Bài Ðọc I: Ðnl 4, 32-34. 39-40
“Chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác”.
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy tìm hiểu những thời xa xưa trước kia, từ khi Thiên Chúa tác thành con người trên mặt đất, từ chân trời này đến chân trời nọ, có bao giờ xảy ra một việc vĩ đại như thế này chăng? Có bao giờ người ta đã nghe thấy những việc lạ lùng như vậy chăng? Có bao giờ một dân tộc đã nghe lời Thiên Chúa từ trong lửa phán ra như các ngươi đã nghe mà còn sống chăng? Có bao giờ Chúa đã dùng sự thử thách, dấu chỉ, điềm lạ, chiến tranh, cánh tay quyền năng mạnh mẽ và những thị kiến khủng khiếp, để chọn lấy cho mình một dân tộc giữa các dân tộc khác, như Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã làm tất cả các điều đó trước mặt các ngươi trong đất Ai-cập chăng? Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác. Hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy cho các ngươi, hầu cho các ngươi và con cháu mai sau được hạnh phúc và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 32, 4-5. 6 và 9. 18-19. 20 và 22
Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).
Xướng: 1) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Ngài làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. – Ðáp.
2) Do lời Chúa mà trời xanh được tạo thành, và mọi cơ binh chúng đều do hơi thở miệng Ngài. Vì chính Ngài phán dạy mà chúng được tạo thành, chính Ngài ra lệnh mà chúng trở nên thực hữu. – Ðáp.
3) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. – Ðáp.
4) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài. – Ðáp.
Bài Ðọc II: Rm 8, 14-17
“Anh em đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: Abba, lạy Cha!”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, ai sống theo Thánh Thần Thiên Chúa, thì là con cái Thiên Chúa. Vì không phải anh em đã nhận tinh thần nô lệ trong sợ hãi nữa, nhưng đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: “Abba – lạy Cha!” Vì chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng: Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy nếu là con cái, thì cũng là những người thừa tự, nghĩa là thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Ðức Kitô: vì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Kh 1, 8
Alleluia, alleluia! – Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa, Ðấng đang có, đã có và sẽ đến. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 28, 16-20
“Làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng chủ đề:
CHÚA BA NGÔI (Ts. Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD)
Nhân danh …
“Ngươi chớ lạm dụng Danh Chúa, Thiên Chúa của ngươi”. Đó là một lối dịch khác cho Điều răn thứ hai, ít được biết đến nơi người Công giáo Việt.1 Lời kinh chúng ta quen hơn từ lâu nay là: “Chớ kêu tên Chúa vô cớ”. Đây là nguyên do cho việc xưng tội của một số phụ nữ đạo đức (có tuổi), khi họ kêu “Giêsu, Ma”, vô tình hay theo thói quen. Đúng ra, kêu Danh Chúa mọi lúc mọi nơi là việc cần được cổ võ. Sự hiện diện biến đổi mọi sự của Thiên Chúa cần được ý thức và nhắc đến trong mọi giây phút của đời tôi. Người có mặt lúc buồn vui và lúc sướng khổ, lúc hân hoan hay khi não lòng, trong thành công và cả trong thất bại. “Kinh Giêsu” hay “Tâm nguyện”2 dạy cầu nguyện trong ý thức như vậy.
Nhưng cũng cần hỏi khi nào chúng ta “lạm dụng Danh Chúa”? Khi Kitô hữu là những người thuộc về Đức Kitô và mang danh Người, mà lấy chuẩn loài người để hành xử với nhau. “Có Đạo mà cũng làm vậy!” là lời trách. Lớn tiếng tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” như tông đồ Phêrô, và vẫn suy nghĩ như loài người, không như Thiên Chúa (Mt 16,13tt). Đó là khi chức thánh và vai trò mục tử được xử dụng như chìa khóa mở cửa vào đời các tín hữu để trục lợi, vật chất và tinh thần. Sự tin tưởng, tình yêu và lòng rộng rãi của con chiên được tận dụng cho các mục đích riêng tư. Nhân danh Chúa và Nhà Chúa để tìm sự ưu đãi khi quyên góp, xin xỏ và cậy nhờ.
Lạm dụng là một từ được nhắc nhiều trong các thập niên qua, liên quan đến tương quan giữa mục tử và con chiên trong lãnh vực tình dục. Tốn nhiều giấy bút, gây nên nhiều scandals, tranh cãi, phán quyết, và nhiều tổn thương lâu dài cho cả hai phía. Tai hại không kém là việc lạm dụng quyền lực nhân danh Chúa. Đây là một đề tài cần được chú ý hơn, nhất là khi chúng ta sinh trưởng trong một cơ chế văn hóa-xã hội- chính trị đậm nét độc tài. Nơi đó, những kẻ có quyền tự cho mình nhiều ưu đãi, và kẻ thấp cổ bé miệng phải âm thầm trả giá. Công lý và sự thật không có đất để lớn mạnh.
Trong một cấu trúc như vậy, việc lạm dụng chức quyền nơi mục tử được chấp nhận như một điều hiển nhiên. Ít ai đặt câu hỏi mà chỉ câm lặng chịu đựng, hay chỉ dám bàn tán sau lưng vì sợ hãi và bất lực. Chính các mục tử cũng coi cách suy và lối hành xử của mình là phải phép, không có chi khác thường. Ai trong vai trò đó cũng làm vậy, nên cái sai trái được biện minh, bào chữa.
Trong khi đó, đây là sự lạm dụng tai hại đáng chú ý hơn hết, như câu chuyện cám dỗ của Đức Giêsu mà tác giả Mátthêu trình bày nhấn mạnh (Mt 4,1-11). Các cám dỗ được nêu đều liên quan đến việc lạm dụng quyền lực. Nhân danh Thiên Chúa để hành động theo ý mình, chiều theo các nhu cầu của cá nhân. Truyền thống Giáo Hội Công Giáo, ngược lại, ưa nhấn mạnh sự cám dỗ ở một lãnh vực khác trong giáo lý của mình. Cách nhìn người của Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đặt câu hỏi lối suy nghĩ và hành xử đó và chỉ cho lối phát triển.
… Cha và Con và Thánh Thần
Phúc âm Mátthêu kết thúc bằng một lời tuyên xưng vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhân danh Chúa các môn đệ chúc lành cho mình và làm phép rửa tội cho muôn dân, để họ trở thành môn đệ của Người. Niềm tin vào Chúa Ba Ngôi là điểm đặc trưng của Kitô giáo, khác với Do Thái giáo hay Hồi giáo. Công thức của “Chúa Ba Ngôi” trình bày cho chúng ta Thiên Chúa như mẫu mực của tình yêu, như sự hiệp nhất của mọi mặt đối lập. Là điều được thể hiện trong ba ngôi vị.
Cho đến nay, đây là giáo lý quan trọng và cao cả của Giáo Hội. Đồng thời đó cũng là lời tuyên xưng mang tính hình thức, trống rỗng và xa với cuộc sống. Vì vậy, chúng ta cần thử tìm những lối hiểu khác hơn, trong ý thức rằng một tiếp cận trọn vẹn không thể có. Những người đi trước chia sẻ kinh nghiệm của họ về việc tìm hiểu mầu nhiệm này như vậy: Ai suy ngẫm về nguồn gốc của thế giới, thì nó sẽ lẩn tránh người đó và đồng thời nó tỏ lộ mình. Mầu nhiệm đó không thể tiếp cận trực diện, và đồng thời nó đến gần hơn với người tìm kiếm nó. Thật gần. Gần hơn là tôi với chính mình. Mầu nhiệm Thiên Chúa được tỏ hiện nơi các thụ tạo của Ngài, và qua đó nó lại trở nên bí ẩn hơn tất cả.
Như vậy, đó không là điều gây ngạc nhiên khi chúng ta chọn lối tuyên xưng như làm dấu thánh giá, và mừng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong các nghi lễ. Đây là cách tiếp cận mầu nhiệm thích hợp nhất với chúng ta và được ủng hộ, cũng vì giải nghĩa cho các tín hữu cái cốt yếu của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, và ảnh hưởng của nó trên cuộc sống hằng ngày, là một thách đố lớn cho các mục tử. Ngoài việc kể lại những hình ảnh và ngôn từ tín lí đã quen thuộc, họ khó có thể nói thêm gì bằng lời từ những cảm nghiệm cá nhân. Tức là những gì đến từ việc suy tư về hình ảnh con người của Kitô giáo trong một bối cảnh văn hóa tập thể với cơ cấu tôn ti của chúng ta.
Tôi có hiểu và đối xử mình và đồng loại như là những nhân vị như Giáo Lý Công Giáo dạy? Có điều gì nơi hình ảnh con người của Kitô giáo giống, điều gì khác so với hình ảnh con người trong văn hóa Việt? Đâu là những mâu thuẩn và khó khăn không thể tránh?
Đạo Chúa mang đến điều gì có sức biến đổi và khả năng phát triển tột bực cho con người, nếu không phải là cách nhìn con người của Thiên Chúa? Và rồi cách nhìn của các Kitô hữu. Đạo Chúa dạy con người là “hình ảnh Thiên Chúa”, là “nhân vị” theo cách nói của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Tương quan giữa cá nhân và cộng đoàn sẽ được nhìn khác hơn, khi cá nhân được hiểu tích cực như Giáo lý về Chúa Ba Ngôi dạy.
Vậy, đây là một mầu nhiệm để khám phá và để thực hiện trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta thử hình dung một lần sự thay đổi quanh ta, khi mỗi người được nhìn và tôn trọng như là những “ngôi vị”! Hiểu Thiên Chúa hơn luôn là hiểu chính mình hơn. Đây là một hành trình cực kỳ hấp dẫn và làm thỏa mãn, giúp biến đổi và phát triển cái thiếu trầm trọng nơi người Việt: “trình độ làm người”3 .
Chú thích
1 Tiếng Đức: Du soll2 den Namen des Herrn, deines Gottes, nicht missbrauchen. 2 X.Người lữ hành nước Nga, An Tôn & Đuốc Sáng. 3 Vương Trí Nhàn, Những chấn thương tâm lý hiện đại, Nhà xuất bản Trẻ 2009, 67.
CON CÁI THIÊN CHÚA (Linh mục Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD)
Theo lời Phaolô, nơi nào con người để cho sức mạnh của Thần Khí hoạt động trong đời mình, ở đó họ trở nên “Con cái Thiên Chúa”. Thần Khí Chúa luôn hành động theo những phương cách đầy ngạc nhiên: có khi theo những lối quen bình thường, rồi có lúc ngược lại các quy luật và truyền thống. Khi đó, người nghèo bỗng dưng tràn đầy hy vọng và người giàu có thể trở về tay không, hòa bình trở thành thực tế và nhân phẩm nhân quyền không còn là khẩu hiệu trên giấy trên môi miệng.Tin Mừng Đức Giêsu Kitô đến Châu Âu – cùng với bức thư mà vị Tông đồ dân ngoại viết từ Côrintô cho các tín hữu đầu tiên tại Rôma. Phaolô viết đầy phấn chấn để động viên và nhắc nhở những con người xa lạ đón nhận Tin Mừng, và kể tiếp cho người khác điều họ nghe. Ngài có thể gặp gỡ những người chưa quen qua phương tiện truyền thông này, vì cả hai bên đứng trên cùng một “nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô” (1 Cr 3,11). Đoạn ngắn được chọn làm bài đọc cho Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi hôm nay (Rm 8,14-17) mô tả sự liên hệ giữa mầu nhiệm, mà sách Giáo Lý Công Giáo gọi là “trọng tâm của đức tin” với đời sống hằng ngày của các tín hữu.
Thần Khí tự do thúc đẩy, gợi ý, nối kết những con người không có chung nguồn gốc, màu da, ngôn ngữ, tuổi tác, học vấn. Bởi vì Thiên Chúa yêu thương tất cả con cái của Người. Vì mọi người là con cái của Thiên Chúa.
Áp-ba! Cha ơi!
“Con cái Thiên Chúa” là một khái niệm cơ bản của niềm tin, mô tả căn tính mới của con người cách tuyệt vời nhất. Gọi Thiên Chúa là “Áp-ba” nói lên sự thân mật, sự thuộc về và lòng tôn kính của người con với Cha mình. Tương quan với Thiên Chúa tỏ hiện một cách rất mới lạ qua đó. Phaolô phác họa một hình ảnh thật đẹp cho sự gần gũi thân thiết nhất có thể giữa Thiên Chúa và con người.
“Con cái Thiên Chúa” nhắc rằng tôi đón nhận sự sống của mình từ Thần Khí. Bởi không có “hơi thở” (ruach) của Thiên Chúa tôi không thể tự làm gì được. Và cách tôi nhìn mình và nhìn người khác cũng được mở ra. Vì nói rằng chúng ta là “Con cái Thiên Chúa” nghĩa là chúng ta rất đặc biệt, bởi được Chúa coi trọng. Đấng-Toàn-Năng không muốn con cái Người trở nên những con rối hay những nô lệ. Thiên Chúa muốn gặp gỡ chúng ta trong tư thế của những người con: đứng thẳng ngẩng cao đầu với một sự tự tin mới. Thêm vào đó, là “Con cái Thiên Chúa” thì không định nghĩa mình bằng các giá trị mang tính “xác thịt”, theo cách nói của Phaolô. Chúng ta chờ đợi ở cuộc sống nhiều hơn là những gì xác thịt đòi hỏi và ước mong.
Thần Khí mở lối để con người có thể thưa chuyện được với Thiên Chúa trong một tương quan khó tin: như con với Cha! Từ kinh nghiệm giữa con người chúng ta biết rằng: để quen nhau và hiểu nhau hơn thì thăm viếng đều đặn và bàn bạc chia sẻ chân thành là những điều không thể thiếu. Tương quan với Thiên Chúa là Cha cũng không khác. Mọi hoàn cảnh cuộc đời và mọi cảm nghĩ đều là đề tài của các cuộc chuyện trò thân mật đó. Nói với Cha hằng ngày là ân sủng và nhiệm vụ, mà hầu hết người Kitô hữu Việt đều thực hành với những cường độ khác nhau.
Phân định Thần Khí
Phaolô nói đến hai loại Thần khí khác nhau, đối nghịch nhau: Thần khí con cái và Thần khí nô lệ. Thực tế này đòi hỏi nơi tôi khả năng phân định. Kinh nghiệm đời sống thiêng liêng cho thấy: cần đều đặn suy soi cuộc đời trước Thiên Chúa, hay xét mình theo cách nói truyền thống, thì mới có thể giữ được tình trạng tỉnh táo cần thiết. Nếu không, cám dỗ quyền lực âm thầm lấn át với hậu quả là biến con người trở nên nô lệ cho những phương tiện trước đó phục vụ họ. Để rồi những kẻ giải phóng phản bội lí tưởng, không còn muốn trao tự do cho người được giải phóng. Nguyên do nằm ở sự chủ quan coi thường hay chối bỏ mặt sau của phương tiện quyền lực, hoặc vì chủ ý duy trì trình trạng bất cân cho những lợi ích riêng.
Cách họat động của thần khí nô lệ được Phaolô nhắc đến khi ngài căn dặn các tín hữu tại Rôma: Nó gieo sợ hãi – nhân danh Chúa, một chủ nghĩa, một lãnh tụ được thần thánh hóa hay một nhóm người. Thần này phân chia con người thành nhiều giai cấp, và con người ở bậc dưới buộc vâng phục thành phần được cho là ưu việt hơn. Sợ hãi được duy trì để kiểm soát người khác bằng nhiều phương cách; các quyền lợi tự nhiên của con người bị phủ nhận hay cắt xén. Bên cạnh bạo lực thì gian dối là phương tiện chính của thần khí nô lệ. Nhờ đó, nó dẫn người khác vào bẫy như con rắn trong vườn địa đàng; cũng để biện mình và duy trì các cơ cấu và hoạt động của nó.
“Con cái Thiên Chúa” có nghĩa là “Con người của tự do, của sự thật”. Chính Thiên Chúa đã dùng Đấng-là-sự-thật để giải thoát, và đã chuộc lại chúng ta từ tình trạng nô lệ cho tội lỗi bằng chính máu Ngài. Chúng ta được cứu thoát khỏi các “thần khí nô lệ” gây sợ hãi, muốn giam hãm con người trong “thiên đàng trần gian” của chúng. Thiên Chúa là tự do và ban phát tự do. Đó là ân sủng to lớn mà con cái Thiên Chúa cần ý thức, bảo vệ và thực hiện.
Đau khổ, vinh quang, thừa tự với Đức Kitô
Thần Khí được cảm nhận nơi sự khát khao tìm liên hệ với Thiên Chúa, muốn được làm con. Khát khao này êm nhẹ như gió thoảng, nhưng có lúc rực cháy như lưỡi lửa trong ngày lễ Ngũ Tuần. Ai tin và tuyên xưng rằng Thiên Chúa đã giải thoát mình nhờ Đấng-là-sự-thật thì đón nhận Thần Khí để trở thành con cái Người. Và Thần Khí thúc đẩy người tín hữu bước đi con đường Giêsu, bởi cùng là anh chị em với Trưởng Tử. Các cuộc hầu chuyện của chúng ta với Áp-ba đều dẫn đến cao điểm, nơi đó mọi “Con cái Thiên Chúa” đặt ý mình vào trong Ý Cha như người Anh Cả: Xin cho Ý Cha được thực hiện (Mt 26,42).
Thiên Chúa yêu thương tất cả con cái của Người, nên tôi cần học chấp nhận các anh chị em khác trong cộng đoàn, dù tôi không thực sự có cảm tình với họ. Tôi cần học nhìn nhận tôi và họ trong sự duy nhất và vì vậy khác biệt. Bạn bè người ta chọn lấy, còn anh chị em trong nhà Chúa thì được “ban cho” (Ga 17,6). Nghĩa là nhìn nhận người Anh Cả Giêsu và vô số anh chị em không giống tôi ở khắp mọi nơi trên địa cầu này. Tất cả đều được Thần Khí thúc đẩy sống như người Anh Cả, để tôn vinh Thiên Chúa là Cha. Chung chia niềm vui của một đại gia đình, trong đó không ai giống ai và dù vậy tất cả đều được Thiên Chúa yêu thương. “Con cái Thiên Chúa” đi cùng con đường của Đức Giêsu, người Anh Cả, và cùng thừa kế với Ngài – nghĩa là trở nên con trọn nghĩa.
CHƯƠNG TRÌNH TÌNH YÊU (Lm. Phêrô Hoàng Hán, SVD)
Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm chính yếu trong niềm tin của người Kitô hữu. Tuy nhiên, đây lại là mầu nhiệm khó giải thích bằng những lý luận hoặc hình dung theo ngôn ngữ của con người. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không phải là một sự hòa trộn tổng hợp của ba thành phần, mà là sự kết hợp tình yêu nhiệm mầu của Ngôi vị Thiên Chúa. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo cho chúng ta biết về Ba Ngôi Thiên Chúa: Ngôi Nhất là Cha, Đấng dựng nên ta; Ngôi Hai là Con, Đấng cứu chuộc ta; Ngôi Ba là Thánh Thần, Đấng thánh hóa ta. Còn theo thần học về Ba Ngôi thì Chúa Cha là Đấng khởi xướng tình yêu; Chúa Con là tình yêu xuất phát từ Chúa Cha, Chúa Thánh Thần là tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con.
Kinh Thánh giúp chúng ta thấy rõ hơn về tình yêu của Chúa Cha đã hoạt động mạnh mẽ, liên tục trong vũ trụ và lịch sử thế giới. Bài đọc I, trích sách Đệ Nhị Luật cho chúng ta nhìn lại cả một lịch sử dài của dân tộc Ítraen. Qua đó, chúng ta nghiệm ra bàn tay quyền năng của Thiên Chúa là Cha yêu thương, chính Ngài là tác giả từ công trình tạo dựng đến công trình giải thoát, mà không một thần minh nào có thể làm được. Cũng chính cánh tay hùng mạnh của Ngài đã dẫn đưa dân Ngài ra khỏi Ai Cập, bảo vệ họ khỏi bàn tay Pharaô. Trong sa mạc, Thiên Chúa lại lấy tình cha mà săn sóc giữ gìn đoàn dân là con cái của Ngài, dù nhiều lần chúng ngỗ nghịch phản bội, nhưng Ngài vẫn yêu thương, lại còn cam kết nhận họ làm dân riêng và chăm sóc họ bằng tình thương của một người cha, để dẫn đưa họ về miền đất hứa.
Tình yêu nhân loại của Chúa Cha không dừng lại ở đó, mà Ngài còn ban chính Con Một để cứu nhân loại khỏi phải chết đời đời. Tin Mừng Gioan cho chúng ta thấy: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Xuất phát từ tình yêu của Chúa Cha mà Ngôi Hai là Đức Giêsu đã nhận lấy sứ vụ xuống thế làm người để cứu độ nhân loại. Đức Giêsu đã nhập thế để mang lấy thân phận tột cùng của con người. Người đã sống và làm chứng cho nhân loại biết về một tình yêu. Một tình yêu trao ban mà không chút giữ lại, một tình yêu mang trọn hết tội lỗi của con người, một tình yêu mà tột đỉnh của nó là cái chết trên thập tự giá. Để nhờ cái chết và sự Phục Sinh vinh hiển của Người mà nhân loại được ơn cứu độ. Quả thật, một tình yêu vượt trên mọi tình yêu.
Tình yêu Thiên Chúa còn được thể hiện qua việc Ngài ban Chúa Thánh Thần là sức mạnh, là tình yêu của Ngài cho nhân loại. Chính nhờ Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta mới có thể sống đúng với tư cách làm con Thiên Chúa; nhờ Thánh Thần soi sáng, chúng ta mới có thể nhận biết và tuyên xưng Thiên Chúa là Cha. Thánh Thần cũng giúp chúng ta sống theo gương mẫu của Người Con là Đức Giêsu, vì chỉ khi sống như Đức Giêsu chúng ta mới xứng đáng gọi Thiên Chúa là Cha của mình. Chính Đức
Giêsu cũng đã nhiều lần nhấn mạnh cho chúng ta biết về vai trò của Chúa Thánh Thần. Nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng mà chúng ta hiểu được những gì Chúa Giêsu đã dạy. Thánh Thần còn là Đấng Bảo Trợ cho mỗi người chúng ta trước tòa Thiên Chúa, là ngọn lửa yêu mến bừng cháy giúp chúng ta thêm lòng yêu mến, là Thần Chân Lý dẫn chúng ta trên con đường sự thật, và chắc chắn Chúa Thánh Thần đã hoạt động trong Chúa Giêsu như thế nào, thì Ngài cũng hoạt động và hướng dẫn những người tin vào Chúa Giêsu như vậy.
Vì chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Thiên Chúa Ba Ngôi Tình yêu nên chúng ta cũng được mời gọi sống tình yêu thương như Thiên Chúa. Chính vì chúng ta giống Thiên Chúa ở khả năng yêu thương nên càng yêu thương, chúng ta càng giống Thiên Chúa.
Muốn được như vậy, mỗi người chúng ta nên xây dựng gia đình mình thành một gia đình thánh thiện, hiệp nhất và yêu thương noi theo Ba Ngôi Thiên Chúa. Từng thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm. Cụ thể, bậc làm cha mẹ, hãy thể hiện tình cha tình mẹ với con cái bằng tình yêu thương, sự chăm sóc và giáo dục con cái khôn lớn nên người, nhất là nên con cái Chúa. Bậc làm con, chúng ta nên noi gương Người Con là Đức Giêsu, luôn yêu mến và vâng lời cha mẹ. Chung quy lại, mỗi thành viên nên làm sao cho gia đình mình thực sự trở thành một tổ ấm đầy tình yêu thương và hạnh phúc, để nơi đó, mỗi người được yêu thương, cảm thông và nâng đỡ. Sống và thực hành như thế là chúng ta đang tô đậm hình ảnh Chúa Chúa Ba Ngôi ngay trong gia đình và trong đời sống của chúng ta.
Ước gì mỗi lần tuyên xưng đức tin chúng ta biết đặt trọn niềm tin tưởng và phó thác cuộc đời mình cho Thiên Chúa Ba Ngôi, chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc và bình an ngay ở đời này và đời sau. Điều này được khẳng định với chúng ta trong thư Hípri: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Hr 11,1).