BÀI ĐỌC I: Gr 38,4-10
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Trong những ngày ấy, các thủ lãnh tâu vua rằng: “Chúng tôi xin bệ hạ cho lệnh giết người này, vì nó cố ý nói những lời làm lũng đoạn tinh thần chiến sĩ còn sống sót trong thành này và toàn dân. Thực sự tên này không tìm hoà bình cho dân, mà chỉ tìm tai hoạ”. Vua Sêđêcia phán rằng: “Ðấy nó ở trong tay các ngươi, vì nhà vua không thể từ chối các ngươi điều gì”. Họ liền bắt Giêrêmia và quăng xuống giếng của Melkia con Amêlec, giếng này ở trong sân khám đường, họ dùng dây thả Giêrêmia xuống giếng. Giếng không có nước, chỉ có bùn, nên ông Giêrêmia sa xuống bùn. Abđêmêlech ra khỏi đền vua và đến tâu vua rằng: “Tâu bệ hạ, những người này chỉ toàn làm những điều ác đối với tiên tri Giêrêmia, họ ném ông xuống giếng cho chết đói dưới đó, vì trong thành hết bánh ăn”. Vậy vua truyền dạy Abđêmêlech người Êthiôpi rằng: “Hãy đem ba mươi người ở đây theo ngươi, và kéo tiên tri Giêrêmia ra khỏi giếng trước khi ông chết”.
BÀI ĐỌC II: Hr 12,1-4
Bài trích sách Híp-ri
Anh em thân mến, cả chúng ta, chúng ta cũng có một đoàn thể chứng nhân đông đảo như đám mây bao quanh, chúng ta hãy trút bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta nặng nề và tội lỗi bao quanh chúng ta. Chúng ta hãy cương quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Ðức Giêsu, Ðấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Anh em hãy tưởng nghĩ đến Ðấng đã liều thân chịu cuộc tấn công dữ dội của những người tội lỗi vào chính con người của Ngài, ngõ hầu anh em khỏi mỏi mệt mà thất vọng. Vì chưng, trong khi chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa đến nỗi phải đổ máu.
TIN MỪNG: Lc 12,49-53
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng”.
BÀI SUY NIỆM:
SỰ CHIA RẺ TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA
Ngày Đức Giêsu chào đời các thiên thần ca hát, báo hiệu một kỷ nguyên hòa bình: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Trong cuộc đời rao giảng Đức Kitô đã chữa bệnh và đem lại bình an cho nhiều người: “Con hãy đi bình an” (Lc 7,50; 8,48). Khi sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu lại dặn rằng: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “bình an cho nhà này” (Lc 10,5; Mt 10,12). Trước lúc ly biệt, trong bầu khí lưu luyến của tình thầy trò, Đức Giêsu đã bộc bạch: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Rồi sau khi Phục Sinh câu đầu tiên mà Đức Giêsu luôn nói với các môn đệ là: “Bình an cho anh em” (Lc 24,36). Tất cả những dữ liệu ấy minh chứng Đức Giêsu chính là hoàng tử hòa bình.
Thế nhưng, lại có lúc Đức Giêsu công bố rằng: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”(Lc 12,51-53). Chúa Giêsu hẳn đã gây sốc có các môn đệ và cho chính mỗi người chúng ta ngày nay nữa. Vậy, phải chăng Đức Giêsu tự mâu thuẫn với chính mình? Đâu là thực tại của sự bất hòa, sự chia rẽ mà Đức Giêsu muốn nói đến trong đoạn Tin Mừng ngày hôm nay? Chúng ta hãy cùng gẫm suy về sự chia rẽ ấy khởi đi từ chính Đức Giêsu.
- Sự chia rẽ trong con người của Đức Giêsu
Trong vườn Cây Dầu, Đức Giêus đã bồi hồi, xao xuyến đến ướt đẫm mồ hôi máu (Lc 22,44), và Người đã nguyện cùng Chúa cha rằng: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22,42; Mc 14,36). Giây phút bước vào cuộc khổ nạn, mà nơi ấy lòng thù ghét của con người lên đến cao độ, sự phản bội phủ phàng nhất và nỗi cô đơn đến rợn người, Đức Giêsu bỗng thấy xâu xé trong chính tâm hồn mình. Một cuộc đấu tranh diễn ra khủng khiếp đến độ mồ hôi máu phải ứa ra, nhỏ xuống đất. Đó là bằng chứng rõ nét nhất về sự chia rẽ ngay trong chính con người Đức Giêsu.
- Sự chia rẽ giữa Đức Giêsu và người nhà
Lời Đức Giêsu rao giảng có uy quyền (Lc 4,32), làm cho dân chúng phải sửng sốt. Đức Giêsu làm nhiều phép lạ khiến cho khắp đất nước Do Thái phải kéo đến với Người (Lc 8,4). Thế nhưng, ở nơi quê hương Người thì không. Người về quê hương giảng dạy và dân đồng hương đã không tin vào Người đến độ Người đã thốt lên chua xót: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4,24). Còn những anh em bà con với Đức Giêsu thì lại ráo riết tìm bắt Người vì họ cho rằng Người bị mất trí (Mc 3,21). Có một sự chia rẽ rõ ràng giữa Đức Giêsu với chính những bà con xóm giềng và những người cùng huyết thống với Người. Còn chính cha mẹ Người thì đã lấy làm khó hiểu, một phen bối rối, khi lạc Người trong chuyến hành trình lên Giêrusalem: “Sao cha mẹ lại tìm con, cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà cha con sao?” (Lc 2,49). Dĩ nhiên,“Ông bà không hiểu lời Người vừa nói” (Lc 2,50).
- Sự chia rẽ giữa Đức Giêsu và các môn đệ
Sự chia rẽ giữa Đức Giêsu và các môn đệ được nhắc đến nhiều trong tiến trình Đức Giêsu dẫn các môn đệ đi rao giảng và ngày càng rõ nét hơn khi Đức Giêsu sắp bước vào cuộc khổ nạn. Có thể kể ra đây ba ví dụ tiêu biểu. Thứ nhất, đó là trong khi Đức Giêsu tiên báo về việc Người phải hạ mình xuống, bị trao nộp và bị giết chết, thì các môn đệ lại tranh giành với nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm (Mc 9,34; Lc 9,46). Và Đức Giêsu đã phải mang em nhỏ đến để dạy cho các môn đệ bài học về quyền lực đích thực – quyền lực của kẻ hạ mình xuống phục vụ người khác (Lc 9,48). Thứ hai, Tông Đồ trưởng Phêrô can ngăn không cho Đức Giêsu bước vào cuộc thương khó: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16,22). Đức Giêsu đã dạy rất nghiêm khắc: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”Thứ ba, sự chia rẽ tỏ tường nhất chính là việc Giuđa, người quản lý thân tín nộp thầy; Phêrô, Tông Đồ trưởng chối thầy ba lần, còn các môn đệ khác bỏ trốn hết.
- Sự chia rẽ giữa Đức Giêsu và lãnh đạo Do Thái
Trong hành trình rao giảng của mình, Đức Giêsu đã nhiều lần đụng độ với các nhóm kinh sư, Pharisêu, Sađốc. Những đề tài gây cấn là các cuộc tranh luận về luật sạch dơ, về luật giữ ngày Sabát, về việc Đức Giêsu đồng hóa mình với Thiên Chúa (Ga 5,18)… Đức Giêsu cũng đã nhiều lần làm cho nhóm lãnh đạo Do Thái phải bẽ mặt khi khiển trách những kinh sư và Pharisêu là những kẻ giả hình (Mt 23,13.14), đạo đức giả (Mt 7,5; 15,7). Cuộc xung đột trở nên gay cấn hơn khi Đức Giêsu bước vào thanh tẩy đền thờ thành Giêrusalem (Mc 11,11-19; Mt 21,12-17; Lc 19,45-48; Ga 2,13-22). Cuối cùng, các kinh sư và thượng tế đã quyết định giết Đức Giêsu (Mc 11,18), các thân hào trong dân cũng vậy (Lc 19,47). Và kết cục của sự xung đột chính là cái chết mà Đức Giêsu đã chọn lựa để hoàn tất kế hoạch cứu độ cho nhân loại.
- Sự chia rẽ giữa ta với ta
Khi theo Đức Giêsu, mỗi người chúng ta sẵn sàng tuyên chiến với những thói hư tật xấu, những đam mê, dục vọng trần tục trong chính con người mình; hoặc là chúng ta cũng phải từ bỏ ngay chính những điều xem ra là tốt đẹp nhưng không phù hợp với Tin Mừng của Chúa. Đó là sự từ bỏ chính mính: “Ai muốn theo thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24; Mc 8,34). Đó là sự từ bỏ những gì thiết thân với mình: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,33). Phải từ bỏ tất cả những gì mình có quả là một cuộc giằng co, xâu xé, đớn đau biết là nhường nào trong chính con người mình. Theo Đức Kitô còn là bước vào một cuộc chiến đấu nội tâm để giành lấy sự thiện: “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm…Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,15.19). Đó cũng là cuộc chiến giữa Thần Khí và xác thịt: “Tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn” (Gl 5,17).
- Sự chia rẽ giữa ta và gia đình
“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26). Người môn đệ của Chúa phải từ bỏ tất cả những rào cản của một quan hệ huyết thống, nếu cần. Họ phải vượt lên trên mối tương quan huyết thống để rồi xây dựng, vun đắp cho một mối tương quan rộng lớn hơn, sâu đậm hơn;đó là tương quan của những anh chị em trong gia đình Thiên Chúa. Họ cùng gọi Thiên Chúa là “Cha chúng con”, và mọi người là anh chị em của nhau. Mối tương quan ấy dựa trên tiêu chuẩn là “lắng nghe và thực hành” Lời Chúa. Sự chia rẽ giữa người môn đệ với những người thân trong gia đình nhiều khi cao độ đến mức không ngần ngại loại trừ lẫn nhau: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết” (Mt 10,21); “Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em” (Lc 21,16).
Ngôn sứ Giêrêmia ngày xưa cũng bị chính các thủ lãnh Giuđa bắt giam và mưu toan xử tử vì ông dám vâng lời Đức Chúa mà tuyên bố về việc Giuđa sẽ bị thất thủ trước quân Babylon (Gr 38,1-10)
- Chia rẽ giữa ta với thế gian
Lời cảnh báo Đức Giêsu dành cho các môn đệ là: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (Mt 10,22). Người cũng hứa hẹn sự ngược đãi dành cho người môn đệ: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng,mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10,29-30). Người cũng căn dặn các môn đệ rằng: “Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” (Ga 15,20).
Tạm Kết
Đức Giêsu không đến thế gian để mang “chiến tranh”, “chia rẽ”, “thù oán”. Người đến để mang hòa bình, một nền hòa bình đích thực, vĩnh cửu, nhưng “không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27). Nền hòa bình ấy tự nó không mang đến sự chia rẽ, cũng không phải là kết quả tất yếu của sự chia rẽ, nhưng nền hòa bình ấy luôn luôn đối diện với một sự chống đối, loại trừ bởi một nền hòa bình “theo kiểu thế gian”.
Việc chọn lựa Thiên Chúa, luôn luôn đặt người môn đệ trong tư thế sẵn sàng từ bỏ thế gian và thậm chí bị thế gian loại trừ. Cái chết của Thánh Gioan Tẩy Giả đã báo trước một sự loại trừ như thế. Cuộc tử nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu đã cho thấy chính thực tại sự loại trừ, chia rẽ ấy, rồi các Tông Đồ cũng như các tín hữu trung thành qua mọi thời đại đã và đang từng bước trải nghiệm sự loại trừ này.
Nói như kiểu của tác giả thư Hípri, theo Đức Kitô là chúng ta phải “chiến đấu với tội lỗi”, sự ác và trong cuộc chiến đấu này, chúng ta hãy luôn “tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để chúng ta khỏi sờn lòng nản chí” (Hr 12,3).
Lm.Giuse Phạm Duy Thạch,SVD