Ngày 15/01: THÁNH ARNOLD JANSSEN, Lễ trọng trong Dòng Ngôi Lời

0
290

LỄ TRỌNG TRONG DÒNG NGÔI LỜI, MỪNG KÍNH ĐẤNG SÁNG LẬP DÒNG NGÔI LỜI (SVD)

Tải file PDF Bộ Lễ và Bài Đọc

Bài giảng chủ đề

ÁNH SÁNG NGÔI LỜI

Tu sĩ Gioan Hoàng Xuân Hải, SVD

 

Nếu như để nhìn thấy được các sự vật ngoài việc phải có đôi mắt sáng còn cần phải có ánh sáng phản chiếu từ sự vật tới các bộ phận của mắt thì chúng ta mới nhìn thấy được. Trong đời sống đức tin cũng vậy, để có thể nhìn thấy được vinh quang của Thiên Chúa, con người không những cần có đôi mắt đức tin trong sáng mà còn cần phải được ánh sáng của Thiên Chúa soi chiếu, mặc khải cho. Ánh Sáng đó chính là Đức Kitô, vinh quang Thiên Chúa. Lời Tựa của Tin Mừng Gioan mà chúng ta vừa nghe đã khẳng định: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9). Ánh sáng đó đã chiếu soi vào tận tâm hồn cha thánh Arnold Janssen, nhờ đó mà ngài được biến đổi từ một con người bình thường trở thành Đấng Sáng lập Dòng Ngôi Lời, mà chúng ta mừng lễ hôm nay. Chúng ta cùng nhìn lại ơn gọi và cuộc đời của cha thánh Arnold Janssen dưới ánh sáng của Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe.

1.     Ngôi Lời là ánh sáng thật: Tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại

Lời Tựa của Tin Mừng Gioan là một bản tóm tắt về Tin Mừng thứ IV. Nó cho thấy chương trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại được thực hiện qua Ngôi Lời Nhập Thể: “Nhờ Ngôi Lời mà vạn vật được tạo thành, và điều được tạo thành nơi Người là sự sống” (Ga 1,3). Thật vậy, vì yêu và để cho con người được thông phần hưởng niềm hạnh phúc viên mãn và chiêm ngắm vinh quang của Thiên Chúa, nên Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa (x. St 1,26). Thế nhưng, Nguyên Tổ sa ngã phạm tội, đã làm cho hình ảnh và vinh quang của Thiên Chúa nơi con người bị che khuất bởi bóng đêm tội lỗi. Hậu quả của tội đã làm cho Nguyên Tổ bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, xa vinh quang Thiên Chúa, sống trong bóng đêm tội lỗi (x. St 3,23-24). Tuy nhiên, “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 14,16), Người không nỡ để con người phải sống trong bóng tối của tội và hư mất. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người xuống thế gian, để ai tin vào Con của Người thì được cứu độ” (Ga 3,16). Vì thế “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Người đến để tỏ vinh quang Thiên Chúa cho nhân loại và ban muôn ân sủng cho con người. Vinh quang đó là Ngôi Lời Thiên Chúa, là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người (x. Ga 1, 9). Thật vậy, “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18).

Tình yêu Thiên Chúa luôn đi bước trước nên đã tự hủy mình để đến với con người (x. 1 Ga 4,10), thế nhưng nhiều người đã không đón nhận: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11), họ đã không bước theo ánh sáng của Người chỉ lối, mà ngược lại, chỉ thích bóng tối và lần mò trong bóng tối hơn là đi trong ánh sáng, vì có lẽ bóng tối sẽ dễ dàng hơn, dễ chịu hơn và dễ đồng lõa hơn đối với họ: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa” (Ga 3,19). “Còn ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Điều mà Đức Giêsu đã khẳng định: “Tôi là ánh sáng thế gian, ai theo Tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống” (Ga 8,12).

Cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại qua mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thế, thánh Arnold đã khao khát mong muốn là người đem ánh sáng Ngôi Lời đến cho mọi người, nhất là những nơi còn ngồi trong bóng tối tử thần, để dẫn họ vào đường nẻo bình an, là được hưởng ơn cứu độ (x. Lc 1,76).

2.     Thánh Arnold Janssen: con người mang ánh sáng Ngôi Lời đến cho muôn dân

Trong sách Hạnh Các Thánh có viết: “Thiên Chúa biểu lộ rõ ràng cho con người thấy dung nhan và hiện diện của Ngài. Chính Ngài nói với chúng ta qua các vị thánh và ban cho ta dấu chỉ nước Ngài. Vì vậy, mỗi vị thánh được mời gọi sống một đời sống ở trần gian này khác nhau để làm sáng tỏ hơn cho tình yêu và ơn cửu độ của Thiên Chúa”. Điều này được chúng ta nhận thấy qua cuộc đời của cha thánh Arnold Janssen. Ngài được Thiên Chúa mời gọi để mang ánh sáng của Ngôi Lời đến cho muôn dân.

Điều đầu tiên chúng ta có thể nhận thấy ở nơi cha thánh đó là “một con người bình thường đã làm nên những việc phi thường”. Một chàng thanh niên nhỏ bé “không đủ tiêu chuẩn về tầm vóc và sức khỏe nói chung” để thực hiện nghĩa vụ quân sự, thì Thiên Chúa lại chọn ngài để làm chiến binh anh dũng cho Thiên Chúa trong việc mang ánh sáng Ngôi Lời đến cho muôn dân. Điều này làm cho ta nhớ lại trong Cựu Ước Thiên Chúa đã chọn Đavít. Tuy ông là người con bé nhất trong gia đình và chẳng thể làm được việc gì to tát ngoài việc đi chăn chiên, nhưng Thiên Chúa đã chọn để làm vua dân Israel và thông phần vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Kế đến chúng ta thấy Thánh Arnold có lòng yêu mến Thiên Chúa rất đặc biệt, không chỉ dừng lại ở việc cầu nguyện mà còn được thể hiện qua sự khao khát mang ánh sáng Ngôi Lời đến cho muôn dân, qua lời mời gọi của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Vì thế thánh Arnold luôn tâm niệm: “Việc làm trên hết và ý nghĩa nhất đó là loan báo Tin Mừng cho mọi người”. Thật vậy, mặc dầu cha thánh Arnold không đi tới tận cùng trái đất để mang ánh sáng Ngôi Lời cho muôn dân, nhưng cha thánh đã thành lập nên Hội Dòng Ngôi Lời, với mong muốn mang ánh sáng Ngôi Lời cho những ai đang ngồi trong bóng tối của tử thần. Cũng như xưa Đức Giêsu đã mong muốn “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy bùng lên” (Lc 12,49). Đáp lại ước mong của Chúa, cha thánh đã được mời gọi xây dựng một cơ sở truyền giáo. Ngài đã xây dựng cơ sở truyền giáo với hai bàn tay trắng. Ngài đã xây dựng nó trên nền tảng của đức tin và sự phó thác vào tình yêu của Thiên Chúa. Cha thánh luôn nhắc nhớ mình “Không phải tôi làm nhưng chính là Chúa”.

Đức Giêsu đã nói: “Ai muốn theo Ta thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16,24). Vì vậy, cha thánh cũng không tránh khỏi những thập giá, những thập giá đó là sự chống đối của người khác, sự khinh thường của mọi người về những dự định của ngài, đặc biệt là việc lập cơ sở truyền giáo. Khi đi tìm sự ủng hộ của mọi người cho công việc của mình, cha thánh lại nhận được những lời mĩa mai: “Vâng cha hãy làm điều đó, cha được kêu gọi để thực hiện điều đó; Trước hết cha phải có sự bướng bỉnh cần thiết; Thứ đến, cha phải có đủ lòng đạo đức và thứ ba là cha phải là người không hoàn toàn thực tế”, và “hoặc là ngài là một vị thánh hoặc là ngài là một tên khùng”. Đứng trước những thập giá, những chén đắng, dù phải đổ những giọt “mồ hôi máu”, thế nhưng cha thánh không lùi bước. Cha thánh Arnold là một con người luôn tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa: “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Mt 19,29). Nhờ đó, từ một cơ sở truyền giáo lúc đầu chỉ có “một vị linh mục ốm yếu làm bề trên, một anh thợ mộc tập sự trong chiếc áo màu xanh và một thầy dòng tha hương”, vậy mà đến nay Hội Dòng đã đón sinh nhật 148 năm (1875 – 2023) với hơn 6000 thành viên. Nếu khởi đầu chỉ là tại một nơi vùng quê nghèo vùng biên giới, thì nay Hội Dòng đã lan rộng trên khắp thế giới, hơn 84 quốc gia. Thiên Chúa không chỉ ban cho Hội Dòng nở rộ hoa thơm và quả ngọt qua sự lớn mạnh quả Hội Dòng, mà Thiên Chúa còn tặng ban cho riêng cha Arnold một món quà đặc biệt và lớn lao dường bao. Đó chính là vào ngày 5 tháng 10 năm 2003, Thiên Chúa ghi danh ngài vào số bộ các thánh cùng với cha Giuse Feinadametz trái ngọt đầu mùa của Hội Dòng.

Cuộc đời cha thánh Arnold là một mẫu gương sáng ngời và mẫu mực cho những ai muốn dấn thân, muốn thuộc về đại gia đình của Đức Giêsu. Ngài luôn khiêm nhường và xem mình chỉ là khí cụ trong tay Chúa mà thôi. Là mỗi tu sĩ Dòng Ngôi Lời, chúng ta cần phải sống sát hơn với cuộc sống mà cha thánh tổ phụ của chúng ta đã nêu gương. Để mỗi người là khí cụ mang ánh sáng Ngôi Lời đến cho muôn dân, nhất là những ai đang ngồi trong bóng tối tử thần. Amen.

 


SỐNG MẦU NHIỆM TỰ HẠ

Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD

Lời tựa trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an mà chúng ta vừa nghe chính là nền tảng và động lực khơi nguồn cho cha thánh Arnold Janssen, tổ phụ của chúng ta chọn và đặt tên cho Hội Dòng mà ngài đã thiết lập: “Dòng Ngôi Lời” (Societas Verbi Divini (SVD). Vào đề thánh Gio-an đã xác quyết mạnh mẽ: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời” (Ga 1,1), nghĩa là Ngôi Lời đã hiện hữu từ muôn thuở, trước mọi loài thọ tạo, nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành và Ngôi Lời chính là Thiên Chúa thật. Ngôi Lời phát xuất từ Chúa Cha, đã đến thế gian và trở nên người phàm, nghĩa là mặc lấy thân phận loài người như chúng ta và cư ngụ giữa chúng ta.

  1. Ngôi Lời Nhập Thể, Sống Mầu Nhiệm Tự Hạ

Biến cố Ngôi Lời Nhập Thể là một mầu nhiệm tự hạ. Một Thiên Chúa uy nghi, cao cả, rất thánh, ngự chốn trời cao đã hạ mình thẳm sâu đến với con người, mặc lấy thân xác như con người, để trở nên giống như con người trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Các nhà chú giải Kinh Thánh viết: “Đấng cúi mình xuống trên nhân loại, nhờ đó Người thiết lập Giao Ước với dân Ít-ra-en cách nhưng không”. Ngôi Lời đã hạ mình thẳm sâu đến với nhân loại chúng ta và thiết lập một Giao Ước Mới trong tình yêu bằng chính máu của Ngài để giải thoát và cứu độ con người. Một Thiên Chúa từ bỏ chốn trời cao, từ bỏ ngai vàng và địa vị của một vị Vua Thiên Quốc để hạ cố đến nơi đất thấp, đến với nhân trần hèn yếu, đến với con người đầy tội lỗi và bất xứng. Đó là điểm quyến rũ và thôi thúc cha thánh Arnold bằng mọi cách thế để thiết lập Dòng Ngôi Lời, với mục đích là đem Ngôi Lời đến với và hiện diện giữa muôn dân, bất chấp muôn vàn khó khăn, thử thách, thậm chí có cả những chống đối, nhạo cười, châm biếm, chế giễu và khích bác đến từ nhiều phía. Mầu nhiệm tự hạ của Ngôi Lời Nhập Thể đã hằn sâu trong đời sống và con người của cha thánh Arnold. Và chính cha thánh cũng đã cắm rễ sâu trong Ngôi Lời và muốn hoạ lại hình ảnh của Ngôi Lời Nhập Thể bằng chính con người và đời sống của mình. Đó là điểm nổi bật mà chúng ta cần khám phá về cha thánh Arnold Janssen.

  1. Cha Thánh Arnold, Hoạ Ảnh Của Ngôi Lời Nhập Thể

Thầy Giê-su đã từng mời gọi các Tông Đồ và các môn đệ: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,28). Đức Giê-su đã không mời gọi các môn sinh của Ngài đến để học một mớ kiến thức nhưng đến với Ngài để học lấy lòng hiền hậu và tính khiêm nhường. Cha thánh Arnold cũng đã thực sự đến và chìm đắm trong Ngôi Lời và đã học với Ngài những đức tính này. Cha thánh Arnold Janssen đã xác quyết: “chúng ta không thể đón nhận Thiên Chúa, trừ khi chúng ta trở nên bé nhỏ trong sự nhìn nhận của Ngài”. Cha thánh đã ý thức được rằng sống khiêm hạ và trở nên nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa, trước tình yêu và quyền năng của Người, đó là chìa khoá và sức mạnh hoá giải mọi khó khăn, thử thách để đạt tới lý tưởng sống cao đẹp. Đức thánh cha Phan-xi-cô trong một bài chia sẻ gần đây, ngài nói: “Thần Khí không thể đi vào trong một con tim cao ngạo. Thần Khí của Thiên Chúa chỉ có thể bén rễ và nảy mầm trong một trái tim biết khiêm nhường. Và mạc khải của Thiên Chúa chỉ bắt đầu nơi những con người bé nhỏ, những điều nhỏ bé, nghĩa là nơi những ai khiêm nhường tin tưởng vào Người, hơn là khép mình lại trước tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa”. Đức Thánh Cha nói tiếp: “Thần Khí chọn những điều nhỏ bé bởi Người không đi vào những kẻ hùng mạnh, tự mãn, và tự thoả mãn nơi chính mình. Thiên Chúa mặc khải chính mình cho những tâm hồn bé nhỏ”.

Quả thật, cha thánh tổ phụ của chúng ta là một con người bé nhỏ xét về diện mạo bên ngoài, ngài chỉ cao 1 mét 65 cm. Đối với người Đức, đây không phải là chiều cao lý tưởng. Mặc dầu, ngài khiêm tốn về chiều cao nhưng cao siêu về tư tưởng và hoài bão sống. Một con người với thân hình nhỏ bé nhưng lại có một trái tim to lớn, một lý tưởng và hoài bão sống siêu phàm và trổi vượt, đó là khao khát muốn đóng góp cho sứ vụ truyền giáo và muốn thiết lập một chủng viện truyền giáo để đào tạo các tu sĩ, linh mục truyền giáo phục vụ cho cánh đồng truyền giáo trên toàn thế giới. Khởi đi từ hoài bảo và khao khát đó, cha thánh đã thiết lập nên chủng viện truyền giáo Ngôi Lời. Một công việc ngoài sức tưởng tượng của con người. Đến nỗi, có nhiều linh mục, bạn bè, và cả giám mục đã phải thốt lên: “Đó là một ý tưởng tuyệt vời nhưng làm thế nào một con người tầm thường như cha Arnold Janssen có thể biến điều đó trở thành hiện thực được?” Còn đức giám mục Paredis tại Steyl khi nghe biết kế hoạch của cha thánh thì thốt lên: “có thể cha là một vị thánh hoặc cha là một tên khùng”. Và có biết bao ánh mắt, lời nói tỏ vẻ sự châm biến, mỉa mai và ngờ vực dành cho cha thánh, khi nói: “đứa trẻ mơ mộng này sẽ làm được điều gì đây?”. Nhưng quả thật, có nhiều điều đối với con người thì không thể, nhưng đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể. “Thiên Chúa vẽ những đường thẳng bằng những nét cong”. Thiên Chúa đã thực hiện trong chính con người nhỏ bé, tầm thường và khiêm hạ của cha thánh một việc kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng của con người. Quả thật, Thần Khí của Thiên Chúa đã bén rễ và nảy mầm trong trái tim khiêm nhường của cha thánh, một trái tim luôn biết đặt trọn niềm tin vào quyền năng, sự quan phòng và tình yêu của Thiên Chúa. Bởi vậy, giữa biết bao chống đối, ngờ vực, mỉa mai, khích bác và khó khăn, ngài vẫn xác tín rằng: “Đối với tôi, từ bỏ ý định này sẽ là điều chống lại thánh ý Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao tôi vẫn tiếp tục hướng tới công việc này. Tôi không nghi ngờ về ý định của Thiên Chúa và chính Người là tác nhân thật sự đang sử dụng những khả năng yếu hèn của tôi cho mục đích này”. Bởi thế, cha thánh luôn xác tín rằng: “Thiên Chúa chắc chắn sẽ ban cho chúng ta những gì cần thiết vào đúng thời đúng buổi, chỉ cần chúng ta khiêm tốn tin vào Thiên Chúa và chu toàn việc bổn phận, Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta”.

  1. Dòng Ngôi Lời, Hoa Trái Sống Mầu Nhiệm Tự Hạ

Trong Hán Ngữ có viết: “hoàng thiên bất phủ hảo tâm nhân”, nghĩa là ông Trời hay Thiên Chúa không bao giờ phụ bạc những con người có lòng tốt. Nhìn vào những gì Hội Dòng đang có, từ lúc khởi sử cho đến hiện tại, chúng ta có thể mạnh mẽ xác tín và thưa lên như lời ngợi ca của Mẹ Ma-ri-a: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lc 2,49). Có lẽ chẳng ai hiểu được và cũng chẳng ai ngờ, một Hội Dòng lớn mạnh như hiện tại lại được khởi đi từ những điều rất nhỏ bé tầm thường: từ một vị sáng lập nhỏ bé cả thân hình và cả tiềm lực tinh thần cũng như vật chất; một Hội Dòng có hơn 10 ngàn thành viên, gồm các tu sĩ nam nữ thuộc ba Hội Dòng lại khởi đi từ một nhóm người rất nhỏ; một Hội Dòng hiện diện trên 84 quốc gia trên thế giới với biết bao cơ sở hạ tầng, biết bao tu viện, chủng viện, trường học, bệnh viện,… lại được đặt nền trên một quán rượu của các thuỷ thủ đoàn dừng chân trên dòng sông Maas. Có thể nói được cha thánh của chúng ta đã đặt nền và xây dựng Dòng Ngôi Lời từ những cái không: không quyền, không tiền, không người ủng hộ, không nhân sự, không có đất sống,… Cái mà ngài có vào thời điểm bấy giờ là: có đức tin mạnh mẽ, có lòng cậy trong vững vàng, có đời sống cầu nguyện và có lòng khiêm nhường trước quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa.

Chúng ta là con cái của cha thánh, xin cho mỗi người chúng ta biết noi gương cha thánh sống mầu nhiệm tự hạ, sống khiêm nhường trong mọi sự, trước Thiên Chúa đầy quyền năng và trước mọi người để hoàn thiện chính mình và làm vinh danh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân trong mọi hoàn cảnh của đời sống nơi mà chúng ta được sai đến để thi hành sứ vụ. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 2 TN–B)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (15/1, Kính Thánh Arnold Janssen, Đấng Sáng Lập Dòng Ngôi Lời)