BÀI GIẢNG (Chúa Nhật, Tuần 2 Mùa Chay – A)

0
267

Bài đọc 1: St 12,1-4a ;  Bài đọc 2: 2Tm 1,8b-10

Tin Mừng: Mt 17,1-9

1 Khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao.

2 Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.

3 Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người.

4 Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng : “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay ! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.”

5 Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng : “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người !”

6 Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất.

7 Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo : “Trỗi dậy đi, đừng sợ !”

8 Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi.

9 Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng : “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.”

Bài giảng chủ đề:

BIẾN HÌNH – SỨ ĐIỆP KHÍCH LỆ (Lm. Antôn Lê Sơn, SVD)

Chúa Nhật II Mùa Chay hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm về một biến cố đặc biệt đã được nói đến trong lễ Hiển Dung. Đây là sự kiện được các tác giả Nhất Lãm và Tin

Mừng Thứ Tư đề cập đến như một thông điệp hiếm hoi. Trình thuật Tin Mừng thuật lại việc Đức Giê-su dẫn ba môn đệ thân tín lên núi và thực hiện cuộc biến hình. Tại sao Đức Giê-su lại muốn các môn đệ chứng kiến sự kiện lạ lùng do chính Ngài thực hiện? Ý nghĩa về cuộc hội ngộ giữa Đức Giê-su và các ngôn sứ Mô-sê và Ê-li-a ở đây là gì? Lời chứng thực của Chúa Cha từ trong đám mây nói về Đức Giê-su có ý nghĩa gì? Thông điệp Chúa muốn gửi tới toàn thể loài người chúng ta qua cuộc thần hiện đó là gì?

  1. Các Môn Đệ Chứng Kiến Giây Phút Chúa Hiển Linh

Sau khi dẫn các môn đệ lên núi, Đức Giê-su cho các ông chứng kiến sự lạ lùng do chính Ngài thực hiện. Biến cố này diễn ra trong một không gian riêng biệt, khiến các ông hạnh phúc ngây ngất vì ánh sáng từ y phục, cuộc đàm đạo giữa Đức Giê-su với ông Mô-sê và ông Ê-li-a, cùng lời phán quyết của Chúa Cha từ trong đám mây: “Đây là con Ta yêu dấu, hằng đẹp lòng Ta mọi đàng, các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Lc 17,5). Trong giây phút hạnh phúc đó môn đệ Phê-rô đã thốt lên: “Lạy Ngài, chúng con ở đây thật là hay, nếu Ngài muốn con xin dựng ở đây ba cái lều” (Mt 17,4). Các môn đệ cảm nhận một niềm hạnh phúc vô biên khi được chứng kiến biến cố này. Dường như tất cả các môn đệ không ai muốn xa rời thực tại vinh quang và hạnh phúc đó. Nhưng thời khắc đặc biệt đó lại chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc, thầy trò lại phải xuống núi trở về với thực tại đau khổ, thập giá đang chờ đợi Đức Giê-su. Con đường chông gai phía trước đang thách thức các môn đệ, liệu niềm tin của các môn đệ có đứng vững khi các ông phải đối mặt với một Đức Giê-su bị người đời phỉ báng và sắp bị giết chết không?

Thực ra ánh sáng được mô tả ở đây không phải là ánh sáng của mặt trời mà là ánh vinh quang của Thiên Chúa được chiếu tỏa nơi Đức Giê-su. Ngài đã tỏ lộ vinh quang nước trời cho các môn đệ được chứng kiến. Đức Giê-su chính là mặt trời chói lọi soi sáng cho thế gian đang đi trong bóng đêm của tội lỗi và sự chết. Ánh sáng đó sẽ thắp lên niềm hy vọng để các môn đệ và toàn thể nhân loại xác tín vào ánh nến của đêm Phục Sinh sau này. “Lumen Gentium” – ánh sáng muôn dân (CĐ. Vat II). Nhờ việc tỏ mình của Chúa mà các môn đệ đã can đảm vượt qua mọi đau khổ, chết chóc để trung thành với Ngài.

  1. Ý Nghĩa Cuộc Đàm Đạo

Trong cuộc hiển dung của Chúa Giê-su, có các nhân vật của lịch sử, của quá khứ: ‘Bỗng có ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người” (Lc 17,3). Cuộc gặp gỡ và trò chuyện với các nhân vật này như là sự khẳng định về vai trò ngôn sứ và lề luật của Đức Giê-su. Ông Mô-sê đại diện cho lề luật, còn ông Ê-li-a là biểu trưng của ngôn sứ. Cuộc gặp gỡ đàm đạo này phần nào nói lên căn tính của Đức Giê-su. Ngài sẽ thực hiện sứ mạng này trong vai trò của một ngôn sứ vĩ đại. Suốt hành trình rao giảng của Đức Giê-su là nhằm thực hiện việc kiện toàn lề luật và vai trò ngôn sứ.

Đang khi người đàm đạo với các ông Mô-sê và Ê-li-a thì từ trong đám mây có tiêng Chúa Cha phán rằng: “Đây là con Ta yêu dấu, hằng làm đẹp lòng Ta, các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Lời phán truyền của Chúa Cha không chỉ xác định về nguồn gốc của Đức Giê-su, về sứ mạng cao cả của Chúa Cha uỷ thác khi đến trần gian, mà còn mời gọi các môn đệ và toàn thể nhân loại hãy luôn biết lắng nghe và vâng phục Đức Giê-su để được ơn cứu độ.

  1. Thông Điệp Của Cuộc Biến Hình

Bối cảnh cuộc biến hình của Đức Giê-su diễn ra trước cuộc thương khó của Ngài rất gần và sau nhiều lần tuyên bố việc Ngài sẽ phải lên Giê-ru-sa-lem để chịu khổ hình, lòng các ông trở nên hoang mang, sợ hãi và hoài nghi. Sự kiện này sẽ phần nào củng cố niềm tin giúp các ông can đảm đối mặt với những thử thách phía trước để tiếp tục trung thành đi theo Chúa.

Đối với toàn thể nhân loại, việc Chúa tỏ mình ra hôm nay là thông điệp mời gọi chúng ta xác tín lại mầu nhiệm Giáng Sinh của Ngôi Lời Thiên Chúa. Ngài chính là mặt trời công chính đã xuất hiện và tỏ mình ra cho các mục đồng và ba vua chiêm ngưỡng, bái lạy. Tiếng nói Chúa Cha từ trong đám mây gợi về biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan khi Đức Giê-su bắt đầu cuộc đời công khai rao giảng. Việc Chúa tỏ mình ra không chỉ mời gọi nhân loại chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa mà còn được mời gọi dự phần vào hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. Bài học từ cuộc hiển linh dành cho các môn đệ và mời gọi chúng ta phải không ngừng cố gắng nổ lực để tham dự vào hạnh phúc nước trời, nơi tràn ngập ánh vinh quang. Thông điệp ấy cũng là lời mời gọi tất cả chúng ta phải đón nhận đau khổ, thập giá và gắn kết đời mình với Đức Giê-su tử nạn mới có thể cùng Ngài phục sinh vinh quang sau này. Ý nghĩa sâu xa mà Đức Giê-su muốn mời gọi chúng ta tham dự vào biến cố tỏ mình chính là: Mỗi một Ki-tô hữu phải là một ánh nến thắp lên trong môi trường cuộc sống để qua đó người ta nhận ra nguồn sáng vĩ đại nơi Đấng đã chiếu toả vào thế gian ánh sáng vĩnh cửu. Làm được như thế là chúng ta đang góp phần cùng với Giáo Hội khơi lên khát vọng sâu xa nơi mỗi con người trần thế về hạnh phúc bất diệt nơi Thiên Chúa. Giống như Đức Giê-su nơi hang đá nghèo hèn năm xưa đã chiếu tỏa ánh sáng hy vọng cho các mục đồng và ba nhà hiền sỹ. Thiên Chúa làm người trong khiêm hạ và khó nghèo nhưng đã sưởi ấm bao cõi lòng tan vỡ và lạnh giá.

Giáo Hội không chỉ mời gọi mỗi người chúng ta thắp lên ánh nến của đêm Phục Sinh mà ngọn đèn ấy phải cháy sáng giữa cuộc đời để soi sáng cho nhân gian, nhất là trong đêm tối lòng người của thời đại hôm. Thánh Tê-rê-xa Calcutta một lần kia vào trong một căn nhà ẩm thấp, tồi tàn của khu ổ chuột tại thành phố Calcutta của Ấn Độ đã phát hiện ra trong căn phòng đen tối ấy có một cụ già bệnh tật, đau khổ không ai chăm sóc. Lúc đó Mẹ và mấy nữ tu đã quan sát căn phòng cụ già đang ở và phát hiện có một cây đèn. Mẹ đã xin phép cụ già thắp cây đèn đó để căn phòng được chiếu sáng. Lúc đầu cụ già đã không đồng ý, nhưng qua sự ân cần của Mẹ và các nữ tu thì cụ già bất hạnh đó đã đồng thuận để cây đèn được thắp lên. Từ đó cụ muốn mỗi khi đêm tối đến cây đèn lại được đốt sáng lên. Cụ cảm nhận được ánh sáng và sự ấm áp từ những bàn tay nhân ái yêu thương của Mẹ thánh Tê-rê-xa và các chị nữ tu bác ái. Nhân loại ngày nay còn rất nhiều những cảnh đời tăm tối, thiếu đi ánh sáng của tình yêu Thiên Chúa. Đấng tỏ mình ra trong Tin Mừng hôm nay đang mời gọi chúng ta hãy thắp lên ngọn lửa của niềm hy vọng trong đêm tối của bất công, đau khổ và thất vọng cho những người đang thực sự cần đến hơi ấm của tình người, tình Chúa. Khi đối diện với đau khổ và thập giá, chúng ta không chỉ được mời gọi tháp nhập đời mình vào con đường khổ nạn và thánh giá của Đức Giê-su mà còn phải trở nên khí cụ của yêu thương để sưởi ấm cuộc đời cho tha nhân.

Lạy Chúa Giê-su, Đấng đã tỏ mình ra cho các môn đệ, xin Ngài khai mở nhãn giới đức tin cho chúng con trong thời đại hôm nay để không bị lợi lộc trần thế che lấp đi ánh sáng vinh quang của Chúa. Xin Ngài thắp lại niềm hy vọng cho tất cả những ai đang sống trong tăm tối thất vọng của cuộc đời trần thế. Amen.


 

ĐIỀU MỚI XUẤT PHÁT TỪ ĐỨC KITÔ (Lm. Antôn Đỗ Quang Quốc, SVD)

Bài trướcChú giải Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay, Năm A (Mt 17,1-9)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 2 MC – A)