Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 16 Thường Niên – Năm B

0
737

Bài Ðọc I: Gr 23, 1-6

“Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta, và cho chúng có những chủ chăn”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Chúa phán: “Khốn cho các mục tử làm tản mát và xâu xé đoàn chiên Ta. Vì thế, Chúa là Thiên Chúa Israel phán cùng các mục tử chăn dắt dân Ta rằng: “Các ngươi đã phân tán xua đuổi và không trông nom đoàn chiên Ta”. Chúa lại phán: “Vậy Ta sẽ xét xử những hành động gian ác của các ngươi. Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta từ khắp các xứ mà Ta đã phân tán chúng, Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ, để chúng lớn lên và tăng số. Ta sẽ cho chúng có những chủ chăn để họ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn sợ hãi và kinh hoàng, và chúng không còn thiếu thốn gì nữa”.

Chúa còn phán rằng: “Này đây, đã tới những ngày Ta gây cho Ðavít một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan, thực hiện công lý và đức công bình trên đất nước. Những ngày ấy, Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel sẽ được an cư, và chúng sẽ gọi tên Người là “Chúa công bình của chúng ta”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).

Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. – Ðáp.

2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con. – Ðáp.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. – Ðáp.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Ep 2, 13-18

“Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, xưa kia anh em là những kẻ ở xa, thì nay trong Ðức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết của Người. Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người, tức là bãi bỏ lề luật cũ với những thể lệ để kiến tạo cả hai nên một người mới, đem lại bình an, dùng thập giá giải hoà hai dân tộc trong một thân thể với Thiên Chúa. Nơi Người, mối thù nghịch đã bị tiêu diệt, và Người đã đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Và chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một Thần Trí.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 30-34

“Họ như đàn chiên không người chăn”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài.

Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

Ðó là lời Chúa.


 

Bài giảng chủ đề:

NGHỈ NGƠI ĐỂ TIẾN BƯỚC (Lm. Giuse Vũ Tiến Lợi, SVD)

Trong vòng xoay hối hả của cuộc sống, con người bị hút vào đó và không thể thoát ra được. Ai cũng mệt mỏi, căng thẳng với guồng máy của “cơm áo gạo tiền,” guồng máy của danh vọng, quyền lực; làm việc quá nhiều và thiếu sự nghỉ ngơi, thiếu thời gian cho bản thân, gia đình, đời sống thiêng liêng. Chính lối sống này dần dần bóp chết sức sống của con người thời đại, làm cuộc sống trở nên khập khiễng, thiếu sự cân bằng.

Để thiết lập một cuộc sống hài hoà, cân bằng, đúng như thánh ý Thiên Chúa khi sáng tạo, trước hết, mỗi người phải thấy được giá trị, sự cần thiết và quan trọng của sự nghỉ ngơi. Thứ đến, chúng ta cũng cần “vạch mặt chỉ tên” những lối sống làm mất sự cân bằng trong cuộc sống. Sau cùng, chúng ta sẽ cùng kiểm điểm, dò xét lại cuộc sống và có những thay đổi để giúp cuộc sống trở nên cân bằng hơn.

Trong Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, Chúa Nhật XV thường niên, Đức Giêsu đã sai các Tồng Đồ đi rao giảng Tin Mừng. Trong Chúa Nhật tuần này, Tin Mừng cho chúng ta nghe về việc các Tông Đồ vui mừng trở về báo cáo với Đức Giêsu về những gì mà các ông đã dạy và đã làm trong thời gian đi rao giảng. Thay vì tán tụng, ca ngợi các ông, Đức Giêsu lại dạy bảo các ông: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mt 6,31). Vì Đức Giêsu biết rằng công việc rao giảng, mục vụ đã làm các ông quá vất vả kiệt sức, đến nỗi các ông không có thời gian cho cả việc ăn uống. Bởi thế, Người muốn các ông hãy trách xa dân chúng, tránh xa sự ồn ảo để nghỉ ngơi; muốn các ông có thời gian để lắng động tâm hồn, để tâm sự, trò chuyện với Người.

  1. Sự Cần Thiết Của Việc Nghỉ Ngơi

Đời sống con người được đan xen bởi hai nhịp sống: lao động và nghỉ ngơi. Lao động cho chúng ta thấy được giá trị, ý nghĩa của bản thân với chính mình, với gia đình, xã hội. Vậy đâu là tầm quan trọng và giá trị của sự nghỉ ngơi?

Con người chúng ta bao gồm cả thể xác và linh hồn. Nghỉ ngơi là việc làm cần thiết cho cả thể xác và linh hồn. Đối với thể xác, nó cần được nghỉ ngơi để phục hồi, tái tạo năng lượng sau thời gian làm việc, hoạt động. Không những thế, tâm hồn cũng cần được nghỉ ngơi, nghĩa là dành thời gian để chăm lo cho đời sống thiêng liêng. Thể xác sẽ suy kiệt, không có đủ năng lượng để sống, làm việc nếu không được nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Cũng vậy, linh hồn cũng sẽ “chết yểu” nếu không được nuôi dưỡng, bồi bổ bằng đời sống cầu nguyện. Thời gian nghỉ ngơi giúp mỗi người thoát khỏi áp lực, sự nặng nề của công việc để lấy lại sự cân bằng cho cuộc sống. Thời gian nghỉ ngơi cũng giúp họ dành thời gian, quan tâm nhiều hơn đến bản thân, đến gia đình cũng như các mối tương quan.

Với người tín hữu, thời gian nghỉ ngơi thật sự cần thiết và quan trọng. Nó giúp họ thoát được sự ồn ảo của cuộc sống; giúp họ có thời gian thing lặng để trò chuyện, tâm sự với Chúa. Như khí trời cần cho con người, người Kitô hữu cũng cần phải cầu nguyện như vậy. Đối với người môn đệ theo Chúa, họ không chỉ là con người của công việc tông đồ, mà tiên vàn là con người của cầu nguyện. Bởi vì việc tông đồ bắt nguồn từ nơi Chúa. Làm việc tông đồ là làm việc của Chúa. Mà làm việc của Chúa thì phải kết hợp mật thiết với Chúa, ngõ hầu công việc họ làm là làm theo thánh ý của Chúa. Cuộc sống người môn đệ là sự giao thoa không thể tách biệt giữa cầu nguyện và công việc tông đồ. Cầu nguyện là nguồn sức mạnh, nguồn năng lượng vô biên giúp họ làm công việc tông đồ. Còn công việc tông đồ giúp người môn đệ cầu nguyện sâu hơn, dễ dàng hơn. Bởi thế, người môn đệ không thể làm việc tông đồ tốt nếu thiếu hoặc không có đời sống cầu nguyện. Nếu chỉ dựa vào năng lực bản thân, sự vất vả trong công việc tông đồ sẽ vắt kiệt nguồn năng lượng nơi họ. Công việc tông đồ sẽ trở nên nặng nề và nhàm chán, không hơn không kém. Nếu có đời sống kết hợp với Chúa sâu sắc, người môn đệ thấy được giá trị của đời sống phục vụ, cũng như dễ dàng vượt qua những khó khăn trên đường sứ vụ.

  1. Thực Trạng Của Thời Đại

Trong thực tế, rất nhiều người vì quá “ham công tiếc việc” mà không có thời gian để chăm lo cho bản thân, cho con cái, cho tổ ấm gia đình. Hậu quả là sau một thời gian làm việc quá tải, họ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình, vì “sức cùng lực kiệt,” hay một số người phải làm bạn với giường bệnh đến cuối đời; một số khác thì gia đình “tan nát,” con cái hư hỏng. Đó là những hậu quả tất yếu nếu mỗi người không biết sắp xếp hợp lý giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi.

Có thời gian để nghỉ ngơi là một chuyện, nhưng biết dùng thời gian đó một cách hợp lý lại là một chuyện khác. Nhiều người dành rất nhiều thời gian để nghỉ ngơi nhưng họ “phung phí” thời gian vàng ngọc đó vào những việc vô bổ như: “dán mắt” vào các trò chơi điện tử, nhậu nhẹt “thâu đêm suốt sáng” với bạn bè …, thay vì giúp vợ chuyện bếp núc, dạy con cái học hành … Vì vậy, mỗi người cũng phải biết cách dành thời gian nghỉ ngơi như thế nào cho hợp lý.

Với người Kitô hữu, ngoài thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc bản thân, gia đình, họ cũng phải biết dành thời gian để chăm lo cho đời sống thiêng liêng: tham dự Thánh Lễ, làm việc đạo đức … Thế nhưng nhiều Kitô hữu lại lãng phí thời gian quý giá đó bằng những việc như: “nấu cháo” hàng giờ trên điện thoại, lướt mạng … Với họ, dường như đời sống thiêng liêng chỉ là yếu tố phụ, thêm vào cho phong phú cuộc sống, chứ nó không phải là yếu tố cần thiết và quan trọng. Họ có thể sẵn sàng bỏ Lễ, bỏ đọc kinh vì những lý do giản đơn như thế.

Với sự phát triển của thế giới mạng, chỉ với chiếc điện thoại thông minh, mỗi người có thể kéo cả thế giới về với mình. Hậu quả là, nhiều bạn trẻ sợ hãi sự thinh lặng, thanh vắng. Họ tìm mọi cách phủ lấp từng giây phút đời mình bằng tiếng nhạc, hay lang thang trên thế giới ảo. Dường như họ đã dần dần mất khái niệm về sự thinh lặng nội tâm để cầu nguyện, để tâm sự với Chúa. Thậm chí, đời sống cầu nguyện chỉ còn được hiểu là sự “xin xỏ.” Đến với Chúa chỉ biết xin Chúa ban cho điều này, điều kia mà quên rằng ta phải thân thưa, trò chuyện với Người.

Với các mục tử, trong thế giới mà “đồng lúa bao la bát ngát mà thợ gặt thì thiếu,” nghĩa là công việc tông đồ quá nhiều nhưng người phục vụ lại quá ít. Bởi thế, các ngài luôn trong tình trạng quá tải công việc. Hệ lụy dẫn tới là họ thiếu thời gian để chăm lo cho đời sống cầu nguyện, hay cầu nguyện trở nên thứ yếu trong các ưu tiên của họ.

  1. Kiểm Điểm Để Cân Bằng Hơn

Việc cho thấy tầm quan trọng của sự nghỉ ngơi, của đời sống thiêng liêng, cũng như việc “bóc trần” những thực trạng về đời sống với Chúa, với nhau như một cái nhìn bao quát để giúp mỗi người kiểm điểm, dò xét lại nhịp sống nghỉ ngơi, đời sống thiêng liêng của mình, ngõ hầu cuộc sống mỗi người trở nên cân bằng hơn. Những câu hỏi gợi ý được đặt ra là: chúng ta cần phải làm gì để cuộc sống có sự cân bằng hơn? Chúng ta phải thay đổi những gì để đạt được đời sống kết hợp mật thiết với Chúa hơn?

Bài Tin Mừng hôm nay giúp tôi xác tín rằng: tiên vàn của người môn đệ theo Chúa là chính Chúa, chứ không phải bất kì điều gì khác. Dành thời gian cho đời sống cầu nguyện phải là ưu tiên trước hết và quan trọng nhất. Bởi thế, tôi phải sắp xếp làm sao để luôn có thời gian cầu nguyện trong ngày, và phải trung tín với “thời gian thánh” này. Không được để thời gian cầu nguyện “lên xuống” theo khối lượng công việc. Tất cả những công việc tôi làm sẽ trở nên vô nghĩa nếu tôi không được chìm đắm, ngụp lặn trong đời sống cầu nguyện, và được hướng dẫn bởi Thiên Chúa. Hơn nữa, đời sống cầu nguyện là nguồn năng lượng vô tận; là chìa khoá vạn năng giúp tôi thoát gỡ mọi khó khăn trên con đường phục vụ.

Bài Tin Mừng cũng cho thấy rằng: Thiên Chúa luôn muốn con người được sống hạnh phúc, bình an. Người cũng luôn giang rộng vòng tay để chào đón mọi người đến “thổ lộ tâm can,” đến trút hết những “gánh lo” và Người sẽ cho họ nghỉ ngơi, bồi dưỡng (x. Mt 11,28). Người vẫn đang chờ đợi tất cả chúng ta.


 

MỘT VỊ MỤC TỬ NHƯ LÒNG CHÚA MONG ƯỚC (Lm. Giuse Ngô Văn Hạ, SVD)

Bài hát “Một cõi đi về” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mở đầu như sau: “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng”. Con người sống với nhau điều cần thiết đầu tiên là biết tỏ tình thương yêu với nhau, biết hy sinh cho nhau để làm cuộc sống thêm tươi đẹp. Toàn bộ Lời Chúa trong Chúa Nhật XVI thường niên năm B hôm nay cho chúng ta thấy tấm lòng cao cả đó nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng đã trở thành vị mục tử nhân lành hằng yêu thương quan tâm và chăm sóc từng người trong đoàn dân của Ngài.

Trước hết, trong bài đọc I, Ngôn sứ Giêrêmia đã cực lực tố cáo các vị lãnh đạo trong đời sống xã hội cũng như tôn giáo. Họ là những mục tử vô trách nhiệm, đã không trung thành với sứ mạng của mình. Họ hành xử như những nhà chính trị hơn là những con người đại diện cho Thiên Chúa. Họ đã coi thường quyền lợi của người dân, sống một cuộc sống hưởng thụ, lo xây dựng cho mình những dinh thự lộng lẫy mà không thèm để ý gì đến cuộc sống của dân chúng. Kết quả là họ đã đưa dân chúng lâm vào cảnh lầm than, nước mất nhà tan, phải lưu đày xa xứ. Trong viễn cảnh đen tối đó, tiên tri Giêrêmia cũng loan báo về lời hứa của Thiên Chúa rằng Ngài sẽ lấy lòng nhân từ mà quy tụ dân Íraen tản mác từ khắp nơi trở về, như người mục tử quy tụ đàn chiên. Ngài sẽ đem lại sự bình an và hạnh phúc ấm no cho dân chúng như người mục tử dẫn chiên đến đồng cỏ tươi. Ngài sẽ làm cho đàn chiên ít ỏi còn sót lại sinh sôi nảy nở thật nhiều. Để thực hiện điều này, Thiên Chúa hứa sẽ ban cho họ những mục tử nhân từ như lòng Chúa mong ước, để những người này sẽ chăn dắt và hướng dẫn dân Chúa đi theo con đường công chính; những mục tử này sẽ là những người dám hết mình để bảo vệ đàn chiên. Trong tất cả các vị mục tử đó, có một vị mục tử sẽ xuất phát từ nhà Đavít và sẽ trở thành một vị vua, một vị mục tử đích thực; người ấy sẽ dẫn dắt dân Íraen đi trong chính trực và yên bình. Vị ấy sẽ là Đấng giải thoát Ítraen, dân riêng của Chúa.

Những lời ngôn sứ Giêrêmia tiên báo được ứng nghiệm trong bài Tin Mừng hôm nay. Trước hết, các Tông Đồ chính là những mục tử chân chính thể hiện qua những hy sinh vất vả của các ngài trong hành trình truyền giáo. Vâng lời Thầy Giêsu, các ngài đã hăng say và tận tụy cho đoàn chiên của Thiên Chúa. Về đến nhà vẫn bị quấy rầy, vẫn phải vất vả đến nỗi không còn thời giờ nghỉ ngơi và ăn uống, mà các ngài vẫn không một lời than vãn kêu ca. Đặc biệt, vị mục tử mà tiên tri Giêrêmia tiên báo đã được ứng nghiệm trọn vẹn nơi Chúa Giêsu. Tình thương và lòng nhân ái của Đức Giêsu vừa bày tỏ cho các đồ đệ của Ngài vừa trao ban cho toàn thể dân chúng. Đối với các học trò, sau khi đã mệt mỏi với công việc, thì Ngài đã đề nghị họ: “Các con hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút” (Mc 6,31). Đối với dân chúng, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương họ. Ngài thấy họ bơ vơ như những con chiên không có người chăn dắt, và Ngài đã dạy dỗ họ.

Ítraen là dân riêng của Chúa, có vua quan, có nhà nước điều hành, có Đền Thờ, có những người lãnh đạo tôn giáo. Vậy tại sao Đức Giêsu lại nói họ bơ vơ không có người chăn dắt?  Bởi vì những người lãnh đạo nhà nước là bù nhìn của đế quốc Rôma, họ đưa ra bao nhiêu thứ siêu cao thuế nặng để có của cống nạp cho đế quốc. Một số các vị gồm tư tế và kinh sư chạy theo thời cuộc dấn sâu vào chính trị. Tôn giáo đối với họ chỉ là phương tiện để tạo thế lực đổi chác với đế quốc. Như thế, đàn chiên mà Thiên Chúa đã trao cho các thượng tế và luật sĩ để họ hướng dẫn dân đi theo đường lối và lề luật của Chúa, thì những nhà hữu trách này đã không chu toàn bổn phận của mình. Họ chỉ lo thu tích của cải, làm rạng rỡ danh vọng của họ mà để cho dân chúng rơi vào cảnh hoang mang lạc lối. Như thế, những tội của các nhà lãnh đạo tôn giáo mà tiên tri Giêrêmia đã từng lên án trong thời của ông thì nay lại tái diễn trong thời của Đức Giêsu.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu thì hoàn toàn hành động trái ngược với những nhà lãnh đạo Do Thái. Ngài đã không thể làm ngơ trước những nhu cầu của dân chúng, những người đang tìm về với chân lý, đang khao khát Nước Trời. Vì lòng trắc ẩn, vì sự chạnh lòng đó, Đức Giêsu đã quên hết tất cả sự mệt mỏi của thể xác, để phục vụ, giảng dạy và đem niềm vui hạnh phúc đến cho mọi người. Trái tim của Chúa Giêsu chính là trái tim biết chạnh lòng thương để rung động trước nhưng nhu cầu của người khác, đó là trái tim thấu cảm và sẵn sang muốn cho đi mà không tính toán thiệt hơn, đó là trái tim của một mục tử đích thật dám hết mình vì đàn chiên. Chúng ta đọc thấy rất nhiều những lời dạy dỗ và những việc làm nhân từ mà Đức Giêsu đã dành cho dân Chúa, luôn tỏ ra thái độ cảm thông với nỗi đau của con người. Ngài khóc thương thành Giêrusalem sắp bị hủy diệt (Lc 19,44), Ngài động lòng trắc ẩn, cảm thông với tiếng khóc của bà góa đang đưa xác con trai đi chôn tại thành Naim và đã phục sinh người con trai mới chết cho bà (Lc 7,11-17); Ngài khóc thương bạn thân Ladarô mới chết bốn ngày và truyền cho anh trỗi dậy ra khỏi mồ (Ga 11,1-14). Ngài sẵn sàng đi đến nhà ông trưởng hội đường tên Giairô để chữa cho con gái của ông ta sắp chết (Mc 5,21-24.35-43). Hơn thế nữa, trong bài đọc thứ hai trong thư gởi giáo đoàn Êphêxô, thánh Phaolô đã cho chúng ta thấy một hành động cao quí khác của vị mục tử Giêsu. Đức Giêsu đã dùng chính cuộc đời của Ngài để phá vỡ mọi ngăn cách giữa con người với nhau, cho dầu là dân Do Thái hay là Dân Ngoại. Ngài đến để tiêu diệt sự thù ghét để thiết lập sự hòa bình cho người ở xa cũng như kẻ ở gần, liên kết mọi người trong cùng một thân thể, trong cùng một thần khí. Như thế, Đức Giêsu đã dùng tất cả mọi phương thế để đem lại hạnh phúc cho con người.

Ngày nay, người ta đang nói đến căn bệnh vô cảm trong xã hội. Con người rất dễ dửng dưng trước sự đau khổ của người khác, vì thế rất cần những người biết sống vì người khác, sống cho người khác. Người ta thấy tại nạn không giúp đỡ, thấy xe hàng bị lật thì lợi dụng hôi của, bác sĩ vứt xác bệnh nhân. Con người sợ bị liên lụy, cho nên cảnh “đèn nhà ai nấy rạng” đã trở thành chuyện bình thường, chuyện đương nhiên trong cuộc sống. Con người bị cuốn vào vòng xoáy của kinh tế, những người trong cùng một gia đình nhưng cũng thiếu sự yêu thương chăm sóc lẫn nhau. Cha mẹ không đủ thời gian để dạy dỗ con cái, vợ chồng không còn biết quan tâm lẫn nhau. Trong bối cảnh như thế, mọi người chúng ta cũng được mời gọi để noi gương Đức Giêsu, vị mục tử nhân lành, biết chạnh lòng thương, động lòng trắc ẩn trước những nỗi cùng khốn của những những người xung quanh, biết nhận ra những nhu cầu cấp thiết của những người đau khổ trong xã hội. Bởi vì sao vậy? Bởi vì qua Bí tích Thánh Tẩy, ta được tham dự vào chức vụ Vương đế của Đức Giêsu, tức là chúng ta được tham dự vào việc chăn dắt người khác. Chúng ta cũng trở thành một đội ngũ mục tử luôn tiếp nối sứ mạng của Ngài nơi trần gian này, để tiếp tục thi ân giáng phúc cho tất cả những ai đang gặp đau khổ, đói rách, bần cùng. Chỉ có cách đó, chúng ta mới diễn tả được khuôn mặt nhân hiền của Đức Giêsu mục tử cho người khác. Bởi vì như Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy đó là những chứng nhân.”

Gần đây nhiều trang mạng Công Giáo đăng một hình ảnh rất dễ thương về một vị chủ chăn, đó là Đức cha Arpondratana, 58 tuổi, giám mục Giáo Phận Chiang Mai, phía Bắc Thái Lan. Ngài đã cùng với giáo dân cấy lúa trên đồng ruộng như một người nông dân đích thực.  Ngài nói rằng ngài đang cố gắng để có thể góp phần vào phát triển con người toàn diện, làm việc cho lợi ích chung của gia đình và cho đất nước. Ngài cho biết ngài toàn tâm toàn ý giúp họ, khi nào họ cần và ngài làm việc một cách thích thú. Như thế, chúng ta hằng ngày vẫn gặp đâu đó hình ảnh Đức Giêsu mục tử nhân lành đang hiện diện với đàn chiên của mình.

Xin cho mỗi người chúng ta biết rung động và cảm thông trước những đau khổ với người khác, biết coi nỗi buồn đau của người khác cũng là của chính mình, để chúng ta xứng đáng là những người môn đệ, người con của Ðức Kitô.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Bảy, Tuần 15 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 16 TN – B)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.