Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 22 Thường Niên – Năm B

0
752

Bài Ðọc I: Ðnl 4, 1-2. 6-8

“Các ngươi hãy tuân giữ các giới răn và đem thực hành bằng việc làm”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói với dân chúng rằng: “Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền dạy các ngươi. Các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của các ngươi trước mặt muôn dân, để khi nghe nói đến tất cả các lề luật ấy, họ nói: ‘Thật, dân tộc vĩ đại này là một dân khôn ngoan và sáng suốt’. Không một dân tộc nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta, ở bên cạnh chúng ta, khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như ta trình bày trước mặt các ngươi hôm nay không?”

“Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt đời các ngươi đừng quên và đừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 14, 2-3ab. 3cd-4ab. 4c-5

Ðáp: Lạy Chúa, ai sẽ được ở trong đền tạm Chúa? (c. 1a)

Xướng: 1) Người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống. – Ðáp.

2) Người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận. Người coi rẻ đứa bất nhân, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa. – Ðáp.

3) Người dẫu thề điều chi bất lợi, cũng không thay đổi, không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương. Người thực thi những điều kể đó, thì muôn đời chẳng có lung lay. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Gc 1, 17-18. 21b-22. 27

“Anh em hãy thực thi lời đã nghe”.

Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em thân mến, mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do tự trời, bởi Cha sáng láng ban xuống, nơi Người không có thay đổi và cũng không có bóng dáng sự thay đổi. Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật.

Cho nên anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác, anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em, lời có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.

Lòng đạo đức trong sạch và tinh tuyền đối với Thiên Chúa Cha là: thăm viếng cô nhi quả phụ trong cơn quẫn bách, và giữ mình khỏi mọi ô uế đời này.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23

“Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”.

Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”.

Ðó là lời Chúa.


Bài giảng Chủ đề:

TỪ ĐÔI BÀN TAY KHÔNG THANH SẠCH ĐẾN TÂM HỒN Ô UẾ [1] (Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD)

Những khó khăn ngăn trở đến từ những người đồng hương là một phần không thể thiếu, trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng của những vị ngôn sứ xưa nay. Đức Giêsu, Thiên Chúa Nhập Thể, vị ngôn sứ của Tin Mừng Nước Thiên Chúa, cũng không ngoại lệ. Ngài đã nếm trải bao sự chống đối từ những người cùng làng đến những người xa lạ. Tuy nhiên, cuộc tranh luận trong đoạn Tin Mừng Mc 1,1-23 ở một cấp độ cao hơn. Đây là cuộc tranh luận giữa những người “học cao hiểu rộng”, “có chức có quyền”, đến từ kinh thành Giêrusalem. Giêrusalem chính là tử địa của vị ngôn sứ Giêsu. Những người quyền cao chức trọng đến từ đó hẳn không mang đến cho Đức Giêsu những điều dễ chịu. Các môn đệ của Đức Giêsu hẳn nhiên là người Do Thái. Tuy nhiên, có lẽ khi theo Đức Giêsu, các ông đã không giữ các tập tục của tiền nhân: “Thực hành nghi thức thanh tẩy đôi bàn tay trước khi ăn uống”. Hoặc là, họ không thuộc nhóm những người Do Thái sùng đạo nên không giữ tập tục này một cách kỹ lưỡng như những Kinh Sư và Pharisêu. Dù lý do là gì cũng không quan trọng. Đó chỉ là khung nền, nguyên cớ cho cuộc tranh luận về lòng thờ kính Thiên Chúa đích thực. Đức Giêsu không giải thích lý do tại sao các môn đệ của Người lại không rửa tay trước khi ăn uống. Người nói thẳng vào vấn đề “tấm lòng” của một người thờ kính Thiên Chúa đích thực. Thanh tẩy đôi bàn tay trước khi ăn cũng như thanh tẩy lòng mình, con người mình trước khi tham dự tiệc Chúa. Lời trích của ngôn sứ cho thấy “dân này thờ Chúa bằng môi miệng, còn trái tim của họ thì xa Chúa”. Đó là một thái độ thờ phượng giả dối, giả hình. Bằng chứng là họ giữ các tập tục của tiền nhân (rửa tay trước khi ăn) nhưng lại bỏ lơ những điều răn của Thiên Chúa. Một trong những điều răn quan trọng là “tôn kính cha mẹ”. Nại lý do là “Corban” (lễ phẩm), những tập tục của tiền nhân cho phép người ta thoái thác trách nhiệm chăm lo, phụng dưỡng cha mẹ của mình. Đó là thờ kính Chúa bằng môi miệng, mà không có tấm lòng yêu mến điều răn Chúa thật sự. Sự giả hình thể hiện ở chỗ là trong những thực hành đạo đức của họ, chỉ có những nghi thức bên ngoài mà không có lòng yêu mến bên trong.

Câu chuyện tranh luận về truyền thống giữ “nghi thức rửa tay” lại được tiếp tục bằng sự kiện Đức Giêsu gọi đám đông đến mả bảo rằng: “Tất cả hãy nghe tôi và hãy hiểu” (Mc 7,14). Lời mời gọi này phảng phất lời mời gọi nổi tiếng “shema” (Hãy nghe đây) của ông Môsê trong sách Đệ Nhị Luật (Đnl 6,5). Qua đó, Đức Giêsu công bố một điều mới mẻ và long trọng cho toàn bộ dân chúng. Không có cái gì từ bên ngoài đi vào làm cho người ta ra ô uế, nhưng cái từ bên trong con người đi ra mới làm cho người ta ra ô uế (Mc 7,15). Tuyên bố này đụng chạm đến truyền thống Cựu Ước, quy định về những con vật ô uế, không ai được ăn (Lv 11). Phải chăng Đức Giêsu muốn chấn chỉnh những điều luật liên quan đến những con vật không thanh sạch trong sách Lê-vi? Có lẽ là không. Điều Người muốn nhấn mạnh ở đây là linh hồn của lề luật. Nó hệ tại ở trái tim con người. Nói như thánh Phaolô: “Không có gì tự nó là không thanh sạch” (Rm 14,14). Thiện ác tại tâm. Chính từ lòng người sinh ra những điều tốt lành; cũng chính lòng người sinh ra những ý định xấu xa, tội lỗi. Tuy nhiên, lời công bố của Đức Giêsu cũng làm cho chính các môn đệ cũng phải bối rối, khó hiểu. Suy cho cùng, họ cũng là những người Do Thái. Dù cho họ không quá đạo đức truyền thống thì họ cũng biết ít nhiều về luật lệ cấm ăn thịt những con vật bị xem là ô uế. Đức Giêsu đã giải thích một cách cặn kẽ bằng một minh chứng cụ thể. Mọi thức ăn đều đi vào bao tử rồi đi ra ngoài toilet. Chúng không xâm chiếm “trái tim” và làm ô uế con người. Ngược lại mọi suy nghĩ ý định xấu lại xuất phát từ trái tim của con người. Những thói hư tật xấu mà Đức Giêsu liệt kê (tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, con mắt xấu xa, phỉ báng, kiêu ngạo, ngu muội) chắc chắn chưa phải là tất cả nhưng chúng tượng trưng cho toàn bộ những thói xấu trong con người. Chúng cũng gợi nhớ đến những điều cấm căn bản trong Thập Điều (Xh 20,1- 17; Đnl 5,1-22). Lòng người, trái tim con người, nếu không hướng về Chúa là chân, thiện, mỹ thì sẽ hướng về ma quỷ là cội nguồn của mọi thói hư tật xấu giết chết con người. Tranh luận của Đức Giêsu với những kinh sư và những người pha-ri- sêu, những chỉ dẫn của Người dành cho đám đông và những lời giải thích dành cho các môn đệ cũng là tổng quan của những vấn đề không thể tránh khỏi trong cộng đoàn Máccô thế kỷ thứ nhất. Đó là một cộng đoàn bao gồm hai nhóm tín hữu riêng biệt: (i) Các tín hữu gốc dân ngoại với những thực hành của riêng họ (ii) Các tín hữu gốc Do Thái với những phong tục và truyền thống lâu đời của họ. Làm sao để dung hòa giữa hai nhóm người này là một bận tâm không nhỏ của những lãnh đạo của cộng đoàn. Họ phải tìm cách giải thích Lề Luật, truyền thống một cách khéo léo và uyển chuyển sao cho cốt lõi, nét đẹp của Lền Luật Do Thái không bị mất đi, mà vẫn tìm được sự đồng thuận của những người gốc dân ngoại.

Mục tiêu và cùng đích của mọi thánh Luật, mọi nghi thức đều là giúp người ta vươn đến sự thánh thiện của Thiên Chúa, là Đấng Thánh. “Trái tim”, “lòng người” là yếu tố quan trọng nhất trong mọi thực thi lề luật và nghi thức. Trong mọi việc các tín hữu làm để phụng thờ Thiên Chúa, có bao nhiêu tấm lòng người tín hữu đã đặt trong đó. Nếu như mọi hành động, suy nghĩ, lời nói của họ đều phát xuất từ trái tim yêu thì họ sẽ đạt đến Chúa, Đấng là nguồn chân thiện mỹ. “Phúc cho những ai có trái tim tinh tuyền, vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Một trái tim trong sạch sẽ giúp cho người ta nhìn thấy Chúa trong mọi người, mọi loài thụ tạo, ở mọi nơi, trong mọi lúc. Thánh Phanxicô là vị thánh của hòa bình, của sự hòa hợp với thiên nhiên, bởi trong mọi sinh vật cỏ cây hoa lá ông đều nhìn thấy Chúa. Ngài có thể nói chuyện với cỏ cây, hoa lá, mặt trời, mặt trăng bởi lẽ trong mọi loài thụ tạo thánh nhân thấy được vẻ đẹp của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo. Sở dĩ thánh nhân có thể thấy Chúa trong mọi loài thụ tạo bởi vì ngài có một trái tim yêu tinh tuyền không bị vấy bẩn bởi những suy nghĩ xấu xa, hèn hạ. Xin cho mỗi người con dân của Chúa đều có một trái tim tinh tuyền hướng về Thiên Chúa thật sự trong những việc phụng thờ, đạo đức thường ngày. Việc phụng thờ Thiên Chúa thật sự, giúp họ hướng về tha nhân thật lòng, nhất là đối với việc phụng dưỡng cha mẹ và chăm sóc những anh chị em trong gia đình mình. Amen.

[1] Trích trong Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXII TN-B (Mc 7,1-8.14-15.21- 23) – Tỉnh Dòng Ngôi Lời – Giuse Việt Nam (ngoiloivn.net)


HÀNH ĐỘNG BẰNG TRÁI TIM (Tu sĩ F.X. Nguyễn Trung Tuyến, SVD)

“Xin mọi người nghe tôi nói đây và hiểu cho rõ.”

Qua các bài đọc hôm nay, chúng ta khám phá ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và là Đấng truyền dạy chân lý một cách trung kiên và dũng cảm. Lời Chúa như là một lời nhắc nhở mỗi người chúng ta. Truyền thống, luật lệ và nghi thức là những điều cần thiết, nhưng không được quên điều tiên quyết của luật Chúa là yêu thương. Tôn kính Thiên Chúa qua phụng vụ là điều phải làm, nhưng phải đặt trái tim và cuộc sống của mình vào trong đó. Chúng ta vẫn có thể bị lẫn lộn cái chính với cái phụ.

Trong bài đọc một, ông Môsê quả quyết với dân rằng Thiên Chúa yêu thương dân Người và muốn cho họ được thành công, đạt được những ước vọng. Họ sẽ mãn nguyện nếu họ tuân giữ những giáo huấn của Thiên Chúa. Thiên Chúa cam kết với dân rằng sẽ ban cho họ một đất nước làm gia nghiệp; và Người đã giữ lời hứa. Trong khi đó, dân thì lại bất trung. Từ khi đi vào đất Canaan, lúc nào dân cũng có khuynh hướng từ bỏ đạo của mình mà theo đạo của các dân láng giềng. Họ thường từ bỏ các điều răn, từ việc không tuân giữ ngày Sabát cho đến việc bất kính cha mẹ; họ cũng vi phạm những điều răn liên quan đến việc bảo vệ người nghèo và công bằng xã hội. Một cách tổng quát chúng ta thấy rằng: thứ nhất, Thiên Chúa ban đất cho dân để họ được sống hạnh phúc. Thứ hai, miền đất Thiên Chúa trao ban sẽ là miền đất của công lý và hòa bình. Thứ ba, Đất Thánh là không gian trong ấy mọi người học cách sống theo Luật của Thiên Chúa.

Trong bài đọc hai, thánh Giacôbê Tông Đồ nói đến mọi ơn lành và phúc lộc, nhất là Lời chân lý, đều phát xuất từ Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng cũng là Cha yêu thương của chúng ta. Nếu ví Thánh Kinh như một tấm gương, thì Thánh Kinh có thể vạch trần sự kiêu hãnh của chúng ta, phơi bày sự dối trá, tính tham lam hoặc ghen tương của chúng ta. Nhưng, Thánh Kinh cũng bảo đảm rằng Thiên Chúa là Đấng đã sáng tạo chúng ta theo hình ảnh của Người. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và ân sủng của Người không chỉ đủ mà còn dư tràn để biến đổi chúng ta. “Hãy đón nhận Lời có sức cứu độ của Thiên Chúa và đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Gc 1,22). Thánh nhân nói tiếp “chỉ nghe Lời Thiên Chúa thôi thì không đủ”. Thật vậy, chỉ nghe Lời của Thiên Chúa thôi thì sẽ không dẫn đến sự lớn lên trong ân sủng và trong các nhân đức. Chúng ta phải vừa là “người lắng nghe” vừa là “người thực hành” Lời Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa có sức mạnh biến đổi chúng ta – nhưng mức độ cao thấp còn tùy thuộc sự cộng tác của chúng ta với Lời ấy. Vì thế chúng ta được mời gọi đọc Thánh Kinh mỗi ngày; đồng thời biến những gì mình đọc được ra thành hành động.

Bài đọc một liên kết khăng khít với bài đọc hai để cùng nhau đưa ra lời khuyên bảo giúp chúng ta trở thành những người biết sống và thực hành lời Chúa. Thánh Giacôbê khẳng định rằng nếu chúng ta là những người chân thành sống lời Chúa dạy bảo thì những ơn lành và phúc lộc của Chúa ban sẽ tràn đầy trong cuộc sống, và cuộc sống của chúng ta sẽ có những kết quả tốt đẹp. Ngang qua việc tham dự Thánh lễ và lắng nghe Lời Chúa, chúng ta hãy tự hỏi bản thân đã đem Lời Chúa về gia đình, và có sống, thực hành Lời đó không? Lý do nào cản trở chúng ta thành tâm đem Lời Chúa vào trong đời sống hàng ngày? Nếu chúng ta chỉ nghe mà không thực hành thì như lời thánh Giacôbê nói, chúng ta đang tự lừa dối chính mình.

Bài Tin Mừng hôm nay khởi đi từ chuyện các môn đệ không rửa tay trước khi ăn. Hành vi này đã bị những người Biệt phái và Luật sĩ lên án: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Thật ra Ðức Giêsu chẳng phản đối gì chuyện rửa tay, nhưng Ngài thấy rõ vẻ giả hình của họ vì họ chẳng để ý đến chuyện tẩy rửa trái tim. Rửa tay để được yên tâm, mãn nguyện, tránh khỏi phải rửa tâm hồn là điều khó hơn. Ðức Giêsu cho ta thấy cái ô uế thực sự lại không đến từ đụng chạm hay ăn uống. Cái ô uế đáng sợ nằm ngay trong trái tim mỗi người. Nó không từ ngoài vào, nhưng từ trong ra. Nười kể ra mười hai ý định xấu xa bắt nguồn từ trái tim, ý định xấu dẫn đến hành động không đẹp. Chúng ta cần trở về với trái tim của mình, can đảm nhìn thẳng vào cái tôi của bản thân. “Hãy tạo cho mình một trái tim mới” (Ed 18,31). Hãy cậy dựa vào Chúa để được Người “ban cho các ngươi một trái tim mới” (Ed 36,25tt).

Cuộc sống hằng ngày của tất cả chúng ta bị ảnh hưởng, bằng cách này hay cách khác, không ít thì nhiều, bởi những hoàn cảnh, tình huống bên ngoài hay những người chung quanh. Tùy theo và qua những ảnh hưởng này tác động vào trong con người mà chúng ta biểu lộ ra bên ngoài những cảm tình, tư tưởng, lời nói, hành động tiêu cực hay tích cực, cần thiết và hữu ích cho đời sống. Chẳng hạn như sự bày tỏ tình thương và sự lo lắng của một người mẹ, người cha đối với con cái hay những người trong gia đình; thái độ khi tham gia giao thông; hành vi xếp hàng thứ tự để mua hàng, để khám bệnh, v.v.; ý thức không xả rác ngoài đường phố, nơi công cộng hay chung quanh nhà thờ. Cách nào đó, những thái độ và hành vi đó làm lộ lên con người bên trong của mỗi người chúng ta.

Hay nói cách khác, cuộc sống hằng ngày của chúng ta bị chi phối, ảnh hưởng bởi luật lệ xã hội, bởi những trách nhiệm và bổn phận với gia đình và tôn giáo. Chúng ta nhận biết luật lệ rất cần thiết cho đời sống vì chúng bảo vệ và duy trì cho chúng ta một đời sống hạnh phúc, bình an và tự do, cũng như nhân phẩm được tôn trọng. Do đó, cần phải phân định rõ ràng giữa sạch sẽ và ô uế, thánh thiện và tội lỗi, cái tâm bên trong và hình thức bên ngoài. Bởi vì, cái nguồn chính yếu đích thực của tất cả đời sống luân lý nằm ở “trái tim” con người.

Đây là dịp rất tốt để chúng ta nhìn lại chính mình. Chúng ta hãy kiểm chứng lại những hành vi của mình. Tất cả sẽ trống rỗng, nếu thái độ bên trong và điều mà người khác nhìn thấy nơi chúng ta không tương ứng, thích hợp với nhau. Những việc đạo đức, những việc lành, những việc thiện có phát xuất từ tâm hồn yêu mến biết ơn, hay chỉ là để khoe khoang, phô trương. Đơn cử, chúng ta tham dự Thánh lễ chỉ vì thói quen, truyền thống, hay là tự thẳm sâu của tâm hồn muốn bày tỏ lòng yêu mến Chúa. Những bài Kinh Thánh tuần này nhắc nhở và giúp chúng ta hiểu, ý thức được những ảnh hưởng khác biệt của luật lệ hay hoàn cảnh trong đời sống tôn giáo, cũng như nguyên nhân, cội nguồn của lời nói, hành động và thái độ của chúng ta biểu lộ ra bên ngoài. Thật vậy, nếu chúng ta thành tâm sống giáo huấn của Thiên Chúa thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ được hạnh phúc. Và chính cuộc sống của chúng ta sẽ làm vinh danh Thiên Chúa. Đồng thời ánh sáng của Chúa ở trong chúng ta sẽ chiếu tỏa đến muôn người. Cũng vậy, nếu trong mỗi gia đình, cha mẹ, con cái đều ý thức và thành tâm trung thành và chu toàn những bổn phận trong tình yêu thương, thì chắc chắn rằng gia đình đó sẽ luôn hạnh phúc và thuận hòa.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con dọn sạch những bề bộn nơi trái tim. Xin biến đổi trái tim con, để nó trở nên đơn sơ, thanh sạch và thánh thiện hơn. Ước gì con luôn biết nhìn mọi sự, mọi người, bằng trái tim bao dung của Chúa. Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình, trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn để yêu mến mọi người. Amen.


 

SỰ HIỆN DIỆN MỚI CỦA CHÚA GIÊSU (Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Nhiệm, SVD)

Trong Cực Ước, Thiên Chúa đến với dân của Ngài bằng dạy dỗ và yêu thương qua miệng các ngôn sứ. Chúng ta có thể nói các ngôn sứ là người trung gian trong bản giao ước song phương giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Bản giao ước nêu ra hai điều kiện rõ ràng và cụ thể. Điều thứ nhất, dân phải tôn thờ, lắng nghe và thi hành mệnh lệnh của Thiên Chúa. Điều thứ hai, như hệ quả của mối tình liên hảo khi dân nghe Thiên Chúa để được Thiên Chúa chăm sóc và bảo vệ dân.

Lời Chúa trong Tân Ước, cụ thể bốn sách Tin Mừng cho người đọc cảm nghiệm được Thiên Chúa hiện diện với dân không qua trung gian nhưng bằng chính Con Một của Ngài, Ngôi Lời Nhập Thể. Ngôi Lời Nhập thể đưa lại một sự hiện diện mới của Thiên Chúa là ban tặng cho con người sự sống đích thực trong chân lý của Ngài.

Chúng ta đi tìm hiểu các bài đọc hôm nay về sự hiện diện của Thiên Chúa bằng tình yêu được thể hiện trọn vẹn trong Đức Giêsu Kitô như thế nào.

Bài đọc thứ nhất trích từ sách Đệ Nhị Luật diễn tả Thiên Chúa đến với dân Ngài là một Thiên Chúa yêu thương và khôn ngoan. Qua ông Môsê, Thiên Chúa nói với dân Ítraen hãy lắng nghe lệnh truyền của Ngài và đưa ra thực hành để được đất hứa làm gia nghiệp, được kể là dân vĩ đại và thông minh giữa môn dân (x. Đnl 4,2.6).

Bài đọc thứ hai trích thư của thánh Giacôbê tông đồ giúp chúng ta cảm nhận về Thiên Chúa là nguồn mạch của sự sống bất diệt. Ngài ban muôn phúc lành cho con người bằng Lời cứu độ của Ngài. Vì thế, thánh nhân tha thiết mời gọi chúng ta đưa lời Chúa ra thực hành ngay trong đời sống bằng việc biểu lộ lòng nhân ái với anh chị em và giữ mình khỏi mọi vết nhơ của trần thế. Đức Giê-su cho chúng ta thấy những vết nhơ đó là gì trong bài Tin Mừng hôm nay?

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã minh chứng sự hiện diện mới của Ngài bằng bài giáo lý mới về tính chân thật trong việc tôn thờ Thiên Chúa. Sự việc xảy ra khi người Pharisêu và một số kinh sư chất vấn Đức Giêsu vì môn đệ của Ngài không rửa tay trước bữa ăn theo truyền thống của tiền nhân (x. Mc 7,1-5). Đức Giê-su đã phản bác lối sống phô trương bên ngoài của họ thiếu tình yêu và tính trung thực. Ngài vạch rõ sự giả trá của những người chỉ tôn kính Thiên Chúa bằng môi miệng, nhưng con tim của họ lại xa Ngài (x. Mc 7,6). Cuối cùng, Đức Giê-su đã rút ra một bài học cho mọi thính giả về việc yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa như thế nào cho phải đạo làm con, Ngài nói:

“Xin mọi người hãy nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ta ra ô uế được; nhưng chính cái từ trong con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độ ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,14b-15.21-22).

Kinh Thánh cho biết Đức Giê-su đến không phải để phá hủy lề luật nhưng để kiện toàn và làm cho lời các ngôn sứ nói về Ngài nên trọn. Sự hiện diện mới của Ngài đưa con người đến một chân lý vẹn toàn. Ngài mạc khải cho các môn đệ rằng: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Đám đông dân chúng thán phục về Ngài, “Vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (Mt 7,29). Vì vậy, Đức Giêsu không thể có sai lầm khi đưa ra một giáo lý mới. Việc tôn thờ Thiên Chúa trong chân lý và sự thật là trở nên hoàn thiện như Thiên Chúa, Đấng ở trên trời (x. Mt 5,43-48), là không để cho tâm hồn mình ra ô uế trong tương quan yêu thương với anh chị em. Chính vì thế Đức Giê-su đã thâu tóm mười điều luật thành giới luật trên hết và độc nhất, đó là mến Chúa và yêu người (x. Mt 23,37-39).

Nhìn vào thực tế xã hội hôm nay, chúng ta xót xa cho những điều không thanh sạch phát ra từ lòng người. Hậu quả là đưa con người đến nhận thức và ứng xử kém về chuẩn mực đạo đức xã hội trong tương quan giữa người với người. Căn bệnh “tham” và bệnh “thượng và duy tôi” đã chiếm lấy lòng người. Do đó, xã hội, đoàn thể, gia đình không thể tránh khỏi hận thù, chia rẻ, tham lam, thiếu bình đẳng, thiếu bao dung, tha thứ và thiếu đi sự hiện diện của Đức Giêsu và thánh thần của Ngài.

Xin được lấy mẫu gương sống niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận; ngài đưa ra một quan điểm rõ ràng về thái độ của con người sống cho Thiên Chúa và tha nhân. Câu chuyện trong tù của Đức Hồng Y đã nói lên rằng Thiên Chúa là gia nghiệp đích thực ngài. Quan điểm tích cực và niềm tin mạnh mẽ vào cuộc sống giúp cho ngài buông “tham sân si” và làm cho lòng mình nên thanh sạch. Đức Hồng Y nêu rõ, “Trần gian là nơi tạm trú, sao còn bo bo dành cho được sở này, chức kia, tiếc đuối chiến bàn, chiếc ghế…? Con sẽ mang nó vào thiên đàng hưởng phúc đời đời sao? Phi lý và điên khùng!” (Đường Hy Vọng, số 672).

Lời Chúa trong thánh lễ Chúa Nhật hôm nay mời gọi mọi người Kitô hữu chúng ta tôn thờ Thiên Chúa bằng tấm lòng chân thật với tâm tình yêu mến và tri ân. Điều làm cho tâm hồn của con người nên thanh sạch và trong sáng là bởi mối tình yêu thương phát xuất từ tâm hồn ngay thẳng trong tương quan với Thiên Chúa và anh chị em của mình. Tôi xin được mượn lời của thánh Tôma Aquinô để làm lời kết cho bài chia sẻ hôm nay: “Đức mến là nữ vương các nhân đức, ai đã có tình mến tất nhiên các nhân đức khác phải theo vào” (1001 Danh ngôn các Thánh, số 854).

 

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy Tuần 21 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật Tuần 22 TN-B)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.