BÀI ĐỌC I: Am 8, 4-7
Trích sách Tiên tri Amos.
Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp kẻ nghèo khó, và muốn tiêu diệt hết những kẻ bần cùng trong cả nước. Các ngươi bảo: “Bao giờ qua tuần trăng mới để chúng tôi bán hàng? Khi nào hết ngày Sabbat để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi sẽ giảm lường đong, tăng giá và làm cân giả. Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy người túng thiếu. Chúng tôi sẽ bán lúa mục nát”. Vì Giacóp kiêu căng, Chúa đã thề rằng: “Ta sẽ không bao giờ lãng quên tất cả các việc chúng làm cho đến cùng”.
BÀI ĐỌC II: 1 Tm 2, 1-8
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi Timôthêu.
Trước tiên, cha khuyên hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch. Ðó là điều tốt lành và đẹp lòng Ðấng Cứu Ðộ chúng ta là Thiên Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý.
Vì chỉ có một Thiên Chúa, và một Ðấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Ðức Giêsu Kitô, cũng là con người. Người đã phó mình làm giá cứu chuộc thay cho mọi người, để nên chứng tá trong thời của Người, mà vì chứng tá đó, cha đã được đặt lên làm kẻ rao giảng, làm Tông đồ (cha nói thật chứ không nói dối), và làm Thầy dạy dân ngoại trong đức tin và chân lý. Vậy cha muốn rằng những người đàn ông cầu nguyện trong mọi nơi, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không oán hờn và cạnh tranh.
TIN MỪNG: Lc 16, 10-13 {hoặc 1-13}
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: {“Một người phú hộ kia có một người quản lý, và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: ‘Tôi nghe nói anh sao đó? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay, anh không thể làm quản lý nữa’. Người quản lý nghĩ thầm rằng: ‘Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào, để khi mất chức quản lý, thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ’.
“Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: ‘Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại: năm mươi’. Rồi anh hỏi người khác rằng: ‘Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm giạ lúa miến’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi’. Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.
“Phần Thầy, Thầy bảo các con: Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.}
“Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con?
“Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”.
BÀI GIẢNG: CHỌN LỰA NGÔN SỨ TRONG ĐỜI THƯỜNG
Ai cũng canh cánh bên mình nỗi lo cho tương lai sẽ đi về đâu? Vì thế, khi đối diện với những quyết định quan trọng trong cuộc sống, con người phải tự xoay sở để giải quyết vấn đề sao cho kết quả có phần bảo đảm cho tương lai mình. Nhưng cách thức nào là xứng hợp, chấp nhận làm ngơ trước những vấn đề không đúng lương tâm, hay can đảm nói lên sự thật? Đức Giêsu lại dùng một dụ ngôn nữa để dạy dỗ các môn đệ và cũng là lời đánh động tâm hồn mỗi người hôm nay.
Ta thấy nhân vật người quản gia trong câu chuyện dụ ngôn hành động rất khôn khéo, đưa ra quyết định thật nhanh chóng khi bị chất vấn về công việc quản lý của mình. Anh ta đã có những hành động gian dối, sửa đổi lại những hóa đơn ghi nợ của con nợ xuống ít hơn, nhằm có thể kiếm được những mối lợi sau này. Người quản gia thông thường là một một người nô lệ được chủ tín nhiệm và cất nhắc lên trông coi công việc quản lý trong gia đình, và ở đây ông chủ trong câu chuyện là một người phú hộ. Anh ta có quyền quản lý tất cả mọi chuyện, mọi tài sản của chủ, nhưng những thứ đó không phải thuộc quyền sở hữu của anh ta, dĩ nhiên không được quyền tiêu tán và xâm phạm đến tài sản của chủ. Chủ ở đây có thể hiểu là chính nhà phú hộ – và cũng là chính Thiên Chúa; còn nhân vật quản gia chính là mỗi người chúng ta.
Hình ảnh trong sách Sáng Thế những chương đầu như được phác họa lại trong câu chuyện này. Thiên Chúa tạo dựng nên cả vũ trụ và trao lại quyền cai quản cho con người. Chính lúc con người chọn lấy sự khôn ngoan bằng cách ăn trái cấm, đi ngược lại với lời Thiên Chúa căn dặn, cũng chính là lúc con người chối bỏ, không chọn Thiên Chúa là cùng đích của đời mình.
Dù đã được cảnh tỉnh về công việc của mình,“Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!” (Lc 16,2), nhưng anh vẫn không thay đổi. Tưởng rằng anh ta sẽ ăn năn hoán cải, và dừng lại, cải tà quy chánhmà thú nhận với chủ những lỗi lầm đã trót phạm, nhưng không, anh ta vẫn tiếp tục tính cho mình một con đường, một lối thoát để khi bị cắt chức quản gia, anh ta vẫn còn có chỗ tựa nương.
Đức Giêsu khen anh có hành động khôn khéo, vì anh này biết xoay sở tình thế rất khôn ngoan, biết dùng tiền của cách bất chính mà mua lấy bạn bè. Khen như vậy không có nghĩa là đồng tình và dung túng với hành động của anh ta. Ở điểm này cũng cho thấy một điểm giáo huấn nổi bật của Đức Giêsu là khi con người xem cứu cánh của mình không còn là Thiên Chúa nữa, và con người ta xoay qua một ngẫu tượng khác mà họ cho rằng đó chính là chúa của đời mình. Trong dụ ngôn chúng ta vừa được nghe, thứ ngẫu tượng đó chính là tiền bạc. Một khi không còn coi Thiên Chúa là chủ của đời mình, con người hành động với cách của “con cái thế gian” (Lc 16,8). Một sự khôn khéo bất chấp đạo đức để đạt được mục đích của mình, cho dù biết thế là phản bội lại với Chủ. Chính lúc quyết định hành động ngược với lương tâm, anh ta lại một lần nữa bất trung với Chủ, với Thiên Chúa của mình.
Lời nhắc nhở của Chúa Giêsu“Tôi nghe người ta nói gì về anh đó?” (Lc 16,2) giúp tôi nhìn lại chức vụ ngôn sứ mà tôi đã nhận lãnh khi chịuBí tích Thanh Tẩy. Đón nhậnsứ vụ ngôn sứ là dám nói lên sự thật, dám lên tiếng cho những việc làm sai trái với đạo lý luân thường. Có những sự thật diễn ra quá nhiều trong xã hội tới mức hóa ra bình thường. Đầy rẫy những khoản bỏ túi bằng “hóa đơn đỏ” – kê khống những khoản không có thực. Tôi vẫn hay thích dùng cụm từ “bình thường thôi” để diễn tả điều này. Nào là những việc tham nhũng, biển thủ, rút ruột công trình nhà nước trong các dự án chung của xã hội. Nào là lấy của chung làm của riêng,và để lại những khoản nợ công cho toàn dân thật sự hãi hùng. Một sự bất công cứ bình thản và ngang nhiên diễn ra. Một xã hội, khi mà nghĩa vụ thuộc về những người thấp cổ bé miệng, còn quyền lợi thì thuộc về một nhóm người có quyền lực thì sự bất công càng tỏ rõ.
Đọc lại bài đọc thứ nhất, ta thấy Amốt là một vị ngôn sứ của công bằng xã hội. Ngôn sứ đã lên tiếng chống lại bọn người gian lận và đầu cơ, tố cáo tính bủn xỉn của các thương gia và những người giàu cóvề việc bóc lột người nghèo, – “những người chuyên đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ” (Am 8,4). Ông tỏ cho chúng ta thấy một vị Thiên Chúa bảo vệ người nghèo. Bằng cách dùng lời Đức Chúa để lên tiếng, ông tin rằng Đức Chúa sẽ không quên những người cùng khổ vì“Đức Chúa đã lấy thánh danh là niềm hãnh diện của Giacóp màthề: Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng”(Am 8,7).
Nhẹ nhàng hơn, ôn hòa hơn, nhưng cũng không làm ngơ trước những gì đang xảy ra trong xã hội, tư tưởng này cũng được trình bày trong thư của thánh Phaolô gởi cho Timôthê; đó là “hãy cầu nguyện” cho các vua chúa và những nhà cầm quyền biết thể hiện đúng cương vị của mình mà phục vụ cho dân được nhờ:“Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta”(1 Tm 2,1-3).
Sự thật luôn là một thứ thuốc đắng: “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”. Thể hiện vai trò ngôn sứ trong cuộc sống thường nhật chưa lúc nào là việc dễ. Qua các bài đọc mà phụng vụ Chúa Nhật hôm nay gợi lên, tôi cảm thấy được thúc bách thi hành thiên chức ngôn sứ, nghĩa là can đảm nói lên sự thật; bằng nhiều cách khác nhau vàtùy vào hoàn cảnh sống của bản thân, tôi có thể lên tiếng cách mạnh mẽ hay ôn hòa, nhưng tôi không được dung túng và làm ngơ trước những sự tội.
Lời Chúa cũng là tiếng vang vọng lại để giúp tôi soi sáng và chất vấn chính bản thân rằng tôi đã thực sự sống đúng như một người quản gia trung tín, biết quản lý tốt những ân huệ Thiên Chúa giao phó chưa? Nghĩa là, tôi có biết sử dụng đúng tài năng, sự nhiệt thành trong phục vụ, trách nhiệm, tiền của… hay giống như nhân vật người quản gia trong câu chuyện dụ ngôn hôm nay?Khi bị chất vấn “Công việc quản lý của anh, anh hãy tính sổ đi…” (Lc 16,2) phải chăng tôi vẫn hành động theo kiểu khôn ngoan thế gian và coi tiền bạc như một thứ ngẫu tượng làm cứu cánh cho đời mình? Vàtôigạt Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc và bảo đảm vững chắc, ra khỏi đời tôi.
Lời của Đức Giêsu cuối bài Tin Mừng do thánh Luca thuật lại rất quả quyết:“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13). Lời Chúa quả thật sâu sắc và đánh động lòng người:“Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ” (Lc 16,13). Lời Chúa nhắc tôi về chính cung cách sống của mình.Tôi đang đặt Thiên Chúa hay ngẫu tượng là trọng tâm, là cùng đích của đời tôi? Và Lời Chúa như tiếng vang mời gọi tôi phải chọn lựa lại:Ai chính là chủ, là Chúa của đời tôi.
Tu sĩ Phêrô Nguyễn Quốc Hưng,SVD