Bài Ðọc I: Gs 5, 9a. 10-12
“Dân Chúa tiến vào đất Chúa hứa và mừng Lễ Vượt Qua”.
Trích sách Giosuê.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Giosuê rằng: “Hôm nay, Ta đã cất sự dơ nhớp của Ai-cập khỏi các ngươi!” Con cái Israel tạm trú tại Galgali và mừng Lễ Vượt Qua vào ban chiều ngày mười bốn trong tháng, trên cánh đồng Giêricô. Ngày hôm sau Lễ Vượt Qua, họ ăn các thức ăn địa phương, bánh không men và lúa mạch gặt năm ấy. Từ khi họ ăn các thức ăn địa phương, thì không có manna nữa. Và con cái Israel không còn ăn manna nữa, nhưng họ ăn thổ sản năm đó của xứ Canaan.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).
Xướng: 1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. – Ðáp.
2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ. – Ðáp.
3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. – Ðáp.
Bài Ðọc II: 2 Cr 5, 17-21
“Thiên Chúa đã nhờ Ðức Kitô giao hoà chúng ta với mình”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, nếu ai ở trong Ðức Kitô, thì người đó sẽ là một thụ tạo mới, những gì là cũ đã qua đi: này đây tất cả mọi sự đã trở thành mới. Vì mọi sự bởi Thiên Chúa, Ðấng đã nhờ Ðức Kitô giao hoà chúng ta với mình, và trao phó cho chúng tôi chức vụ giao hoà. Thật vậy, Thiên Chúa là Ðấng giao hoà thế gian với chính mình Người trong Ðức Kitô, nên không kể chi đến tội lỗi của loài người, và đặt lên môi miệng chúng tôi lời giao hoà. Nên chúng tôi là sứ giả thay mặt Ðức Kitô, như chính Chúa dùng chúng tôi mà khuyên bảo. Vì Ðức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy giao hoà với Thiên Chúa. Ðấng không hề biết tội, thì Thiên Chúa làm nên thân tội vì chúng ta, để trong Ngài, chúng ta trở nên sự công chính của Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Lc 15, 18
Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha.
Phúc Âm: Lc 15, 1-3. 11-32
“Em con đã chết nay sống lại”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Người kia có hai con trai. Ðứa em thưa với cha rằng: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con”. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha”. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu… Người con trai lúc đó thưa rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa”. Nhưng người cha bảo đầy tớ: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy”. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.
“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: “Ðó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ”. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: “Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó”. Nhưng người cha bảo: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng chủ đề:
LẠC MẤT VÀ TÌM THẤY
Lm. Giuse Trần Thanh Hải, SVD
Mùa Chay là mùa hồng ân, là mùa để cho chúng ta suy niệm và khám phá lại dung mạo của Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Sứ điệp Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay cho chúng ta thấy lòng thương xót vô bờ đó. Để từ đó, chúng ta có thể cảm nhận Chúa yêu chúng ta dường nào, và để chúng ta có thể can đảm thực hiện một cuộc trở về tận căn: về với bí tích Giao Hòa, về với lòng thương xót, và về với Thiên Chúa là Cha nhân lành.
Những câu đầu của bài Tin Mừng giới thiệu hai nhóm nhân vật: Nhóm thứ nhất là những người thu thuế và tội lỗi, nhóm này là nhóm tội lỗi nên cần phải sám hối; nhóm thứ hai là các kinh sư và những người Pharisêu, họ đại diện cho những kẻ giả hình nên cũng cần phải sám hối. Tuy nhiên, những người Pharisêu và kinh sư xầm xì về việc Đức Giêsu đón tiếp và ăn uống với phường tội lỗi, nên Đức Giêsu đã kể cho họ dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” để thức tỉnh họ.
Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn giới thiệu dung mạo nhân từ và đầy xót thương của Chúa Cha. Và cũng qua Đức Giêsu, chúng ta thấy tình thương của Chúa Cha dành cho mỗi chúng ta và cho toàn thể nhân loại được thể hiện cách cụ thể và sinh động, như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông sắc “Misericordiae Vultus” (Dung mạo lòng thương xót) đã nói: “Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Kitô Giêsu. Mầu nhiệm đức tin Kitô giáo như đã được tóm tắt đầy đủ trong mệnh đề này”.
Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” trình bày rằng: “Một người kia có hai con trai” (Lc 15,11). Tác giả Luca muốn chúng ta tập trung đến hai người con trai. Hai người con này đại diện cho hai nhóm nhân vật như đã trình bày ở trên: người con cả đại diện cho nhóm Pharisêu và kinh sư; người con thứ đại diện cho nhóm thu thuế và người tội lỗi. Chúng ta cùng điểm lại đôi nét, để dễ dàng nhận ra tình thương của Chúa, được thể hiện qua hình ảnh của người cha rất thân thương và nhân hậu.
Tin Mừng diễn tả rất chi tiết, “ít ngày sau, người con thứ thu gom tất cả rồi trẩy đi phương xa” (Lc 15,13a). Chúng ta để ý cụm từ “ít ngày sau”. Cụm từ “ít ngày sau” cho thấy, anh ta có thời gian dài để suy nghĩ và đã không thay đổi quyết định, khi được cha chia gia tài. Đây là một quyết định của lý trí và ý chí chứ không phải là quyết định của cảm tính. Những gì người con thứ thu gom không đáng giá so với những gì người cha cho nó. Vậy, ở đây muốn nói đến hành vi đoạn tuyệt của nó đối với cha.
Tin Mừng thuật lại: “Ở đó, anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình” (Lc 15,13b). Nghĩa là anh ta sống trong thế giới riêng của mình, và không bị ảnh hưởng hay chịu sự chi phối của người cha. Khi ở nhà, anh ta là con. Khi ra đi anh ta bị ô uế. Những động từ như: ăn tiêu hết sạch, nạn đói khủng khiếp, lâm cảnh túng thiếu, ở đợ, đi chăn heo… là những động từ nhằm miêu tả thế giới của người con thứ đang sống, thế giới bên ngoài. Thật đúng như tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói: “Còn bạc, còn tiền còn đệ tử. Hết cơm, hết rượu hết ông tôi.”[1] Như thế, anh ta đã đi đến đường cùng. Vì ngay cả việc anh ao ước ăn đồ của heo mà cũng không ai cho. Nghĩa là giá trị của anh lúc bấy giờ, không bằng một con heo. Khi đã không còn lối thoát thì anh ta mới hồi tâm và tự nhủ… Con người tự nhiên của chúng ta thường là như vậy! Khi đã tới sự cùng cực của đau khổ, họ mới nhớ tới Chúa; chứ lúc bình an, hạnh phúc, ít ai có đủ khiêm nhường để biết dành chút thời gian mà cảm tạ Ngài.
Khi hồi tâm tự nhủ thì người con thứ mới nhận ra rằng, anh ta còn là một con người, và anh ta còn có một người cha tốt: “Biết bao người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói” (Lc 15,17). Vậy giải pháp để thoát khỏi cơn đói của anh ta bây giờ là trở về cùng cha để nói với cha lời hối lỗi, và xin cha coi mình như người làm công.
“Thế là anh ta đứng lên đi về cùng cha” (Lc 15,20a). Và khi thấy bóng dáng của anh, “ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20b). Hành vi “chạy ra” là tìm thêm cơ hội để bảy tỏ lòng thương xót đối với con, “ôm cổ” là hành vi của những người bạn thông hiểu và đồng cảm, “hôn lấy hôn để” diễn tả niềm vui lâu ngày mới được gặp. Bấy giờ, người con nói: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…” (Lc 15,21). Anh ta chưa nói hết câu, thì cha anh dường như không cần nghe anh nói nữa. Ông bảo đầy tớ: “Mau đem áo đẹp nhất, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân, làm bê béo ăn mừng” (Lc 15,22). Vậy, những hành động trên muốn nói lên điều gì?
Những hành động đó cho thấy người con thứ này đã được phục hồi tư cách là con, đã được cha bỏ qua tất cả lỗi lầm. Câu hỏi mà chúng ta có thể đặt ra là: “Mọi thứ đã sẵn sàng cho anh, ở đâu ra vậy?” Vì khi anh bỏ đi, anh đã thu gom tất cả, đã đoạn tuyệt với cha rồi!
Thưa, vì thương con mình mà người cha đã âm thầm chuẩn bị cho anh vì ông chờ đợi và hy vọng rằng, ngày nào đó con ông sẽ trở về. Như lời bài hát Chờ Đến Bao Giờ của nhạc sĩ Mi Trầm đã diễn tả như sau: “Ngài đứng đó đã từ lâu, chờ con về, chờ con trở về. Thân mỏi mòn, tóc bạc sương, đón con về sưởi ấm tình thương. Chúa đã chờ con quá lâu, ôi tình Ngài thật thẳm sâu”[2] .
- Việc phân tích hình ảnh của người cha và người con thứ trong bài Tin Mừng cho ta thấy lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với chúng ta là những tội nhân, như người con thứ trong dụ ngôn trên. Chính Ngài là người Cha nhân từ duy nhất. Ngài là Thiên Chúa toàn năng và luôn thương xót chúng ta, dù chúng ta có lỗi phạm đến Ngài như thế nào đi nữa. Sau bữa tiệc, chúng ta vẫn chưa thấy tác giả đề cập đến sự sám hối của đứa con thứ, mặc dù anh ta đã nhận được lòng thương xót của cha. Ở đây, ta thấy cha anh cứ thương xót, thương xót hoài, đến độ anh ta không thể không sám hối. Như thế lòng thương xót của Thiên Chúa không đặt trên điều kiện nào cả: không phải tôi tốt lành, Chúa mới thương! Nhưng lòng thương xót của Chúa là nền tảng dẫn tới quyết định tự do hoàn toàn để đi tới sự sám hối.
Qua dụ ngôn, Đức Giêsu muốn mỗi người chúng ta hiểu hơn về lòng thương xót bao la của Thiên Chúa. Lòng thương xót của Ngài phủ lấp muôn vàn tội lỗi. Ngài muốn nói với chúng ta rằng: dù ta có phạm tội thì Ngài vẫn yêu chúng ta. Ngài còn yêu nhiều hơn nữa, không phải đợi chúng ta sám hối, chúng ta tốt đẹp rồi Ngài mới yêu, mà Ngài yêu chúng ta khi chúng ta còn ở trong tội lỗi, còn là những phàm nhân.
Uớc gì sứ điệp Lời Chúa hôm nay ít nhiều giúp giúp chúng ta ngày càng tin nhận vào lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa, để thực lòng thống hối những lầm lỗi và hoán cải tâm hồn, cách riêng qua bí tích hòa giải để chúng ta được sống lại, để hưởng niềm vui, hạnh phúc và bình an thực sự trong Ngài, cũng như trong tha nhân, như lời Thánh vịnh 32,1: “Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, Người có tội mà được khoang dung.” Amen.
Chú thích:
[1] Nguyễn Bỉnh Khiêm, “Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với ‘Thói đời’ – Kỳ 2: Hai bài Thói đời,” Tạp chí Khoa học & Đời sống, https://khoahocdoisong.vn/trang-trinh- nguyen-binh-khiem-voi-thoi-doi-ky-2-hai-bai-thoi-doi-post31910.html (truy cập ngày 22/7/2024).
[2] Mi Trầm, Chờ Đến Bao Giờ, https://www.dieuca.net/2018/02/chodenbaogio-mt.html
HỒI TÂM TRỞ VỀ
Lm. Giuse Phan Hoàng Huy, SVD
Mùa Chay mang đậm dấu ấn của lắng đọng tâm hồn và trở về. Trở về với chính mình; trở về với Thiên Chúa là Cha yêu thương. Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy hồi tâm mà trở về với Thiên Chúa tình thương để được xót thương, để được sống trong ân tình. Điều đó được diễn tả qua dụ ngôn trong bài Tin Mừng.
Suy nghĩ về đoạn Tin Mừng theo thánh Luca 15,1-3.11-32, chúng ta nhận ra một vài điểm đáng lưu ý. Trước hết, chúng ta nhận thấy hai người con trong dụ ngôn đi xa khỏi tình cha. Người con thứ thật bất hiếu khi đòi cha chia gia tài, rồi anh thu gom hết tài sản đi xa phung phí ăn chơi trác táng. Anh bỏ nhà đi hoang để thỏa mãn sự tự do cá nhân ích kỷ. Chỉ tới khi anh rơi vào tình cảnh tồi tệ thiếu thốn, anh mới nghĩ về cha. Còn người con cả xem ra ngoan hơn, anh không bỏ nhà đi hoang, anh luôn ở với cha. Nhưng thực ra anh cũng xa cha, xa tấm lòng, xa tình thương của cha. Tâm hồn anh chưa hướng về và chưa thuộc về cha. Anh chu toàn mọi việc nhưng chưa một lần làm vì yêu cha, thương cha, hay làm những việc đó trong tư cách là con của cha. Anh làm mọi việc vì bổn phận hơn vì tình yêu. Anh chưa một lần nhận ra tấm lòng của cha là “tất cả những gì của cha đều là của con” (Lc 15, 31). Cách sống của hai người con mỗi người mỗi kiểu nhưng cho thấy cả hai đều rời xa tình cha.
Giây phút hồi tâm đã làm cho người con thứ nhận ra sự thê thảm của việc rời xa người cha. Khi đi xa người cha anh đã đánh mất chính mình. Khi đi xa người cha anh chẳng còn gì cả: từ miếng ăn không đủ no, manh áo chẳng đủ ấm, không nhà cửa làm chốn nương thân (x. Lc 15, 14-16). Sự thê thảm lớn nhất đó là tư cách làm con của anh với cha giờ không còn xứng đáng nữa: “Chẳng còn đáng gọi là con cha nữa” (Lc 15, 19a). Tất cả những điều đó anh đã có khi còn ở với cha mà có lẽ chưa một lần anh nghĩ về nó.
Cuộc trở về làm cho người con thứ hoàn toàn bất ngờ trước tấm lòng của người cha. Điều làm cho người con thứ bất ngờ nhất có lẽ là thái độ của người cha. Hiện tại với người con thứ, trong hoàn cảnh bi đát, thê thảm, anh chỉ ao ước được như một người làm công, hay như một đứa ở trong nhà cha thôi cũng đủ rồi! Nhưng khi đối diện với cha anh mới nhận ra tư cách làm con của mình chưa bao giờ bị mất trong cha. Trong cha, anh vẫn là đứa con ông hằng yêu quý. Tư cách làm con của anh không bị tước mất cho dù anh đã như thế nào đi chăng nữa: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu” (Lc 15, 22). Thật bất ngờ!
Cuộc trở về của người con thứ cách nào đó làm cho người con cả cũng được trở về. Bởi lối sống của anh bấy lâu không phải là lối sống của một người làm con. Anh mang nơi mình lối sống của một người làm công, lối sống lạnh lùng, ganh tỵ, lối sống so đo thiệt hơn. Nhưng chính tình yêu của người cha đã đem anh trở về. Chính tình yêu của người cha khiến anh cần thay đổi lối sống của mình để biết bao dung, quảng đại hơn.
Tấm lòng của người cha thật bao dung, rộng rãi và nhân hậu. Ông không màng đến quá khứ tội lỗi của người con. Ông chẳng cần quan tâm nó trở về vì lý do gì. Ông chỉ cần nó trở về với ông mà thôi, vì ông chưa bao giờ quên được nó, chưa bao giờ ông ngừng yêu thương nó. Chỉ vì nó là con. Hình ảnh và thái độ của người cha cũng chính là dung mạo và thái độ của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa hằng mong chờ chúng ta từng giây từng phút trở về với Ngài để được sống trong tình yêu thương bao bọc chở che của Ngài. Thiên Chúa chẳng quan tâm đến chúng ta đã phạm tội gì, vì với Ngài: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1, 18). Chỉ cần sám hối thay đổi trở về với Ngài thì mãi được Ngài ấp ủ thương yêu.
Cuộc sống chúng ta mỗi ngày với bao tất bật vội vã, nhộn nhịp không ngừng, cứ mãi cuốn hút chúng ta ra đi và đi mãi. Đi xa với chính mình và đi xa với cội nguồn sâu thẳm là Thiên Chúa tình thương. Chỉ khi biết dừng lại để hồi tâm nhìn về những chặng đường và thời gian đã đi qua trong đời ta, và thực lòng suy nghĩ về từng biến cố buồn vui trong đời, chúng ta sẽ thấy rõ con người thật của mình, đồng thời, nhận ra tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta sâu thẳm, lớn lao dường nào.
“Bao năm trôi qua, hồn con lạc bước đi xa. Quên bao ơn Cha trầm kha bể đắm bao la. Nay con ăn năn hồi tâm thống hối bao lỗi lầm, đền bù bất xứng bao năm, quyết tâm trở về Cha lành”. Lời bài hát “Hãy Trở Về” trên đây của tác giả Ngọc Kôn còn vang mãi như giục hồn ta đừng trì hoãn nữa, hãy mau hồi tâm trở về với Thiên Chúa là Cha nhân lành sau những tháng ngày sống trong tội lỗi, ngõ hầu được sống trong an bình hạnh phúc. Hãy trở về!