ĐỔI THAY (Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá – Năm C)

0
520

Kiệu Lá:

Bài Phúc Âm: Lc 19, 28-4

“Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi trước lên Giêrusalem. Và xảy ra là khi Người đến gần Bếtphaghê và Bêtania, giáp núi gọi là núi Cây Dầu, Người sai hai môn đệ đi và bảo rằng: “Các con hãy đến làng trước mặt kia, vừa vào làng, các con sẽ gặp con lừa con cột sẵn đó chưa ai cỡi bao giờ; các con hãy mở dây mà dẫn về. Và nếu có ai hỏi các con “Tại sao các ông mở dây?”, thì hãy nói thế này: “Vì Chúa cần dùng đến nó”. Hai người được sai ra đi, và gặp lừa con đứng đó như Chúa đã bảo. Hai ông đang mở dây lừa con, thì chủ nó hỏi r?ng: “Sao các ông mở dây lừa con?” Hai ông đáp: “Vì Chúa cần đến nó”. Hai ông dắt lừa về cho Chúa Giêsu, trải áo lên mình lừa và đặt Chúa lên trên. Dọc đàng, người ta trải áo trên lối đi. Khi Người đến gần triền núi Cây Dầu, tất cả đoàn môn đệ hân hoan lớn tiếng ca ngợi Chúa về mọi phép lạ họ đã thấy mà rằng: “Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời”. Một vài người biệt phái trong đám đông nói cùng Người rằng: “Thưa Thầy, xin hãy mắng các môn đệ Ngài đi”. Chúa Giêsu nói: “Tôi bảo cho các ông biết: nếu họ làm thinh, thì những viên đá sẽ la lên”.

Ðó là lời Chúa.

Thánh Lễ:

Bài Ðọc I: Is 50, 4-7

“Tôi đã không giấu mặt mũi tránh những lời nhạo cười, nhưng tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn”.

(Bài ca thứ ba về Người Tôi Tớ Chúa)

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi, mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 21, 8-9. 17-18a. 19-20. 23-24

Ðáp: Ôi Thiên Chúa! Ôi Thiên Chúa! sao Chúa đã bỏ con? (c. 2a)

Xướng: 1) Bao người thấy con đều mỉa mai con, họ bĩu môi, họ lắc đầu: “Hắn tin cậy Chúa, xin Ngài cứu hắn, xin Ngài giải gỡ hắn, nếu Ngài yêu thương”. – Ðáp.

2) Ðứng quanh con là đàn ưng khuyển, một lũ côn đồ bao bọc lấy con. Chân tay con chúng đều chọc thủng, con có thể đếm được mọi đốt xương con. – Ðáp.

3) Phần chúng thì nhìn xem con và vui vẻ, đem y phục của con chia sẻ với nhau, còn tấm áo dài, thì chúng rút thăm… Phần Ngài, lạy Chúa, xin chớ đứng xa con, ôi Ðấng phù trợ con, xin kíp ra tay nâng đỡ. – Ðáp.

4) Con sẽ tường thuật danh Chúa cho các anh em, giữa nơi công hội, con sẽ ngợi khen Người. “Chư quân là người tôn sợ Chúa, xin hãy ca khen Chúa, toàn thể miêu duệ nhà Giacóp, hãy chúc tụng Người, hãy tôn sợ Người, hết thảy dòng giống Israel!” – Ðáp.

Bài Ðọc II: Pl 2, 6-11

“Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Pl 2, 8-9

Chúa Kitô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.

Bài Thương Khó: Lc 23, 1-49 (bài ngắn)

C. Bài Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Luca.

Khi ấy, tất cả công nghị đứng dậy và giải Người đến Philatô. Họ bắt đầu tố cáo Người rằng:

S. “Chúng tôi đã thấy người này xúi giục dân nổi loạn, ngăn cản nộp thuế cho Cêsarê, và còn tự xưng là Kitô Vua”.

C. Philatô bảo các thượng tế và đám đông rằng:

S. “Ta không thấy người này có tội gì”.

C. Nhưng họ cố nài rằng:

S. “Người này đã làm náo động dân chúng, giảng dạy khắp xứ Giuđêa, bắt đầu từ Galilêa đến đây”.

C. Philatô vừa nghe nói đến Galilêa, liền hỏi cho biết có phải đương sự là người xứ Galilêa không. Và khi đã biết Người thuộc thẩm quyền Hêrôđê, quan liền sai giải Người cho Hêrôđê cũng có mặt tại Giêrusalem trong những ngày ấy. Hêrôđê thấy Chúa Giêsu thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu, ông ao ước thấy Người, bởi đã nghe nói về Người rất nhiều, và hy vọng xem Người làm một vài phép lạ. Nhà vua hỏi Người rất nhiều lời, nhưng Người không đáp gì hết. Trong khi ấy, các thượng tế và luật sĩ ở đó tố cáo Người dữ dội. Còn Hêrôđê cùng các quan lính thì khinh dể và nhạo báng Người, đoạn khoác cho Người một cái áo choàng trắng và gởi trả Người cho Philatô. Chính ngày đó, Hêrôđê và Philatô trở thành bạn hữu, vì trước kia họ là thù địch với nhau.

Bấy giờ Philatô triệu tập các thượng tế, các thủ lãnh và dân chúng lại, rồi bảo họ:

S. “Các ngươi đã nộp cho ta người này như một kẻ xúi giục dân làm loạn, nhưng đây ta đã tra xét trước mặt các ngươi, và ta không thấy người này phạm tội nào trong những tội các ngươi tố cáo. Cả vua Hêrôđê cũng thấy như vậy, vì ta đã cử các ngươi đến nhà vua và nhà vua cũng không thấy có chi đáng tội chết cả. Vậy ta sẽ cho sửa phạt, rồi tha đi”.

C. Mỗi dịp lễ, quan tổng trấn phải phóng thích cho họ một người tù. Vậy toàn dân đồng thanh kêu lên:

S. “Hãy giết người này, và tha Baraba cho chúng tôi”.

C. Tên này vì dấy loạn trong thành và giết người, nên đã bị tống ngục. Nhưng Philatô muốn tha Chúa Giêsu, nên lại nói với dân chúng. Nhưng chúng càng la to hơn và nói:

S. “Hãy đóng đinh nó, hãy đóng đinh nó vào thập giá!”

C. Lần thứ ba, quan lại nói với dân chúng:

S. “Người này đã làm gì xấu? Ta không thấy nơi ông ấy có lý do để lên án tử hình. Vậy ta sẽ trừng phạt, rồi tha đi”.

C. Chúng lại la lớn tiếng, nhất định đòi đóng đinh Người vào thập giá, và tiếng la hét của chúng càng dữ dội hơn. Philatô liền tuyên án theo lời chúng yêu cầu. Vậy quan phóng thích tên đã bị cầm tù vì dấy loạn và giết người, là kẻ mà chúng đã xin tha, còn Chúa Giêsu thì quan trao phó để mặc ý chúng.

Khi điệu Người đi, chúng bắt một người xứ Xyrênê, tên Simon, ở ngoài đồng về, chúng bắt ông vác thập giá theo sau Chúa Giêsu. Ðám đông dân chúng theo Người, có cả mấy người phụ nữ khóc thương Người. Nhưng Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại bảo họ rằng:

J. “Hỡi con gái Giêrusalem, đừng khóc thương Ta, hãy khóc thương chính các ngươi và con cái các ngươi. Vì này, sắp đến ngày người ta sẽ than rằng: “Phúc cho người son sẻ, phúc cho những lòng không sinh nở và những vú không nuôi con”. Bấy giờ người ta sẽ lên tiếng với núi non rằng: “Hãy đổ xuống đè chúng tôi”, và nói với các gò nổng rằng: “Hãy che lấp chúng tôi đi”. Vì nếu cây tươi còn bị xử như vậy, thì gỗ khô sẽ ra sao?”

C. Cùng với Người, chúng còn điệu hai tên gian ác nữa đi xử tử. Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu và một đứa bên tả Người. Bấy giờ Chúa Giêsu than thở rằng:

J. “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”.

C. Rồi chúng rút thăm mà chia nhau áo Người. Dân chúng đứng đó nhìn xem, và các thủ lãnh thì cười nhạo Người mà rằng:

S. “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Ðấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn”.

C. Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói:

S. “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”.

C. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: “Người này là vua dân Do-thái”. Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng:

S. “Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”.

C. Ðối lại, tên kia mắng nó rằng:

S. “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao. Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn Ông này, Ông có làm gì xấu đâu?”

C. Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng:

S. “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”.

C. Chúa Giêsu đáp:

J. “Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.

C. Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé ra làm đôi ngay chính giữa. Lúc đó Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng:

J. “Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha”.

C. Nói đoạn, Người trút hơi thở.

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

Thấy sự việc xảy ra, viên sĩ quan ca tụng Thiên Chúa rằng:

S. “Ông này quả thật là người công chính”.

C. Và tất cả dân chúng có mặt thấy cảnh tượng đó, và chứng kiến những sự việc xảy ra, liền đấm ngực trở về.

Ðứng xa xa, có những kẻ quen biết Người, và mấy phụ nữ đi theo Người từ xứ Galilêa, họ cũng chứng kiến.

——————–

Bài giảng 1:

ĐỔI THAY ( Lm. Phêrô Hoàng Văn Toàn, SVD)

Đổi thay vốn dĩ là qui luật của đất trời và con người. Nơi vạn vật ta thấy xuân qua, hạ tới, rồi thu sang, đông về; bình minh đến rồi đi, hoàng hôn đi rồi lại đến; ngày qua, ngày lại tới, trời đất mãi vần xoay. Nơi con người ta thấy sinh, lão, bệnh, tử. Ngày nao ta còn khóc oa oa trong vòng tay của mẹ, nay ta khôn lớn dang cánh tay vùng vẫy đất trời, mai rồi nhắm mắt xuôi tay ta về với lòng đất. Đổi thay mang lại nét tươi mới và phong phú cho vạn vật lẫn con người. Thật là khủng khiếp biết bao nếu ánh sáng mặt trời chẳng bao giờ lặn, hoặc bóng đêm chẳng bao giờ tàn! Thật là nhàm chán biết bao nếu cảnh sắc đất trời cứ mãi trơ trơ như một bức hình bất động! Thật đáng buồn biết bao nếu đứa trẻ ngày nao mãi chẳng bao giờ đạt tới ngày trưởng thành! Đổi thay nơi vạn vật thật tuyệt, đổi thay nơi con người sinh học cũng tốt, nhưng đổi thay nơi lòng người lại là một chuyện khác. Trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngắm hình ảnh Đức Giêsu và các nhân vật được miêu tả trong các bài đọc để qua đó thấy được mặt tích cực của sự đổi thay và đồng thời thấy được sự phũ phàng của nó.

Trước hết chúng ta cùng nhau khám phá sự “đổi thay” nơi con người Đức Giêsu Kitô. Gương mặt Đức Giêsu được diễn tả qua ngòi bút của thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê đã cho chúng ta thấy một sự “đổi thay” thật khủng khiếp. Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Trong bài đọc Cựu Ước, ngôn sứ Isaia lại miêu tả rõ ràng hơn cho chúng ta thấy hình ảnh Con Thiên Chúa khi mặc lấy thân phận con người. Đó là hình ảnh của một người tôi trung đau khổ, bị đánh đòn, bị giật râu, bị nhiếc mắng phỉ nhổ. Vì tình yêu đối với nhân loại tội lỗi và phải chết, Con Thiên Chúa đã quyết định làm một cuộc “đổi thay” thật là “điên rồ”. Thần linh nay hóa thành phàm nhân, vua cả trời đất nay hạ mình làm tôi tớ. Trong trình thuật thương khó, chúng ta thấy rằng ngai vàng của Đức Giêsu ngự bây giờ là thập giá, vương miện Người đội bây giờ là vòng gai. Sự “đổi thay” của Con Thiên Chúa mang lại nguồn ơn cứu độ cho toàn thể chúng sinh: xiềng xích tội lỗi và cái chết bị đập tan, trời đất được giao hòa, con người được tái sinh trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa.

Bây giờ, chúng ta hãy tìm hiểu sự đổi thay nơi các nhân vật được miêu tả trong hai bài Tin Mừng của Chúa Nhật Lễ Lá. Nhân vật đầu tiên mà chúng ta cùng nhau tìm hiểu đó là người dân thành Giêrusalem nói riêng và dân Do Thái nói chung. Khi Chúa Giêsu bước vào thành trong dịp lễ Vượt qua, dân chúng tuôn đổ ra đường để hoan hô, chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa. Họ dành cho Đức Giêsu lòng ái mộ và tôn kính tựa như tôi tớ với Vua. Thế nhưng, chỉ sau một khoảng thời gian rất ngắn, lòng người ta đã đổi thay hoàn toàn. Từ thái độ hoan nghênh như con vua Đavít nay lại đối xử còn tệ hơn cả tên tội phạm Banaba; từ thái độ tôn kính như Đấng Thánh của Thiên Chúa nay họ phỉ báng chẳng ra gì. Cùng với sự đổi thay của người dân thành Giêrusalem, sự đổi thay của hai nhân vật thân cận với Đức Giêsu khiến chúng ta không khỏi ngạc nhiên. Phêrô và Giuđa Iscariốt vốn dĩ là các Tông Đồ được Đức Giêsu đặc biệt tuyển chọn. Trải qua những ngày tháng bên nhau, Chúa Giêsu dành trọn tình yêu cao cả cho từng người, đã mở mắt để các ông nhìn thấy ánh sáng từ trời cao, rồi ban cho các ông những năng quyền mà quyền lực trần thế không thể có. Đáp lại ơn trọng ấy, trong giờ phút lâm nguy, Giuđa và Phêrô đã đổi thay. Người thì bán Thầy mình vì lợi ích đồng tiền, người thì chối Thầy đến tận ba lần vì sợ hãi. Qua đó, chúng ta thấy được bản chất yếu đuối và sự phũ phàng của lòng người.

Khuôn mặt đổi thay của người dân thành Giêrusalem, của Giuđa hay của Phêrô trong các trình thuật Tin Mừng hôm nay phần nào phản ánh cho sự thay lòng đổi dạ nơi thân phận con người chúng ta. Dưới áp lực của quyền lực hay của dư luận, nhiều người đã hành động giống như người dân thành Giêrusalem xưa, không dám nói lên tiếng nói sự thật, nhưng hùa theo sự xảo trá. Vì lợi ích đồng tiền, nhiều người đã hành động tựa như Giuđa, phản bội, bán đứng bạn bè, đồng nghiệp và thậm chí là anh em ruột thịt. Vì sợ hãi, nhiều Kitô cũng đã hành động như Phêrô, thay lòng đổi dạ, chối bỏ đức tin của mình. Dù dưới bất kỳ nguyên nhân nào đi chăng nữa, sự thay lòng đổi dạ nơi con người luôn là một thứ tội đáng bị lên án, đặc biệt trong lĩnh vực tình cảm vợ chồng.

Hôn nhân vợ chồng không chỉ là một cam kết mang tính xã hội, nhưng là một giao ước thiêng liêng. Thuở ban đầu Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ, và cả hai tìm đến với nhau để trở nên một xương một thịt. Người Việt Nam chúng ta vốn có truyền thống ca ngợi và trân trọng sự chung thủy trong đời sống vợ chồng. Thủy chung, nghĩa tình trong đời sống vợ chồng không chỉ được qui định trong các văn bản Luật hôn nhân và gia đình, mà còn được đúc kết trong ca dao tục ngữ, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống và được lưu lại cho thế hệ mai sau:

Người ta thích lấy nhiều chồng

Tôi chỉ thích lấy một ông thật bền

Thật bền như tượng đồng đen

Trăm năm, quyết với cùng em một lòng

Hoặc: “Thương nhau tạc một chữ tình

Trăm năm thề quyết bạn mình có nhau”

Hoặc: “Trăm năm lòng gán dạ ghi

Nào ai thay nút đổi khuy cũng đừng”

Lòng chung thủy sắt son đẹp là vậy, nhưng dường như nó đang bị quên lãng và xem như một thứ giá trị cổ hủ. Ngày hôm nay, nhiều bạn trẻ quan niệm đời sống gia đình giống như một hợp đồng tạm thời, hợp thì sống chung, không hợp thì chia tay, níu kéo nhau làm chi. Chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe ngôn ngữ của các bạn trẻ qua lời các bài hát: “Tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề nuối tiếc”. Hoặc “Thà là bỏ đi hết ta, ta làm lại từ đầu. Thà là bỏ đi hết, ta chẳng nợ gì nhau”… Chính quan niệm lệch lạc như vậy, sự đổ vỡ hôn nhân đến thật quá dễ dàng. Khi an vui hạnh phúc, đôi bạn cùng nhau thề non hẹn biển, thế nhưng khi phong ba bão tố ập đến, vật đổi sao dời, lòng đôi bạn cũng chóng đổi thay. Sự đổ vỡ hôn nhân không những gây ra sự tổn thương cho chính đôi bạn, nhưng tác động mạnh mẽ đến thế hệ con cái. Con trẻ chỉ có thể phát triển quân bình tâm, sinh, thể lý một cách sung mãn khi chúng được đón nhận trọn vẹn tình mẫu tử và phụ tử trong một mái ấm, một gia đình. Là người Kitô hữu, sự thay lòng đổi dạ trong đời sống hôn nhân không chỉ là tội xúc phạm đến người phối ngẫu, mà còn xúc phạm nặng nề đến Đấng Tối Cao. Trong ngày trọng đại ấy, bạn đã nói gì trước Thiên Chúa và Hội Thánh của Người? Bạn tuyên bố rằng: tôi hứa giữa lòng chung thủy với anh (em), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng anh (em) mọi ngày suốt đời anh (em). Những lời thề ước ấy đã trở thành một Bí Tích, đi vào trong sự vĩnh cửu của Đấng Hằng Hữu. Vậy bạn là ai mà dám nuốt lời trước Đấng Tối Cao? Bạn là ai mà dám phân ly những gì Thiên Chúa đã kết hợp?

Có những sự đổi thay mang lại giá trị tích cực, đó là sự tươi mới, phong phú và sự sống sung mãn. Lại có những sự đổi thay mang đến điều tiêu cực, đó là sự đổ vỡ và phân ly. Ước gì qua các bài đọc Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy đổi thay để mang lại điều tích cực, đó có thể là ăn năn thống hối, cải thiện đời sống, tập tành nhân đức, từ bỏ thói hư tật xấu. Bên cạnh đó, chúng ta cũng hãy nhất quyết không thay lòng đổi dạ trong các mối tương quan với gia đình, bạn bè, đặc biệt trong tình yêu hôn nhân. Thiên Chúa là Đấng chung thủy, Người không bao giờ bỏ rơi con người trong bất cứ hoàn cảnh nào, dẫu rằng con người phản bội bất trung. Noi gương Chúa, mỗi người chúng ta cũng hãy đối xử với người bạn đời của mình bằng một tấm lòng sắt son như vậy. Amen.

——————–

Bài giảng 2:

CHÍNH TA ĐANG ĐÓNG ĐINH CHÚA ( Tu sĩ Giuse Trần Văn Huyến, SVD)

Trong Thánh Lễ Lá ngày hôm nay, chúng ta hòa cùng dòng người Do Thái với cành lá trong tay để reo hò chào đón Chúa Giêsu đi vào thành thánh Giêrusalen với tư cách Mêsia. Nhưng liền sau đó, cũng chính những người Do Thái ấy đã lật lọng, chuyển từ reo hò với lời chúc tụng “chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa” (Ga 12,13) qua tiếng reo hò đầy thù hận “giết nó đi!” (Lc 23,18) hay “Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá!” (Lc 23,21). Họ thể hiện sự thay đổi chóng vánh. Còn sự trung thành với Thiên Chúa của chúng ta ra sao? Chúng ta có lật lọng và rồi “đóng đinh” Chúa Giêsu như người Do Thái xưa?

Mang thân phận con người nên không ai dám khẳng định chắc chắn là tôi luôn trung thành trong mọi việc. Xét ở một khía cạnh nào đó, con người vẫn có những lúc lật lọng trong tương quan với nhau. Còn đối với Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm Người thì không vậy. Trong bài đọc 1 trích sách ngôn Sứ Isaia, chúng ta thấy hình ảnh Người Tôi Trung luôn trung thành lắng nghe Lời Thiên Chúa và chính Thiên Chúa đã mở tai cho Người Tôi Trung. Vì vậy, Người Tôi Trung sẽ không phải thẹn thùng, xấu hổ vì đã tuyệt đối trung thành và tuân giữ Lời của Thiên Chúa. Qua dung mạo và sứ mạng của Người Tôi Trung, chúng ta nhận ra rằng Người Tôi Trung không ai khác mà là chính Đức Giêsu Kitô.

Rồi trong bài đọc 2, thánh Phaolô đã viết về Đức Giêsu Kitô, Đấng là Con Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ tất cả vinh quang để tỏ lòng tuân phục, trung thành một cách trọn vẹn thánh ý của Thiên Chúa. Và tột đỉnh của lòng trung thành đó là việc Chúa Giêsu Kitô đã chịu chết trên cây thập giá: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8). Trên cây thập tự giá lúc này đây, Người Tôi Trung mà Isaia loan báo thể  hiện vai trò cứu chuộc toàn thể nhân loại.

Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân loại đã bị người Do Thái kết án và đóng đinh vào thập giá như trình thuật Tin Mừng của thánh Luca hôm nay (Lc 23,33). Xuyên suốt quá trình rước Chúa vào thành, bắt bớ, xét xử, bắt vác thập giá và đóng đinh Ngài vào thập giá, chúng ta thấy được sự thay đổi của người Do Thái. Có thể nói đó là một sự “tráo trở của họ. Họ tung hô, hân hoan đón Chúa bởi lẽ họ hy vọng Chúa Giêsu đến để giải thoát họ. Nhưng khi Chúa Giêsu không thể hiện mình là Đấng Mêsia như họ nghĩ, như họ sắp đặt thì họ tố ngược lại Người. Họ hân hoan vui vẻ khi tự mình chửi rủa Chúa, xem quân lính đánh Chúa và đóng đinh Chúa.

 Mỗi người chúng ta, những người có niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, chúng ta có đang lật lọng với Chúa không? Chúng ta luôn nói Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ tôi, là Đấng tôi muốn trở nên đồng hình đồng dạng nhưng thực tế thì chúng ta có sống theo lời dạy của Người không? Thực tế là rất nhiều khi không. Đó là khi chúng ta quên mất Chúa để có thể dễ dàng đạt đến mục tiêu thăng quan tiến chức hay vì một hy vọng nào đó. Chúng ta bất chấp anh em đồng loại, bất chấp thủ đoạn để làm vừa lòng bản thân, vui lòng người ta yêu mến mà quên đi luân thường đạo lý. Chúng ta tự biện minh cho mình rằng chúng ta chỉ để Chúa qua một bên lúc này thôi chứ có chối bỏ Chúa đâu; rồi khi đạt được mong muốn rồi, ta lại trở về là con chiên của Chúa. Hay khi chúng ta rời xa Chúa, vi phạm Mười Điều Răn của Thiên Chúa, không sống theo Luật Chúa. Hoặc đơn giản hơn, chúng ta cố tình quên đi trách vụ của mình, quên đi bổn phận là con Chúa, bổn phận thờ phượng Chúa. Tất cả những điều đó đang biến chúng ta thành kẻ lật lọng với Chúa cho dù cấp độ nặng nhẹ khác nhau. Chính những hành vi làm chúng ta dần mất đi căn tính Kitô hữu, từng bước gặm nhấm niềm tin vào Đức Kitô, từng bước bào mòn xác quyết vào Đấng chết trên thập tự giá để cứu độ ta, và từng bước phá đổ niềm tin vào Đấng đã Phục Sinh để đem đến cho chúng ta niềm hy vọng hồng phúc, thì chính những hành vi đó đang “giết chết” Chúa Giêsu.

Trong tâm tình của ngày Lễ Lá, chúng ta cùng nhìn lên Chúa Giêsu trên thánh giá để nhận ra được giá trị cứu độ qua cái chết của Người. Chúa chết trên thánh giá cho toàn thể nhân loại, mà tác nhân gây ra cái chết của Người có phần không nhỏ từ những hành vi của ta. Vậy chúng ta phải nhìn lại chính chúng ta, qua sự suy xét của lương tâm, để thấy được những tráo trở mà bản thân ta đã làm đối với Chúa, với tha nhân. Ta phải luôn hiểu rằng, dù chúng ta như thế nào, thì bởi vì yêu ta, Chúa Giêsu vẫn trung thành cho đến chết vì ta. Người không bao giờ chấp nhặt những sự yếu đuối, lật lọng của ta. Người luôn mong mỏi chúng ta trở về bên Người, nhìn lên thánh giá, để dần cảm biến đời mình sao cho trung tín với Chúa và sống theo Lời Chúa dạy chứ đừng góp thêm đinh để đóng đinh Chúa.

 

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá năm C (Lc 22,1 – 23,56)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (CHÚA NHẬT LỄ LÁ, NĂM C)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.