Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật, tuần 11 Thường Niên – Năm A

0
285

Bài đọc 1: Xh 19,2-6a; Bài đọc 2: Rm 5,6-11;

Tin mừng: Mt 9, 36 – 10, 8

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ dân chúng, liền động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”.

Và Người liền triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền.

Ðây là tên của mười hai tông đồ: trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em ông;

Giacôbê con của Giêbêđê và Gioan em ông;

Philipphê và Bartôlômêô;

Tôma và Matthêu người thu thế;

Giacôbê con của Alphê và Tađêô;

Simon người Cananêô và Giuđa Iscariốt, kẻ nộp Người.

Chúa Giêsu sai mười hai ông này đi và truyền lệnh cho các ông rằng: “Các con đừng đi về phía dân ngoại, và đừng vào thành các người Samaritanô.

Nhưng tốt hơn, các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: “Nước Trời đã đến gần”.

Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ.

Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.


Chia sẻ Tin Mừng

SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO (Tu sĩ G. B. Nguyễn Văn Đồng, SVD)

Công Đồng Va-ti-can II trong sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo Hội đã minh định rằng “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (AG 2). Như vậy, lời minh định này cho thấy truyền giáo là bản chất của Giáo Hội, Giáo Hội là truyền giáo. Nếu không truyền giáo thì Giáo Hội không còn là Giáo Hội nữa. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho ta thấy sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội là lệnh truyền của chính Đức Giê-su: “Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:… Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần… Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy” (x. Mt 10,5-8). Vậy tại sao Giáo Hội phải truyền giáo?

  1. Sứ vụ truyền giáo là lệnh truyền của Đức Giê-su

Trước tiên, sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội được nhận lãnh từ Đức Giê-su. Ngài đã đi khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, rao giảng dạy dỗ, hướng dẫn và đem bình an cho thân xác và tâm hồn con người. Ngài đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho dân chúng để đem lại ơn cứu độ cho họ. Ngài ưu tư, thao thức làm sao cho tất cả mọi người được nghe biết Tin Mừng Thiên Chúa. Mối ưu tư ấy đã được diễn tả trong lúc Ngài thổ lộ tâm tình với các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,37-38).

Đức Giê-su bắt đầu đi rao giảng nhiều nơi và bắt đầu thu hút dân chúng. Đi đến đâu Người cũng thấy dân ở vào trường hợp đáng thương, vì họ bị những khoản luật lệ bó buộc, khắt khe, và vì họ vất vưởng và dường như niềm hy vọng đang vơi dần. Vì thế Đức Giê-su động lòng thương họ. Ngài còn gọi thêm các cộng sự viên, là các môn đệ để cùng với Người chăm sóc dân chúng trong công cuộc đem Tin Mừng giải thoát cho mọi thân phận con người. Nơi Đức Giê-su, chính Thiên Chúa đã đến chữa lành và cưu mang những vết thương của nhân loại. Nhưng Người cũng cần những thợ gặt cho Nước Trời, tức là những người truyền đạt lời mời gọi của Thiên Chúa và quy tụ những cộng đoàn dân thánh. Chúa nói “hãy xin”, hãy cầu nguyện, biết đâu bạn sẽ hiểu ra rằng Thiên Chúa gọi bạn. Chắc hẳn mọi cộng đoàn Ki-tô hữu đều cầu xin với Chúa, và Thánh Thần làm cho xuất hiện trong lòng cộng đoàn những đặc sủng, những thừa tác viên và mục tử cần thiết để đáp ứng các nhu cầu. Nhưng ở đây, Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta cầu xin Thiên Chúa sai nhiều tay thợ biết xả thân cho công cuộc truyền giáo: họ luôn là quá ít, nhất là để loan báo Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh giữa tầng lớp người nghèo.

  1. Cách thức thực thi sứ vụ của Đức Giê-su

Đức Giê-su thi hành sứ vụ cứu thế bằng cách đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền. Người thi hành sứ vụ đó là để trung thành với thánh ý của Chúa Cha và đồng thời trở nên gương mẫu cho các Tông Đồ, và cho những người làm việc tông đồ sau này trong công cuộc truyền giáo. Đức Giê-su đi rao giảng nhiều nơi. Ngài có ý dạy những ai là người môn đệ phải biết di chuyển hết nơi này đến nơi khác, chứ không được an phận một nơi nào cả, mời gọi họ đi ra khỏi “vùng an toàn” để đến vùng ngoại biên.

Mẫu thức thi hành sứ vụ của Đức Giê-su cũng là gương mẫu cho người môn đệ của Người. Theo bài Tin Mừng, Đức Giê-su đã dạy họ rằng, hãy dám ra đi và tìm đến với người khác. Ra đi dĩ nhiên không những có nghĩa là rời bỏ nơi này để đến nơi khác, mà thiết yếu là thái độ ra khỏi chính mình, ra khỏi vỏ ốc của mình để đến với tha nhân. Đức Giê-su nhắc nhở các môn đệ, trong khi đi đến với những người khác, phải luôn có tinh thần quên mình để phục vụ, vì người môn đệ đã lãnh được tình yêu Thiên Chúa thì họ cũng phải biết đáp trả tình yêu đó bằng cách chia sẻ Tình Yêu Thiên Chúa cho mọi người: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8).

  1. Sứ vụ của chúng ta hôm nay

Ngày nay, các cộng đoàn Ki-tô hữu cần biểu lộ được những dấu chỉ về ơn cứu độ mà họ rao truyền. Thái độ “cho không” là cần thiết tỏ hiện niềm vui phục vụ. Đức Giê-su yêu cầu mỗi người chúng ta đem các khả năng của mình ra mà phục vụ nhân loại. Vì thế, Giáo Hội hôm nay luôn ý thức sứ vụ mục tử là có trái tim biết rung động, biết “chạnh lòng” với anh chị em. Ra đi loan báo Tin Mừng còn có nghĩa là ra đi khỏi con người của mình, để mặc lấy cái nhìn nhạy cảm hơn trước sự hiện diện của tha nhân đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Chúng ta đang sống trong một thế giới luôn biến chuyển không ngừng, trong đó có lãnh vực tư tưởng và nhận thức. Nhiều trào lưu, triết thuyết mới làm cho con người thời nay dần xa rời những giá trị của Tin Mừng. Những chuẩn mực về luân lý và đức tin đang dần được nhìn nhận bằng mẫu thức lạ lẫm hơn. Chủ nghĩa tự do ngày càng được con người cổ xúy quá mức. Đặc biệt, hơn lúc nào hết, quá trình tục hóa đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Tất cả những điều này đòi hỏi nơi các nhà truyền giáo có cách tiếp cận và đối thoại với con người thời nay cách mới mẻ, dựa trên những dấu chỉ mới của thời đại. Trong Thông Điệp Evangelii Nuntiandi, Đức Phao-lô VI đã nói :’Người thời nay sẵn sàng nghe những nhân chứng hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là nhân chứng “(số 41). Còn theo Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô thì: “Sức thuyết phục của Chúa Ki-tô rao giảng chỉ có thể giải thích được là tất cả lời nói, dụ ngôn và suy luận của Ngài không bao giờ tách khỏi đời sống Ngài. Theo nghĩa đó, tất cả cuộc đời Chúa Ki-tô là một bài giảng liên tục…” (Catechesi tradendae, số 9). Như vậy, Giáo Hội không ngừng nhắc nhở con cái góp phần cho sứ mạng truyền giáo, đồng thời phải nỗ lực thích ứng để có thể đem Tin Mừng cho nhân loại trong hoàn cảnh mới.

Trong bài đọc thứ nhất, ta thấy lệnh truyền của Thiên Chúa với dân Ít-ra-en, một dân tộc được Thiên Chúa thánh hiến. Ngài đã ký kết một giao ước với dân. Theo đó, “nghe” và “tuân giữ” Lời là một mệnh lệnh thiêng liêng, là lời đáp trả cho ơn giải thoát mà Thiên Chúa đã làm cho dân: “Nghe Lời Ta và giữ giao ước của Ta” (x. Xh 2,5-6a). Ngày nay, chúng ta, những Ki-tô hữu, cũng là những người được thánh hiến qua giá chuộc của Con Thiên Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô. Là thân phận con người tội lỗi và bất toàn, nhưng chúng ta đã được ân sủng Chúa lấp đầy qua cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giê-su. Khi đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội chúng ta là “sở hữu riêng” của Thiên Chúa, được mời gọi “nghe”, “tuân giữ” Lời. Trong đó, chức năng ngôn sứ đòi hỏi mỗi tín hữu thực thi sứ vụ, làm chứng cho những giá trị Tin Mừng Nước Thiên Chúa nơi môi trường sống của mình. Mỗi tín hữu cũng đồng thời là những chứng nhân, đời sống của chúng ta phải phản ánh được những giá trị Tin Mừng, tức phải có trái tim biết “chạnh lòng thương”, biết “cho không” những ân huệ mà ta đã lãnh nhận từ Thiên Chúa.

Hôm nay rất nhiều Ki-tô hữu tiếp tục dấn thân vào mọi môi trường sống để làm chứng cho Chúa và những giá trị Nước Trời. Đặc biệt, có thể kể đến các tu sĩ nam nữ dấn thân vào các bệnh viện dã chiến để chăm sóc các bệnh nhân đợt dịch Covid vừa rồi. Những tu sĩ này sống theo lời mời gọi “ra đi”, và có tấm lòng nhạy cảm biết rung động với anh chị em. Nhờ sự ân cần chăm sóc và tấm lòng mà họ đã chữa lành nhiều tâm hồn đau khổ vì bệnh tật, giúp các bệnh nhân nhận biết và tin theo Chúa. Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người Ki-tô hữu chúng ta ý thức hơn về sứ vụ truyền giáo, từ đó biết sẵn sàng ra đi phục vụ Chúa trong anh chị em. Amen.

 

Bài trướcChú giải Tin Mừng Chúa Nhật XI Thường Niên, năm A (Mt 9,36 – 10,8)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 11 TN, Năm A)