NGƯỜI TÔI TỚ (17/10, Chúa Nhật XXIX TN, B)

0
291

Bài đọc 1: Is 53,10-11; Bài đọc 2: Hr 4,14-16

Tin Mừng: Mc 10,35-45

Ngay sau khi Đức Giêsu loan báo lần thứ ba về cuộc thương khó và Phục Sinh của Ngài, hai môn đệ Giacôbê và Gioan đã đến gần Đức Giêsu để xin một điều, đó là: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”. Lời cầu xin này thật sự bất ngờ, bởi vì, trong khi Đức Giêsu loan báo sự hi sinh của Ngài phải lãnh chịu: “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người”; thì hai môn đệ Giacôbê và Gioan lại tìm kiếm chỗ đứng quan trọng và vinh quang theo kiểu con người.

Đứng trước lời xin đó, Đức Giêsu đã không quở trách hai ông, nhưng đã kêu mời hai môn đệ hiệp thông với khổ hình của Ngài: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu”. Họ đã chấp nhận lời mời gọi này. Ngài cũng cho họ biết việc ngồi bên hữu hay bên tả thì “Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”.

Các môn đệ khác cũng có tham vọng như Giacôbê và Gioan, cho nên họ bực tức khi nghe biết điều cầu xin của hai môn đệ này. Biết được những suy nghĩ và tính toán của các môn đệ, Đức Giêsu đã dạy cho họ bài học về sự phục vụ và hi sinh vì người khác. Hơn hết, chính Đức Giêsu đã trở nên mẫu gương sống động về những gì Ngài dạy bảo: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

—oOo—

Chia sẻ của tu sĩ Phaolô Đặng Văn Lãng, SVD

Để nói về những gian khổ mà một người sắp được trao nhiệm vụ quan trọng sẽ phải đối diện thì Mạnh Tử, một triết gia Nho Giáo, Trung Hoa cho rằng: “Khi trời giao sứ mạng trọng đại cho người nào, nhất định trước hết phải làm cho ý chí của họ được tôi rèn, làm cho gân cốt họ bị nhọc mệt, làm cho thân xác họ bị đói khát, làm cho họ chịu nỗi khổ sở nghèo túng, làm việc gì cũng không thuận lợi. Như thế là để lay động tâm chí và thanh luyện tâm hồn người ấy, để tính tình người ấy trở nên kiên nhẫn mà chu toàn trọng trách được trao phó.”

Bài đọc một trích sách ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa mạc khải cho dân về một vị Tôi Trung của ngài phải chịu nhiều thử thách và đau khổ để được trở nên công chính hầu giúp Dân Chúa trở nên công chính: “Đức Chúa đã muốn người tôi trung phải bị nghiền nát vì đau khổ… Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53,10-11).

Như vậy, trước khi thực hiện sứ vụ cao cả để làm cho muôn người trở nên công chính, vị Tôi Trung của Thiên Chúa sẽ phải trải qua những thử thách gian truân. Tất cả những sấm ngôn về vị Tôi Trung của Thiên Chúa trong thời Cựu Ước chúng ta thấy dần được ứng nghiệm nơi chính Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa.

Đã nhiều lần chúng ta nghe Đức Giêsu hé mở cho các môn đệ và những người đi theo Ngài về những đau khổ mà Ngài sẽ phải chịu để cứu chuộc họ khỏi ách tội lỗi và đưa họ về với Thiên Chúa: “Khi các ngươi nhắc Con Người lên cao, bấy giờ các ngươi sẽ biết: Ta Hằng Hữu, và biết tự Ta, Ta không làm gì, nhưng Cha đã dạy Ta làm sao, Ta nói vậy” (Ga 8,28). Qua những điều Đức Giêsu nói ở trên, chúng ta biết rõ đó là chương trình mà Chúa Cha trao phó mà Ngài phải trải qua để thi hành sứ vụ cứu độ muôn dân.

Cũng vậy, Khi Ngài tuyển chọn các môn đệ, Ngài cũng muốn họ sẽ phải trải qua những thử thách gian truân, trong đó quan trọng nhất là phải có tinh thần khiêm hạ để tôi luyện thành “người lãnh đạo tôi tớ” phục vụ Dân Chúa. Thậm chí Ngài muốn họ phải hy sinh chính cả mạng sống mình để phục vụ tha nhân, như chính tấm gương Ngài sẽ thực hiện sau này trong Cuộc Thương Khó: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).

Chính vì thế, hành động đến gặp riêng Đức Giêsu và xin được chung hưởng phần vinh quang của hai môn đệ là Giacôbê và Gioan trong trình thuật Tin Mừng ngày hôm nay cho thấy tư tưởng đầy tham vọng của họ đi ngược lại với những gì Chúa Giêsu dạy các ông và không phù hợp với giáo lý Ngài hướng tới: “Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10,36).

Mặc dù là những người được Đức Giêsu chọn, là những người theo sát mọi hoạt động trong đời sống của Chúa và chứng kiến tất cả các phép lạ Ngài làm nhưng dường như Giacôbê và Gioan vẫn không nhận ra được Đức Giêsu đích thực là ai và sứ vụ của Ngài là gì. Sâu thẳm trong tâm thức, họ vẫn nghĩ rằng Đức Giêsu sớm muộn cũng sẽ trở thành vị vua cai trị Ítraen, xét trên phương diện thế quyền như những vị vua trước đó. Dường như có một bức màn phủ lên nhận thức của các ông về Đức Giêsu. Cái biết và cái thấy của các ông về Ngài còn rất hạn hẹp do xã hội và lịch sử Ítraen đã nắn đúc lên trong đầu các ông về một Đấng Mêsia phải xuất thân danh giá, đầy quyền lực, sẽ giải thoát họ khỏi ách thống trị của ngoại bang và lãnh đạo dân Ítraen phát triển.

Nhiều học giả cho rằng, Giacôbê và Gioan là hình ảnh người ở trong cuộc vì được Chúa chọn nhưng họ có thái độ và ứng xử như người ở ngoài cuộc của các môn đệ. Việc biết Đức Giêsu và nhận ra Ngài là ai là cả một hành trình dài, đầy gian lao và cần học hỏi mỗi ngày chứ không phải chỉ nhìn qua những việc Ngài làm bên ngoài. Chỉ khi sống cùng cảm nghiệm cuộc đời Đức Giêsu qua biến cố Thương Khó và Phục Sinh thì các môn đệ và chính chúng ta mới có thể có niềm tin mạnh mẽ vào Ngài và nhận biết Ngài thật sự là ai để đặt trọn niềm tin nơi Ngài.

Giacôbê và Gioan ngày hôm nay còn theo đuổi những “tham sân si” rất con người vì các ông mới ở chặng đầu trên hành trình theo Đức Giêsu. Nhưng theo dòng thời gian, hai ông đã biến đổi hoàn toàn con người mình để trở nên những người môn đệ đích thực như lòng Đức Giêsu mong ước. Sau khi Chúa Giêsu về trời, hai ông cùng các Tông Đồ khác đã thật sự trở nên những đầy tớ và thầy dạy đức tin đích thực phục vụ cộng đoàn Giáo Hội thời sơ khai. Giáo Hội thời này phát triển là nhờ tấm gương của các Tông Đồ, trong đó có Giacôbê và Gioan.

Trong cuộc sống, không thiếu những lần chúng ta cũng chạy đến với Chúa vì những tham vọng cá nhân như Giacôbê và Gioan trong trình thuật Lời Chúa hôm nay. Chúng ta cũng xin được là ông nọ bà kia để được người khác tôn vinh, phục vụ, xin được giàu có và không vướng phải khổ đau… Tôi nghĩ rằng, đó đều là những ước muốn rất con người mà ai cũng có. Thật tuyệt vời hơn nếu chúng ta xin những điều đó và hướng tới lợi ích chung, là để phục vụ mọi người như Đức Giêsu dạy Giacôbê và Gioan ngày hôm nay.

Lạy Chúa xin biến đổi để chúng con thành những “tôi tớ” phục vụ mọi người. Amen.

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXIX TN B (Mc 10,35-45)
Bài tiếp theoLINH ĐẠO VÀ ĐẶC SỦNG CỦA DÒNG TRUYỀN GIÁO NGÔI LỜI (SVD)