Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 13 Thường Niên – Năm B

0
897

Bài Ðọc I: G Kn 1, 13-15; 2, 23-25

“Bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết. Người tác thành mọi sự cho có. Người tạo dựng mọi sự trên mặt đất đều lành mạnh, chúng không có nọc độc sự chết, và không có địa ngục ở trần gian.

Vì chưng, công chính thì vĩnh cửu và bất tử. Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn. Nhưng bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 29, 2 và 4. 5-6. 11-12a và 13b

Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).

Xướng: 1) Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Chúa đã đưa linh hồn con thoát xa âm phủ; Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ. – Ðáp.

2) Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Ngài, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. – Ðáp.

3) Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con. Lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con; Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 2 Cr 8, 7. 9. 13-15

“Sự dư thừa của anh em bù đắp lại sự thiếu thốn của những anh em nghèo khó”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, cũng như anh em vượt trổi về mọi mặt: về lòng tin, về hùng biện, về sự hiểu biết, về mọi hình thức nhiệt thành, cũng như về lòng bác ái của anh em, thì anh em cũng phải vượt trổi trong việc phúc đức này.

Vì anh em biết lòng quảng đại của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: mặc dù giàu sang, Người đã nên thân phận nghèo khó, để nhờ việc nghèo khó của Người, anh em nên giàu có. Nhưng không lẽ để cho kẻ khác được thư thái, mà anh em phải túng thiếu, nhưng phải làm sao cho đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, sự dư giả của anh em bù đắp lại chỗ thiếu thốn của họ, để sự dư giả của họ bù đắp lại sự thiếu thốn của anh em, hầu có sự đồng đều như lời đã chép rằng: “Kẻ được nhiều, thì cũng không dư; mà kẻ có ít, cũng không thiếu”.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 5, 21-43

“Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.

{Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi ‘Ai chạm đến Ta?’!” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.}

Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn.

Ðó là lời Chúa.


 

Bài giảng chủ đề:

NIỀM TIN, SỰ KHIÊM NHƯỜNG, CÁCH ĐỐI NHÂN XỬ THẾ

Lm. Giuse Nguyễn Văn Kha, SVD

Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta hai phép lạ. Thánh Maccô kể lại hai mẫu gương về đời sống đức tin để Kitô hữu noi theo. Đó là một người phụ nữ vô danh và một người đàn ông hữu danh tên là Giaia – trưởng hội đường. Qua hai nhân vật này, chúng ta có thể học hỏi cách thức tìm kiếm Thiên Chúa nhờ đức tin, để đón nhận ơn chữa lành từ Người và tìm thấy nghị lực để bắt đầu sống cuộc sống mới đầy bình an, niềm vui và khỏe mạnh về thể xác cũng tinh thần. Chúng ta cũng học được bài học khiêm nhường từ hai nhân vật này, để biết sống khiêm nhường trước người khác, nhất là khiêm nhường trước Đấng Tối Cao. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng dạy cho chúng ta cách “đối nhân xử thế” để sống đời sống nhân văn cao cả trong xã hội loài người.

1.   Người đàn bà vô danh và ông trưởng hội đường hữu danh

Người phụ nữ vô danh mắc bệnh băng huyết, đã 12 năm tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi, đồng nghĩa 12 năm bà bị người Do thái coi là ô uế (x. Lv 15,19). Bà sẽ làm cho ai đụng đến bà đều bị ô uế. Chính vì lý do này, luật cấm bà trà trộn vào đám đông, không được tham dự nghi lễ ở đền thờ. Thật là khủng khiếp cho bà! Tuy nhiên, bà vẫn liều, dù hơi rụt rè, kín đáo, nhưng cũng giúp bà vượt qua cản trở để đến với Chúa. Niềm tin đưa bà đến một xác tín: không cần công khai gặp Ngài, chỉ cần chạm được vào tua áo là cũng được khỏi. Đúng như suy nghĩ, bà đã dám liều chạm đến tua áo của Đức Giêsu. “Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.”

Khác với người phụ nữ vô danh trên, người đàn ông hữu danh tên là Giaia, có chức vụ “trưởng hội đường.” Ông tin vào Đức Giêsu, và niềm tin của ông được công bố công khai. Tuy nhiên, niềm tin đó đụng vào một thử thách, khi ông được người nhà thông báo: con gái ông đã chết, còn phiền Thầy chi nữa. Cảm thông nổi đau này, Chúa đã trấn an ông: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi!” Cuối cùng, ông cũng được chứng kiến phép lạ của lòng tin: con gái ông đã sống lại.

2.  Hai vị thế khác nhau, nhưng chung một kết quả

Hai người với ai địa vị xã hội khác nhau: một người phụ nữ vô danh, lại bị coi là ô uế; một người đàn ông hữu danh có chức quyền. Tuy nhiên, cả hai có những điểm chung căn cốt tạo nên phép lạ: một người được lành bệnh nan y; một người được mãn nguyện là đứa con gái được cứu thoát khỏi tử thần.

Trước hết, cả hai đều đang ở trong tình trạng “lực bất tòng tâm.” Người phụ nữ bế tắc, vì 12 năm chạy thầy chạy thuốc mà bệnh không khỏi, lại càng nặng thêm. Ông Giaia dù là trưởng hội đường, có chức vụ, có vị thế, cũng đành bó tay trước tình trạng con gái ông đang trong cảnh thập tử nhất sinh. Cả hai chỉ còn một niềm hy vọng duy nhất là Đức Giêsu. Họ cầu cứu Đức Giêsu và cả hai đã đạt được những gì mình hy vọng và mơ ước.

Tiếp đến, qua việc chạy tới với Đức Giêsu để cầu cứu, chúng ta thấy hai người này biểu hiện rất rõ và mãnh liệt về lòng tin và sự khiêm nhường.

Biểu hiện thứ nhất là niềm tin. Chúng ta biết rằng nhiều lãnh đạo Do thái vốn không ủng hộ Đức Giêsu, thậm chí còn chống đối và tìm cách giết Người. Thế mà, ông trưởng hội đường này bất chấp tất cả để tìm đến cầu cứu Đức Giêsu. Điều này chứng tỏ ông có một lòng tin mãnh liệt. Còn người phụ nữ, tuy sợ hãi, không dám nói với Người, nhưng với lòng tin tưởng mãnh liệt đã sờ vào tua áo Người. Chính ĐGS cũng xác nhận niềm tin của họ, khi nói với người phụ nữ: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con”; Ngài nâng đỡ lòng tin đang chao đảo của Giaia: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.”

Biểu hiện thứ hai là đức khiêm nhường thẳm sâu. Chúng ta đọc thấy được sự khiêm nhường nơi họ khi họ nhận biết thân phận thiếu thốn, bất lực của bản thân. Cả hai người đều sụp xuống dưới chân của Đức Giêsu. Ông trưởng hội đường sụp xuống để xin ơn sống lại cho con gái. Người phụ nữ sụp xuống dưới chân Người và thú nhận việc mình đã chạm vào tua áo Người và bày tỏ mình đã lành bệnh.

3.  Những bài học giá trị cho chúng ta

Lược qua hai phép lạ được thánh Máccô kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay đã đem lại cho chúng ta những bài học quý giá:

Trước nhất, chúng ta thấy tiền tài, địa vị, quyền lực, tài năng… không phải là cứu cánh của con người và không phải là điều bảo đảm tất yếu cho con người. Có nhiều lúc, người ta rơi vào hoàn cảnh bế tắc và tất cả những điều trên không giúp được gì cho họ. Minh chứng và nhân chứng cho sự khẳng định này: ông trưởng Hội Đường đã không thể dựa vào những thứ đó để cứu con của mình; nhiều thầy thuốc (có thể là rất tài giỏi) đã không thể giúp người phụ nữ bị băng huyết hết bệnh. Cả hai người đều cần đến một người Thầy có quyền năng, đầy lòng nhân hậu là Đức Giêsu. Thực vậy, sau một quảng thời gian dài, họ bám víu vào vật chất, thứ mà đã không thể cứu họ, thì họ đã chạy đến với Đức Giêsu – Đấng có thể cứu chữa cả xác và hồn, và họ đã đạt được điều họ mong đợi.

Nhiều lúc, mỗi người chúng ta dù ít hay nhiều thì cũng đã có những kinh nghiệm thất vọng khi bám víu vào sự giàu có, quyền cao chức trọng hoặc cậy vào những khả năng của con người mà quên đi một Vị Thầy Giêsu có quyền năng chữa lành cả hồn lẫn xác. Hãy noi gương người phụ nữ và ông trưởng hội đường, để biết tin tưởng phó thác, khiêm nhường chạy đến với Đức Giêsu.

Ai trong chúng ta cũng có những căn bệnh. Người này này đang bị đau khổ vì bệnh tật thể xác, người kia lại đang rơi vào cảnh tinh thần bị suy nhược, người nọ đang lâm nguy cả về thể xác lẫn tinh thần. Tất cả đều được mời gọi tin tưởng vào Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu chính là thầy thuốc tuyệt hảo cho mọi loại đau khổ, bệnh tật và cả sự chết. Còn dám tin tưởng vào Đức Giêsu là còn hy vọng. Khi dám cầu xin với Người với lòng tín thác, tin tưởng tuyệt đối thì dù chưa được chữa lành về thể xác, các tín hữu có thể đạt đến đỉnh cao của sự chữa lành rồi. Đó là niềm tin vào Chúa.

Ngoài bài học về niềm tin và sự khiêm nhường, chúng ta cũng học được một bài học khác vô cùng quý giá. Đó là cách đối nhân xử thế. Đối nhân xử thế là cách mỗi người tương tác với những người xung quanh mình sao cho chuẩn mực, văn minh, lịch sự, hợp tình và hợp lý. Tưởng chừng điều này rất đơn giản vì mỗi ngày chúng ta đều thực hiện, nhưng thực tế đó không phải là việc dễ dàng. Bởi vì, rất nhiều lần chúng ta thất bại trong việc này. Hậu quả là bị người này ghét hoặc người kia né tránh. Nếu biết đối nhân xử thế tốt, chúng ta sẽ được mọi người xung quanh quý mến và tôn trọng.

Hãy học cách nói chuyện và đối xử của Đức Giêsu với hai bệnh nhân. Điều này gợi mở một đời sống nhân văn cao cả trong xã hội loài người. Trong nỗi sợ hãi run rẩy của người phụ nữ dám chạm vào Đức Giêsu đang khi bị ô uế, Đức Giêsu đáp lại bằng thái độ hết sức ân cần, nhẹ nhàng, lịch thiệp: “Này con gái, lòng tin của con đã cứu chữa con” (x. Mc 5,34). Người không những không trách móc mà còn nâng cao, tôn vinh nhân đức của người phụ nữ. Đức Giêsu, sau khi nắm lấy tay đứa bé cũng ân cần nói: “Này cô bé, Thầy truyền cho con trỗi dậy đi” (x. Mc 5, 41). Tất cả những hành vi lời nói ấy làm toát lên một sự tôn trọng con người dù họ là ai đi nữa. Người phụ nữ vốn không được xem trọng trong xã hội Do Thái. Bà lại còn bị băng huyết, bị coi là ô uế và bị loại ra khỏi cộng đoàn. Trẻ con vốn cũng là thành phần không được coi trọng trong xã hội thời bấy giờ, đặc biệt là các bé gái. Trong xã hội có đầy dẫy những thói quen ‘mạnh được yếu thua’, ‘thượng đội hạ đạp’, ‘cá lớn nuốt cá bé’, thì cách đối đãi của Đức Giêsuthật đáng được suy gẫm và bắt chước.

Lạy Đức Giêsu, xin cho chúng luôn tin tưởng phó thác vào Chúa và luôn biết khiêm nhường chạy đến với Chúa. Xin Chúa giải thoát chúng con khỏi những căn bệnh thể lý đang dằn vặt thể xác chúng con. Đồng thời, xin Chúa cũng chữa lành những căn bệnh tự kiêu, tự mãn, tự ti, tự phụ của chúng con, để thân xác và tâm hồn chúng con được lành mạnh. Chúng con cũng xin Chúa luôn dạy chúng con về bài học mà Chúa đã đối nhân xử thế với người phụ nữ vô danh và ông trưởng hội đường, để chúng ta con biết sống một đời sống nhân văn cao cả. Amen.


 

SỐNG TINH THẦN CỦA LUẬT 

Lm. P.X Trần Thiện Trí, SVD

Có một câu chuyện[1] kể rằng: Một bà cụ năng đến nhà thờ cầu nguyện. Một cậu bé lấy làm ngạc nhiên liền theo dõi. Cậu nấp sau bàn thờ nghe bà cầu nguyện lớn tiếng: “Lạy Chúa! Con đã già và sống đủ. Bất cứ lúc nào Ngài gọi, con sẵn sàng.”

Bà cầu nguyện suốt ba ngày vẫn những lời ấy. Ngày thứ tư, sau khi bà cầu nguyện, cậu bé giả giọng nói vọng ra từ sau bàn thờ: “Ta đã nghe lời cầu xin của con, Ta sẽ đến đón con lúc chín giờ sáng mai.”

Bà về nhà, không sao ngủ được vì lo lắng về điều đã nghe. Bà không chấp nhận nổi những gì bà đã cầu nguyện.

Trong cuộc sống, những điều trái với luật lệ, thói quen, phong tục, có lẽ chúng ta khó mà chấp nhận được phải không? Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại hai việc làm của Chúa Giêsu. Những việc làm này không chỉ chứng tỏ quyền năng của Chúa trên bệnh tật và sự chết, mà còn cho chúng ta thấy thái độ và lập trường của Chúa đối với những luật lệ khắt khe và khô cứng của đạo Do Thái thời đó.

Trước hết là việc Chúa chữa cho một người đàn bà mắc bệnh loạn huyết. Theo luật Do Thái, người nào mắc chứng bệnh này thì đương nhiên bị liệt vào hàng ô uế, cho nên không được vào Đền Thờ, không được tham dự các nghi lễ phượng tự và cũng như không được đụng tới ai, vì ai bị người ô uế đụng tới thì người đó cũng bị ô uế. Bà này đã bị bệnh 12 năm, một thời gian dài. Và chúng ta hiểu bà này phải chịu đựng cơn đau khổ dường nào. Trong cơn đau khổ, bà đã nghĩ ra một ý tưởng thật táo bạo là tìm cách đụng vào gấu áo Đức Giêsu. Ý định táo bạo ở chỗ là việc đó trái lề luật và cũng chẳng ai cho bà ta đụng vào. Do đó, bà tìm cách để đụng vào một cách lén lút. Tuy vậy, Đức Giêsu vẫn biết. Khi Đức Giêsu hỏi: “Ai đã đụng đến Ta?” thì bà ta sợ hãi vì thấy việc làm của mình đã bị bại lộ. Nhưng bà ta ngạc nhiên hết sức vì Đức Giêsu chẳng hề quở trách bà một lời nào. Trái lại, Người làm cho bà khỏi bệnh và còn an ủi bà: “Con hãy đi bình an”.

Kế đến câu chuyện của ông Giairô. Ông là Trưởng Hội Đường, nghĩa là một viên chức tôn giáo, một người có trách nhiệm bảo vệ luật đạo, cũng giống như các Phó tế ngày nay vậy. Trước đó, ông đã đến xin Đức Giêsu đến nhà ông chữa trị cho con gái ông sắp chết. Đang khi Đức Giêsu cùng đi với ông về nhà thì xảy ra câu chuyện người đàn bà bị mắc bệnh loạn huyết. Bà này đã đụng vào Đức Giêsu và chiếu theo luật thì Đức Giêsu đã trở thành người bị ô uế. Nếu Đức Giêsu vào nhà ông thì cũng theo luật đó nhà ông cũng bị lây nhiễm ô uế. Và việc đó sẽ gây hậu quả to lớn, vì ông là Trưởng Hội Đường mà ông không giữ luật mà còn để Đức Giêsu làm cho ô uế thì có thể ông bị mất chức luôn. Đang lúc đó, người nhà ông chạy đến cho hay là con gái ông đã chết rồi, đừng làm phiền Đức Giêsu nữa. Trước những sự kiện dồn dập như thế, ông Giairô không còn ý định mời Đức Giêsu về nhà mình nữa. Nhưng Đức Giêsu bảo ông: “Đừng sợ gì cả, điều cần nhất là lòng tin”. Ở đây, chúng ta cũng cần biết là theo luật thì xác chết cũng là một thứ ô uế, ai đụng tới xác chết thì cũng bị lây nhiễm ô uế; và một lần nữa Đức Giêsu đã tỏ ra không mấy quan tâm đến điều đó.

Qua hai việc làm táo bạo của Chúa Giêsu, chúng ta nghĩ sao về việc Chúa đã làm? Có phải Ngài chủ trương phá bỏ tất cả mọi lề luật không? Chắc chắn là không, vì Ngài đã tuyên bố: “Các ngươi tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật ư? Không, Ta không phá bỏ mà Ta làm cho trọn lề luật” (x. Mt 5,17). Những việc làm của Chúa Giêsu thoạt tiên có vẻ chống lại lề luật, nhưng thực chất lại làm cho lề luật được kiện toàn. Thời đó, người ta chỉ giữ lề luật theo cái hình thức, Chúa Giêsu muốn cho hình thức ấy có thêm cái tinh thần, đó mới là cái cốt tủy của lề luật, mới là điều quan trọng. Có lần Chúa Giêsu đã nói thẳng với những luật sĩ và biệt phái chỉ biết chăm lo giữ cái hình thức bề ngoài mà không để ý gì đến tinh thần lề luật: “Các ngươi chỉ là những cái mồ mả. Bên ngoài thì sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì chứa toàn những sự thối tha” (x. Mt 23,27). Và khi bàn về sự thanh sạch và ô uế, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng tinh sạch hay ô uế là do lòng người chứ không do hình thức bên ngoài. Ngài nói: “Cái gì làm cho người ta ra ô uế? không phải cái từ bên ngoài vào, mà là cái từ bên trong bài tiết ra” (x. Mc 7,20-23).

Ngày này, trong cuộc sống nhiều lúc chúng ta sống đạo cũng một cách hình thức. Mỗi chiều Chúa Nhật, có dịp dạo một vòng thành phố Sài Gòn, chúng ta thấy ở nhiều nhà thờ, người ta đi lễ “gốc cây” cho dù trong nhà thờ vẫn còn nhiều chỗ trống. Người ta đi lễ mục đích cho xong, đi lễ để lấy rồi và coi như đã hoàn thành trách nhiệm đi lễ ngày Chúa Nhật, chứ thực sự không đi  dự lễ vì lòng yêu mến Chúa. Kế đến, chúng ta hiểu thánh hóa ngày Chúa Nhật một cách đơn giản qua việc đi lễ và nghỉ ngơi phần xác. Nếu ý nghĩa ngày Chúa Nhật chỉ bấy nhiêu thì quả là một khiếm khuyết. Việc thánh hóa ngày Chúa Nhật như thế cũng chỉ dừng lại ở lề luật bề ngoài. Trái lại, chúng ta cần đi xa hơn, nghĩa là chúng ta cần thể hiện ra hành vi cụ thể như làm việc bác ái, đi thăm nhau và cùng giúp đỡ nhau thăng tiến về mặt tinh thần và tâm linh. Một điều dễ nhận thấy nữa là người Việt Nam chúng ta phần lớn giữ đạo trong nhà thờ. Trong nhà thờ, chúng ta tỏ vẻ nghiêm trang, đạo đức, thánh thiện, nhưng ra khỏi nhà thờ chúng ta quên mất chúng ta là Kitô hữu và chúng ta chưa sống như những gì Lời Chúa dạy.

Nếu chỉ đọc kinh, dự lễ thì chưa phải là sống đạo, mà chỉ là giữ một số luật đạo mà thôi. Khi nào chúng ta sống theo lương tâm của người Kitô hữu, cư xử với mọi người theo tinh thần bác ái của Tin Mừng thì mới đúng là sống đạo thực sự.

Ước gì Lời Chúa hôm nay một lần nữa soi sáng cho chúng ta luôn nhận ra cốt lõi của Tin Mừng là mến Chúa và yêu người, để từ đó chúng ta đem tinh thần ấy vào trong mọi sinh hoạt đời thường và đó mới thực sự là sống đạo giữa đời.

[1] Carôlô, Sợ Chỉ Đỏ, Suy Niệm và Giảng Lễ Năm B, tr. 479.

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 13 TN – B)
Bài tiếp theoLễ tang Bà cố Maria NGUYỄN THỊ HUỆ (Thân mẫu Lm. Giuse Trần Minh Hùng, SVD, & Soeur Tịnh Phương)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.