LỜI CHÚA + BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN – NĂM C

0
331

Bài đọc I: Đnl 30,10-14

10 Anh em nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ. 11 Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em. 12 Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh em phải nói: “Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành? 13 Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh em phải nói: “Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành? 14 Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.

Bài đọc II: Cl 1,15-20

15 Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, 16 vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. 17 Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. 18 Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu. 19 Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, 20 cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.

Tin Mừng: Lc 10,25-37

25 Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” 26 Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” 27 Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” 28 Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.” 29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”  30 Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. 32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” 37 Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Bài Giảng chủ đề: Ai Là Người Thân Cận Của Tôi?

Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta một dụ ngôn khá quen thuộc, dụ ngôn “Người Samaritanô Nhân Lành”. Dụ ngôn này nhằm trả lời cho câu hỏi của người thông luật xưa cũng như cho chính mỗi chúng ta hôm nay: “Ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10,29). Đồng thời,qua hình ảnh người Samaritanô nhân lành, Đức Giêsu muốn mặc khải chân dung của Thiên Chúa, Đấng yêu thương nhân loại và tình yêu của con người đối với nhau.

Người Samaritanô Nhân Lành

Khởi đầu bài Tin Mừng là câu hỏi mà người thông luật đặt ra để thử Đức Giêsu, câu hỏi này liên quan đến khoản Luật về điều răn quan trọng nhất: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Lc 10,25).

Đức Giêsu không trực tiếp trả lời, nhưng Người dùng phương pháp sư phạm để cho người thông luật tự trả lời, tựhành động và có trách nhiệm với những gì mình xác quyết: yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người thân cận như chính mình(x. Đnl 6,5; Lv 19,18). Đó là điều răn trọng nhất và đứng hàng đầu trong sách Luật Môsê (x. Mt 22,36-40; Mc 12,28-31).

Như vậy, Luật (hay Lời) đã có thì cứ việc làm và thực hành là sẽ được sống (x. Lc 10,28). Đó là điểm nhấn của Đức Giêsu, cũng như ở Bài đọc I được trích trong sách Đệ Nhị Luật đã gợi nhắc điều đó: Lời không ở đâu xa mà “ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30,14).

Nhưng người thông luật lại đặt một vấn nạn khác: Ai là người thân cận của tôi? Câu hỏi đó dẫn đến câu chuyện về người Samaritanô nhân lành. Vậy tại sao ông được gọi là người Samaritanô nhân lành? Ông đã làm gì và ông đã đối xử với người bị nạn như thế nào?

Tin Mừng diễn tả và liệt kê cụ thể về một chuỗi hành động của ông, chuỗi hành động quan trọng này mang lại cho chúng ta nhiều ý tưởng để ta có thể suy nghĩ và cầu nguyện.

Trông thấy và chạnh lòng thương.Thiên Chúa coi trọng tình yêu hơn bất cứ thứ gì: “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ”(Hs 6,6). Người Samaritanô nhân lành đã cụ thể hóa tình yêuqua bảy hành động hoa trái: (1) chạnh lòng thương, (2) lại gần, (3) đổ rượu (rửa vết thương) và dầu (sát trùng), (4) băng bó vết thương, (5) đặt lên lưng lừa, (6) đem về quán trọ, (7) tận tình săn sóc.

Hôm sau, tác giả Tin Mừng Luca còn mô tả thêm bảy hành động khác của người Samaritanô: (1) lấy ra hai quan tiền, (2) trao cho chủ quán, (3) nói, (4) chăm sóc, (5) còn thiếu bao nhiêu, (6) khi trở lại, (7) sẽ thanh toán tất cả.

Những động từ và những cử chỉ trên cho ta thấy rằng, người Samaritanô này là một con người tận tụy, chu đáo và nhân hậu. Ông là con người của hành động, hành động vì trông thấy và chạnh lòng thương một con người đang lâm vào cơn quẫn bách khốn cùng và đang cần được giúp đỡ; chứ không như thầy Tư tế và thầy Lêvi kia, họ cũng trông thấy nhưng tránh qua một bên vì họ sợ bị liên lụy, sợ tốn tiền, sợ mất thời gian… dù rằng thầy Tư tế và thầy Lêvi đối với người bị nạn là tương quan thân cận, trong khi đó tương quan giữa người Samaritanô với người bị nạn là tương quan kẻ thù, nhưng ông đã làm tất cả (2 lần 7) hoàn hảo trên mức hoàn hảo.

Người Samaritanô này đã sống giới răn trọng nhất mà ông không hay biết, hay nói cách khác, ông không cần một định nghĩa: “Người thân cận của tôi là ai?” Ông chỉ hành động, hành động vì yêu thương, và tình yêu của ông vượt lên trên mọi ranh giới, rào cản của sự kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, địa vị,… Thiết tưởng, chỉ có một tình yêu đích thực và vô vụ lợi mới ân cần và chu đáo đến như vậy.

Hình ảnh của người Samaritanô trong dụ ngôn trên cũng tỏ lộ cho chúng ta chân dung của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, người mục tử nhân hiền. Chính Ngài là người Samaritanô nhân lành duy nhất, và con người là những kẻ bị thương mà Ngài đến gần để chữa lành. Ngài là Thiên Chúa toàn năng, nhưng Ngài đã luôn yêu thương, quảng đại ban phát, đến nỗi tự mang nợ vào thân như: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (Lc 10,35).

Người thông luật trong bài Tin Mừng đặt mình làm điểm xuất phát, điểm chuẩn để xem “ai là người thân cận của tôi?”, từ đó ông mới ra tay giúp đỡ; nhưng Đức Giêsu muốn đưa ra một lôgic mới “tôi phải là người thân cận của ai?”, nghĩa là ai cần tôi giúp thì người đó là người thân cận của tôi. Vấn đề của người thông luật bây giờ không phải “là suy là nghĩ” nữa (Lc 10,25), nhưng “hãy đi và cũng hãy hành động như vậy”(Lc 10,37).

Người thân cận của tôi hôm nay

Người thân cận của của tôi hôm nay là ai? Tôi đang sống mối tương quan với tha nhân như thế nào? Hằng ngày, qua các biến cố đau thương xảy ra trong cuộc sống, tôi có biết quan tâm hay động lòng trắc ẩn đến nỗi thống khổ, cơ cực của người khác hay tôi cũng giống như những thầy Tư tế và Lêvi trong dụ ngôn trên: dửng dưng, lãnh đạm và vô cảm?

Sống trong xã hội ngày hôm nay, con người dường như “đang bị đe dọa nghiêm trọng do não trạng duy vật và hưởng thụ, tính cục bộ và óc địa phương hẹp hòi” (HĐGMVN, Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, chương 1, số 7), chạy theo đồng tiền nên nhiều người sống vô tình, thờ ơ trước đau khổ của người khác. Đứng trong guồng máy đó, nhiều lúc bản thân chúng ta cũng có thể bị ảnh hưởng ít nhiều và dần đánh mất sự nhạy cảm đối với những người đau khổ, đang cần được yêu thương, giúp đỡ. Có lúc ta đã sống theo chủ nghĩa “mắc-kê-nô” – “mặc kệ nó” mà không hay biết.

Thiết nghĩ, nếu ai trong xã hội cũng giống như thầy Tư tế và Lêvi kia và đôi lúc có thể là chúng ta nữa, thì làm sao những người ăn xin có được một chén cơm để ăn khi đói lòng, có được ly nước để uống khi nóng khát, trẻ mồ côi được chăm sóc dưỡng nuôi, trẻ em mù chắc sẽ ở mãi trong tăm tối và không thể cảm nhận được hơi ấm của cộng đoàn, sẽ không còn ai rơi lệ cho những cuộc đời nhiễm chất độc màu da cam, sẽ không ai bênh vực những con người vô tội, yếu đuối. Lúc ấy cuộc đời thật đáng buồn và vô nghĩa như một văn hào Nga đã từng thốt lên: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương”.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã từng nói: “Sống trên đời cần có một tấm lòng”. Thật đúng như vậy, có ai sống trên đời mà không cần đến người khác, có ai sống trên đời mà không muốn được yêu thương, được quan tâm thăm hỏi. Bởi thế, sống trong xã hội ta cần có một tấm lòng, một trái tim cháy lửa, một trái tim bằng thịt để biết khóc, biết cười, biết lắng nghe, biết yêu thương, biết rung cảm với mọi người thì cuộc đời chắc sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong tập sách “Niềm Vui Sống Đạo thế Kỷ 21” do Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang ấn hành, trang 38 đã viết: “Phúc Âm của Chúa Kitô dạy tôi, truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc, tổ tiên Việt Nam nhắc nhở tôi: Hãy yêu mọi người, kể cả kẻ thù của tôi, vì mọi người đều là con cái của Cha chung và bốn bể đều là anh em với nhau.”

Ca dao tục ngữ dân tộc ta cũng đã dạy: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”… Do đó, tôi phải biết yêu thương, kính trọng, đồng cảm và sống hết lòng với mọi người chung quanh, biết: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,14). Thiết nghĩ, đó là những liều thuốc đặc hiệu để chữa “bệnh vô cảm”. Vì ở đâu có tình yêu thương, ở đó sẽ có vui tươi, an bình, bởi có Chúa Giêsu ở đó.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy biết cảm thông và ra tay giúp đỡ những ai đang cần đến chúng ta, hãy biết chia sẻ với những khó khăn của anh chị em đồng loại nhằm góp phần xoa dịu những vết thương lòng của tha nhân. Ước gì lời Chúa Giêsu dạy trong bài giảng trên núi hôm xưa vẫn còn vang vọng mãi trong cuộc đời của mỗi anh chị em chúng ta hôm nay: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5,7).

                                            Phó tế: Giuse Trần Thanh Hải,SVD

Bài trướcĐTC Phanxicô nói về việc tồn tại 2 Giáo Hoàng trong Giáo Hội
Bài tiếp theoAudio CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN – C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây