BÀI ĐỌC I: Ds 21, 4-9
“Kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống”.
Trích sách Dân số.
Trong những ngày ấy, dân chúng đi đường và mệt nhọc, nên nản chí, họ kêu trách Chúa và Môsê rằng: “Tại sao các người dẫn chúng tôi ra khỏi Ai-cập, cho chúng tôi chết trong hoang địa. Không bánh ăn, không nước uống, chúng tôi đã ngán thức ăn nhàm chán này”. Bởi đó Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Họ chạy đến cùng Môsê và thưa rằng: “Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi nói những lời phản nghịch Chúa và phản nghịch ông. Xin ông cầu nguyện để Chúa cho chúng tôi khỏi rắn cắn”.
Môsê cầu nguyện cho dân. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống”. Môsê đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu, và kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được chữa lành.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 77, 1-2. 34-35. 36-37. 38
Đáp: Chúng ta đừng quên lãng những kỳ công của Chúa (c. 7c).
Xướng:
1) Hỡi dân tôi, hãy nghe lời huấn dụ, hãy lắng tai nhận lấy những lời miệng tôi. Tôi sẽ xuất khẩu nói ra lời ngạn ngữ, sẽ trình bày những điều bí nhiệm của thời xưa. – Đáp.
2) Khi Người sát phạt họ, bấy giờ họ kiếm tìm Người, và họ trở lại kiếm tìm Thiên Chúa. Họ nhớ lại rÄng Thiên Chúa là Đá Tảng của họ, và Thiên Chúa Tối Cao là Đấng cứu chuộc họ. – Đáp.
3) Nhưng rồi miệng họ đã phỉnh phờ, và lưỡi họ ăn nói sai ngoa với Người. Đối với Người, lòng họ không ngay thẳng; họ cũng không trung thành giữ lời minh ước của Người. – Đáp.
4) Phần Người từ bi, tha lỗi và không huỷ diệt họ; nhiều khi Người đã tự kiềm chế căm hờn, và không để cho thịnh nộ hoàn toàn tuôn đổ. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Pl 2, 6-11
“Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.
Anh em thân mến, Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang.
Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Ga 3, 13-17
13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14 Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.
Bài giảng / chia sẻ
TÔN VINH TRỌN VẸN (Ts. Lm. Giuse Vũ Xuân Sơn, SVD)
Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ suy tôn Thánh Giá. Có một bạn trẻ Công Giáo thắc mắc vui với tôi rằng, nếu như Đức Giêsu chịu chết bằng ghế điện, thì chắc hôm nay sẽ là ngày suy tôn ghế điện chứ không phải suy tôn Thánh Giá. Kính thưa cộng đoàn, Thánh Giá là biểu tượng của Kitô giáo. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là, tại sao lại chọn Thánh Giá là biểu tượng. Chẳng phải gốc gác đó là một dụng cụ hành hình đầy bạo lực và dã man nhất trong lịch sử loài người đó sao?
Chúng ta biết rằng mỗi tôn giáo đều có một biểu tượng. Đạo Hồi có biểu tượng trăng lưỡi liềm và ngôi sao; Do Thái Giáo thì chọn hình ảnh đèn bảy ngọn, hoặc ngôi sao của vua Đavít. Thế thì, tại sao Kitô giáo không chọn một hình ảnh khác đẹp hơn, ít bạo lực và máu me hơn? Chẳng hạn như cầu vồng, biểu tượng cho giao ước giữa Thiên Chúa và ông Nôê hay ngôi sao lạ ngày Đức Giêsu giáng sinh, còn không thì lấy hình ảnh chim bồ câu biểu tượng của Chúa Thánh Thần. Tại sao vậy? Trước khi giải đáp con xin mời cộng đoàn nhìn lên cây thánh giá trên cung thánh, cộng đoàn nhìn thấy cái gì? Cây thánh giá của chúng ta rõ ràng vẽ nên hai chữ ‘T.Y.’, nghĩa là tình yêu. Đây cũng chính là lý do, bởi vì Thánh Giá là nơi có thể biểu lộ tình yêu trọn vẹn nhất của Thiên Chúa. Vậy nên, Thánh Giá trở thành biểu tượng của đạo Kitô, đạo của yêu thương. Đó chính là điều mà Thánh Phaolô đã khẳng định: Rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Tuy nhiên, đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa
Mỗi lần nhìn lên Thánh Giá Đức Giêsu trong nhà thờ hoặc nơi bàn thờ trong gia đình, ta không khỏi bùi ngùi xúc động. Vì ai mà Chúa chịu treo lên cách nhục nhã như vậy? Xin thưa vì tội lỗi con người. Nói vậy thì dễ và chung chung quá. Phải nói thật chính xác, đó là vì tôi. Chỉ vì muốn cứu chuộc tôi mà Chúa phải chải chấp nhận đau khổ như vậy. Thế tại sao Chúa không dùng lời nói để cứu chuộc mà phải chịu đau khổ? Vì lời Chúa đầy quyền năng mà! Thưa, để cứu chuộc tôi, Ngài không thể dùng một lời nói đơn giản mà phải chuộc tôi bằng chính giá máu của Ngài. Vì tôi đã thuộc về ma quỷ và tội lỗi nên Ngài phải chuộc tôi về. Ngài chuộc tôi về không phải bằng tiền mà bằng chính Máu của Ngài. Chỉ có Máu của Ngài mới rửa sạch tội lỗi của tôi mà thôi, chứ không thể dùng lời nói suông được. Chính hy lễ của Đức Giêsu trên Thánh Giá và sau này được tái hiện trên bàn thờ mỗi ngày mới hòa giải được con người với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã yêu thương tôi quá bội, và Ngài đã ban Con Một cho tôi. Như vậy, chỉ đau khổ và thập giá của Đức Giêsu mới đem lại cho tôi ơn cứu độ. Tin Mừng hôm nay nhắc lại cậu chuyện ông Môsê treo con rắn đồng trong sa mạc để dân Do Thái nhìn vào đó mà được chữa lành. Con Người cũng phải bị treo lên như vậy để chúng ta mới nhận được ơn cứu độ. Nếu như Đức Giêsu không được giương cao, Ngài sẽ không được tôn vinh, vì khi muốn tôn vinh ai, ta thường muốn đặt người ấy ở vị trí cao hơn bình thường, vượt trên tất cả sự tầm thường. Trong bài đọc hai, Thánh Phaolô viết cho Philêmon: “Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người”. Các Thượng tế, Kỳ lão, Kinh Sư, và Pharisêu cứ tưởng: khi treo ông Giêsu lên Thập Giá, họ đã chiến thắng và họ sẽ ngủ ngon trên chiến thắng này. Dưới con mắt người đời, khi Đức Giêsu bị treo trên Thập Giá, là một thất bại bi thảm. Nhưng họ có ngờ đâu, chính lúc bị chết ô nhục như vậy, Đức Giêsu đã chiến thắng và Ngài được tôn vinh vì Ngài đã được giương cao. Nhưng sự tôn vinh này chưa phải là cuối cùng vì nó chưa trọn vẹn. Độ cao của thập giá thể lý còn bị sự giới hạn. Sự tôn vinh sẽ trọn vẹn khi Đức Giêsu được cất nhắc lên trời cao, lúc này không còn cây thước nào có thể đo được độ cao đó! Và Đức Giêsu được tôn vinh trọn vẹn.
Là một một Kitô hữu, trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta được mời gọi trở nên giống Đức Giêsu và được mời gọi đi theo con đường mà Ngài đã đi. Muốn theo Chúa, người môn đệ được mời gọi biết từ bỏ đi những hành lý cồng kềnh cản trở hành trình của chúng ta, đó là: danh vọng, quyền lợi, tiền của và những thói hư nết xấu. Bao lâu ta còn luyến tiếc những thứ đó là chúng ta còn đặt ý ta hơn ý Thiên Chúa, và chắc chắn ta sẽ không thể nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa để thi hành. Đức Kitô mời gọi ta trở nên giống như Ngài hầu biết bỏ ý những ý riêng, biết cảm thông và có tinh thần phục vụ như Ngài khi xưa đã phục vụ bằng một tình yêu tự hiến. Có như vậy Thập Giá mới nở hoa, mới mang lại cho ta ơn cứu độ.
Có một điều chúng ta cần lưu ý, đó là tự bản thân cây thập giá sẽ không có một ý nghĩa nào hết và cũng không có giá trị cứu độ nếu Đức Giêsu không chết cho nhân loại. Phải có Đức Giêsu cùng với sự vâng phục và tình yêu tuyệt đối của Người, thì thập giá mới trở thành Thánh Giá, trở thành nguồn ơn cứu độ của chúng ta, hệt như việc chỉ có một chữ T, mà không có chữ Y thì không thể làm nên hai chữ tình yêu được.
Ước gì mỗi khi nhìn lên thánh giá chúng ta cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa đang trào tràn trong cuộc đời mình, cách đặc biệt trong những lúc ta gặp đau khổ cùng cực nhất. Xin Thánh Giá Chúa cứu độ chúng con. Amen.