Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 7 Thường Niên – Năm C

0
470

Bài Ðọc I: 1 Sm 26, 2. 7-9. 12-13. 22-23

“Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay”.

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Saolê cùng với ba ngàn quân sĩ tinh nhuệ của Israel kéo xuống hoang địa Ziphô để vây bắt Ðavít. Ban đêm Ðavít và Abisai đến nơi quân sĩ (của vua) đóng, và thấy Saolê đang nằm ngủ trong lều, cây giáo của ông thì cắm xuống đất ở phía đầu. Abner và quân sĩ thì ngủ chung quanh ông.

Abisai liền nói với Ðavít rằng: “Hôm nay, Thiên Chúa đã trao kẻ thù trong tay ngài; vậy giờ đây xin cho tôi lấy giáo đâm ông ấy một phát thâu xuống đất, không cần đến phát thứ hai”. Nhưng Ðavít nói với Abisai rằng: “Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Ðấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?” Rồi Ðavít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu của Saolê và cả hai ra đi. Không ai hay biết và không ai thức dậy, nhưng mọi người vẫn ngủ, vì Chúa khiến họ ngủ say.

Ðavít sang phía bên kia, đứng trên ngọn núi đàng xa, đôi bên cách xa nhau. Ngài hô lên rằng: “Ðây là ngọn giáo của nhà vua, một trong các cận vệ của vua hãy qua đây mà lấy, Chúa sẽ báo đáp cho mỗi người tuỳ theo sự công minh và thành tín cuả họ, vì hôm nay Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay giết đấng được Chúa xức dầu”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 8 và 10. 12-13.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót. (c. 8a).

Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. – Ðáp.

2) Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. – Ðáp.

3) Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. – Ðáp.

4) Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 45-49

“Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Những điều có trước, không phải thuộc linh giới, mà là thuộc thể giới, rồi mới đến cái thuộc về linh giới. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc về địa giới, còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy. Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 6, 27-38

“Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.

Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.

Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.

Ðó là lời Chúa.


Bài giảng chủ đề:

HÃY CÓ LÒNG NHÂN TỪ

✍️ Lm. Giacôbê Trì Văn Pháp, SVD

Ngay từ ngày tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa đã khắc ghi sự thánh thiện của Thiên Chúa nơi mọi loài thọ tạo, vì sau khi hoàn tất công trình sáng tạo, “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1,31). Cách riêng với loài người, sự thánh thiện còn rõ ràng hơn, khi Người phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,26). Thế mà, sự tốt đẹp hay nói cách khác sự thánh thiện của Thiên Chúa nơi thọ tạo đã bị con người làm lu mờ (x. St 3,1-7), nhưng tình thương của Thiên Chúa không bỏ mặc loài thọ tạo này, Người vẫn khát mong và mời gọi chúng nên thánh. Vậy, điều gì đã làm “lu mờ” sự thánh thiện của Thiên Chúa nơi con người, và Thiên Chúa mời gọi chúng ta nên thánh như thế nào? Các bài đọc Lời Chúa cho chúng ta nhận ra những sứ điệp của Chúa.

  1. Con người làm “lu mờ sự thánh thiện của Thiên Chúa” nơi bản thân mình

Vì tình yêu, Thiên Chúa đã thông chia sự thánh của Người cho con người, để con người được hạnh phúc. Thế nhưng hạnh phúc đó, con người đã đánh mất khi phạm tội (x. St 3,1-7). Chính tội lỗi làm lu mờ sự thánh thiện mà Thiên Chúa đã đặt nơi con người chúng ta. Vậy tội mà Lời Chúa hôm nay nói đến là gì?

Bài đọc thứ nhất, trích sách Samuel quyển thứ nhất, vua Saun vì ghen tị (xc. 1 Sm 18,9) Đavít mà ông đã tìm mọi cách để sát hại Đavít. Vua Saun vẫn biết rằng, Đavít không làm gì nên tội, nhưng ông đã để cho sự ghen tị điều khiển ông. Chính vì lẽ đó, sự thánh thiện mà Thiên Chúa đã đặt để nơi ông, khi Người chọn và xức dầu tấn phong ông làm vua, nay đã bị ông làm cho lu mờ đi, cũng có thể nói, ông đã đánh mất sự thánh thiện của Thiên Chúa nơi thân xác ông.

Ngày nay, sự ghen tị vẫn tiếp diễn trong đời sống của chúng ta. Thực tế cuộc sống cho thấy rằng, có người vì sợ mất tầm ảnh hưởng [mà] đã dùng những thủ đoạn để triệt hạ bạn hữu, chỉ vì người bạn ấy có những thành tích tốt hơn, vượt trội hơn. Nết xấu ấy làm mất giá trị đích thực của con người, mà hôm nay, Lời Chúa như muốn nhắn gửi với chúng ta cần phải cảnh tỉnh.

Thông điệp thứ hai mà Lời Chúa muốn nói với chúng ta là: con người cần có lòng bao dung và thương xót.

Chúng ta cần chân nhận rằng, luật “mắt đền mắt, răng đền răng” có một giá trị và một chỗ đứng trong xã hội. Luật ấy nhằm răn đe những phần tử không tốt trong xã hội, và đồng thời làm cho xã hội ổn định và có một trật tự đáng kể. Ví dụ: “Giết người thì phải đền mạng” sẽ làm cho những ai có suy nghĩ muốn làm hại đến tính mạng của người khác cần phải dừng lại, vì họ sợ luật pháp sẽ trừng phạt họ.

Thế nhưng, sứ điệp của Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng, nói đến một khía cạnh khác, nó vượt xa và cao cả hơn luật “mắt đền mắt, răng đền răng”, đó chính là lòng bao dung và thương xót.

Quả thật, nếu con người sống không có lòng bao dung và thương xót, chúng ta sẽ không giải thoát chính bản thân mình khỏi những đố kỵ, những thù hận… Chính những đố kỵ và lòng thù hận sẽ dẫn đưa chúng ta đến những hành động tiêu cực. Có thể nói, đó là sự trả thù. Điều này đi ngược với giáo huấn của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng.

Thực tế cho chúng ta thấy rằng, sự trả thù không làm cho xã hội trật tự hơn, mà trái lại, “thù này nối tiếp thù khác” và chồng chất lên nhau, làm cho xã hội mất đi sự bình an. Điều đó làm cho hình ảnh của một Thiên Chúa Nhân Từ, giàu lòng thương xót và bao dung nơi chúng ta bị lu mờ. Đây là điểm thứ hai mà Lời Chúa nhắc nhở chúng ta.

Vậy, chúng ta cần phải làm gì, để hình ảnh Thiên Chúa nơi chúng ta được sáng tỏ, hay nói khác, sự thánh thiện của Thiên Chúa nơi chúng ta được thể hiện?

  1. “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36), để nên thánh

Lòng nhân từ là điểm cốt lõi, điểm chính yếu, mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống để được nên thánh. Hay nói cách khác, muốn nên thánh thì phải có lòng nhân từ.

Nếu chúng ta không có lòng nhân từ, chúng ta sẽ dễ dàng xét đoán và kết án anh em mình. Trái lại, nếu chúng ta có lòng nhân từ thì sẽ không xét đoán, không kết án anh em mình. Bởi vì, những ai có lòng nhân từ, họ thoát được những tranh đấu hơn thua trong cuộc sống. Họ sẽ rất độ lượng và bao dung. Họ sẽ tha thứ và đón nhận anh em như chính họ. Nỗi khổ của người anh em cũng là nỗi khổ của mình… Và chắc chắn rằng, người có lòng nhân từ là người mà tự nơi họ không có khái niệm kẻ thù. Với tấm lòng của người có lòng nhân từ, thì ai cũng là người đáng thương và dễ mến… Từ đó có thể nói rằng, người có lòng nhân từ là người sống luật Chúa cách trọn hảo.

Câu chuyện vua thánh Đavít trong bài đọc 1, trích sách Samuel quyển thứ nhất, cho chúng ta thấy điều này. Đavít đã thể hiện lòng nhân từ đối với vua Saun. Ngài đã đối xử với vua Saun không theo luật “mắt đền mắt, răng đền răng”, mà ngài tha chết cho vua Saun, là người đang truy lùng bắt giết ngài. Đavít đã không hành động theo lẽ thông thường của con người mà ngài hành động theo luật Chúa.

Để tóm kết bài chia sẻ, chúng ta đọc bài đọc 2, thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi Côrintô như là kim chỉ nam để chúng ta thực hành. “Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến. Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến.” (1 Cr 15, 47-48). Vậy, chúng ta thuộc về đất hay thuộc về trời, thuộc về Ađam bởi đất mà ra hay Ađam từ trời mà đến?

Thiên Chúa mời gọi chúng ta nên thánh. Thiên Chúa muốn chúng ta thuộc về Người. Nếu chúng ta thuộc về Chúa thì chúng ta giống như Người, có tấm lòng nhân từ như Người. Vua Đavít đã chọn Chúa, chọn sống theo luật Chúa, nên ngài thuộc về Người. Còn chúng ta, chúng ta thuộc về ai? Điều đó tuỳ thuộc vào sự chọn lựa của chúng ta.


 

YÊU THƯƠNG KẺ THÙ

✍️ Lm. Phaolô Đinh Trọng Nguyên, SVD

Thiên Chúa là tình yêu, ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa. Còn ai sống trong hận thù thì người ấy bị coi là chối bỏ Thiên Chúa. Chúa Giêsu đến trần gian là để tỏ cho con người thấy được tình yêu của Thiên Chúa. Yêu như Thiên Chúa yêu là yêu thương cả kẻ thù, đó cũng là những gì mà Chúa Giêsu dạy chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay. Điều Thiên Chúa muốn chúng ta làm là phải yêu thương và tha thứ cho kẻ thù, những người luôn chống đối chúng ta, luôn gây thù hận và không bao giờ nghĩ tốt và làm điều tốt cho chúng ta. Dẫu biết rằng, kẻ thù là người luôn làm nghịch với mình, vậy mà Chúa Giêsu lại dạy chúng ta phải yêu thương họ và hơn nữa Ngài còn dạy chúng ta không chỉ yêu thương mà hãy cầu nguyện nhiều cho họ: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ghét anh em” (Lc 5,27). Trong thực tế thì yêu thương kẻ thù là một việc làm tốt nhưng thật hy hữu và rất khó có thể làm được nếu không phải là con cái của Chúa, không sống theo Lời Chúa dạy và không cậy vào ơn ban của Ngài.

Bài đọc thứ nhất thuật lại việc Đavít đã không giết vua Saun là kẻ thù đang đem 3.000 quân đi lùng bắt giết ông. Có phải Đavít yêu kẻ thù chăng? Chắc chắn là phải rồi, vì nếu không Đavít đã giết chết vua Saun rồi, bởi cơ hội thuận lợi để giết vua Saun đã đến với ông rất dễ dàng. Đavít không chỉ yêu mến vua Saun mà còn vì ông rất kính trọng vua Saun là người đã được Chúa xức dầu, nên ông đã không ra tay giết hại người được Thiên Chúa xức dầu và tuyển chọn. Đavít rất thấu hiểu lòng kính mến Thiên Chúa chính là nền tảng đức ái vô biên mà Đavít đã dành cho người muốn hại mình. Hơn thế nữa, ông còn tha thứ cho kẻ thù, cho người muốn giết ông chỉ vì lòng ghen ghét bởi ngai vàng.

Còn bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô đã so sánh Ađam với Đức Giêsu là người được gọi là “Ađam mới”, là người mang đầy Thần Khí (x. 1 Cr 15,45b). Chúng ta là những người có đầy Thần Khí, và chúng ta cũng mang hình ảnh của “Ađam mới” cho nên chúng ta cũng được hưởng nhờ ân phúc và Thần Khí của Ngài mang đến cho chúng ta.

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà sự va chạm làm mất lòng nhau là một chuyện không thể tránh khỏi, nhất là đối với các tín hữu. Chúng ta được mời gọi trở nên con cái của Chúa, trở nên người môn đệ của Chúa, nghĩa là chúng ta được tham dự vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu. Chúng ta biết được ngay trên Thánh Giá Chúa Giêsu cũng đã tha thứ cho những kẻ giết Ngài, những kẻ đóng đinh Ngài: “Lạy Cha, xin hãy tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Quả thật, khi chúng ta nhận biết Thiên Chúa là Cha mình, thì chúng ta mới dễ dàng nhận ra mọi người là anh chị em thật của mình và không còn ai là kẻ thù. Chúa Giêsu là con Thiên Chúa, đã muốn cho tất cả mọi người là anh chị em của Ngài, nhờ đó mọi người được làm con Thiên Chúa, làm anh chị em và là bạn của Chúa Giêsu, cho nên không còn ai bị coi là kẻ thù của nhau. Hơn thế, Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta, khi ở vườn cây dầu dù biết Giuđa là kẻ phản bội dẫn quân dữ đến bắt Ngài, nhưng Ngài vẫn hiền từ thương yêu và gọi Giuđa là bạn chí thiết.

Chúa Giêsu dạy chúng ta “hãy yêu thương kẻ thù” và đây là một lệnh truyền mà Ngài nhắc nhở chúng ta, một lệnh truyền không dễ thực hiện, một lệnh truyền có thể nói là đi ngược lại với lẽ tự nhiên của con người. Vì con người thường sống trong não trạng có qua có lại hay ăn miếng trả miếng, như người Việt Nam chúng ta thường hay nói: “Có qua, có lại mới toại lòng nhau” là thế! Chứ ai đời lại yêu thương kẻ thù, yêu thương kẻ ghét mình bao giờ. Nhưng tình yêu của Chúa Giêsu rao giảng lại là một thứ tình yêu không biên giới; tình yêu vượt mọi ranh giới màu da, ngôn ngữ và tôn giáo. Cũng chính nhờ vào thứ tình yêu không biên giới này mà Chúa Giêsu đã nối kết mọi người đến với nhau và yêu thương nhau như anh em một nhà. Chính Chúa Giêsu đã lấy tình yêu thương và tha thứ để dập tắt hận thù và giúp con người sống trong bình an. Nếu chúng ta không yêu thương kẻ thù, không làm ơn cho kẻ ghét mình và không tha thứ cho kẻ vu khống mình, thì chúng ta không phải là người môn đệ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải biết yêu thương, vì chỉ có yêu thương mới là con đường giúp chúng ta trở nên nhân từ như Thiên Chúa là Đấng nhân từ và Ngài hết mực yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương và tha thứ cho cả những kẻ phản bội và chối bỏ Ngài. Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta và Ngài yêu thương chúng ta cho đến cùng. Ngài không bao giờ muốn chúng ta phải đáp trả lại, nhưng Ngài muốn chúng ta hãy yêu thương nhau như chính Ngài đã yêu thương chúng ta vậy.

Chúng ta cũng học hỏi thêm được sự yêu thương và tha thứ cho kẻ thù qua bài đọc thứ nhất: Thiên Chúa đã trao cho Đavít kẻ thù là vua Saun là người đang muốn giết hại ông, người đã vì ghen tương, sợ mất ngôi nên đã truy nã để giết hại Đavít. Nhưng Đavít không nỡ ra tay giết hại vua Saun, vì Đavít rất kính trọng người được Thiên Chúa tuyển chọn, người được Thiên Chúa xức dầu phong vương như Saun. Thái độ sống quảng đại và liêm chính của Đavít cho chúng ta thấy gương mặt đích thực của Chúa Giêsu là Đấng luôn yêu thương, tha thứ và cầu nguyện cho những kẻ làm hại mình.

Chúa Giêsu luôn dạy chúng ta, là những người môn đệ đi theo Ngài phải thực hiện được ba điều này: Thứ nhất là hãy yêu kẻ thù, thứ hai là hãy làm ơn và tha thứ cho kẻ thù và thứ ba là hãy cầu nguyện cho kẻ thù. Đối với chúng ta, nói yêu thương thì dễ nhưng để hiện thực hoá lời yêu thương ấy trong cuộc sống thì không dễ chút nào, không phải ai cũng có thể làm được. Muốn thực hiện lệnh truyền yêu thương của Chúa một cách triệt để thì không phải chỉ dựa vào nổ lực và sức riêng của mình mà phải cậy dựa vào quyền năng và ân sủng của Thiên Chúa. Bởi lệnh truyền của Chúa Giêsu đòi buộc chúng ta đi xa hơn là hãy yêu thương, tha thứ và cầu nguyện cho kẻ thù: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ghét anh em” (Lc 5,27). Lời mời gọi yêu thương và tha thứ của Thầy Giêsu không chỉ là một lời giảng dạy hay một bài học làm người thuần tuý cho chúng ta nhưng đó là một lệnh truyền bắt buộc chúng ta phải thực thi để hoàn thành sứ mạng của Chúa và trở nên người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.

Lạy Chúa, chúng con đã xúc phạm đến Chúa biết chừng nào! Nhưng Chúa vẫn luôn yêu thương, tha thứ và cho chúng con được làm con yêu dấu của Chúa. Đỉnh cao của tình yêu này là Người đã hy sinh và hiến tế chính mình trên thập giá để cứu chuộc chúng con và cho chúng con được sống trong tình yêu của Ngài. Xin cho chúng con nhận ra lòng từ bi nhân hậu của Chúa; nhận ra tình yêu thương tha thứ của Chúa để qua đó, chúng con biết hết lòng mến Chúa và yêu thương mọi người, dù họ thù họ là kẻ thù của chúng con. Xin Chúa cho chúng con luôn nhớ rằng: yêu thương và tha thứ là của lễ đẹp lòng Chúa nhất và nhờ đó, mỗi ngày chúng con được nên giống Chúa hơn. Amen.


 

HÃY YÊU KẺ THÙ

✍️ Lm. Phêrô Hán Duy Hạp, SVD

John Donne đã nói: “Không ai trong chúng ta là một hòn đảo, một thực thể hoàn chỉnh cả”. Câu nói trên muốn nói lên rằng, chúng ta sống trong xã hội này là sống chung, sống với. Mà đã là sống chung và sống với, thì con người phải có tương quan tốt với nhau. Có như thế, chúng ta mới tương trợ nhau, cùng nhau thăng tiến trong đời sống, đặc biệt là trong đời sống đức tin. Nhưng cứ theo lẽ thường của suy nghĩ con người, chúng ta sẽ sống có tình, sống tốt, đối xử tốt với những ai tốt với chúng ta. Những ai không tốt với chúng ta, ở mức độ bình thường chúng ta sẽ ghét họ, lánh xa họ. Ở một mức độ khác hơn, chúng ta không cần phải ghét họ nhưng cũng không cần tốt với họ. Có nghĩa là họ sống sao kệ họ, miễn sao mình sống tốt là được.

Thế mà phụng vụ Lời Chúa hôm nay và cách riêng là trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu lại đòi hỏi các môn đệ và tất cả chúng ta đi một bước xa hơn suy nghĩ thông thường ấy: đó là hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét mình, cầu nguyện cho kẻ vu khống mình, cho vay không hy vọng đòi lại. Và Chúa cho biết ai sống như thế sẽ được phần thưởng lớn lao là Nước Trời và sẽ được gọi là con Đấng Tối Cao.

Thực ra, đây cũng không phải là điều mới mẻ, chưa bao giờ có hay mãi đến khi Chúa Giêsu xuống thế làm người, Ngài mới dạy chúng ta. Nhưng đúng như lời Ngài nói, Ngài đến không phải để phá hủy lề luật nhưng là để kiện toàn. Quả vậy, trong bài đọc thứ nhất, sau khi ông Đavít giúp vua Saun tiêu diệt quân thù, thì vua đâm lòng ghen ghét nên cố tình sát hại Đavít. Lúc bấy giờ, vua Saun cùng đám thị vệ đang lùng giết Đavít, ban đêm khi vua đang ngủ say, Đavít đã có cơ hội để giết kẻ thù của mình khi ông và thuộc hạ lén đến bên chỗ vua ngủ, nhưng ông đã không làm vậy, vì ông tôn trọng sự sống, tôn trọng giới luật của Đức Chúa.

Để vượt qua suy nghĩ cám dỗ trả thù này, chắc chắn Đavít phải có một tấm lòng đạo đức, một con người kính sợ Thiên Chúa và luôn giữ luật Chúa truyền. Ông biết vua Saun dù tội lỗi, sai trái nhưng Đavít không để cho thuộc hạ của mình giết vua, vì ông biết vua là người đã được xức dầu, và lề luật không cho làm như thế. Đavít cũng không vì lợi lộc, địa vị của mình, ông chỉ một lòng thuận theo ý Chúa. Ông để cho Chúa quyết định cuộc đời ông.

Chúa Giêsu hôm nay đòi hỏi người môn đệ cũng phải vượt lên trên lẽ thường của người đời, vượt lên trên luật lệ của con người để đi sâu vào giới luật của Thiên Chúa. Giới luật mới này là giới luật của tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa thì không đóng khung nơi một số người công chính nhưng là dành hết cho tất cả mọi người, kể cả người tội lỗi.

Tin Mừng hôm nay tiếp theo bối cảnh của bài giảng trên núi, với những ví dụ cụ thể về sự mới lạ, tinh thần mới như yêu kẻ thù, làm phúc cho kẻ ghét mình, cho vay không hy vọng đòi lại … càng thể hiện rõ tinh thần của Phúc Âm, tinh thần của giới luật tình yêu mà Chúa đòi hỏi nơi những người theo Chúa. Quả vậy, nếu thế gian thường oán ghét thù địch và chỉ muốn làm hại hoặc muốn cho họ bị hại, thì từ nay, những người theo Chúa lại phải đem lòng yêu thương và làm ơn cho họ.

Tinh thần mới của Phúc Âm bây giờ không giống như các lệnh truyền “mắt đền mắt, răng đền răng” thời Cựu Ước nữa (x. Mt 5,38; Xh 21,24; Lv 24,20; Đnl 19, 21). Chúa Giêsu đã đến thiết lập Nước Trời, không đóng khung trong một dân tộc và truyền thống của dân tộc ấy, nhưng mở rộng hai cánh tay trên thập giá để đón nhận mọi tâm hồn thống hối ăn năn. Người đến đem tình yêu cứu độ đến cho mọi người tội lỗi. Trên thập giá, Người đã nêu gương cho các môn đệ và tất cả chúng ta về sự tha thứ, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ, hành hạ và giết chết mình khi Người xin Chúa Cha tha cho họ vì họ lầm chẳng biết. Như thế, từ nay môn đệ của Người không còn được kỳ thị ai nữa. Ngay đối với những kẻ bắt bớ mình, họ cũng phải theo gương Chúa trong mầu nhiệm Thập Giá: chấp nhận sỉ nhục, đau thương và khẩn cầu chúc phúc cho kẻ làm khổ mình “vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34).

Thế nhưng, chúng ta mang thân phận yếu đuối mỏng giòn, như bình sành dễ vỡ, chúng ta đón nhận và thi hành giới luật mới này sẽ khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Vậy nên, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô hôm nay đã cho chúng ta cách thức để sống tinh thần luật mới này: hãy dựa vào ơn Chúa, vào Ađam mới là Đức Giêsu. Nếu như Ađam cũ được sinh ra bởi đất sẽ hướng chúng ta về đất, thì Ađam mới là Đức Giêsu, Đấng từ trời mà xuống sẽ hướng chúng ta lên trời, lên cùng Thiên Chúa Cha. Như thế, mỗi người chúng ta phải luôn kết hiệp với Chúa, đặc biệt là qua Bí Tích Thánh Thể, để chúng ta có đủ sức mạnh mà thi hành giới luật Chúa cách trọn hảo. Sức mạnh ấy không thể kín múc ở đâu khác ngoài thánh lễ, giờ chầu, giờ cầu nguyện.

Vì mang thân phận yếu đuối nên chúng ta hay sa ngã và hay rời xa luật Chúa. Chúng ta thường hay sống theo bản năng và lẽ thường của đời người, tức là chúng ta chỉ biết yêu thương kẻ yêu thương mình. Xin cho mỗi người chúng ta luôn vượt qua được con người cũ của chúng ta để sống xứng đáng là con cái Chúa. Xin Chúa ban ơn để mỗi người chúng ta có thể sống trọn giới răn YÊU THƯƠNG mà Chúa dạy và đã làm gương cho chúng ta.

 

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật VII Thường Niên, năm C (Lc 6,27-38)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 7 TN-C)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.