Thánh Thể – một cuộc hòa giải nội tâm

0
532

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Quốc Hưng, SVD

Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô giáo.[1] Vì vậy, “việc hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa và sự hợp nhất của dân Thiên Chúa, nhờ hai điều đó mà Hội Thánh được tồn tại, được diễn tả cách xác đáng và thực hiện cách diệu kỳ nhờ Bí Tích Thánh Thể. Trong Bí Tích này, hành động của Thiên Chúa thánh hóa trần gian trong Đức Kitô và việc phụng tự mà con người dâng lên Đức Kitô và nhờ Người mà dâng lên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, cả hai đều đạt tới tột đỉnh.”[2] Từ điểm giáo lý đức tin này của Giáo Hội tôi xin viết một vài suy tư về Bí Tích Thánh Thể dưới khía cạnh: Thánh Thể – Một Cuộc Hòa Giải Nội Tâm.

Bài viết gợi hứng từ khóa học Workshop Linh Đạo Ngôi Lời, mùa hè niên khóa 2014-2015 về đề tài Linh Đạo Truyền Giáo Trên Nền Tảng Chúa Ba Ngôi. Cha Tony Bon Pates, SVD nhìn về hình ảnh “lò than” trong sân của vị thượng tế, nơi Phêrô đứng sưởi cùng với đám thuộc hạ của ông ta, như là “chứng nhân” cho sự yếu đuối của Phêrô khi ông chối bỏ thầy mình. Và, cũng hình ảnh “bếp than hồng” ấy bên bờ biển hồ Tibêria, nơi Đức Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ của mình, đã nối kết thánh Phêrô với Thầy và biến ngài thành vị thủ lãnh và là chủ chăn vĩ đại trong Giáo Hội.

Quả thật, nhờ sự hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa và sự hợp nhất của dân Thiên Chúa mà Hội Thánh được tồn tại. Theo tôi, một lần nữa, chính bữa ăn bên bờ biển hồ Tibêria mà Đức Kitô Phục Sinh đã chuẩn bị sẵn cho các môn đệ là nhịp cầu nối lại niềm tin của chính các ông với Đức Giêsu, Thầy của họ: “Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa” (Ga 21,9), “Đức Giêsu nói – Anh em hãy đến mà ăn! Không ai trong các môn đệ dám hỏi – Ông là ai? – vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giêsu cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy” (Ga 21,12-14).

Niềm tin của các ông đã bị đánh mất khi Thầy mình chịu khổ nạn và chịu chết trên cây thập tự; Thầy không còn bên cạnh như trước nên họ thấy trống vắng, buồn tẻ và cuộc đời dường như vô nghĩa. Hai lần gặp Chúa Giêsu sống lại bằng xương bằng thịt “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói – Bình an cho anh em!” (Ga 20,19) “Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói – Bình an cho anh em!” (Ga 20,26) dường như quá ngắn ngủi giữa hoàn cảnh đầy bối rối và lo âu vì áp lực chung quanh, và hai lần hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh dường như chưa đủ mạnh để thay đổi cuộc sống của các môn đệ.[3]

Chính lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ sau khi trỗi dậy từ cõi chết này, mà niềm tin vào Đấng Phục Sinh được xác tín mạnh mẽ và trở nên nguồn sống của các ông. Cách riêng, đây là một cuộc hòa giải nội tâm giữa Phêrô, người thủ lĩnh, trụ cột của Giáo Hội và Đức Giêsu. Nếu hình ảnh “lò than”trong sân của vị thượng tế là chứng nhân cho việc thánh Phêrô chối thầy, mặc dù, cách đó không lâu, ngài đã mạnh miệng tuyên bố “Dù mọi người vấp phạm, song con không bao giờ vấp phạm” (Mt 26,33), thì  hình ảnh “than hồng” mà Chúa Giêsu Phục Sinh chuẩn bị sẵn trên bờ biển hồ Tiberia là hình ảnh tượng trưng cho cuộc hòa giải tuyệt vời giữa Người với thánh Phêrô.

Một bếp lửa nóng nhưng thiếu vắng tình yêu đã khiến thánh Phêrô chối Thầy ba lần khi không dám nhìn nhận mình là môn đệ, dù chỉ là trước mặt một hầu nữ của vị thượng tế. Sức nóng từ bếp có thể làm thánh Phêrô bớt lạnh, nhưng lòng ngài không đủ ấm để cảm nhận được cái lạnh và sự cô đơn đến tột cùng của Thầy mình khi bị phản bội. Bên bờ biển hồ Tibêria Chúa Giêsu dùng chính “bếp than hồng” cùng với bánh và cá, như là biểu tượng Bí Tích Thánh Thể, và là dấu chỉ của một bữa ăn hiệp thông, để làm tan chảy trái tim khô cứng và những mặc cảm tội lỗi nơi thánh Phêrô. Cuộc đấu tranh nội tâm, giằng co lên đến cao điểm, xâu xé tâm hồn thánh Phêrô khi Đức Giêsu Phục Sinh hỏi ông đến ba lần “Này anh Simon Phêrô, con ông Gioan, anh có mến thày hơn các anh em này không?” (Ga 21,15-17). Chỉ khi thánh Phêrô ba lần thốt lên lời yêu thương: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy” (x. Ga 21,15-17), thì cuộc hòa giải mới đạt tới sự tròn đầy. Tình thương tha thứ của Thầy đã biến đổi thánh Phêrô và làm cho con tim ngài thật sự rung nhịp đập yêu thương với Thầy.

Bí Tích Thánh Thể như là lời mời gọi con người ngồi lại bên Chúa mà đối diện với lòng mình, với những điều sâu kín tận đáy tâm hồn. Tại nơi sâu thẳm lòng mình, con người đối diện với những nỗi đau và mặc cảm tội lỗi, tưởng chừng chẳng bao giờ được bộ lộ ra, hay chẳng bao giờ phải bị khơi lại. Nhưng không, Bí Tích Thánh Thể mời gọi con người, cùng với Chúa, hãy đối diện với thực trạng của mình, để rồi “bếp hồng Tibêria” sẽ thiêu cháy tất cả và được quyện với Bánh và Cá nướng như của lễ dâng lên Thiên Chúa mà hòa giải cùng Ngài.

Ngoài ra, tác giả Tin Mừng thứ Tư còn cho chúng ta thấy một điểm nữa: Đức Giêsu không dọn sẵn hoàn toàn bữa ăn hiệp thông này, nhưng vẫn dành chỗ để mời gọi con người đến cộng tác và tham dự với Ngài, khi Ngài nói, “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” (Ga 21,10). Thiên Chúa muốn tổ chức bữa ăn hiệp thông này cùng với sự lao công của con người. Dù chỉ là một chút nhỏ thôi, nhưng Thiên Chúa vẫn muốn dùng phần đóng góp đó, vì sự siêng năng và giá trị của lao tác vốn là điều quý báu của con người, như lời sách Châm Ngôn: “Kẻ lười biếng có thịt săn cũng không chịu nấu, nhưng siêng năng là vốn quý của con người” (Cn 12,27). Đức Giêsu đón nhận phần đóng góp nhỏ từ công khó của con người mà còn thánh hóa nó để trở nên của ăn đàng cho mọi người hưởng dùng cùng với niềm vui, như lời Thánh Vịnh: “Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may” (Tv 128,2).

Trong bữa ăn hiệp thông này, một cuộc hòa giải nội tâm được thực hiện, nối kết con người trở lại tương quan với Thiên Chúa, và không dừng lại ở đó, bữa ăn hiệp thông mời gọi sự quan tâm và tinh thần trách nhiệm đối với người khác, giống như lời của Chúa Giêsu dành cho thánh Phêrô “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Một khi thánh Phêrô được hòa giải và hiệp thông với Thầy, Chúa Giêsu mới mời gọi thánh nhân theo Người, theo một cách quyết liệt, theo với tả cả sự dấn thân trọn vẹn, theo với tất cả tình yêu. Tham dự vào Bí Tích Thánh Thể là một đòi hỏi của tình yêu đáp trả lại tình yêu.

Tóm lại, bữa ăn hiệp thông mà Chúa Giêsu Phục Sinh dọn mời các môn đệ của Ngài nơi biển hồ Tibêria, toát lên vẻ đẹp dấu chỉ của Bí Tích Thánh Thể. Ngang qua bữa ăn đó, cuộc hòa giải nội tâm diễn ra như một sự nối kết lại những gì đã đánh mất: mất niềm tin, mất nhiệt tâm, mất tình yêu. Chính Chúa Giêsu là người đi bước trước, đánh động tận sâu thẳm cõi lòng và mở ra cho con người một hướng đi mới, một sự liều lĩnh dám bước theo con đường Đức Giêsu đã đi, để rồi từ đó, đáp trả lại tình yêu nhưng không Thiên Chúa trao ban qua việc quan tâm phục vụ tha nhân như lời mời gọi của Đức Giêsu phục sinh “Hãy chăm sóc Chiên của Thầy”.

[1] Sách GLGHCG, số 401, Tôn Giáo 2012, tr. 1324.

[2] Ibid, số 325, tr. 401.

[3] WILLIAM BARCLAY, Tin Mừng Theo Thánh Gioan, Tôn Giáo 2008, tr. 483.

Bài trướcĐại hội Truyền giáo toàn quốc Indonesia
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 20 Thường Niên – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.