BÀI GIẢNG (Chúa Nhật 4 Mùa Vọng – Năm A)

0
713

Bài Ðọc I: Is 7, 10-14

“Này trinh nữ sẽ thụ thai”.

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Ngày ấy, Chúa phán bảo vua Achaz rằng: “Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao!” Nhưng vua Achaz thưa: “Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử thách Chúa”.

Và Isaia nói: “Vậy hãy nghe đây, hỡi nhà Ðavít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế, chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6

Ðáp: Chúa ngự qua, chính Ngài là Hoàng Ðế hiển vinh (x. c. 7c và 10b).

Xướng: 1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. – Ðáp.

2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. – Ðáp.

3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 1, 1-7

“Ðức Giêsu, thuộc dòng dõi vua Ðavít, là Con Thiên Chúa”.

Bài trích thơ Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Rôma.

Phaolô, tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, đã được kêu gọi làm Tông đồ và đã được tuyển chọn để rao giảng tin mừng Thiên Chúa. Tin mừng ấy Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người; Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Ðavít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần, đã sống lại từ cõi chết. Ðó chính là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, để nhân danh Người, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về Ðức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu đã kêu gọi.

Tôi chúc tất cả mọi người trong thành Rôma được Thiên Chúa yêu mến và kêu gọi nên thánh, được ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Ðức Giêsu Kitô là Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 1, 21

Alleluia, alleluia! – Này đây trinh nữ sẽ mang thai, hạ sinh một con trai, và người ta sẽ gọi tên Người là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 1, 18-24

“Chúa Giêsu sinh ra bởi Ðức Maria, đính hôn với Thánh Giuse con vua Ðavít”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà, là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo.

Nhưng đang khi định tâm như vậy thì thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse, con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần: bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”.

Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.

Ðó là lời Chúa.


 

Bài giảng chủ đề:

THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI (Lm. Phêrô Lê Trung Phước, SVD)

Trong tâm tình của Mùa Vọng, mùa mong đợi Chúa đến, mong đợi Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, phụng vụ Lời Chúa hôm nay giới thiệu cho chúng ta một nhân vật lịch sử và cũng là một vị Thiên Chúa xuống thế làm người. Ngôn sứ I-sai-a tiên báo cho chúng ta biết một trẻ sơ sinh sẽ được sinh ra: “Người trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7,14). Thánh Phao-lô đã dùng uy tín của mình để khẳng định danh tính Đức Giê-su Ki-tô rằng: “Xét như một người phàm, Đức Giê-su Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít. Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1,4). Thánh Mát-thêu thì cho biết rõ nguồn gốc Đức Giê-su như sau: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên con trẻ là Giê-su” (Mt 1,21). Cả ba bài đọc đều nhắc đến Đức Giê-su là Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người.

  1. Thiên Chúa là ai?

Theo cuốn Đại Từ Điển Tiếng Việt, chữ “Thiên” có nghĩa là trời1, như “thiên ân” là ơn trời (dùng để chỉ ơn huệ do vua ban). Còn chữ “Chúa” có nghĩa là chủ. “Chủ” là người có quyền lực cao nhất trong một miền hay trong một nước. Như thế, “Thiên Chúa” là Đấng có địa vị cao nhất, có quyền lực trên toàn cõi đất và làm chủ mọi người, mọi loài, và mọi tạo vật.

Còn theo Kinh Thánh Do Thái Giáo, như được trình bày trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa là Đấng dựng nên mọi sự. Người dựng nên trời đất và muôn loài, muôn vật trong sáu ngày: Ngày thứ nhất, Người dựng nên ngày và đêm; ngày thứ hai, Người dựng nên bầu trời; ngày thứ ba, Người dựng nên mặt đất, trong đó có biển khơi và mọi thứ cây cỏ xanh tươi trên mặt đất; ngày thứ tư, Người dựng nên mặt trời và mặt trăng; ngày thứ năm, Người dựng nên mọi giống chim trên trời và cá dưới biển; ngày thứ sáu, Người dựng nên các loài trên mặt đất, trong đó có con người; và ngày thứ bảy, Người nghỉ ngơi (x. St 1,1-31). Như vậy, thông qua mặc khải của Thánh Kinh Do Thái, chúng ta được biết về Thiên Chúa là Đấng làm chủ toàn thể vũ trụ này. Chính Người đã dựng nên trời đất, tạo dựng nên con người và muôn vật, muôn loài. Ngoài một mình Thiên Chúa, không ai khác có thể làm được như vậy.

  1. “Xuống thế” có nghĩa là gì?

Tại sao lại gọi là xuống thế hay lên trời? “Lên” hay “xuống” xuất phát từ ý niệm cao thấp. Người ta thường nói “lên núi” và “xuống biển”, chứ không ai nói ngược lại cả. Hơn nữa, người lớn muốn nói chuyện với trẻ nhỏ thì cần cúi xuống để có thể nghe và nói với chúng cách dễ dàng. Nếu người lớn không cúi xuống thì trẻ nhỏ cần phải cố ngước lên mà nói nhưng chúng khó có thể ngước mặt lên mãi vì sẽ mau mỏi mệt và hai bên có thể không nghe rõ nhau. Thiên Chúa muốn nói chuyện với con người nên Người đã cúi xuống, bước xuống. Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng vũ trụ, có quyền trên vũ trụ, nhưng vì thương yêu con người, nên không chỉ cúi xuống, bước xuống, mà Người còn ở với con người trong thân phận của một con người thật sự. Bắt đầu từ việc sinh ra, lớn lên, Thiên Chúa làm người đã đến sống chung với con người; Người cùng làm việc với con người, đã cười và đã khóc với con người, thậm chí Người chấp nhận đổ máu để cứu con người thoát khỏi cái chết muôn đời. Đó chính là ý nghĩa của mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể hay còn gọi là Thiên Chúa xuống thế làm người.

  1. Làm người là thế nào?

Có một triết gia quan niệm rằng trong con người có hai phần: Phần con và phần người. “Phần con” luôn lôi kéo người ta làm theo bản năng, hành động theo thú tính, không dùng lý trí để suy xét, không dùng ý chí để vươn lên. Còn “phần người” thì luôn tìm cách lôi “phần con” lên, không để mọi hành động bị “phần con” điều khiển. Là “người” thì biết chọn lựa ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu chỉ là “con” thì không cần sạch đẹp vẫn ăn và ăn ngon lành. Hơn nữa, khi chứng kiến những cuộc chiến tranh trên thế giới, con người tàn sát lẫn nhau, nhiều người tự hỏi liệu con người có còn là “người” nữa không? Bởi nếu thực sự là “người” thì sao lại đối xử với nhau như vậy, vì con người được Thiên Chúa ban cho có lý trí, có ý chí và biết suy xét để hiểu rằng tàn sát người đồng loại là một trọng tội. Do vậy, Thiên Chúa làm người là để giúp con người sống cho ra người, sống có lý trí, sống có ý chí vươn lên, sống sao cho có ý nghĩa của một đời người.

Và mục đích duy nhất mà Thiên Chúa nhập thể và đến với con người cũng chỉ là để giúp con người được sống sao cho ra người, mời gọi con người vươn cao hơn nữa về phía Thiên Chúa, trở nên con cái Thiên Chúa, đồng hình đồng dạng với Người và được cứu độ. Thần học gia Karl Rahner từng nói: “Thiên Chúa làm người để con người được trở nên Thiên Chúa”.

Quả vậy, Thiên Chúa nhập thể làm người, sống như một con người, không chỉ để giúp con người nhận thấy phẩm giá cao quý của mình vì được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,26-27), mà còn để cứu chuộc con người, giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi và cái chết, cho con người được thông phần sự sống thần linh của Thiên Chúa. Chuẩn bị đón mừng Chúa Giáng Sinh, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta hiểu được ý nghĩa của mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể, để mỗi người biết sống, biết gìn giữ nhân phẩm cao quý mà chính Thiên Chúa đã ban tặng và được Con Thiên Chúa làm người để phục hồi những gì đã hư mất do tội lỗi và ban cho sự sống bất diệt như thuở ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng. Amen.


 

TÔI PHẢI LÀM GÌ? (Lm. Giuse Nguyễn Gia Hoàng, SVD)

Ông Gordon Liddy, người trợ lý cho tổng thống Richard Nixon của Hoa Kỳ đã từng nói: “Cầu nguyện là điều quan trọng nhất trong một ngày sống của tôi. Tôi luôn xin Chúa cho tôi biết ý định của Ngài, đừng để tôi tự quyết định điều gì mà không cần Chúa nữa.” Lời tâm sự trên của ông Gordon Liddy đặt trong tâm tình của những ngày cuối Mùa Vọng liệu có đủ sức mạnh thức tỉnh chúng ta để rồi mỗi người cũng tự đặt ra cho mình câu hỏi: Làm thế nào để tôi biết thánh ý của Thiên Chúa? Và một khi nhận ra thánh ý Ngài, tôi phải làm gì?

Vâng theo thánh ý Thiên Chúa phải là vận mệnh và hơi thở của người Kitô hữu. Tác giả Thánh Vịnh đã dạy: “Tuân theo thánh ý Ngài, con vui sướng hơn được tiền rừng bạc bể” (Tv 119,14). Khi nói về sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa, một trong những mẫu gương hàng đầu phải kể đến là Đức Maria. Trong Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Vọng năm B, thánh Luca tường thuật cho chúng ta biến cố truyền tin cho Đức Maria. Mẹ đã sớm nhận ra ý Chúa và hoàn toàn để cho ý Chúa được thể hiện trong cuộc đời mình: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”(Lc 1,38). Hôm nay, qua đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật IV Mùa Vọng năm A, thánh Mátthêu lại kể cho chúng ta nghe câu chuyện truyền tin cho thánh Giuse. Cũng như Đức Maria, thánh Giuse đã vui vẻ “xin vâng” cho dù ngài không đáp lại lời nào. Qua sự đáp trả trong âm thầm của thánh Giuse, một lần nữa Tin Mừng Mátthêu vẽ thêm cho chúng ta mẫu gương về sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa.

Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, thánh Giuse đóng vai trò vô cùng quan trọng. Có thể nói, Chúa Giêsu có được “xếp vào” dòng dõi vua Đavít hay không là tùy thuộc vào lời đáp trả của thánh nhân. Tin Mừng cho hay: “Ông Giuse, là người công chính, không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19). Không biết sau khi được thiên sứ truyền tin, Đức Maria có đem chuyện mình mang thai kể cho thánh Giuse nghe hay không, nếu không thì bằng trực quan của mình, có lẽ thánh Giuse nhận thấy có gì khác lạ nơi người bạn đời Maria của mình nên mới dự tính bỏ bà cách kín đáo để tránh cho bà những điều tiếng của nhân gian. Nhưng trong giấc mộng, sứ thần Thiên Chúa hiện ra với thánh Giuse và nói: “đừng ngại đón Đức Maria về nhà mình vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20). Tại sao sứ thần lại nói với thánh Giuse “đừng ngại”? Chắc hẳn không phải ngài ngại vì nếu chấp nhận, ngài phải gồng gánh để “nuôi cả mẹ lẫn con”, nhưng chắc hẳn thánh nhân ngại bởi vì ngài biết trong việc này có sự can thiệp của bàn tay Thiên Chúa, mà mình lại quá ư hèn mọn không xứng đáng để lãnh nhận trách nhiệm trọng đại ấy. Hơn thế nữa, Kinh Thánh gọi thánh Giuse là “người công chính”. Công chính ở đây chắc chắn không phải ở chuyện giữ luật, bởi nếu công chính theo luật, hẳn ngài đã làm thủ tục để đưa Mẹ Maria ra tòa. Công chính ở đây cũng không phải là việc thánh Giuse phải bỏ trốn vì không muốn làm cha “bất đắc dĩ”. Thánh Giuse công chính là bởi vì ngài thấy mình không xứng đáng làm cha của Con Một Thiên Chúa và làm chồng của người đã được hiến thánh cho Thiên Chúa.[1]

“Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà (Mt 1,24). Lời ngôn sứ Isaia tiên báo về Đấng Emmanuel trong Bài đọc thứ nhất hoàn toàn được ứng nghiệm khi thánh Giuse đáp trả lại thánh ý Thiên Chúa. Cũng chính từ đây, Chúa Giêsu được gia nhập vào dòng họ vua Đavít, để từ đó tiếp tục viết nên những kỳ công tiếp theo của chương trình cứu độ vĩ đại của Thiên Chúa.

Theo gương thánh Giuse chúng ta phải làm gì để nhận ra thánh ý Thiên Chúa và phụng sự Thiên Chúa trong cuộc sống thường ngày?

Có câu chuyện kể như sau: Một trận lụt dữ dội xảy ra tàn phá khắp vùng quê khiến cho một bà lão bị kẹt trong căn nhà. Bà cụ khấn nguyện xin Chúa đến cứu mình. Đến chiều, khi bà đang đứng tựa cửa sổ nhà bếp nhìn ra thì một chiếc thuyền xuất hiện, người lái thuyền bảo bà: “Bà leo lên đây, cháu đến cứu bà”. Bà lão đáp: “Không, cám ơn cậu, tôi đợi Chúa, Ngài sẽ cứu tôi”. Sau một hồi thuyết phục không xong, người lái thuyền lắc đầu bỏ đi.

Ngày hôm sau, cơn lụt dâng cao đến tầng hai của căn nhà. Đang lúc bà lão đứng tựa cửa ngắm nhìn con nước thì một chiếc thuyền khác lại xuất hiện. Người lái thuyền bảo bà: “Bà hãy lên thuyền để thoát nạn”. Bà già đáp lại: “Không, cảm ơn, tôi tin vào Chúa. Ngài sẽ cứu tôi”. Người lái thuyền thất vọng bỏ đi.

Ngày kế tiếp nước lũ dâng lên tận nóc nhà. Lần này bà lão phải leo lên mái nhà tránh lũ, một chiếc trực thăng lại xuất hiện. Viên phi công dùng loa gọi vọng xuống: “Tôi sẽ thả một chiếc thang dây cho bà, hãy leo lên và bà sẽ an toàn”. Bà già lại nói: “Không, cảm ơn, tôi tin vào Chúa, Ngài sẽ cứu thoát tôi”. Viên phi công không thuyết phục được nên đành bỏ đi.

Ngày sau, cơn lụt nhận chìm ngôi nhà và bà lão bị chết đuối. Khi được đưa về trời, bà ta nói với thánh Phêrô: “Trước khi vào, tôi xin được phàn nàn một điều. Tôi đã tin chắc Chúa sẽ cứu tôi thoát khỏi trận lụt, thế mà Ngài lại để tôi bị chết chìm”. Thánh Phêrô nhìn bà lão và ngậm ngùi lên tiếng: “Tôi chả hiểu Chúa có thể làm thêm điều gì được cho bà nữa, vì Ngài đã gửi tới cho bà những hai chiếc thuyền và một chiếc trực thăng rồi còn gì.”

Có lẽ bà lão trong trận lụt này đã quá lầm lẫn. Bà quên rằng Chúa thường hoạt động trong đời sống chúng ta thông qua những điều hết sức bình thường. Bà cũng quên rằng con người phải làm hết phận vụ mình và hợp tác với Chúa bằng tất cả những gì Ngài đã ban. Gia Cát Lượng, một trong những vị tướng oai nghiêm của Trung Hoa đã nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Con người phải bắt đầu làm, còn thành bại thế nào thì sẽ do Trời định liệu. Thiên Chúa sẽ giúp đỡ và đồng hành với những ai luôn biết cố gắng và đặt trọn niềm tin vào Ngài.

Tin đòi hỏi nơi chúng ta sự phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. Hãy để cho Thiên Chúa làm chủ cuộc đời của mình, chúng ta là những đầy tớ vô duyên, bất tài nhưng không vô dụng. Hãy để cho chương trình của Thiên Chúa được thực hiện nơi cuộc đời mỗi người.Dù chúng ta là người đi tu hay sống đời gia đình, là vợ hay là chồng, là kỹ sư hay bác sỹ… thì tất cả đều là ý định của Ngài. Trong thánh ý Thiên Chúa, mọi tình trạng của cơ thể con người, mọi suy nghĩ và việc làm trở nên hoạt động của ân sủng. Điều cần thiết là chúng ta biết đón nhận, yêu mến và trân trọng cho đến cùng những gì mình đang có với lòng tín thác hoàn toàn vào bàn tay Thiên Chúa quan phòng.

Hơn nữa, sự nhận biết thánh ý Chúa phải cần được hiện thực hóa trong đời sống thường ngày, tức là được biểu lộ qua hành động, qua việc làm. Việc thực thi ý Chúa luôn đòi hỏi chúng ta dám đi ngược lại với ham muốn và dục vọng con người. Tức là chúng ta được mời gọi từ bỏ mọi dính bén, bởi nếu không từ bỏ, con người vướng bận nhiều thứ kềnh càng: tự ái, ích kỷ, kiêu ngạo hay vật chất, đẳng cấp, địa vị xã hội… Vì vậy, muốn thong dong trong việc nhận ra thánh ý Thiên Chúa, thực thi điều Ngài truyền dạy và đi theo Ngài, chúng ta cần cắt bỏ những thứ phụ thuộc, lòng thòng không cần thiết. Tuy nhiên, cuộc sống con người luôn bị cuốn theo dòng xoáy của những nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền. Khó khăn và thử thách trong cuộc sống lắm lúc làm cho niềm tin của chúng ta bị chao đảo. Nhưng chúng ta hãy đặt mình trong tình yêu Thiên Chúa và cũng cần xác tín lại rằng chỉ có “kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10, 22).

[1] Xc. Lm. Giuse Phạm Ngọc Ngôn, Csjb, Thánh Giuse – Người Cha Công Chính, http://tongdothanhkinh. blogspot.com/, truy cập ngày 01/09/2016.

 

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Ngày 17/12, Tuần 3 MV)
Bài tiếp theoTHƠ: Khởi hứng Luca: 1,5-38

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.