Thường Niên – Tuần I – Năm C

0
14043

Chúa Nhật – Ngày 13 – Tháng 1

CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA. Lễ kính (Tr).

Bài đọc 1 : Is 40,1-5.9-11

Bài đọc 2 : Tt 2,11-14

Tin Mừng : Lc 3,15-16.21-22

Hồi đó, dân đang trông đợi, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia! Ông Gioan trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra,  và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.

CON LÀ CON CỦA CHA

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD

Tự nói về mình thì người khác khó tin, nhưng nếu được một người có thế giá giới thiệu thì điều đó đáng tin cậy. Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu không tự giới thiệu hay làm chứng về mình, nhưng Ngài được chính Chúa Cha xác nhận: “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con.”

Lời minh định “Con của Cha” đã khái quát cách trọn vẹn nhất về thân thế của Đức Giêsu. Qua đó, ta vừa biết Đức

Giêsu là ai, vừa biết tương quan của Ngài với Thiên Chúa. Được Chúa Cha xác nhận là “Con” giúp ta biết rằng Đức Giêsu bởi Thiên Chúa mà đến. Lời chứng nhận này thật đáng tin cậy vì Thiên Chúa là Đấng chân thật. Đây cũng là đức tin mà mỗi Kitô hữu tuyên xưng qua lời kinh Tin Kính: “Tôi tin kính Đức Giêsu Kitô Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời.”

Chính nhờ tin vào Đức Giêsu, ta cũng được chia sẻ quyền làm con Thiên Chúa với Ngài. Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, ta được trở thành con cái Thiên Chúa, được làm anh em của Đức Giêsu. Ngày đó, Thiên Chúa Cha đã xác nhận với ta rằng “con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con”. Ta được sinh lại bởi nước và Thần Khí để bước vào đời sống mới trong mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Từ đây, ta được diễm phúc gọi Thiên Chúa là Cha và được mời gọi sống tình con thảo đối với Ngài.

Lời Chúa ngày hôm nay giúp mỗi người chúng ta nhìn lại chính mình trong ơn gọi làm con Thiên Chúa, để rồi ta tự chất vấn chính mình xem ta có trân quý ơn gọi làm con Chúa hay không? Ta có bắt chước Đức Giêsu để tìm cách làm vinh danh Cha, hay ta đang làm ô danh Cha vì lối sống tội lỗi của mình?

Lạy Cha xin cho mỗi người chúng con luôn cảm nếm được niềm hạnh phúc trong ơn gọi làm con Cha và ra sức làm cho danh Cha được cả sáng.

 

Thứ Hai – Ngày 14 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN I

Bài đọc : Hr 1,1-6

Tin Mừng : Mc 1,14-20

Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”  Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy ông Simôn với người anh là ông Anrê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Dêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

CUỘC ĐỜI VẮN VỎI

Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Lĩnh, SVD

Những bước đi của thời gian là dấu chỉ cho con người nhận ra đích điểm cuộc sống trần thế của mình. Đến một lúc nào đó, nó sẽ phải dừng lại! Với con người, thời gian là thứ một đi không trở lại, và nó chỉ còn đọng lại ở những hoài niệm về ngày hôm qua, về điều tôi đã làm, hay điều tôi mong muốn thực hiện.

Vì cuộc đời ngắn ngủi, người ta thường có hai lối sống để phản ứng lại cái ngắn ngủi của đời người. Một đàng là cố gắng sống hưởng thụ để thỏa mãn điều mình yêu thích. Như vậy, khi chết đi, ta chẳng có gì phải tiếc nuối. Những người theo kiểu sống này cho rằng: “chết no hơn sống thèm”. Đàng khác, có nhiều người khác tự nhủ lòng phải gắng tu thân tích đức, gắng sống cho thiện hảo để khi chết đi, chẳng phải hối tiếc gì. Thái độ sống thứ hai này có lẽ là tâm tình mà Lời Chúa hôm nay mời gọi tôi hướng tới.

“Thời kỳ” chính là lúc Thiên Chúa khai mở kế hoạch cứu độ nhân loại từ trong lịch sử. Đức Giêsu đến và cho ta thấy rõ hơn thời kỳ của Nước Thiên Chúa. Đó là thời kỳ Ngài bước vào sứ vụ rao giảng về Nước Thiên Chúa; Nước Thiên Chúa đã đến gần nơi chính con người Đức Giêsu. Ông Gioan đã dọn đường, và chính Đức Giêsu là “Con Đường” đó. Điều thách đố đối với tôi là Nước Trời bao hàm chiều kích tương lai, và chỉ được thành toàn cho tới ngày Đức Giêsu lại đến. Để hướng tới tương lai hạnh phúc với Thiên Chúa, Tin Mừng mời gọi tôi làm một cuộc hoán cải tận căn để cho thấy rằng tôi đã tin vào những gì Đức Giêsu chỉ dạy.

Lạy Chúa Giêsu, mỗi ngày mai lại có những lo toan mới. Nếu đó là con đường Chúa mời gọi chúng con bước đi, thì xin cho con biết kiên tâm bước tới Nước Chúa với lòng hoán cải, với niềm khát khao và lòng nhiệt huyết.

 

Thứ Ba – Ngày 15 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN I

Thánh Arnold Janssen – Đấng Sáng Lập Dòng Ngôi Lời

Lễ Trọng của Dòng Ngôi Lời (Tr)

Bài đọc 1 : Is  52,7-10

Bài đọc 2 : Ep 3,8-12.14-19

Tin Mừng : Ga  1,1-5. 9-14. 16-18

Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.  […]

HÃY LÀ ÁNH SÁNG

Tu sĩ Giacôbê Nguyễn Hoàng Long, SVD

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong phần Lời Tựa của Tin Mừng Gioan. Đoạn Tin Mừng giới thiệu cho chúng ta về nguồn gốc, về bản chất cũng như mối tương quan giữa Ngôi Lời với nhân loại.

Câu Kinh Thánh “Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người” cho ta thấy một thực tế trong thế giới ngày hôm nay. Đó là, con người được dựng nên bởi Thiên Chúa, nhưng khi Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đến thì con người lại không nhận biết Ngài.

Thế giới ngày hôm nay vẫn còn rất nhiều người chưa nhận biết Ánh Sáng của Ngôi Lời. Đặc biệt ở Châu Á của chúng ta, người Kitô hữu chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Câu Lời Chúa trên một lần nữa như nhắc nhở mỗi người chúng ta về sứ mạng làm chứng cho Ngôi Lời, làm chứng cho Ánh Sáng Thật là Đức Giêsu Kitô. Là một Kitô hữu, một tu sĩ, chúng ta được mang trong mình Ánh Sáng Ngôi Lời. Vậy chúng ta phải sống làm sao để Ánh Sáng ấy tỏa lan, chiếu sáng đến mọi người, để mọi người nhận biết Thiên Chúa đang ở giữa thế gian.

Hôm nay Dòng Ngôi Lời chúng ta hân hoan mừng lễ kính thánh Arnold Janssen, đấng sáng lập Hội Dòng. Cha thánh Arnold là một người luôn khát khao đem Ánh Sáng Ngôi Lời đến với mọi người ở khắp mọi nơi trên thế giới. Noi gương cha thánh, mỗi tu sĩ Ngôi Lời chúng ta phải cố gắng hết mình để cuộc sống của chúng ta trở nên chứng tá cho Ánh Sáng thật là Đức Giêsu Kitô.

Lạy Ngôi Lời Nhập Thể, xin cho chúng con biết sống và bước đi trong Ánh Sáng của Người, là biết làm cho mọi người nhận biết Chúa là Ánh Sáng thật qua chính cuộc sống của mỗi người chúng con.

 

Thứ Tư – Ngày 16 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN I

Bài đọc : Hr 2,14-18

Tin Mừng : Mc 1,29-39

Vừa ra khỏi hội đường Caphácnaum, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simôn và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simôn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài. Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai. Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. […]

NGÀY SỐNG CỦA ĐỨC GIÊSU

Lm. Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy một ngày làm việc của Đức Giêsu. Người tất bật làm việc từ sáng tới chiều, nhưng Người cũng không quên giờ cầu nguyện để kết hiệp với Chúa Cha. Vậy ngày làm việc của Người có ý nghĩa gì cho ta? Ta học được gì qua ngày làm việc đó?

Khởi đầu Tin Mừng, tác giả viết: “Vừa ra khỏi hội đường…” Ra khỏi có nghĩa là Đức Giêsu đã từng ở trong; ra khỏi còn có nghĩa là Lời Chúa không thể mãi ở trong; Lời Chúa phải được đem ra khỏi hội đường để đến với mọi người. Do đó, động từ “ra khỏi” như thể nói đến một cuộc lên đường, một sứ vụ cần thực hiện.

Sau đó, ta thấy sứ vụ của Đức Giêsu là đi thăm viếng, chữa bệnh cho mẹ vợ của ông Simon cũng như tất cả những ai chạy đến với Người. Theo quan niệm của người Do Thái xưa, bệnh sốt có nguồn gốc từ ma quỷ (x. Lv 26,16). Vì thế, việc Đức Giêsu chữa bệnh cho mẹ vợ ông Simon và tất cả những ai bị bệnh chạy đến với Người chứng tỏ quyền uy và sức mạnh của Người trên ma quỷ, bệnh tật.

Ngoài ra, Đức Giêsu còn tranh thủ đi đến nơi thanh vắng cầu nguyện với Chúa. Nhờ không gian yên tĩnh của buổi sáng sớm, Đức Giêsu kết hợp và tìm ra thánh ý của Thiên Chúa cho ngày sống của mình. Với một ngày sống như thế, ta có cảm giác Đức Giêsu luôn tất bật với công việc. Ngài tranh thủ mọi thời giờ có thể để vừa hoàn trọn sứ vụ vừa kết hợp với Chúa Cha để tìm thánh ý Ngài. Do đó, chúng ta cũng được mời gọi noi gương Người trong ngày sống của mình. Dù công việc có bận rộn đến đâu, chúng ta cũng phải dành thời gian để kết hiệp với Chúa nhờ đó, Người sẽ giúp ta hoàn thành tốt mọi công việc của mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết dành thời gian cầu nguyện để múc lấy sức mạnh và sự khôn ngoan từ trời mà chu toàn tốt sứ vụ được giao phó.

 

Thứ Năm – Ngày 17 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN I

Thánh Antôn, viện phụ. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Hr 3,7-14

Tin Mừng : Mc 1,40-45

Khi ấy, có người bị phong hủi đến gặp Đức Giêsu, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” Lập tức, bệnh phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

ĐẾN VỚI CHÚA ĐỂ ĐƯỢC CHỮA LÀNH

Tu sĩ Phêrô Đỗ Văn Năng, SVD

Sự cảm thông và lòng trắc ẩn nơi một người thường có sức lôi cuốn người khác. Những ai sở hữu hai đức tính này sẽ được nhiều người tìm đến, và khi gặp gỡ, họ sẽ tìm được sự bình an, san chia buồn vui.

Chúa Giêsu trong khung cảnh bài Tin Mừng hôm nay được mọi người tìm đến. Họ kéo đến với Chúa sau khi nghe lời chứng của anh thanh niên được chữa lành khỏi bệnh phong hủi. Đối với anh, Chúa Giêsu là một Đấng đầy quyền năng, luôn cảm thông và giàu lòng trắc ẩn. Thật thế, đứng trước sự khốn khổ của anh, Chúa đã chữa lành cho anh khỏi một thứ bệnh được xem là nan y vào thời đó. Hơn thế nữa, trong suốt ba năm hoạt động sứ vụ công khai, Chúa đã luôn bày tỏ cho mọi người thấy hình ảnh một Thiên Chúa tình yêu. Bằng chứng là Chúa đã chạnh lòng thương khi thấy đám đông đi theo Người đang đói lả mà không có gì ăn; Người cảm thông với nỗi đau của bà góa mất đi đứa con duy nhất của mình; Người đã rơi lệ khi chứng kiến sự ra đi của một người bạn là Ladarô …

Ước mong sao những người mang danh là Kitô hữu, đặc biệt là những người bước theo Đức Kitô trên hành trình tận hiến, luôn biết học nơi Chúa về sự cảm thông và giàu lòng trắc ẩn, để họ có thể xoa dịu cho những ai đang đau khổ vì bệnh tật cả về thể xác lẫn tinh thần. Từ đó, giúp mọi người nhận ra khuôn mặt của một vị Thiên Chúa quyền năng và đầy lòng xót thương.

Lạy Chúa, con ý thức rằng bản thân con cũng là “người bệnh” cần tới lòng thương xót của Chúa. Xin cho con biết tìm đến với Chúa để được chữa lành. Và khi được chữa lành rồi, xin cho con cũng biết chữa lành thương tích của anh chị em con.

 

Thứ Sáu – Ngày 18 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN I

Tuần cầu cho Kitô hữu hiệp nhất

Bài đọc : Hr 4,1-5.11

Tin Mừng : Mc 2,1-12

[…] Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giêsu một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng.

Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.”  Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” Tâm trí Đức Giêsu thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ : “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? Trong hai điều : một là bảo người bại liệt: ‘Con đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi’, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giêsu bảo người bại liệt,- Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!” Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau : “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!”

BỆNH BẤT TOẠI TÂM HỒN

Tu sĩ Antôn Chu Văn Nhật, SVD

Điểm nhấn của trình thuật Tin Mừng Máccô hôm nay chính là câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người đàn ông bị bại liệt.

Hình ảnh bốn người khiêng kẻ bại liệt tìm mọi cách để có thể tiếp cận Chúa Giêsu đã gợi lên cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Trước hết, những người khiêng thể hiện lòng trắc ẩn trước nỗi thống khổ của người anh em mình. Họ đã không quản ngại khó khăn khi dỡ cả mái nhà để đưa người bại liệt đến gần với Chúa Giêsu. Sau đó, họ còn cho chúng ta thấy một niềm tin mãnh liệt vào quyền năng chữa lành của Người nữa. Và quả thật, lòng trắc ẩn và niềm tin ấy đã phát sinh công hiệu; Chúa Giêsu đã nhận ra lòng tin của họ và chữa lành người bất toại.

Việc Chúa chữa lành căn bệnh bất toại thể xác còn mang một ý nghĩa huyền nhiệm thâm sâu hơn, đó chính là quyền tha tội của Người. Những căn bệnh thể lý làm cho chúng ta đau khổ, thất vọng, nhưng đó mới chỉ là những thứ đau khổ của cảm giác bên ngoài. Những căn bệnh tâm linh còn gây ra hậu quả nghiêm trọng khủng khiếp hơn mà đôi lúc chúng ta lại không nhận ra. Biết đâu trong một thân xác khỏe mạnh, là một tâm hồn đang mang trọng bệnh, có nguy cơ bất toại. Việc nhận ra những căn bệnh bất toại tâm hồn luôn luôn cần thiết, nhờ đó chúng ta có thể chạy đến với Chúa để được Người chữa lành.

Lạy Chúa Giêsu, xin chữa lành chúng con khỏi những căn bệnh bất toại thể lý và tâm hồn.

 

Thứ Bảy – Ngày 19 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN I

Bài đọc : Hr 4,12-16

Tin Mừng : Mc 2,13-17

Khi ấy Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ. Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lêvi con của Alphê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông liền đứng dậy theo Người. Và xảy ra là khi Người dùng bữa tại nhà ông, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?” Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo họ: “Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”.

YÊU THƯƠNG TẤT CẢ

Lm. Gioan Trần Nam Phong, SVD

Các kinh sư thuộc nhóm Pharisêu gọi những người tội lỗi và thu thuế là “bọn thu thuế” và “quân tội lỗi”. Cách xưng hô này mang nặng tính miệt thị vì họ tự cho mình là người Do Thái chân chính, những người công chính, những người tuân giữ luật cách nhiệm nhặt như những gì cha ông họ truyền dạy. Những ai không làm được như họ thì họ đối xử như công dân hạng hai, bị phân biệt, xa lánh. Vì vậy các kinh sư đã bị sốc khi thấy Đức Giêsu cùng ăn uống với họ nên thắc mắc: “Tại sao thầy các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”. Nhưng “bọn thu thuế và quân tội lỗi” lại là đối tượng được Đức Giêsu quan tâm. Đối với những người tội lỗi, Đức Giêsu tỏ mình là thầy thuốc đến cứu tâm hồn họ.

Trong cuộc sống, chúng ta không ít lần đã đối xử với anh chị em của mình giống như các kinh sư.  Cách này hay cách khác, chúng ta tự cho mình có quyền loại trừ những người anh chị em mình bằng lời nói, hành động, nhằm hạ uy tín hay phớt lờ những người cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.

Thánh Phaolô nhắc chúng ta về thân phận tội lỗi của con người: “Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 3,23-24). Ý thức được điều này, mỗi người chúng ta cần nhận ra tình yêu tha thứ mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, đồng thời thôi thúc chúng ta thể hiện tình yêu đối với anh chị em chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mở lòng ra để lãnh nhận tình yêu Ngài và biết chia sẻ tình yêu ấy cho mọi người qua những hành động cụ thể.

 

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa – Năm C
Bài tiếp theoĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm Rumani

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.