Lời Chúa + Bài giảng LỄ SINH NHẬT GIOAN TẨY GIẢ (24/6)

0
1244

Bài Ðọc I: Gr 1, 4-10

“Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi, Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc”. Và tôi đã thưa lại: “A, a, a, lạy Chúa là Thiên Chúa, con đâu có biết ăn nói, vì con còn con nít”.

Nhưng Chúa phán cùng tôi rằng: “Ngươi đừng nói: “Con là con nít”, vì ngươi sẽ đi đến với những kẻ Ta sẽ sai ngươi đi, ngươi sẽ nói mọi điều Ta sẽ truyền dạy ngươi nói. Ngươi đừng sợ họ, vì Ta sẽ ở với ngươi để bảo vệ ngươi”. Chúa phán như thế.

Và Chúa giơ tay sờ miệng tôi mà nói với tôi rằng: “Ðây Ta đặt lời Ta vào miệng ngươi. Ðây hôm nay Ta ban quyền cho ngươi trên các dân tộc và trên các vương quốc, để ngươi lật đổ và đập phá, phân tán và tiêu diệt, xây dựng và vun trồng”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 70, 1-2. 3-4a. 5-6ab. 15 và 17

Ðáp: Từ trong thai mẫu, Chúa là Ðấng bảo vệ con (c. 6b).

Xướng: 1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con tủi hổ muôn đời. Theo đức công minh Chúa, xin cứu nguy và giải thoát con; xin ghé tai về bên con và giải cứu. – Ðáp.

2) Xin trở nên thạch động để con dung thân, và chiến luỹ vững bền hầu cứu độ con: vì Chúa là Ðá tảng, là chiến luỹ của con. Lạy Chúa con, xin cứu con khỏi tay đứa ác. – Ðáp.

3) Bởi Ngài là Ðấng con mong đợi, thân lạy Chúa; lạy Chúa, Ngài là hy vọng của con từ hồi thanh xuân. Ngay từ trong bụng mẹ, con đã nép mình vào Chúa; từ trong thai mẫu con, Chúa là Ðấng bảo vệ con; con đã luôn luôn trông cậy vào Chúa. – Ðáp.

4) Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh, và suốt ngày kể ra ơn Ngài giúp đỡ, thực con không sao mà kể cho cùng. Lạy Chúa, Chúa đã dạy con từ hồi niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể những sự lạ của Ngài. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Pr 1, 8-12

“Chính ơn cứu rỗi này là đối tượng các tiên tri đã nghiên cứu và tìm hiểu”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, anh em yêu mến Chúa Giêsu Kitô, dù không thấy Người, và anh em tin Ngài, dù bây giờ anh em cũng không thấy Người, bởi anh em tin, anh em sẽ được vui mừng vinh quang khôn tả, vì chắc rằng anh em đạt tới cứu cánh của đức tin là phần rỗi linh hồn.

Chính ơn cứu rỗi này là đối tượng các tiên tri đã nghiên cứu và tìm hiểu, khi các ngài tiên báo về ân sủng dành cho anh em: các ngài đã tìm xem coi trong thời gian nào, hoặc hoàn cảnh nào Thần Trí của Ðức Kitô chỉ cho các ngài biết phải tiên báo những khổ nạn và những vinh quang kế tiếp dành cho Ðức Kitô. Các ngài được mạc khải cho biết rằng các ngài không phải phục vụ chính mình, mà là cho anh em, trong những gì đã được loan truyền cho anh em hiện nay, do những kẻ rao giảng Tin Mừng với sự trợ giúp của Thánh Thần từ trời được sai xuống, Ðấng mà các thiên thần cũng ước ao nghiêng mình chiêm bái.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 7; Lc 1, 17

Alleluia, alleluia! – Ông đến để chứng minh về sự sáng; để chuẩn bị cho Chúa một dân tộc hoàn hảo. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 5-17

“Vợ ngươi sẽ sinh hạ cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên con trẻ là Gioan”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Vào thời Hêrôđê làm vua xứ Giuđêa, có một tư tế tên là Dacaria, thuộc phiên ban Abia, và vợ ông bởi dòng dõi Aaron, tên là Elisabéth. Cả hai là người công chính trước mặt Thiên Chúa, ăn ở theo mọi giới răn và lề luật của Chúa, không ai trách được điều gì. Nhưng họ lại không con, vì Elisabéth son sẻ, và cả hai đã đến tuổi già.

Xảy ra khi Giacaria chu toàn chức vụ tư tế trước mặt Thiên Chúa, theo lượt của phiên mình như tục lệ hàng tư tế, ông bắt thăm và trúng việc vào cung thánh Chúa mà dâng hương, đang lúc toàn thể đám đông dân chúng cầu nguyện bên ngoài, trong giờ dâng hương. Bấy giờ thiên thần Chúa hiện ra cùng ông, đứng bên phải hương án. Giacaria thấy vậy thì hoảng hốt, sự kinh hoàng đột nhập vào ông.

Nhưng thiên thần nói với ông rằng: “Dacaria, đừng sợ, vì lời ngươi cầu nguyện đã được nhậm rồi. Elisabéth vợ ngươi sẽ sinh hạ cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên con trẻ là Gioan. Ngươi sẽ được vui mừng hân hoan, và nhiều người cũng sẽ vui mừng, vì việc con trẻ sinh ra. Vì trẻ này sẽ nên cao trọng trước mặt Chúa, sẽ không uống rượu và thức có men; sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ lòng mẹ, sẽ đem nhiều con cái Israel trở về cùng Chúa là Thiên Chúa. Trẻ này sẽ đi trước Người, trong thần trí và quyền lực của Êlia, để đổi lòng dạ cha ông về với con cháu, kẻ ngỗ nghịch về lại với lương tri của những người công chính, dọn cho Chúa một đoàn dân chuẩn bị sẵn sàng”.

Ðó là lời Chúa.


 

Các chia sẻ / bài giảng     

ĐỨA TRẺ LẠ LÙNG (Tu sĩ G. B. Nguyễn Văn Tùng, SVD)

Lẽ thường tình, những sự lạ lùng, khác biệt thì thường thu hút sự chú ý của mọi người, càng lạ thì càng dễ thu hút. Bởi vì tâm lý chung của con người đó là thích những điều lạ. Tin Mừng hôm nay cũng thuật lại một sự việc lạ lùng về một đứa trẻ, đứa trẻ đó tên là Gio-an. Sự việc lạ lùng đến nỗi người ta phải tự hỏi: đứa trẻ đó rồi sẽ ra sao? Gio-an quả là một đứa trẻ lạ lùng và đặc biệt. Trình thuật Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta về sự kiện đặc biệt này. Chúng ta cùng tìm hiểu sự việc lạ lùng này qua ba điểm sau:

Thứ nhất, đứa trẻ sinh ra bởi một đôi vợ chồng hiếm muộn. Đôi vợ chồng này được kinh thánh ghi lại là đã già, mang tiếng là son sẻ. Chính tổng lãnh thiên thần Ga-bri-en khi truyền tin cho đức Ma-ri-a đã nói: “kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng”. Trong Cựu Ước, một người không con cái, son sẻ là dấu chỉ của một việc không được Thiên Chúa chúc phúc, bị nguyền rủa vì những tội lỗi của mình, còn những người đông con cái là dấu chỉ Chúa ở cùng, dấu chỉ của phúc lành từ Thiên Chúa. Do đó, có thể thấy rằng, trước khi có được đứa con này, cả hai ông bà đã phải chịu biết bao lời ra tiếng vào, những lời dèm pha của làng xóm. Giờ đây, đôi vợ chồng này lại có con lúc tuổi già, độ tuổi mà người ta đã nghĩ đến việc an hưởng tuổi già và chờ ngày Chúa đến, độ tuổi mà đến cả người lạc quan nhất cũng không nghĩ là họ có thể có con. Nhưng việc lạ lùng ấy lại xảy đến với họ, già nua mà vẫn có con. Trong lịch sử cứu độ, đây cũng không phải là lần đầu tiên sự kiện kiểu này xảy ra. Những sự kiện này xảy ra khi Thiên Chúa muốn tác động vào lịch sử cứu độ cách đặc biệt và những người con này cũng được giao nhiệm vụ lớn lao và tác động vào lịch sử cứu độ. Có thể kể đến một số nhân vật cũng mang tiếng là son sẻ nhưng lại được Chúa đoái thương lúc tuổi già như bà Sa-ra cũng sinh ra Is-a-ac lúc tuổi đã xế chiều, bà Ra-khen, vợ gia cóp cũng sinh con ở tuổi già. Ngoài ra, mẹ của Sam-son hay tiên tri Sa-mu-el cũng vậy. Thiên Chúa đã đoái thương, chúc lành cho họ.

Thứ hai, tên cháu bé là Gio-an, một tên gọi khiến mọi người ngạc nhiên. Trong văn hoá Do Thái, trẻ con thường được đặt tên theo tên của cha. Vì cha bé là Da-ca-ri-a nên lẽ dĩ nhiên, cháu bé sẽ được mặc định là sẽ được đặt tên theo tên cha mình, là Da-ca-ri-a. Nhưng bất ngờ thay, người mẹ đã có một quyết định lạ lùng. Bà đã chọn một cái tên xa lạ, cái tên mà không một ai trong họ hàng có cái tên đó (x. Lc 1,61). Vì vậy, người cha đã được hỏi ý kiến. Với tấm bảng trên tay, cái tên Gio-an dần được hiện ra cách rõ ràng. Mọi người ở đó cũng bất ngờ không kém khi người cha cũng cùng chung quan điểm với người mẹ: tên cháu là Gio-an. Thật ngạc nhiên. Không ngạc nhiên sao được khi mà trong văn hoá Do Thái, việc đặt tên cho ai có nghĩa là có quyền làm chủ trên người đó. Cho nên, việc người bố từ chối dùng tên của mình để đặt cho đứa con trai cũng chính là việc khước từ quyền lợi này. Quả là một sự ngạc nhiên to lớn với những người đến chung vui hôm đó. Tên trong Kinh Thánh cũng thường mang một ý nghĩa, cái tên Gio-an có nghĩa là Thiên Chúa dủ lòng thương. Quả thật, Thiên Chúa đã dủ lòng thương đến ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét cũng như qua ông bà Thiên Chúa cũng tỏ lòng xót thương dân người, ban cho dân một vị ngôn sứ vĩ đại, đi trước dọn đường cho Đấng Cứu Thế.

Thứ ba, người cha bị câm nay lại nói được. Câm điếc thường là một căn bệnh không thể chữa khỏi. Thường thì khi đã bị câm, người ta khó lòng có thể nói lại được như xưa. Y học hiện đại ngày nay cũng phải bó tay với căn bệnh này, chứ đừng nói là y học của 2000 năm về trước. Vì vậy, việc một người bị câm nay lại nói được quả là lạ lùng. Thế mà, Da-ca-ri-a, một người đàn ông đã già, đã bị câm chín tháng bỗng dưng nói lại được cách lạ lùng. Không lạ lùng sao được khi ông nói được không phải bởi chữa trị của thầy lang, nhưng là bởi một hành động, hành động viết tên cháu bé lên tấm bảng nhỏ: tên cháu là Gio-an. Quả thật, những người chứng kiến đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên nọ. Họ hết sức kinh ngạc khi thấy điều mà xưa nay chưa từng thấy trong đời họ. Từ chỗ bỡ ngỡ vì ông Da-ca-ri-a chọn tên con trẻ là Gio-an, họ trở nên kinh sợ vì ông đã nói được và ngay lập tức ca tụng Thiên Chúa. Chắc hẳn, những người chứng kiến sẽ tự đặt cho mình những câu hỏi về sự kiện lạ lùng này.

Mừng lễ thánh Gio-an Tẩy Giả, chúng ta cũng được mời gọi suy niệm về những điều lạ lùng mà Thiên Chúa đã làm cho thánh nhân cũng như cho mỗi người chúng ta. Mỗi con người đều là một huyền nhiệm. Việc được sinh ra trên cõi đời này đã là một ân ban lớn lao của Thiên Chúa. Duyệt xét lại cuộc đời mình, mỗi người có thể nhận ra rằng, Thiên Chúa đã ban cho mình nhiều, thật nhiều những điều lạ lùng khôn xiết. Trước hết, đó chính là sự hiện hữu của mỗi người. Để hiện hữu trên thế giới này, chúng ta đã trải qua bao giai đoạn từ khi thụ thai cho đến khi trở thành một con người hoàn chỉnh. Cơ thể chúng ta được tạo thành một cách tinh vi vượt trên những hiểu biết của con người. Nhà khoa học Francis Collins, người chịu trách nhiệm về chương trình nghiên cứu sơ đồ gen của con người, đã tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa sau khi khám phá ra những sự kì diệu lạ lùng trong bản đồ gen người. Điều được ông nhìn nhận là phải có bàn tay Thiên Chúa trong một công trình kỳ diệu đến vậy. Con người thực sự vẫn còn nhiều điều lạ lẫm về chính mình mà khoa học vẫn còn phải khám phá thêm. Việc Thiên Chúa tạo dựng mỗi người là một công trình vĩ đại lạ lùng nhưng việc người cứu độ chúng ta càng lạ lùng hơn nữa. Chính nhờ công trình cứu chuộc, Người đã cho chúng ta được trở nên con cái của Người, được thân thưa gọi Thiên Chúa là Cha và trở thành những người em của Đức Giê-su. Chúng ta cũng được mang danh là Ki-tô hữu. Ngày nay, Thiên Chúa cũng mong muốn mỗi người Ki-tô hữu phải xây dựng đời mình như thánh Gio-an Tẩy Giả, trở thành một ngôn sứ, một người dọn đường cho Chúa. Bài đọc thứ nhất trong sách I-sai-a, bài ca người Tôi Trung được dùng cho Đức Giê-su nhưng cũng có thể được dùng một cách nào đó để chỉ về Gio-an, một người tôi trung của Đức Chúa. Người được Chúa đoái thương từ trong cung lòng mẹ, được trao ban sứ vụ và trung thành với sứ vụ đó, chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế. Ngày nay, người Ki-tô hữu cũng cần phải trở thành những người tôi trung, trở thành “tiếng kêu trong hoang địa”. Đó như là một dấu chứng lạ lùng giữa một thế giới đang ngày càng tục hoá, nơi mà các giá trị vật chất, tinh thần hưởng thụ ngày một lên ngôi. Giữa một thế giới gian tà, sa đoạ, chúng ta cần trở nên những ánh sao dẫn đường để nhìn vào đó, nhân loại có thể nhận ra con đường dẫn về nẻo chính đường ngay, con đường đích thực dẫn đến hạnh phúc thật. Đó chính là Thiên Chúa.

Mừng lễ thánh Gio-an hôm nay, xin Thiên Chúa là đấng luôn quan tâm đến con cái Ngài ban sức mạnh cho mỗi người để chúng ta biết dấn thân, hy sinh, phục vụ cho Nước Chúa. Từ đó, chúng ta có thể trở thành những con người “lạ lùng”, đem Tin Mừng tình yêu của Chúa đến cho nhân loại ngày nay. Amen. 


 

MỪNG SINH NHẬT (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Cương, SVD)

Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả là một ngày lễ đặc biệt. Đây là sinh nhật đặc biệt vài trong Phụng vụ, Giáo Hội chỉ Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh nhân được cử hành lễ sinh nhật. Hơn nữa, trong tất cả các thánh, duy chỉ thánh Gioan là người được Tin Mừng thuật lại biến cố hạ sinh. Điều này cho thấy, sinh nhật của thánh Gioan là một biến cố lớn và có nhiều ý nghĩa. Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật sự kiện trẻ Gioan được sinh ra và chịu phép cắt bì. Những sự việc xảy ra thật lạ lùng.

Mở đầu bài Tin Mừng, thánh Luca mô tả việc trẻ Gioan được sinh ra với một câu rất ngắn gọn: “Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlisabét sinh hạ một con trai” (Lc 1,57). Bé trai này là người con đã được sứ thần Chúa tiên báo cho ông Dacaria, khi ông vào dâng hương trong Đền Thờ: “Bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan. Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỉ hoan ngày con trẻ chào đời” (Lc 1,13-14). Trẻ Gioan là ân huệ Thiên Chúa ban cho ông Dacaria và bà Êlisabét  khi hai ông bà đã cao niên. Hơn nữa, bà Êlisabét  là người hiếm hoi. Mà theo quan niệm của người Do Thái xưa, người sinh được con đàn cháu đống là dấu hiệu được Thiên Chúa chúc phúc; còn người hiếm hoi thì bị xem như là một sỉ nhục. Họ phải chịu nhiều tủi nhục bởi những lời ra tiếng vào của người đời. Vì thế, khi cưu mang và sinh hạ trẻ Gioan, bà Êlisabét  được giải thoát khỏi sự tủi nhục, được hãnh diện và ngẩng cao đầu với những người chung quanh. Bà đã thầm tạ ơn Thiên Chúa và tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời” (Lc 1,25).

Một điều lạ lùng khác đã xảy ra vào ngày trẻ Gioan chịu phép cắt bì. Khi được tám ngày, trẻ Gioan được cắt bì theo luật định: “Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em” (Lc 1,59). Bà Êlisabét không đồng ý với cái tên mà người ta tính đặt cho em, nhưng bảo đặt tên là Gioan. Theo truyền thống của người Do Thái, trẻ sinh ra được đặt theo tên của một trong số những người họ hàng thân thích, thường là theo tên ông nội. Bởi thế, khi nghe bà Êlisabét nói đặt tên cho em là Gioan, người ta đã phản ứng và nói: “Trong họ hàng với bà, chẳng có ai tên như vậy cả” (Lc 1, 61). Lúc này, ông Dacaria vẫn đang bị câm vì “không tin vào lời của sứ thần Chúa”. Bởi thế, người ta đã ra hiệu hỏi ông muốn đặt tên cho đứa trẻ là gì. Ông Dacaria “xin một tấm bảng nhỏ và viết: tên cháu là Gioan” (Lc 1, 63). Phép lạ đã xảy ra: “ngay lúc đó, miệng lưỡi ông mở ra, ông nói được và chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 1, 64). Gioan có nghĩa là Chúa ban ơn. Gioan là tên mà sứ thần Chúa đã mặc khải cho ông Dacaria trong Đền Thờ. Ông Dacaria đã làm theo mệnh lệnh của sứ thần Chúa, nghĩa là ông đã tin Thiên Chúa và chứng tỏ lòng tin của mình. Từ một người bị câm, ông Dacaria đã nói được và chúc tụng Thiên Chúa.

Những điều lạ lùng chung quanh việc sinh hạ và đặt tên cho trẻ Gioan khiến ai chứng kiến cũng đều “bỡ ngỡ và kinh hãi”. Tiếng lành đồn xa. Niềm vui có sức lan tỏa. Sự kiện lạ lùng về trẻ Gioan đã lan khắp miền núi Giuđê: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?”. Đó là câu hỏi mà ai cũng để tâm suy nghĩ về trẻ Gioan khi nghe biết những điều lạ lùng Chúa đã làm cho em. Chắc hẳn, mọi người đều nghĩ rằng trẻ Gioan sẽ có một sứ mệnh lớn lao trong tương lai, bởi họ nhìn nhận rằng “có bàn tay Chúa phù hộ em”. Quả thế, trẻ Gioan đã được đầy Thánh Thần và nhảy múa trong lòng bà Êlisabét, khi Đấng Cứu thế đang ngự trong cung lòng Đức Maria viếng thăm. Với độc giả, thánh Luca đã vén mở cho chúng ta biết điều mà những người Do Thái thắc mắc về trẻ Gioan: “cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho tới ngày ra mắt dân Ítraen (Lc 1, 80). Trẻ Gioan là một “nadia” của Đức Chúa, giữ những lời khấn hứa theo luật nadia, và thi hành sứ vụ cho Đức Chúa.

Trong bài đọc hai, tác giả đã giúp chúng ta hiểu sứ vụ của thánh Gioan: “Để dọn đường cho Đức Giêsu, ông Gioan đã rao giảng kêu gọi toàn dân Ítraen chịu phép rửa tỏ lòng sám hối. Khi sắp hoàn thành sứ mệnh, ông Gioan đã tuyên bố: tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người (Cv 13, 24-25). Như thế, sứ vụ của thánh Gioan là làm người dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Thật vậy, trong khi thi hành sứ vụ, khi được hỏi, thánh Gioan Tẩy Giả đã nói về chính mình rằng: “tôi là tiếng người hô trong hoang địa: hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói” (Ga 1, 23). Gioan Tẩy Giả nhận ra sứ vụ của mình. Thánh nhân đã thi hành sứ vụ của mình bằng việc rao giảng và kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Hơn nữa, thánh Gioan đã giới thiệu và làm chứng về Đức Giêsu cho mọi người biết: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1, 29-30).

Mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, Tin Mừng cho ta biết những điều lạ lùng Thiên Chúa đã làm cho thánh nhân. Gioan nghĩa là Thiên Chúa thi ân. Thánh Gioan Tẩy Giả đã nhận ra sứ vụ của mình và hoàn thành sứ vụ cách trung tín và khiêm nhường. Còn mỗi Kitô hữu chúng ta thì sao?

Mừng sinh nhật là mừng ngày chúng ta được sinh ra, được hiện hữu trên cõi đời này. Đây là món quà vô giá và ý nghĩa mà chúng ta được thừa hưởng. Bởi thế, ngày sinh nhật nhắc nhở cho mỗi người chúng ta về hồng ân sự sống. Sự sống là điều vô cùng quý giá. Sự sống của chúng ta không phải là một sự ngẫu nhiên tình cờ nào đó, nhưng là ý định yêu thương của Thiên Chúa, như lời ngôn sứ Isaia trong bài đọc thứ nhất: “Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ” (Is 49, 1). Thánh Phaolô còn tiến xa hơn khi nói: “anh em là những kẻ được Thiên Chúa yêu mến, chúng tôi phải luôn luôn tạ ơn Thiên Chúa về anh em, vì Thiên Chúa đã chọn anh em ngay từ lúc khởi đầu”. Chúng ta được hiện hữu là kết quả của tình yêu bố mẹ. Thế nhưng, sự sống đích thực đến từ Thiên Chúa. Bởi, Thiên Chúa là nguồn mạch của sự sống và là chính sự sống. Như thế, sinh nhật là dịp thuận lợi để chúng ta tạ ơn Thiên Chúa về hồng ân sự sống mà Người đã ban. Chúng ta cám ơn cha mẹ về công ơn sinh thành dưỡng dục, đồng thời tri ân những người đã yêu thương và giúp đỡ ta.

Khi sinh ra, mỗi người đều có một cái tên. Tên gọi hay danh xưng của mỗi người không chỉ để gọi nhưng còn mang một ý nghĩa nào đó. Với những người tin, chúng ta mang trong mình một danh xưng mới cao quý nhất và ý nghĩa nhất: “Kitô hữu”. Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được gia nhập vào gia đình Giáo Hội, được mang danh là Kitô hữu. Kitô hữu nghĩa là người có Chúa Kitô, người tin Chúa Kitô, người được Đức Giêsu xem là bạn hữu. Chúng ta phải tự hào và hãnh diện khi được mang danh Kitô, vì như lời thánh Phêrô đã rao giảng và xác tín: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này không có môt danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ danh đó mà được cứu độ” (Cv 4, 12). Thánh Phaolô cũng đã xác tín và rao giảng về một danh duy nhất là Giêsu Kitô, Đấng có sức mạnh và uy quyền trên mọi sự (x. Pl 2, 9-11). Quả thế, được trở thành Kitô hữu, được tháp nhập vào thân mình Đức Kitô là một hồng ân vô giá. Nó không phải do công lao của ta, nhưng là ân huệ của Thiên Chúa. Nhận lãnh hồng ân này, chúng ta không những phải tạ ơn Thiên Chúa mà còn tỏ lòng tri ân đến rất nhiều người đóng góp cách này hay cách khác trong đời sống đạo của chúng ta. Nhờ đó, hạt giống Tin Mừng được nảy sinh và đơm hoa kết trái. Giờ đây, mỗi chúng ta cũng có sứ mạng đem Tin Mừng đến với những người khác. Rao giảng Tin Mừng là sứ vụ mà Đức Giêsu trao cho mỗi Kitô hữu chúng ta: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15). Rao giảng Tin Mừng phải là ưu tiên hàng đầu của mỗi Kitô hữu, như thánh Arnold Janssen, đấng sáng lập Dòng Ngôi Lời đã nói và thực hiện: “Rao giảng Tin Mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất”.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con được hiện hữu trên cõi đời này. Hơn nữa, Chúa còn cho chúng con trở thành một Kitô hữu, được làm con của Chúa, được tháp nhập vào thân mình Đức Kitô. Trong khi đó, có biết bao người còn chưa được biết Chúa, biết bao trẻ em bị tước đi mạng sống của mình khi chưa được cất tiếng khóc chào đời, chưa được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Xin cho mỗi người chúng con biết trân quý sự sống của mình và sự sống của người khác. Xin biến đổi chúng con để chúng con luôn ý thức, hăng say dấn thân, và trung kiên trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cho nhiều người. Amen.

 

————————–

ĐỜI SỐNG CHỨNG NHÂN CỦA GIOAN TẨY GIẢ (Lm. G. B. Nguyễn Văn Huân, SVD)

 Hôm nay, Giáo Hội mừng trọng thể lễ sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài là vị ngôn sứ cuối cùng trong Cựu Ước, là vị tiền hô dọn đường cho Đấng Cứu Thế (x. Mt 3,1-12), là người được gọi là cao trọng nhất trong số những người được sinh ra từ lòng mẹ (x. Mt 11,10-11). Và có lẽ vì lý do đó mà Thánh Gioan là người duy nhất được mừng sinh nhật trong Giáo Hội ngoài Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu. Từ cách sống và lời rao giảng của thánh nhân chúng ta có thể rút ra những bài học về sự khiêm nhường thánh thiện và tinh thần sống chứng nhân cho sự thật.

Thánh Gioan, Người Sống Khiêm Nhường Thánh Thiện

Sự khiêm nhường và tinh thần đơn sơ thánh thiện của thánh nhân được đặt nền tảng từ gia đình. Ngài được sinh ra trong một gia đình thánh thiện đơn sơ. Ba mẹ là người lớn tuổi và ông Dacaria suốt ngày ở trong đền thờ lo việc cầu nguyện, cả hai không ngừng cầu khẩn Chúa (x. Lc 1,36). Sự khiêm nhường còn được minh chứng đích thực từ đời sống nội tâm sâu thẳm và thể hiện qua lời rao giảng và đời sống cụ thể của Ngài. Sự khiêm nhường này được xây dựng trên nền móng của sự thánh thiện và có thể nói ngược lại. Hầu hết các vị thánh đều có đức tính khiêm nhường và Thiên Chúa yêu thương những kẻ sống hiền lành và khiêm nhường như thế.

Thông thường, theo người đời thì ai cũng muốn nâng mình lên, nguyên thủy Adong và Eva muốn được bằng Thiên Chúa, nhưng thánh Gioan luôn ý thức về sự thấp hèn của mình trước mặt Thiên Chúa. Tin Mừng kể lại là ngài đã sống âm thầm trong hoang địa, ăn châu chấu và mật ông rừng. Khi gặp Chúa Giêsu, ngài đã giới thiệu cho các môn đệ “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,29) và tự nhận mình không đáng cởi dây dày cho Người (x. Ga 1,26) để Chúa lớn lên, còn ngài phải nhỏ lại, làm sao để Thiên Chúa được tôn trọng trong các tâm hồn. Thánh Gioan đã tự thu mình lại và nhận mình nhỏ bé chẳng là chi để cho mọi người nhận ra Chúa Giêsu mới là Đấng phải đến và là Đấng phải được tôn thờ đích thực. Khi Chúa Giêsu bắt đầu đi rao giảng công khai, thì thánh Gioan đã bị tống vào trong ngục tù. Suốt cuộc đời, thánh nhân đã sống điều ngài xác tín: “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại”. Cũng vì lẽ đó mà lời rao giảng và lối sống khiêm nhường của Ngài đã lay động nhiều tâm hồn ý thức về tội và quay trở về cùng Thiên Chúa.

Thánh Gioan, Sống Chứng Nhân Cho Sự Thật

Sống trên đời, người khôn cũng như kẻ dại, không ai muốn làm mất lòng người khác nên người ta ngại nói lên sự thật nhưng “thuốc đắng thì dạ tật mà sự thật thì mất lòng” hay “thẳng thắn thật thà thường thua thiệt”.  Vì thế, người ta hay nói tránh, hứa cho qua chuyện mà không làm, và trở thành nói láo… Trong một bài chia sẻ, linh mục Gioan Baotixita Trần văn Hào, SDB đã viết: “Nơi thánh Gioan thì không phải vậy. Ngài đã can đảm nói lên sự thật, cho dù phải trả giá rất đắt. Sự thẳng thắn đã khiến Ngài bị biệt giam trong tù và cuối cùng bị chém đầu do bàn tay của vua Hêrôđê. Cái chết của thánh Gioan là một cái chết tử đạo đúng nghĩa, vì Ngài đã can đảm nói lên sự thật. Ngài đã chết để làm chứng cho sự thật, và sự thật tuyệt đối là chính Đức Giêsu”. Chúa Giêsu đã đến thế gian và làm chứng cho sự thật, cũng bị bắt và bị đóng đinh vào thập giá. Các Thánh Tông Đồ và các Thánh Tử Đạo cùng chung con đường của Thầy mình “Nếu thế gian đã ghét Thầy, thì thế gian sẽ ghét các con vì các con sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian” (Ga 15,18-19).  Thánh Gioan đã sống đúng với vai trò của một vị ngôn sứ đích thực, là loan báo đúng sự thật, ngay thẳng, không nhu nhược với những người tội lỗi, địa vị chức quyền cho dù phải dẫn tới tù đày và phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Dưới con mắt người đời, thánh nhân có lẽ là một người thất bại vì phải chết trong tù, nhưng Chúa Giêsu lại đề cao cách sống cao cả và gương sáng của Ngài: “Trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả” (Lc 7,28)

Nói tóm lại, mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan hôm nay, cũng là một cơ hội rất thuận tiện cho mỗi người chúng ta để suy nghĩ về sinh nhật của mình, ơn gọi của mình khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Tôi có sống đúng vai trò là tư tế, ngôn sứ và vương giả như thánh Gioan chưa? Tôi đã thực sự sống khiêm nhường như thế nào? Và tôi đã sống làm chứng cho Tin Mừng như thế nào trong môi trường và hoản cảnh sống hiện tại? Cách sống của tôi có hợp với ơn gọi làm ngôn sứ cho Ngôi Lời không?

Lạy Chúa Giêsu, hơn bao giờ hết, trong xã hội và Giáo Hội hôm nay đang cần những nguời chứng nhân khiêm nhường thánh thiện và can đảm làm chứng cho sự thật như thánh Gioan. Xin ban Thánh Thần Chúa soi sáng hướng dẫn chúng con và dạy chúng con biết noi theo gương sống tuyệt vời của thánh Gioan để làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh sống của chúng con. Amen.     

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Sáu Tuần 11 TN)
Bài tiếp theoChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XII Thường Niên, Năm A (Mt 10,26-33)