Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 4 Mùa Vọng – Năm C

0
552

Bài Ðọc I: Mk 5, 2-5a

“Nơi ngươi sẽ xuất hiện Ðấng thống trị Israel”.

Bài trích sách Tiên tri Mikha.

Ðây lời Chúa phán: “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con. Số còn lại trong anh em Người, sẽ trở về với con cái Israel. Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Chúa là Thiên Chúa của Người. Và họ sẽ trở về, vì bấy giờ Người sẽ nên cao trọng cho đến tận cùng trái đất. Vì vậy, Người sẽ là chính sự bình an”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống (c. 4).

Xướng: 1) Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai nghe! Chúa ngự trên Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con. – Ðáp.

2) Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành mà Ngài đã củng cố cho mình. – Ðáp.

3) Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa. Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Người. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 10, 5-10

“Này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa”.

Bài trích thơ gởi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: ‘Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách'”.

Sách ấy bắt đầu như thế này: “Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật. Ðoạn Người nói tiếp: Lạy Chúa, này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa”. Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau. Chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 1, 38

Alleluia, alleluia! “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 39-45

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

MẸ MARIA MANG NIỀM VUI CỨU ĐỘ ĐẾN CHO GIA ĐÌNH DACARIA

Tu sĩ Phaolô Phan Tấn Thịnh, SVD

Gần đến ngày lễ Giáng Sinh, các bài đọc trong phần Phụng Vụ Lời Chúa năm C giúp cho chúng ta hiểu về mầu nhiệm giáng sinh. Bài đọc 1 cho thấy lời ngôn sứ Mikha tiên báo được ứng nghiệm: Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra tại Bêlem, chính Người là Con Thiên Chúa. Với bài đọc 2, tác giả thư Hípri giải thích ý nghĩa của việc Con Thiên Chúa nhập thể và qua bài Tin Mừng, thánh Luca nói đến việc Đức Giêsu ban ơn cứu độ cho thánh Gioan ngay khi còn là bào thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria.

Thật vậy, sống vào thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên, trong lúc toàn dân Israel đang mong chờ Đấng Mêsia sẽ xuất thân từ thủ đô Giêrusalem để giải thoát dân khỏi sự bành trướng của đế quốc Átsua, thì ngôn sứ Mikha lại nhắc cho toàn dân nhớ: trước đó 3 thế kỷ, chính Đavít xuất thân từ làng quê Bêlem đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm vua như muốn nói rằng Đấng Mêsia cũng sẽ xuất thân từ đó. Ngôn sứ còn nhấn mạnh, “nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa” (Mk 5,1) nhằm ám chỉ đến sự hiện hữu trước thời gian của Đấng Cứu Thế. Ngoài ra, lời loan báo “Đức Chúa sẽ bỏ mặc Israel cho đến thời một phụ nữ sinh con” (Mk 5,2) liên tưởng đến ngôn sứ Isaia, đang sống đồng thời với ngôn sứ Mikha, với lời tiên báo: “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen” (Is 7,14). “Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa mà đứng lên chăn dắt họ” (Mk 5,3): với hình ảnh Đavít trước khi làm vua là mục tử, ngôn sứ Mikha xây dựng nên hình ảnh người mục tử lý tưởng mà sau này vào thời lưu đày ngôn sứ Êdêkien sẽ bổ sung thêm ở Ed 34. “Chính Người sẽ đem lại hòa bình” (Mk 5,4) lại một lần nữa nhắc cho dân nhớ đến lời ngôn sứ Isaia: “danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình” (Is 9,5-6). Thánh Luca đã đặt sứ điệp “bình an” này trên môi miệng các thiên thần ca hát vào đêm Giáng Sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lc 2,14)

Trong bài đọc 2, tác giả thư Hípri triển khai Tv 40 để nói lên ý nghĩa việc nhập thể của Đức Giêsu. Người đến trần gian để thi hành thánh ý Chúa Cha một cách trọn vẹn, toàn hảo đến nỗi hiến dâng chính mình trên thập giá. Trong Cựu Ước, các hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội được xem là những của lễ đẹp lòng Thiên Chúa, vì thế mỗi ngày các tư tế có nhiệm vụ phải thi hành các phận vụ này hai lần trong đền thánh Giêrusalem. Các của lễ này trở nên vô giá trị, khi Đức Giêsu tự hiến chính mình trên thập giá, nghĩa là “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự” (Pl 2,8). Của lễ này rất đẹp lòng Chúa Cha, bằng chứng là Người đã cho Đức Giê-su được sống lại, phục hồi sự sống mà Ađam đã đánh mất do sự bất phục tùng. Đối với người Israel, cái chết trên thập tự là cái chết đáng nguyền rủa nhất như thánh Phaolô đã nói trong Gl 3,13: “Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ”  (x. Đnl 21,23). Trọn cuộc đời của Đức Giêsu là sống theo ý muốn của Chúa Cha như Người đã từng nói với các tông đồ: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34). Chúng ta có thể thêm vào ở đây lời nói của Đức Giê-su trên thập giá: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30) để minh họa cho việc tự hiến của Người hoàn tất mọi của lễ đã dâng hiến trước đó để từ đây mỗi khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta hiện tại hóa của lễ Người đã dâng hiến thuở xưa.

Trong bài Tin Mừng, thánh Luca nối kết biến cố truyền tin cho ông Dacaria và Đức Maria với việc sinh hạ của thánh Gioan Tẩy Giả và Đức Giê-su bằng câu chuyện gặp gỡ giữa hai người phụ nữ sắp được làm mẹ. Ẩn sâu trong câu chuyện này, thánh Luca muốn trình bày Đức Giêsu đã mang ơn cứu độ cho con người ngay khi còn là bào thai trong lòng mẹ. Thật vậy, cách diễn tả “Thiên Chúa viếng thăm” được sử dụng rất nhiều trong Thánh Kinh để diễn đạt những hồng phúc mà Thiên Chúa ban xuống cho nhân loại khi Người đến viếng thăm; nó cũng đồng nghĩa với “Thiên Chúa ở cùng” (Emmanuen). Ngay từ sách Sáng Thế, ta đã đọc thấy “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó Xara vợ ông sẽ có một con trai” (St 18,10). Sách Xuất hành cũng nói: “Họ đã hiểu là Đức Chúa đến viếng thăm con cái Israel và nhìn thấy cảnh khổ cực của họ” (4,31). Sách Khôn ngoan được viết vào khoảng năm 50 trước Công nguyên cũng diễn đạt: “Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy” (Kn 3,7). Ta còn thấy cách diễn đạt của ý tưởng này ở R 1,6; Gđt 8,33; Tv 65,10; 106,4 … Trong Tân Ước, ông Dacaria đã bộc phát cất lên thánh ca “Chúc Tụng” để ca tụng Thiên Chúa vì Người bắt đầu thực hiện công trình cứu độ nhân loại: “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel đã viếng thăm cứu chuộc dân Người” (Lc 1,68). Sau khi tường thuật việc Đức Giêsu cho con trai bà góa thành Nain sống lại, thánh Luca viết : “Mọi người đều kính sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 7,16). Trong sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Luca đã nối dài tư tưởng “Thiên Chúa viếng thăm” khi trình bày hoạt động của Đức Giêsu qua lời giảng của thánh Phêrô: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10,38).

Tóm lại, cả 3 bài đọc trong phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay muốn trình bày cho chúng ta một cách khái quát về nguồn gốc, sứ mạng và ý nghĩa việc nhập thể của Đức Giêsu để mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào Người, dấn thân cùng với Người, vì Người là Đấng Emmanuen, giúp chúng ta dọn lòng mừng kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh. Qua việc nhập thể, Con Thiên Chúa đã đảm nhận trọn vẹn sự yếu đuối của nhân loại và đã thông ban cho nhân loại một sức mạnh cao cả nhờ Bí Tích Thánh Thể.

Bên cạnh đó, Hội Thánh muốn mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng dung nhan của Đức Maria, Đấng đầy ơn phúc, được Thiên Chúa ở cùng. Sau khi đáp lời “Xin Vâng”, Mẹ đã “vội vã” lên đường đến làng Ein-Kerem để giúp đỡ người chị họ đang mang thai. Chúng ta học nơi Đức Maria “tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với Mẹ” (x. Lc 1,45). Mẹ không cần kiểm chứng; Mẹ chỉ muốn ngọn lửa tình yêu mà Thiên Chúa đã đốt lên trong lòng Mẹ phải được cháy bùng lên (x. Lc 12,49). “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2 Cr 5,14) là động lực thúc đẩy Mẹ lên đường. Mẹ quan tâm đến nhu cầu của người chị trong thời thai nghén; Mẹ luôn đi bước trước, không cần đến lời nhờ vả hay nhắn gởi. Mẹ can đảm lên đường đem Chúa đến cho người chị họ và người cháu sắp chào đời. Chúng ta hãy hình dung con đường đầy hiểm nguy, trắc trở cách đây hơn 20 thế kỷ tại một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu đối với một thiếu nữ đang còn tuổi thanh xuân. Chúng ta có thể tự biện minh: thánh Luca xây dựng câu chuyện này dựa vào 2 Sm 6 nói về việc vua Đavít rước Hòm Bia Thiên Chúa từ nhà Ôvết Êđôm, từ thành Gát về Giêrusalem để cho rằng câu chuyện này không ghi lại những sự kiện thực tế nhưng chúng ta đừng quên rằng ý của tác giả viết câu chuyện này nhằm mục đích mang ơn cứu độ cho chính chúng ta và cho những người sống chung quanh chúng ta. Chúng ta tin rằng cuộc sống của Mẹ đã gợi hứng để cho Con Mẹ sau này có thể nói: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4,43).

Việc thăm viếng mở rộng đến với anh chị em lương dân, là sống giáo huấn của HĐGMVN: “Thăm viếng thân hữu các thành viên tôn giáo bạn … Thăm viếng để chúc mừng khi vui, an ủi khi buồn, nâng đỡ khi hoạn nạn là những trang Tin Mừng sống động giúp anh chị em ngoài Công Giáo nhận rõ chân dung Chúa Giêsu Cứu Thế và hiểu biết đạo Chúa một cách chính xác hơn” (Thư Mục Vụ HĐGMVN, ngày 10/10/2003, số 11).

Sau cùng, Con Thiên Chúa đã thông ban cho nhân loại một sức mạnh cao cả nhờ bí tích Thánh Thể. Thiên Chúa đang ở cùng với chúng ta, hiện diện với chúng ta nơi bí tích Thánh Thể. Chúng ta đang có thái độ nào trong việc tiếp đón Người? “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11) phải là một lời cật vấn liên tục cho mỗi người chúng ta trong cuộc sống hằng ngày về thái độ thờ ơ, lãnh đạm của chúng ta đối với bí tích Thánh Thể. Chúng ta không thể cho cái mà chúng ta không có. Nếu chúng ta không đón nhận sự sống từ bí tích Thánh Thể, chúng ta không thể nào chia sẻ cho người khác được. “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,42) là điều mà Đức Giêsu muốn nhắn nhủ với mỗi người chúng ta, mời gọi chúng ta đến với bí tích Thánh Thể. Chỉ khi nào chúng ta đến với Người, lắng nghe Người, đàm đạo với Người, chúng ta mới có đủ khôn ngoan và sức mạnh để thực hiện những điều mà Chúa muốn chúng ta làm cho vinh danh Chúa và cứu độ các linh hồn.

Bài trướcNOEL 2018: Sứ Điệp Giáng Sinh của Cha Tổng Quyền Dòng Ngôi Lời
Bài tiếp theoMùa Vọng – Tuần IV – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.