Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 5 Thường Niên – Năm B

0
431

Bài Ðọc I: G 7, 1-4. 6-7

“Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối”.

Trích sách Gióp.

Bấy giờ Gióp nói rằng: “Khổ dịch là đời sống của con người trên trái đất, ngày của họ giống như ngày của người làm công. Cũng như người nô lệ khát khao bóng mát, như người làm công ước mong lãnh tiền công thế nào, thì tôi cũng có những tháng nhàn rỗi, có những đêm người ta bắt tôi làm việc cực nhọc. Nếu tôi đi ngủ, thì tôi lại nói: “Chừng nào tôi mới thức dậy, và chừng nào là đến chiều? Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối”. Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào. Hãy nhớ rằng đời sống tôi chỉ là một hơi thở! Mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 146, 1-2. 3-4. 5-6

Ðáp: Hãy chúc tụng Chúa, Ðấng cứu chữa những kẻ giập nát tâm can (c. 3a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy ngợi khen Chúa, vì Người hảo tâm; hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người êm ái, thực Người rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giêrusalem, tập họp con cái Israel phân tán. – Ðáp.

2) Chính Người chữa những kẻ giập nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ. Người ấn định con số các ngôi sao, và gọi đích danh từng ngôi một. – Ðáp.

3) Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là vô lượng. Chúa nâng cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận đất. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 9, 16-19. 22-23

“Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Giả như nếu tôi tự ý đảm nhận việc ấy, thì tôi có công; nhưng nếu tôi bị ép buộc, thì tôi phải làm trọn nghĩa vụ đã giao phó cho tôi. Vậy thì phần thưởng của tôi ở đâu? Khi rao giảng Tin Mừng, tôi đem Tin Mừng biếu không, tôi không dùng quyền mà Tin Mừng dành cho tôi. Mặc dầu tôi được tự do đối với tất cả mọi người, tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người, hầu thu hút được nhiều người hơn. Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau, để thu hút người yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Chiên của Ta nghe biết tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 1, 29-39

“Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.

Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.

Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

Ðó là lời Chúa.


Bài giảng chủ đề:

SỨC KHỎE VÀ PHỤC VỤ

Ts. Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD

Nhà ông Simon ở Caphácnaum

Chúng ta đang ở trong thành Caphacnaum. Năm 2017 tôi đã có dịp đến thăm nơi ấy cùng với nhóm các cha sinh viên trường Thánh Kinh tại Roma. Thành Caphacnaum đã hoang tàn từ thuở nào, không có ai ở đó nữa. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một đền thờ hình bát giác (8 góc cạnh) được xây vào thế kỷ thứ V. Tiếp tục đào bới xuống dưới, các nhà khảo cổ lại khám phá ra trên đền thờ ấy là nền của một ngôi nhà gồm có nhiều phòng, có hai sân rộng. Người ta ước chừng có thể có hai gia đình đã sống ở đó. Và các nhà khảo cổ dựa trên các hoa văn trang trí còn lại trên tường của ngôi thánh đường ấy để phỏng đoán rằng đây có thể là ngôi nhà của Simon và Anrê mà chúng ta nghe trong đoạn Tin Mừng ngày hôm nay. Và cách đó khoảng 500 m là một hội đường cổ, được xây lại trên nền của một hội đường khác, ước chừng vào thời Đức Giêsu.

Đức Giêsu vội vã đến và cứu chữa mẹ vợ ông Phêrô

Trước đoạn Tin Mừng này, chúng ta nghe Đức Giêsu giảng dạy trong hội đường. Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền. Lời giảng của Người làm cho tất cả mọi người đều kinh ngạc sửng sốt, rồi Người phán một lời thì quỷ liên xuất khỏi người đàn ông bị quỷ ám. Người ta càng kinh ngạc hơn và danh tiếng của người được đồn thổi ra trên khắp các trang mạng trong và ngoài vùng Galilê. Hôm nay chúng ta nghe rằng: Sau khi ra khỏi hội đường ấy, lập tức Đức Giêsu đi đến nhà của hai ông Simon và Anrê. Chính xác là hôm nay chúng ta đang cùng với Đức Giêsu đi vào trong nhà của ông Simon và Anrê. Chúng ta cũng nên để ý rằng, Đức Giêsu đi rất vội vả, không biết là có bị vấp đá không nữa, vì đường hồi xưa thì toàn là đá cục chứ không sạch sẽ, và bê tông hóa như bây giờ.

Ra khỏi hội đường, lập tức Người đi đến nhà Simon và Anrê. Tại sao Người lại vội vã đến thế, phải chăng người đói bụng, khát nước? Thưa! Tất cả đều không phải. Đức Giêsu vội vã đến nhà Simon và Anrê vì nơi ấy có một người phụ nữ bị bệnh sốt cao, nằm liệt giường giống như bị sốt Covid vậy. Nằm bất động, ăn uống không có cảm giác gì nữa. Tội nghiệp bà mẹ vợ của Simon. Có lẽ bà mệt lắm. Khi Đức Giêsu đi vào, người ta nói cho Người nghe thêm về tình trạng của bà, nhưng mà chắc là Đức Giêsu còn biết rõ về bệnh tình của bà hơn bất cứ ai khác. Vì biết, nên Người mới đến vội vả như thế. Đức Giêsu không nói câu nào. Người đến, nhẹ nhàng nâng bà dậy, nắm lấy tay bà và cơn sốt liền chạy mất dép. Hành động “nắm tay” của Đức Giêsu có tác dụng chữa lành. Chúng ta biết rằng, xưa nay trong nhiều nền văn hóa nào, cái nắm tay luôn thể hiện một sự ân cần, trìu mến. Cái nắm tay luôn là kiểu chào hỏi đơn giản thân thương nhất. Cái nắm tay cũng là dấu hiệu truyền hơi ấm và lan tỏa tình yêu thương. Giống như các bạn trẻ thường hứa với nhau là nắm lấy tay nhau đi đến cuối cuối cuộc đời. Cái nắm tay của Đức Giêsu có thể là cái nắm tay đầy yêu thương, truyền hơi ấm và cả sự sống nữa. Chúng ta lại phải để ý thêm một chút nữa để thấy sự tinh tế của Tin Mừng. Động từ “nâng dậy” (egeiro) trong tiếng Hy Lạp cũng chính là động từ được để diễn tả sự sống lại, sự phục hồi sự sống, sự phục sinh thể xác. Chúng ta đang đọc Tin Mừng theo thánh Máccô và thánh Máccô dùng rất nhiều lần động từ này để nói về sự sống lại của người chết và chính sự sống lại của Đức Giêsu. Thánh Gioan cũng dùng động từ này để diễn tả sự sống lại của Ladarô. Như thế, nâng dậy không đơn giản chỉ là “nâng khỏi giường bệnh”, chữa lành cơn bệnh sốt về thể lý nhưng là phục sinh sự sống. Người ban cho bà một sự sống mới.

Phục sinh để phục vụ

Tác giả cho biết rằng ngay sau khi dứt cơn sốt, bà liền phục vụ họ. Với sự chăm sóc ân cần của Đức Giêsu một người phụ nữ yếu đuối, bệnh tật, trong trạng thái nằm bất động, trong phút chốc đi lại nhanh nhẹn để phục vụ họ. Lại phải nói thêm, động từ phục vụ trong tiếng Hy Lạp (diakoneo) còn có ý nghĩa là phục vụ Tin Mừng chứ không đơn giản chỉ là phục vụ chuyện cơm nước. Chúng ta cũng nên nhớ rằng Người đầu tiên nhìn thấy Đức Giêsu phục sinh là một phụ nữ, và người đầu tiên loan báo Tin Mừng Phục Sinh cũng là một phụ nữ. Đó là bà Maria Madalena.

Có hai điều đáng cho chúng ta suy gẫm trong đoạn Tin Mừng ngày hôm nay. Đó là sức khỏe và sự phục vụ. Trong cuộc chiến chống dịch covid, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân là rất quan trọng. Mỗi người đều phải ý thức bảo vệ chính mình và những người xung quanh. Thật thế, không phải chỉ có ý thức bảo vệ chúng ta khỏi covid mà thôi, nhưng mỗi người được Chúa ban cho trí khôn để sống sao cho cơ thể của mình được khỏe mạnh nhất. Một trong những hoạt động tốt để bảo vệ mình là tập thể dục. Các chuyên gia về sức khỏe nói rằng, thể dục chính là liều thuốc bổ quý giá nhất mà lại miễn phí. Ngoài việc tập thể dục, việc để ý đến chế độ ăn uống cho phù hợp với cơ địa của mình cũng rất quan trọng. Ví dụ người yếu gan thì không thể ăn các thức ăn cay nóng, dầu mỡ hay thức uống có độ cồn cao. Người bị gút (bệnh gout) thì không nên ăn thức ăn nhiều đạm. Nhậu nhẹt say xỉn cũng rất có hại cho sức khỏe. Khoa học đã chứng minh người uống nhiều rượu bị suy giảm trí nhớ rất nhanh, và có nguy cơ có nhiều bệnh khác. Thuốc lá đương nhiên là nguyên nhân hàng đầu của ung thư phổi. Đánh bài, chơi game thâu đêm suốt sáng, dĩ nhiên là rất hại cho sức khỏe. Chúa cho chúng ta trí khôn và ý chí để biết những điều gì có hại cho sức khỏe và để tránh nó. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta không đủ quyết tâm, không đủ mạnh mẽ để vượt qua những thói hư tật xấu của mình. Cái miệng lại hại cái thân, đam mê vớ vẩn trăm phần đau thương. Vui chơi quá trớn hại đến sức khỏe mình. Rồi, có nhiều người làm công tiếc việc, làm việc liên tục như một cái máy vậy, không có đủ thời gian để nghỉ ngơi, hưởng thụ. Kết quả là tuổi thọ ngắn tựa gang tay hoặc là bệnh tật triền miên, dù làm có bao nhiêu tiền cũng không bù lại được sức khỏe. Gìn giữ bảo vệ sức khỏe làm cho mình khỏe nhất đẹp nhất cũng là lối sống Tin Mừng tích cực. Tuy nhiên, khỏe và đẹp chỉ để hưởng thụ cho bản thân thôi thì cũng chưa có ý nghĩa lắm. Sức khóe, thời gian, sắc đẹp, tuổi xuân Chúa ban cho chúng ta là để phục vụ người khác. Giống như bà mẹ vợ của Simon vậy. Ngay sau khi hồi phục sức khỏe, bà liền phục vụ họ. Người chồng thì khỏe đẹp để yêu thương phục vụ cho vợ con mình; vợ khỏe đẹp để làm ích cho chồng con mình. Giáo dân khỏe đẹp để phục vụ cho công việc của giáo xứ và Giáo Hội. Có rất nhiều người cả cuộc đời họ dành cho công việc bác ái, giúp đỡ người khác và công tác của giáo xứ. Cũng không thiếu những người rất khỏe rất đẹp nhưng suốt ngày chỉ chăm chút bản thân mà chẳng bận tâm gì những người bên cạnh mình, hay động ngón tay vào công việc của giáo xứ. Có những người hát karaoke rất khỏe, nếu tham gia ca đoàn để hát ca tụng Chúa thì tốt biết mấy. Trên bước đường rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu rất quan tâm đến sức khỏe của các bệnh nhân, nhưng Người càng quan tâm hơn đến sức khỏe tâm linh của một con người. Đó là tấm lòng yêu thương và phục vụ kẻ khác. Ai trong chúng ta đều có một trái tim và có những người bên cạnh để yêu thương phục vụ.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết dùng sức khỏe, thời gian, tuổi xuân, sắc đẹp của mình để mang đến niềm vui và sự bình an cho tha nhân, Amen.


TRẢI NGHIỆM ĐỨC TIN

Antôn P. Nguyễn Phi Tiến, SVD

Hành trình của đời người được dệt nên bởi những chuỗi ngày sống, và mỗi ngày sống qua đi thường để lại trong ta những cảm thức, suy nghĩ, cảm nhận và trải nghiệm khác nhau. Cũng vậy, hành trình đời sống đức tin của người tín hữu cũng được dệt nên bởi những trải nghiệm trong đời thường đó. Có những trải nghiệm thật tuyệt vời đáng nhớ, có những trải nghiệm thật khó quên, có những trải nghiệm làm cho ta thăng hoa đời sống, nhưng cũng có những trải nghiệm làm cho ta cảm nếm sựđớn đau, mệt mỏi, chán nản và có lúc thất vọng. Dẫu thế, không có một trải nghiệm nào là vô nghĩa đối với những ai sống đời đức tin. Mỗi trải nghiệm qua đi trong cuộc đời là một móc xích cần thiết và quan trọng để xây nên hành trình đời người cũng như hành trình đời sống đức tin nơi mỗi người Kitô hữu.

Phụng vụ Lời Chúa trong Chúa Nhật thứ V hôm nay là những bài học đáng nhớ và cũng là gương sống cho chúng ta về những trải nghiệm thiết thực trong đời thường cũng như trong đời sống đức tin của ông Gióp, của thánh Phaolô Tông đồ và đặc biệt trải nghiệm của thánh Máccô về chính hành trình một ngày sống và làm việc của Chúa Giêsu.

Trong bài đọc thứ nhất, ông Gióp là một hình ảnh giúp ta thấy rõ những trân chuyên củathân phận con người và chấp nhận thực tại đó như là một quy luật tất yếu của đời người trong ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa. Đứng trước những mất mát to lớnvề tinh thần cũng như vật chất, những nỗi đau giày xé tâm can, những thất bại và rủi ro ập xuống trên ông và gia đình, ông Gióp đã có những lúc đau khổ, chán nản và thất vọng tột độ đến nỗi ông phải thốt lên: “Cuộc sống con người nơi dương thế, chẳng phải là thời khổ dịch đó sao? Và chuỗi ngày lao lung vất vả, đâu khác gì đời kẻ làm thuê?” (G 7,1-2). Ông đã thấu cảm cuộc đờinhư là một bể khổ và con người chỉ loay hoay trong cái vòng xoay luẩn quẩn đó. Ông còn thẩm thấu cái nỗi đau nhức nhối thấu tận tâm can và dày vò ông cả trong giấc ngủ canh thâu: “số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề” (G 7,3). Dường như, có những ngày sống, ông Gióp khó chấp nhận những thực tại bi thảm đang xảy ra chung quay mình và chính ông mong muốn thời gian và mọi thứ trôi qua thật nhanh: “Vừa nằm xuống, tôi đã nhủ thầm: ‘khi nào trời sáng?’ Mới thức dậy, tôi liền tự hỏi: ‘bao giờ chiều buông?Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng.” (G 7,4). Tuy nhiên, cuối cùng ông Gióp cũng đã ngộ ra được rằng, cuộc đời chỉ là gió thoảng mây trôi, thật vắn vỏi và chóng tàn mau qua: “Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa …”(G 7,6). Vâng, đời người vắn vỏi như thế nếu chúng ta chỉ biết quy chiếu mọi sự về chính mình,chỉ biết bám víu vào những thực tại tầm thường trong đời sống, thì đời người chẳng có gì đáng nói và thật vô nghĩa. Ông Gióp đã trải nghiệm điều đó và cũng đã thẩm thấu được chân lý đó nên ông đã nói lên cảm nhận rất thật của ông về một ngày sống vắng bóng sự hiện diện của Thiên Chúa, vắng bóng niềm tin, niềm hy vọng và lòng tín thác.

Bài đọc thứ hai mở ra cho chúng thấy những trải nghiệm và cảm nhận của Thánh Phaolô Tông đồ. Ngoài những trải nghiệm của một người tín hữu,Thánh Phaolô Tông đồ còn thể hiện sự trải nghiệm của người môn đệ Đức Giêsu trong những chuỗi ngày sống rao giảng Tin Mừng. Từ những trải nghiệm và cảm nhậnsai lầm trong đời sống chống đối và bắt bớ đạo Chúa, bắt bớ Đức Kitô đã dẫn thánh Phaolô đến một trải nghiệm và cảm nhận làm Tông đồ choNgài. Cái trải nghiệm và cảm nhận bị quật ngã trên đường đi Đamát đã giúp ông tỉnh ngộ và có được cảm nghiệm đích thực về chính Đấng mà mình đang bắt bớ. Bởi thế, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đã nói lên cảm nhận và trải nghiệm của mình về bổn phận và trách nhiệm khẩn thiết của người môn đệ theo Đức Giêsu: “Thưa anh em, với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm” (1Cr 9,16a). Hơn thế, thánh nhân còn khẳng định về chính bản thân mình rằng: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng?”(1Cr 9,16b). Chính nhờ những trải nghiệm trong đời thường đã giúp thánh nhân có được cảm nhận và kinh nghiệm sâu lắng về đời sống đức tin, và chính nhờ thế mà đã biến đổi hoàn toàn con người và đời sống của ông. Từ một con người ngang ngược đi bắt bớ và thậm chí tước đoạt mạng sống của người khác đã trở thành một con người tự do đi thu phục lòng người, tự do để chinh phục nhiều người khác về với Chúa: “Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người” (1Cr 9,19). Thánh nhân còn đạt tới một cảm nghiệm về sự cảm thông sâu xa đối với người khác, đặc biệt những người bất hạnh, yếu đuối và bị bỏ rơi: “Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1Cr 9,22). Và cuối cùng thánh nhân đã thốt lên một trải nghiệm đầy xác tín của mình về các giá trị Tin Mừng mà ông rao giảng: “Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng” (1Cr 9,23).

Còn trong bài Tin Mừng hôm nay,dường như thánh  Máccô thuật lạicảm nhận và trải nghiệm của ông về một ngày sống của Chúa Giêsu bắt đầu từ sáng sớm cho đến chiều tối. Một ngày hoạt động của Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta hai mối tương quan cần thiết trong đời sống: mối tương quan chiều dọc là giữa Ngài với Chúa Cha và mối tương quan chiều ngang là giữa Ngài với con người chúng ta. Một trải nghiệm tâm linh đáng nhớ của Chúa Giêsu về một ngày làm việccủa Ngài là luôn khởi đi bằng đời sống cầu nguyện: “sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1,35). Vâng, cầu nguyện được ví như một chiếc chìa khoá vạn năng để mở tất cả những cánh cửa khác trong đời sống. Cầu nguyện là nguồn năng lực căn bản không thể thiếu trong sự hiệp thông với Cha và trong tương quan với tha nhân. Chúa Giêsu đã cầu nguyện để nhận ra thánh ý của Chúa Cha muốn Ngài thực hiện và đồng thời cũng giúp Ngài biết đón nhận thánh ý Cha trao phó. Nhờ đời sống cầu nguyện mà Chúa Giêsuđã đủ sức mạnh, lòng can đảm để đối diện, đón nhận những khó khăn, thách đố, kể cả sự bắt bớ, ngược đãi trong thời kỳ hoạt động công khai của Ngài. Nhờ cầu nguyện Đức Giêsuđã có được năng lực phi thường để thực hiện những phép lạ lớn lao mà con người không thể làm được: “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (Mc 1,31). Chính nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã giải cứu cho những con người quằn quại trong nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, trả lại cho họ sự tự do của con cái Chúa: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những người bị quỷ ám đến cho Người. … Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ …” (Mc 1,32-34).Quả thật, điều chúng ta ghi nhận ở đây là khi đứng trước sự đau khổ, bệnh tật, sự bất hạnhcả tinh thần lẫn thể xác, con người dường như hoàn toàn bất lực.Đức Giêsu chính là Đấng đến giải phóng, cứu chữa và đem lại niềm hy vọng cho con người.

Như thế, chúng ta có thể nhận thấy rằng khởi đi từ những trải nghiệm đời thường dẫn ông Gióp, thánh Phaolô và cả thánh  Máccô đi đến những trải nghiệm và cảm nhận sâu lắng về đời sống đức tin. Từ những thăng trầm của phận người giúp các ngài đạt tới ánh sáng của niềm tin, biến đổi tâm thức và lối sống, tin tưởng phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa trong mọi sự, trở thành Tông đồ và chứng nhân Tin Mừng cho thế giới.

Nhìn lại hành trình đời sống của mỗi người chúng ta, ắt hẳn không ai trong chúng tađã không nếm trải cái vịđắng đót, chua cay, ngọt bùi trong những biến cố vui buồn sướng khổ của phận người. Có lẽ chúng ta còn nhớ câuLời Chúa: “Đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi” (Mt 10,30). Hiểu được ý nghĩa và giá trị câu nói này, chúng ta mới có thể đọc ra đượcnhững dấu chỉ mà Thiên Chúa muốn nói với chúng ta ngang qua những thăng trầm, những biến cố buồn vui mà chúng ta đã, đang và sẽ trải qua. Cha ông chúng ta cũng có một câu nói quen thuộc: “lửa thử vàng, gian nan thử người”. Quả thật, gian nan thử thách càng lớnthì ý nghĩa và giá trị của sự thành công càng cao. Cũng thế, đời sống đức tin của chúng ta càng được thanh luyện bởi những thăng trầm của phận người thì đức tin và lòng trung thành của chúng ta càng mạnh mẽ, can trường và tín thác. Xin cho mỗi người chúng ta hãy nhìn lên gương sáng và gương sống của Chúa Giêsu để trong mọi gian nan thử thách, trong mọi khoảnh khắc của đời người, chúng ta luôn biết chạy đến với Ngài trong đời sống cầu nguyện và luôn đặt trọn niềm tin yêu phó thác nơi Ngài.

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 4 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 5 TN – B)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.