Bài Ðọc I: 1 V 17, 10-16
“Bà goá lấy bột làm một cái bánh nhỏ, rồi mang đên cho ông Êlia”.
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, tiên tri Êlia chỗi dậy lên đường đi Sarephta. Khi ông đến trước cửa thành, ông thấy một quả phụ đang lượm củi; ông gọi bà và nói với bà rằng: “Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống”. Ðương lúc bà đi lấy nước, ông gọi lại mà nói: “Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh”.
Bà thưa: “Có Chúa là Thiên Chúa hằng sống chứng giám: Tôi không có sẵn bánh, tôi chỉ còn một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong bình. Này đây tôi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn, rồi chết thôi”.
Êlia trả lời bà rằng: “Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói. Nhưng, với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem ra đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Israel truyền rằng: ‘Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất'”.
Bà đi làm theo lời ông Êlia; chính ông và bà cùng cả nhà đều đủ ăn; từ ngày đó hũ bột không cạn và bình dầu không vơi như lời Chúa đã dùng Êlia mà phán.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10
Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa! (c. 1).
Xướng: 1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. – Ðáp.
2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. – Ðáp.
3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời, Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của người sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. – Ðáp.
Bài Ðọc II: Dt 9, 24-28
“Ðức Kitô chỉ tế lễ chính mình một lần để huỷ diệt nhiều tội lỗi”.
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Ðức Giêsu không tiến vào cung thánh do tay người phàm làm ra chỉ là hình bóng cung thánh thật, nhưng Người vào chính thiên đàng, để từ đây xuất hiện trước tôn nhan Thiên Chúa vì chúng ta. Người không còn hiến dâng chính mình nhiều lần, như vị thượng tế vào cung thánh mỗi năm một lần với máu không phải của mình. Chẳng vậy, từ tạo thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần; nhưng từ nay cho đến tận thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để huỷ diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Ðức Kitô cũng hiến tế một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Người.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 24, 42a và 44
Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng: vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 12, 41-44 {hoặc 38-44}
“Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, {Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn”.}
Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”.
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng chủ đề:
NHỮNG CON NGƯỜI QUẢNG ĐẠI
✍️ Lm. Phêrô Đỗ Văn Năng, SVD
Mới đây, tôi được tham dự buổi thảo luận của một Sư huynh Phụ trách trong lĩnh vực JPIC (Công Lý – Hoà Bình và Sự Toàn vẹn của Thụ tạo) của Dòng Ngôi Lời tại Rôma. Buổi trình bày là kết quả một chuyến kinh lý của thầy trên danh nghĩa Tổng Quyền tại một Tỉnh Dòng trên thế giới. Tỉnh Dòng nơi thầy kinh lý hiện có một cộng đồng người Việt đông đảo sinh sống và làm việc. Theo thầy, cộng đoàn này rất rộng lượng trong việc đóng góp của cải nhằm phục vụ cho hoạt động truyền giáo của Giáo Hội nói chung và Dòng Ngôi Lời nói riêng. Từ một ví dụ cụ thể đó và nhìn vào bức tranh toàn cảnh, tôi cũng có nhận định như thầy: người Việt Nam nói chung là những con người quảng đại đối với Giáo Hội.
Các bài đọc Chúa Nhật 32 cũng cho chúng ta thấy hình ảnh của những con người quảng đại: Hai người bà goá nghèo. Những người nghèo và quảng đại mà hai người phụ nữ được đề cập trong các bài đọc là đại diện của những người nghèo của Thiên Chúa – họ vừa là đối tượng ưu tiên trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, vừa là hình ảnh Thiên Chúa dùng để soi dẫn cho chúng ta trên hành trình đạt tới ơn cứu độ.
1. Người nghèo trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa
Người nghèo luôn có một vị trí quan trọng trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Các tác giả sách Thánh trình bày Thiên Chúa là Cha nuôi dưỡng cô nhi, là Đấng đỡ nâng quả phụ; Người xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn (x. Tv 145, Tv 68). Thiên Chúa trao cho các mục tử nhà Israel nhiệm vụ coi sóc dân Người, đặc biệt những người nghèo và người bị áp bức. Những ai xúc phạm đến quyền lợi của những con người khốn khổ này sẽ bị nguyền rủa (x. Đnl 27,19).
Đối với Đức Giêsu, người nghèo là đối tượng ưu tiên hàng đầu của Người. Khi trình bày khởi đầu sứ vụ công khai của Đức Giêsu, tác giả Luca cho thấy lời ngôn sứ Isaia đã được ứng nghiệm nơi bản thân Đức Giêsu: “Thần Khí Chúa ngự trên Tôi, vì Chúa đã xức dần tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 5,18). Người nghèo không có của cải làm đảm bảo thì Thiên Chúa hứa ban cho họ Nước Trời làm gia nghiệp (x. Lc 6,20). Khi Nhập Thể làm người, chính Con Thiên Chúa đã chọn sinh ra trong một gia đình nghèo, trong một không gian nghèo hèn để có thể nên một với người nghèo cách cụ thể, để cho thấy họ có chỗ đứng ưu tiên trong trái tim của Người. Sau cùng, khi đón nhận cái chết trần trụi trên thập giá và chịu mai táng trong một ngôi mộ cho mượn, Người đã là người nghèo trong những người nghèo, để rồi không một số phận người nghèo nào lại không liên hệ đến Người cách đặc biệt. Người luôn ở đó trong những con người nghèo hèn bé nhỏ, thậm chí là đồng hoá mình với họ.
Những con người đầu tiên được chọn, được ban cho ân sủng đức tin cũng là những người nghèo và những người bị gạt ra bên lề của xã hội. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô đã nhắc lại cho họ về nguồn gốc xuất phát điểm của họ, “Anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái” (1Cr 1,26) để cho họ khỏi tự cao tự đại mà vênh vang với những ơn lành đã lãnh nhận; để rồi họ cùng với Thiên Chúa bênh vực những người nghèo hèn.
Người nghèo cũng được Đức Thánh Cha Phanxicô yêu mến một cách đặc biệt trong sứ vụ của ngài. Ngài đã kể lại lời nhắc nhở của vị Hồng Y ngồi cạnh ngài trong cuộc bầu chọn Giáo Hoàng. Ngay sau khi được xướng tên, Đức Hồng Y Claudio Hummes đã nói với ngài: “Đừng quên người nghèo!” Quả thế, theo lời của vị Cha chung, người nghèo chính là “gia tài của Giáo hội.” Lời khẳng định này đã được ngài nhấn mạnh trong bài giảng kết thúc Năm Thánh cho người nghèo và người bị loại trừ năm 2015. Thật vậy, những nỗ lực, những hành động trìu mến, những lời nói ân cần và sự trân trọng thẳm sâu dành cho những người nghèo của Đức Thánh Cha đã đánh thức lòng trắc ẩn của nhiều người ở khắp nơi, thúc đẩy chúng ta dành sự tôn trọng cần thiết cho những người kém may mắn mà chúng ta có thể thấy ở bất kì đâu trong đất nước chúng ta.
2. Lòng quảng đại của hai bà goá nghèo
Trước hết là bà goá thành Xarépta. Trước khi sự suất hiện của vị ngôn sứ Êlia, hai mẹ con bà đang chuẩn bị cho bữa ăn cuối cùng của cuộc đời họ với một chút bột và một ít dầu còn sót lại. Vị ngôn sứ xuất hiện và muốn mẹ con bà chia sẻ cho mình khẩu phần của bữa ăn cuối ấy. Bằng tất cả sự thật thà và lòng quảng đại với vị ngôn sứ của Thiên Chúa, bà đã chia sẻ phần ít ỏi đó cho ông. Chúng ta không biết những gì hai mẹ con bà có đáng giá bao nhiêu, nhưng nó là tất cả những gì còn sót lại để nuôi sống hai mẹ con bà. Nói cách khác đó chính là sự sống của hai mẹ con trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Có thể nói, bà đã dám cho đi chính sự sống còn sót lại của mẹ con bà. Kết quả của lòng quảng đại ấy là một điều bất ngờ thú vị. Vị ngôn sứ cùng bà và con trai bà được ăn và được sống dồi dào những ngày sau đó: “Hũ bột của bà không vơi và bình dầu của bà không cạn”. Nếu có thời gian đọc tiếp chương sách này, chúng ta sẽ còn thấy nhờ lòng quảng đại của bà mà đứa con của bà được cứu khỏi sự chết, vì nó mắc trọng bệnh.
Thứ đến là bà goá trong bài Tin Mừng. Dường như bà goá này còn đáng thương hơn cả bà goá thành Xarépta. Dù nghèo khó và cận kề cái chết, bà goá thành Xarépta còn có đứa con để được an ủi. Trong khi đó, bà goá trong bối cảnh Tin Mừng dường như chỉ có một mình đơn chiếc. Và nếu thực sự như thế, bà không có ai để nương tựa. Không người thân, tài sản còn lại chỉ hai đồng tiền kẽm, một đơn vị tiền nhỏ nhất của nước Palestine vào thời Đức Giêsu, trị giá một phần tư đồng xu Rôma. Theo Đức Giêsu, đó là tất cả những gì bà có để nuôi sống bà. Như vậy, bà cũng đã âm thầm cho đi chính cuộc sống của bà. Hay nói cách khác, bà đã trao sự sống của bà cho Thiên Chúa.
Dễ dàng nhận thấy, khi chúng ta bỏ tiền vào các giỏ tiền trong Thánh Lễ hoặc khi làm phúc bố thí, nếu một ngày chúng ta có nhiều để cho đi, chúng ta sẽ thấy tự tin hơn. Ngược lại, chúng ta sẽ rụt dè và e ngại nếu chúng ta không có thừa. Đây cũng có thể là biểu hiện của bà goá này, và đã được chính Đức Giêsu quan sát và bắt gặp. Lòng quảng đại của bà được Chúa đánh giá cao, nhưng hơn hết là khuôn mặt khắc khổ, sự mặc cảm của bà đã đụng chạm đến lòng thương xót của Người. Lòng quảng đại, thân phận nghèo khổ, cùng với sự mặc cảm của bà đã được Chúa thương mến, được Đức Giêsu dùng như là hình ảnh để dạy dỗ các môn đệ và cả chúng ta.
Có một điều chắc chắn rằng, để duy trì các hoạt động trần thế, Giáo hội cần lắm những sự rộng lượng của những con người quảng đại. Trong đó có cả những người giàu lẫn người nghèo, nhưng làm sao chúng ta có thể hiến dâng theo tinh thần của những người nghèo mà các bài đọc hôm nay nêu gương? Đó là chúng ta có thể cho đi với tất cả tấm lòng, cho chỉ vì người nhận chứ không phải cho vì danh tiếng bản than. Đây ắt hẳn là một tinh thần mà Đức Giêsu đề cao. Và phần thưởng cho họ sẽ được Thiên Chúa ghi nhận và trả công vào thời điểm Ngài thấy cần thiết. Amen!
HAI BÀ GÓA NGHÈO
✍️ Tu sĩ FX. Đinh Duy Thiên, SVD
Lời Chúa trong bài đọc một và bài Tin Mừng hôm nay làm nổi lên hai khuôn mặt. Đó là khuôn mặt của hai bà goá nghèo, một bà thời Cựu Ước và một bà thời Tân Ước. Cả hai người phụ nữ ấy đều được tán dương vì có một tấm lòng chân thật, một trái tim quảng đại dám cho đi tất cả những gì mình có cho Chúa và người của Chúa.
Bà goá được đề cập đến trong bài đọc một là bà goá ở thành Sarépta. Lúc bấy giờ, bà đang sống trong bối cảnh của những năm hạn hán, khiến cho mùa màng bị thất thu và nạn đói đe dọa ở nhiều nơi. Trong bối cảnh của cơn hạn hán đói kém đó, gia đình bà góa này chỉ còn lại một chút dầu và bột, đủ cho một bữa ăn mà thôi. Thế nhưng, trước lời yêu cầu của tiên tri Êlia, bà đã hy sinh phần bột cuối cùng để làm một chiếc bánh nhỏ cho vị ngôn sứ trước rồi mới làm cho mình và con. Nhờ tấm lòng quảng đại đó, hai mẹ con bà đã được cứu thoát khỏi cơn đói kém, đúng như lời ngôn sứ Êlia đã nói: “Hũ bột sẽ không vơi và bình dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày Chúa làm mưa xuống trên mặt đất” (1V 17,14).
Còn trong bài Tin Mừng, một bà goá vô danh khác cũng được nhắc đến. Bà xuất hiện trong dòng người đông đúc dâng cúng và cầu nguyện trong đền thờ. Trong số đó, có lắm người giàu có dâng cúng thật nhiều tiền của và cũng có một bà goá nghèo; bà tiến đến bỏ vào hòm dâng cúng hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma. Tin Mừng không nói thêm gì về hoàn cảnh của bà cũng như bà làm gì để kiếm sống, nhưng chúng ta biết được rằng, bà ta nghèo. Có lẽ, bà cũng rất ngại ngùng và xấu hổ khi chỉ dâng cho Chúa số tiền cỏn con và có lẽ bà cũng chẳng muốn ai khác thấy bộ dạng của bà khi bỏ tiền vào hòm dâng cúng. Quả thế, trong dòng người đông đúc ấy, chẳng có ai để ý đến bà ta, ngoại trừ Đức Giêsu. Đức Giêsu đã đứng quan sát và Ngài thấy rõ mọi sự. Ngài thấy không chỉ ở bề ngoài mà còn thấy tận cõi lòng của từng người. Vì biết rõ tận cõi lòng của từng người nên Đức Giêsu đã chẳng khen những người giàu có dâng cúng những tiền dư bạc thừa. Nhưng Đức Giêsu lại để ý và khen ngợi bà goá nghèo đã bỏ hai đồng tiền kẽm vào hòm dâng cúng. Đức Giêsu đã gọi các môn đệ lại và nói cho các ông hay, chính bà góa này mới là người bỏ nhiều nhất, bởi vì tất cả những người kia chỉ bỏ phần nào cái dư thừa của mình. Còn bà góa này đang cơn túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống bản thân.
Ngày nay, trong Giáo Hội vẫn diễn ra những điều tương tự như trong bài Tin Mừng hôm nay; cũng có những người giàu dâng cúng cho các nhà thờ, nhà dòng những khoản tiền to lớn và cũng có những bà goá, các cụ bà nhiệt tâm nhà Chúa đóng góp từng đồng tiền nhỏ cho các công việc bác ái và truyền giáo. Ở đây, tôi không có ý ví những người giàu có ngày nay với những người giàu có trong bài Tin Mừng bị Chúa chỉ trích. Tôi cũng không phủ nhận sự đóng góp của họ cho Giáo Hội. Việc họ làm đã có nhiều người biết và Chúa sẽ trả công cho họ. Ở đây, tôi chủ ý nhấn mạnh đến lòng quảng đại và sự đóng góp của các bà goá, các phụ nữ nhiệt thành ngày nay. Tuy cuộc sống của họ không dư dả gì mấy, nhưng họ luôn mở rộng cõi lòng và quảng đại với công việc nhà Chúa. Kinh nghiệm này, tôi cũng đã cảm nhận được tại đất nước tôi thực tập OTP[1].
Hàng năm, thông qua sự đóng góp và xin lễ truyền giáo của người dân, Tỉnh Dòng Ngôi Lời nơi tôi thực tập OTP đã giúp cho những nơi truyền giáo khoảng 300,000 Euro, mà đa phần sự đóng góp đó là của những cụ ông, cụ bà – những người đã về hưu và nay họ sống nhờ vào tiền lương hưu. Tôi cũng hỏi thăm và biết rằng, số tiền họ nhận được hàng tháng chỉ đủ cho những chi tiêu trong tháng. Thế nhưng, họ lại là những người đóng góp cho công việc truyền giáo, cũng như bỏ tiền giỏ hàng tuần vào Chúa Nhật nhiều hơn những người bình thường khác.
Quả vậy, hai bà goá nghèo trong Lời Chúa hôm nay thật xứng đáng để trở nên mẫu gương cho mỗi người chúng ta về sự tin tưởng phó thác vào Chúa cũng như lòng quảng đại đóng góp cho công việc nhà Chúa. Thử hỏi ai trong chúng ta có thể thực hiện được điều mà bà goá thành Sarepta đã làm? Nếu chúng ta đứng ở vị trí của bà, chúng ta có dám nhường phần bột và dầu còn lại của mình cho vị ngôn sứ của Thiên Chúa hay không, hay là chúng ta sẽ lo cho phần mình trước rồi phần còn lại mới nhường cho người khác. Hoặc chúng ta có dám dâng cho Chúa tất cả những gì mình có và trọn niềm phó thác vào bàn tay quan phòng của Chúa mà không hề bận tâm đến tương lai, đến cái ăn trong ngày, đến ngày mai sẽ ra sao như bà goá trong bài Tin Mừng hôm nay không? Thông thường, khi đứng trước những nhu cầu cần thiết của người khác, đôi lúc chúng ta đã tránh né, đã chạy trốn bằng cách trả lời: Chừng nào tôi đủ ăn đủ mặc, tôi sẽ cho. Hãy để lúc khác, bây giờ tôi không có khả năng. Và cái lúc khác ấy không bao giờ đến. Chúng ta có rất nhiều lý do để biện minh cho thái độ thiếu thông cảm, thiếu yêu thương của mình.
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay, Chúa đã cho chúng con nhìn thấy hai khuôn mặt của hai bà goá nghèo – khuôn mặt của sự cho đi tất cả với tấm lòng quảng đại. Khuôn mặt đó là một nét phản ánh khuôn mặt của Chúa, Đấng đã quảng đại và cho đi tất cả vì chúng con. Chúa đã hiến mạng sống mình để chuộc tội muôn dân, và Chúa sẽ đến lần thứ hai để cứu thoát những ai trông đợi Người như bài đọc hai mà chúng con vừa nghe. Và cũng chính khuôn mặt ấy hằng tỏ lộ cho mỗi người chúng con trong Thánh Lễ hằng ngày nơi Bí Tích Thánh Thể. Xin cho mỗi người chúng con mỗi khi đón nhận Chúa nơi Bí Tích Thánh Thể, chúng con cũng biết sống yêu thương và chia sẻ cho anh chị em của chúng con theo gương Chúa đã làm. Amen.
Chú thích:
[1] Chương trình thực tập ở nước ngoài của Dòng Ngôi Lời.
DÂNG CHO CHÚA TẤT CẢ NHỮNG GÌ MÌNH CÓ
✍️ Lm. Phêrô Nguyễn Đình Phụng, SVD
Phụng vụ lời Chúa hôm nay đưa ra cho chúng ta hai mẫu gương thiết thực về lòng quảng đại của hai bà góa dám cho đi tất cả, thậm chí cho đi những gì để sống chỉ trong một ngày.
Bài đọc I nói về một cử chỉ quảng đại đáng khâm phục của bà góa thành Xarépta. Khi nghe câu chuyện này, ta có thể cảm nhận rằng Thiên Chúa yêu cầu bà ta quá đáng chăng?
Chúa đã đòi hỏi nơi bà một sự quảng đại thật sự và một hành vi đức tin thật lớn. Dẫu bà chỉ là một người vô danh, nhưng bà đã nghe và tin lời tiên tri Êlia. Chính bà đã nhìn ra được con người và sứ mệnh của Êlia là tiên tri. Người đàn bà này được mời gọi tin vào lời của tiên tri, dù bà chỉ dùng một chút xíu của cải cỏn con còn lại để dâng cho nhà tiên tri, để rồi rơi vào cảnh khốn đốn vì không còn gì cho chính mình và cho con trai mình.
Như thế, bà góa này đã trở nên mẫu gương về niềm tin và quảng đại cho chúng ta. Thử hỏi ai trong chúng ta nếu ở trong tình trạng của bà có thể thực hiện điều tương tự không? Thường thì ta sẽ nghĩ đến sự sống còn của mình trước đã, rồi nếu may ra còn xót lại thứ gì thì mới nghĩ đến người khác. Trái lại, bà góa đã can đảm nghĩ đến nhà tiên tri trước sau đó mới đến phần mình và con trai. Sự quảng đại này đã được thưởng công xứng đáng, “Hũ bột không cạn và dầu không vơi, theo lời Thiên Chúa phán qua tiên tri Êlia” (1 V 17,16).
Bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta sự quảng đại của một bà góa khác. Khi Đức Giêsu ở trong đền thờ, ngồi gần hòm tiền và quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, Người thấy nhiều người giàu có bỏ nhiều tiền. Chợt một bà góa nghèo đến chỉ bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu mà thôi. Có lẽ bà thấy xấu hổ khi dâng cúng quá ít như vậy và dân chúng cũng không để ý đến bà góa đáng thương này.
Trái lại, Đức Giêsu quan sát bà, gọi các môn đệ đến và bảo: “Thầy nói thật với các con: bà góa nghèo này đã bỏ tiền nhiều hơn hết” (Mc 12,43). Ngài không để cho các môn đệ hụt hẫng khi nghe điều đó vì bà chỉ bỏ hai đồng tiền kẽm thì làm sao so sánh với những người giàu có kia, và Người giải thích ngay: “Tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bày này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả nhừng gì mình có để nuôi sống mình” (Mc 12,44).
Những lời này của Đức Giêsu là một niềm an ủi lớn lao cho những ai đang sống trong tình trạng nghèo khó. Những người nghèo có thể nhận biết rằng Chúa không nhìn vào tiêu chuẩn số lượng mà ta dâng cúng, nhưng là nhìn vào tận sâu thẳm trong tâm hồn quảng đại của chúng ta. Tâm hồn của bà góa này thực quảng đại: bà đã cho tất cả những gì bà có để nuôi sống bản thân.
Cũng thế, bà góa này trở nên một mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta noi theo. Bà có thể nghĩ rằng: Tôi không có khả năng để bố thí, tôi không thể bỏ thứ gì vào hòm cúng, vì tôi chỉ có đủ cho nhu cầu sống sót của tôi mà thôi. Bà đã không suy luận như thế, nhưng bà quảng đại dâng tất cả những gì bà có ngay cả sự nghèo nàn của mình nữa; bà đã không dựa vào sự nghèo khó của mình mà giữ lại cho mình thứ gì đó.
Ai trong chúng ta cũng đều hiểu rõ: “Đồng tiền đi liền khúc ruột”. Cho đi của dư thừa đã là khó rồi, cho đi tiền của không dư thừa lại còn khó hơn, còn cho đi chính khúc ruột mình thì thật khó vô cùng. Ấy thế mà bà góa nghèo này đã cho đi khúc ruột của mình, không những thế mà còn cho chính sự sống sót của mình để góp một chút gì đó mà mình có vào nhà Chúa. Với lòng quảng đại ấy, Đức Giêsu đã khen bà, khen không phải vì bà nghèo nhưng khen vì tấm lòng của bà đã dành cho Thiên Chúa, cho đi ngay cái để nuôi sống mình.
Vậy chúng ta có dám cho Chúa và cho nhau chính khúc ruột, chính bản thân của mình không? Đó là những điều kiện của người môn đệ Chúa. Chính Đức Giêsu đã cho ta một bài học quý giá. Ngài là một Thiên Chúa cao sang mà đã không quản ngại đến thân phận của mình, để mang lấy thân phận thấp hèn của một con người như chúng ta; Ngài lại còn hiến mạng sống cho phần rỗi chúng ta vì yêu thương. Vậy ta phải làm gì để đáp lại tình yêu thương đó? Và làm thế nào để không hổ danh là môn đệ của Đức Kitô?
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết quảng đại với Chúa và với anh chị em chúng con, biết chia sẻ cho nhau trong cuộc sống. Xin cho chúng con luôn biết rằng: “Cho thì có phúc hơn lãnh nhận” (Cv 20,35).