♦ Giuse Nguyễn Đình Trường, Học viện Ngôi Lời
Triết gia Albert Camus[1] trong tác phẩm Thần thoại Sisyphus đề cập đến nhân vật Sisyphus, một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp. Sisyphus đã phát hiện ra hành vi mờ ám và sai trái của thần Jupiter, tức thần Zeus và đã bị trả thù. Sysphus bị các vị Thần trừng phạt suốt đời phải đẩy một khối đá lớn lên đỉnh núi, khi lên tới đỉnh, anh phải đứng nhìn khối đá lăn xuống chân núi, và Sisyphus phải đẩy lại hòn đá lên đỉnh, cứ như vậy lặp đi lặp lại trong vô hạn. Từ đó, tác giả Camus đặt ra vấn nạn về một cuộc sống lặp đi lặp lại đến vô vị như vậy, liệu có còn đáng sống? Qua đó, chúng ta phần nào thấy được nét tiêu cực đến từ sự lặp đi lặp lại.
Những thực tế trong cuộc sống phần nào minh chứng cho điều đó. Sự lặp đi lặp lại vẫn thường mang đến những nhàm chán nhất định theo các mức độ khác nhau, nó làm đánh mất sức sáng tạo và sức sống của con người. Người ta muốn thay đổi và một trong những cách thay đổi đó là nỗ lực bằng mọi cách phải thoát khỏi những vòng lặp. Xu hướng chung của một người sẽ cảm thấy nhàm chán dần khi họ phải lặp đi lặp lại một điều gì đó mà chẳng có sự đổi mới nào, sau đó dần nảy sinh suy nghĩ, ý định từ bỏ điều này điều kia để tìm kiếm những điều mới mẻ, thú vị hơn.
Nhìn lại nhân vật Sisyphus, hình phạt dành cho chàng là phải không ngừng hì hục đẩy một tảng đá lên đỉnh núi, rồi tảng đá lăn xuống, và lại hì hục đẩy lên. Thần linh có khác: họ có một hình phạt thật lạ lẫm. Họ có lý khi cho rằng không có hình phạt nào khủng khiếp hơn cái công việc vô ích mà lặp đi lặp lại trong “vô vọng”![2].
Tháng Mân côi, Giáo Hội tha thiết mời gọi con cái của mình hãy năng cùng với Mẹ Maria chạy đến Chúa bằng phương thế đặc biệt và hữu hiệu, đó là tràng chuỗi Mân Côi. Thật thế, giá trị của lời Kinh Mân Côi là điều đã được đề cập đến rất nhiều. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã quả quyết: “Nhờ kinh Mân Côi các tín hữu lãnh nhận được muôn vàn ân sủng, như thể từ chính bàn tay của Mẹ Chúa Cứu Chuộc ban cho” (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi, số 1).
Còn về tiến trình của một tràng chuỗi Mân côi, điều đó có lẽ chẳng còn xa lạ với các tín hữu. Lần chuỗi Mân Côi bắt đầu bằng dấu thánh giá với Kinh Tin Kính các Tông đồ, tiếp đến là một kinh Lạy Cha, ba kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh. Sau đó, mầu nhiệm đầu tiên được xướng lên, cùng với một kinh Lạy Cha, mười kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh sau đó. Việc này được lặp lại năm lần và kết thúc với kinh Lạy Nữ Vương. Tiến trình đó cũng chẳng phải là điều gì cao siêu hay quá phức tạp và ý nghĩa to lớn mà tràng chuỗi Mân côi mang lại, ai cũng đều thấy rõ. Vậy mà, một thực tế đang diễn ra, không ít người và đặc biệt các các bạn trẻ đã rời bỏ việc lần chuỗi Mân côi. Lý do là việc lần hạt thật nhàm chán và nhạt nhẽo với những vòng lặp “Kính mừng…Thánh Ma-ri-a…” vô vị. Dĩ nhiên, lý do sâu xa vẫn là đến từ việc con người đã chưa tìm thấy được ý nghĩa đích thực của việc “lặp đi lặp lại” những lời kinh.
Quả thật, chuỗi Mân Côi có thể là sự lặp đi lặp lại nhàm chán nếu không được cầu nguyện theo đúng tinh thần của nó.[3] Đức Gioan Phaolo II đã nhận định: “Nếu lời kinh này được lặp đi lặp lại một cách hời hợt, chắc hẳn người ta sẽ có cám dỗ xem kinh Mân côi như một việc đạo đức khô khan và nhàm chán”.[4] Thế nên, cũng có lý khi người ta viện vào đó để nói “không” với tràng chuỗi Mân Côi.
Thế nên, Giáo Hội đã khôn ngoan nhắc nhở con cái của mình cần không ngừng phản tỉnh để tránh rơi vào vòng lặp của những lời kinh Kính Mừng, Lạy Cha và Sáng Danh. Giáo Hội mời gọi mỗi tín hữu khi lần chuỗi hãy suy niệm nơi từng “sự mân côi”. Chuỗi mân côi bao gồm hai mươi mầu nhiệm tập trung vào cuộc đời của Chúa Kitô.[5] Mỗi lời kinh phải là một bước tiến trên hành trình cùng Mẹ để đi lại hành trình cuộc đời của Con Mẹ. Nhờ đó, mỗi lời kinh sẽ không còn là sự nhàm chán, vì lẽ, nó có giá trị đích thực.
Thật thế, yếu tố đặc trưng nhất của kinh Mân Côi – việc lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng – là một lời ca ngợi không ngừng dâng lên Đức Kitô. Đức Gioan Phalô II cũng nhắc nhở chúng ta: “Một điều rõ ràng là: cho dù lời kinh Kính Mừng được lặp đi lặp lại trực tiếp dâng Đức Mẹ Maria, nhưng hành vi yêu thương rốt cuộc lại hướng về chính Đức Kitô, với Mẹ và qua Mẹ. Việc lặp đi lặp lại được nuôi dưỡng bởi lòng khát khao trở nên giống Chúa Kitô một ngày một hơn, và đó là mục đích nhắm tới của đời sống Kitô hữu”.[6]
Khi một người suy gẫm về từng mầu nhiệm, các kinh Kính Mừng trở thành khung nền để họ suy gẫm về một mầu nhiệm đó.[7] Việc đọc kinh và suy niệm các mầu nhiệm dựa trên chính những biến cố trong cuộc đời mình sẽ có thể giúp con người kín múc được nguồn sức mạnh từ việc lần chuỗi tưởng chừng như tẻ nhạt kia. Những mầu nhiệm được nhắc tới trong kinh Mân côi không phải là những biến cố xa xưa hay những câu chuyện cổ tích, nhưng là những mầu nhiệm đang xảy ra với chính mỗi người ngay trong hôm nay.
Con người đương thời đang phải đối diện với biết bao đau thương và mất mát. Sẽ chẳng dễ dàng cho một lời giải thích hữu lý về đau khổ đó, thế nhưng, người Kitô hữu được mời gọi, ngang qua tràng chuỗi Mân Côi, lên đường trên hành trình lên đồi Gôngôtha. Nơi đó, chúng ta cùng chiêm ngắm Đấng cũng đang chịu bao đau đớn trên thập giá và cũng nơi đó, chúng ta chứng kiến nỗi đau của một người Mẹ đứng đó và ngước nhìn con mình. Nơi đó, chúng ta gặp gỡ hai mẫu gương đang đón nhận những đau khổ vì thánh ý của Thiên Chúa mà chẳng hề đợi chờ một lời giải thích hữu lý nào. Thiết nghĩ, những kinh nghiệm cuộc đời của chính Đức Mẹ và Đức Giêsu, Con Mẹ, sẽ không còn xa lạ gì với chính những đau khổ mà chúng ta trải qua, ngay trong bối cảnh ngày hôm nay. Thật vậy, lúc đó việc lần chuỗi Mân côi sẽ không còn là sự nhàm chán đến từ những vòng lặp “Kính mừng…thánh Ma-ri-a…” nữa, trái lại, là niềm say sưa mỗi ngày một hơn, để được cùng Chúa, với Mẹ, sống từng ngày sống của chính mình.
Khi tóm kết cuộc đời của nhân vật Sisyphus, tác giả Camus có nói: “Phải tưởng tượng Sisyphus hạnh phúc!”. Đó là câu nói sâu thẳm của Camus, đó là cách tác giả dành cho nhân vật Sisyphus một “lối thoát”, nghĩa là, trong thực tế của vòng lặp “vô vọng” ấy, Camus cảm thấy được rằng Sisyphus “có lẽ” cũng đã tìm được một ý nghĩa nào đó, để mà “hạnh phúc”, để “việc suốt đời phải đẩy một khối đá lớn lên đỉnh núi, đứng nhìn nó lăn xuống chân núi, và tiếp tục đẩy lên lại” không còn là sự lặp đi lặp lại nhàm chán và vô vị.
Còn chúng ta, liệu đã tìm được ý nghĩa của việc lặp đi lặp lại những lời kinh Kinh Mừng hay chỉ đang trong những vòng lặp mà thôi?
Chú thích:
[1] Albert Camus (1913-1960), triết gia Pháp tiêu biểu cho chủ nghĩa Hiện sinh, đoạt Giải Nobel Văn học 1957.
[2] Albert Camus, Thần thoại Sisyphus, Dg: Trương Thị Hoàng Yến-Phong Sa, Nxb Trẻ (2014), trích Lời giới thiệu
[3] Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), Question 117: Why pray a rosary? Isn’t it just repetition? “The rosary can be repetitious if it is not prayed in the proper spirit”, tr.160.
[4] Đức Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi (Rosarium Virginis Mariae) (Ngày 16-10-2002), Chương III: Đối với tôi, sống là Đức Kitô, số 26.
[5] “The rosary consists of twenty mysteries which center on the life of Christ”, tr. 160.
[6] Đức Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi (Rosarium Virginis Mariae) (ngày 16-10-2002), Chương II: Các mầu nhiệm của Đức Kitô – Các mầu nhiệm của Mẹ Người, số 18.
[7] “When one meditate on each of the mysteries, the Hail Marys become the background for one to meditate on a certain scene”, tr.160.