Lời Chúa + Bài giảng Lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ (CN XXXIV TN – C)

0
578

Bài Ðọc I: 2 Sm 5, 1-3

“Họ xức dầu phong Ðavít làm vua Israel”.

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, toàn thể chi tộc Israel đến cùng Ðavít tại Hebron mà nói rằng: “Ðây chúng tôi là cốt nhục của ngài. Nhưng từ trước đến giờ, khi Saolê đang làm vua chúng tôi, thì chính ngài đã dẫn dắt Israel. Và Chúa đã nói với ngài rằng: ‘Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel dân Ta, và sẽ trở nên thủ lãnh Israel'”.

Vậy tất cả các vị kỳ lão Israel đều đến tìm nhà vua tại Hebron, và tại đó, vua Ðavít ký kết với họ một giao ước trước mặt Chúa. Họ liền xức dầu phong Ðavít làm vua Israel.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5

Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa” (c. 1).

Xướng: 1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. – Ðáp.

2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. – Ðáp.

3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Cl 1, 12-20

“Người đã đem chúng ta về Nước Con yêu dấu của Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Chúa Cha, Ðấng đã làm cho anh em xứng đáng lãnh phần gia nghiệp các thánh trong ánh sáng. Chúa đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, đem chúng ta về nước Con yêu dấu của Chúa, trong Người chúng ta được ơn cứu rỗi nhờ máu Người, và được ơn tha tôi.

Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người, muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài, và mọi loài tồn tại trong Người.

Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người, và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mc 11, 10

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Ðavid tổ phụ chúng ta đã đến. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 23, 35-43

“Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Ðấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn”. Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: “Người Này Là Vua Dân Do Thái”.

Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: “Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”. Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?” Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề: VƯƠNG QUYỀN CỦA VUA KITÔ

Lm. Giuse Nguyễn Đức Hòa,SVD

Ngày xưa, danh hiệu vua được dùng cho những người có quyền thế, có chức tước địa vị cao của một dân tộc hay một quốc gia. Người có danh hiệu này, có uy quyền rất lớn trong lãnh thổ hay phạm vi người ấy cai quản. Những vị vua đó sẽ có được sự thần phục, tôn vinh, bái thờ hay ít ra là nể sợ của thần dân. Ngày nay, danh hiệu vua được gọi không chỉ cho những vị đứng đầu vương quốc hay quốc gia đang còn nền quân chủ, mà còn được dùng cho những người thành đạt trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chúng ta thường nghe nói đến danh hiệu “vua” trong lĩnh vực thể thao, kinh tế, văn hóa và nghệ thuật. Họ là những người đã có được thành công trong công việc, trong đời sống hơn hẳn những người khác.

Tất cả những vị vua trong nhiều lĩnh vực, qua nhiều thời đại đó, đều bị dưới hạn quyền năng, danh tánh và cả sự sống trong thời gian nhất định. Chẳng có vị vua nào ở trần gian này có được uy quyền vĩnh cửu, hay quyền thế bao trùm mọi sự. Tuy nhiên, có một vị vua mà uy quyền, lãnh thổ và thần dân không giới hạn; thời gian trị vì của vua ấy mãi không chấm dứt; vịvua đó là Đức Giêsu Kitô. Ngài là vị Vua của toàn thể vũ trụ mà Giáo Hội tôn kính vào ngày lễ Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ.

Đức Giêsu Kitô là Vua Vũ Trụ.Danh hiệu này được Thiên Chúa siêu tôn và tặng ban cho Người vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Vì Người đã thực thi thánh ý của Thiên Chúa là cứu chuộc nhân loại. Bài Tin Mừng trong ngày lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ cho chúng ta thấy Đức Kitôthực thi thánh ý Thiên Chúa ngay trên thập giá. Đồng thời, qua đó Người còn tỏ lộ cho chúng ta biết rõ về vương quyền của Người.

Vương quyền của Vua Giêsu trước hết được nhà cầm quyền nói đến qua tấm bảng “Đây là Vua người Do Thái”. Một cách tưởng chừng như nhà cầm quyền công nhận danh hiệu của Vua Giêsu tại thế gian. Nhưng, kiểu làm Vua của Đức Giêsu thật khác thường. Một vị Vua mà vương miện chỉ là vòng gai, thân mình trần trụi không cẩm bào, không mũ áo cân đai. Một vị Vua không có quần thần hộ vệ, không có thần dân tôn xưng chúc tụng mà chỉ có nhạo báng kinh chê. Thế nhưng, lúc ấy chính là thời điểm Người thi hành vương quyền của một vị Vua. Đức Giêsu thi hành vương quyền đó là thực hiện công trình của Thiên Chúa nhằm cứu độ nhân loại. Một chương trình vì tình yêu thương, một chương trình đưa con người trở lại sự sống mới trong Thiên Chúa. Hơn bao giờ hết, ngay lúc ấy Vua Giêsu đang hành động để mở cửa trời cho loài người vào cùng Thiên Chúa.

Tiếp đến, Đức Giêsu tỏ lộ vương quyền của Người bằng sự vâng phục phó thác theo thánh ý của Cha. Người vâng phục khi bằng lòng chịu nhục hình trên thập giá. Dù Người có quyền năng để bước xuống, như lời cám dỗ của đám đông dân chúng: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!” (Lc 23,37), nhưng Người đã không bị chi phối vì những lời ảo vọng thách thức quyền năng đó. Điều quan trọng và cần thiết mà Người cần đến là thi hành theo thánh ý của Cha. Hơn nữa, vì Người thật là Con Thiên Chúa, nên Người không tự ý xuống khỏi thập giá, mà đón nhận nó với chủ ý vâng phục, phó thác.

Vương quyền mà Đức Giêsu tỏ ra không như kiểu thế gian bày tỏ. Ngài không đến với kẻ rước người đưa, chẳng cần đến sự chầu chực trong cung điện, không cần đến kẻ hầu người hạ, mà ngược lại là người phục vụ vì tình yêu và vâng phục. Vâng phục và chịu sự sỉ nhục trên thập giá là điều Người đã làm. Đức Giêsu không muốn chúng ta tin Người vì những màn trình diễn ngoạn mục. Nhưng Người muốn chúng ta tin vì Người chấp nhận cái chết với niềm vâng phục phó thác vào Thiên Chúa Cha.

Vương quyền của Đức Giêsu được thể hiện một cách rõ ràng hơn là chính vào lúc hấp hối. Lúc mà mọi sự tưởng như xụp đổ, thì vị Vua bị đóng đinh lại thể hiện vương quyền của mình. Người trộm lành bị đóng đinh cùng đã có lòng thống hối và tin tưởng vào Người, và đã được tỏ cho thấy vương quyền: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43). Như thế, Người đã cho thấy vương quyền mà Người có không phải như vương quyền của vua chúa ở trần gian, chỉ thể hiện ở thế gian chóng qua và sẽ lụi tàn. Vương quyền của Vua Giêsu thể hiện ở trên Nước Trời, một nơi trường tồn vĩnh cửu. Minh chứng cụ thể là người trộm lành được bước vào Nước Trờichỉ nhờ Đức Giêsu. Bước vào Nước Trời là bước vào sự sống củaân sủng cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã thực hiện ơn cứu độ; và đó là sự thực thi vương quyền Thiên Chúa tặng ban cho Người. Người thực thi vương quyền ấy vì tình yêu thương nhân loại và vì vâng phục hết mình theo thánh ý của Cha.

 Mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, Giáo Hội mời gọi mỗi Kitô hữu từ bỏ những phù phiếm vương quyền trần gian; từ bỏ những ảo tưởng về địa vị và danh vọng. Thay vào đó, tin theo và chấp nhận làm thần dân của “Vua Vũ Trụ” là Đức Giêsu Kitô. Điều kiện để làm thần dân của Chúa là đón rước Ngài vào đời mình qua việc lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Rửa Tội và Thánh Thể. Ngoài ra, ngày lễ này cũng là dịp để mỗi người hướng về vương quốc đích thực của chúng ta trên quê trời, nơi mà mọi người hằng mong đợi. Để có thể được vào nước của Chúa, chúng ta hãy bước theo đường lối của Ngài qua việc sống chứng nhân Tin Mừng giữa lòng đời. Ước gì tất cả mọi người sẽ là công dân thần phục của Vua Giêsu Kitô, vị Vua của toàn thể vũ trụ.

 

Bài trướcSuy nghĩ về Ơn gọi và Sứ mạng của Nhà Giáo nhân ngày 20-11
Bài tiếp theoAudio Lời Chúa + Suy niệm Lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ (Chúa Nhật XXXIV TN – C)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.