Lời Chúa: Cv 13,14.43-52; Kh 7,9.14-17; Ga 10,27-30
Trong Cựu Ước hình ảnh người Mục Tử nhân lành thường được sử dụng để chỉ Thiên Chúa( TV 23, TV 80). Thiên Chúa đã tự mạc khải Ngài là Mục Tử, là một biểu tượng phong phú của Giao Ước Thiên Chúa đã ký kết với dân Ítraen như mục tử với đàn chiên mình. Người mục tử luôn chăm sóc và yêu thương đàn chiên.
Trong Tân Ước, diễn từ về người Mục Tử tốt lành nơi Tin Mừng thứ tư cho thấy Đức Giêsu là vị Mục Tử Thiên Sai,vượt qua dung mạo của vị Mục Tử dòng Đavít mà truyền thống Ítraenmong chờ. Vị Mục Tử này được minh định qua tính hổ tương của mối giây liên kết giữa chủ chiên và đàn chiên. Các câu 27-28 luân phiên đảo các chủ từ: “chúng / tôi” như sau:
Chúng nghe tiếng Tôi / Tôi biết chúng
Chúng theo Tôi / Tôi ban cho chúng sự sống…
Người Do Thái không nghe, không theo, nên họ không thuộc đàn chiên của Chúa. Còn chiên- những tín hữu thật- thì ngoan ngoãn nghe tiếng Người… Đức tin của họ cho họ một thính giác thiêng liêng, một cảm thức hầu như một bản năng, nhờ đó họ phân biệt được trong lời nói của Đức Giêsu một âm vang trung thực tiếng nói của Cha trên trời, và biết rằng qua miệng Người, chính Cha đang nói.
“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong…” (Ga 10,28). Chủ đề “ban sự sống đời đời” này luôn luôn được nhắc đi nhắc lại(x. sự sống ở Ga 1,4; sự sống đời đời ở (Ga 3,15) và được lồng vào nhiều hình ảnh khác nhau: nước, bánh, sự sáng, đồng cỏ…
Tất cả những bảo đảm nói ở câu này đều mang tính cánh chung.Sự sống không còn sợ chết chóc, không còn sợ bị tiêu diệt, chiên được đảm bảo an toàn tuyệt đối: không ai hoặc quyền lực nào có thể giật chiên ra khỏi tay Đấng chăn chiên hùng mạnh (Ga 17,2), vì Người được thông chia quyền năng của Cha một cách vô lường vô hạn.[1]
Đối với chúng ta, hậu cảnh “sói dữ” giành giật, cắn xé hồi xưa không còn, nhưng “sói dữ” nay chính là “lòng yêu mến thế gian, đam mê của xác thịt, của con mắt và kiêu hãnh vì của cải…(1Ga 2,15-16). Bởi vậy, khi Thiên Chúa thấy chúng ta bị những thú vui lôi cuốn, giật ta xa Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng có thể dùng những cách đối xử tương đương như đã đối xử với Ítraen, để chặt đứt, để ngăn chặn hầu không đểcho bất kỳ sức lực nào có thể giật chúng ta xa Người. Chớ gì chúng ta cũng biết nhận ra trong các gian nan, thử thách thanh luyện ấy dấu hiệu của Tình Thương Thiên Chúa.
Cũng như Tin Mừng thánh Gioan 10,27-28, thánh Phaolô trong thư Rôma 8,31-39 còn nới rộng thêm những lý chứng khiến chúng ta, những kẻ tin, tức là những kẻ thuộc đàn chiên Đức Giêsu được vô cùng sung sướng, vì thấy được hoàn toàn bảo đảm về số phận cứu rỗi đời đời của mình. Quả vậy, tin vào Đức Giêsu thì tất cả đều tràn đầy hy vọng, vui mừng và an tâm tuyệt đối. Ta nắm chắc phần rỗi đời đời: vì là chiên ngoan của Đức Giêsu, thì Người quả quyết với ta rằng: Con được sự sống đời đời, không ai hay sự gì có thể giật thoát con khỏi tay Ta được. Con sợ những thử thách, gian truân đói khát, hiểm nguy, gươm súng của cuộc đời ư? Thực tình, chúng đáng sợ đối với sức yếu hèn thân phận xác phàm của con. Nhưng có Thầy đây, Đấng yêu mến con là chiên của Thầy, Thầy sẽ ban sức mạnh cho con, như Phaolô đã xác tín: “Ơn Chúa là đủ cho con”(x. 2 Cr 12,9). Đây là dung mạo của người Mục Tử Nhân Lành mẫu mực mà ta nhận diện trong Tin Mừng. Thế còn thực tiễn thì sao?
Nhìn vào thực tiễn cuộc sống các mục tử, ta có hàng loạt thắc mắc: Tại sao nhiều mục tử ở đất này thích giữ khoảng cách? Thích tỏ vẻ lạnh lùng, khó gần gũi? Điều gì khiến các mục tử chuộng lối thực hiện ơn gọi của mình từ khoảng cách thoải mái an toàn, với lời giải thích rằng xưa nay vẫn vậy và ai cũng làm như vậy? Tại sao các mục tử không “gan dạ và sáng tạo trong trách nhiệm suy nghĩ lại các đối tượng, các cơ cấu, phong cách và phương thức ” mục vụ? Tại sao thích đóng kín, chứ không chịu bước ra ngoài; thích cấm đoán và kiểm soát, chứ không tin tưởng, cởi mở cho khí mới và “vượt thành vượt lũy”? (Tv 18,30). Thích ra lệnh, chứ không muốn lắng nghe? Nghĩa là các mục tử đó không “hội nhập vào cuộc sống nhân loại và chia sẻ phận người nơi cõi trần. ” Có thể gọi đó là lối “mục vụ sạch”. Đó chính là thực tế và là bối cảnh mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặt hình ảnh mục vụ “có mùi của chiên” vào trong Tông Huấn Evangelii Gaudium của ngài.
Khi đặt câu hỏi cũng có nghĩa là nhận thấy bản thân và nhìn thấu thực trạng. Vì thế, hướng hành động cho các mục tử sẽ là một cuộc canh tân toàn diện lối sống và lối mục vụ như chính vị Mục Tử Nhân Lành đã nêu gương trong Tin Mừng. Nghĩa là mục tử biết chiên và gọi tên “từng con”. Các con chiên, về phía chúng, nghe và nhận biết tiếng của mục tử (Ga 10,4). Đối với người mục tử tốt lành, mỗi một con chiên có giá trị riêng, chứ không là số đông thì mới đáng được để ý quan tâm – như dụ ngôn tìm chiên lạc (Mc 18,12-14) cho thấy. Và người mục tử cần phải biết lắng nghe và có chút thời gian cần thiết. Nghĩa là phải đầu tư thì giờ và sức lực cho từng con chiên. Thật khó nhưng đó là một đòi buộc của Tin Mừng.
Gọi tên, yêu thương và chăn dắt đàn chiên là bổn phận của mục tử. Tất cả mọi nỗ lực của mục tử là vì đàn chiên. Chiên là trung tâm của mọi ưu tư và mục vụ. Nếu không xác định được yếu tính này thì mục tử chỉ là giả hiệu, là kẻ chăn thuê mà thôi. Và đương nhiên sẽ bị những lời hạch tội và khiển trách nặng nề. Ngôn sứ Êdêkien tố cáo các mục tử “chỉ biết lo cho mình” và quên nhiệm vụ: “Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc.Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm” (Ed 34,3-5).
Nhìn vào thế giới hôm nay, nhiềuthân phận khốn cùng của những con chiên đang được phơi bày một cách trần trụi, đau xót. Mấy ngày này báo chí, cũng như bao nhiêu phương tiện truyền thông đã đồng loạt nói về cuộc khủng hoảng nhập cư từ Syria sang Châu Âu mà hình ảnh em bé chết trôi, bị sóng đánh dạt vào bờ là một thảm cảnh đáng suy ngẫm. Người mục tử nhân lành phải có trách nhiệm và lòng trắc ẩn, phản ánh được tính trung thực của Vị Mục Tử Tối Cao là Đức Giêsu. Như thế mới mang lại cho những đàn chiên niềm hy vọng chữa lành và được băng bó. Và với tư cách là chiên thì phải nghe tiếng và theo người chăn. Đó là thông điệp mà Tin Mừng hôm nay gửi đến cho tất cả chúng ta.
Antôn Nguyễn Tất Bính
[1] Hoàng Minh Tuấn, Đọc Tin Mừng Gioan, Tập IV, Phục Sinh Chính là Ta (Tôn giáo: Ha Nội, 2003), tr.225.