Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXIX TN B (Mc 10,35-45)

0
309
Photo: Bible.com and others

TRAO BAN QUYỀN LỰC HAY TRAO BAN MẠNG SỐNG

Chú Giải Tin Mừng CN XXIX TN B (Mc 10,35-45)

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Bản văn và dịch sát nghĩa

Hy Lạp Việt
35Καὶ προσπορεύονται αὐτῷ Ἰάκωβος καὶ Ἰωάννης οἱ υἱοὶ Ζεβεδαίου λέγοντες αὐτῷ· διδάσκαλε, θέλομεν ἵνα ὃ ἐὰν αἰτήσωμέν σε ποιήσῃς ἡμῖν.

36 ὁ δὲ εἶπεν αὐτοῖς· τί θέλετέ [με] ποιήσω ὑμῖν;

37 οἱ δὲ εἶπαν αὐτῷ· δὸς ἡμῖν ἵνα εἷς σου ἐκ δεξιῶν καὶ εἷς ἐξ ἀριστερῶν καθίσωμεν ἐν τῇ δόξῃ σου.

38 ὁ δὲ Ἰησοῦς εἶπεν αὐτοῖς· οὐκ οἴδατε τί αἰτεῖσθε. δύνασθε πιεῖν τὸ ποτήριον ὃ ἐγὼ πίνω ἢ τὸ βάπτισμα ὃ ἐγὼ βαπτίζομαι βαπτισθῆναι;

39 οἱ δὲ εἶπαν αὐτῷ· δυνάμεθα. ὁ δὲ Ἰησοῦς εἶπεν αὐτοῖς· τὸ ποτήριον ὃ ἐγὼ πίνω πίεσθε καὶ τὸ βάπτισμα ὃ ἐγὼ βαπτίζομαι βαπτισθήσεσθε,

40 τὸ δὲ καθίσαι ἐκ δεξιῶν μου ἢ ἐξ εὐωνύμων οὐκ ἔστιν ἐμὸν δοῦναι, ἀλλ᾽ οἷς ἡτοίμασται.

41 Καὶ ἀκούσαντες οἱ δέκα ἤρξαντο ἀγανακτεῖν περὶ Ἰακώβου καὶ Ἰωάννου.

42 καὶ προσκαλεσάμενος αὐτοὺς ὁ Ἰησοῦς λέγει αὐτοῖς· οἴδατε ὅτι οἱ δοκοῦντες ἄρχειν τῶν ἐθνῶν κατακυριεύουσιν αὐτῶν καὶ οἱ μεγάλοι αὐτῶν κατεξουσιάζουσιν αὐτῶν.

43 οὐχ οὕτως δέ ἐστιν ἐν ὑμῖν, ἀλλ᾽ ὃς ἂν θέλῃ μέγας γενέσθαι ἐν ὑμῖν ἔσται ὑμῶν διάκονος,

44 καὶ ὃς ἂν θέλῃ ἐν ὑμῖν εἶναι πρῶτος ἔσται πάντων δοῦλος·

45 καὶ γὰρ ὁ υἱὸς τοῦ ἀνθρώπου οὐκ ἦλθεν διακονηθῆναι ἀλλὰ διακονῆσαι καὶ δοῦναι τὴν ψυχὴν αὐτοῦ λύτρον ἀντὶ πολλῶν.

(Mk. 10:35-45 BGT)

35 và Gia-cô-bê và Gioan, hai người con của ông Dê-bê-đê đến gần Người, thưa cùng Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con muốn để mà Thầy có thể làm cho chúng con điều mà chúng con xin”

36 Đức Giê-su nói cùng họ: “Anh em muốn Thầy làm gì cho anh em?”

37 Họ thưa cùng Người: “Hãy cho chúng con để mà chúng con có thể ngồi, một người bên phải và một người bên trái Thầy trong vinh quang của Thầy”.

38 Đức Giê-su nói cùng họ: “Anh em không biết điều anh em xin. Anh em có thể uống chén mà Thầy uống hay chịu phép rửa mà Thầy chịu hay không?

39 Họ nói cùng Người: “Chúng con có thể”, nhưng Đức Giê-su nói cùng họ: “Chén mà Thầy uống anh em sẽ uống và phép rửa mà Thầy chịu anh em cũng sẽ chịu.

40 Tuy nhiên, việc ngồi bên trái hay bên phải Thầy, không phải của Thầy để cho, nhưng cho những người đã được chuẩn bị rồi.

41 Sau khi nghe [chuyện ấy] mười môn đệ bắt đầu giận dữ vì Gia-cô-bê và Gioan.

42 Sau khi gọi họ lại, Đức Giê-su nói cùng họ: “Anh em biết rằng những người được coi là lãnh đạo một quốc gia họ cai trị trên dân, và những người có quyền cao thực thi quyền hành trên họ.

43 Trong anh em thì không phải như vậy, ai muốn là người lớn hơn trong anh em sẽ là người phục vụ của anh em,

44 ai muốn là người đứng đầu trong anh em sẽ là người tôi tớ của tất cả.

45 vì Con Người không đến đề được phục vụ nhưng là để phục vụ và trao ban mạng sống của mình làm giá chuộc nhiều người.

 

Bối cảnh bản văn

Đoạn văn Mc 10,35-45 được trích ra từ những trình thuật và bài giảng của Đức Giê-su trên đường lên Giê-ru-sa-lem (10,1-52). Trong bối cảnh rộng hơn, đoạn văn này là một phần trong những lời dạy, mà Đức Giê-su muốn mạc khải cho các môn đệ về một Đấng Ki-tô tự hạ, chịu đóng đinh, chịu chết và sau ba ngày sẽ Phục Sinh (Mc 8 – 12). Trong bối cảnh trực tiếp, đoạn văn này được tiếp nối ngay sau trình thuật về sự tiền báo mầu nhiệm khổ-tử nạn – phục sinh lần thứ ba (10,32-34), cũng là lần cuối cùng. Cách bố trí bản văn này một lần nữa cho thấy phản ứng trái chiều của các môn đệ, đối với mầu nhiệm trọng đại, mà Đức Giê-su đang cố gắng dạy các ông. Sự ham muốn quyền lực là chủ đề xuyên suốt cả ba lần Đức Giê-su tiền báo về mầu nhiệm này. Thuật ngữ “chén” và “phép rửa”, “trao ban mạng sống”, là những cách nói tượng trưng cho mầu nhiệm đau khổ và sự chết, mà Đức Giê-su đang loan báo và sẽ thực hành trong đoạn cuối của cuộc đời mình (Mc 14 – 15). Những lời dạy về cách sử dụng quyền lực: “Người lớn hơn” trở thành “người phục vụ” cho tất cả; “Người đứng đầu” trở thành “tôi tớ” của tất cả, gợi nhớ đến lời dạy mà Đức Giê-su đã dạy, sau khi các ông biết các môn đệ tranh giành xem “ai là người lớn nhất”, được kể lại trước đó ít lâu (Mc 9,33-35). Chủ đề về “tài” (quyền chức) là một trong ba chủ đề trọng tâm của chương 10 trong Tin Mừng Mác-cô (Tình [10,1-12], Tiền [10,17-31], và Tài [10,35-45])[1] và cũng là những lời dạy gần gũi, thiết thực với đời sống của cộng đoàn các môn đệ nói riêng và cộng đoàn ki-tô giáo nói chung. Loạt lời dạy về ba chủ đề này được kết thúc một cách chủ ý bằng trình thuật chữa lành người mù Giê-ri-khô, bởi vì đây là người nghèo, ăn xin, nhìn thấy Đức Giê-su và “đi theo Người trên con đường Người đi” (Mc 10,52).

Cấu trúc bản văn

Bản văn Mc 10,35-45 có thể được chia thành hai phần. Phần A: Nói về giấc mơ quyền lực của Nhóm Mười Hai. Phần này là một cấu trúc đảo đổi, trong đó (a) Gia-cô-bê và Gioan tiếp cận và xin xỏ // (a’) Mười môn đệ còn lại tức tối với hai môn đệ này; (b) Ước muốn ngồi bên phải và bên trái của Gia-cô-bê và Gioan // (b’) Đáp trả của Đức Giê-su về ước muốn ấy; (c) Lời mời gọi “uống chén và chịu phép rửa” của Đức Giê-su // (c’) Đáp trả của các môn đệ với lời mời gọi này. Phần B: Lời dạy của Đức Giê-su về chức năng của quyền lực. Phần này có cấu trúc song song, trong đó (a) Cách sử dụng quyền lực của những nhà lãnh đạo quốc gia // (a1) Cách sử dụng quyền lực mà các môn đệ phải có // (a2) Nền tảng cho cách sử dụng quyền lực của các môn đệ.

A. Ao ước quyền lực

(a) Gia-cô-bê và Gioan tiếp cận và xin xỏ (10,35-36)

(b) Ngồi bên phải bên trái: Ý muốn của hai môn đệ (10,37)

(c) Mời uống chén và chịu phép rửa (10,38)

(c’) Đáp lại lời mời uống chén và chịu phép rửa (10,39)

(b’) Ngồi bên phải bên trái: Dành cho những người đã được chuẩn bị (10,40)

(a’) Mười môn đệ còn lại tức tối với Gioan và Ga-cô-bê (10,41)

B.  Hiệu năng của quyền lực

(a) Lãnh đạo quốc gia: Người có quyền thống trị và tỏ uy quyền (10,42)

(a1) Các môn đệ: Người lớn hơn phải phục vụ người phục vụ (10,43)

 Người đứng đầu là người tôi tớ của tất cả (10,44)

(a2) Con Người: Phục vụ và trao ban mạng sống (10,45)

 

Một số điểm chú giải

  1. Gia-cô-bê và Gioan[2]: Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, Gioan và Gia-cô-bê thường đi kèm với nhau. Họ là hai anh em ruột (Mc 3,17; 5,37; Mt 10,2), làm nghề chài lưới (Lc 5,10). Họ là hai trong số bốn môn đệ được gọi đầu tiên (Mt 4,21; Mc 1,19). Cặp anh em này là hai trong số bộ ba môn đệ thân tín, thường được Đức Giê-su dẫn riêng ra trong một số biến cố quan trọng: (i) Phép lạ cho con gái ông Giai-a sống lại (Mc 5,21-24. 35-43); (ii) Biến cố Biến Hình trên núi (Mc 9,2-8; Mt 17,1-8; Lc 9,28-36); (iii) Biến cố cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu (Mc 14,33). Liệu việc họ “đánh lẻ”, không rủ Phê-rô có ý nghĩa gì hay không? Có thể Phê-rô không đi cùng trong vụ này, vì ông đã bị Đức Giê-su mắng khi “cản lối” Thầy trong lần tiền báo thứ nhất (Mc 8,33). Họ được Đức Giê-su đặt cho biệt danh là “Bô-e-nê-ghê” (Con của Thiên Lôi). Điều này đúng với tính cách của họ, được thể hiện qua việc mong muốn lửa từ trời xuống tiêu hủy làng Samari, nơi không đón tiếp Đức Giê-su (Lc 9,54). Riêng Gioan thì ngăn cản một người trừ quỷ nhân danh Đức Giê-su, vì người này không theo họ (Mc 9,38). Trong bối cảnh này, Gia-cô-bê và Gioan dường như đối lại với mười môn đệ kia, đến bày tỏ giấc mơ quyền lực một cách thẳng thắn và rõ ràng với Đức Giê-su. Tuy nhiên, cũng nên biết rằng, sau đó Gia-cô-bê là Tông đồ đầu tiên chịu tử đạo dưới tay Hê-rô-đê Ác-ríp-pa I (Cv 12,2). Trong danh sách Mười Hai Tông Đồ, có một người tên là Gia-cô-bê nữa, thường được gọi là Gia-cô-bê hậu. Tông đồ này là con ông An-phê (Mc 3,18; Lc 6,15). Gioan theo truyền thống là người “môn đệ Đức Giê-su yêu” trong Tin Mừng thứ tư (13,23 v.v…). Gioan sát cánh với Phê-rô trong những ngày đầu tiên đi rao giảng sau biến cố Ngũ Tuần (Cv 3,1-5.11; 4,19.21-23). Ông được xem là tác gỉa của Tin Mừng thứ tư và ba lá thư (1,2&3 Gioan) và cả sách Khải Huyền. Trong bối cảnh này, Gia-cô-bê và Gioan được mô tả như là những người “cơ hội”. Họ đến để dành vị trí tốt trong bộ máy chính trị của của Đức Giê-su. Mát-thêu giảm nhẹ trách nhiệm của hai ông này, khi cho biết rằng đây là ước mong của bà mẹ của hai ông, chứ không phải của chính hai ông: “Bà mẹ của hai người con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có hai con bà đi theo” (Mt 20,20).
  2. Hãy cho”: Động từ “cho” được dùng ba lần trong đoạn văn này (10,37.39.45). Nó có thể được xem như là động từ đóng khung cả đoạn văn này. Thật vậy, đoạn văn mở đầu bằng lời cầu xin của các môn đệ: “Hãy cho chúng con để chúng con có thể ngồi một người bên hữu một người bên tả Thầy, trong vinh quang của Thầy” (10,37) và kết thúc với mạc khải của Đức Giê-su rằng Người “đến để phục vụ và trao ban mạng sống mình vì nhiều người” (10,45). Như vậy, đây là động từ nền tảng để hiểu ý nghĩa của bản văn này. Gioan và Gia-cô-bê muốn Đức Giê-su ban cho hai ông quyền lực, còn Đức Giê-su bật mí cho các ông biết mầu nhiệm tự hiến. Cái mà Người sẽ trao quý giá hơn nhiều lần điều mà các ông xin. Người sẽ trao ban mạng sống mình, để làm giá chuộc không những cho các môn đệ, mà cho tất cả mọi người. Sự “trao ban mạng sống” đọc một mặt trong bối cảnh gần nối kết chặt chẽ với ý tưởng “uống chén” và “chịu phép rửa”; mặt khác trong bối cảnh rộng hơn nối tiếp chặt chẽ với bối cảnh Đức Giê-su tiền báo ba lần mầu nhiệm khổ-tử nạn và phục sinh. Nó là biến cố mấu chốt cho toàn bộ chương trình cứu độ của Đức Giê-su.
  3. Bên phải … bên trái: Đây là cách nói để diễn tả giấc mơ quyền lực. “Bên trái” và “bên phải” là hai vị trí cao nhất, nhì trong một hệ thống chính trị, đặc biệt trong chế độ phong kiến. Đức Giê-su trong vị thế là Đấng Ki-tô được cho là “ngự bên hữu của Đức Chúa”: “Đức Chúa phán cùng Chúa của tôi, bên hữu Cha đây Con luôn ngự trị, cho đến khi Ta đặt những kẻ thù như là bệ dưới chân con” (Mc 12,36; Mt 22,44). Trong các trình thuật về cuộc thẩm vấn, Đức Giê-su cũng mạc khải cho các vị quan tòa rằng: Các ông sẽ thấy Con Người “ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mt 26,46; Mc 14,62). Trình thuật về biến cố Thăng Thiên cũng cho thấy Đức Giê-su “được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19; Cf. Cv 7,55-56). Bên hữu là vị trí tốt nhất. Gioan và Gia-cô-bê đến gần, tiếp cận (προσπορεύονται: 10,35) với một mục đích rõ rệt. Các ông đang cố gắng giành những vị trí tốt nhất cho mình vì sợ người khác chiếm mất. Giấc mơ quyền lực của các môn đệ ngày càng rõ nét và cụ thể hơn. Nếu như trong lần tiền báo thứ hai cuộc khổ-tử nạn – phục sinh, các ông chỉ tranh giành với nhau xem ai lớn, ai nhỏ trong nhóm, thì bây giờ cá nhân hai người tiếp cận riêng và xin hai vị trí cụ thể.
  4. Vinh quang” (δόξα): Vinh quang là một đặc tính gắn liền với Đức Giê-su và Chúa Cha. Trong trình thuật về cánh chung, Đức Giê-su cho thấy “Con Người sẽ đến trong vinh quang của mình” (Mt 25,31; Mc 13,26; Lc 21,27). Có khi, Đức Giê-su lại nói “Con người đến trong vinh quang của Cha Người” (Mc 8,38); hay “Con Người đến trong vinh quang của Người và vinh quang của Cha Người” (Lc 9,26). Các môn đệ đã từng thấy vinh quang của Đức Giê-su trong cuộc biến hình: “Khi họ tỉnh giấc, họ thấy vinh quang của Người và hai người đàn ông đứng với Người”. “Vinh quang” là tình trạng mà Đức Giê-su sẽ đạt được sau khi chịu khổ hình: “Nào chẳng phải Đấng Ki-tô phải chịu nhiều đau khổ như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người hay sao?” (Lc 24,26). Tin Mừng Gioan cho độc giả thấy nhiều sắc thái hơn về “vinh quang” của Đức Giê-su. Người tỏ bày vinh quang qua việc làm phép lạ hóa nước thành rượu tại Cana (Ga 2,11). Vinh quang của Đức Giê-su đến từ Chúa Cha, chứ Đức Giê-su không tôn vinh chính mình (Ga 8,56; Ga 17,22). Phép lạ cho La-da-rô sống lại là dịp để Đức Giê-su tỏ bày vinh quang của Chúa Cha (Ga 11,4.40). Trong bối cảnh này, Gioan và Gia-cô-bê nói về vinh quang của Đức Giê-su, nhưng có lẽ cách hiểu của các ông lúc bấy giờ không trùng với cách hiểu của Đức Giê-su.[3] Vinh quang của Đức Giê-su là vinh quang phục sinh, vinh quang của Đấng đã chiến thắng sự chết. Đó cũng là vinh quang mà Người đã có từ trước muôn đời (Ga 17,5). Trong suy nghĩ của các ông, Đức Giê-su đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, và có thể Người sẽ xưng vương trong nay mai.[4] Họ vẫn chưa hiểu và chưa muốn chấp nhận mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh mà Đức Giê-su đang cố gắng giải thích. Chính vì thế, khi Người bước vào cuộc khổ nạn họ thất vọng ê chề và khi Người phục sinh, họ đã ngạc nhiên và ngờ vực. Đức Giê-su một lần nữa tố cáo “ảo tưởng”, “mơ mộng quyền lực” của họ khi nói rằng: “Anh em chẳng hiểu điều mà anh em đang xin”. Đức Giê-su hẳn muốn nói rằng hành trình này không đơn giản, dễ nuốt như họ tưởng. Họ không hiểu nên mới háo hức xin hai vị trí gần Người như thế.
  5. Uống chén[5] … chịu phép rửa: Hành trình Giê-ru-sa-lem mà Gioan và Gia-cô-bê đang lầm tưởng là vinh quang, thực ra là hành trình đắng cay và chết chóc. “Thuật ngữ uống chén” Đức Giê-su diễn tả như là trọn hành trình khổ-tử nạn. Đó là “chén” mà Chúa Cha đã trao cho Người: “Chén mà Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy không uống” (Ga 18,11). Thuật ngữ “chén” cũng được dùng cách tượng trưng trong giờ cầu nguyện của Đức Giê-su, một cuộc đấu tranh nội tâm trước trong khoảnh khắc sinh tử: “Lạy cha, mọi sự đều có thể đối với Cha, xin cất chén này khỏi con. Tuy nhiên, không phải điều con muốn mà là điều Cha muốn” (Mc 14,36; Lc 22,42; Mt 26,39). “Chén” cũng được đồng hóa với “chén máu” của Đức Giê-su. Trong đêm Tiệc Ly Đức Giê-su đã cầm lấy chén và mời gọi các môn đệ uống: “Chén này sẽ được đổ ra cho anh em là giao ước mới trong máu Thầy” (Lc 22,20); “Hãy uống, tất cả anh em, vì đây là máu giao ước, sẽ đổ ra cho nhiều người được ơn tha thứ tội lỗi” (Mt 26,27). Thánh Phao-lô cũng giải thích rằng: “Chén chúc tụng mà chúng ta chúc lành, không phải là một sự tham dự vào máu Đức Ki-tô đó sao? Bánh mà chúng ta bẻ, không phải là một sự tham dự vào mình Đức Ki-tô?” (1 Cr 10,16). Thánh Phao-lô nhấn mạnh rằng: “Mỗi lần anh em ăn bánh này và uống chén này, anh em loan truyền cái chết của của Chúa cho đến khi Người đến” (1 Cr 11,26). Tác giả J. Donahue – D. Harrington cho rằng hình ảnh “chén” được hiểu cách tốt nhất theo những thuật ngữ của Cựu Ước, nói về chén đau khổ hay là chén thịnh nộ (x. Gr 25,15-29; Tv 75,8; Is 51,17.22).[6] Tuy nhiên, thật khó để hiểu chén mà Đức Giê-su nói đến ở đây là cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.

Phép rửa có nghĩa gốc là sự “dìm trong nước”. Nó có thể diễn tả sự chết qua việc bị chìm trong nước.[7] Đức Giê-su cũng ám chỉ phép rửa như là mầu nhiệm khổ-tử nạn mà Người sẽ trải qua: “Thầy còn một phép rửa nữa phải chịu, và Thầy lo lắng biết bao cho đến khi nó hoàn tất” (Lc 12,50). Ở trong các thư Thánh Phao-lô, người ta mới thấy rõ sự nối kết giữa phép rửa với sự chết cùng với Đức Ki-tô: “Anh em đã cùng mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa” (Cl 2,12); “Anh em không biết rằng: Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta cùng được mai táng với Người” (Rm 6,3-4). Thay vì Đức Giê-su trả lời câu hỏi của hai môn đệ, Người lại hỏi họ một chuyện khác, bởi vì Người nhận thấy rằng họ không hiểu điều họ đang cầu xin. Giả như họ biết Người lên Giê-ru-sa-lem làm gì, thì họ đã không dám xin như thế. Người lên Giê-ru-sa-lem là để chịu khổ-tử nạn, chứ không phải để xưng vương, xưng đế. Thực tế, Người cũng tỏ dấu hiệu xưng vương trong khoảnh khắc Người chính thức vào Giê-ru-sa-lem. Dân chúng đã chào đón và tung hô Người: “Hoan hô Con Vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21,9; Cf. Mc 11,9-10; Ga 12,13). Khi Tổng trấn Phi-la-tô hỏi “Ông là vua dân Do Thái sao?” Người đã thừa nhận: “Chính ngài nói đó” (Lc 23,3; 27,11). Tuy nhiên, cuối cùng Người tự hiến chính mình để chịu khổ hình và chịu chết. Như vậy, nếu các môn đệ hiểu rằng vinh quang của Người phải qua thập giá, thì các ông đã không dám xin xin hai vị trí bên hữu bên tả, vì bên hữu bên tả Người có thể là bên phải và bên trái thập giá của Người trên đồi Gol-gô-tha (x. Mc 15,27). Nếu họ hiểu rằng “uống chén” và “chịu phép rửa” đồng nghĩa với cái chết, chắc họ đã không dám gật đầu: “Thưa uống được”.[8] Trên thực tế, Gia-cô-bê và Gioan đã thực sự “uống chén” và “chịu phép rửa” với Đức Giê-su trong thời kỳ Giáo Hội bị bách hại. Gia-cô-bê là người đầu tiên bị chém đầu, chết vì đạo (Cv 12,2). Khi đã hiểu Đức Giê-su và sứ mạng của Người rồi, các môn đệ đã sẵn sàng vác thập giá và chết vì Người và vì Tin Mừng, mà không còn quan tâm đến vị trí “bên phải” hay “bên trái” nữa. Thậm chí, Phê-rô còn nhận án đóng đinh ngược, vì cho rằng mình không xứng chết giống y chang như Thầy mình.

  1. Người đã được chuẩn bị rồi”. Ai có thể là người đã được chuẩn bị rồi? Mát-thêu còn nói rõ hơn là “cho những người mà Cha của Thầy đã chuẩn bị” (Mt 20,23). Phải chăng Chúa cha đã định sẵn cho những ai được vinh dự ngồi bên phải, bên trái của Đức Giê-su? Có lẽ, đây chỉ là cách nói cho thấy Đức Giê-su không quan tâm đến việc trao ban những vị trí vinh dự cho ai cả. Việc đó, nếu có, thì chỉ là quyền của Chúa Cha.[9] Sứ mạng của Người là “phục vụ và trao ban mạng sống mình” làm giá chuộc nhiều người.
  2. Bắt đầu giận dữ (ἤρξαντο ἀγανακτεῖν): Phản ứng của “Mười môn đệ” còn lại cho thấy họ cũng đang có cùng suy nghĩ và toan tính như Gia-cô-bê và Gioan, nhưng họ chậm bộc lộ hơn. Điều này cũng chứng tỏ rằng họ cũng không biết điều họ đang ao ước. Cho cho thấy suy nghĩ của họ hoàn toàn ngược lại với ý định của Thiên Chúa, trên cuộc đời Đức Giê-su, mà Đức Giê-su đang cố gắng dạy họ. Cả ba lần Đức Giê-su tiền báo về mầu nhiệm khổ-tử nạn, các môn đệ đều phản ứng tréo ngoe như thế. Đây là lần thứ ba, cũng là lần tiền báo cuối cùng nhưng xem ra các môn đệ vẫn chưa khá lên một tý nào, chưa hiểu chút gì, và dĩ nhiên chưa sẵn sàng đón nhận mầu nhiệm này.
  3. Cai trị trên dân… thực thi quyền hành: Đức Giê-su phân ra hai loại người với hai cách thức thi hành quyền bính khác nhau. Nhóm thứ nhất là nhóm lãnh đạo, vua chúa của trần gian. Nhóm người này ao ước có được quyền chức để thống trị, thị uy và có thể đàn áp dân chúng, thu về những lợi tức cho mình. Câu thành ngữ: “Một người làm quan cả họ được nhờ” có thể là một minh họa rõ nét cho loại quyền lực này. Ba nhóm nhân vật tiêu biểu cho nhóm người này vào thời Đức Giê-su có thể kể đến là hoàng triều Hê-rô-đê và Tổng trấn Phi-la-tô. Vua Hê-rô-đê Cả vì bảo vệ vương quyền của mình, đã sẵn sàng giết chết những đứa trẻ vô tội, mặc cho tiếng khóc than ai oán của các bậc phụ huynh (Mt 2,16-17); tiểu vương Hê-rô-dê An-ti-pa vì bảo vệ cho mối tình bất chính của mình với người chị dâu Hê-rô-đê-a, đã không ngần ngại bắt giam Gioan Tẩy Giả và chém đầu ông (Mc 6,17-29; Mt 14,3-14). Tổng trấn Phi-la-tô đáng lẽ có thể tha chết cho Đức Giê-su, khi không tìm thấy lý do gì để kết tội (Ga 18,39; 19,4.6). Tuy nhiên, cuối cùng vì lý do chính trị, không muốn làm mất lòng giới chức Do Thái, ông đã rửa tay, phủi tay và cho phép đóng đinh Đức Giê-su (Mt 27,24). Nhóm người thứ ba có thể kể đến là các giáo chức Do Thái (kinh sư, pha-ri-sêu, thượng kế, kỳ mục). Những người Pha-ri-sêu thích ngồi chỗ nhất trong các đám tiệc, chiếm chỗ đầu trong các hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi” (Mt 23,6; Mc 12,39). Các kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng (Mc 12,38). Đó có thể là những nhóm người tượng trưng cho quyền lực thế gian mà Gioan, Gia-cô-bê và tất cả các môn đệ đang mong ước. Tiếc thay, đó không phải là quan điểm về quyền lực đúng đắn mà Đức Giê-su muốn dạy cho các học trò.
  4. Người lớn hơn … người phục vụ… người đứng đầu … người tôi tớ: Bằng cấu trúc song song, với hai cặp thuật ngữ đối nghĩa với nhau Đức Giê-su đã diễn tả rất ấn tượng sự nghịch lý trong cách sử dụng quyền lực của nhóm người thứ hai (Nhóm của Đức Giê-su và các môn đệ). Quyền lực của Đức Giê-su muốn dạy cho học trò là loại quyền lực không quyền lực. Có thể gọi đây là quyền lực của trái tim, của tình người, một thứ quyền lực hướng về người khác, và cho người khác, thay vì lấy mình làm trung tâm và phục vụ cho lợi ích của mình. Đây là lần thứ hai Đức Giê-su sử dụng ý tưởng “người đứng đầu là người phục vụ” (Mc 9,35; 10,43-44). Trong lần đầu tiên, Đức Giê-su minh họa cho lời dạy về cách sử dụng quyền lực cách ngược đời ấy, bằng cách mời gọi họ đón nhận một em nhỏ (Mc 9,37). Còn lần này, Người minh họa bằng chính cuộc đời của Người. Liên từ chỉ lý do (γὰρ: bởi vì) giải thích tại sao “người làm lớn” phải là “người phục vụ” và “người đứng đầu” phải là “người tôi tớ”[10]: “Vì Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và trao ban mạng sống mình làm giá chuộc muôn người”. Sự phục vụ và hành vi làm tôi tớ của các môn đệ, được mời gọi vươn đến cảnh giới cao nhất. Đó là hiến mạng vì người khác. Đức Giê-su gọi đây là tình yêu cao cả nhất: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống, vì người thương của mình” (Ga 15,13). Đó là tình yêu của chính Đức Giê-su, Đấng đã hiến mạng sống vì nhiều người.
  5. Giá chuộc (λύτρον): Danh từ “λύτρον”[11] (lutron) có nghĩa là cái giá phải trả (thường là tiền hoặc vàng) cho sự giải phóng những nô lệ. Cách nói Con Người “trao ban mạng sống làm giá chuộc muôn người” cũng là minh họa cho cách nói “uống chén” và “chịu phép rửa” (10,38-39) trước đó. “Giá chuộc cho nô lệ” đôi khi được hiểu dưới dạng một người thay thế cho một người khác trong tình trạng nô lệ, như trong thư 1 Cle-men-te 55,2, dùng ngôn ngữ tương tự như Mc 10,45: “Chúng tôi biết rằng nhiều người trong chúng ta đã trao ban chính mình cho cảnh nô lệ mà họ có thể chuộc người khác”.[12] Thuật ngữ “giá chuộc” đã được nối kết với “sự chuộc lại” trong những bản văn Cựu Ước: “Nếu người ta đòi tiền chuộc, thì chủ phải trả để chuộc mạng sống mình, thể theo tất cả những gì đòi hỏi của người ta” (Xh 21,30); “Mỗi người dân phải dâng lên tiền chuộc mạng trong lúc kiểm tra dân số” (Xh 30,12). Hình ảnh “giá chuộc” ở đây khá giống với cách diễn tả về sự “chuộc tội” của I-sai-ah về Người Tôi Trung đau khổ (Bài ca Người tôi trung thứ tư Is 52,13 – 53,12): “Nếu người hiến thân làm của lễ đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi … người công chính, tôi trung của Ta sẽ làm cho muôn người nên công chính và gánh lấy tội lỗi của họ … người đã hiến thân chịu chết … người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53,10-12).[13] Có rất nhiều tranh cãi lâu dài trong suốt dòng lịch sử về căn tính của “Người tôi trung” trong lịch sử dân Ít-ra-el suốt thế kỷ thứ sáu, thời lưu đày Babylon. Liệu nhân vật này có phải là một cá nhân như là vua của Giu-đa, thượng tế, hay là một vị đứng đầu của trường phái ngôn sứ? hay “Người tôi trung” là tập thể dân Ít-ra-el, cộng đoàn lưu đày ở Babylon, hay là một nhóm nào đó trong cộng đoàn lưu đày? Nhưng dù cho đáp án về mặt lịch sử cho câu hỏi này có là gì đi nữa, điểm quan trọng là Giáo hội sơ khai đồng hóa “Người tôi trung” với Đức Giê-su và xem Người như là mấu chốt để hiểu các bài ca về “Người tôi trung” (x. Cv 8,26-40).[14] Cái chết của Đức Giê-su được giải thích ở đây như là một hành động nghi thức, mang tính ẩn dụ của một sự phạm tội của nhiều người. Như vậy, Mc 10,45 tương tự với lời nói trên “chén” trong Mc 14,24, theo đó, máu được Giê-su được đổ ra cho nhiều người.[15]

Bình luận tổng quát

Đức Giê-su đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem. Đó là con đường tiến vào cuộc khổ nạn và tiến ra pháp trường trên đồi Gol-gô-tha. Người đang cố gắng giúp cho các môn đồ hiểu thế nào là một Đấng Ki-tô tự hạ và tự hiến thân mình, vì vâng phục Chúa Cha và vì giá chuộc cho nhân loại. Người cố gắng bao nhiêu thì các môn đệ càng ngây ngô bấy nhiêu. Sau cả ba lần tiền báo về cuộc khổ-tử nạn – phục sinh, họ không những không hiểu, không muốn hiểu mà còn phản ứng ngược lại. Lần thứ nhất, Phê-rô đã lên tiếng can ngăn để Đức Giê-su và Thiên Chúa bỏ ý định tự hủy ấy. Lần thứ hai, các ông vẫn tỏ ra không hiểu, nhưng không dám hỏi lại Người. Hơn nữa, họ cũng chẳng muốn hỏi làm gì câu chuyện khó nghe ấy. Họ đang mãi bận tranh cãi xem ai là người lớn nhất trong nhóm. Lần này cũng thế, hai môn đệ thân tín nhất của Chúa, gần gũi nhất với Chúa. Chúa đã mang họ riêng ra trong những dịp quan trọng: “Biến hình trên núi”; “Chữa lành con gái ông Giai-i-rô”, trưởng hội đường; Trong Vườn Cây Dầu. Tuy nhiên, họ lại cho thấy họ là những người không hiểu Chúa hơn cả. Chúa nói về cuộc khổ nạn – chết, họ lại nghĩ rằng Người đang tiến bước lên ngai vàng. Họ dường như “vượt mặt” Phê-rô và đồng bạn để xin Thầy Giê-su hai vị trí cao nhất trong “vinh quang” của Người. Vinh quang của Đức Giê-su đương nhiên là có. Đó là vinh quang mà Thiên Chúa ban cho Người ngay từ tạo thiên lập địa. Vinh quang ấy chói ngời trong cuộc biến hình. Tuy nhiên, vinh quang ấy cũng là vinh quang phục sinh. Phục sinh gắn liền với sự chết. Nếu không có đau khổ và chết, thì sẽ không có vinh quang phục sinh. Nhân dịp hai môn đệ bày tỏ ước vọng về hai vị trí quyền lực nhất trong triều đại Thiên Chúa. Đức Giê-su mạc khải và mời gọi các ông đón nhận và chia sẻ mầu nhiệm tự hạ, tự hủy với Người. Lời mời gọi “uống chén” và “chịu phép rửa” rõ ràng là cách nói ám chỉ đến sự chết, bằng cách đổ máu ra trên thập giá. Gia-cô-bê và Gioan rõ ràng không hiểu được ý nghĩa đó nên đã sẵn sàng chấp nhận. Tuy nhiên, cũng như Đức Giê-su nói là “các ông không hiểu điều các ông xin”, họ cũng không hiểu lời mời gọi của Đức Giê-su. Bởi vì, đón nhận lời mời gọi của Đức Giê-su đồng nghĩa với việc phải đi vào cuộc khổ nạn và phải chết trên thập giá với Người. Một hình ảnh mang tính mỉa mai nhưng cũng phản ánh đúng thực tế trong sứ vụ của các môn đệ sau này. Họ đồng ý “uống chén” và “chịu phép rửa” đồng nghĩa với việc họ sẽ có được hai vị trí “bên tả” và “bên hữu” của Chúa, như là vị trí của hai người trộm cướp trên đồi thi hành án. Các môn đệ có lẽ là không nhắm đến hai vị trí đó trong lúc cầu xin. Tuy nhiên, thực tế trong sứ vụ của họ sau phục sinh, họ cũng đã đón nhận những cơn bách hại, thậm chí chịu tử đạo để cùng chia sẻ cùng “chén” và “phép rửa” với Đức Giê-su. Động từ “xin ban” mà hai môn đệ sử dụng để hỏi xin quyền lực, đã được Đức Giê-su dùng để diễn tả mầu nhiệm “trao ban” mạng sống vì muôn người. Đó chính là đỉnh cao hiệu năng của quyền lực trong vương quốc của Đức Giê-su. Trong vương quốc ấy, “Người quyền cao chức trọng” là người phục vụ; Người “đứng đầu” là “người nô lệ” của người khác. Đó là triết lý quyền lực lạ lùng và ngược đời nhất trên đời. Tuy nhiên, đó lại là quyền lực bình thường của trái tim; quyền lực của những người luôn hướng về người khác, vì lợi ích của người khác, thay vì muốn người khác hướng về người khác và đem lợi ích cho mình. Đó là thứ quyền lực không quyền lực, quyền lực mà chẳng ai muốn tranh giành, chiếm giữ. Nó là quyền lực chung cho tất cả những ai biết yêu thương, một thứ quyền lực bền vững mang đến cho người ta niềm vui và sự bình an, vì họ có thể làm chủ được cái tôi của mình, một cái tôi luôn muốn mình là số một, muốn người khác tôn vinh mình. Thay vào đó, quyền lực của Đức Giê-su mời gọi con người tự hủy, trở nên nhỏ bé, luôn xem người khác trọng hơn mình và để phục vụ lợi ích của kẻ khác.

Có hai thái độ có thể trái ngược với quan điểm “quyền lực phục vụ” hay “quyền lực tự hiến” của Đức Giê-su. Thứ nhất là thái độ của những người ham mê quyền lực, luôn muốn được leo cao trong nấc thang quyền lực, hoặc luôn muốn tương quan gần gũi với những người có quyền chức và địa vị trong xã hội. Thái độ này có thể dẫn đến việc một người có thể ngồi không đúng vị trí của mình (ngồi nhầm ghế), hay sử dụng quyền lực một cách sai trái, lạm quyền. Thái độ thứ hai là thái độ của những người an phận, thủ thường, hèn nhát, không muốn gánh vác bất cứ một trách nhiệm nào trong xã hội, cộng đoàn, nhóm, hay gia đình. Thái độ này có thể làm cho một cá nhân không thể phát huy được hết năng lực bản thân và ơn gọi phục vụ mà thượng đế phú bẩm nơi mình. Cả hai thái độ ấy đều đem đến những bất lợi cho chính mỗi cá nhân và ảnh hưởng ít nhiều đến cộng đồng nhân loại. Đức Giê-su không chối bỏ, hay xóa bỏ những vị trí lớn, nhỏ trong cộng đoàn, xã hội và gia đình. Đó là những vị trí cần thiết một cách tự nhiên cho việc ổn định và thăng tiến con người. Chính Người cũng đã chọn Nhóm Mười Hai để làm hạt nhân cho các cộng đoàn Ki-tô hữu và đã chọn Phê-rô làm người đứng đầu nhóm này. Người chỉ mặc cho quyền lực những chức năng đúng nghĩa, và giúp quyền lực phát huy lợi ích nhất cho bản thân người nắm trách nhiệm và cho cộng đoàn mà người ấy chịu trách nhiệm.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích:

[1] Th.Ng.H. Cầu. Tìm Hiểu Các Sách Tin Mừng và Công Vụ Tông Đồ. Ki -tô hữu đọc Sách Thánh (Đồng Nai 2019) 65.

[2] X. P.L. Shuler, “James”, The HarperCollins Bible Dictionary (ed., P.J. Achtemeier) (1996) 480.

[3] Trong Tin Mừng Mát-thêu, cụm từ “Vương Quốc của Thầy” được dùng thay vì “vinh quang” của Thầy (Mt 20,21).

[4] In the setting in the life of Jesus (Sitz im Leben Jesu), the question refers to the coming kingdom of God on earth, that is, the restored Israel in which the great prophecies (especially of Isaiah) will be fulfilled, when all nations will come to Jerusalem to worship the Lord (cf. Mark 11:17, where Jesus alludes to Isa 56:7). It will be at that time that Jesus’ δόξα will be recognized throughout Israel and throughout the world, when foreigners far and wide will seek to hear and see one who is greater than Jonah and wiser than Solomon [C.A. Evans, Mark 8:27-16:20 (WBC; Dallas 2002) 34B, 116].

[5] “The cup is a metaphor for one’s portion in life, what one has been given to “drink,” whether of good or ill. It can sometimes symbolize a happy fate, for example, the overflowing cup of Ps 23:5 and the “cup of salvation” in Ps 116:13; in the OT and related literature, however, the cup is usually the poisoned chalice of the Lord’s wrath, the affliction that he pours out upon those who richly deserve divine punishment” [J. Marcus, Mark 8–16. A New Translation with Introduction and Commentary (AYB; New Haven – London 2008) XXVII A, 747].

[6] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2002) 311.

[7] Ibid.

[8] The reader will find that these disciples, as well as the other disciples who had expressed their indignation at James and John, simply did not have the stomach for the cup and the baptism for which they had said they were ready (C.A. Evans, Mark 8:27-16:20, 118).

[9] J. Marcus, Mark 8–16. A New Translation with Introduction and Commentary, 748; J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 312.

[10] J. Donahue – D. Harrington cho rằng thuật ngữ “nô lệ của tất cả” là nghịch lý có chủ ý. Một nô lệ thường tùy thuộc vào một người chủ và làm những mệnh lệnh của của người đó. Bằng cách đề nghị rằng những môn đệ của Người trở thành “nô lệ của tất cả”, Đức Giê-su nhấn mạnh lý tưởng của Người về sự phục vụ phổ quát cho người khác (J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark, 313); J.Marcus nghĩ rằng “Doulos” (nô lệ, tôi tớ) nhấn mạnh khía cạnh tự nguyện của sự nô lệ (J. Marcus, Mark 8–16, 478).

[11] BDAG, “λύτρον”.

[12] J. Marcus, Mark 8–16. A New Translation with Introduction and Commentary, 749.

[13] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia; Minneapolis 2007) 502.

[14] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2002) 315.

[15] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark, 503.

Bài trướcTràng chuỗi Mân Côi, một vòng lặp?
Bài tiếp theoNGƯỜI TÔI TỚ (17/10, Chúa Nhật XXIX TN, B)