Bài Ðọc I: 1 Sm 3, 3b-10. 19
“Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.
Trích sách Samuel quyển thứ nhất.
Ngày ấy, Samuel ngủ trong đền thờ Chúa, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Chúa đã gọi Samuel; cậu trả lời: “Này con đây”, rồi chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli trả lời: “Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel đi ngủ lại. Nhưng Chúa gọi Samuel lần nữa, và Samuel chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli trả lời: “Này con, Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel chưa nhận ra Chúa, và lời Chúa chưa được mạc khải cho cậu. Chúa lại gọi Samuel lần thứ ba. Cậu chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli biết Chúa đã gọi Samuel, nên nói với Samuel: “Hãy đi ngủ, và nếu Người còn gọi con, thì con nói rằng: ‘Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe'”. Samuel trở về chỗ mình và ngủ lại. Chúa đến gần và gọi Samuel như những lần trước: “Samuel, Samuel!” Và Samuel thưa: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.
Phần Samuel ngày càng lớn lên. Chúa hằng ở cùng cậu, và cậu không để rơi mất lời nào của Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 39, 2 và 4ab. 7-8a. 8b-9. 10
Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).
Xướng: 1) Con đã cậy trông, con đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên con, Ngài đã đặt trong miệng con một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta. – Ðáp.
2) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”. – Ðáp.
3) Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con. – Ðáp.
4) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại Hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. – Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Cr 6, 13c-15a, 17-20
“Thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, thân xác không phải vì dâm dật, mà vì Chúa, và Chúa vì thân xác. Thiên Chúa đã cho Chúa sống lại, cũng sẽ dùng quyền năng Người cho ta sống lại.
Anh em không biết thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô sao? Nhưng ai kết hợp với Chúa thì nên một thần trí. Vậy hãy xa lánh dâm dật. Mọi tội lỗi người ta phạm đều ngoài thân xác, nhưng kẻ tà dâm thì phạm tội trong thân xác mình. Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần, Ðấng ngự trong anh em mà anh em đã nhận lãnh nơi Thiên Chúa, vì anh em không còn thuộc về chính mình nữa sao? Vì anh em đã được mua chuộc bằng một giá rất lớn. Vậy anh em hãy tôn vinh Chúa trong thân xác anh em.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 11, 23
Alleluia, alleluia! – Lạy Cha là Chúa trời đất, Chúa đáng chúc tụng, vì đã mạc khải cho các trẻ nhỏ biết những mầu nhiệm nước trời. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 1, 35-42
“Họ xem chỗ Người ở, và ở lại với Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.
Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá”.
Ðó là lời Chúa.
BÀI GIẢNG CHỦ ĐỀ:
CUNG CÁCH GIỚI THIỆU VỀ CHÚA GIÊSU
Lm. Giuse Nguyễn Gia Hoàng, SVD
Ngày nay, trên các phương tiện truyền thông có rất nhiều cuộc thi ca nhạc, nhiều trò chơi truyền hình hay các phóng sự thực tế. Để có được sự thành công, những chương trình này cần đến sự cộng tác của rất nhiều người: ban biên tập, đạo diễn, biên đạo múa, ca sỹ… Đóng góp phần không nhỏ chosự thành công này còn có một nhân vật khác, đó là người dẫn chương trình hay người ta thường gọi tắt là MC. Muốn giới thiệu cho sự xuất hiện của một người thì người dẫn chương trình phải giới thiệu một khuôn mặt hấp dẫn, đôi khi cũng cần nói quá hay tâng bốc lên để làm nổi trội người mình muốn giới thiệu.Thánh Gioan lại không theo khuôn thức đó. Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật II thường niên B hôm nay, thánh nhân đã giới thiệu Đức Giêsu là nhân vật chính cho người khác một cách rất đỗi bình thường: “Đây là chiên Thiên Chúa…”
Trong phần phụng vụ Thánh Thể, cộng đoàn chúng ta đọc “Chiên Thiên Chúa” nhiều lần. Có lẽ không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của cụm từ này. Nhưng khi Gioan giới thiệu Đức Giêsu cho nhóm môn đệ của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa” thì chắc hẳn họ hiểu rất rõ ý nghĩa của nó, bởi chiên là một con vật được nhắc đến nhiều trong tập tục vượt qua của người Do Thái. Họ lấy máu chiên bôi lên khung cửa với ý nghĩa nhờ máu chiên, họ thoát khỏi tội lỗi, thoát khỏi sự thù nghịch cùng Thiên Chúa.
Ý nghĩa về hình ảnh con chiên trong thời xa xưa của dân Do Thái, nay được Gioan giới thiệu và làm sáng tỏ nơi Đức Giêsu. “Đây là Chiên Thiên Chúa”, tượng trưng cho sự giải thoát, lễ hy sinh đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Nếu xưa kia hình ảnh con chiên chỉ là tượng trưng, tiên báo cho sự giải thoát khỏi tội lỗi, thì nay điều ấy được thực hiện nơi Đức Giêsu là Con Chiên vô tội. Nếu xưa kia nhiều con chiên đã bị giết trong các nghi lễ cũ mà không có sức xóa bỏ tội thiên hạ, thì nay chỉ cần một Con Chiên duy nhất bị giết mà cả nhân loại được ơn tha tội. Con Chiên đó là Đức Giêsu “Đấng xóa tội trần gian”.
Chính vì để xóa tội của chúng ta mà Đấng vô tội đã chịu hạ mình xếp hàng giữa những người tội lỗi để xin Gioan làm phép rửa. Cũng chính vì để xóa tội chúng ta mà Người phải chịu đồng số phận, đồng bản án với hai tên trộm cướp. Người đã hạ mình xuống để ta được nâng lên. Người trở nên nghèo hèn để ta được giàu có. Người chấp nhận làm con loài người để ta được làm con Thiên Chúa. Người trở nên yếu hèn để ta được nên mạnh mẽ. Người chịu nhục nhã để ta được vinh quang. Người nhận lấy thân phận nô lệ để ta được tự do. Người cam lòng chịu chết để trả lại cho ta sự sống. Quả thật, chỉ có Con Chiên hiền lành, hy sinh và khiêm nhường mới đền thay được tội lỗi cho cả nhân loại. Chỉ có Đấng vô tội mới có thể chết thay cho tội nhân.
Nếu hôm nay phải giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác, chúng ta sẽ giới thiệu như thế nào? Có nhiều cách để giới thiệu Chúa cho người khác, tùy theo sáng kiến mà Chúa soi sáng cho mỗi người. Nhưng có lẽ cách tốt nhất, cụ thể nhất, hữu hiệu nhất là dùng chính đời sống gương mẫu, đời sống tốt đẹp của chúng ta. Chính nếp sống đạo đức, thánh thiện, ngay thẳng, chân thành của chúng ta là một tấm gương phản chiếu hình ảnh Đức Giêsu trước mặt mọi người. Một đời sống tốt đẹp có sức lôi cuốn hơn nhiều so với một lời nói suông hay mộtbài giảng hùng hồn nhưng vô nghĩa.
Chúng ta đã được hân hạnh biết Chúa và tin theo Chúa. Nhưng nếu biết chỉ để biết thôi chưa đủ, chúng ta phải đem cái biết ra thực hành trong đời sống hằng ngày. Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy” (Ga14,23) mà giữ lời Thầy có nghĩa là hãy thực hành những điều Thầy dạy, là giới thiệu Thầy cho mọi người ở “khắp tứ phương thiên hạ”, “là làm phép rửa cho họ”, đưa họ trở về với Thầy. Đây cũng là lời mời gọi mà Thiên Chúa muốn Samuen thực hiện như chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất. Trong đêm tối, Chúa đã gọi Samuen, muốn ông làm tiên tri và thay thế vai trò của thầy cả Hêli. Samuen đã mau mắn đáp trả lời mời gọi ấy: “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớChúa đang lắng nghe” (1Sm 3,10). Được biết Chúa là một hồng ân nhưng không, vì thế, chúng ta cũng hãy chia sẻ hồng ân ấy cho người khác để họ tin theo Chúa và cùng được hưởng ơn cứu độ.
Đáp lại tiếng gọi lên đường làm chứng và giới thiệu Chúa cho mọi ngườicần phải có sự can đảm và liều mạng vì nhiều lúc Chúa trao cho ta sứ mạng đòi hỏi nhiều hy sinh, đau khổ, gian nan thử thách, có khi phải hy sinh cả mạng sống nữa. Nhưng chúng ta hãy vững tin vì Chúa luôn đồng hành với chúng ta trên mọi bước đường chúng ta đi.
Xin kết thúc bằng một câu chuyện đơn sơ nhưng rất cảm động về tình yêu thương, sự sẻ chia trong cuộc sống. Đây là cách giới thiệu Chúa của một cô bé học sinh lớp 6 tại một vùng quê nghèo.
Vào một chiều tháng chín trời mưa tầm tã, cô bé đi học về muộn, ba mẹ cô rất lo lắng nên khi thấy cô vừa bước vào cổng, ba mẹ cô bé liền hỏi:
– Con đã đi đâu và làm gì?
Cô bé đáp:
– Trên đường về, con dừng lại giúp bạn con ạ. Xe đạp của bạn ấy bị hỏng.
– Nhưng con đâu có biết sửa xe?
– Đúng ạ, nhưng con dừng lại để giúp bạn ấy khóc.
Cũng như cô bé đó, không phải ai trong chúng ta cũng biết sửa xe đạp. Nhưng chúng ta biết chia sẻ những nỗi lo âu và sợ hãi. Cuộc sống là một con đường rất dài, sẽ còn nhiều lần gặp cảnh “hỏng xe” lắm. Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ và an ủi.
Hy vọng rằng chính cuộc sống của chúng ta là lời chứng sống động và những chia sẻ, những việc làm nhỏ nhoi của chúng ta sẽ là chiếc cầu nối để đưa Chúa đến với người khác và đưa những người lầm lạc trở về với Chúa.