Bài Ðọc I: Ðn 7, 13-14
“Quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu”.
Trích sách Tiên tri Ðaniel.
Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời, Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị nầy ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài; quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 92, 1ab. 1c-2. 5
Ðáp: Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai (c. 1a).
Xướng: 1) Chúa làm vua, Ngài đã mặc thiên oai; Chúa đã vận uy quyền, Ngài đã thắt long đai. – Ðáp.
2) Và Ngài giữ vững địa cầu, nó sẽ không còn lung lay. Ngai báu của Ngài thiết lập từ muôn thuở, tự đời đời vẫn có Chúa. – Ðáp.
3) Lời chứng bảo của Ngài rất đáng tin, lạy Chúa, sự thánh thiện là của riêng nhà Ngài, cho tới muôn muôn ngàn thuở. – Ðáp.
Bài Ðọc II: Kh 1, 5-8
“Người là thủ lãnh các vua trần thế: Người đã làm cho chúng ta nên vương quốc”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Chúa Giêsu Kitô, là chứng tá trung thành, là trưởng tử kẻ chết, là thủ lãnh các vua trần thế, là Ðấng đã yêu thương chúng ta, Người đã dùng máu Người mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của Người. Nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời. Amen.
Kìa, Người đến trong đám mây, mọi con mắt đã nhìn thấy Người, và cả những kẻ đã đâm Người cũng nhìn thấy Người, các chủng tộc trên địa cầu sẽ than khóc Người. Thật như vậy. Amen.
Chúa là Thiên Chúa, Ðấng đang có, đã có, và sẽ đến, là Ðấng Toàn Năng phán: “Ta là Alpha và Ômêga, là nguyên thuỷ và là cứu cánh”.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 11, 10
Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Ðavít tổ phụ chúng ta đã đến! – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 18, 33b-37
“Quan nói đúng: Tôi là Vua”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” Chúa Giêsu đáp: “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?”
Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?” Chúa Giêsu đáp: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này”.
Philatô hỏi lại: “Vậy ông là Vua ư?”
Chúa Giêsu đáp: “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”.
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng chủ đề:
NỐT NHẠC ĐẸP KẾT THÚC NĂM PHỤNG VỤ
✍️Lm. Antôn Võ Công Ánh, SVD)
Một chu kỳ năm Phụng Vụ như một biểu tượng dòng chảy Lịch sử Cứu độ. Dòng chảy này bắt đầu từ khi con người quay lưng với Thiên Chúa cho đến khi Ngài chuẩn bị một hành trình dài kêu gọi Dân Riêng, và cuối cùng là sai Con Một Ngài đến với nhân loại. Đức Giêsu đến thế gian để làm người và đi hết hành trình cứu thế trên Núi Sọ, chịu đóng đinh Thập Giá, phá tan cánh cửa tử thần để dẫn vào Phục Sinh. “Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang” ( Pl 2, 9-11).
Đức Giêsu Kitô là Vua chính là điểm đến đẹp tuyệt đỉnh của công trình cứu độ. Ở nơi đó, nhân loại tìm lại được chỗ đứng viên mãn của mình trong Tình yêu của Thiên Chúa – Đấng quy tụ muôn vật muôn loài về một mối trong vương quyền tình yêu của Đức Kitô. Đặt lễ Chúa Kitô Vua trong Chúa Nhật cuối cùng năm phụng vụ nhắc nhở rằng Đức Kitô chính là Vua của vũ trụ. Ngài là Chủ của thời gian, là Alpha và Ômega, là Khởi Nguyên và Cùng Đích, là Chủ của lịch sử nhân loại và là Chủ vận mệnh mỗi người chúng ta. Chúa Kitô vượt trên thời gian để mãi mãi là vị Vua vĩnh cửu. Vua Giêsu đã mang lấy toàn thể thụ tạo, cùng với mình, quay trở về với Chúa Cha toàn năng (Cl 1, 20), Đấng đã phái người đến trần gian với sứ vụ đó.
Một Vị Vua Vượt Trên Mọi Vua Trần Thế
Cuộc đời của Đức Giêsu là một cánh cửa từ trời mở ra cho nhân loại một con đường cứu thoát. Ngài mặc khải vương quyền của mình bằng tình yêu chứ không phải bằng sự thống trị. Ngai vàng của Ngài là Thập Giá, vương miện của Ngài là mão gai, Ngài đến không phải để lên án mà chữa lành mọi tâm hồn tan nát đau khổ vì gánh nặng tội lỗi. Ngài là một Vị Vua hạ mình để rửa chân cho nhân loại ngập trong vũng bùn lầy sự dữ chứ không phải để được cung nghinh trên kiệu vàng, vì “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất” (x. Lc 19, 10).
Vương quyền của Đức Kitô là vương quyền của Đấng tự hạ (kenose): “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2, 8 -9). Sở dĩ biển cả làm vua các sông ngòi, bởi vì biển ở thấp (Tử Tư trong sách Trung Dung). Ngôi Lời lặn hụp xuống tận hố thẳm bùn nhơ của kiếp nhân sinh để vực con người lên và đưa họ về làm con Thiên Chúa: “Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17, 19).
“Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Vì thế “Hãy tuyên xưng giữa các dân ngoại: Đức Chúa ngự trị từ trên cây Thập Giá” như lời tuyên xưng thuở ban đầu của các tín hữu sơ khai. Đó là Vị Vua không thống trị bằng quyền lực nhưng bằng tình yêu “Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh 1, 5-6).
“Nước Tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18, 36)
Trước toà án Philatô, Đức Giêsu đã khẳng định: “Tôi sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật.” Vương quốc của Vua Giêsu là vương quốc của sự thật và “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng Tôi” (Ga 18,37).
Sự thật đó chính là tình yêu cao cả của một Thiên Chúa làm người, từ bỏ địa vị cao sang để mặc lấy thân nô lệ, sống như phàm nhân và trở nên nguồn mạch cứu độ cho toàn thể thọ tạo (x. Pl 2, 6-11). Sự thật đó phản ánh một mầu nhiệm tình yêu cao cả và thẳm sâu “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17).
Vị Vua nầy là người mục tử tốt lành yêu thương chăn dắt đoàn chiên, biết rõ từng con chiên một, và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì lợi ích của chiên (Ga 10,11-16). Vương quyền của Vua Giêsu là Lòng Thương Xót, hiến pháp của Ngài là Tình Yêu: “Thầy ban cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Vương quốc của Ngài vượt qua mọi ranh giới trần gian, không giới hạn bởi dân tộc và ngôn ngữ, đập tan cả cánh cửa tử thần, vượt thời gian và không gian: “Đức Giêsu Kitô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian, ban cho anh em ân sủng và bình an. Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh 1,5-6).
Thánh Phaolô cũng xác định: “Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Trỗi dậy từ biến cố Phục Sinh, Đức Giêsu thổi hơi trên các Tông Đồ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22). Đức Kitô sống lại từ cõi chết tuôn tràn nguồn thần lực Thần Khí trên từng môn đệ, để từ đó dòng nước hằng sống chảy mãi trong tâm hồn (x. Ga 7,37-39). Ngài là Vua chiến thắng tử thần, sa tan và tội lỗi. Lòng mỗi người chính là cung điện mà chính Ngài ngự trị. Lòng Thương Xót chính là quyền lực mạnh mẽ nhất mà Ngài dùng để hoán cải tâm can con người.
Tôi chọn đầu phục trước Vua Giêsu Kitô
Khi con người biết đầu phục trước Vua Giêsu chính là lúc con người bắt đầu một cuộc sống mới, bước vào linh địa đức ái, đón nhận dòng chảy Tình Yêu vào trong huyết quản mình, hít thở trong Thần Khí của Đấng Phục Sinh, bước đi trong Con Đường Sự Thật, Sự Sống mang tên Giêsu (x. Ga 14,6). “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8, 31-32). Sự thật nầy sẽ giải thoát con người khỏi ách nô lệ mọi thần tượng: của cải, danh vọng, sự kiêu căng ngạo mạn, thù hận và bóng tối quỷ dữ.
Đầu phục trước Đức Kitô Vua Vũ Trụ chính là ngoan ngoãn để Chúa yêu mình theo cách của Ngài, là buông cuộc đời mình vào trong đại dương Lòng Thương Xót của Ngài và để cho Tình Yêu Ngài biến đổi mọi tâm tình sống của mình: “Chúng ta từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em” (1Ga 3,14).
Đầu phục trước Vua Giêsu là bắt đầu bước vào tiến trình bình an đích thực khi đón nhận và thanh tẩy mình trong Máu của Vua Giêsu: “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” (Cl 1, 20).
AI LÀ VỊ VUA CỦA ĐỜI TÔI?
✍️ Tu sĩ Martinô Nguyễn Hoàng Vũ, SVD
Idol – thần tượng, dường như đây không còn là từ quá xa lạ với chúng ta ngày hôm nay. Ngày nay, có rất nhiều vị “vua” trong cuộc sống của chúng ta như: vua bóng đá, vua âm nhạc… Ðó là những thần tượng giàu có, sang trọng của con người thời đại này. Và dường như mỗi người đều chọn một thần tượng nào đó để yêu mến và làm hình mẫu lý tưởng cho đời sống của mình. Còn chúng ta, những Kitô hữu, chúng ta sẽ chọn ai làm thần tượng, làm “vua” cho mình? Hôm nay Chúa nhật XXXIV Thường niên năm B, Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội dành Chúa Nhật này để tôn vinh Đức Giêsu là Vua Vũ Trụ, Vua của tình yêu. Lời Chúa ngày hôm nay là lời nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy nhận ra ai mới là vị vua thật sự, là thần tượng mà chúng ta cần tôn thờ?
- Một Vị Vua Không Có Vương Quốc
Tin Mừng theo thánh sử Gioan ngày hôm nay thuật lại một phiên toà lạ thường, một vị vua, một Thiên Chúa toàn năng nay bị kết án bởi một con người. Đức Giêsu bị người Do Thái trao nộp cho tổng trấn Philatô với lý do mạo nhận là Vua dân Do Thái.
Khi nói đến một vị vua, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến điều gì? Đó là một vị đầy quyền uy, với vương miện trên đầu và vương trượng cầm tay. Vua là người đứng đầu tối cao, có quân đội, là người cầm quyền cai trị ở một quốc gia, trên một lãnh thổ. Vua là người nắm giữ quyền hành cao nhất trên con người và mọi vật. Và với một số tiêu chuẩn như vậy, liệu Đức Giêsu có thật sự là vua? Sinh ra trong một hang bò lừa tanh hôi, vừa chào đời, Đức Giêsu đã phải xa quê hương xứ sở, trốn chạy khỏi sự truy đuổi của bạo chúa. Người lớn lên trong một gia đình nghèo, đơn sơ, tại một làng quê nhỏ bé. Thần dân cũng chỉ là những người nghèo hèn, người bên lề xã hội, hay người tội lỗi. Và họ có thể bỏ rơi Người bất cứ lúc nào. Có thể xem là một vị vua hay không khi Đức Giêsu lại không có một ai để bảo vệ, bị một người không phải vua tra tấn, xét xử, bị kết án và phải chịu một cái chết đầy tủi nhục như một người nô lệ. Trong khi Philatô ngồi toà xét xử, thì Đức Giêsu bị xem như là một tên gian phi tầm thường. Trước mặt Philatô, rõ ràng Người không phải là một vị vua theo cái nhìn của nhân loại.
Thế nhưng, Người vẫn là vua, vua theo cách riêng của mình. Nếu như theo thế gian, vua là người thống trị kẻ khác bằng uy lực và vương quyền, hay theo niềm hy vọng của người Do Thái là người sẽ giải phóng Ítraen khỏi ách đô hộ. Thì với Đức Giêsu, Người không ép buộc người khác theo mình, không kháng cự khi bị kẻ thù bắt bớ. Hình ảnh Vua Giêsu không giống những vị vua thông thường. Người là một vị vua không có vương miện mà chỉ có mão gai, không thần dân nhưng chỉ có những người bỏ rơi và phản bội, không lời chúc tụng mà chỉ có nhạo báng chê khinh. Người là một vị vua nghèo túng, bị lăng nhục và bị đóng đinh trên thập giá. Đức Giêsu đăng quang ngôi vua trên thập giá: Người làm vua vũ trụ bằng chính con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha (Pl 2,6-8). Vương quốc của Người không phải là một lãnh thổ xác định trên tấm bản đồ vì “nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36). Vương quốc ấy ở khắp mọi nơi, nơi mà những trái tim biết sống yêu thương và sống cho sự thật, “ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Chỉ có những người tin, sống cho tình yêu, cho sự thật và chân lý của Thiên Chúa thì mới thuộc về vương quốc của Người, mới là thần dân của Nước Trời.
Đức Giêsu có thể làm nhiều điều vĩ đại để mọi người tin vào Người chính là Con Thiên Chúa. Thế nhưng Người đã không làm như vậy. Trong tác phẩm Anh Em nhà Karamasoff của nhà văn Dostojewski đã viết: Lạy Chúa, nếu Chúa đã lấy Vương Quyền và thanh gươm ra, thì mọi người đã tuân phục Chúa một cách vui vẻ. Và sự hiệp nhất của một Vương Triều và một đất nước hòa bình vĩnh cửu đã được tái lập. Chúa ơi, Ngài đã bỏ lỡ cơ hội rồi. Chúa đã không xuống khỏi Thập Giá, khi mọi người chế diễu và thách thức Ngài. Chúa đã không xuống khỏi Thập Giá, vì Ngài đã không muốn qua một phép lạ nào đó, để rồi con người sẽ trở thành những kẻ nô lệ, và vì Chúa không muốn sống theo một tình yêu bị ép buộc và luôn đợi chờ ở một phép lạ, mà Ngài muốn sống theo một tình yêu hoàn toàn tự do.[1] Đức Giêsu không muốn chúng ta tin vào Người vì những phép lạ, nhưng tin vì tình yêu và sự thật mà Người đã mang đến thế gian này, “chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27).
- Thần Dân Của Vị Vua Nào?
Ngày nay có rất nhiều ngẫu tượng, thần tượng trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không chỉ theo đuổi những thần tượng là con người, nhưng còn có những ngẫu tượng khác như tiền tài, danh vọng, tình cảm, … Tưởng chừng như theo đuổi những điều đó sẽ đem lại cho con người hạnh phúc, thế nhưng chính nó cũng biến chúng ta trở thành những nô lệ.
Chọn lựa, chính là điều con người luôn phải làm để cho cuộc sống của mình ngày một tốt hơn. Mỗi sự chọn lựa sẽ cho chúng ta một kết quả hoàn toàn khác nhau. Có thể nói, một trong những món quà quý giá nhất mà Thiên Chúa ban cho con người chính là sự tự do. Qua tự do, con người có thể chọn lựa và yêu mến Thiên Chúa một cách chân thật nhất. Thế nhưng cũng qua tự do, mà con người có thể chọn rời xa và khước từ Thiên Chúa. Người Do Thái, cụ thể hơn chính là những kỳ mục, kinh sư và thượng tế đã không chọn Đức Giêsu làm vua của mình. Họ mong chờ một vị vua khác, người mà có thể đáp ứng những nhu cầu và mong muốn của họ. Chúng ta ngày hôm nay cũng vậy, cũng lựa tìm cho mình những thần tượng, những vị vua mà có thể mang đến cho ta những thỏa mãn trong cuộc sống của mình. Vậy đâu mới là vị vua thật sự mà chúng ta sẽ chọn? Sự thường chúng ta luôn muốn chọn tất cả những điều được xem là tốt nhất về cho mình. Thế nhưng với Thiên Chúa, “Không ai có thể làm tôi hai chủ … Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16,13). Chúng ta hãy nhìn nhận lại chúng ta đang là thần dân của ai. Và hơn hết, Thiên Chúa giữ một vị trí nào trong cuộc sống của chúng ta?
Mừng đại lễ Đức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, người tín hữu chúng ta được mời gọi hãy xét lại cuộc đời mình, xem ta đang là thần dân của ai, đang là nô lệ cho vị vua nào? Có phải Đức Giêsu là vua của cuộc đời chúng ta hay không, hay còn những ông vua khác như tiền bạc, danh vọng hay dục vọng? Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy khước từ những thần tượng hay ngẫu tượng trần thế. Chúng ta hãy để Thiên Chúa làm Vua, làm chủ cuộc sống của mình. Bên cạnh đó, như Đức Giêsu đã xác nhận, chỉ những ai sống trong sự thật mới thuộc về Vương Quốc của Người. Như vậy, Nước Thiên Chúa chỉ dành cho những ai yêu mến công lý, sự thật và tình yêu. Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta, hãy sống xứng đáng là thần dân của Nước Trời được thể hiện qua đời sống trong tình yêu và sự thật với tất cả mọi người.
Nguyện xin Đức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, sẽ luôn là vị vua ngự trị trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Xin hồng ân và sức mạnh của Thiên Chúa luôn đổ tràn trên chúng ta, để chúng ta luôn biết sống trong sự thật và tình yêu, hầu xứng đáng là thần dân của Vương Quốc Nước Trời, là con cái đích thật của Thiên Chúa. Amen.
Chú thích: [1] x. Lm. NGUYỄN NGỌC THẾ. SJ, Đứng trước Vua Kitô, trong https://linhmucmen.com/thuong-nien-c/suy-niem-tin-mung-chua-nhat-le-chua-kito-vua-34-tn-c-bai-51-100-804.html
VƯƠNG QUYỀN CỦA CHÚA KITÔ
✍️ Lm. Phêrô Nguyễn Quân, SVD
Có một câu chuyện xứ Đan Mạch kể về một vị vua yêu một thôn nữ. Ngài định cưới nàng nhưng có quá nhiều cản trở: tục lệ chỉ cho phép nhà vua cưới các công nương vương triều. Dù ngài dám liều coi thường truyền thống, nhưng một vấn đề khác nảy sinh: sự khác biệt về địa vị khiến tương quan giữa hai người không tự nhiên; cô gái có thể thán phục đức vua nhưng không thực sự yêu ngài: vua vẫn là vua, nàng vẫn là thôn nữ. Vua liền quyết định một kế hoạch khác. Ngài từ bỏ ngôi vua để sống như một nông dân, nhưng nếu như thế chàng nông dân này có được nàng thôn nữ đó yêu nữa hay không, hay lại mất cả chì lẫn chài? Tác giả không cho biết kết thúc câu chuyện, là thôn nữ ấy có chấp nhận tình yêu của đức vua hay không và họ có sống hạnh phúc hay không? Tác giả có lý, vì thật ra đó không phải là điểm chính yếu của câu chuyện. Điểm chính yếu là tình yêu của đức vua dành cho người thôn nữ này. Tình yêu lớn lao đến độ ngài dám từ bỏ vương quyền và ngai báu vì nàng.
Câu chuyện chưa kết thúc, nó vẫn tiếp diễn. Đây là một câu chuyện có thật về tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta. Câu chuyện có thật mà đoạn kết chưa được viết hay đúng hơn, không ai viết thay cho chúng ta được mà chính mỗi chúng ta tự viết cho riêng mình, xem mình chấp nhận hay từ chối tình yêu của Thiên Chúa, từ chối Vương quyền của Chúa Kitô?
Hôm nay, Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ, Giáo Hội mừng lễ Chúa Kitô Vua. Lễ Chúa Kitô Vua mời gọi chúng ta hướng về Vương quốc Nước Trời để nhìn nhận Đức Giêsu là vua của chúng ta. Ngài là Vua nhưng Vương Quốc của Ngài không thuộc về thế gian. Vương miện của Ngài không phải là vinh quang và danh dự trần thế, nhưng là vòng gai, thánh giá và đau khổ. Ngài không cai trị bằng quyền lực súng đạn, gươm giáo nhưng bằng sức mạnh của tình yêu.
Tiên tri Đanien trong bài đọc I qua thị kiến đã thấy hình ảnh Con Người. Con Người ở đây hàm chứa một ý nghĩa yếu đuối thuộc nhân loại. Đồng thời, Con Người yếu đuối đó lại đến từ mây trời và được đưa đến trước vị Bô Lão. Điều này nói lên rằng Con Người mà Đanien thấy trong thị kiến đó vượt xa hơn con người phàm trần bình thường. Con Người ấy được Thiên Chúa ban cho quyền năng vĩnh cửu, vinh dự và vương quốc vững bền. Mọi dân tộc, chi họ, ngôn ngữ đều phụng sự Ngài. Đức Giêsu đã nhiều lần xưng mình là Con Người. Khi Đức Giêsu đứng trước quan Philatô, người ta cũng chỉ thấy Ngài là một con người bình thường: bị bắt, bị tố cáo và bị hành hạ. Nhưng Con Người ấy cũng được thánh Gioan miêu tả trong bài đọc II rằng Ngài là Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử kẻ chết, là Thủ Lãnh các vương đế trần gian (x. Kh 1,5).
Thế nhưng, mấy ai trong chúng ta thực sự cảm nghiệm thâm tín rằng Đức Giêsu Kitô là Con Người biểu hiện cho tình thương của Thiên Chúa? Nhiều người trong chúng ta có quan niệm Thiên Chúa như một vị thẩm phán tối cao nghiêm khắc, áp chế sự tự do và quyền tự quyết của con người. Ngài dường như luôn rình chờ có cơ hội chúng ta sai lỗi để giáng phạt. Để tự trấn an, nhiều người lầm lẫn quan niệm là mình phải lập công để mua chuộc tình thương yêu của Thiên Chúa. Quan niệm Thiên Chúa là vị thẩm phán tối cao nghiêm khắc luôn sẵn sàng giáng phạt chúng ta, và chúng ta phải nỗ lực làm các việc lành phúc đức để mua chuộc tình thương của Ngài có nghĩa là chúng ta từ chối nhìn nhận Tin Mừng được Đức Giêsu công bố và làm chứng Thiên Chúa là Đấng yêu thương. Cũng trong bài đọc II hôm nay, thánh Gioan xác nhận với chúng ta rằng Đức Giêsu Kitô là Vua và Ngài yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta trước khi chúng ta có thể làm được bất cứ việc tốt lành nào. Ngài yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta còn trong tội lỗi và chính Ngài đã lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta.
Là phận người yếu đuối mỏng manh, ai trong chúng ta cũng nhiều lần sa đi ngã lại. Thế nhưng, chúng ta có dành thời giờ để suy nghĩ về những lỗi phạm của mình hầu cảm nhận thấy được là chúng ta cần đến lòng thương xót của Chúa hay không? Để cảm nghiệm được tình thương yêu của Đức Giêsu, Đấng đã lấy máu mình mà rửa sạch mọi tội lỗi của chúng ta, thì chúng ta phải nhận biết những lỗi lầm của mình. Thánh Phaolô cũng đã phải nhìn nhận cách trung thực rằng, “Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,18-19).
Vương quốc của Đức Giêsu không phải ở trần gian nhưng là một vương quốc thiêng liêng không biên giới. Ngài không cạnh tranh quyền lực với Xêda hay với bất cứ một vua quan trần thế nào, nhưng Ngài là thủ lãnh các vua trần thế. Philatô cũng như tất cả mọi người chúng ta đều được thách đố để làm sự lựa chọn tin nhận Ngài là vua. Đây là vấn đề làm cho Philatô phải bối rối; ông không biết phải xử trí ra sao. Là một vị quan làm việc cho triều đình dưới quyền cai trị của hoàng đế Xêda, đồng thời ông lại phải đối diện với Đức Giêsu, một vị Vua khác. Đức Giêsu xác nhận: “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này chỉ để làm chứng về chân lý. Ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Philatô đã rối lòng phân vân: Ai là vua của tôi, Xêda hay Đức Kitô? Đây cũng là câu hỏi cho tất cả mọi người chúng ta hôm nay: Ai là vua của đời tôi?
Ai là vua của đời tôi? Câu hỏi đã làm rối lòng Philatô 2000 năm trước, cũng đang là câu hỏi cho chính chúng ta hôm nay! Tất cả chúng ta đều đóng vai Philatô trong cuộc sống. Chúng ta là “quan” cai trị trong giáo xứ, trong công sở, trong gia đình mình. Chúng ta làm việc dưới triều đại của thế giới vật chất; triều đại của lòng tham lam, ích kỷ; triều đại của lối sống tự do buông thả và vô cảm; triều đại của tiền bạc, danh vọng; triều đại của các nền văn hóa, các tập tục, các tôn giáo, các truyền thống, các hệ thống đảng phái chính trị; triều đại của khoa học và kỹ thuật số phát triển không ngừng. Đồng thời chúng ta cũng đối diện và sống với triều đại của Thiên Chúa, triều đại của Chân Lý, của tình yêu, hy sinh và phục vụ mà Đức Kitô là Vua. Chúng ta phải đối diện và lựa chọn xem ai là vua của mình ? Ai chỉ huy và điều khiển lối sống của chúng ta? Chúng ta làm việc cho triều đại nào?
Mừng Lễ Chúa Kitô Vua, chúng ta được mời gọi tung hô Chúa Kitô là Vua trên hết các vua, và quan trọng hơn nữa, mỗi tín hữu đón nhận Ngài là Vua cõi lòng mình. Hãy để cho vương quyền của Vua Giêsu thống trị trọn vẹn con người và cuộc sống chúng ta. Chúng ta là thần dân của Vua Giêsu, chúng ta chỉ tôn thờ, bái lạy và qui phục duy Ngài và đừng bao giờ làm khác. Xin Thần Khí Đức Kitô đổ tràn trên chúng ta sức mạnh, giúp chúng ta luôn lựa chọn tôn thờ Vua Giêsu, Vua của tình yêu và sự thật vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta.