọn”. Những người được chọn trước tiên là các Kitô hữu[13] và sau đó được mở rộng ra cho tất cả mọi người miễn là họ tin vào Đức Giêsu.
  6. Con Người trở lại: Cụm từ “khi Con Người đến” (ὁ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου ἐλθὼν) nói đến một thời điểm cánh chung, khi Đức Giêsu đến lần thứ hai, được nói đến rất nhiều lần trong Tin Mừng. Ở cuối chương 17, tác giả ghi lại khá chi tiết bài giảng của Đức Giêsu về “những ngày của Con Người” (ἐν ταῖς ἡμέραις τοῦ υἱοῦ τοῦ ἀνθρώπου). Sự kiện Con Người đến cũng được mô tả bằng nhiều cách thức khác nhau như: “Con Người đến hiển trị” (Mt 16,28); “Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu” (Mt 25,31; Cf. 16,27); “Con Người ngự toà cao vinh hiển” để xét xử (Mt 19,28); “Cuộc quang lâm của Con Người” (Mt 24,27); “Con Người rất uy nghi vinh hiển, ngự giá mây trời mà đến” (Mt 24,30; Mc 13,26; Lc 21,27); “Ngày Con Người quang lâm” (24,37); “Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mt 26,64; Mc 14,26; Lc 22,69); “Con Người ngự đến cùng với các thiên sứ, trong vinh quang của Cha Người” (8,38); “chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến” (12,40). Khi nói “khi Con Người đến” trong bối cảnh này, tác giả ngụ ý một quãng thời gian từ lúc nói cho đến lúc Người đến lần thứ hai.
  7. Lòng tin: Lòng tin là yếu tố rất cần thiết trong lời cầu nguyện. Trong câu chuyện “mười người bệnh ngoài da” trước đó (Lc 17,11-19), chính “lòng tin đã giúp cho lời cầu xin (xin hãy thương xót chúng tôi) thành sự thật. Chính Đức Giêsu đã chứng nhận “lòng tin của con đã cứu con” (17,18). Cầu xin là dấu hiệu của một sự tin tưởng và tín thác. Khi đặt câu hỏi “liệu có tìm thấy lòng tin trên trái đất nữa không?” Đức Giêsu ngụ ý rằng cho đến lúc Người trở lại để phán xét (x. Mt 25,31-46), liệu có còn ai tin tưởng và kêu cầu Người, hay Thiên Chúa nữa không. Hễ còn niềm tin, còn lời khẩn cầu, chắc chắn Người để phân xử công bằng cho người cầu xin. Lòng tin ấy không chỉ là sự tín thác trong cầu nguyện, nhưng là một lối sống để được ơn cứu độ, trong ngày phán xét của Con Người.[14] Trong ngôn ngữ Hy Lạp danh từ lòng tin, đức tin (πίστις) có cùng gốc với tính từ trung thành, hay trung tín (πιστὸς). Tương tự trong Tiếng Latinh và một số ngôn ngữ hiện đại, [tiếng Latinh: Fidem (lòng tin) – Fidelis (trung thành); tiếng Anh: Faith (lòng tin) – faithful (Trung thành); tiếng Ý: la fede (lòng tin) – fedele (trung thành)]. Niềm tin vào Chúa được chứng tỏ bằng lòng trung thành hay niềm tin vào Chúa phải dẫn đến lòng trung thành với những giá trịn Tin Mừng.

Bình luận tổng quát

 Trên hành trình rao giảng của mình Đức Giêsu đã nhiều lần cầu nguyện và giảng dạy về cách thức cũng như thái độ cần có khi cầu nguyện. Người cầu nguyện trong biến cố chịu phép rửa, trong hành trình sa mạc bốn mươi ngày đêm, trước khi tuyển chọn các môn đệ, trong khoảnh khắc biến hình, và trong Vườn Cây Dầu, trước thời khắc bị bắt và bước vào hành trình khổ nạn. Người dạy các môn đệ lời cầu nguyện cần thiết và ý nghĩa nhất, thường được gọi là “Lời cầu nguyện của Chúa” (Kinh Lạy Cha). Người bảo đảm cùng họ rằng “cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, và cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho”, và minh chứng bằng dự ngôn “người bạn quấy rầy lúc nửa đêm” (Lc 11,5-8). Lần này, Người tiếp tục dạy các môn đệ về cầu nguyện: Cầu nguyện luôn luôn và không nản chí (πάντοτε προσεύχεσθαι αὐτοὺς καὶ μὴ ἐγκακεῖν). Lời dạy về cầu nguyện ở đây được đặt trong bối cảnh những lời dạy về thời điểm cánh chung. Nó dường như liên quan đến bối cảnh thực tiễn trong đời sống cộng đoàn của tác giả Luca nhiều hơn là bối cảnh lịch sử thời Đức Giêsu.[15] Trong bối cảnh Đức Giêsu đã về trời, và lời hứa về một cuộc tái ngộ (trở lại trong trong vinh quang) vẫn còn âm vang nhưng vẫn chưa thành hiện thực, các tín hữu trong cộng đoàn nhiều lúc chểnh mãng, lơ là, xen lẫn tý hoang mang, trong đời sống cầu nguyện của mình.[16] Trong bối cảnh ấy, thật là cần thiết phải nhắc lại về ngày trở lại của Đức Giêsu và bảo đảm về sự phán xét công minh của Người. “Vị quan tòa bất chính” trong dụ ngôn, dù không muốn phân xử cho bà góa, vì lẽ ông không kính sợ Thiên Chúa, cũng chẳng vị nể ai, cuối cùng phải thi hành nhiệm vụ để tránh bị quấy rầy. Sự kiên trì của bà góa đã khiến cho vị quan tòa bất chính phải làm theo lời cầu xin của bà. Vậy thì, lời kêu cầu “ngày và đêm” của “những người được chọn” càng được chắc chắn sẽ được Chúa lưu tâm, và mau mắn thi hành, vì Thiên Chúa vốn là quan tòa công chính, chậm giận và giàu tình thương (Xh 34,6), Đấng bênh đỡ cô nhi và thực thi công lý cho quả phụ.[17] “Cầu nguyện luôn luôn và không nản chí” và “ngày đêm kêu lên Người”, kết hợp với câu hỏi “liệu Người có tìm thấy lòng tin trên mặt đất?” là cách diễn tả một đời sống đức tin sống động liên lỉ trong cộng đoàn các Kitô hữu – “những người được chọn” –  trong khoảng thời gian chờ đợi Chúa quang lâm. Khi Người đến chắc chắn Người sẽ chủ trì công đạo, mang lại công lý, ban ơn cứu độ và hạnh phúc vĩnh cửu cho những ai vẫn tin cậy và sống theo lời Người. “Cầu nguyện – lòng tin” ở đây có thể hiểu như lối sống của một người đầy tớ luôn trung thành, đợi chờ chủ đi ăn tiệc cưới về (Lc 12,35-40) hay “người quản gia trung tín, khôn ngoan” luôn thi hành bổn phận cách tốt đẹp khi chủ vắng nhà (Lc 12,41-46). Nó bao gồm cả lối sống của “một cây vả luôn sinh hoa trái đúng mùa” (Lc 13,6-9), của những người biết sinh lời từ những nén bạc chủ giao trong dụ ngôn “mười nén bạc” (dụ ngôn về lòng trung tín: 19,11-27); hoặc là một người “phải chiến đấu để đi vào qua cửa hẹp” (Lc Lc 13,24); hay lối sống của những người dám từ bỏ hết tất cả những gì mình có để làm môn đệ của Đức Giêsu (Lc 14,28-33; cf. Lc 18,18-27)…[18] Nói chung, cầu nguyện liên lỉ trong đức tin trong khoảng thời gian chờ đợi Đức Giêsu trở lại không đơn giản chỉ là những lời cầu xin đơn lẻ cho nhu cầu của bản thân hay cộng đoàn, nhưng là một lối sống đúng chất của “những người được chọn” trong tương quan với Chúa và với tha nhân. Đức Giêsu đảm bảo chắc chắn về lòng trung thành của Thiên Chúa – quan tòa, nhưng Người cũng đòi hỏi sự trung thành liên lỉ với đời sống đức tin của các tín hữu.[19] Hình ảnh bà góa trong câu chuyện này nối kết chặt chẽ với hình ảnh ba góa Anna “không bao giờ rời đền thờ nhưng thờ phượng ở đó cùng với việc ăn chay và cầu nguyện đêm ngày, cùng với hình ảnh bà góa chính hiệu được nói đến trong 1 Tm 5,5 – “Đặt hy vọng nơi Chúa và tiếp tục khẩn cầu, cầu nguyện đêm và ngày”- là những mẫu gương sống động cho đời sống đức tin của “những người được chọn” trong suốt thời gian mong chờ Chúa trở lại.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích:

[1] “This parable also shares themes with both the preceding and following sections. With the preceding section it shares the theme of eschatology, and the parable serves as the conclusion for the eschatologicaldiscourse, which extends from 17:20 to 18:8” [K.R. Snodgrass, Stories with Intent. A Comprehensive Guide to the Parables of Jesus (Grand Rapids 2018) 349].

[2] J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 637.

[3] L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP3; Collegevile 1997) 269.

[4] LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: VÌ SAO ĐỨC GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA? Chú giải Tin Mừng CN Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa C (Lc 3,15-16.21-22) (josephpham-horizon.blogspot.com).

[5] “This is not to be understood of perpetual or continuous prayer (contrast 1 Thess 5:17), but of continual prayer (as the following cl. implies): of prayer that continues to mark the existence of disciples until the day of the Son of Man is revealed (17:30)” [J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) 28A, 1178].

[6] A Greek-English lexicon of the New Testament and other early Christian literature (W. Arndt et al.) 570.

[7] “First, Jesus’ valuation echoes analogous phrases employed in the wider Roman world as proverbial invectives. Within this world, the world of Luke, neither fearing God nor having regard for persons signified one’s thorough wickedness In addition, elsewhere the Third Evangelist portrays those who “fear God” in positive fashion. Second, when Jehoshaphat appointed judges throughout Judah his charge to them included the admonition to “let the fear of the Lord be upon you” (2 Chr 19:7); clearly this is an attribute not shared by the judge of this parable. Finally, even with appeals to divine and human impartiality dotting its pages (e.g., 2 Chron 19:4–7; Sir 35:15–16), the LXX gives no impression that the scales of divine justice are blind” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 639).

[8] “because he was described earlier as one who “neither feared God nor cared about human beings,” a characterization that implied that his conduct was not always what it should have been” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction, translation, and notes, 1179-1180).

[9] X. J.L. Price “widow”, The HarperCollins Bible Dictionary (ed. P.H Achtemeier) (New York 1996) 1212.

[10] “in Israel as in every patriarchal, agriculturally based economy, certain classes of people were endemically vulnerable: the orphans, the sojourners, and the widows” (L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 269); “Inasmuch as the ancient court system belonged to the world of men, the fact that this woman finds herself before the magistrate indicates that she has no kinsman to bring her case to court; the fact that she must do so continuously suggests that she lacks the economic resources to offer the appropriate bribe necessary for a swift settlement” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 640).

[11] K.R. Snodgrass, Stories with Intent. A Comprehensive Guide to the Parables of Jesus, 350.

[12] “Interestingly, the judge’s self-assessment is identical to Jesus’ characterization of him, verifying that the action he proposes on behalf of this widow is not motivated by his commitment to God’s priorities nor by his concern for his standing in the community nor by any residual altruism on his part. He is motivated, rather, by the woman’s astonishing behavior” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 640-641).

[13] “Here it is being used of Christian disciples” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction, translation, and notes, 1180).

[14] “Luke’s concern is that believers not give up while they are waiting for their vindication, which in this context is tied closely to the coming of the Son of Man. For Luke faith/faithfulness and praying are necessary ingredients of readiness for eschatological deliverance” (K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 353).

[15] “In effect, Luke is aware of the delay and poses to Christians of his day the real question whether there will still be disciples of strong faith when that revelation comes” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction, translation, and notes, 1181).

[16] “The readers can all too easily see themselves as the widow, subject to oppression and delayed retribution, and by losing hope and courage become those who‘have faith for a time but in a season of testing fall away’(8,13)” (L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 273).

[17] “it is a “how much more” parable using the standard reasoning “from light to heavy.” If even an unjust judge will vindicate a widow who keeps coming to him, how much more will God answer the cries for vindication from his people?” (K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 351); “Jesus adopts an argument from lesser to greater: If an unjust judge will finally grant justice, how much more will God! Importantly, this comparison comes after lengthy teaching in Luke wherein the gracious, attentive, beneficent character of God has become well established” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 641-642).

[18] “The injunction to pray and not give up derives its significance from the context of the whole eschatological discourse, which began in 17:20. The disciples will long to see one of the days of the Son of Man, but will not (17:22), and people will go about their lives and be caught unprepared as in former instances of judgment. The opposite of becoming weary is steadfastness, faithfulness, and readiness” (K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 353).

[19] “Jesus addresses it, first, by insisting that adversity is integral to the process by which God brings salvation (cf. 17:25, 32–34); and, second, by assuring his disciples that, despite delay, divine vindication is imminent (18:1–8)” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 637).

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 28 TN)
Bài tiếp theoAI TÍN: Bà Cố Maria Nguyễn Thị Lượt (Thân mẫu của Lm. Phêrô Nguyễn Tài, SVD)