BÀI ĐỌC I: St 22, 1-2. 9a. 10-13. 15-18
“Của hiến tế của Abraham Tổ phụ chúng ta”.
Trích sách Sáng Thế.
Trong những ngày ấy, Chúa thử Abraham và nói với ông rằng: “Abraham, Abraham!” Ông đáp lại: “Dạ, con đây”. Chúa nói: “Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi”.
Khi hai người đến nơi Chúa đã chỉ, Abraham làm một bàn thờ và chất củi lên, rồi trói Isaac lại, đặt lên bàn thờ trên đống củi. Abraham giơ tay lấy dao để sát tế con mình. Bấy giờ thiên thần Chúa từ trời gọi ông rằng: “Abraham, Abraham!” Ông thưa lại: “Dạ, con đây”. Người nói: “Đừng giết con trẻ và đừng động đến nó, vì giờ đây ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta”. Abraham ngước mắt lên, thấy sau lưng mình có con cừu đực đang mắc sừng trong bụi cây, Abraham liền bắt nó và tế lễ thay cho con mình. Thiên thần Chúa gọi Abraham lần thứ hai và nói rằng: “Chúa phán: Ta thề rằng: vì ngươi đã làm điều đó, ngươi không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi, Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển; miêu duệ ngươi sẽ chiếm cửa thành của quân địch, và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 115, 10 và 15. 16-17. 18-19
Đáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh (Tv 114, 9).
Xướng:
1) Tôi đã tin cậy ngay cả trong lúc tôi nói: “Tấm thân tôi trăm phần khổ cực!” Trước mặt Chúa thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. – Đáp.
2) Ôi lạy Chúa, con là tôi tớ Chúa, con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. – Đáp.
3) Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài, trong nơi hành lang nhà Chúa, ở giữa lòng ngươi, Giê-rusalem hỡi! – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Rm 8, 31b-34
“Thiên Chúa không dung tha chính Con mình”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta ? Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta, há Người lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao ? Ai sẽ tố cáo những kẻ Chúa chọn ? (Chẳng lẽ là) chính Chúa, Đấng làm cho nên công chính ? Ai sẽ kết án ? (Chẳng lẽ là) Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và hơn nữa đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa, cũng đang biện hộ cho chúng ta ?
Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Mc 9,2-10
2 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông.
3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. 4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.
5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.”
6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. 7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” 8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.
9 Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. 10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.
Chia sẻ chủ đề
LÊN NÚI VỚI CHÚA (Lm. P.X. Đinh Duy Thiên, SVD)
Leo núi, hay lên núi là việc chẳng dễ dàng chút nào. Đặc biệt là khi hành trình leo núi kéo dài và núi non hiểm trở thì việc leo núi lại càng trở nên khó khăn hơn. Đời sống đức tin của chúng ta cũng có thể ví như một hành trình lên núi với Chúa. Hành trình ấy có những lúc dễ dàng, có những lúc đầy dẫy chông gai; có những lúc chúng ta hăng hái lên đường, nhưng cũng có những lúc chúng ta muốn ở lại trong những nơi quen thuộc, nơi những lối mòn của cuộc sống hằng ngày. Hôm nay, chúng ta đã bước vào Chúa Nhật II Mùa Chay. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy, hành trình đức tin của những người tiến bước lên núi với Chúa, một hành trình có nhiều khó khăn nhưng cuối cùng cũng đạt đến đích điểm, đạt đến vinh phúc.
Trước tiên, nơi bài đọc I trích trong sách Sáng Thế, Ápraham cũng có một cuộc lên núi. Thế nhưng cuộc lên núi đó chẳng phải là một cuộc dạo chơi hay du ngoạn, mà một cuộc lên núi để sát tế đứa con duy nhất của mình làm của lễ toàn thiêu dâng lên Chúa. Đây quả thật là một cuộc lên núi đầy thử thách. Khi theo Chúa, Ápraham đã rời bỏ quê cha đất tổ, rời bỏ cơ nghiệp để đến một nơi Thiên Chúa sẽ chỉ cho, và Người cũng hứa cho ông một dòng dõi đông như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Thế mà nay, khi đã gần 100 tuổi, chỉ được một đứa con, Chúa lại muốn ông đưa con đến một ngọn núi mà Người sẽ chỉ cho để dâng đứa con ấy làm của lễ toàn thiêu kính Chúa. Trước lệnh truyền đầy thử thách đó, Ápraham, mặc dù rất buồn, vẫn chọn đặt niềm tin tưởng nơi Chúa. Ông đã thực hiện theo lệnh Chúa truyền. Nhờ luôn tin tưởng vào Chúa như thế, Chúa đã can thiệp đúng lúc và sai thiên sứ đến ngăn cản ông sát tế Isaác. Chúa cũng đã ban cho ông lễ vật là một con cừu đực để thay thế cho người con của ông. Và nhờ luôn sống trọn niềm tin tưởng nơi Chúa, ông cũng được Chúa ban cho dòng dõi đông như sao trên bầu trời và như cát ngoài bãi biển như Người đã hứa với ông.
Tiếp đến nơi bài Tin Mừng, ba môn đệ: Phêrô, Giacôbê và Gioan cũng có một cuộc hành trình lên núi với Chúa. Hành trình lên núi đó cũng không phải chỉ là để được hưởng những giây phút ngất ngây mà còn là cuộc tôi luyện để các ông có đủ sức đương đầu với những gian nan sắp tới trên hành trình theo Chúa. Các ông sau một thời gian theo Chúa, đã được nghe những điều Chúa nói, được thấy những việc Chúa làm. Khi theo Chúa, các ông cũng đã chấp nhận từ bỏ mọi sự: chài lưới, công việc, cha mẹ, người thân và những nếp sống hàng ngày của một người ngư dân… Các ông đã theo Chúa, nhưng các ông vẫn luôn nghĩ Đức Giêsu là Đấng Mêsia theo lối hiểu của thế gian. Và rồi các ông thấy khó hiểu trước những lời loan báo về cuộc khổ nạn. Hôm nay, Chúa đưa các ông lên núi, để rời bỏ những lối mòn cũ, để tôi luyện các ông trong hành trình theo Chúa. Chúa cho các ông hiểu rõ hơn về con đường mà Người sẽ đi và các ông cũng sẽ bước đi trên con đường ấy. Hôm nay, Chúa cho các ông được cảm nếm trước vinh quang của Người, vinh quang mà những ai bước theo Người trên con đường mà Người đi thì cũng sẽ được đạt tới. Các ông đã cảm thấy hạnh phúc ngất ngây và cũng muốn dựng lều để được ở lại trong niềm hạnh phúc đó. Nhưng đường theo Chúa còn dài, các ông còn phải xuống núi với Chúa để tiếp tục hành trình rao giảng, hành trình theo Chúa lên Giêrusalem. Các ông chỉ đạt tới vinh quang đó ở cuối con đường theo Chúa mà thôi. Các ông vẫn còn phải đồng lao cộng khổ với Chúa trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Và quả thật, trong hành trình theo Chúa, tuy cũng có những lúc vấp váp, ngã lòng, nhưng các ngài cũng đã theo Chúa hết trọn con đường và cũng đã biến đổi đời mình để đạt đến vinh quang Chúa hứa ban.
Mỗi người chúng ta cũng được Chúa mời gọi tiến bước theo Người trong hành trình đức tin, một hành trình mà chúng ta cần bước đi trong suốt cuộc đời dương thế. Trong hành trình đó, có những lúc chúng ta đã cảm thấy thật khó khăn và nhiều khi chúng ta cũng không hiểu được điều Chúa muốn.
Nhưng những điều mà nhiều khi chúng ta không hiểu đó, lại là điều tốt, điều cần thiết mà Chúa mời gọi để chúng ta có thể theo sát Chúa hơn. Đặc biệt, trong Mùa Chay này, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi làm một cuộc hành trình theo Chúa bằng một cuộc lên núi. Cũng như xưa kia Chúa Cha ngỏ với các môn đệ trên núi Tabor, khi họ chiêm ngưỡng Đức Giêsu Hiển dung, với lời phán: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17,5), mỗi người chúng ta cũng được mời gọi lắng nghe và vâng lời Đức Giêsu. Mùa Chay là thời gian ân sủng để chúng ta lắng nghe Lời Chúa khi Người ngỏ lời với chúng ta. Cách cụ thể, chúng ta được mời gọi nỗ lực siêng năng cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, lãnh nhận các Bí Tích và nhất là tham dự Thánh Lễ mỗi ngày để đón rước chính Đức Giêsu vào lòng chúng ta, để được nuôi dưỡng và được biến đổi nhờ Lời Chúa và Thánh Thể. Ngoài ra, việc cầu nguyện chung hay riêng, nhất là giờ kinh tối trong các gia đình, bao gồm việc đọc và suy niệm một đoạn Lời Chúa, là một thực hành cần được duy trì và khích lệ. Đồng thời, để hòa nhịp với một Hội Thánh hiệp hành với giai đoạn “Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo Hội”, Chúa không chỉ mời gọi chúng ta làm một cuộc hành trình “lên núi” với Chúa qua việc dành một chỗ đứng đặc biệt cho Lời Chúa, mà Người còn mời gọi mỗi người chúng ta làm một cuộc hành trình đến với tha nhân, qua việc cùng lắng nghe nhau, cùng nhau “xuống núi”, cùng nhau tham gia vào đời sống của Giáo Hội. Nơi đó, có nhiều người đang cần đến sự hiện diện yêu thương và sự dấn thân quảng đại của mỗi chúng ta. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con luôn sống tích cực tinh thần Mùa Chay, để cuộc đời mỗi người trong chúng con, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn… được biến đổi, được “hiển dung” và tiến tới Mùa Phục Sinh trong sự phấn khởi và tươi vui. Amen.
VINH QUANG ĐÍCH THỰC (Lm. Giuse Nguyễn Công Lai, SVD)
Chúng ta đang bước vào Chúa Nhật thứ II, Mùa Chay năm B. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay như là sự đúc kết, hay nói đúng hơn, cho chúng ta thấy rõ căn tính thật của Chúa Giêsu. Đồng thời, qua việc nhận rõ sự vinh quang về thần tính của Chúa Giêsu, chúng ta thấy rõ hơn phẩm giá đích thực của con người. Hơn thế, với việc Chúa biến hình và lời tuyên phán của Chúa Cha hôm nay, thì đây là con đường đích thực và duy nhất để chúng ta có thể đạt tới ơn cứu độ. Đó là “hãy vâng nghe lời Người” (x. Mc 9,7).
- Nhận Biết Vinh Quang Của Thiên Chúa Và Phẩm Giá Của Con Người
Trước hết, chúng ta thấy rằng, theo cách nhìn của triết học, đứng trước một sự vật trong đời sống, bao giờ người ta cũng xét trên hai khía cạnh căn bản: hiện tượng và bản chất. Hiện tượng là cái có thể nhìn thấy được, sờ nắm được, ngửi được, đánh giá được tương đối cụ thể ở mức độ thông thường. Nhưng bản chất là điều sâu thẳm ở bên trong, khó có thể nắm bắt và đánh giá theo lẽ thường. Thế mà, thật hạnh phúc cho ba môn đệ thân tín của Đức Giêsu hôm nay, bởi họ đã có dịp ngắm nhìn bản tính thần linh của Chúa Giêsu.
Thật vậy, các môn đệ theo Đức Giêsu vì bị hấp dẫn bởi lời giảng dạy uy quyền; bởi những phép lạ xưa nay chưa từng có; bởi những hy vọng vinh quang trần thế; bởi họ tin Ngài là Đấng Mêsia – Đấng giải phóng dân Ítraen… Một cách nào đó, họ suy đoán về thân thế của Đức Giêsu, hẳn Ngài phải xuất phát từ Thiên Chúa. Song, đó chỉ là sự suy đoán dựa trên những hiện tượng bên ngoài, chứ chưa hiểu thấu về bản chất thật của Người. Nhưng Tin Mừng hôm nay cho thấy: các ông đã thấy rõ vinh quang đích thực của Người Thầy mà mình từng tiếp xúc. Đức Giêsu biến đổi hình dạng trước mắt các ông, áo Người trắng như tuyết (x. Mc 9,2-3), nói lên vinh quang của Thiên Chúa; Người còn đứng giữa Môsê và Êlia mà đàm đạo (x. Mc 9,4), nói lên thân phận cao quí và vượt trội hơn các vị này; lại còn tiếng phán từ trời “Đây là con Ta yêu dấu” (Mc 9, 7), nói lên thần tính của Chúa Giêsu, Người đích thực là Con Thiên Chúa. Như thế, những điều mà người ta thấy về Đức Giêsu, dù Người có quyền năng vượt trội, cũng chỉ là cái cảm nhận vẻ bề ngoài của Người mà thôi. Nhưng hôm nay chính Người đã bộc lộ vinh quang, một thứ vinh quang mà chỉ Thiên Chúa mới có. Vinh quang này được tỏ lộ không chỉ cho Phêrô, Gioan và Giacôbê, mà còn là tỏ lộ cho toàn thể nhân loại. Để rồi một ngày nào đó, con người cũng sẽ được hiệp thông vinh quang với Người trên Nước Trời.
Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ dừng lại ở việc chiêm ngắm vinh quang của Chúa Giêsu mà thôi, thì chưa được xem là hoàn mỹ. Chỉ khi chiêm ngắm vinh quang của Thiên Chúa, và thấy được phẩm giá cao quí của con người, điều đó mới cho chúng ta thêm nhiều ý nghĩa, cả trong đời sống hằng ngày, cũng như trong đời sống đức tin. Thật vậy, nhờ phép Rửa Tội, người Kitô hữu trở thành con cái của Thiên Chúa; được thông hiệp với thần tính của Người (x. 2 Pr 1,4). Và ngay từ thời đầu tạo dựng, Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài, giống như Ngài (x. St 1, 26-27). Như thế, con người dù da màu hay da trắng, dù giàu hay nghèo, dù quyền quí hay thấp hèn… thì tất cả đều là con một Cha trên trời, và được chung hưởng phần vinh quang với Người.
Thế nên, đứng trước anh chị em của mình, chúng ta cần nhìn họ với một thái độ trân trọng và yêu thương. Bởi lẽ, họ là anh chị em của chúng ta; họ mang nơi mình phẩm giá do Thiên Chúa ban tặng. Có thể vẻ bề ngoài họ yếu thế hơn chúng ta, họ tội lỗi hơn chúng ta, họ cơ hàn hơn chúng ta… Nhưng trong tự bản chất, họ cũng được Thiên Chúa trân trọng và yêu thương như chúng ta. Hơn thế, vì con người là hình ảnh Thiên Chúa, là con cái Thiên Chúa, cho nên khi mang danh là Kitô hữu, chúng ta cần sống sao cho xứng đáng với danh hiệu và phẩm giá ấy. Đừng để những lợi lộc thấp hèn, những tranh chấp đố kỵ, những hơn thiệt bon chen, che lấp sự kiêu hãnh phẩm giá con người nơi mình, cũng như nơi chính anh chị em mình. Cũng đừng chỉ lo mải mê đời sống trần thế này, rồi tìm đủ mọi cách, có khi hành động trái với lương tâm ngay thẳng, nhưng hãy có lòng hướng đến vinh quang mai sau, là thứ vinh quang đích thực và không ai có thể cướp mất. Đó cũng là thứ vinh quang mà chúng ta cần tìm đủ mọi cách để đạt tới. Đó cũng là điều mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho chúng ta.
- Lắng Nghe, Tuân Giữ Lời Chúa Dạy
Một câu hỏi được đặt ra là: nhận biết vinh quang của Thiên Chúa và phẩm giá cao quí của con người đã đủ cho hành trình đức tin của chúng ta chưa? Chúng ta không ngần ngại, mà có thể trả lời rằng: nó là sự cần nhưng chưa đủ. Là cần, vì chỉ khi nhận biết Thiên Chúa, chúng ta mới có cơ hội đến gần Người để tôn thờ, cảm tạ và xin Người cứu giúp; vì chỉ khi nhận ra phẩm giá đích thực của con người, chúng ta mới biết trân quí chính mình và mọi người. Nhưng chưa đủ, vì danh Kitô hữu không phải là “tấm vé” chắc chắn để vào được Nước Trời. Nói rõ hơn, nếu chúng ta chỉ tin Đạo mà không giữ Đạo thì khó có thể đạt tới ơn cứu độ.
Vậy thế nào là giữ Đạo? Tin Mừng hôm nay, một lần nữa cho chúng ta câu trả lời: “hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7). Đây là lời dạy bảo của Chúa Cha cho Phêrô, Gioan và Giacôbê, cũng là lời dạy bảo cho nhân loại hết mọi thời. Đức tin dạy cho chúng ta biết, không có con đường cứu độ nào khác ngoài Đức Kitô. Như thế, nghe lời dạy bảo của Chúa Giêsu, thực hành bằng đời sống đạo cụ thể sẽ dẫn đưa chúng ta đến ánh sáng chân thật. Mà chẳng phải việc lắng nghe và tuân giữ lời Chúa chỉ tóm gọn trong hai từ “mến Chúa, yêu người” hay sao!
Đây là hai thái độ, hai hành động của đời sống đức tin, là điều căn cốt không thể tách rời. Chính Mẹ Maria cũng đã cưu mang và thực thi trong suốt cuộc đời của mình, vì lẽ Mẹ luôn lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Bài đọc I, trích sách Sáng Thế cho chúng ta thêm một gương mẫu nữa của việc đáp lại lời mời gọi này. Ápraham đã lắng nghe tiếng Chúa, đã thực thi Lời Chúa dạy, thực thi đến độ sẵn sàng sát tế đứa con yêu dấu để tế lễ Thiên Chúa, cho dù sự thực thi này không hề dễ dàng. Đó chính là hành động của một lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, dù biết rằng lòng tin đó có thể làm tổn thương nơi mình. Còn chúng ta, chúng ta có dám tin tưởng và tín thác vào Thiên Chúa không? Chúng ta có dám chịu đau khổ, chịu khó khăn, chịu bách hại, chịu thiệt hại vì theo Đạo, giữ Đạo không? Có một điều chắc chắn rằng, Thiên Chúa không để chúng ta phải chịu quá sức, vì Người luôn ở bên để nâng đỡ đời sống đức tin của chúng ta. Sự thử thách trong đời sống chỉ là công cụ Chúa dùng để tôi luyện đời sống đức tin của chúng ta mà thôi. Vì, nói như thánh Phaolô Tông Đồ trong bài đọc II: Thiên Chúa đã ban chính Con Một cho chúng ta, lẽ nào Thiên Chúa lại không ban cho chúng ta tất cả (x. Rm 8,31b-34).
Nhưng một thực tế trong đời sống đức tin, rằng việc lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa thật không dễ dàng. Có người nghe Lời thì mau mắn nhưng thực hành Lời lại chậm trễ. Có người mau mắn thực thi Lời nhưng lại làm theo ý mình chứ không phải ý Chúa. Nhiều khi chúng ta để cho bản tính người tự hướng dẫn chúng ta, để rồi hành động trái ý Chúa, hơn là để ý Chúa hành động mà mau mắn làm theo Lời Người chỉ vẽ.
Chuyện kể rằng, một ngày kia, vị vua của vương quốc triệu tập các đại thần. Ngài đưa cho các ông xem một viên ngọc quí đáng giá liên thành. Vị vua nói với quan tể tướng: “Hãy đập nát viên ngọc đó”. Tể tướng trả lời: “Làm sao tôi có thể phá hủy một vật vô giá như thế?”. Rồi vua lại đưa viên ngọc cho viên đại thần khác và ra lệnh: “Hãy đập nát viên ngọc đó”. Viên đại thần trả lời trong kinh ngạc, sợ hãi: “Tôi không dám phá hủy một báu vật như thế”. Cuối cùng, nhà vua ra lệnh cho một thị vệ đập phá viên ngọc. Người lính này liền dùng đá đập vụn thành bột. Mọi người hết sức kinh ngạc và hỏi tại sao anh dám làm thế? Anh lính trả lời: “Tôi không chú ý đến giá trị của viên ngọc, tôi chỉ nghe theo lời của Đức Vua mà thôi”. Và hành động này được nhà vua khen ngợi!
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta nhận thức rõ vinh quang đích thực của Thiên Chúa, để rồi một lòng hướng theo Người, hầu mai sau cũng được chung hưởng vinh quang với Người. Nhưng để có thể đạt đến ngày đó, chúng ta cần mau mắn thực thi Lời Người, bằng một đời sống đức tin kiên vững, và một tinh thần luôn đáp lại ý Chúa. Amen.
CHÚA HIỂN DUNG (Lm. Giacôbê Trì Văn Pháp, SVD)
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giới thiệu khuôn mặt Đức Giêsu vinh quang. Trước hết, câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra: Tại sao Đức Giêsu lại dẫn ba môn đệ đi riêng với mình, để rồi từ đó, Người biến đổi hình dạng cho các ông thấy?
Tìm hiểu các đoạn văn trước và sau của bài Tin mừng hôm nay,chúng ta sẽ thấy rõ lý do tại sao. Trong đoạn văn lớn (Mc 8,31 – 10,52), Đức Giêsu đã tiên báo ba lần về cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Người: Lần thứ nhất nằm ở chương 8,31-33; Lần thứ hai nằm ở chương 9,30-32; Lần thứ ba nằm ở chương 10,32-34.
Vì thế, việc Biến hình mà Đức Giêsu tỏ lộ cho ba môn đệ (9,1-9)mang một ý nghĩa khá đặt biệt và quan trọng, nhằm củng cố đức tin của các ông, cho nên,đoạn Tin Mừng hôm nay, được chia thànhba giai đoạn: Thứ nhất, lên núi; Thứ hai, biến hình; Thứ ba, xuống núi
Trước hết, lên núi: Hình ảnh ngọn núimà Đức Giêsu dẫn ba môn đệ đi lên với mình cho chúng ta liên tưởng đến hình ảnh của Môsê gặp gỡ Thiên Chúa tại Sinai. Đồng thời, chúng ta cũng thấy rõ rằng khi Đức Giêsu dẫn ba môn đệ lên núi, thầy trò không trao đổi gì, đây là thời gian thật tĩnh lặng, tách biệt rõ ràng với cuộc sống thường ngày, và núi không tên, nói lên một nơi vượt ra khỏi không gian bình thương, nhằm để chuẩn bị cho một biến cố trọng đại.
Kế đến, Biến hình: có ba điểm chính. Thứ nhất, vinh quang Thiên Chúa tỏ lộ cho thấy triều đại Thiên Chúa đã hiện diện. Thứ hai, biến hình loan báo cuộc Phục Sinh vinh hiển của Đức Giêsu, xác nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Thứ ba, lời tuyên bố “Đây là Con ta” chính là mục đích và đỉnh cao của toàn Tin Mừng, vì khẳng định căn tính và sứ vụ của Đức Giêsu trước nhân loại. Hình ảnh Môsê và Êlia hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu, nhằm chứng thực về căn tính và sứ mệnh của Người.
Như vậy, chúng ta có thể nhận ra rằng việc Đức Giêsu dẫn ba môn đệ đi riêng với mình, để cho các ông thấy “hình ảnh thật”, hay nói cách khác là căn tính đích thực của Người, nhằm củng cố đức tin của các ông vào Người. Đó là, Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia. Đấng Mêsia Phục Sinh phải trải qua những đau khổ mới bước vào vinh quang. Hình ảnh đó, còn cho các môn đệ thấy rằng “chân tướng” thật sự của Đức Giêsu, Người chính là Con Thiên Chúa, để từ đó các môn đệ vững tin hơn khi Người tiên báo cuộc Khổ Nạn mà Người sắp phải chịu.
Cuối cùng, xuống núi: khi xuống núi, thầy trò có sự bàn luận sôi nổi, khác biệt rõ với lúc lên núi. Đây như là dấu hiệu cho biết các ông đã trở lại cuộc sống đời thường.Thêm nữa, lời căn dặn của Đức Giêsu không được nói với ai về biến cố mà các ông vừa chứng kiến, cho đến khi “Con Người từ cõi chết sống lại”, cho ta hiểu rằng, vì các ông chưa hiểu rõ biến cố vừa xảy ra, cho nên các ông bàn luận “từ cõi chết sống lại nghĩa là gì?” Đồng thời, với biến cố thật khác thường này, không phải ai cũng tin. Chính vì thế mà Đức Giêsu cấm các ông.[1]
Như vậy, đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn nói gì với mỗi người chúng ta?
Thứ nhất, Đức Giêsu kêu mời hãy tin vào Người và bước theo Người, dù rằng cuộc sống chúng ta gặp nhiều thử thách và đau khổ, thế nhưng nhờ và qua đau khổ đó, chúng ta sẽ được sống.
Thứ hai, Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa. Người đã đến để thi hành sứ mạng cứu chuộc loài người. Đây là niềm hy vọng cho tất cả mọi người chúng ta trên đường lữ hành đức tin. Hơn nữa, Người cũng mời gọi chúng ta thi hành sứ mệnh ấy là loan Tin Vui này đến cho mọi người, nhằm để họ cũng được cứu.
Thứ ba, vinh quang của Nước Trời đã đến và đang hiện diện trong cuộc sống, mời gọi chúng ta sống với niềm vui, niềm hân hoan của mầu nhiệm này.
Một chút suy tư:
Qua biến cố biến hình nàykhông những có vị trí đặc biệt trong Tin mừng Máccô, mà còn có một vị trí rất đặc biệt trong đời sống của mỗi Kitô hữu chúng ta. Biến cố này vượt thời gian và không gian nhưng lại liên hệ mật thiết với hiện tại.
Có thể nói rằng, biến cố ấy vẫn tái diễn hằng ngày qua việc chúng ta dâng Thánh Lễ. Việc Đức Giêsu dẫn ba môn đệ lên núi, tách biệt khỏi cuộc sống đời thường, cũng giống việc chúng ta bỏ tất cả những công việc, những lo toan của cuộc sống đời thường, để bước vào nhà thờ tham dự Thánh Lễ. Tiếng Chúa Cha phán: “hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7), có thể được sánh như lời Chúa mà chúng ta nghe trong Thánh Lễ, và lời ấy cần thực thi trong cuộc sống. Việc linh mục cầm bánh và chén rượu dâng lời chúc tụng, đọc lời truyền phép, bánh và rượu hóa nên Mình và Máu Đức Giêsu Phục Sinh, cũng được ví như việc Đức Giêsu biến đổi hình dạng. Việc các ông xuống núi, trở về cuộc sống đời thường, cũng giống như chúng ta kết thúc thánh lễ và trở về cuộc sống thường nhật và thi hành sứ mệnh.
Mong rằng mỗi người chúng ta cần ý thức mầu nhiệm Thánh Lễ này, và tham dự Thánh Lễ thật sốt sắng với tất cả niềm tin, như đang chiêm ngắm Đấng Phục Sinh đang hiện diện cách tỏ tường. Và đây cũng là “mầu nhiệm Nước Trời” mà chúng ta đang sống và nếm cảm trước. Đồng thời, cũng biết lắng nghe Lời Chúa và làm chứng cho đức tin của mình khi “xuống núi”.
[1]Việc Đức Giêsu cấm ba môn đệ, đây là điểm đặc biệt của Tin Mừng Mác-cô, mà các nhà chú giải gọi: “Bí mật công khai”, có nghĩa là cấm không nói cho ai biết, nhưng ai cũng biết.