Bài Ðọc I: Kn 7, 7-11
“Ðem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không”.
Trích sách Khôn Ngoan.
Tôi đã ước ao được ban sự hiểu biết, tôi cầu khẩn được thần trí khôn ngoan đến cùng tôi. Tôi lấy sự khôn ngoan làm hơn vương quốc và ngai vàng: Ðem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không. Tôi cũng không so sánh nó với kim cương, vì mọi thứ vàng đem so sánh với nó thì kể như hạt cát nhỏ bé, và bạc đem để trước nó thì kể như đất bùn.
Tôi yêu quý sự khôn ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, tôi lấy nó làm hơn được sự sáng, vì sự sáng của nó không hề tắt. Tất cả mọi sự tốt lành đều đến cùng tôi làm một với nó, và nhờ tay của nó, tôi được đoan chính không kể xiết.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 89, 12-13. 14-15. 16-17
Ðáp: Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan (c. 14).
Xướng: 1) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chứ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài. – Ðáp.
2) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin ban niềm vui thế cho những ngày Chúa hạ nhục chúng con, thế cho những năm chúng con mục kích nạn tai. – Ðáp.
3) Xin cho các bầy tôi nhìn thấy sự nghiệp của Chúa, và cho con cháu họ được thấy vinh quang Ngài. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố; xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra. – Ðáp.
Bài Ðọc II: Dt 4, 12-13
“Lời của Chúa phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn”.
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn. Không một tạo vật nào ẩn khuất được trước mặt Chúa; tất cả mọi sự đều phơi trần và tỏ ra trước mắt của Ðấng mà chúng ta phải trả lẽ.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời! – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 10, 17-27
“Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ”. Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”.
Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!” Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”. Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.
{Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”.}
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng:
‘CHO ĐI’ TRÊN ĐƯỜNG THEO CHÂN CHÚA
♦ Lm. Micael Trịnh Minh Tín, SVD
Trong trình thuật Tin Mừng ngày hôm nay, một thanh niên giàu có đã đến gặp Đức Giêsu để tìm kiếm chìa khóa cho sự sống đời đời. Ít ai biết rằng câu trả lời của Đức Giêsu không chỉ thách thức tài sản vật chất của anh chàng, mà còn mời gọi anh ta bắt đầu một hành trình tâm linh sâu sắc. Bất cứ ai trong chúng ta cũng được mời gọi tham dự vào hành trình tâm linh này. Chúng ta hãy cùng suy ngẫm lời mời gọi của Đức Giêsu để khám phá chủ đề: “Cho đi trên con đường theo chân Chúa.”
Đầu tiên, một trong những thách thức lớn nhất trong đời sống mỗi người chúng ta là tách bản thân khỏi sức hấp dẫn của việc sở hữu tài sản vật chất. Tự bản chất, tài sản vật chất không phải là điều gì đó sai trái, và việc sở hữu chúng cũng không làm chúng ta phạm tội. Tuy nhiên, có nhiều người vì sự hấp dẫn của tài sản mà sẵn sàng bán đi tình thân của chính những người ruột thịt trong gia đình; có những người vì lợi ích cá nhân mà bỏ qua lòng đạo đức căn bản khi buôn bán mưu sinh; và tất nhiên có nhiều người xem của cải vật chất trọng hơn đời sống đức tin để rồi không còn thời gian để đến nhà thờ. Chúa Kitô đã nhìn chàng trai giàu có với đôi mắt đầy tràn tình yêu để thốt lên những lời sâu sắc: “Con thiếu một điều: hãy đi, bán những gì con có, và ban phần cho những người nghèo, con sẽ có kho tàng ở trên trời” (Mc 10,21). Ở đây, Đức Giêsu kêu gọi anh chàng phải ưu tiên kho tàng của trái tim hơn là những của cải tạm thời ở đời này. Nói cách khác, Đức Giêsu mời gọi anh chàng giàu có nuôi dưỡng kho tàng trái tim bằng cách ‘cho đi’ những gì mình có và tách rời bản thân ra khỏi sự hấp dẫn của vật chất để mưu cầu hạnh phúc của người khác.
Để minh họa sự quan trọng của việc cho đi, chúng ta không cần phải đi xa, chỉ cần nhớ lại câu chuyện cảm động về đồng xu lẻ của bà góa (x. Mc 12,41-44). Mặc dù chỉ có rất ít, bà đã hiến tặng tất cả những gì bà đang có nhằm nuôi dưỡng trái tim yêu thương của bà. Điều này thúc đẩy chúng ta nghĩ lại về bản thân trên con đường theo Chúa. Trong cuộc sống, liệu chúng ta có sẵn lòng làm giàu sự ‘cho đi’ với tình cảm hiến tặng vô điều kiện như bà góa phụ khiêm nhường này không?
Thứ hai, hành trang cần có trên con đường theo chân Chúa là trao ban tình yêu vô điều kiện (x. Mt 22,37-39). Chúa Kitô dạy chúng ta phải yêu thương người hàng xóm như chính bản thân mình. Điểm quan trọng của việc cho đi không vụ lợi nằm ở đây. Chẳng những chúng ta được kêu gọi cho đi của cải, mà còn cho đi tình yêu. Bằng cách đó, chúng ta thể hiện tình yêu của Chúa trong hành động. Lời khuyên của Thánh Têrêsa Calcutta tô rõ tầm quan trọng trong thái độ cho đi: Quan trọng không phải là chúng ta hiến tặng bao nhiêu, mà là chúng ta đặt vào việc hiến tặng đó bao nhiêu tình yêu. Sự rộng lượng của chúng ta không chỉ được đo lường bằng số lượng mà còn bằng tình yêu được thể hiện những hành động của chúng ta.
Thứ ba, hành trình cho đi được đặt nền tảng trên niềm tin vào sự sắp xếp quan phòng của Chúa (x. Mt 6,28-34). Đức Giêsu hướng dẫn chúng ta tin tưởng vào sự sắp xếp của Chúa thông qua việc quan sát Chúa chăm sóc thế giới, và thậm chí cả một bông hoa ly nhỏ ngoài đồng. Lo lắng thái quá về nhu cầu vật chất có thể làm chúng ta mất tập trung vào hành trình tâm linh. Do đó, tin tưởng vào sự sắp xếp của Chúa giúp chúng ta hiến tặng tự do mà không lo sợ. Lời cầu nguyện của Thánh Phanxicô Assisi nói lên tinh thần này: Bởi vì chỉ khi ta cho đi, ta mới nhận được. Nhìn nhận những lời này, chúng ta hiểu rằng việc hiến tặng không phải là mất mát mà là sự thu được. Khi chúng ta hiến tặng bản thân, chúng ta nhận được niềm vui và sự mãn nguyện từ việc đồng hành với những lời dạy của Chúa Kitô.
Cuối cùng, lời Phúc Âm thách thức chúng ta phải nghiên cứu tâm tính của trái tim chúng ta. Chúng ta có sẵn lòng hiến tặng những kho báu của mình vì lợi ích của việc theo chân Chúa Kitô không? Hãy nhớ đến thanh niên giàu có, người rời đi với nỗi buồn vì cái giá phải trả để được sự sống đời đời dường như quá lớn.
Khi chúng ta bước đi trên hành trình đức tin của mình, hãy tách bản thân khỏi sức hấp dẫn của tài sản vật chất, phục vụ người khác với tình yêu và vô tư, và tin tưởng vào kế hoạch của Thiên Chúa. Bằng cách đó, chúng ta không chỉ tuân theo lời dạy của Chúa Kitô mà còn trải nghiệm sức mạnh biến đổi từ việc ‘cho đi’ trên con đường trở thành môn đệ đích thật của Chúa. Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy dành khoảng trống để Thánh Thần Chúa hướng dẫn chúng ta trong hành trình đức tin này. Điều này giúp chúng ta ôm trọn cuộc sống rộng lượng và vô tư để từ đó bắt chước Đấng hoàn hảo là Đức Kitô, Chúa chúng ta. Amen.
KHAO KHÁT SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
♦ Linh mục Martinô Lê Quang Tuấn, SVD
Mong muốn được sống trường sinh vĩnh cửu, đó là khát vọng căn bản của cuộc sống nhân sinh. Hôm nay chúng ta nghe lại bài Tin Mừng nói lên khát vọng đó: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10, 17). Người thanh niên đặt câu hỏi với lòng khát khao chân lý.
Chúng ta biết chắc chắn đây là người thanh niên tốt lành, tâm hồn cao thượng và nhiều nghị lực. Bằng chứng là Chúa Giêsu có cảm tình ngay với anh khi anh vừa đến. Anh là người giữ đạo với hết bổn phận của mình. Anh đến gặp Chúa không vì tò mò muốn biết giáo lý của Ngài, nhưng với một tâm hồn khao khát chân lý, khao khát lý tưởng cao thượng. Anh muốn tìm một con đường dẫn đến Nước Trời.
Chúa Giêsu thấy rõ tâm hồn thiện chí và đại lượng của anh, nên Ngài nhìn anh với lòng trìu mến. Ngài yêu mến tâm hồn muốn vươn cao của anh. Nhưng Ngài cũng đòi anh phải hiến thân hoàn toàn cho sứ mệnh rao giảng Nước Trời. Sự quảng đại hiến thân đó không phải hệ tại tinh thần thanh thoát khỏi của cải vật chất, mà còn phải thực sự từ khước chúng, phân phát chúng cho người nghèo khó, người xung quanh. Như vậy, Chúa mời gọi anh đi tìm “kho tàng trên trời” chứ không chỉ quanh quẩn với những nhu cầu vật chất trần thế. Ngài muốn anh có một lẽ sống chứ không chỉ bằng lòng với cuộc sống hiện tại.
Lời mời gọi từ bỏ và theo Thầy là một thách đố cho anh để nhận ra đâu là những giá trị đang làm chủ cuộc sống của anh. Lời mời gọi này đã làm anh thất vọng. Anh buồn rầu bỏ đi. Anh buồn vì tưởng là đến với Thầy Giêsu để học được bí quyết trường sinh bất tử. Nào ngờ, Ngài lại cho anh một bài học về thái độ đối với của cải vật chất. Ngài bắt anh phải từ bỏ tất cả. Đây không phải là sự từ bỏ nửa vời, mà là từ bỏ tận gốc, từ bỏ tận căn.
Ước mơ của anh thanh niên này thật đẹp nhưng không thể thực hiện được. Anh là mẫu người say mê lý tưởng nhưng tiền bạc của cải đã trói buộc anh. Chúng làm nhạt nhòa lời mời gọi vươn lên cao của Chúa. Thật sự, anh đã để của cải làm chủ cuộc đời anh và đã làm cho anh mất tự do. Anh không thể xa chúng. Anh không đủ can đảm trả giá cho lẽ sống mà Chúa đề nghị với anh.
Nhân dịp này, Chúa Giêsu đưa ra giáo huấn của Ngài về sở hữu của cải. Của cải là để phục vụ con người chứ không phải là một ông chủ. Của cải cần thiết nhưng không phải lúc nào cũng đem lại cho chúng ta niềm vui. Kinh nghiệm cuộc sống quanh chúng ta đã chứng minh điều này. Vì đất đai tài sản mà nhiều gia đình tan nát, huynh đệ tương tàn, coi nhau như kẻ thù. Vì tiền bạc mà nhiều người coi thường luân lý đạo đức, bán rẻ lương tâm, dùng mọi thủ đoạn mánh lới để kiếm thật nhiều tiền.
Chúa Giêsu nêu lên mối nguy hiểm của tiền của trong cuộc sống con người. Ngài dùng hình ảnh bình dân của người Do Thái lúc bấy giờ: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời” (Mc 10,25). Câu nói bất hủ này của Chúa đã làm các môn đệ ngỡ ngàng và làm sửng sốt biết bao người. Không phải giàu có là được Thiên Chúa chúc phúc sao? Chẳng lẽ theo Chúa thì phải chấp nhận nghèo khổ suốt đời sao? Chắc chắn là không phải như thế. Lời của Chúa hôm nay là một lời cảnh báo chúng ta về cách sống của mình. Vấn đề không phải là của cải nhưng là thái độ đối với việc sở hữu của cải vật chất cũng như tinh thần. Nếu chúng ta để tâm hồn mình bị trói buộc bởi những gì mình sở hữu thì chúng ta sẽ mất tự do, chúng ta sẽ làm nô lệ cho chúng.
Đối với Phật giáo, Tứ Diệu Đế là căn bản giáo lý Nhà Phật. Đức Phật đã chỉ ra nguồn gốc của đau khổ là tham – sân – si. Đó là chạy theo những cái vô thường, những cái chóng qua, dễ thay đổi. Một khi bám chặt vào của cải vật chất, kể cả của cải tinh thần như quyền lực, danh vọng … thường mang lại cho chúng ta nhiều sầu khổ hơn là an vui. Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng phải lo cho cơm áo gạo tiền, tính toán cho tương lai. Chúa cũng không muốn chúng ta sống nghèo khổ. Nhưng Chúa cảnh giác chúng ta về thái độ đối với của cải. Ngài không muốn chúng ta chỉ lo xây dựng cuộc sống trên trần gian, mà quên tìm kiếm kho tàng trên Trời.
Người ta thường nói: “Hà tiện là nguyên nhân của mọi nết xấu” như kiêu ngạo, tham lam, bất công, ham mê lạc thú, … Nhưng nết xấu đầu tiên phải kể là nô lệ tiền của. Một khi nô lệ chúng thì sẽ dễ dàng quên Thiên Chúa, quên ân huệ Ngài ban, quên bổn phận tôn thờ Ngài. Người nô lệ tiền của rất khó có thể được cứu rỗi.
Thật sự, Chúa không đòi hỏi chúng ta phải xa lánh hay chê ghét của cải trần thế, nhưng cần tấm lòng thanh thoát, không nô lệ chúng. Hãy coi chúng như là quà tặng, như ân huệ và như món nợ Thiên Chúa cho vay. Ta sử dụng chúng mà không kiêu căng. Mất chúng mà không đau xót. Đừng để thái độ dính bén, lệ thuộc vào những gì tạm bợ bóp nghẹt đời sống tâm linh chúng ta. Nếu chúng ta bắt đầu nhận ra đâu là giá trị vĩnh cửu, đâu là cái chóng qua: được rồi mất, mất rồi được, và nếu giữ được tâm hồn mình bình an thì đó là thái độ của con người có ‘tâm hồn nghèo khó’. Thái độ này cũng là ơn Thiên Chúa ban chứ không phải do hành động con người.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta cùng nhìn lại cuộc sống của mình. Điều gì đang làm chủ trái tim tôi? Cuộc sống tôi đang bị chi phối bởi những giá trị nào? Tâm hồn tôi có chỗ cho Chúa ngự không?
Người Kitô hữu chúng ta đi theo Chúa là chọn Chúa làm gia nghiệp đời mình. Vì chọn Chúa mà chúng ta dám từ bỏ tất cả những gì ngăn cản chúng ta đến với Chúa. Những cản trở đó có thể là tiền bạc, danh vọng, quyền lực, thú vui. Những cản trở đó có thể là một người mà ta gắn bó, một nơi mà ta không thể dứt bỏ. Những cản trở đó có thể là sự tự ái, ghen ghét, đố kỵ, bất mãn, … Nếu chúng ta biết từ bỏ tất cả những gì cản trở để đến với Chúa, thì ta sẽ đạt được chính Chúa. Được Chúa là được tất cả. Vì Chúa là hạnh phúc ngàn đời của ta.
Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta biết trông cậy vào Chúa, biết đi tìm Chúa là nguồn hạnh phúc vĩnh cửu, thay vì chỉ biết xây dựng đời mình bằng những thứ chóng qua của đời này. Amen.
????????
Linh mục Dòng Ngôi Lời
Chuyện kể rằng: Vào thời chiến quốc, một hôm, có người đến dâng cho vua nước Sở một vị thuốc quí có thể giúp người ta trường sinh bất lão.
Viên quan cận thần chận lại hỏi :
– Vị thuốc này có ăn được không ?
– Thưa, ăn được.
Tức thì viên quan ấy giựt lấy bỏ vào miệng. Truyện đến tai vua, ngài đùng đùng nổi giận:
– Đem mà chặt đầu nó đi.
Viên quan chắp tay vái :
– Nghe người dâng thuốc nói là thuốc bất tử lại ăn được, thần mới dám ăn. Thuốc bất tử nghĩa là ăn vào rồi thì không còn có thể chết được. Thế mà vừa nuốt khỏi miệng, thần đã sắp phải chết. Như vậy là thuốc tử. Tại sao người ta lại gọi là thuốc bất tử được?
Vua Sở, lúc bấy giờ, mới ngộ ra là mình bị lừa liền cho chém đầu người dâng thuốc.
Trường Sinh bất lão là giấc mơ của hầu hết con người trên thế gian này. Tuy nhiên, làm thế nào để có được nó thì không ai biết được. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay sẽ chỉ cho chúng ta cách thức làm thế nào để đạt được sự sống vĩnh cửu.
- Hai bước cần thiết để có sự sống đời đời làm gia nghiệp
Trước thái độ cung kính và thành tâm của một người khao khát muốn “có được sự sống đời đời làm gia nghiệp”, Đức Giêsu đã không dấu diếm. Ngài từng bước chỉ dẫn cho anh ta biết phải làm như thế nào. Quá trình này cụ thể đối với cá nhân người này gồm 2 bước:
Bước thứ nhất: Người này phải giữ những điều răn như: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Bước này xem ra không là vấn đề với người ấy. Anh đã làm từ lúc còn nhỏ. Điều đó làm cho Đức Giêsu cảm thấy có cảm tình. Ngài nhìn người ấy với ánh mắt trìu mến và “đem lòng yêu mến”.
Bước thứ hai: Người ấy đã đi một bước dài khá tốt. Tuy nhiên, hãy còn một bước quyết định để có thể có được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Bước này lại gồm ba hành động: (1) “Đi bán những gì anh có”; (2) “Cho người nghèo”; (3) “Đến theo tôi.”
Muốn được sự sống đời đời làm gia nghiệp, tức là ở trên quê trời với Chúa, thì phải có kho tàng trên trời cộng với việc “đến theo” Đức Giêsu. Kho tàng trên trời được mua bằng tất cả những gì người ấy đang có và một lòng trắc ẩn đối với người nghèo.
Thật ra, trong bước thứ nhất, Đức Giêsu đã cố tình không nêu hết mười điều răn của Chúa. Hầu hết những điều răn anh ta giữ từ nhỏ đều mang tính thụ động. Ngoại trừ một điều răn mang tính chủ động: “hãy thờ kính cha mẹ”, cũng chỉ mang tính nội bộ gia đình. Theo tác giả William Barclay, những hành vi của người ấy có thể được diễn giải thế này: “Trong cuộc đời tôi chưa hề làm điều gì hại ai”. Thế nhưng câu hỏi thật sự quan trọng hơn là: “Anh đã làm điều gì tốt cho ai với những gì anh đã được lãnh nhận?”.
Người ấy chỉ thiếu một điều nhưng dường như là thiếu tất cả. Nếu đặt điều người ấy thiếu dưới ánh sáng của dụ ngôn “Ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khổ” (Lc 16,19-31) thì sẽ thấy điều anh ta thiếu lớn đến mức nào. Nó có khả năng hủy diệt anh ta mãi mãi.
Bước thứ hai này đòi hỏi người ấy phải thoát ly khỏi những gì mình có, sẵn sàng từ bỏ mọi sở hữu vật chất trần thế. Hơn nữa, người ấy phải chạm đến nỗi đau của người nghèo, phải làm gì đó cho người nghèo. Và cuối cùng là “theo” Đức Giêsu. Với tư cách là môn đệ, người ấy sẽ làm việc của một công dân Nước Trời, vương quốc sự sống vĩnh cửu. Những hành động này diễn tả một sự nối kết tuyệt đối chặt chẽ với Chúa và với tha nhân, đặc biệt là những người nghèo khổ. Đó là đòi hỏi nền tảng trong lời rao giảng khai mạc của Đức Giêsu: “hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Dĩ nhiên, người ấy đã không có được sự sống đời đời làm gia nghiệp bởi lẽ người ấy vẫn yêu mến cuộc sống tạm bợ; người ấy không muốn rời bỏ khối tài sản kết xù của mình.
- Trở ngại của người giàu trên hành trình vươn đến “sự sống đời đời”
Trước tình cảnh như thế, Đức Giêsu đã nói lên một thực tế lắm phũ phàng: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” (Mc 10,23). Dĩ nhiên, ai cũng biết là Đức Giêsu không khinh chê sự giàu sang, sung túc. Ngài càng không muốn đả phá lòng tin của người Do Thái về hồng ân được sống sung túc. Thực vậy, người Do Thái tin rằng: Người giàu sang là người được Chúa chúc phúc. Điều Đức Giêsu muốn nói đến là sức hút của của cải, tiền bạc. Chúng có khả năng làm cho người ta không còn nghĩ đến Chúa và không cần nghĩ đến tha nhân. Thỏa mãn với những giá trị vật chất người ta không buồn nghĩ đến sự sống đời đời. Coi trọng tiền của, người ta có thể coi nhẹ chân lý, công lý, nhân nghĩa và tha nhân.
Niềm tin vào hồng ân sung túc làm cho các môn đệ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi Đức Giêsu nói như than vãn: Người giàu có vào nước Thiên Chúa còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim (x. Mc 10,25). Đây là một lối nói ngoa dụ với ẩn ý rằng: Người giàu hầu như không thể vào Nước Thiên Chúa được. Các môn đệ có niềm tin vào sự chúc phúc của Thiên Chúa trên những người giàu sang, còn kẻ nghèo khó, bệnh tật thì thiếu sự chúc lành của Chúa. Hơn nữa, người giàu mới có những lễ phẩm tốt đẹp dâng lên Thiên Chúa và có khả năng làm phúc. Với những điều kiện tốt như thế mà khó vào Nước Thiên Chúa thì còn ai có thể được vào?
Mấu chốt, chìa khóa Nước Trời nằm ở nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa có khả năng biến điều không thể thành có thể miễn là con người biết “hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Bằng chứng là Đức Giêsu đã công bố ơn cứu độ nhãn tiền cho Giakêu, một thủ lãnh của người thu thuế giàu sụ và là người tội lỗi. Giakêu đã biết dâng của cải của mình cho người nghèo và bồi thường cho những thiệt hại do mình gây ra và quan trọng hơn là ông đã mạnh dạn tìm kiếm và đón tiếp Đức Giêsu vào nhà mình, vào lòng mình (x. Lc 19,1-10).
- Viễn ảnh của sự sống đời đời
Trước nghi vấn của thánh Phêrô cùng các môn đệ, Đức Giêsu như mở ra một viễn ảnh của sự sống đời đời mà người ấy muốn nhắm đến. Người ấy đã không bán tất cả những gì mình có mà cho người nghèo và theo Đức Giêsu, nên người ấy sẽ không được nếm trải viễn ảnh của một sự sống đời đời. Còn tất cả những ai dám “bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng” thì ngay đời này sẽ “nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (x. Mc 10,29-30).
Cụm từ “cùng với sự ngược đãi” được xen vào viễn ảnh tươi sáng của một đời sống vĩnh cửu là một lối diễn tả hoàn cảnh thực tế và hiện tại của người môn đệ Chúa Kitô. Hội Thánh thế kỷ thứ nhất đang chịu sự bách hại và các tín hữu qua mọi thời cũng không tránh khỏi những cơn bách hại, ngược đãi như thế.
Dĩ nhiên, không thể hiểu rằng những người dám từ bỏ mọi sự để theo Chúa thì sẽ được giàu sang, phú quý hơn, được sở hữu nhiều nhà cửa ruộng vườn hơn người khác. Viễn ảnh Nước Trời, viễn ảnh của một sự sống vĩnh cửu là viễn ảnh của tình yêu, tình gia đình. Con dân Nước Trời không coi trọng của cải, sẵn sàng bỏ mọi sự làm của chung (Cv 2,44). Biên giới gia đình không còn giới hạn trong tương quan máu huyết, nhưng được mở rộng ra đến vô tận. Những thành viên của Giáo Hội sơ khai xem tất cả mọi người là anh chị em của nhau. Thánh Phaolô gọi Ônêximô là con của mình (Plm10). Ngài xem các công việc ngài thực hiện ở giữa những người Thêxalônica như là người y tá chăm sóc trẻ thơ và người cha khích lệ con mình (1Tx 2,7-12). Ngài gọi mẹ của anh Ruphô là mẹ của mình (Rm 16,13). Xem người khác như người nhà và đến bất kỳ nơi đâu cũng được đón tiếp như người nhà, là viễn ảnh tươi đẹp của cuộc sống người môn đệ Chúa Giêsu. Một lối sống gần Chúa và gần tha nhân nhất là hiện tại bình an và tương lai tươi sáng cho những ai mơ ước “sự sống đời đời làm gia nghiệp”.